A Bảo lề mà lề mề ăn sáng suốt hai tiếng đồng hồ cho đến khi Ấn Huyền bất đắc dĩ ban lệnh đặc xá tạm thời không kiểm tra thành quả luyện tập bùa Độn địa, cậu mới hoan hô một tiếng, hớn hở quăng đũa.
Vị trí của Tàng Kinh thế gia là một bí ẩn, không dễ để tìm được họ.
A Bảo gọi điện thoại dò hỏi Tư Mã Thanh Khổ, Tư Mã Thanh Khổ nói: "Việc này rất đơn giản, con đến đây giúp thầy một chút, thầy sẽ nói cho con."
A Bảo khó có thể tin mà hỏi: "Tình cảm thầy trò chúng ta, chẳng nhẽ còn cần phải dùng cách này để trao đổi sao?"
"Cũng đúng." Tư Mã Thanh Khổ đổi cách nói, "Đồ đệ, mau đến đây giúp sư phụ làm việc!"
A Bảo không chút lưu tình cúp điện thoại.
Ấn Huyền hoài nghi nhìn về phía cậu.
A Bảo cây ngay không sợ chết đứng: "Họ gọi nhầm, là người môi giới ạ."
Ting ting ting —
"Người môi giới" lại gọi đến.
A Bảo vừa nhấc máy đã nghe Tư Mã Thanh Khổ gầm lên từ đầu bên kia: "Dám cúp điện thoại của sư phụ, mày đang khi sư diệt tổ đấy có biết không!"
A Bảo nói: "Con là người đàn ông ngủ chung giường với Tổ sư gia, thầy tính lại vai vế lần nữa đi."
"..."
Bên kia chủ động cúp điện thoại.
Ấn Huyền cười như không cười hỏi: "Người môi giới còn quan tâm buổi tối em ngủ cùng ai à?"
A Bảo mặt không đỏ thở không gấp: "Là người môi giới bất động sản, họ muốn biết mình cần mấy căn phòng ngủ."
Khi Tư Mã Thanh Khổ gọi lại, hai bên đã bình ổn cảm xúc, có thể vui vẻ mà trao đổi.
Tư Mã Thanh Khổ sến súa nói: "Đồ đệ thân yêu, mấy tháng không gặp, thầy rất nhớ con."
A Bảo mỉm cười đáp lại: "Sư phụ thân yêu, một ngày không gặp như cách ba thu, mấy tháng không gặp, coi như đời này chưa từng quen nhau."
"A Bảo này," Tư Mã Thanh Khổ đổi giọng điệu, "Chúng ta luôn gặp nhau, con nghĩ kĩ lại xem, lần sau chúng ta gặp nhau, có thể sẽ phải đổ máu."
"Sư phụ này," A Bảo điềm tĩnh nói, "Con và Tổ sư gia luôn ở bên nhau, thầy nghĩ kĩ lại xem, lần sau chúng ta gặp mặt, thầy phải gọi con là gì."
...
Tư Mã Thanh Khổ lệ rơi đầy mặt: "Tổ sư gia chắc chắn là đi đêm nhiều nên mới bị quỷ mê hoặc tâm trí."
Sau một hồi hai bên thăm hỏi "ân cần" vì lâu ngày không gặp, cuộc đối thoại cuối cùng cũng đi vào vấn đề chính.
A Bảo bày tỏ mong muốn mình muốn đến Tàng Kinh thế gia để học hỏi kinh nghiệm.
Tư Mã Thanh Khổ nói: "Thế thì rất đơn giản, con tới núi Vạn Quý đi, Điêu chưởng môn đang đánh bài cùng thầy đây."
A Bảo nửa tin nửa ngờ: "Thầy chắc chắn ở núi Vạn Quý có Điêu Ngọc mà không phải có câu cá đấy chứ?"
(Điêu Ngọc /刁玉:diāoyù/ đồng âm với câu cá /钓鱼:diàoyú/)
Tư Mã Thanh Khổ hỏi: "Cả sư phụ mày cũng không tin há?"
A Bảo bình thản hỏi ngược lại: "Chuyện này có gì lạ đâu?"
Tư Mã Thanh Khổ lại cúp điện thoại nhưng lại gửi định vị sang.
A Bảo mở bản đồ trên điện thoại, phát hiện nơi đó được gọi là "Thành phố Quý".
"Bản đồ bây giờ còn thiếu chữ à? Đây là thành phố Quý Dương đúng không?" Cậu phóng to bản đồ, thấy nơi ấy cách Quý Châu xa tít tắp.
(Quý Dương là thành phố tỉnh lỵ tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.)
Ấn Huyền hỏi: "Có phải gần trấn Chúng Dương không?"
A Bảo vuốt ngón tay trên bản đồ: "Phía đông đúng là có trấn Chúng Dương."
Ấn Huyền nói: "Núi Vạn Quý xưa kia có tên là núi Vạn Quỷ, từng là biên giới giữa hai nước, xảy ra rất nhiều trận chiến, có vô số vong hồn dẫn đến trở thành nơi âm khí hội tụ, dương khí khó nhập.
Trấn Chúng Dương trước kia gọi là trấn Chung Gia, do gần núi Vạn Quỷ nên quanh năm bị quỷ hồn quấy phá.
Về sau, trưởng trấn mời cao nhân đổi tên trấn thành 'Chúng Dương', dùng dương khí của mọi người khắc chế khí âm của núi quỷ, phong ấn núi Vạn Quỷ."
A Bảo lộ vẻ ngưỡng mộ: "Tổ sư gia thật là hiểu biết sâu rộng, kiến thức uyên bác."
Ấn Huyền nói: "Tông sử có ghi lại." Hắn lấy ra một cuốn sách cũ cho A Bảo, "Ngoài việc học kỹ năng, kinh nghiệm cũng rất quan trọng."
Loại sách lịch sử này hoàn toàn có thể xem như truyện cổ tích mà đọc.
A Bảo vui rạo rực nhận lấy, lật mở trang đầu tiên, chữ từ trên xuống dưới, từ trái qua phải: Thuật Đoạt thần, đại tà.
Bỏ gốc rễ mà đuổi xa, lợi thì ngắn mà hại lâu, không phải đường ngay...
A Bảo đóng lại sách.
Ấn Huyền hỏi: "Xem xong rồi em?"
A Bảo đáp: "Trước tiên em phải mua một quyển từ điển văn ngôn¹ về xem."
Ấn Huyền ngồi xuống, lại mở sách ra: "Em không hiểu chỗ nào?"
"...!Chỗ nào em cũng không hiểu."
Ấn Huyền mở tay: "Lấy điện thoại ra em."
A Bảo cẩn thận đưa điện thoại qua: "Em có thể chất tốt, điện thoại va phải em là điện thoại hỏng."
Ấn Huyền nắm lấy ngón tay cậu, mở khoá điện thoại, ấn lướt vài cái, sau đó nói: "Mua xong rồi."
"Dạ?"
"Từ điển văn ngôn."
A Bảo: "..." Thế là Tổ sư gia là từ bỏ việc tự dạy học à?
Đưa địa chỉ núi Vạn Quý cho Tào Dục, gã nhanh chóng tính toán ra tuyến đường phải đi, cũng nhanh chóng mua vé tàu hỏa, thu dọn hành lý, trả phòng rồi lên đường.
Một ngày chỉ có hai chuyến tàu, bọn họ may mắn bắt kịp chuyến cuối cùng hôm nay.
Lúc lên tàu, Tào Dục nhìn thấy một cụ bà mang theo túi dệt to đi lên cầu thang liền vội vàng bước đến giúp.
Khi đi đến bậc thang cuối cùng, còn chưa kịp nghe bà lão nói cảm ơn, A Bảo đã đưa điện thoại Hạ Nguy gọi đến.
"Cá Trắm Cỏ này! Mày thật sự trở thành cá chỉ có ký ức ba giây rồi phải không? Tao đã nói với mày, trước khi làm việc tốt nhất định phải nói khẩu hiệu rồi.
"Kỳ Lân Thiên Quân phái tôi tới cứu khổ cứu nạn".
Tổng cộng mười một chữ, có gì khó đâu? Có thể khó hơn "Cày đồng đang buổi ban trưa"² không? Hồi đó mày thi qua môn ngữ văn kiểu gì thế?"
Hạ Nguy còn muốn lải nhải, Tào Dục đã chặn lời: "Tao rời hội."
Hạ Nguy cho rằng tai nghe mình bị lỗi: "Mày từ từ, tao đổi tai nghe khác, hình như vừa rồi tao nghe nhầm.
Mày nói cái gì..."
Tào Dục nói: "Não mày mới phải đổi cái khác."
Có một phần tư Trường Sinh phó đan trong tay, giá trị lợi dụng của Hạ Nguy đã cạn kiệt, tình bạn nhựa không đáng nhắc đến tan vỡ cũng là chuyện đương nhiên.
Vốn dĩ Tào Dục còn định chia tay trong vui vẻ nhưng sau khi bị nhiều cuộc call như truy hồn đoạt mạng quấy rầy thì gã chỉ muốn làm một việc ——
Cúp điện thoại, kéo vào sổ đen, làm xong hết thảy, tinh thần Tào Dục liền thoải mái dễ chịu.
Tàu hoả chạy tám tiếng, từ ban ngày đến đêm tối.
Lúc xuống ga tàu đã là 9 giờ tối.
Nhà ga vô cùng nhộn nhịp.
Tào Dục dừng một xe taxi, vừa mới nói địa điểm tài xế đã từ chối.
Sau ba, bốn lần như thế, cuối cùng Tào Dục phải ra đòn sát thủ: "Gấp đôi.
Gấp ba.
Gấp bốn...!Bác ra giá đi."
Tài xế bó tay: "Không phải tôi không muốn đi, mà là tôi thực sự không thể đi được.
Nơi đó tà môn lắm, nếu đi vào lúc, người bình thường cũng không tìm thấy đường.
Hay là sáng mai cậu đi đi, tôi tính tiền gấp mười, cho cậu đi nhờ một chuyến."
Tào Dục hỏi: "Người bình thường không tìm được đường thì người nào có thể tìm được?"
Tài xế cắn chặt con vịt béo bở không chịu nhả, tìm mọi cách thuyết phục họ ở lại một ngày hẵngp đi, thậm chí giới thiệu cả khách nhưng nhất quyết Tào Dục không đồng ý.
Cuối cùng nể phí tin tức một trăm tệ, rốt cuộc mở miệng: "Ra khỏi nhà ga rẽ trái có một trạm xe buýt.
Ngẫu nhiên sẽ có tuyến xe đêm đi núi Vạn Quý."
Tào Dục sợ lỡ chuyến xe nên hỏi rõ ràng thời gian trạm dừng cuối cùng.
Tài xế nói: "Tôi cũng không biết mấy giờ, có khi có, có khi không, muốn gặp phải dựa vào vận may.
Không thì cậu cầm danh thiếp của tôi đi, nếu không kịp chuyến thì gọi điện cho tôi, mai tôi đưa các cậu qua.
Giá gấp tám lần là được rồi." Hắn còn muốn cứu con vịt béo bở suýt đến miệng một chút.
Tào Dục tiện tay nhét danh thiếp vào túi, xách hành lý đi đến trạm xe.
Tam Nguyên đi bên cạnh gã, đột nhiên duỗi tay nhúp tấm danh thiếp đó ra.
Tào Dục ngạc nhiên hỏi: "Em muốn ngày mai ngồi xe ông ta à?"
Tam Nguyên ngẫm nghĩ: "Tôi không thích người chào giá trên trời."
Tào Dục lập tức cầm lấy tấm danh thiếp ấy, thuận tay ném vào thùng rác ven đường.
Tam Nguyên trầm mặc một lát, hỏi: "Biết đâu lỡ xe buýt thì sao?"
Tào Dục đáp: "Ông ta chịu đi, chắc chắn người khác cũng chịu đi." Gã đã nhìn qua danh thiếp, nhớ rõ số điện thoại, lỡ bất đắc dĩ thì vẫn có thể liên hệ.
Đương nhiên, mấy cái này không quan trọng, quan trọng là Bách Cao vui vẻ.
Thực ra Tam Nguyên cũng không biết tại sao mình lại nói những lời như vậy.
Chỉ là, nhìn Tào Dục một mình xách theo hành lý đi đằng trước, đèn đường chiếu vào bóng lưng cao thẳng của gã, dáng vẻ vừa khôn khéo vừa có năng lực mà lại không phải cậu hai nhà họ Tào không ai sánh nổi trong trí nhớ y.
Tam Nguyên bỗng rất muốn trò chuyện cùng gã.
Thế nhưng sau khi nói xong, y lại không khỏi hối hận.
Mình lấy cớ thật sự chẳng hay ho gì, thậm chí còn hơi cố tình gây sự.
Lãnh nhạt và xa lạ lâu, y như thể đột nhiên mất đi khả năng trò chuyện bình thường với gã.
Tam Nguyên lặng lẽ bước chậm, một lần nữa kéo giãn khoảng cách giữa cả hai.
Tào Dục vẫn luôn chú ý mọi hành động của y sao có thể không phát hiện.
Nhưng ốc sên nhỏ khó khăn lắm mới ló đầu lần nữa, gã nào nỡ làm vội làm vàng.
Cố nén nỗi lòng muốn đuổi theo, vẫn duy trì tốc độ ban đầu, đành để khoảng cách dần dần mở rộng.
Cũng may là cùng đích đến, vậy chỉ có đến trước đến sau chứ không phải đau khổ chia tay.
Sau khi Tào Dục tới trạm xe, quay người lại, mượn ánh đèn nhìn Tam Nguyên đi từng bước về phía mình.
Thật ra, cảm giác nhìn Bách Cao đến gần mình cũng khá tốt.
Tào Dục tìm được tâm lý an ủi rất nhanh.
Sau khi đọc biển số xe và hỏi người qua đường, họ đều nói không biết tuyến xe đêm núi Vạn Quý, nhưng hỏi trạm xe buýt gần ga tàu hỏa thì đích thực chỉ một trạm này.
A Bảo đành phải gọi điện thoại cho Tư Mã Thanh Khổ.
Tư Mã Thanh Khổ nói: "Đúng là chỗ đó, xe buýt này là xe đen, đương nhiên ở trạm xe không có."
(Xe đen là xe cơ giới không có giấy phép, xe kinh doanh không có giấy phép hoặc không chính thức.)
A Bảo khó có thể tin nói: "Sư phụ thế mà lại ở chỗ phải đi xe đen mới đến được?"
Tư Mã Thanh Khổ nói: "Đến lúc con thấy ai lái xe đen là khắc hiểu."
Đang nói thì có một chiếc xe van trắng treo biển "Tuyến đêm núi Vạn Quý" hùng hổ chạy đến.
Vì Tư Mã Thanh Khổ đã nhắc, A Bảo trừng lớn mắt nhìn chăm chú tài xế.
Xe van mở đèn pha, ánh sáng chói loá che mất khuôn mặt người lái xe, chỉ có thể nhìn thấy một hình dáng mơ hồ.
A Bảo hỏi Ấn Huyền: "Hình như em nhìn thấy một mái tóc dài ngang vai."
Ấn Huyền gật đầu: "Đúng vậy."
A Bảo nói: "Em nghĩ đến một người.
Nhưng mà..." Dù sao người đó cũng là con ông cháu cha, không có lý gì lại sa sút đến độ phải đi làm tài xế xe đen để kiếm tiền.
Đèn pha xe van chợt vụt tắt, gương mặt người nọ lộ rõ dưới đèn đường ——
Anh tuấn sắc sảo, giống như con lai.
Chú thích:
¹ Văn ngôn là một loại ngôn ngữ viết dựa trên khẩu ngữ tiếng Hán thượng cổ, là ngôn ngữ văn chương cổ điển từ thời Xuân Thu Chiến Quốc thế kỷ V TCN đến hết thời nhà Hán, và vẫn tiếp tục dùng trong sách vở, kinh điển truyền thống cho đến thế kỷ XX, khiến nó khác xa với nhiều dạng văn nói hiện đại Trung Quốc.
Loại ngôn ngữ viết này dùng ngữ pháp và từ vựng cổ xưa có thể thấy trong điển tịch Tam giáo, nay đã bị đào thải và thay thế bằng bạch thoại văn ở Trung Quốc sau cuộc vận động văn hóa mới.
Nhiều tác phẩm của người Việt trước thế kỷ XX viết bằng chữ Hán đều dùng văn ngôn để diễn đạt, trong số đó có những áng văn chương quan trọng như:
- Thiên Đô Chiếu - Lý Thái Tổ
- Hịch tướng sĩ - Trần Hưng Đạo
- Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi
² Trích bài ca dao dịch từ bài thơ Mẫn nông của Lý Thân đời Đường (Trung Quốc).
Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!.