Ma Thổi Đèn

Cuốn album Minh Thúc đưa tôi xem, bên trong toàn ảnh các loại quan tài, nắp quan tài nhất loạt mở ra, để lộ những bộ xác khô ở bên trong, niên đại và phong cách đều khác nhau. Có kiểu một quan tài một xác chết; cũng có kiểu hai xác chết nằm nghiêng áp mặt nhau, đó là một đôi vợ chồng đặt trong cùng một cỗ quan tài; lại có kiểu hơn mười bộ xác khô tập trung trong cùng một chiếc quan tài lớn. Bên ngoài mỗi quan tài đều đặt lồng một chiếc tủ trong suốt ngăn cách không khí. Nói là bộ sưu tập cá nhân, nhưng trông giống như những đồ vật được trưng bày trong viện bảo tàng hơn.

Tôi hỏi Minh Thúc xem những cái xác khô này dùng để làm gì? Người sưu tập đồ cổ thì nhiều, nhưng chẳng ngờ thứ "đầu cổ" này cũng có người cần nữa. Trước tôi cũng nghe nói xác khô ở Tân Cương bán rất được giá, nhưng sưu tầm cất giữ nhiều thế này thì đây là lần đầu tiên tôi được thấy, quả thực là được mở mang tầm nhìn. Truyện "Ma Thổi Đèn "

Minh Thúc nói rằng ở nước ngoài có rất nhiều bảo tàng chuyên mua những xác cổ còn nguyên vẹn. Những thây xác này là một loại văn vật kết tinh vẻ đẹp vĩnh hằng của cái chết, giá trị thương mại và giá trị văn hóa đều cực kỳ to lớn.

Lão nói với tôi rằng, chú Nhất đã xem bộ sưu tập của anh rồi, vậy còn chiếc gương cổ trấn yểm thây ma mà chú đem từ Vân Nam về ấy, chú cho anh ngó qua một chút được không? Tùy chú cho cái giá, hoặc không chú thấy vừa mắt món đồn nào ở đây, anh đem đổi cho chú cũng được.

Tôi thầm nghĩ, lão này là người biết nhìn hàng, có khi lão biết lai lịch của chiếc gương cổ ấy cũng không chừng, chi bằng cứ vòng vo tam quốc, thoạt không nói cho lão biết việc chiếc gương đã bị mất, mà hỏi lão xem lai lịch của chiếc gương ấy như thế nào?

Minh Thúc cười cười nói :" Chú Nhất lại còn vặn vẹo anh vậy ư, chiếc gương ấy không có tác dụng gì với các chú, nhưng với anh thì rất hữu dụng, vật tránh tà trên thế gian này làm gì có thứ nào hơn thế. Còn về lai lịch của nó, tuy vẫn chưa tận mắt nhìn thấy, nhưng khi anh vừa nghe mấy người bạn trong ngành đồ cổ nhắc đến nó, liền tức khắc nhớ ra ngay, chắc chắn chiếc gương ấy là cổ vật trước thời tiên Tần, không thể sai được, Tần Thủy Hoàng là người theo phái Pháp gia, điều này chắc hai chú cũng biết nhỉ?"

Tôi chỉ nhớ thời Cách mạng Văn hóa, có một giai đoạn người ta "phê phán Nho giáo, bình luận Pháp gia", hình như có nhắc đến học thuyết Pháp gia gì đó, nhưng cụ thể ra sao thì tôi chịu, đành ậm ậm ừ ừ gật đầu vờ hiểu. Răng Vàng ngồi bên xen miệng vào bảo :" Cái đó anh em tôi đều biết cả, thời 'Bách gia tranh minh' 2 quả có học thuyết đó, đây là hệ thống lý luận dùng để trị quốc và thi hành chính sách, đến giữa thời Hán, khi Nho thuật độc tôn thì học thuyết ấy tuyệt rồi".

Minh Thúc tiếp tục nói :" Người ngay hay nói thực, chiếc gương đồng có thể trấn thây tránh tà đó, chính là vật tượng trưng của Pháp gia, tương truyền được tạo ra ở núi Tử Dương, có thể soi chiếu trời đất, lễ nghĩa, liêm sỉ, tứ phương. Theo ghi chép cổ, xưa kia dưới sông Hoàng Hà có xác con ba ba khổng lồ dấy gió dậy sóng, nhấn chìm thuyền bè, Tần Vương liền sai người đem gương này treo ở cửa sông, đồng thời phái quân đến trấn giữ. Cho đến khi nhà Hán thay nhà Tần, chiếc gương cổ mới rơi vào tay của vua chư hầu nhà Hán, sau cùng không biết làm sao mà lại lưu lạc tới Vân Nam. Gương này mà đặt trong quách đồng xanh thì có thể khắc chế thi biến, trên thế gian này tuyệt không có cái thứ hai. Chú nhường lại tấm gương ấy cho anh, anh tuyệt đối không để chú thiệt đâu".

Tôi nghe cũng hiểu được đại khái, tuy trong lòng có chút nuối tiếc, nhưng giờ tiếc cũng đã muộn. Giá cả dẫu có thích hợp, nhưng biết làm sao khi trong tay không có hàng, bèn nói thẳng nói thật với Minh Thúc, thằng em đây quả thực là không có chiếc gương cổ nào, tất cả là tại miệng thằng Tuyền béo, cứ hay cầm đèn chạy trước ô tô, nó nói ở Tiền Môn, thì bác phải lên Bát Bảo Sơn nghe mới được.

Nói dứt câu, tôi định đứng lên cáo từ, nhưng Minh Thúc dường như không tin lắm, một mực níu kéo, đành phải nán lại dùng bữa cơm. Lão vẫn cho rằng tôi không nỡ buông món bảo vật, bèn lấy ra một món đồ ngọc đậm nét cổ xưa, giơ lên trước mặt tôi. Tôi đá mắt nhìn qua đã biết ngay không phải vật thường, xem chừng ý của lão này là muốn đổi chác đây. Cái nghề của bọn tôi có quy định, hai bên không trao qua tay, nếu muốn đưa hàng cho người khác xem, thì buộc phải đặt lên bàn, để đối phương tự tay cầm lên xem, chứ không được trực tiếp trao vào tay đối phương. Những món này toàn là vật có giá liên thành, nhỡ chẳng may rơi xuống đất vỡ hỏng, lại khó nói rõ là trách nhiệm của ai.

Minh Thúc đã giữ trong tay, tôi cũng không tiện đón lấy, chỉ liếc mắt qua nhìn, tuy chỉ bé bằng đốt ngón tay út, nhưng chắc chắn vật này là món giá trị liên thành, đứng cạnh nó, cảm giác như cái nắng nóng oi bức ngoài kia hoàn toàn tan biến. Truyện "Ma Thổi Đèn "

Răng Vàng thích nhất đồ ngọc, vừa trông thấy đã luôn miệng ngợi ca :" Người xưa nói, ngọc trong núi thì cây cối thấm nhuần, lẩn nơi sông thì muôn dòng thơm ngát. Miếng ngọc phượng này tuy nhỏ nhắn xinh xắn, nhưng vừa mang ra, đã cảm thấy cả căn phòng bỗng dưng ẩm ướt tươi nhuận, khiến chúng ta muôn phần khoan khoái. Xin hỏi đây có phải đồ trang sức đeo trên mình bà nương nương nào đó thời Đường không vậy?"

Minh Thúc đắc ý cười :" Chú Răng Vàng quả có nhãn lực, bà nương nương nào nhỉ? Cuốn Thiên Bảo Di sự tuy là loại văn chương diễn nghĩa, song cũng có không ít tư liệu lịch sử chân thực, trong sách nói Dương quý phi ngậm ngọc nuốt nước miếng để giải khát, đây chính là miếng ngọc đó đấy. Nguyên liệu làm ra miếng ngọc này thực chất là mài giũa từ thứ ngọc cổ nằm dưới đáy biển ngàn vạn năm, tính ngọc vốn nhuận, ở trong nước biển lại được ngâm tẩm bấy lâu, càng làm tăng thêm cái tính nhuận ấy, thế nên mới có thể thanh nhiệt giải độc, làm mềm cái rắn, làm ướt cái khô, là món báu vật vô giá, và cũng là món tôi thích nhất".

Răng Vàng nhìn đến ngây người, nói :" Từ xưa, phàm quật mả mà thấy xác cổ tươi nhuận như còn sống, ở trong miệng, bụng ắt có vô số mỹ ngọc. Những viên ngọc cổ moi ra trên mình bánh tông đều có giá liên thành, huống hồ là thứ ngày thường được Dương quý phi ngậm trong mồm ...", vừa nói vừa nhao cái cổ về phía trước, toan lè lưỡi liếm.

Minh Thúc vội rụt tay lại :" Chú có lẫn không thế? Giờ chưa được, sau khi đổi chác xong, chú muốn liếm thế nào thì liếm, muốn ngậm trong mồm cả ngày cũng chẳng sao cả".

Lão thấy tôi chẳng nói chẳng rằng, tưởng là trả giá chưa xứng tầm, lại rút ra một cuộn tranh cổ, đeo găng tay, trải ra cho chúng tôi xem. Lại bảo rằng chỉ cần tôi gật đầu, miếng ngọc đáy biển kia, cộng thêm bức Lạc hà thê ngưu đồ chân tích đời Tống này, sẽ thuộc về tôi cả.

Tôi nghĩ bụng, lão này thật lắm hàng xịn, cứ để mình mở mang tầm mắt đã rồi hẵng tính, thành thử tạm gác mọi chuyện sang một bên, chăm chú ngắm nhìn bức họa cổ. Bọn chúng tôi tuy buôn bán đồ cổ thật, nhưng rất hiếm khi tiếp xúc với tranh chữ, căn bản có thấy được bức chân tích nào đâu, nhưng mấy năm nay đã tiếp xúc quen với cổ vật, nên đối với mấy thứ này, đã hình thành nên một thứ trực giác, vả lại chui rúc trong mộ cổ cũng được xem không ít bích họa, vậy nên thoạt nhìn là biết đến chín mươi chín phần trăm là "tiên đan" ( đẳng cấp) thứ thiệt.

Kết cấu toàn bộ tác phẩm chia làm hai khối lớn theo hướng xiên chéo, cận cảnh bức tranh lấy cảnh cây cối um tùm làm chủ đạo, một bên là hình ảnh trâu già gặm cỏ dưới cây, đường nét chất phác trơn tru, bút pháp thần diệu, vẻ chậm rãi hiền hòa của con trâu được phác họa hết sức sinh động, có thần; trung cảnh là một căn nhà lá nằm thấp thoáng giữa rừng; phía xa thời dùng mực nhạt vẽ phác dáng núi, mây chiều xa xôi. Ba lớp cảnh trí gần, vừa, xa tiếp nối tự nhiên, bút pháp làm nhòa đi ranh giới giữa hư và thực, tạo nên lớp khói mỏng mây mờ, tựa hồ có màn the bao phủ, khiến người ta ngoài ngắm tranh ra, lại có cảm giác như được lánh xa trần thế, thân xác thâm viễn u nhàn, tinh thần thảnh thơi siêu thoát.

Minh Thúc nói đến tối, khi ánh sáng nhạt dần, con trâu vốn nằm gặm cỏ dưới cây này sẽ trở về lán cỏ nghỉ ngơi, đây là kiệt tác trân quý có một không hai ở trên đời.

Tôi lập tức ngẩn người ra, bức tranh này tuy đẹp, nhưng con trâu trong bức tranh có thể chuyển động được thì quả thực quá mức thần kỳ. Trước đây nghe nói có tay buôn đồ cổ đem hai bức tranh ra giở trò bịp, trong tranh có người lữ khách giắt sau lưng một chiếc ô, đến khi trời mưa thì ô mở ra, kỳ thực là hắn đã ngấm ngầm tráo hai bức tranh với nhau, ai không biết rõ thì đều tin đó là thần vật, bức Lạc hà thê ngưu đồ này e là cũng như vậy.

Nhưng ngay lúc đó Minh Thúc đã che ánh sáng đi, nhìn lại con trâu già trong tranh, quả nhiên đã về nằm cạnh lán cỏ, cái chỗ vốn dĩ trâu ăn cỏ thì nay hoàn toàn trống trơn, tôi nhìn mà sững sờ cả người, bức họa cổ này lẽ nào do thần tiên vẽ nên chăng?

Minh Thúc cũng không giấu giếm, nói thực cho chúng tôi biết, bức họa này được nhuộm bởi một thứ mật dược trong hoàng cung, nên mới có hiệu quả kỳ diệu này. Mà dẫu không có chi tiết này, thì bức Lạc hà thê ngưu đồ bán đi cũng phải mua được mười mấy căn hộ ra trò.

Lão lại đem ra hai món đồ nữa, giá càng trả càng cao, đúng thật có thể nói là dốc hết cả vốn, xem ra lão này sớm đã có mưu đồ, thấy tôi mãi không bằng lòng, thì lại giở tìm món đồ khác.

Tôi nói với lão :" Bọn tôi hôm nay coi như được mở mắt rồi, ở đây với bác một bữa mà kiến thức được mở mang biết bao nhiêu, nhưng thực không dám giấu, cái gương cổ của sư tổ Pháp gia đó, đúng là tôi đã cầm vào tay rồi, nhưng lại xảy ra việc ngoài ý muốn, không đem được ra ngoài, bằng không chúng tôi chắc chắn sẽ làm ăn với bác vụ này. Bác chịu bỏ vốn lớn như thế để đổi cái gương ấy, lẽ nào bánh tông ở quý phủ có triệu chứng thi biến? Nếu thấy tiện thì bác cứ nói với bọn tôi một tiếng, tôi cũng biết mấy cách có thể áp chế được thi biến đấy".

Rồi tôi lại nói :" Tôi thấy giữa anh em chúng ta cũng không cần thiết phải giữ kẽ nữa, đều là người cùng ngành cùng nghề cả, con mèo sứ hoa mười ba ria bác bày trên kệ kia là vật thờ cúng của người hành nghề cõng xác vùng Tương Tây, nếu đã như vậy, chắc chắn cũng rõ những thuật này, lẽ nào không có cách đối phó với thi biến sao?" Truyện "Ma Thổi Đèn "

Minh Thúc đại khái cũng hiểu đã ra giá cao như thế, đứa nào không đồng ý thì là thằng ngu, xem ra quả là không có hàng thật, chẳng còn cách nào khác, đành nán chúng tôi ở lại dùng cơm, uống mấy chén rượu, rồi kể lại nguyên do sự tình.

Tổ tiên của Minh Thúc đích thực là kẻ cõng xác ở vùng Tương Tây. "Cõng xác" ở đây hoàn toàn không có nghĩa là vừa đi vừa cõng vác xác chết trên lưng, mà là một phương thức trộm mộ. Khoét một cái lỗ đồng thời tách bẻ tấm ván nằm ngang quan tài ra, bò giật lùi vào bên trong, không dám mặt đối mặt nhìn, mọi việc đều phải làm ngược tay. Những quy củ thần bí quái dị này cũng không rõ được truyền lại từ thời nào triều nào nữa, nhưng tóm lại nhà lão đều nhờ vào đó làm giàu cả, sau rồi ông bố lão trong một lần cõng xác ở đèo Tẩu Mã, đụng phải Tương Tây thi vương, mất cả mạng sống, số phận kẻ cõng xác đời cuối cùng cũng được đặt dấu chấm hết ở đó. Nhà Minh Thúc giàu nứt đố đổ vách, song không được truyền lại nghề gia truyền của tổ tiên, bèn dạt đến Nam Dương làm ăn, cuối cùng định cư tại Hồng Kông.

Sau đó lão bắt đầu buôn bán xác khô. Các loại xác khô quật lên từ sa mạc, núi cao, đồng hoang, chỉ cần có chút thân phận, lại giữ được nguyên vẹn, đeo lên cái mác là quốc vương nào đó, tướng quân nào đó, công chúa nào đó, là có thể ngồi yên mà ra giá, một vốn vạn lời, kiếm tiền dễ vô cùng, nơi tiêu thụ phần lớn núp dưới danh nghĩa bảo tàng, nhà triển lãm cá nhân, đương nhiên đều giao dịch ngầm cả.

Trước đây không lâu, có một bảo tàng nước ngoài đến tìm lão bàn việc làm ăn. Bọn họ có một cuốn kinh cổ lấy được ở Tây Tạng, bên trong có ghi chép hiện tượng kỳ dị trong cái chết của công chúa Ma quốc đất Tạng. Nàng ta mắc phải một căn bệnh kỳ quái, sau khi chết hóa thành Băng xuyên thủy tinh thi, người ta coi đó là thần tích, bèn xây lầu ma chín tầng chôn nàng trên đỉnh núi tuyết. Trong cuốn kinh cổ đó thậm chí còn nhắc đến manh mối cụ thể dẫn đến vị trí ngôi mộ.

Đó là vụ làm ăn lớn nhất, song theo những tư liệu mà Minh Thúc thu thập được, thì cái Băng xuyên thủy tinh thi nghìn năm này có tính cực hàn, âm khí cực nặng, nếu không có linh tháp của Liên Hoa Sinh đại sư mà Phật giáo Tây Tạng thờ phụng, người thường tiến lại gần ắt sẽ mất mạng. Gặp phải thứ ấy, tất cả các vật trấn thây còn lại đều vô hiệu cả, nghĩ đi nghĩ lại có lẽ dùng chiếc gương cổ kia mới có thể cõng được nàng công chúa trong lầu ma chín tầng ra.

Tôi và Răng Vàng đều lần đầu tiên nghe thấy tên gọi này, nhưng những lời đồn đại về Tương Tây thi vương thì cả hai đều đã nghe nói đã lâu, vậy rốt cuộc Băng xuyên thủy tinh thi này là cái gì? So với Tương Tây thi vương thì thế nào?

Tôi nghe Minh Thúc nói đến Ma quốc ở Tây Tạng, liền tức khắc chăm chú dỏng tai nghe. Lầu ma chín tầng thì tôi đã gặp rồi, chính là loại mộ tháp được xây bằng gỗ vuông và đất đầm, có thể nói là hình thái ban đầu của tháp Tạng. Công chúa gì đó của Ma quốc thì tôi chưa nghe nói đến bao giờ, có lẽ thông tin của Minh Thúc có chút nhầm lẫn, nói không chừng lại là nhân vật kiểu như "Quỷ mẫu" cũng nên. Trong đám cương thi, hung hãn nhất, chẳng gì bằng Thi vương trong núi sâu ở Tương Tây, nghe nói trăm năm mới xuất hiện một lần, mỗi lần đều gây nên họa lớn, Băng xuyên thủy tinh thi phải chăng cũng thế?

Minh Thúc nói hoàn toàn không phải thế. Băng xuyên thủy tinh thi trên núi tuyết là Tà thần được người ta cúng bái, chính là một cái xác bị thủy tinh hóa từ trong ra ngoài, cả thế giới độc nhất vô nhị, thế nên lão mới bất chấp mọi giá để sở hữu cho bằng được. Song thứ vật tà ác xa xưa này, đâu có dễ mang vào nhà người sống cơ chứ.

Người Hồng Kông, Nam Dương, đều hết sức mê tín những thứ này. Những xác khô lão buôn bán có không ít cái còn đủ bộ cả quan tài, mỗi lần bán một cỗ đi, đều phải đặt vào trong quan tài một cọng hành, "hành" ở đây với nghĩa là lưu hành, mong xua tan đi cái khí xui xẻo tà mị.

Còn như Băng xuyên thủy tinh thi, nói là xác cổ, chi bằng nói là tượng của Tà thần thì giống hơn, cho nên lão mới định dùng thần vật là chiếc gương của sư tổ Pháp gia để trấn trạch, bằng không cho dù có khai quật được thi thể trong núi tuyết ra đi nữa, cũng chẳng có gan vận chuyển về. Tây Tạng là nơi thần bí, có rất nhiều việc khó mà dùng lý lẽ thường tình để xét đoán được, ai mà biết được có lời nguyền gì sẽ giáng họa xuống đầu người ta. Chiếc gương đã mất rồi thì đành tìm thứ khác. Khi nào thấy khả quan, lão sẽ tập hợp một nhóm tiến vào Tây Tạng, lần theo manh mối trong kinh sách cổ đi đào Băng xuyên thủy tinh thi. Vụ làm ăn này quá lớn, lão phải đích thân đốc chiến, giám sát kỹ càng không để bọn thủ hạ làm hỏng mất cái thây.

Còn việc tập hợp một nhóm vào Tây Tạng, đến nay vẫn chưa có người nào thích hợp. Minh Thúc hy vọng tôi sẽ tham gia chuyến đi này, nếu như có mấy vị Mô kim Hiệu úy giúp sức, thì xác suất thành công chắc chắn sẽ tăng lên gấp bội.

Tôi chưa nhận lời ngay, trong bụng thầm tính, hóa ra lão này chịu lỗ vốn như thế, không chỉ vì ham hố một tấm gương, mà còn mong chúng tôi ra tay trợ giúp. Giờ tôi đang có mấy nghi vấn, làm thế nào Minh Thúc lại biết được việc chúng tôi tìm thấy tấm gương cổ ở Vân Nam? Chắc lão biết tôi và Tuyền béo làm nghề đổ đấu, nhưng lão không thể biết chúng tôi là những Mô kim Hiệu úy đeo bùa Mô kim, lẽ nào những điều này đều do Tuyền béo nói ra?

Hỏi ra mới biết Minh Thúc vốn chẳng quen biết gì Tuyền béo, cũng chưa từng nói chuyện với cậu ta, mà bảo có một cao thủ bói toán, tinh diệu như thần, tất cả đều nhờ ông ta chỉ điểm. Thoạt tiên, lão nhận được tin tức có chiếc gương cổ phát hiện ở Vân Nam truyền ra từ Phan Gia Viên, đã sai người đi thăm dò khắp nơi mà không có kết quả, bèn tìm đến một lão thầy bói mù tự xưng là thân chuyển thế của Trần Đoàn lão tổ, xin ông ta chỉ dạy xem liệu có thể biết được tốp người ngựa nào gần đây có được chiếc gương cổ trong vùng rừng núi sâu thẳm ở Vân Nam. Kết quả là lão thầy bói mù chẳng buồn nghĩ ngợi, liền lập tức gieo một quẻ, sau đó viết ra một địa chỉ, bảo rằng cứ theo địa chỉ này đến tìm một vị tên là Vương Khải Tuyền, còn vị kia tên là Hồ Bát Nhất là được. Hai người này là những Mô kim Hiệu úy cao minh nhất hiện nay, đều có trong mình cái gan dạ mà vạn quân khó địch, cái màu nhiệm mà ma quỷ khôn lường, lại kiêm cái trung của Vân Trường, cái mãnh của Dực Đức, cái dũng của Tử Long, và cái trí của Gia Cát Lượng, tấm gương đó chắc chắn là do bọn họ đào về.

Minh Thúc lại nói hôm nay được tiếp kiến hai chúng tôi, những lời trong quẻ bói hôm trước quả nhiên ứng nghiệm. Lão tiên sinh kia, quả là thần tiên sống, những cơ những số ngài bói ra, tựa hồ đuốc rọi mai rùa, thấu rõ từng chân tơ kẽ tóc, ngài không những do Trần Đoàn lão tổ chuyển thế, nói không chừng còn có Chu Văn Vương nhập vào ấy chứ.

Tôi với Răng Vàng nghe đến đây, đều gắng bặm môi, không dám bật cười, nghĩ bụng với cái trình xem bói còi ấy mà cũng có thể xưng là "đuốc rọi mai rùa", thế thì chúng tôi cũng có thể làm Chu Văn Vương được. Song lão mù lần này cũng coi như là làm được một việc tử tế, không làm khó chúng tôi, toàn thêu hoa dệt vóc lên người chúng tôi cả. Người này tâng bốc người nọ, càng bốc càng lên cao ngút, thế nên tôi và Răng Vàng cũng lập tức giả bộ sửng sốt, nói với Minh Thúc rằng, không ngờ ngoài đời lại có một vị cao nhân như vậy. Trước đây nào có hiểu mấy câu " chưa bói đã hay", "liệu việc như thần" nghĩa là gì đâu, hôm nay coi như đã được lĩnh hội một cách sinh động và thiết thực nhất rồi. Nếu như có cơ duyên bái kiến, ắt sẽ nhờ lão nhân gia ấy chỉ điểm cho, như vậy ắt là cả đời sẽ thụ ích vô cùng, chỉ có điều chúng tôi là bọn phàm phu tục tử, e là không có cái cơ may ấy đâu.

Minh Thúc nói cũng không phải là không có cơ hội, vị lão thần tiên đó, ở gần công viên Đào Nhiên Đình, bỏ ra một trăm tệ là có thể gieo một quẻ, chỉ cần cho nhiều tiền là có thể mời được về nhà xem phong thủy. Nhưng ông cụ có một cái thói, là chỉ ngồi xe Polonez, các xe khác không chịu ngồi, anh bạn anh vừa vặn có một chiếc, nếu các chú muốn đến mời ông ta, để anh bảo thằng A Đông chở các chú đi.

Tôi cám ơn rồi từ chối hảo ý của lão, nếu cứ tiếp tục nói chuyện này, chắc chắn sẽ cười vỡ bụng mà lòi đuôi chuột ra, nên vội nói lảng sang chuyện khác, không nhắc đến lão thầy bói mù nữa. Tôi nói với Minh Thúc, lẽ ra tôi có thể đảm đương được việc vào Tây Tạng đào lấy Băng xuyên thủy tinh thi ở lầu ma chín tầng, dù không có chiếc gương cổ của sư tổ Pháp gia, nhưng tôi vẫn có thể nghĩ cách tìm thứ khác để thay thế, còn cụ thể là thứ gì, thì giờ chưa thể nói được. Nói chung, giết gà hay mổ trâu, đều có cách thức riêng của nó, Mô kim Hiệu úy chúng tôi cũng có cách riêng của mình. Nhưng trước mắt tôi còn việc quan trọng hơn cần giải quyết, trước khi có kết quả, vẫn chưa thể nhận lời bác được, đợi mấy ngày nữa, tôi sẽ gửi bác câu trả lời chính xác.

Lão Minh này rõ ràng rất muốn dựa vào chúng tôi , lần lữa căn dặn, lại còn bằng lòng đưa tiền đặt cọc trước. Tôi và Răng Vàng thòm thèm miếng ngọc phượng Dương quý phi ngậm trong miệng đã lâu, liền hỏi xem liệu có thể đưa trước món đó cho chúng tôi không, một khi chúng tôi ngơi việc, chắc chắn sẽ ưu tiên suy nghĩ đến vụ làm ăn của bác.

Minh Thúc vội thu miếng ngọc lại, nói :" Chớ vội, chớ vội! Sau khi xong việc, mấy thứ này sẽ thuộc về các chú, song đem miếng ngọc này ra làm hàng đặt cọc thì quả thực không thích hợp cho lắm, anh sẽ đưa các chú một món khác". Nói đoạn liền rút dưới gầm kệ gỗ đàn ra một cái bệ sứ. Nom cái bệ hết sức cũ kỹ, hoa văn xanh trên viền bệ đã bị bào mòn, chỉ còn vài nét nhạt nhòa, tôi và Răng Vàng thấy vậy thì chẳng có hứng thú gì, nghĩ bụng lão này thật là hám của, chưa trao tiền là chưa múc cháo, cái thứ hàng tã này mang ra Phan Gia Viên chắc bán được cho bọn ba gác.

Minh Thúc lại tỏ ra hết sức thần bí, moi trong cái bệ sứ một túi giấy dầu nho nhỏ, thì ra trong bệ còn giấu đồ, món đồ đó được bọc rất kỹ bằng giấy dầu, phải đến mười lớp. Thoạt tiên là cạo lớp sáp bôi ở phía ngoài giấy dầu đi, sau đó mới lần giở từng lớp giấy dầu ra. Tôi và Răng Vàng chụm đầu lại xem, hóa ra thứ được bọc kín mấy lớp kia là hai chiếc lá khô vàng.

Tôi bắt chước giọng điệu của lão nói :" Bác có lẫn không thế? Đây chẳng phải là lá khô sao? Chúng tôi đường đường là Mô kim Hiệu úy, có thứ minh khí nào là chưa lọt mắt?". Tôi vừa nói vừa nhón một chiếc lá lên xem sao, hình như cứng hơn lá cây thông thường, song tuyệt đối không phải là thứ hàng có giá trị gì, xem xong liền vất về chỗ cũ, đánh mắt với Răng Vàng, tức tối nói với Minh Thúc :" Bác không nỡ bỏ hàng ra đặt cọc thì thôi, đem hai cái lá cây này ra định dọa ai chứ, bác định chơi xỏ đồng bào Đại lục chúng tôi sao?"

Răng Vàng vội giả bộ ngăn tôi lại, nói với Minh Thúc :" Bác Nhất nhà bọn em phải cái nóng tính, từ nhỏ đã có mối thâm thù đại hận rồi, hễ thấy tay tư bản nào là lại không kìm được. Anh ấy mà cáu lên thật thì không ai ngăn được đâu, em khuyên bác, bác cứ đưa miếng ngọc phượng của Dương đại mỹ nhân ra đi, chớ để bác Nhất điên lên dỡ cả nhà bác ra đấy".

Minh Thúc tưởng chúng tôi tức giận thật, sợ đắc tội vội giải thích ngay :" Có lẫn không thế chú Nhất? Thứ này sao lại là lá cây được nhỉ? Lá cây nào giống thế này? Đây là báu vật tôi mua lại của hải tặc Malacca đấy, từ cái hồi tôi còn xuôi tàu buôn xuống Nam Dương kia, đây là vảy rồng, là vảy rồng đấy".

Để chứng minh, lão đổ đầy nước vào cốc trà, rồi nhặt lấy một tấm lá vàng, nhẹ tay thả vào trong cốc. Chỉ kịp thấy cái thứ "vảy rồng" này, vừa gặp nước tức khắc đã nở to ra gấp đôi, màu sắc cũng chuyển từ vàng sang xanh, long lanh mướt mát, hao hao một miếng phỉ thúy.

Tôi trước ở Phúc Kiến cũng từng nghe nói "vảy rồng" hay có nơi còn gọi là "Nhuận hải thạch" rất có giá, nhưng chưa thấy tận mắt bao giờ. Nghe nói đặt một tấm như vậy ở trên tàu thuyền, có thể tránh sóng gió; ở những nơi hay hạn hán, chỉ cần thờ cúng mấy tấm thôi là cũng có thể cầu mưa, đem dùng pha trà còn có thể trị chứng hen suyễn, còn như có phải là vảy rồng thật không thì không rõ, có lẽ chỉ là vảy của một loài cá khổng lồ nào đó. Vật này tuy tốt, nhưng không thuộc loại hiếm có kỳ lạ, không thiết thực như miếng ngọc phượng kia, thành thử tôi vờ như không hiểu, nói với Răng Vàng :" Thứ này sao lại gọi là vảy rồng nhỉ? Anh xem xem có giống như cái món mà mình vẫn hay nhậu ... tên là gì ấy nhỉ?"

Răng Vàng đáp :" Phồng tôm! Ngâm xuống nước một cái là nở to ra ngay, một tệ mua được cả gói to tướng. Thằng cu Tiểu Tam nhà tôi thích món này nhất, ăn hai miếng này thì chẳng bõ cho nó dính răng".

Hai bọn tôi nói hươu nói vượn, cuối cùng vẫn chẳng thể phỉnh được miếng ngọc phượng vào tay, vảy rồng Nhuận hải thạch tuy có kém hơn vài phần, nhưng cũng không thể không lấy gì được, thế thì dứt khoát lấy luôn cả cái bệ sứ cho xong.

Trên đường về, Răng Vàng hỏi tôi hai tấm Nhuận hải thạch này đáng mấy vạn tiền Hồng Kông. Tôi nói rẻ vãi, cả hai tấm cộng lại bán được tám nghìn đã là khéo lắm rồi.

Răng Vàng lại hỏi lần này tôi thực sự định làm quân cho lão khọm Hồng Kông ấy sai bảo sao, thu xếp xong sẽ đi núi Côn Luân ở Tây Tạng thật à?

Tôi nói chớ coi hắn là khọm già Hồng Kông, khọm nhưng lại có tiền, tiền của khọm Hồng Kông cũng là tiền, anh em ta không thể kỳ thị bọn tư bản ấy được, tiền của chúng cũng không thể lấy trắng trợn được. Ngoài ra trong tay lão lại có manh mối về lăng tẩm của Ma quốc ở Tây Tạng, đôi bên có thể lợi dụng lẫn nhau, nhưng việc này sau khi về còn phải bàn bạc suy tính kỹ đã. Giờ chúng ta còn việc nữa phải mau chóng giải quyết, ấy là ra công viên Đào Nhiên Đình tìm gặp lão thầy bói mù. Lão ta rất am tường Kinh Dịch, cuốn Kinh Dịch bao la vạn tượng, song cội nguồn của nó lại chính là mười sáu chữ Thiên quái, tôi phải đến tìm lão ta hỏi thăm một số chuyện liên quan đến phương diện này, để sau khi Shirley Dương về, khỏi phải nói tôi cả ngày chẳng được tích sự gì. --------------------------------

2 Thời kỳ chứng kiến sự mở rộng quy mô về văn hóa và tri thức ở Trung Quốc kéo dài từ 770 đến 222 TCN, trùng khớp với hai giai đoạn Xuân Thu và Chiến Quốc, cũng được gọi là thời đại hoàng kim của tư tưởng Trung Quốc.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui