Lưỡng Đô Ký Sự

Tử sinh khiết thoát, dữ tử thành thuyết.

Dời đô tất chẳng phải chuyện nhỏ, là một việc cần cả nhân lực lẫn tài lực, cần cả thời gian. Mà trước hết, điều cần nhất chính là lòng người.

Vương triều Đại Tấn đã mấy trăm năm, hoàng thân quốc thích sinh ra trên đất Yến Kinh, lớn lên trên đất Yến Kinh, Yến Kinh đối với họ không những là đế kinh, mà còn là cố thổ. Lại nói, chẳng bàn tới chuyện tình cảm, ngay tới vị trí địa lý cũng thực là một trở ngại. Yến Kinh và Kim Lăng một Bắc một Nam, thủy thổ trái ngược, khí hậu khác biệt, người trẻ tuổi rồi sẽ dễ thích nghi, người già yếu lại chỉ e sẽ như dầu hết đèn tắt.

Nhưng hoàng thân quốc thích, suy cho cùng cũng chẳng quan trọng bằng lòng dân. Dời đô về thành Kim Lăng, khi ấy trung tâm chính trị của cả một vương triều cũng sẽ chuyển về Kim Lăng, không còn là ở Yến Kinh nữa. Châu phủ Yến Kinh khi ấy sẽ quản lý ra sao, phát triển thế nào, lại là một vấn đề lớn. Vấn đề này không giải quyết tốt ắt sẽ dẫn đến đại họa. Xưa nay chuyện quan lại châu phủ mặt ngoài thuận với triều đình, mặt trong kích động lòng dân, cũng là không thiếu.

Trong buổi cải tổ đại biến, máu càng lạnh, việc thành sẽ càng nhanh. Tôn thất đối kháng, khuyên không được thì biếm, biếm không được thì giết, cũng chẳng phải là chuyện bất khả thi. Năm xưa Hiếu Văn đế nước Bắc Ngụy ban hành chính sách Hán hóa cũng là vậy, ngay đến thân nhân ruột thịt cũng biến thành chẳng cùng huyết thống. Nhưng nội tình khác biệt, chẳng thể so sánh. Năm xưa chính sách Hán hóa của Hiếu Văn đế dù là đại biến, nhưng đại biến này là nhằm củng cố chính quyền Bắc Ngụy, còn nay Đường Oanh dời đô Kim Lăng, không phải vì Đại Tấn, mà là vì tư tâm. Tự xét lại mình, bắt đầu ở điểm đó mà thôi, nàng cũng biết mình không phải minh quân. Đồn đại nhiều đời quanh chuyện long mạch Kim Lăng, nàng tuy không tin, nhưng nàng cũng khó đảm bảo được lần này dời đô tới Kim Lăng sẽ có thể chứng minh lời đồn ấy là hư hão. Mà nếu như, lịch sử lặp lại, một ngày kia đế vương nghiệp lụi tàn, Đường Oanh chính là tội nhân thiên cổ, không chỉ với tổ tông, mà còn với xã tắc.

Một triều đại thịnh vượng đi đến ngày lụi tàn, trên trang sách sử sẽ viết ấy là chính biến, là khởi nghĩa, là nạn binh đao; còn trên thực tế, ấy chính là xác trải ngàn dặm, là máu chảy thành dòng, là đẩy giang sơn vào cảnh loạn lạc lầm than, là ép bá tính vào cảnh nồi da nấu thịt. Từ khi ngồi lên ngôi cửu ngũ tới nay, nàng đêm này qua đêm khác, trắng đêm phê duyệt tấu sớ, chuyên tâm suy tính chính sự, ngoài bầu bạn bên người kia ra, tâm tư suy nghĩ đều đã dồn cả vào triều chính.

Chỉ có như thế mới có thể giữ được quốc triều đại thể mà tiền nhân gửi gắm, để rồi truyền lại sơn hà cẩm tú cho mấy đời hậu nhân.

Ngày xuân tới gần, tuyết tan băng mòn.

Biển lặng rồi, Hải Châu vốn không chiến sự gần đây lại trở nên căng thẳng, Lãng Cơ quốc có động thái binh đao, mấy ngày trước hai châu tiếp giáp cũng đã tăng cường tiếp viện, tổng cộng cũng phải tới mười vạn quân. Tuy chưa hề có thư báo cũng chẳng có lệnh cấp, binh tướng túc trực nơi vọng đài đều hiểu diễn biến sắp tới thế nào, cũng khó lòng mà định trước.

Yến Kinh xa Hải Châu, cách nhau mấy tầng sông núi, dân chúng ở nơi ngay dưới chân Thiên tử vẫn ngày qua ngày thanh nhàn ung dung. Hơn nữa hôm nay còn có náo nhiệt ngàn năm có một, sao có thể bỏ qua?

Hôm ấy, mùng Ba, trong thành cử hành Đại điển chấp chính của Hoàng đế, sau đó theo lệ sẽ có đại xá thiên hạ. Dân chúng trong thành, giờ này chỉ mong thân nhân mình sẽ có thể nhờ vào dịp ban ân lần này mà được đặc xá. Lòng nóng như lửa, cơm nước chẳng lo, chỉ mong ngóng tin tức mà thôi từ nơi hoàng thành mà thôi.

Mà ở nơi hoàng thành, lúc này, trên quảng trường trước Thái Hòa điện, Đại điển đã gần về hồi cuối. Văn Đông võ Tây xếp thành hai ngả, triều thần ai nấy một thân triều phục ứng với phẩm cấp, đầu đội lương mão, tay nâng hốt bản, nơi cung thành rộng lớn vang vọng tiếng hô.

Chiến sự Hải Châu có thể nổ ra bất cứ khi nào, lại thêm dự định dời đô, quốc khố tuy sẽ không thiếu nhưng tiết kiệm vẫn là thượng sách, Đại điển lần này Đường Oanh vốn là muốn giản lược, nhưng Thái hậu lại không đồng tình, một hồi tranh luận vẫn là Đường Oanh nhượng bước nghe theo.

Hoàng đế đặt chân lên thềm đá trước điện Thái Hòa, đế giày bước trên long phượng chạm nổi. Sau lưng, khanh tướng cúi đầu xưng thần tử, trước mắt, Thái Hòa điện sừng sững nguy nga. Bước lên thềm đá này, đi qua cánh cửa kia, bên trong sẽ là vương công tôn thất, sẽ là bảo sách ngọc tỷ, nơi ấy là điểm cuối cùng của thứ quyền lực tối cao.

Tuy nay Thái hậu lấy thân phận Thái hậu mà giúp Hoàng đế cài trâm đội miện, nhưng trong lòng lấy thân phận gì, có suy tư gì, cả hai có lẽ đều đã tự lừa mình dối người. Mà Đường Oanh, ngay từ khi bắt đầu nhen nhóm ý định dời đô, cũng đã tự xác định sẽ để thanh danh ngàn năm lại sau lưng, chỉ có điều, nàng có thể từ bỏ thanh danh của chính mình, lại chẳng thể không nghĩ đến thanh danh của Thái hậu. Nghĩ, đại hôn cũng chỉ là hình thức mà thôi, một chén hợp cẩn, sống chung một phòng, nửa đời còn lại ở bên nhau, ấy mới là quan trọng.

Mặc dù tương lai có lẽ sẽ chẳng thể mãi tránh được ánh mắt thế nhân, nhưng một khi còn quyền lực trong lòng bàn tay, thế nhân cũng chẳng thể can thiệp chỉ trích.

Bước qua thềm đá, đế giày đặt lên thảm đỏ trải dài tận vào bên trong điện. Từng bước vững chãi, tiến vào bên trong, lại kìm lòng không đặng mà nâng mắt dõi về phía cao nhất, nơi ấy màn rủ rèm buông. Thái hậu đứng sau tấm rèm ấy, Đường Oanh lại chẳng thể nhìn thấy gương mặt nàng, chỉ thấy loáng thoáng vài đường chỉ bạc tinh xảo đang uốn lượn trên Địch y.

Ta chập chững non nớt, có người ở bên; ta rèn mài kinh sử, tu thân dưỡng tính, cũng có người ở bên. Nay ta tọa ủng giang sơn, bước lên thềm ngọc, người vẫn ở đây. Cả cuộc đời ta, chỉ mong người sẽ ở bên cho đến giây phút cuối cùng, chỉ mong tử sinh khiết thoát, dữ tử thành thuyết[1].

[1] Kinh Thi của Khổng Tử, thời Chu: Tử sinh khiết thoát, dữ tử thành thuyết. Chấp tử chi thủ, dữ tử giai lão.

Không biết do đâu, Đường Oanh chợt lại thấy khẩn trương đôi phần, bàn tay thanh mảnh vô thức siết lấy hốt ngọc, giữ cho bước chân vững vàng.

Từng bước chậm, tiến về phía trước, lặng ngắm khoảnh khắc vén rèm châu.

Rèm châu được vén lên, Nhẫn Đông cúi đầu khuỵu gối, đỡ lấy bàn tay Thái hậu. Thái hậu thường ngày vốn không ưa trang điểm, gặp dịp kia ngọc thể bất an, cũng thường chỉ đạm trang sơ lãnh. Hôm nay khoác lên mình một thân Địch y tôn quý, son phấn lại điểm tô lên thứ quý khí của chính nàng, dù tư phong vẫn chẳng hề thay đổi, lại thấy như còn càng diễm lệ, càng cường thế.

Hoàng đế đứng trước rèm châu, nhìn Thái hậu bước về phía mình, còn chưa kịp định thần đã thấy người ngay trước mắt. Tuổi mười bảy chẳng phải là độ tuổi đẹp nhất của đời người đó sao, nay một thiếu nữ mười bảy lại mặc trên người bộ miện phục huyền sắc, đội trên đầu mũ miện mười hai lưu, ấy cũng có thể nói rằng chính là quang hoa chói mắt.

Đường Oanh cảm nhận trâm ngọc xuyên ngang qua búi tóc, khi ấy bàn tay thanh mảnh mới rời tới ngay trước mắt nàng, chậm rãi vuốt cho thẳng mười hai dây ngọc rủ xuống từ mũ miện chu anh. Ngón tay lướt từ nơi tóc mai, như có như không vuốt theo sườn mặt nàng, níu lấy dây mũ miện, buộc thành hai nút thắt, khi ấy coi như phần lễ nghi quan trọng nhất đã hoàn tất.

Đường Oanh đè nén xúc động nơi lồng ngực, lui về phía sau nửa bước, hai tay chắp hốt ngọc, đứng cho thẳng vai lưng, khi ấy mới có thể theo tiếng hô của Chấp Sự quan mà khom người hành lễ. Một vái ấy là từ thân phận dưỡng nữ, tỏ lòng biết ơn, cho trọn nghĩa hiếu với người đã dạy dỗ mình nhiều năm. Một là Quân vương, một là Thái hậu, là tấm gương của thần tử, là hình mẫu của bá tính.

Tiếng hô của Chấp Sự quan vang vọng điện Thái Hòa. Tiếp, theo điển lễ, Thái hậu sẽ đỡ lấy tay Hoàng đế, Hoàng đế đứng dậy rồi, hai người sẽ nhận khấu bái của quần thần, đến lúc ấy có thể nói Đại điển đã kết thúc.

Chỉ có điều rằng, Chấp Sự quan còn chưa kịp hô thêm tiếng tiếp theo, đột nhiên im bặt, trân trối mà nhìn cảnh tượng trước mắt, chẳng còn kịp phản ứng ngăn cản. Cả điện lặng đi, không gian rơi vào sự yên lặng quỷ dị, như thể ngay cả tiếng gió cũng đã im bặt.

Đường Oanh kinh hoảng, nàng chưa kịp đứng dậy đã giật mình ngước mắt nhìn lên. Qua mười hai dây ngọc rủ xuống trước mắt, chính mắt nàng thấy rõ ràng người đối diện mình, lúc này đang thu tay cúi người, đối bái với Quân vương!

"A... A nương?" Đường Oanh lẩm bẩm, ngây ngẩn, không thể hiểu.

Người người trong điện ai nấy đều quay đầu nhìn nhau, nhíu mày nghị luận. Là nghi hoặc, là phẫn nộ, là hoang mang – cũng đều không thể có một câu trả lời xác đáng, cấp bậc lễ nghĩa trong dịp tối quan trọng như thế này, người như Thái hậu há lại không hiểu? Ngày lành tháng tốt không phải nhiều, Đại điển đăng cơ cũng không thể làm đi làm lại, phạm phải sai lầm ắt sẽ thành trò cười cho thiên hạ.

Chấp Sự quang nhìn quanh, đang muốn tới hỏi, đã thấy có bóng người bước lên.

Từ Cửu Cửu nâng tà viên lĩnh, bước lên bậc tam cấp, cảm nhận được mọi ánh mắt đang đổ dồn về phía mình. Bước chân nhanh hơn vài phần, hai tay nâng một cuộn vải vàng, ấy ắt là chiếu chỉ. Đi tới trước Ngự giai, Từ Cửu Cửu nâng giọng.

Chiếu chỉ của Thái hậu chỉ có hơn trăm chữ mà thôi, nhưng ý tứ trong ấy lại chẳng khác một tràng sấm sét giáng xuống bình địa ngay khi trời mây đang quang đãng. Cả điện lặng đi như tờ, rồi chẳng mấy chốc liền ào lên, có người đã buông hốt bản, phủi quan phục, nổi lời phê phán.

Thái hậu dùng một đạo chiếu chỉ, dùng thân phận Thái hậu, tự phế Hậu.

Bên dưới nhao nhao lời qua tiếng lại, sắc mặt Đường Oanh cũng theo ấy mà trầm xuống. Đang khi muốn quay lại chấn nhiếp tình tình, chợt thấy bàn tay mình bị người níu lại, nắm thật chặt. Đường Oanh hiểu ý tứ, cũng đã hiểu chiếu chỉ ấy có ý nghĩa như thế nào, bèn thấp giọng khuyên nhủ: "Không cần, kỳ thực không phải làm thế này, ta cũng đã sớm định trước chuyện của chúng ta dù mãi mãi chỉ là thâm cung bí sử cũng chẳng hề gì, chỉ cần..."

Đôi mắt Đường Oanh mở lớn, rõ ràng là vì quá đột ngột mà không kịp trở tay. Nụ hôn kia đến quá đột nhiên, vì hoảng hốt mà trong đầu nàng trống rỗng hư không, cũng như trong điện lúc này cũng đã đều chìm vào yên tĩnh. Mười hai dây ngọc trước mặt bị người vén lên, Thái hậu lấn về phía trước, môi thiếp lên nhau, hoảng như đều là một giấc mộng hoang đường.

"Không có gì là thâm cung bí sử." Môi rời khỏi môi, Thái hậu vẫn còn kề cận gần sát, thấp giọng cười nhạt, "Ngươi không thể thôi không làm nữ nhi của Tiên đế, nhưng ta có thể thôi không làm thê tử của hắn."

Không phải thê tử của Tiên đế, ta cũng sẽ không còn là Thái hậu của ngươi.

Đường Oanh nhíu mày, hoảng hốt lắc đầu. Xét đạo lý, xét luân thường, xét lễ nghĩa, loại chuyện người này đang làm ra đây, thật kinh thiên động địa, thật tổn hại thanh danh đến mức nào. Nhưng rồi chỉ trong một khoảnh khắc, nàng lại cũng đã hiểu, đã hiểu vì sao Thái hậu lại chọn hôm nay làm ngày ban chiếu chỉ, vì sao ở ngay Thái Hòa điện mà chọn làm ra hành động như thế này.

- -- Hết chương 80 ---

Editor cảm thán:

Nữ nhi Kim Lăng Nhan thị, con gái của Nhan Hoài Tín với tài nữ Bùi Chi Diêu thì có gì mà không dám làm? Chỉ có muốn làm hay không thôi chứ còn cái gì cũng dám làm hết. Uống khiên cơ dược 6 7 năm còn dám, phản Nhan Tốn không có thuốc giải độc cũng dám, mắt càng ngày càng mờ vẫn dám giấu, biết uống thuốc hại thân vẫn dám uống, đến nhận cái danh bức tử công thần còn dám luôn, thế thì vì tình yêu mà chơi lớn cho thiên hạ trầm trồ một phen dứt điểm có cái gì mà không dám? Dám chứ, dám mới là Nhan Y của Kim Lăng Nhan thị. Trong 5 đời Hoàng hậu của Đế vương nhà họ Đường thì chị có máu liều nhất rồi, chúc mừng Bệ hạ, hương hoả tốt quá nên được chị Hậu hơi liều.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui