Luật Ngầm

Thư mục được tự động giải mã dần hiện ra trước mắt tôi. Đầu tiên là hồ sơ về một băng nhóm mafia xuyên quốc gia có tên là Rồng Đen.

Các báo cáo được ghi lại từ đầu tháng 7 năm 1992 đến tháng 1 năm 2007 thì ngừng. Hồ sơ cũng chỉ rõ ba tôi bắt đầu theo đuổi vụ này từ tháng 3 năm 1992. Việc ba bị bắt tạm giam cũng nằm trong kế hoạch của cơ quan công an nơi ba tôi hợp tác để cùng triệt phá băng nhóm tội phạm này. Ông phải vào tù để tiếp cận một người có liên quan đến các hoạt động rửa tiền phi pháp của Rồng Đen tại Việt Nam. Tại các nước châu Á, Rồng Đen hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực rửa tiền, chế tạo khuôn tiền giả, buôn bán ma tuý và buôn người.

Bác Hai của tôi vốn hoàn toàn không liên quan đến vụ này, nhưng sau khi ba tôi lấy được thông tin là những số liệu và cách thức thao túng tài chính đen tại Việt Nam của Rồng Đen, một lệnh tiêu diệt khẩn cấp được đưa ra từ trung tâm đầu não của chúng để ngăn chặn ba hợp tác cùng tổ chức bóc dỡ âm mưu gây nhiễu loạn nền kinh tế trong nước. Kẻ được giao đi thực hiện vụ ám sát đó đã bắt nhầm bác tôi là anh em song sinh của ba.

Biết đã bắt nhầm mục tiêu, chúng tiếp tục cho người trở lại Việt Nam để tìm giết ba tôi bằng được. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ sai lầm lần trước, cũng như không muốn mạo hiểm giết người một cách lộ liễu khiến những toan tính của chúng có thể đi chệch quỹ đạo bất cứ lúc nào, chúng đã chọn một cách thức an toàn và hiệu quả hơn, đó là giết chết ba tôi bằng thuốc độc. Lợi dụng sơ hở khi ba tôi nằm viện tiến hành xạ trị định kỳ, chúng đã tráo morphine(1) bằng một loại thuốc độc gây tử vong sau một thời gian. Và không ai nghi ngờ về cái chết của ba tôi.

Điều này giải đáp cho thắc mắc của tôi vì sao ba lại ra đi một cách rất nhanh chóng như thế, khi mà trước đó gặp tôi, ông vẫn còn khá khoẻ mạnh, bệnh tình đang dần hồi phục. Bà nội nói ba rơi vào trạng thái mất ý thức rất nhanh. Tôi nghĩ rằng bọn chúng không muốn ba tôi tiết lộ thêm bất cứ điều gì trước khi chết. Tôi không biết vì sao ông lại phát hiện ra âm mưu sát hại này, nhưng có lẽ chính vì biết mình khó có thể thoát khỏi cửa tử, ông quyết định để lại hồ sơ cho tôi với mong muốn chính tôi sẽ tiếp tục đi theo con đường của ông.

“Con yêu, khi con xem được những tài liệu này thì có nghĩa là ba đã bước vào cửa tử. Ba không muốn công sức nhiều năm qua của mình cùng các đồng đội bị lãng phí. Sự hy sinh của họ, cũng như sự hy sinh của bác con và cả của ba không vô nghĩa. Con hãy ghi nhớ rằng, đất nước hòa bình không có nghĩa là chúng ta không còn phải chiến đấu. Điều hối hận lớn nhất của ba chính là đã đánh mất mẹ con. Ba ước gì có thể sửa chữa lỗi lầm của mình ở kiếp sau. Hãy thay ba chăm sóc mẹ và tiếp tục hành trình bảo vệ Tổ quốc dù con ở trên bất cứ mặt trận nào. Ba và bà nội của con đều mong muốn con sẽ là người kế nghiệp lý tưởng của gia đình, có lẽ điều này buộc lòng phải đến sớm hơn dự định. Đừng hoang mang vào khả năng của mình, bởi năm xưa, con đã được chọn là người sẽ kế nghiệp ba, được đào tạo để trở thành một cán bộ chuyên nghiệp trong tương lai. Không may, tai nạn xảy ra bất ngờ hồi năm tuổi đã khiến con bị loại khỏi danh sách đó vì không ai tin vào khả năng phục hồi của con. Nhưng con hoàn toàn có thể làm được điều ấy, hãy tiếp tục lý tưởng của ba và nội con. Dũng cảm lên con!

Ba thương con nhiều. Nhắn với mẹ rằng ba luôn yêu bà ấy!

Ba của con.”

Bức thư của ba khiến tôi trở nên hoang mang, mất phương hướng như rơi vào trạng thái không trọng lực. Tôi không biết phải bắt đầu mọi thứ từ đâu. Thì ra, bà nội và ba luôn tin rằng khi lớn lên, tôi sẽ tiếp tục kế thừa truyền thống nghề nghiệp của gia đình, tiếp tục phụng sự cho đất nước, bảo vệ bình yên cuộc sống.

Tôi giấu mẹ về những phát hiện của mình bởi tôi không biết phải nói thế nào cho bà hiểu và bà sẽ đón nhận việc này ra sao. Có lẽ, từng ấy chuyện dồn dập xảy ra đã là quá sức với mẹ tôi, bà không cần thêm bất kì sự bất ngờ và kích động nào nữa.

Sau khi chứng kiến những tan vỡ của gia đình mình, tôi đã từng dại dột thử tự vẫn nhiều lần. Tôi muốn tự kết liễu cuộc đời mình để quên đi những nỗi đau và khoảng trống mà mình đang phải đối mặt. Tôi chọn cách hèn nhát như thế để trốn chạy quá khứ, quên đi thực tại và để không phải bước tiếp đến tương lai. Những lần đứng trên sân thượng nhìn xuống dòng xe cộ tấp nập, tôi chợt nghĩ rằng chỉ một giây lát buông tay thôi thì tôi sẽ chấm dứt mọi khổ đau trong kiếp này, nơi cõi tạm đầy những ngổn ngang để đi đến một chốn khác đầy ánh sáng và nắng ấm. Sâu thẳm trong lòng, thật sự tôi chưa muốn chết, nhưng lẩn khuất đâu đó vẫn có những tiếng nói văng vẳng thôi thúc tôi lê chân về phía bên kia cuộc đời. Những ám ảnh dai dẳng thôi thúc khiến tôi phải tìm đến một sư thầy tại ngôi chùa nằm trên ngọn đồi gần nhà. Lắng nghe lời tâm sự của tôi trong nước mắt, thầy khoan thai nói với tôi rằng: “Con hãy buông tay, nhưng là buông tay với những lỗi lầm của người đã khuất, với thương đau trong quá khứ chứ không phải buông tay với chính bản thân và tương lai mình. Một sinh vật nhỏ bé cũng khao khát được tồn tại dù thế giới hoang dã của chúng cũng đầy những khốc liệt, vậy thì hà cớ gì mà con lại muốn chết?”

Câu nói của sư thầy như thức tỉnh tôi.Tôi thôi không còn nghĩ quẩn nữa, nhưng những ngày mưa gió triền miên, khi mẹ không có nhà, tôi lại ôm lấy chiếc điện thoại rồi liên tục bấm số. Tôi gọi cho hết người này đến người khác như sợ rằng chỉ một phút giây bơ vơ giữa căn nhà này thôi, tôi sẽ chết. Hoá đơn điện thoại hàng tháng có khi lên đến nhiều triệu đồng khiến mẹ rất ngạc nhiên và nhiều lần nhắc tôi không được hoang phí. Nhưng rồi những ngày dài một mình ở nhà, tôi lại bấu víu lấy chiếc điện thoại như một người bạn duy nhất trung thành, người bạn không bao giờ rời bỏ tôi.

Có một lần, nhìn thấy tôi thẫn thờ nơi thềm cửa, mẹ cất tiếng hỏi: “Bé An à, con có trách mẹ về quyết định trước đây đối với ba con không?”

Tôi sửng sốt đôi chút trước câu hỏi này, thật lòng mà nói, mẹ tôi đã làm đúng. Một người phụ nữ có lẽ không nên vì hai chữ “cam chịu” mà chôn vùi tuổi thanh xuân của mình và dành tình yêu một chiều cho người đàn ông đã quay lưng bội bạc.

Thoáng nhìn mẹ, tôi nói: “Không đâu mẹ à, mẹ đã làm đúng.”

Có lẽ thời gian chỉ làm dịu bớt đau đớn chứ không thể nào xoá nhòa được những gì đã xảy ra với mẹ con tôi. Ba tôi luôn cố gắng che giấu những mối quan hệ ngoài luồng, đó là hiển nhiên bởi không một người đàn ông nào có ý định từ bỏ vợ con để đến với một người phụ nữ thừa lửa tình nhưng thiếu ân nghĩa. Chữ “nghĩa” nặng tựa vạn cân, nó được bồi đắp bởi những ngày tháng chung lưng đấu cật, cùng nhau vật lộn với cái nghèo, cái đói, sự khó khăn gian khó khi cuộc sống thường nhật phải xoay quanh với những thứ tầm thường, cơm áo gạo tiền. Tình yêu và mật ngọt khi đó lại trở nên xa xỉ biết mấy? Và những người phụ nữ chấp nhận kiếp u tối lại luôn biết cách xuất hiện thật đúng lúc, giải toả cơn thèm khát dục vọng của những người đàn ông tham lam. Họ hùng hục lao vào nhau, trao cho nhau những thề non hẹn biển vì chẳng cần phải nhớ hôm nay nhà đã hết gạo, chẳng cần âu lo ngày mai tiền nhà, tiền điện, học phí cho con đã đến hạn phải đóng. Nhưng người vợ thì khác, những thứ lo lắng tầm thường đó đã chặn đôi môi của họ thốt ra những thứ vời vợi kia. Ngày từng ngày, giờ từng giờ, hai chữ “hy sinh” đã đẩy họ ra khỏi thứ tình yêu vốn được cho là chỉ thuộc về hai người.

Và họ mất chồng!

Hay nói chính xác hơn là họ phải đối diện với những người phụ nữ đang vênh khuôn mặt xinh xắn không một vết đồi mồi, đôi môi mọng đỏ không một vết chân chim về phía mình. Đôi môi ấy thốt ra những lời ngọt ngào trên chiếc giường ấm áp với chồng họ để rồi thở ra những lời nồng nặc đắng cay với những người vợ.

Người phụ nữ ấy cũng vậy.


Khi ba qua đời, tôi mới bắt đầu hồi tưởng nhiều hơn về những thứ mình đã từng được chứng kiến. Cô ta tên Lan - Nguyễn Thị Lan, dáng người phốp pháp với khuôn mặt tròn nhưng sắc sảo bởi đôi lông mày được kẻ đậm và xếch lên. Có lẽ suốt cuộc đời này, tôi chẳng thể xoá nhoà khỏi tâm trí hình ảnh cô ta trần như nhộng trong căn nhà nhỏ bé của mình năm nào. Nó như một cuốn phim không bao giờ bị lão hoá, ngày từng ngày tôi gặm nhấm thước phim đó, từng chút từng chút một. Tôi ngấu nghiến nó, cào xé nó, nhai nát nó ra thành từng mảnh rồi lại lặng lẽ ghép lại nguyên vẹn. Những ngấn mỡ ngồn ngộn, bầu ngực căng đầy, trắng hếu đang chờ đợi một bàn tay tội lỗi. Ánh mắt hoảng sợ, cô ta đã túm lấy chiếc khăn để che vội tấm thân hoang dại của mình, chiếc khăn của tôi! Nó là của tôi! Tuổi thơ tôi có lẽ đã chết yểu kể từ cái đêm đáng thương đó.

Nguyễn Thị Lan là mối tình vụng trộm lâu năm nhất trong hết thảy các mối tình trăng gió của ông. Nhưng điều đáng phục là ông đã có thể giấu kín người phụ nữ này trong bóng tối suốt nhiều năm trời, cho đến một ngày, khi không còn có thể chờ đợi thêm bằng lời hứa nữa, với khao khát bước ra khỏi bóng tối, cô ta đã tìm đến nhà gặp mẹ tôi và nói hết mọi chuyện trước cả cái đêm mà chúng tôi nhìn thấy cô ta trên “chiếc giường hạnh phúc” tại nhà mình. Mẹ tôi có lẽ đã tiếp nhận việc này một cách rất bình thản, tôi nhìn thấy sự bình thản đó trong ánh mắt, đôi môi và cả cái vuốt tóc của mẹ. Nhưng thật ra, nó còn đáng sợ hơn cả một cơn giận dữ. Tiễn cô ta ra về, mẹ lại nhìn tôi và mỉm cười. Nụ cười mang một chút héo hắt, một chút ai oán, và một chút đắng.

Lần đó, mẹ đã lại tha thứ cho ba. Tôi cũng không chắc đó là sự tha thứ, bởi vì nó cũng có thể là một sự cam chịu, chấp nhận, điều mà người phụ nữ sinh ra và lớn lên tại Việt Nam luôn được dạy. Mẹ tôi cũng vậy, bà cần mẫn nhặt nhạnh những lỗi lầm của ba tôi rồi cho vào chiếc hộp, khoá lại.

Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, khi tôi còn rất bé, và đó là khi mẹ tôi còn le lói chút tia hy vọng đối với ba. Tôi thậm chí còn không biết mình có nên hận người phụ nữ tên Lan hay không. Đôi khi, tôi chợt nghĩ, có lẽ cũng nên cho người thứ ba được quyền lên tiếng, được quyền giãi bày nỗi khổ riêng đằng sau nỗi khổ chung của những người vợ, những đứa con.

Tôi đến thăm mộ ba vào một ngày trời sắp sang đông. Ngọn đồi dốc quanh co chỉ mình tôi bước, những con dê giật mình chạy vụt đi khi nghe thấy tiếng chân người. Ngôi mộ của ba tôi được xây tươm tất hướng ra biển, tôi cứ ngồi như vậy như thể tôi và ông đang cùng nhau ngắm biển, như khi ông còn sống. Nước mắt tôi vẫn cứ ứa ra thành dòng mặn đắng, biển xa xăm quá, ba cũng đã ở quá xa tôi rồi. Tôi cứ ngồi như vậy đến khi hoàng hôn ẩn mình về dãy núi phía xa mới thu dọn để ra về. Bất chợt, có một người đàn ông vận một chiếc áo sơ mi xanh cùng quần bò màu đen tiến đến, trên tay ông ta là một đoá hoa cúc trắng, một ly cà phê sữa đá và một gói bánh chuối rán giòn. Giống như tôi đã chuẩn bị, vì đó đều là những món mà ba tôi thuở sinh thời rất thích. Mặc cho sự ngạc nhiên của tôi, người đàn ông ấy đến gần nơi ba tôi nằm và bày mọi thứ ra, đốt một nén nhang rồi thì thầm điều gì đó trong ánh mắt đầy tò mò của tôi.

Khấn xong, chú quay lại nhìn tôi mỉm cười và nói: “Chào con! Chú là Tân, bạn của ba con.”

Tôi chợt nhớ đến lá thư của ba, trong thư có nhắc về chú Tân, người cộng sự mà ba đã cùng công tác. Ba nói rằng chú ấy sẽ tìm tôi và thay ông chăm sóc cho tôi cũng như dìu dắt tôi đi tiếp trên con đường mà ông đã bỏ dở. Chú Tân cho tôi xem tấm ảnh mà chú chụp cùng với ba tôi, lúc đó, ba còn rất trẻ. Chú bắt đầu kể cho tôi nghe về ba…

Nhiều năm trước, ba tôi có một dạo bán thuốc lá ở trước cửa rạp chiếu phim Tân Tân khi chỉ mới mười lăm tuổi. Mười bảy tuổi, ông chuyển sang làm bốc vác ở cảng cá. Cuộc sống nghèo khó khiến ông phải bươn chải nhiều hơn, lăn lộn nhiều hơn để có tiền nuôi mấy miệng ăn trong gia đình và cho em gái ăn học. Vì sinh tồn, ông dần dần trở thành tay anh chị cộm cán trong vùng trước khi trở thành cộng tác viên của lực lượng công an vào năm 1989.

Rít điếu thuốc trên tay, chú Tân trầm ngâm: “Dũng là người có ý chí sắt đá. Trong quá trình thi hành nhiệm vụ, nhiều lần bị các băng nhóm bắt, thử thách và tra tấn dã man nhưng Dũng vẫn không khai ra thân phận của mình để đảm bảo an toàn cho chiến dịch.”

Đôi vai tôi run lên bần bật. Điều sợ hãi nhất trong tôi là có ai đó vô tình nhắc về ba, nó là điểm yếu chí mạng của tôi. Nó khiến tôi khó lòng kiềm chế được cảm xúc của mình kể cả khi tôi là đứa khá cứng cỏi và lạnh lùng. Buổi chiều dần tắt, nhưng câu chuyện vẫn còn bỏ lửng. Chúng tôi ra về, trước khi đi, chú Tân lưu số chú vào điện thoại của tôi và dặn hãy gọi cho chú khi có bất cứ việc gì cần hỗ trợ.

Tôi trở về nhà khi mẹ đang dọn bữa tối, nhìn thấy mắt tôi đỏ hoe, mẹ biết là tôi vừa ở chỗ ba về. Nén tiếng thở dài, mẹ bảo tôi vào rửa tay rồi ăn cơm. Lại một bữa cơm trong yên lặng, chỉ có tiếng bát đũa khua vào nhau, bát canh bốc khói nghi ngút nhưng cũng không thể xua tan đi sự lạnh lẽo ở đây. Thỉnh thoảng, tôi len lén nhìn mẹ, mẹ vẫn bình thản như vậy. Đôi lúc, tôi tự hỏi, làm thế nào mà mẹ tôi lại có thể vượt qua mọi thứ một cách bình thản đến như thế? Mẹ tôi cũng là một người phụ nữ, một người đàn bà có trái tim nóng ấm vẫn đập từng giây từng phút. Nhưng vì sao bà lại không cần những người đàn ông muốn chở che, quan tâm mình? Mẹ tôi dường như đã lạc lối quá sâu vào những định kiến, những thứ được cho là chuẩn mực xã hội, chuẩn mực của một người phụ nữ.“Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.”

Tiếng ngâm nga từ chiếc radio nghe sao mà ai oán lòng. Những người mẹ đã sống như thế, nhiều năm, rất nhiều năm. Để rồi họ cũng dạy những đứa con gái của mình như thế. Người đàn ông có thể có những phút yếu lòng, có thể cần hồng nhan tri kỷ, có quyền được mưu cầu những thứ ngoài hôn nhân nhưng phụ nữ thì không. Họ phải lặng lẽ chờ đợi chồng mình bên mâm cơm đã dần nguội lạnh trong khi người chồng còn đang ấm nóng với tình nhân. Họ phải quay cuồng với con cái đến quên mất bản thân đang mặc một bộ quần áo đầy mùi thức ăn, mùi trẻ con, mùi mồ hôi, ngước lên chai nước hoa đã phủ bụi từ đời nào, hộp phấn thỏi son cũng nằm im lìm trong ngăn kéo. Còn chồng của họ thì bận cuồng quay với những vòi vĩnh nũng nịu như trẻ thơ của một cô gái nào đó. Và họ phải có trách nhiệm thứ tha, trách nhiệm giữ cha cho con khi những người chồng được quyền mắc sai lầm, không chỉ một mà có thể là nhiều lần. Và nếu ly hôn thì lỗi là do đàn bà “không biết giữ chồng”, người ta sẽ cười họ, mỉa mai họ như thế. Người đàn ông có thể ngay lập tức kết hôn với một người đàn bà khác, rồi lại nhanh chóng dựng xây một tổ ấm mới như thể khi cơn bão đi qua, người ta phải vội vàng lợp lại mái nhà. Nhưng người phụ nữ thì sẽ phải ở trong ngôi nhà đã mất nóc như thế giữa nắng mưa giông tố, phải phơi mình ra ôm lấy con dại vào lòng mà chở che, bởi nếu xây lại một ngôi nhà mới, người đời sẽ nhìn họ như những người phụ nữ thiếu “chính chuyên”. Thật nực cười, thật chua chát! Chiếc lưỡi tưởng chừng như yếu ớt nhưng có thể bẻ cong bất cứ sự thật nào, bất cứ câu chuyện nào, những chiếc lưỡi trong khuôn miệng đời.

Tôi tin rằng một ngày nào đó, một năm nào đó, một thế kỷ nào đó, người phụ nữ sẽ không còn thống khổ như thế nữa. Họ sẽ được quyền tự quyết định lấy cuộc đời mình bởi vì không có một khuôn khổ đạo đức nào mãi mãi trường tồn, mọi thứ nguyên tắc rồi sẽ đổi thay theo sự phát triển của xã hội, phụ nữ cũng là con người và họ cũng có quyền được sống cho hạnh phúc của mình chứ không phải là sự lầm lũi đi qua tháng ngày như những cái bóng trên thế gian này cùng với bốn chứ “Tiết - Hạnh - Khả - Phong” nữa.

❉❉❉

Một tuần sau lần đầu gặp mặt, chú Tân đón tôi vào giờ tan học. Chúng tôi ngồi uống nước với nhau ngay trước cổng trường tôi. Chú nói sẽ gửi tôi đi học ở lò võ của một võ sư thân với chú, điều này sẽ giúp tôi nâng cao thể lực cũng như cân bằng lại cuộc sống. Đều đặn trong suốt một năm trời ròng rã sau đó, ban ngày tôi đi học, buổi chiều học võ còn buổi tối thì tập đàn piano ở nhà văn hoá. Cuộc sống dần dễ chịu hơn dù rằng nỗi buồn man mác vẫn lẩn khuất đâu đó.

Thời gian đầu tập võ, tôi ra quyền rất mạnh tay, tứ chi gồng cứng lại. Thầy của tôi nhìn thấy nhưng không nói gì dù rằng ông luôn cần mẫn sửa thế tập cho những môn sinh cùng học với tôi. Đêm về, người tôi đau ê ẩm. Khi ngủ, tôi thường hay gặp ác mộng, mồ hôi toát ra như tắm. Tôi dần trở nên nóng nảy, những nỗi buồn tôi cố chôn giấu vào trong để sự hiếu chiến bộc lộ ra ngoài. Tôi đến trường và sẵn sàng động tay động chân mỗi khi có điều không vừa ý với bạn bè cùng trường. Tôi dùng nắm đấm mà mình học được để giải quyết mọi vấn đề trong lòng.

Một ngày nọ, sau buổi tập, thầy gọi tôi ở lại, ra sau vườn uống trà với thầy. Tôi líu ríu theo mà không biết liệu có phải thầy muốn đuổi tôi hay không bởi vì suốt một tháng trời mà tôi không tập nổi một bài quyền cho trọn vẹn. Thầy khoan thai rót một ít nước sôi vào ấm, tráng nhẹ rồi đổ bỏ. Sau đó, thầy dùng chiếc thìa nhỏ được vót từ cây tre khéo léo lấy trà trong hộp cho vào ấm, rồi đổ nước nóng tráng sơ và lại đổ bỏ. Ngước lên nhìn tôi mỉm cười trong chốc lát, thầy lại tiếp tục châm nước lưng bình. Tôi vẫn chăm chú theo dõi từng thao tác của thầy tôi, ông có lẽ cũng đã lớn tuổi nhưng dáng người rắn rỏi, tóc lơ phơ bạc, tôi cảm nhận rằng ẩn sau mái đầu trắng kia là một bộ óc rất tinh nhanh bởi vì không một thái độ nào của môn sinh quả khỏi được mắt thầy. Người ta thường gọi thầy tôi là võ sư Huỳnh Đệ. Ngôi nhà của thầy lẩn sâu trong một con hẻm nhỏ hai xe máy ngược chiều phải né nhau. Thầy sống kín đáo và có phần đạm bạc, môn sinh cũng không nhiều, thêm tôi nữa thì chỉ khoảng mười đứa đổ lại. Ít khi nào tôi thấy thầy ra khỏi nhà, thầy chỉ sống một mình, tôi không thấy vợ con thầy, cơm nước thầy đều tự lo mà không cần ai giúp đỡ.

Được vài khắc, thầy lại châm nước đầy bình. Bất ngờ, thầy đặt ấm trà xuống đánh “cạch” một tiếng và nhìn tôi khiến tôi giật nảy mình vì mải suy nghĩ đã quên mất lý do thầy bảo tôi ngồi ở đây. Thầy hỏi tôi: “Nãy giờ, An có thấy thầy làm gì không?”


Tôi nhìn thầy rồi khẽ khàng đáp: “Dạ… Thầy đang pha trà ạ!”

Mỉm cười, khoé mắt thầy nheo lại theo độ cong của khuôn miệng.

“An à, pha trà cũng là một nghệ thuật, con có biết không? Người ta phải thật từ tốn trong việc châm nước cho trà bởi vì nếu hấp tấp châm đầy một lần, con sẽ không có được ấm trà ngon. Muốn trà được ngon, uống vào còn nghe vị thanh ngọt nơi cổ họng thì nước châm trà phải là loại nước vừa sôi gờn gợn, nhất định không được dùng nước sôi già để châm vì nó sẽ làm bình trà của con chát đắng.”

Tôi ngẩn ngơ nuốt từng lời thầy nói nhưng vẫn chưa thật sự hiểu hết ý tứ trong câu nói của thầy. Rót ly trà đầu tiên, thầy đẩy tách trà về phía tôi, ra hiệu cho tôi nếm thử. Quả thực tôi không biết uống trà, cầm tách trên tay, tôi đánh ực trong một giây khiến thầy nửa muốn cười nhưng lại nửa kìm lại. Tự rót cho mình tách thứ hai, thầy thong dong nói: “Nếu vội vàng, con sẽ không thể cảm nhận được cái ngon cái dở của vị trà, càng không thấy được cái ngọt đằng sau vị chát. Nếu nóng nảy vô chừng, con sẽ chỉ nhận lại được thứ nước trà chát đắng. Pha trà, uống trà cũng giống như làm người vậy.”

Tôi tròn xoe mắt, thầy Huỳnh Đệ nhấp một ngụm trà rồi xoay mình về phía những chiếc lồng chim treo khắp trong vườn. Ánh mắt có phần thư thái.

“Con biết không, An, nếu muốn giỏi võ thì trước tiên, con phải thấu rõ đạo làm người đã. Đạo đức tối thượng của một người học võ là phải trung với nước, hiếu kính với đấng sinh thành, nghĩa tình với thầy bạn và nhân ái với chúng sinh. Tiếp theo, con phải hiểu rõ và sống đúng phẩm chất tự trọng, tự tin, có ý chí vươn lên, có kỷ luật, không ngại khó ngại khổ, không khoe khoang hợm hĩnh, không thấy giàu có mà tỏ ra ham muốn, không thấy nghèo khó mà trở nên sân hận đổi thay, không thấy cường bạo mà tỏ ra sợ hãi. Tiếp nữa, người học võ giỏi hay dở không phải ở thắng hay thua mà là ở cốt cách con người. Cái tâm của con phải vững vàng, kiên định, chớ có bị dao động bởi những cảm xúc nóng nảy, yêu ghét, giận hờn, đố kỵ thường tình. Thần thái phải luôn đĩnh đạc, hoà nhã. Võ dùng để tự vệ chứ không phải để hiếp đáp kẻ yếu thế hơn mình.”

Tôi ngậm ngùi trước những lời thầy nói, thầy đã nhìn thấu tâm can tôi, thấu những sai lầm của tôi trong suốt thời gian qua. Tôi luôn ra quyền trong sự bế tắc của chính mình, điều đó đã không qua được đôi mắt của thầy.

❉❉❉

Mẹ tôi vẫn lặng lẽ đi về một mình. Có vài người đàn ông đến nhà tôi nhưng có lẽ không đủ kiên nhẫn để “rã đông” một tảng băng chìm nên đều lặng lẽ rút lui.

Tôi đã cứng cỏi hơn rất nhiều so với trước đây. Chú Tân cũng dần dần dìu dắt tôi vào lý tưởng mà ba đã từng muốn tôi tiếp tục theo đuổi. Thỉnh thoảng, chú cho tôi mượn vài cuốn sách và thường hỏi lại cảm nhận của tôi sau khi đọc xong. Tôi bắt đầu trở lại với đam mê đọc sách của mình, thứ đam mê mà tôi đã bỏ quên quá lâu.

Một đêm nọ, khi trời đã về khuya, đường xá thưa thớt tiếng xe, bỗng dưng, tôi đau bụng dữ dội và nôn oẹ không ngừng. Mẹ hoảng hốt gọi xe đưa tôi đi bệnh viện. Có phải một lần trải qua việc làm mẹ đơn thân thì mới thấu hiểu được hết sự tủi hờn của một người mẹ tự đưa đứa con thơ dại của mình đến bệnh viện trong đêm khuya mà không có ai bên cạnh. Mẹ con tôi cũng không biết phải gọi cho ai, bởi chỉ có những người thân, rất thân mới sẵn sàng lao đến với nhau vào cái giờ mà ai cũng đã say giấc nồng.

Tiếng băng ca rầm rập, phòng cấp cứu nồng nặc hơi người, tiếng bước chân xầm xập và tiếng rên rỉ của các bệnh nhân xung quanh. Mùi mồ hôi, mùi dịch, mùi thuốc, mùi máu hoà lẫn vào nhau tạo nên một cảm giác lờm lợm khó tả. Mẹ tôi đứng ngoài, thấp thỏm, âu lo. Chúng tôi bơ vơ quá, tôi ước giá như có ba tôi đứng ở ngoài cùng với mẹ để bà đỡ chông chênh mà tôi cũng đỡ sợ hơn. Tôi quả thật rất sợ.

“Ba ơi, con sợ lắm!” Tiếng lòng tôi đã thét vang như thế, nhưng chẳng có hồi đáp. Kia kìa, đứa trẻ nào vào đây cấp cứu cũng có ba ở bên cạnh, họ âu yếm nó kìa, họ hôn nó kìa, tôi thèm như thế biết mấy! Bất chợt, tôi nhìn thấy bóng dáng chú Lĩnh, chú ấy đã đến tự bao giờ? Chú đứng cạnh mẹ tôi, có vẻ như đang cố trấn an bà. Chú Lĩnh là một người em kết nghĩa lâu năm của gia đình tôi, chú cũng là một cán bộ công an. Chú xem mẹ con tôi như những người thân thật sự, và như thế, chú mới đứng ở đó.

Sáng sớm hôm sau, tôi được về nhà sau một đêm truyền nước biển. Cơn ngộ độc thực phẩm nhẹ vào đêm qua khiến tôi kiệt sức, tôi xuống bếp ăn bát cháo nóng hổi cùng với cốc sữa nóng mà chị giúp việc đã chuẩn bị sẵn. Đang ăn thì tôi nghe có tiếng nói chuyện bên ngoài, đứng dậy nhìn ra cửa, tôi thấy mẹ đang nhận một người mới vào làm nhân viên lễ tân để thay thế cho người nhân viên cũ. Nhà nghỉ của chúng tôi cũng không thật sự quá lớn, chỉ khoảng hơn mười phòng, trong đó có một phòng ở tầng lửng là của mẹ con tôi, vì vậy mà nhân viên cũng chẳng cần quá đông.

Người lễ tân mới tên là Nguyễn Văn Tuấn. Tôi đọc được thông tin này trên cuốn sổ tay của mẹ và bộ hồ sơ xin việc của anh ta. Dáng người Tuấn cao ráo, ốm, khuôn mặt gầy hóp và trắng trẻo. Đặc biệt, Tuấn có một đôi mắt khá cuốn hút với lông mi cong dài. Tuấn nhanh chóng bắt chuyện làm quen với tôi sau hai, ba hôm vào làm việc. Nhưng chúng tôi cũng không nói chuyện quá nhiều, tất cả chỉ dừng lại ở những lời hỏi thăm về gia đình, tên tuổi. Tuấn nói với tôi rằng anh ta từng học ngành kinh tế tại Thủ đô nhưng vì chia tay mối tình đầu nên muốn vào miền Nam lập nghiệp. Thật sự thì lúc đó tôi không quá quan tâm đến những gì Tuấn nói.

Tôi thường đến trường buổi sáng bằng xe bus vì mẹ tôi không có nhiều thời gian cho việc đưa đón tôi. Những chuyến xe bus vào giờ cao điểm chật như nêm. Quả thật, việc chen lấn trên những chuyến xe bus như thế khiến tôi phát ngấy. Buổi chiều đi học về, tôi có buột miệng than phiền với Tuấn về điều này. Mấy hôm sau, tôi thấy anh ta gợi ý với mẹ tôi việc đưa đón tôi đến trường vào buổi sáng, sau đó sẽ về cho kịp giờ mở cửa đón khách. Vì xót tôi nên mẹ cũng đồng ý. Tuấn và tôi thân thiết hơn kể từ đó.

Tuấn có vẻ không có nhiều người thân vì tôi chưa bao giờ nghe anh ta nhắc đến những người thân của mình. Tôi cũng chưa bao giờ nghe mẹ tôi hỏi, có lẽ bà luôn tôn trọng những vấn đề riêng tư của người khác. Thỉnh thoảng, tranh thủ vào giờ nghỉ buổi tối, Tuấn cũng có vài người bạn đến thăm và họ trò chuyện với nhau tại quán nước cạnh nhà tôi. Tuấn ở lại nhà tôi sau giờ làm, vì vậy mà có thể nói rằng Tuấn sẵn sàng làm việc 24/24. Mẹ tôi tỏ ra rất hài lòng vì sự tháo vát chịu khó của anh ta. Ban đêm, tôi và mẹ ngủ ở phòng tại gác lửng nhưng nhà tắm và nhà vệ sinh lại nằm dưới tầng trệt, còn Tuấn thì ngủ luôn tại quầy lễ tân trên một chiếc giường xếp mini.


Một hôm, sau giờ học võ, tôi trở về nhà, khá mệt mỏi vì đã gắng tập quá sức. Gật đầu chào Tuấn, tôi đi thẳng lên phòng để nằm nghỉ một lát trước khi đi tắm. Mẹ tôi hình như chưa về. Uể oải nhìn đồng hồ, đã hơn tám giờ tối, đánh phịch túi đồ bên cạnh, tôi nằm dài ra sofa. Bỗng có tiếng gõ cửa, tôi he hé nhìn ra thì thấy Tuấn đang tươi cười cầm trên tay một cốc nước ép hoa quả. Nhận lấy cốc nước từ tay anh ta, tôi ngại ngùng cảm ơn rồi đóng sầm cửa lại. Thật sự tôi rất ngại khi có một người khác giới lên tận phòng riêng thế này. Đôi khi, tôi cảm thấy khá bất tiện vì khách trọ cũng đi ngang qua phòng tôi bởi chúng tôi chỉ có một cầu thang chung dẫn đến tất cả các phòng ở ba tầng phía trên, mẹ con tôi lại muốn tiết kiệm tiền nên không muốn thuê riêng một căn nhà khác để ở, vì vậy mà tạm thời chúng tôi vẫn sống như vậy. Nhấp một ngụm nước trái cây mát lạnh, sự dễ chịu lan toả khắp cơ thể khiến tôi quên đi sự ái ngại vừa rồi.

Vơ lấy chiếc khăn tắm và bộ đồ ở nhà, tôi đi tắm. Tuấn đứng trước cửa phòng tôi!

“Sao anh lại đứng đây?”

Tôi giật nảy mình hỏi mà trống ngực đập thình thịch, ánh mắt với con ngươi màu đen sẫm của Tuấn khiến tôi phát hoảng khi mà hành lang tối om om không bật đèn.

“À... Ừ… Anh xin lỗi, anh đang định gõ cửa thì em bước ra. Anh chỉ muốn hỏi em có muốn ăn tối gì không để anh gọi đồ ăn. Mẹ em gọi về nói bận dùng bữa với đối tác nên sẽ về hơi muộn và dặn anh lo bữa tối cho em.” Tuấn đáp.

“Không ạ!” Tôi trả lời nhát gừng rồi đóng sầm cửa lại. Phải mất gần mười lăm phút sau, tôi mới dám hé ra nhìn xem Tuấn còn ở đó hay không. Hình như tôi quá nhát gan, Tuấn chỉ hỏi tôi về bữa tối thôi mà. Nghĩ bụng như vậy nên tôi yên tâm đi tắm.

Trời bên ngoài bỗng dưng chuyển mưa rất to, sấm chớp ầm ầm. Tôi khoá cửa phòng rồi lên giường nằm đọc sách, ánh đèn vàng dìu dịu toả ra từ chiếc đèn bàn, thỉnh thoảng tiếng sấm đánh rầm làm tôi giật mình. Tôi nghe thấy tiếng sột soạt ở nhà dưới, chắc lại là lũ chuột đuổi nhau giành thức ăn thừa mà hôm nay chị giúp việc đã quên dọn khi ra về. Hơn mười giờ tối, mẹ mới về và ướt như chuột lột, mang cho tôi mấy cái bánh bao nóng hổi. Ngoài căn nhà nghỉ này thì mẹ tôi còn cùng với bạn bè hùn hạp làm thêm nhiều công việc khác nhau khiến bà bận tối mắt. Cũng nhờ vậy mà cuộc sống của chúng tôi dễ chịu hơn về mặt tài chính, nhưng tôi với mẹ lại hiếm khi trò chuyện hay ăn cơm cùng nhau. Ăn xong, tôi đi ngủ trước vì mẹ còn bận tính toán sổ sách, tiếng bấm máy tính lạch cạch đưa tôi vào giấc ngủ với tiếng mưa tí tách bên ngoài.

Hôm Valentine năm đó, bạn bè tôi bắt đầu biết yêu. Cuối cấp hai rồi, đứa nào cũng tự cho rằng mình đã trưởng thành để có thể có người yêu. Chúng nó tặng nhau chocolate, thú bông hình trái tim xanh đỏ, hoa hồng và muôn vàn những lời yêu thương nổi gai ốc trong tấm thiệp. Tôi chẳng có bạn, cũng chẳng có người yêu, chỉ duy nhất một người bạn qua mạng Internet mà tôi đã quen biết và có cảm tình, nhưng bạn ấy lại ở xa tôi quá. Chúng tôi chẳng biết mặt nhau nhưng lại có thể chia sẻ cho nhau nhiều thứ trong cuộc sống. Mỗi lần mở máy tính lên, tôi chỉ mong được nhìn thấy mặt cười màu vàng trên Yahoo! Chat hiện đèn sáng, những câu chuyện miệt mài qua những con chữ nhảy múa trên màn hình khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn, vui vẻ hơn. Mẹ tôi nói bạn trên mạng ảo thì không có thật, ý mẹ tôi là tình cảm cũng sẽ là ảo. Nhưng tôi lại nghĩ khác, cuộc sống “ảo - thật” lập lờ, người thật còn có thể ảo với nhau thì làm sao yêu cầu mạng ảo phải chân thật? Chỉ mong mỗi ngày khuôn mặt cười màu vàng kia luôn sáng để tôi lại được sẻ chia, được tâm sự. Nếu có một ngày khuôn mặt cười đó mãi trở thành màu xám, tôi cũng sẽ chấp nhận như một sự thường tình. Người thật đôi khi còn có thể phút chốc rời bỏ thì ảo có là gì?

Bỗng dưng hôm đó, Tuấn lại mua một đôi cốc để tặng cho tôi. Tuấn nói tôi một chiếc và Tuấn một chiếc, xem như hai anh em có một cái gì đó làm kỷ niệm. Tôi không nghĩ ngợi gì nhiều nhưng nét mặt mẹ thì sa sầm hẳn khi tôi cầm chiếc cốc ấy về phòng. Buổi chiều, tôi thấy mẹ nói chuyện với Tuấn rất lâu. Tuấn cúi mặt không nhìn mẹ tôi còn bà thì liên tục nói với thái độ rất căng thẳng. Ít phút sau, Tuấn gặp tôi và xin lại cái cốc. Tôi đưa cho Tuấn nhưng trong lòng không khỏi băn khoăn, hình như mẹ tôi không thích Tuấn làm như vậy với tôi thì phải.

Trong nhà tắm có một chiếc cửa sổ thông gió nhỏ thông với khu vườn phía sau. Dạo gần đây, khi đi tắm, tôi thường cảm thấy như có ai đó đang nhìn mình. Tôi quay lại thì quả thật chẳng có ai. Hình như tôi nhát nên nhạy cảm quá thôi, tôi trấn an mình như thế rồi dự định sẽ không tắm đêm nữa. Nhưng đi học về khi trời đã tối, tôi cũng không còn cách nào khác. Buổi sáng, tôi ra sau vườn kiểm tra, chẳng có gì cả, tôi đúng là quá nhát gan rồi!

Tôi được vào đội tuyển học sinh giỏi môn văn, vì vậy mà phải thường xuyên thức khuya hơn trước để nghiên cứu bài vở. Chú Tân dạo này ít gọi cho tôi. Mấy lần tôi hỏi chú về việc có nên nói cho mẹ biết việc của ba hay không, nhưng chú nói chưa nên vì mẹ tôi cần có thêm thời gian để đón nhận, vì vậy mà tôi tiếp tục giữ kín bí mật đó. Mẹ tôi có một người bạn là bác sĩ, dạo này cũng hay đến nhà thăm chúng tôi. Tôi thừa biết chú ấy thích mẹ tôi, có lần chú hỏi tôi về loài hoa mà mẹ thích. Nhưng tôi không mấy thiện cảm, dường như sự ích kỷ bắt đầu nổi lên trong tôi, tôi muốn giữ mẹ cho riêng mình. Được vài lần đến nhà và nhìn thấy thái độ không mấy vui vẻ của tôi nên chú ấy không đến nữa. Tôi hả hê trong lòng vô cùng.

Một hôm, tôi thức khuya học bài, lại nghe tiếng sột soạt bên dưới, bọn chuột quá lì lợm! Tôi sẽ nói với chị giúp việc mua bẫy vào ngày mai.

Cốc! Cốc! Cốc!

Có tiếng gõ cửa phòng, đồng hồ đã điểm chín giờ tối, mẹ tôi chưa về, hay là mẹ nhỉ? Nghĩ vậy nên tôi đứng dậy ra mở cửa. Nhưng không có ai cả. Chắc tôi quá mệt vì học bài nên ù tai nghe nhầm rồi.

Sau kỳ thi, tôi được nghỉ vài ngày, tranh thủ về thăm bà nội, bà đã già đi nhiều. Vẫn thói quen nhóm bếp củi để nấu nướng và nhặt chó mèo từ khắp mọi nơi về nuôi, đó là niềm vui ít ỏi của bà. Cô Út không vui khi tôi về. Bà tôi không còn người con trai nào nữa, tình thương của bà dồn hết cho các cháu nội vì bà thương các cháu mồ côi cha quá sớm. Bà tôi được nhà nước cấp cho một mảnh đất, hai mảnh đất của ba và bác của tôi cũng ở cạnh nhau. Tôi không quan tâm đến tài sản, mẹ tôi cũng thế, hai con gái của bác tôi thì còn quá nhỏ để nghĩ ngợi, vợ của bác đã tái giá cách đó không lâu. Mặc dù chúng tôi vẫn sống ổn và không có ý định tranh giành nhưng cô Út chắc không nghĩ như vậy. Cô luôn tưởng tượng rằng mẹ tôi sẽ xúi bẩy tôi trở về xin bà nội chuyển tên sở hữu mọi đất đai nhà cửa cho tôi, vì thế mà cô không còn yêu quý tôi nữa. Thắp nén nhang lên bàn thờ của ba, tôi ra sau vườn trò chuyện với bà nội. Bà bận cho heo cho gà ăn, rồi lại đi ra đi vào hái khế, hái ổi cho tôi. Bà trách tôi ít về thăm bà quá, bà đã già nhưng chỉ sống một mình thế này buồn lắm. Nhiều đứa cháu khác cũng đến rồi lại đi, có đứa luôn đến vào đúng ngày bà lĩnh tiền hưu rồi lại đi biền biệt cả tháng trời. Tôi nghe mà lòng buồn lắm. Thỉnh thoảng, tôi để dành tiền tiêu vặt của mình để biếu bà, nhưng bà bao giờ cũng từ chối, bà bảo tôi chưa làm gì ra tiền cả, hãy giữ lấy mà mẹ con lo lắng cho nhau. Vừa nói bà lại vừa móm mém nhai trầu, miếng trầu đỏ thắm.

Mẹ tôi bảo phải đi công tác xa vài ngày vì công việc của mẹ đang có một số trục trặc cần phải giải quyết. Mẹ dặn tôi ở nhà, có việc gì thì gọi cho chú Lĩnh vì cơ quan chú cũng ở gần nhà tôi. Tối hôm đầu tiên mẹ vắng nhà, tôi đi tắm sớm rồi định sẽ mang ít trái cây lên phòng nằm đọc sách. Đèn nhà tắm bỗng vụt tắt, tim tôi như ngừng đập, tôi hét lên gọi Tuấn bởi vì buổi tối chỉ có anh ta ở nhà. Chị Tuyết giúp việc cho nhà tôi đã đi về từ năm giờ chiều. Không có ai trả lời. Tôi vớ lấy quần áo mặc vội vào, bỗng dưng đèn lại sáng trở lại. Chết thật, cái đèn này quá cũ rồi, từ hồi về đây tôi đã nghe mẹ nói nên thay nó nhưng mãi vẫn chưa thay. Tôi lại tiếp tục tắm. Hơi nước nóng khiến tấm gương soi mờ đi.

Tôi thấy có một cái bóng đen vừa lướt qua ở ô cửa thông gió sau lưng tôi!Quay lại nhìn, không có gì cả. Lấy khăn khô lau tấm gương soi. Tôi nghĩ rằng mình đã bị hoa mắt. Tắm xong, tôi ra ngoài, Tuấn vẫn đang ngồi nghe nhạc ở quầy lễ tân. Mở tủ lạnh lấy một ít trái cây nhưng tôi không tìm thấy con dao ở đâu cả. Bực mình, tôi đóng tủ lạnh đánh rầm!

Tôi đang nằm đọc sách.

“Cốc! Cốc! Cốc!” Tiếng gõ cửa lại vang lên, tôi mở cửa nhưng cũng chẳng thấy ai. Đóng cửa đi vào, tôi bỗng nghe thấy tiếng giày nện xuống nền nhà như có ai đang đi từ tầng dưới lên. “Cộp… Cộp… Cộp…” Tiếng giày dừng trước cửa phòng tôi. Yên ắng một lát, tiếng gõ cửa lại chậm rãi vang lên giữa màn đêm tĩnh mịch nhưng lần này lại chậm hơn như thể người bên ngoài đang cố gằn từng tiếng. “Cốc… Cốc… Cốc!” Tôi run lẩy bẩy đứng ở góc phòng mà không dám mở cửa. Bất chợt, cánh cửa rung lên, kẻ nào đó đang cố mở, chiếc tay nắm cửa xoay lạch cạch. “Rầm! Rầm! Rầm!” Hắn đã đập cửa mạnh hơn! “Kétttttt…” Bỗng dưng, cánh cửa mở ra nhẹ nhàng như thể có ai đó dùng chìa khoá để mở. Cửa mở ra từ từ, bên ngoài hành lang tối om. Tuấn chầm chậm đi vào, tay cầm con dao gọt hoa quả nhọn hoắt, sáng loáng giữa màn đen bóng tối. Tiến đến gần tôi, Tuấn vung dao lên đâm tới tấp! Nhưng tôi đã né được, đẩy anh ta ngã ra sàn rồi chạy ra ngoài. Tuấn vùng dậy, kéo tôi ngã dúi dụi, anh ta đâm vào tay tôi một nhát, máu bắt đầu tuôn xối xả. Tuấn cười sằng sặc cùng với đôi mắt chỉ còn lòng trắng. Anh ta chụp lấy một chân của tôi và lôi xềnh xệch, hành lang dài hun hút, đen đặc. Tiếng giày lại nện xuống sàn nhà. Tuấn lôi tôi lên bể chứa nước ở sân thượng và nhấn tôi vào đó…

Tôi giật mình thức dậy, mồ hôi đầm đìa, thở hổn hển. Thì ra tôi đã nằm mơ! Một cơn ác mộng quá khủng khiếp. Lao ra cửa sổ nhìn xuống phía dưới, tôi thấy Tuấn vẫn đang ngồi nghe nhạc. Một ngày mệt nhoài nên có lẽ tôi đã thiếp đi mà mơ thấy giấc mơ kinh khủng như vậy. Thở hắt ra, tôi đứng dậy lấy nước uống. Bỗng nghe tiếng cửa cót két ở bên dưới, âm thanh thật sự ghê rợn với tôi lúc này. Đánh liều mở cửa phòng đi xuống, tôi thấy chiếc cổng sắt nhỏ dẫn ra sân vườn chưa được cài khoá khiến gió lay làm nó phát ra tiếng kêu như vậy. Với tay cài cửa lại, tôi quay lưng về phòng.

Tuấn đứng sau lưng tôi!


Hoảng hốt nhìn Tuấn, tôi thất sắc. Anh ta bảo nghe tiếng cửa bị gió đập nên định ra đóng, ai ngờ tôi đóng rồi. Nói đoạn, Tuấn mở tủ lạnh lấy đĩa trái cây đã gọt sẵn đưa cho tôi bảo mang lên phòng ăn. Tôi lắp bắp: “Anh lấy dao ở đâu vậy? Lúc nãy… Lúc nãy em đâu có tìm thấy?” Tuấn nhìn tôi ra chiều ngạc nhiên rồi chỉ vào tủ bếp: “Ở trong này, lũ chuột quậy quá nên chắc chị Tuyết dọn dẹp lại khu vực nhà bếp rồi cất tạm vào đây.”

Tôi thở phào. Từ ngày biết về công việc của ba, tôi trở nên đa nghi trước tất cả mọi vấn đề. Tôi thường suy nghĩ, quan sát và muốn tìm ra cốt lõi thật sự đằng sau mọi thứ. Tôi đã dần tự ám ảnh bản thân mà không hề hay biết.

Sáng hôm sau, Tuấn đưa tôi đến trường như mọi ngày, lại còn dặn tôi mang theo mũ vải kẻo buổi trưa trời nắng. Tôi cũng lấy làm lạ vì chưa bao giờ Tuấn nhắc tôi như thế, nhưng sáng sớm còn ngái ngủ nên tôi cũng không suy nghĩ nhiều. Buổi trưa đi học về, thấy cổng chính khép hờ, tôi rất ngạc nhiên. Đẩy cửa vào nhà, tôi gọi to nhưng không ai trả lời. Quái lạ thật! Chị Tuyết từ trên tầng xuống, trên tay ôm một mớ drap bẩn, vừa đi vừa nói: “Tuấn nó nói với chị ra ngoài có chút việc, vì bận dọn dẹp nên chị khép cửa lại một lát.”

Một sự bất an bỗng dấy lên trong tôi. Chạy vội hai bậc một lên phòng, cửa phòng vẫn khoá, chìa khoá tủ đựng tiền của mẹ tôi vẫn nằm phía trong hốc nhỏ đằng sau tủ. Lấy chìa mở tủ xem xét, tôi tá hoả!

Tiền, vàng, ngoại tệ và nữ trang của mẹ tôi trong tủ, toàn bộ đã không cánh mà bay!

Run lập cập, tôi với điện thoại bấm số gọi cho chú Lĩnh. Công an lập tức vây kín nhà tôi, tiếng còi hụ inh ỏi, dồn dập đầy căng thẳng, băng niêm phong được giăng ra. Chị Tuyết đang được lấy lời khai ở dưới nhà. Còn tôi thì thẫn thờ ngồi bên cạnh chiếc tủ đã trống rỗng. Chú Lĩnh cố gắng liên lạc để báo tin với mẹ tôi.

Số điện thoại của Tuấn đã không còn liên lạc được. Công an kiểm tra khu vực quầy lễ tân, tìm thấy một cuốn sổ có ghi vài số điện thoại, tôi nhận ra đó là sổ tay của Tuấn vì tôi thường thấy anh ta hí hoáy ghi chép trong đó. Cuốn sổ còn ghi lại giờ giấc đi lại, sinh hoạt của mẹ con tôi, sơ đồ ngôi nhà của chúng tôi và cả một tấm ảnh của tôi mà không biết Tuấn đã lấy nó khi nào. Cảnh sát điều tra yêu cầu tôi cung cấp hình ảnh, giấy tờ tuỳ thân hoặc hồ sơ xin việc của Tuấn cũng như đặc điểm khi Tuấn rời khỏi nhà. Tôi chỉ có thể nhớ rằng khi đưa tôi đi học vào buổi sáng, Tuấn mặc áo phông màu đỏ và quần jean màu đen. Nhưng chị Tuyết lại khẳng định khi ra khỏi nhà, Tuấn mặc áo sơ mi trắng và quần kaki màu kem, tay xách túi giấy đựng sữa hộp bảo rằng đi thăm bạn vừa bị tai nạn. Giấy tờ tuỳ thân của Tuấn cũng nằm trong tủ, vì vậy anh ta cũng đã khoắng sạch, không để lại dấu vết nào. Theo nhận định ban đầu của cơ quan điều tra, có lẽ túi giấy ấy chứa tài sản hắn trộm được trong tủ của mẹ tôi. Họ ra thông báo phong toả toàn bộ các chuyến tàu khởi hành trong sáng nay và yêu cầu các trưởng tàu âm thầm kiểm tra hành khách trên tàu theo đặc điểm nhận dạng trong lời khai của chúng tôi, đồng thời rải người toả ra các bến xe Nam - Bắc. Chú Lĩnh trấn an tôi: “Không có thiệt hại về người là may mắn rồi An à, con đừng quá lo lắng! Các chú sẽ làm việc hết sức!”

Mẹ tôi gọi, nhấc máy lên, tôi nghe mẹ nói nhẹ như gió thoảng: “Thôi An, mất rồi thì thôi con. Mẹ xin lỗi vì đã để con ở nhà một mình.”

Tôi ngồi thụp xuống mà nước mắt lưng tròng. Những số điện thoại Tuấn ghi chép trong sổ lần được triệu tập lấy lời khai, họ đều là nữ sinh viên cách trường đại học trong vùng. Tuấn đã làm quen họ trong những quán cà phê bằng nhiều cử chỉ ga lăng. Đã có người trong số đó trao thân cho Tuấn. Nhưng tuyệt nhiên không một ai biết rõ về anh ta bởi với mỗi người Tuấn đều cung cấp một thông tin cá nhân khác nhau.

❉❉❉

Mẹ tôi ngồi hút thuốc ở sân thượng. Đôi mắt mẹ trũng sâu vì thiếu ngủ, tôi lặng lẽ úp một bát mì tôm nhưng mẹ không ăn. Đã một tháng trôi qua kể từ ngày Tuấn vơ vét tất cả rồi trốn đi, hắn lặn mất tăm như chưa từng tồn tại dù rằng cơ quan công an ra sức truy tìm. Căn nhà ba tầng vắng lặng và tối tăm đến đáng sợ, công việc kinh doanh đã ngưng lại nên các phòng đều không có khách lưu trú. Nền nhà phủ đầy bụi vì cả tuần không có ai lau dọn, mẹ tôi đã cho chị Tuyết nghỉ việc để tiết kiệm tiền. Hành lang dài tăm tối với những dãy phòng đóng kín cửa khiến tôi rùng mình.

Công việc của mẹ tôi gặp nhiều trục trặc. Các khoản đầu tư đều thất bại vì đối tác lừa, chúng tôi không còn tiền dự trữ, nợ nần ngập đầu. Mẹ tôi suốt ngày hút thuốc và uống rượu, không buồn mở cửa nhận khách trọ nữa. Ban ngày, tôi đi học như bình thường. Tối đến, tôi tranh thủ nấu tạm bữa tối qua loa nhưng cũng không ai muốn ăn. Căn nhà tối tăm và ảm đạm như nhà ma. Nấu cơm xong không thấy mẹ đâu, tôi bật sáng đèn ở từng tầng rồi lần lên sân thượng. Mẹ ngồi một góc đằng sau cánh cửa dẫn ra ban công, vỏ lon bia và tàn thuốc lá vương vãi khắp nơi. Mẹ với tay cố lấy chùm chìa khoá nằm phía bên ngoài cánh cửa, có lẽ khi cố tra vào ổ khoá để mở cửa ra ban công, bà đã làm rơi nó ra ngoài. Bà vừa đưa tay khều lấy chùm chìa khoá, vừa khóc lại vừa cười. Bất chợt, bà cất một tràng cười dài, ghê rợn, the thé trong màn đêm tĩnh mịch, rồi lại bật khóc thảm thiết, đầy nỗi u uẩn. Chốc chốc, mẹ tôi lại đập đầu vào tường rồi khóc cười đầy ma mị. Tôi lao đến ôm, ngăn không cho bà tiếp tục hành hạ bản thân. Bà ngơ ngác rồi bật khóc nức nở trong vòng tay tôi. Hai hàng nước mắt chảy dài.

❉❉❉

Mẹ tôi ở rịt trong nhà, không bước ra ngoài. Chủ nợ bắt đầu kéo đến yêu cầu siết ngôi nhà mẹ con tôi đang ở cùng toàn bộ tài sản. Họ hung hăng đập phá, chửi rủa và hăm doạ. Vì sự an toàn, mẹ con tôi không thể ở lại căn nhà đó nên phải thuê tạm một căn phòng trọ để ở. Những hộp cơm được mua về mỗi bữa, nhưng không ai buồn đụng đến. Mẹ chỉ ngồi một góc uống bia và đốt thuốc. Khói thuốc mờ nhạt qua ánh mắt tôi, làm mờ đi cả con đường tương lai ở phía trước. Tôi không biết phải làm gì và cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Mẹ tôi nhiều lần có ý định tự tử. Sự tuyệt vọng ăn mòn từng tế bào nghị lực trong ý chí của bà. Có lẽ mọi thứ đã vượt quá sức chịu đựng của một người phụ nữ ấy

Mẹ tiếc công sức gây dựng sự nghiệp. Bà đau đớn khi bị những người được cho là bạn, là đối tác tin cậy lừa trắng trợn, thất vọng khi nhân viên tin cẩn cũng quay lưng phản bội. Sâu thẳm trong suy nghĩ, bà lao vào kinh doanh cũng chỉ để chứng tỏ cho ba thấy rằng không có ông, bà vẫn sống rất tốt, vẫn thành đạt và kiêu hãnh ngẩng cao đầu. Sự ra đi của ba khiến bà như rơi từ trên cành cây cao xuống đất, bà không còn ý chí phấn đấu hay động lực để tiếp tục tham vọng. Có lẽ khi nào phải đứng giữa ranh giới của sự yêu - ghét, lòng hận thù và nỗi khát khao “trả thù”, tôi mới có thể hiểu được.

Chúng tôi quyết định bỏ lại tất cả mọi thứ nơi này để cùng nhau đi đến một vùng đất mới. Thành phố này đã in bước chân người xưa trên mỗi con đường, hình ảnh hiển hiện trên từng góc phố chẳng thể nào bôi xoá được. Trở về đây cũng là lúc nỗi buồn sâu thẳm trong trái tim tôi trỗi dậy. Tôi không sợ nghèo khó bởi cảm giác giàu sang cũng chưa đủ lâu để làm tôi quên đi khoảng thời gian thăng trầm mà gia đình tôi đã từng trải qua trong quá khứ. Tiền bạc mất đi còn có thể lấy lại được, nhưng có những thứ vụt mất sẽ vĩnh viễn không bao giờ có thể quay trở lại.

Một buổi sáng sau mấy ngày trở về, tôi gặp Huỳnh Thuận tại tiệm bách hoá khi đang mua một ít đồ dùng cá nhân. Huỳnh Thuận và tôi quen biết nhau trong một lần tôi đi du lịch cùng bạn bè trên hòn đảo của gia đình anh. Sau những biến cố và sự thiếu hụt tình cảm, dù chỉ là sự rung động rất nhẹ nhưng cũng đủ để lại cho tôi thật nhiều nỗi thất vọng sau này. Cuộc đời đổi trắng thay đen đã nhanh chóng dạy cho tôi một bài học về lòng người. Bạn bè và Huỳnh Thuận đều chưa biết về chuyện của gia đình tôi. Gặp lại tôi sau mấy tháng bặt tin, Huỳnh Thuận mừng rỡ hỏi han đủ điều. Anh ngỏ lời mời tôi đến bữa tiệc sinh nhật của mình tối nay trên du thuyền riêng của gia đình. Tôi ngập ngừng nhận lời. Bữa tiệc đêm hôm đó khiến tôi chẳng thể nào quên, thứ cảm giác lạc lõng khi lọt thỏm giữa đám đông nói cười, những lời chúc tụng, những chai rượu và các loại thức uống đắt tiền đầy ắp trên bàn tiệc, những con tôm hùm to được nướng trên bếp lửa, và chúng bạn vừa ăn vừa ném lẫn nhau. Tôi chợt nghĩ về mẹ, về những hộp cơm nguội lạnh trên bàn. Có lẽ cuộc đời phải có những tương phản để ta biết trân trọng hơn những gì mình đang có. Trên chiếc du thuyền màu trắng xa xỉ, phút huy hoàng cuối cùng để khép lại trang sách của ngày hôm nay và chào đón cuộc đời tôi bước sang một trang mới vào ngày mai.

Sau bữa tiệc sinh nhật xa hoa, tôi trở về căn phòng trọ. Mẹ vẫn ngồi ở đó, ánh trăng mờ hắt bóng, đêm nay sẽ thật dài bởi vì nó dành để nhìn lại những gì đã xảy ra tại thành phố này, như một thước phim quay chậm, đủ mọi ngọt bùi đắng cay. Ngày hôm sau, mẹ tôi bắt đầu tỉnh táo hơn. Bà gọi điện dặn dò chú Lĩnh giúp bà thu xếp vấn đề trả nợ cho các chủ nợ, mọi vấn đề pháp lý về tài sản sẽ dễ dàng được giải quyết mà không cần sự có mặt của mẹ.Buổi chiều tắt nắng, tôi vội vã trở về nhà lấy đồ đạc cần thiết nhét vội vào vali. Sự ra đi như trốn chạy, chạy trốn những ký ức và sự thất bại, cảm giác đó có lẽ cũng không khác ngày tận thế là mấy. Trước khi ra bến xe, mẹ dặn tôi ghé tiệm may lấy hai bộ đồng phục mà mẹ đã đặt may cho năm học mới của tôi. Không một ai có thể biết được ngày mai đến như thế nào.

Bóng đêm đổ dần xuống cung đường quen thuộc mà tôi đã đi qua mười mấy năm trời. Sự cô đơn cuốn lấy tâm hồn tôi, co ro trên chuyến xe bus đưa tôi qua từng vùng ký ức mờ ảo, xa vời. Ở chỗ này, tôi vẫn nhác thấy bóng ba người chúng tôi đang chở nhau trên đường, cười vang cả một góc trời. Ở chỗ kia, tôi vẫn nhìn thấy ba tôi đang vịn yên xe đạp cho tôi còn mẹ thì đứng cạnh cổ vũ. Mảng hồi ức mỏng manh chực chờ tôi chạm tay vào để rồi tan biến đi như chưa từng tồn tại.

Chúng tôi bắt một chuyến xe muộn để bắt đầu sự trốn chạy lặng lẽ. Khi chiếc xe dần lăn bánh, những căn nhà ven phố lùi xa về phía sau, những kỷ niệm cũng nhỏ dần, nhỏ dần rồi khuất hẳn. Nhưng nỗi buồn trong tôi không thể lùi xa, sự cay đắng nào có khuất đi? Trái tim tôi bỗng thắt lại vì sực nhớ ra, khi về nhà thu dọn, vì quá vội nên tôi đã quên mất chiếc hộp đựng tất cả các loại bằng khen của tôi trong suốt nhiều năm.

Bỏ lại sau lưng một miền ký ức là khi tôi đánh mất tất cả và làm lại từ đầu ở một phương trời xa lạ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận