Ma Hoàn Lãnh Nhân

Khi Vô Ảnh Đao Trịnh Đáng đối mặt với cỗ xe thì tiếng sáo cũng ngưng tấu khúc. Hữu thủ Trịnh Đáng cầm chuôi ngọn khoái đao khẽ bóp chặt lại.

Song Hoàn Lãnh Nhân Cát Thiên Phong.

Thiên Phong giắt ngọn sáo trúc vào bên hông, nhìn Trịnh Đáng, từ tốn nói :

- Tại hạ mạn phép Trịnh huynh và các vị ở đây đưa Nghiêm tẩu tẩu rời Hoa Sơn phái.

Trịnh Đáng cau mày :

- Ngươi đưa Nghiêm Lệ Hoa đi ư?

- Tại hạ có bổn phận phải đưa tẩu tẩu đi tìm đại phu.

Thiên Phong định nhãn về phía Vạn Bá Thành :

- Thiên Phong đưa tẩu tẩu đi, Vạn chưởng môn thấy không có gì bất tiện chứ?

- Nhưng Võ lâm Minh chủ..

Thiên Phong cướp lời Vạn Bá Thành :

- Kim trang Trang chủ là Nhị ca, Võ lâm Minh chủ là Đại ca của Thiên Phong. Đưa tẩu tẩu đi tìm đại phu, chắc Đại Chu Thiên Đại ca không trách Thiên Phong.

Chàng nhìn lại Vô Ảnh Đao Trịnh Đáng :

- Đa tạ Trịnh các hạ đã có lòng với tẩu tẩu. Hẹn ngày tái ngộ!

Trịnh Đáng thét lên khi Thiên Phong toan cầm lấy dây cương :

- Khoan!

Thiên Phong từ tốn hỏi :

- Trịnh các hạ có điều chi chỉ giáo?

Trịnh Đáng dấn đến ba bộ, đứng án ngữ trước đầu cỗ xe song mã. Y trang trọng nói :

- Trịnh mỗ đến Hoa Sơn lần này vì muốn tìm bí mật cổ vật Long cốc. Mà người giữ bí mật đó chỉ có thể là Nghiêm phu nhân. Chính vì lẽ đó mà Trịnh mỗ không để Nghiêm phu nhân đi được.

- Thì ra các hạ đến Hoa Sơn tìm Nghiêm tẩu tẩu chỉ vì muốn biết bí mật cổ vật Long cốc. Rất tiếc tẩu tẩu hiện thần trí bất ổn, tâm bất an không thể giúp Trịnh các hạ được.

Thiên Phong ôm quyền xá Trịnh Đáng, từ tốn nói :

- Vô Ảnh Đao của Trịnh các hạ nhanh ngoài một cái chớp mắt. Đao thoát ra như chớp xẹt, vừa dũng mãnh vừa tàn nhẫn và khốc liệt, tại hạ đã có nghe danh nghe tiếng. Nhưng hôm nay thì Thiên Phong nhất thiết không thể giao Nghiêm tẩu tẩu cho các hạ được. Cáo từ!

Trịnh Đáng gầm lên :

- Khoan.. Cát Thiên Phong ngươi chưa thể đi được.

Thiên Phong buông thõng hai tay :

- Trịnh các hạ không cho Cát Thiên Phong đưa Nghiêm tẩu tẩu đi tìm đại phu?

- Ngươi muốn đi thì chí ít phải cho Trịnh Đáng thấy đôi song hoàn vô địch của ngươi mà thiên hạ đã đồn đãi.

Thiên Phong nhíu mày, từ tốn nói :

- Trong binh khí phổ của võ lâm có phân định: Nhứt điếu, nhị hoàn, tam đao, tứ kiếm. Tại hạ thiết tưởng binh khí phổ đó đã xếp hạng rồi, đâu cần phải chứng khảo.

- Binh khí phổ là binh khí phổ, nhưng kẻ dụng đao, người dụng hoàn, chưa biết ai đạt đến cái thần kỳ của binh khí mình sử dụng.

- Các hạ nói rất đúng. Vậy tại hạ mạn phép được hỏi trong võ lâm còn ai sử đúng đao thần kỳ hơn Vô Ảnh Đao Trịnh Đáng chứ?

- Ngoài Trịnh mỗ ra, e rằng không còn ai nữa.

- Tại hạ không phục đao pháp của Trịnh các hạ. Cái thần của đao dựa vào sự dũng mãnh và khốc liệt. Cái uy vũ của kiếm dựa vào sự uyển chuyển và linh hoạt, còn đôi Ma hoàn của tại hạ thì dựa vào cái nhanh và chính xác. Những luân lý đó chắc Trịnh các hạ thừa bản lĩnh để khảo chứng các loại binh khí trong võ lâm.

- Trịnh mỗ thừa biết.

- Nếu đã biết như vậy ắt Trịnh các hạ không buộc tại hạ phải khảo chứng thì sợ Hoàn quá nhanh, tại hạ không kịp thu về.

- Đao của ta cũng dựa vào sự dũng mãnh và nhanh nhẹn.

Trịnh Đáng vừa nói vừa hoành đao gác chéo, hướng lưỡi đao về phía Cát Thiên Phong.

Mặc nhiên với lối thủ đao của Trịnh Đáng, Cát Thiên Phong vẫn buông thõng hai tay nhưng tinh nhãn của chàng thì đóng đinh vào mắt đối phương.

Trịnh Đáng cũng chiếu thần nhãn ngập sắc na sát khí khủng bố của mình đối lại ánh mắt sắc nét của Thiên Phong. Hai người đối mặt với nhau cứ như họ dùng mắt để khảo chứng những gì mình đã thốt ra.

Sự đối nhãn của họ khiến cho cục trường bỗng chốc trở nên im lặng nặng nề, và tiềm ẩn trong sự im lặng đó là không gian khủng bố mơ hồ.

Hai đối thủ chỉ mới đối nhãn với nhau thôi nhưng phảng phất đâu đó trong ánh mắt của họ là sắc na của tử thần, chập chờn.

Lưỡi khoái đao của Trịnh Đáng khẽ run nhẹ thì bên kia đôi bản thủ của Thiên Phong cũng nhích động. Cả hai như đang đọc ý niệm của nhau, để có thể quyết định bằng một chiêu. Đối với Trịnh Đáng, đối thủ lần này trong mắt y quả là không sao định tâm được. Chính ánh mắt rất khắt khe, và cũng rất ôn hòa của Cát Thiên Phong khiến tâm tưởng họ Trịnh chao động, không biết đao sẽ đến trước hay hoàn sẽ đến trước lưỡi hái tử thần.

Vô Ảnh Đao Trịnh Đáng thoạt chớp. Một cái chớp mắt đó thôi mày đã giật mình, xương sống xuất hiện một luồng khí âm hàn giá buốt.

Thiên Phong nhìn Trịnh Đáng từ tốn nói :

- Cước pháp của các hạ vừa mới dịch sai phương vị.

Trịnh Đáng thở phào một tiếng :

- Song Hoàn Lãnh Nhân quả là lợi hại. Thiên hạ đồn đãi không ngoa.

Trịnh Đáng nói xong từ từ hạ khoái đao xuống.

Hai tay Thiên Phong cũng nắm lấy dây cương đôi tuấn mã, chàng từ tốn nói :

- Trong võ lâm Trung Nguyên khó có người đạt được cái thân như Trịnh các hạ. Đa tạ Trịnh các hạ đã mở đường!

- Ta sẽ gặp lại ngươi. Hẹn ngày tái kiến!

Thiên Phong giật dây cương, đôi tuấn mã cất đầu hí vang rồi trổ nước kiệu kéo cỗ xe lao ra ngoài quan lộ.

Bấy giờ Trịnh Đáng mới nhìn lại dưới chân mình.

Quả đúng như Thiên Phong nói, trong lúc y chớp mắt, thần thức quá căng thẳng nên chân phải hơi dịch sang trái một chút để lộ nửa dấu chân ra ngoài.

Trịnh Đáng nhìn theo cỗ xe song mã, lẩm nhẩm nói :

- Đao hoàn cũng có lúc phải đối chứng với nhau.

Y nói xong liền trổ khinh công thượng thừa thoát đi, rời khỏi Tổng đàn Hoa Sơn phái, mặc nhiên không màng đến những kẻ đang có mặt tại cục trường.

Cuộc đối nhãn vừa rồi buộc Trịnh Đáng phải nghĩ tới một điều, trên giang hồ còn có một người nhanh hơn y, lạnh lùng hơn y, người đó chính là Song Hoàn Lãnh Nhân Cát Thiên Phong.

* * * * *

Trở lại Cát Thiên Phong. Chàng cùng Nghiêm Lệ Hoa rời Hoa Sơn phái trên cỗ xe song mã của Vô Ảnh Đao Trịnh Đáng, theo quan lộ trở về trấn Trung Châu.

Khi trời sập tối thì Thiên Phong đến ngoài bìa trấn.

Chàng dừng xe ven một bìa rừng, vén rèm nhìn vào trong.

Nghiêm Lệ Hoa ngồi ủ rũ, đôi mắt buồn vời vợi như chìm vào cõi hoài kỷ xa vắng nào đó. Chính vẻ tiều tụy, vô thần của Lệ Hoa buộc Thiên Phong phải buông một tiếng thở dài ảo não.

Chàng khép rèm cửa lại, rồi ra roi

Khiến đôi tuấn mã kéo xe vào trong trấn.

Thiên Phong dừng cỗ xe trước một tòa trang viện có treo tấm liễn sơn son thếp vàng : Giản Hoa thiền viện.

Ngồi trên ghế xà ích, Thiên Phong thoáng một chút lưỡng lự, nhưng rồi cũng quyết định phi thân xuống xe, bước đến cánh cửa đóng im lìm, trên có hai chiếc đèn lồng. Chàng nắm tay vào chiếc vòng sắt gõ.

Cánh cửa trang viện nhanh chóng mở ra. Một thiếu nữ tuổi trạc hai mươi bước ra nhìn Thiên Phong. Nàng nhìn chàng một lúc rồi như nhận ra kẻ đứng trước mặt mình là ai, liền reo lên :

- Cát thiếu gia!

- Chỉ Ngọc còn nhận ra ta à.

- Làm sao Chỉ Ngọc có thể quên được Cát thiếu gia chứ. Thiếu gia trên đường du lãm, quá vãng Giản Hoa thiền viện thăm..

Chỉ Ngọc bỏ lửng câu nói ở đó.

Thiên Phong mỉm cười nói :

- Ta không đến một mình mà đến cùng một người nữa.

- Ai vậy? Chẳng lẽ..

Thiên Phong lắc đầu :

- Chỉ Ngọc đừng nghĩ bậy. Người này tâm thần bất định, nên ta mới đưa đến Giản Hoa thiền viện. Bình Nhi còn ở đây không?

Chỉ Ngọc gật đầu :

- Bình Nhi cô cô vẫn luôn ở đây, và..

Chỉ Ngọc chưa nói hết ý thì có tiếng một nữ nhân cất lên ngay sau lưng. Giọng của nàng nghe thật nghiêm khắc nhưng không thiếu từ tốn và từ tâm :

- Chỉ Ngọc..

Chỉ Ngọc nghe giọng nói đó liền cúi đầu thối lui hai bộ. Người vừa thốt ra lời nói vừa rồi làmột trang giai nhân tuyệt sắc.

Nàng đẹp nhưng thần thái như mai như tuyết, vừa nghiêm vừa rộng lượng.

Cát Thiên Phong nhìn nàng :

- Thiên Phong đến Giản Hoa thiền viện không làm phiền đến Bình Nhi chứ?

Nàng mỉm cười :

- Giản Hoa thiền viện lúc nào cũng rộng cửa đối với Cát huynh.

- Huynh với một người.

- Nếu không có người kia thì có lẽ Thiên Phong chẳng bao giờ nhớ đến Giản Hoa thiền viện, phải không?

Nàng nói và nhưng lại mỉm cười với chàng.

Thiên Phong từ tốn đáp :

- Huynh không muốn làm phiền muội thôi.

- Chúng ta hãy vào trong. Bình Nhi vẫn để dành vò rượu Tương Tư Thảo cho Cát huynh.

Thiên Phong nói :

- Ngoài cỗ xe kia là Nghiêm Lệ Hoa, phu nhân của Kim trang đại phủ. Lệ Hoa sau kiếp nạn của Kim trang đã bị thất thần, mất trí nên huynh muốn nhờ đến Giản Hoa thiền viện.

- Bình Nhi sẵn sàng giúp huynh mà.

Nàng quay lại Chỉ ngọc :

- Chỉ Ngọc, mau thu xếp một chỗ cho Nghiêm phu nhân.

- Thưa vâng.

Thiên Phong nhìn Chỉ Ngọc di bước chân về phía cỗ xe, rồi quay lại Bình Nhi, từ tốn nói :

- Huynh vô cùng cảm kích tấm lòng độ lượng của Bình Nhi!

Nàng nhướng đôi chân mày vòng nguyệt :

- Cát huynh khách sáo từ bao giờ vậy.

Nàng mỉm cười nói tiếp :

- Đã lâu Cát huynh không đến Giản Hoa thiền viện, Bình Nhi thỉnh huynh vào thư khách đàm đạo. Tất nhiên huynh phải uống hết vò rượu Tương Tư Thảo đấy.

- Huynh sẽ uống cạn vò rượu đó.

Hai người rời mái hiên gian tiền sảnh bước vào trong trong khi Chỉ Ngọc dìu Lệ Hoa vào hậu liêu trang viện.

Thiên Phong nhìn Bình Nhi châm rượu ra hai chiếc chén ngọc. Động tác của nàng vẫn như hôm nào, vẫn không có gì thay đổi.

Bình Nhi đặt vò rượu xuống bàn, nhìn Thiên Phong nói :

- Vò rượu Tương Tư Thảo này đã quá ba năm rồi, Bình Nhi cứ ngỡ đâu nó sẽ chẳng bao giờ được tỏa mùi. Không ngờ hôm nay Cát huynh lại trở về.

Thiên Phong đến Giản Hoa thiền viện để uống cạn vò rượu này rồi lại đi.

Chàng bưng chén rượu dốc ngược uống cạn số rượu mà Bình Nhi đã rót ra chén.

Nàng nhìn Thiên Phong uống rượu, chờ cho Không đặt chén xuống mới nói :

- Huynh vẫn là con sâu rượu như hồi ba năm về trước.

- Đã có bao giờ huynh uống rượu với Bình Nhi mà con sâu rượu không thức dậy đâu.

Thiên Phong tự tay bưng vò rượu rót ra chén mình. Chàng vừa rót rượu vừa nói :

- Đối với huynh, rượu của Giản Hoa thiền viện lúc nào cũng là thiên hạ đệ nhất hảo tửu. Không có một thứ rượu nào trong thiên hạ khả dĩ sánh bằng.

- Huynh lại khách sáo rồi.

- Đối với Bình Nhi, một Thánh Cô thì Cát Thiên Phong này nào dám khách sáo chứ.

- Huynh đã nói vậy thì Bình Nhi phải uống với người có cái tâm lạnh lùng một chén.

Nàng bưng chén rượu của Thiên Phong nhấp một ngụm nhỏ rồi trao lại cho chàng :

- Bình Nhi không có con sâu rượu như huynh.

Thiên Phong nhìn nàng, mỉm cười :

- Con sâu rượu trong huynh chỉ thức dậy khi đối mặt với Thánh cô Bình Nhi mà thôi. Bởi vì hơn bất cứ thứ gì trên đời này, con sâu rượu trong huynh biết Thiên Phong đang nghĩ gì khi đối mặt với Thánh Cô.

Bình Nhi thoạt đỏ mặt và diện dung liền lộ ngay nét nghiêm khắc.

Bình Nhi buông một tiếng thở dài, nhỏ giọng nói :

- Bình Nhi làmột nữ nhân, nhưng không giống như những nữ nhân khác. Nếu Cát Thiên Phong là kẻ lãnh tâm lạnh lùng, thì tim của Bình Nhi cũng đã giao trọn cho sư tôn của mình.

Thiên Phong uống cạn số rượu trong chén. Chàng đặt chén xuống bàn, nhìn Bình Nhi, nói :

- Bình Nhi mãi mãi làmột Thánh Cô, còn huynh vĩnh viễn là kẻ lữ hành không định hướng.

- Như vậy có lẽ tốt hơn.

Nàng châm rượu vào chén của Thiên Phong :

- Chừng nào huynh đi?

- Huynh muốn gởi Nghiêm tẩu tẩu lại đây.

- Bình Nhi sẽ lo cho Nghiêm tẩu tẩu. Giữa Nghiêm phu nhân và Võ lâm Minh chủ như đã xảy ra điều gì đó, mà mấy hôm nay những cao thủ ở Tổng đàn võ lâm thường quá vãng đến đây. Hình như họ tìm Nghiêm phu nhân.

- Vấn đề này Thiên Phong chưa thề khẳng khái lý giải được, nhưng tẩu tẩu của Thiên Phong lúc này có rất nhiều người muốn bắt đi, trong lúc thần trí bấn loạn. Có lẽ người biết một phần nào trong vụ huyết án ở Kim trang đại phủ. Thiên Phong muốn nhờ muội bảo bọc.

- Bình Nhi hiểu. Cát huynh cứ yên tâm. Nghiêm phu nhân một khi đã được Cát huynh gởi gắm thì Bình Nhi phải có trách nhiệm.

- Thiên Phong cảm kích tấm lòng bao dung của Thánh Cô, hẹn có ngày sẽ báo đáp.

Bình Nhi lắc đầu :

- Cát huynh đừng nói thế, Bình Nhi mở Giản Hoa thiền viện mục đích cũng vì muốn cưu mang những người như Nghiêm phu nhân. Đây đã là tôn chỉ của Bình Nhi mà, sao huynh còn nặng ơn mang nghĩa chứ.

Nàng đứng lên :

- Cát huynh.. Tình trạng của Nghiêm phu nhân mất thần mất trí, thì chỉ có một người khả dĩ khôi phục lại thần trí cho Nghiêm phu nhân mà thôi.

- Thánh Cô muốn nói đến Diệu Thủ Thần Y Chữ Hàn Thông?

Bình Nhi gật đầu :

- Theo Bình Nhi thì chỉ có Chữ Hàn Thông lão đại phu mới có thể phục hồi thần thức của Nghiêm phu nhân. Chữ Hàn Thông lại có hành tung vô định, không biết đâu mà tìm.

- Thiên Phong sẽ tìm ra Chữ Hàn Thông.

- Bình Nhi mong Cát huynh sớm tìm ra Chữ đại phu. Còn sự an nguy của Nghiêm phu nhân, huynh cứ yên tâm. Sẽ không ai làm gì được phu nhân khi người ở trong Giản Hoa thiền viện.

- Thiên Phong cũng mong như vậy.

Chàng bưng chén rượu uống cạn, rồi nhìn Bình Nhi, nói :

- Đã ba năm rồi, Thiên Phong và Thánh Cô chưa hợp tấu lại giai khúc Phụng Hoàng Ca. Giờ chúng ta có thể tấu giai khúc đó chứ?

- Bình Nhi cũng đang cao hứng.

Nàng lấy ống tiêu ngọc giắt bên hông.

Thiên Phong cũng lấy ống sáo bằng trúc.

Bình Nhi nói :

- Mời huynh.

Thiên Phong khẽ điểm mũi giày. Thân pháp của chàng cất lên cao ba trượng, từ từ xoay tròn trong không trung, cùng với tiếng sáo ngọc vi vu cất lên.

Tiếng sáo của chàng vừa dứt thì tiếng tiêu của Bình Nhi cất lên, hòa đúng với tấu khúc mà chàng vừa thổi.

Hai cánh môi của nàng tạo ra một nụ hoa chực chờ chớm nở, còn chân bước đi tợ các nàng tiên múa khúc Nghê Thường trong không trung. Mỗi bước chân của Bình Nhi đều tạo ra những đóa hoa khí công, lượn lờ tợ như những cánh sen trôi theo nàng.

Tiếng sáo và tiếng tiêu phối hợp với nhau, quyện lẫn vào nhau. Nếu tiếng tiêu cao vút vời vợi thì tiếng sáo lại có âm hưởng trầm trầm.

Nghe hai người hợp tấu sáo và tiêu, người ta những tưởng như đôi Tiên Đồng Ngọc Nữ đang phiêu bồng, chơi đùa trong khoảng không bao la vô tận.

Nếu tiếng tiêu của Thiên Phong mang âm hưởng gợi cho người nghe liên tưởng đến sự hùng vĩ của đại dương, thì tiếng tiêu của Bình Nhi lại bắt mọi người liên tưởng đến cánh buồm lãng đãng trên đại dương bao la vô tận đó.

Thiên Phong thổi dứt tấu khúc thì Bình Nhi cũng hoàn thành khúc tiêu của mình. Hai người với bộ pháp khinh thân thần kỳ quán tuyệt hạ thân trở về chỗ cũ.

Bình Nhi nhìn Thiên Phong :

- Giai khúc của huynh cũng như hôm nào.

- Thánh Cô cũng vậy.

- Ba năm trôi qua, Bình Nhi cứ ngỡ đâu Thiên Phong đã quên tấu khúc Phụng Hoàng Ca.

Thiên Phong lắc đầu :

- Làm sao Thiên Phong có thể quên được khúc Phượng Hoàng do chính Bình Nhi và Thiên Phong sáng tạo. Khúc Phượng Hoàng đã ở trong tim, trong thần thức của huynh.

- Nó là nhịp nối để một ngày nào đó xóa đi khoảng cách giữa Bình Nhi và Cát huynh.

Nàng châm rượu vào chén của Thiên Phong :

- Thời gian qua mau thật, nhưng với sự cô đơn thì nó lại trải dài và gậm nhấm một đời người.

Nàng nói xong buông một tiếng thở dài. Đó cũng là tiếng lòng mà nàng muốn gởi lại cho Thiên Phong.

Không biết tiếng thở ra của nàng mang ẩn ý gì nhưng có lẽ nó là biểu trưng của nỗi cô đơn mà một nữ nhân phải chịu.

Có tiếng gõ cửa, buộc Bình Nhi phải cắt ngang những ý tưởng trong đầu mình.

Nàng ngoảnh mặt nhìn ra :

- Vào đi!

Chỉ Ngọc bước vào. Nàng khép nép đến bên Bình Nhi, nhỏ giọng nói :

- Thánh Cô, có Thiết Phiến thư sinh Công Tôn Cửu công tử cầu kiến.

Bình Nhi cau mày :

- Chỉ Ngọc hãy nói với Công Tôn công tử hôm nay Bình Nhi không tiếp khách.

- Chỉ Ngọc có nói, nhưng Thiết Phiến thư sinh công Tôn Cửu nhứt định đòi gặp cho bằng được Thánh Cô.

Bình Nhi hừ nhạt.

Chỉ Ngọc khép nép nhìn nàng.

Thiên Phong nhìn nàng, nói :

- Thánh Cô không cần vì Thiên Phong mà thất lễ với Công Tôn công tử. Đêm nay Thiên Phong sẽ uống cạn vò rượu Tương Tư Thảo này rồi ngày mai lại ra đi.

- Thiên Phong.

Chàng mỉm cười :

- Một ngày nào đó khúc Phượng Hoàng cũng sẽ trổ lên trong Giản Hoa thiền viện.

- Thiên Phong chờ Bình Nhi chứ?

Chàng nhìn nàng điểm một nụ cười mỉm.

Bình Nhi đáp lại Thiên Phong cũng bằng một nụ cười mỉm, rồi đứng lên theo Chỉ Ngọc bước ra ngoài gian thư khách.

Khi cánh cửa gian thư khách đóng lại thì Thiên Phong cảm nhận trông tâm tưởng mình một cảm giác mơ hồ mông lung của một nỗi buồn cô tịch.

Thiên Phong rảo bước tiến lại bên cửa sổ nhìn ra ngoài nhà phía bên kia là hoa viên. Những gian nhà trong màn đêm nhấp nhoáng trông chẳng khác nào những ngôi cốc nhỏ dành cho những bậc hành giả tham thiền nhập định.

Bỗng trong màn đêm nhá nhem đó, Thiên Phong chợt phát hiện thấy một bóng người nhỏ nhắn với khinh pháp tuyệt luân lẩn nhanh vào một ngôi cốc.

Hành tung của người đó khiến Thiên Phong suy nghĩ một chút. Chàng toan phi thân qua cửa sổ thì bóng người kia lại xuất hiện. Lần xuất hiện này thân pháp của người đó xem chừng rất vội vã và bí mật.

Mặc dù chỉ có ánh sáng mờ mờ nhạt nhạt từ những ngọn đèn lồng hắt ra bên ngoài nhưng thần nhãn của Cát Thiên Phong vẫn phát hiện người kia cõng theo một chiếc bao khá to so với thân ảnh của y.

Thiên Phong không dằn được tò mò liền trổ khinh thuật siêu phàm thoát ra ngoài cửa sổ băng theo bóng người nọ. Chàng nghĩ thầm :

- Người này là ai, sao hành tung kỳ dị như vậy?

Xem tiếp hồi 12 Thiết Phiến thư sinh


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui