Ma Thổi Đèn

Mặt biển phẳng lặng bỗng nhiên cuồn cuộn sóng, thân tàu lắc lư dữ dội, tôi đứng không vững, loạng choạng đổ ngửa ra sau, đập lưng vào khoang tàu. Chỉ nghe “rắc rắc” mấy tiếng, không ngờ đã làm lõm cả ván gỗ vào trong. Cú va chạm không nhẹ, nhưng tôi chẳng hề cảm thấy đau đớn chút nào, chỉ thấy như đập phải một cái vỏ giấy rỗng không.

Tôi nghi hoặc ngoảnh đầu, ở chỗ gần cửa khoang tàu bị tôi đụng phải toác ra cả mảng lớn. Không phải vì ván gỗ làm khoang tàu không đủ chắc chắn, mà chỗ cửa khoang ấy vốn chỉ được hồ bằng bìa cứng, nếu chẳng phải Shirley Dương vươn tay ra kéo tôi lại, rất có thể tôi đã ngã lộn cả người vào trong khoang tàu rồi. Bên trong cái lỗ tôi vừa húc cho rách toang ra đó, chỉ thấy tối đen như mực, không nhìn rõ có thứ gì, mùi máu tanh nồng nặc ộc lên đến lộn mửa. Con tàu rung lắc một chặp, máu bẩn liền từ chỗ rách lại tiếp tục trào ra.

Giữa biển cả mênh mông sao lại xuất hiện một con tàu bằng giấy bồi thế này? Tôi còn nhớ, vùng duyên hải Trung Quốc có tập tục thả “thuyền Đại Thử” tiễn ngũ thánh về biển: vào ngày Đại Thử[26] người ta đưa tàu thuyền ra biển, để mặc cho nó tự trôi; ngoài ra, ở đó còn có một phong tục đặc biệt, tương tự như tục đuổi ôn dịch ôn thần trong nội địa, mỗi khi có bệnh truyền nhiễm lây lan, người ta cũng tổ chức hoạt động đưa tàu thuyền ra biển kiểu vậy, chủ yếu sử dụng tàu cũ bỏ đi, mục đích là để đuổi ôn dịch, tiễn ôn thần. Thông thường, những con tàu cũ kiểu ấy đều được hồ giấy trắng, đồng thời đặt rất nhiều tiền giấy, người giấy bên trên. Ngoài ra, các thứ thiết bị dụng cụ trên tàu cá hay tàu buôn như đao, thương, súng pháo... nhất nhất đều có đủ, duy có gạo trắng là chỉ được để nhiều nhất một cân. Tất cả những thứ ấy đều do những người đi biển quanh vùng quyên tặng, quyên được càng nhiều thì ôn thần đi càng xa. Những con tàu kiểu này thông thường đều đặt xác của những người mắc bệnh dịch, nhiều khi cả thuyền đầy xác chết. Sau khi nghi lễ kết thúc, tàu được kéo ra khơi xa rồi châm lửa hóa đi.

Trước giải phóng từng xảy ra một chuyện: ở thị trấn sát biển nọ có một tiệm gạo. Đêm hôm khuya khoắt, đột nhiên có khách đến muốn bán gạo. Vì trời đã tối, nên chủ tiệm không nhìn rõ tướng mạo của người khách ấy thế nào, chỉ biết là hình như khách mặc áo dài, kiểu dáng rất quái dị, hơi giống như đồ của người chết mặc. Hơn nữa, vị khách còn bốc lên một thứ mùi tanh tanh mặn mặn như mùi xác thối, hỏi duyên cớ làm sao, khách đáp rằng, trên thuyền có mang theo thịt lợn, đường xa sợ bị hỏng nên đã ướp thịt tươi với muối giống như ướp cá. Nhưng không ngờ, vì trời quá nóng, thịt đã ủ muối rồi vẫn bị rữa ra đến nỗi bốc mùi thối khắm, đợi khi trời sáng sẽ tìm chỗ xử lý sau. Chủ tiệm gạo là kẻ hám lợi, thấy người kia bán gạo giá rất rẻ, chỉ có điều túi đựng gạo cũng hơi có mùi thối, lại kể cả gạo ám mùi thịt thối cũng chẳng sao, trộn với gạo khác đem bán chắc không ai phát hiện được, vậy nên cũng không hỏi han gì nhiều, lập tức đốt đèn lồng nhận gạo, sau đó bảo mấy đứa sai vặt trong tiệm khuân vào để trong sân hong gió một đêm, hôm sau mới cho nhập kho. Ai ngờ sáng sớm hôm sau ra xem, mấy chục bao gạo để trong sân đều đã không cánh mà bay, chỉ còn lại một nắm vương vãi khắp mặt đất, thu lại tổng cộng chưa đến một cân. Bấy giờ tay chủ tiệm mới biết tối qua mình gặp ma, mua vào thứ gạo của người chết trên thuyền bệnh dịch, không dám kể lại với ai, chưa đầy ba ngày sau, trong thị trấn liền phát sinh dịch bệnh, chết mất gần một nửa số người.

Hồi ở Phúc Kiến, tôi đã từng nghe truyền thuyết này không chỉ một lần, phàm người nào kể chuyện cũng bảo sự việc trăm phần trăm là thật, có điều không xảy ra ở Phúc Kiến, mà hình như ở nơi nào đó miền ven biển Giang Chiết, cũng là chuyện cũ từ thời Dân Quốc rồi. Bấy giờ tôi vẫn còn nhỏ, thế giới quan còn chưa trưởng thành, cực kỳ thích nghe những chuyện ma quái kỳ dị kiểu như vậy. Đến giờ tôi vẫn nhớ rõ như in, nhiều lúc bất giác nghĩ tới chuyện có cương thi trên tàu ma ban đêm mò vào tiệm gạo truyền dịch bệnh, sau gáy không khỏi lành lạnh. Bởi thế, vừa trông thấy khoang tàu làm bằng giấy bìa bồi, tôi sực nghĩ ngay đây là tàu ôn dịch, không hiểu có phải tại nó bị tách ra khỏi con tàu kéo, rồi trôi theo dòng biển đến nơi này hay không?

Đó là ý nghĩ đầu tiên hiện lên trong óc tôi, nhưng phong tục đuổi ôn dịch kiểu ấy chẳng phải đã bị trừ bỏ từ lâu lắm rồi sao? Nhất thời, tôi cũng không sao nghĩ thông được. Có điều, ý thức rằng đây là con tàu ôn dịch đã bén rễ vào tâm thức, cho rằng nơi này tuyệt đối chẳng phải đất lành gì, ở lâu không chừng lại còn bị truyền nhiễm ôn dịch của xác chết trên tàu, tôi chẳng kịp nghĩ gì đến việc quan sát kỹ càng, vội vàng gọi Shirley Dương mau chóng trở về tàu Chĩa Ba.

Shirley Dương chọc chọc thanh đao xuống sàn tàu dưới chân, thấy phát ra âm thanh “cộc cộc” của gỗ, bèn nói với tôi: “Trên biển sao lại có tàu thuyền bằng giấy được? Cả con tàu này chỉ có chỗ cửa khoang ấy là dùng giấy bồi bịt lại thôi, nếu cả tàu đều hồ bằng giấy thì sớm đã bị sóng biển nhấn chìm từ lâu rồi.”

Tôi tự nhủ, cái cô nàng Shirley Dương tuy rằng kiến thức rất rộng, nhưng dù sao cũng được giáo dục theo kiểu bên Mỹ. Nước Mỹ đấy tổng cộng được bao nhiêu năm lịch sử chứ? Đương nhiên không thể biết Trung Quốc đất rộng người đông, từ xưa đã có vô số phong tục kỳ dị trong dân gian rồi. Có điều, tình thế trước mắt vô cùng khẩn cấp, tôi đâu còn kịp giải thích rõ ràng cho cô hiểu, vả lại, lúc này mặt biển mù sương, yêu khí nặng nề, chỉ sợ trong khoang thuyền rỉ máu bẩn kia không dưng lại nhảy ra một tên bán gạo thì chết toi. Nghĩ đoạn, tôi không nói nhiều nữa, vội lập tức kéo tay cô chạy ra chỗ mạn tàu.

Sóng biển dần cuộn dâng, nửa tấm lưới cuối cùng mắc míu hai con tàu lại với nhau dẫu không chặt thì cũng sắp bị kéo đứt toác ra đến nơi rồi. Tuy nhiên, để đề phòng xảy ra chuyện ngoài ý muốn, Shirley Dương vẫn vung thanh đao trên tay lên chặt đứt toàn bộ dây lưới. Hai con tàu lắc lư lắc lư, càng lúc càng tách xa nhau, tấm ván bắc cầu đã rơi xuống biển. Thuyền trưởng Nguyễn Hắc điều khiển tàu Chĩa Ba tiếp ứng, gắng sức để nó áp sát con tàu ba cột buồm. Mấy người trên tàu đều ngoác miệng lên hò hét gọi chúng tôi, rồi lần lượt quăng sang hai sợi dây thừng đầu buộc vào phao cứu sinh. Tôi thuận tay văng thanh đao đang cầm đi, tóm chặt lấy phao cứu sinh. Phỏng chừng, muốn quay lại tàu Chĩa Ba, cũng chỉ còn cách đánh đu qua mặt biển như khỉ thôi.

Boong tàu cách mặt biển rất gần, nhưng Đa Linh và Cổ Thái đều rất kinh nghiệm. Bọn họ trước đó đã quăng dây lên chỗ cao ở trên nóc khoang tàu trước rồi, tôi bám dây thừng đu qua cũng chưa đến nỗi phải chạm xuống nước. Tôi đang định hành động, thì chợt nghe Tuyền béo vừa kêu la om sòm vừa chiếu đèn pha xuống mặt biển, dường như trong nước có thứ gì đấy. Tôi cúi đầu nhìn xuống, không khỏi hít vào một hơi khí lạnh, lòng thầm run lên. Trên mặt nước toàn là vây lưng của bọn cá mập. Bọn chúng bị mùi máu tanh thu hút, đang từ khắp bốn phương tám hướng đổ tràn về, số lượng cực nhiều, cứ vây lấy con tàu mà bơi vòng quanh. Có lẽ bởi hưng phấn quá độ, bọn chúng bơi rất nhanh, thoạt nhìn hoa hết cả mắt. Ngộ nhỡ chẳng may mà rơi xuống nước, chỉ trong giây lát ắt sẽ bị chúng xé ra thành muôn mảnh.

Người có gan mấy nhìn thấy lũ cá mập này cũng phải lạnh xương sống, với tốc độ và hàm răng sắc nhọn hơn cả lưỡi dao trong miệng chúng, lỡ rơi xuống nước có khác nào con dê rơi giữa bầy hổ đói đâu. Shirley Dương lại càng biết rõ đàn cá mập ngửi được mùi máu thì đáng sợ nhường nào, kinh hãi biến sắc kêu lên: “Chúa ơi, anh Nhất, phải cẩn thận đấy, tuyệt đối không được để rơi xuống.”

Không cần cô phải nhắc tôi cũng biết thế rồi, nhưng bản thân tôi cũng không thể không nhắc nhở cô: “Cô cũng không được do dự, lúc đu qua không được nhìn xuống biển...” Lúc này, con tàu ba cột buồm lại dập dềnh mạnh hơn, khoảng cách giữa hai tàu lại thêm một lần nữa xa ra. Vì có nước biển tràn vào, chân thuyền phía bên này vốn đã nghiêng hẳn đi, vả lại, khoảng cách càng xa, thì khả năng rơi xuống nước lúc đu dây qua tàu Chĩa Ba sẽ càng lớn, không còn thời gian để tôi chuẩn bị tâm lý đầy đủ nữa rồi. Giờ có muốn cùng đu qua một lượt cũng không được, cần phải có một người đẩy người kia lên, tăng độ cao so với mặt nước và sàn thuyền, giảm khả năng lúc đu dây qua bị chạm sát sạt mặt nước. Tôi kéo Shirley Dương lại nói: “Cô qua trước đi, tôi giúp một phần sức...”

Shirley Dương cuống quýt nói: “Không được, anh không được làm bừa, rồi anh làm sao đu qua được?” Trong khoảnh khắc sinh tử tồn vong phải tranh thủ từng phút từng giây này, tôi không hề có ý định đợi cô nàng nói hết câu, lập tức ôm chân cô nâng lên dồn sức đẩy thật mạnh. Thân thể Shirley Dương khá nhẹ, cô ôm chặt phao cứu sinh buộc trên sợi thừng được ném qua, “soạt” một tiếng lướt qua mặt nước. Vừa chạm vào xuồng cứu sinh treo bên thân tàu Chĩa Ba, cô lập tức dùng cả tay lẫn chân bám vào, leo lên mạn tàu, đoạn quay người gọi tôi: “Mau qua đây, con tàu đó sắp chìm rồi!”

Nhưng lúc này, hai con tàu theo làn sóng dập dềnh đã lại tách xa ra thêm một quãng. Vừa nãy, tôi giúp Shirley Dương đu qua mặt biển, bèn bỏ tạm cái phao cứu sinh của mình sang bên cạnh, không kịp tìm chỗ nào chắc chắn cố định lại. Hai con tàu vừa kéo dãn khoảng cách, phao cứu sinh liền bị dây thừng kéo rơi xuống nước. Tuyền béo và Cổ Thái thấy vậy đều cuống hết cả lên, đứng trên boong tàu giẫm chân bình bịch. Họ vội kéo dây thừng lôi cái phao cứu sinh rơi xuống nước lên tàu, định quăng sang phía tàu bên này lần nữa. Nhưng khoảng cách đã quá xa, cái phao quăng lên rồi lại rơi xuống biển.

Dưới đáy con tàu ba cột buồm bị đâm toác một lỗ lủng lớn, nước biển cuồn cuộn đổ vào, thân tàu đã nghiêng hẳn sang một bên rồi mà không hiểu sao chẳng những không chìm xuống, ngược lại còn bắt đầu đung đưa lúc lắc. Tựa hồ như dưới đáy biển có thứ gì to lớn lắm đang kềm chặt phần đáy tàu vậy. Cứ thế này lắc lư thêm vài cú nữa, con tàu vốn không lấy gì làm chắc chắn này sợ rằng sẽ long rời ra mất.

Tôi thấy khoảng cách mỗi lúc một xa dần, trong màn sương, sớm đã không còn nhìn rõ diện mạo của mấy người bạn đồng hành, tàu Chĩa Ba dần dần biến mất sau vùng mờ mịt. Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng họ ra sức kêu gào, đầu óc đờ đẫn, chẳng biết họ đang la hét cái gì nữa, chỉ là nghe những âm thanh đó, không hiểu sao trong lòng rất chua xót. Cảm giác lẻ loi cô độc bất giác dội lên. Lẽ nào mình phải chôn thân nơi đáy biển cùng con tàu ma này? Thân tàu không ngừng lắc lư dữ dội, máu bẩn trong khoang cứ thế trào ra, tràn trên sàn tàu, chảy xuống biển. Tuy trong sương mù không có đèn chiếu sáng, khó có thể nhìn rõ mặt biển, nhưng chỉ cần nghe tiếng quẫy nước như trong nồi chần bánh chẻo là biết lũ cá mập vây quanh đông vô số kể rồi.

Trên tàu chẳng có đèn lửa, chỉ lẻ loi một ngọn đèn bão lẻ treo tít đỉnh cột buồm. Tôi đưa mắt nhìn quanh quất, cơ hồ chẳng tìm được gì, đành ôm cột buồm chính để giữ ổn trọng tâm, bật cái đèn pin tụ quang cỡ nhỏ mang theo bên mình lên. Rốt cuộc cũng có được một chút ánh sáng rồi. Tôi chiếu vào chỗ cửa khoang bồi bằng giấy bị mình đụng thủng toạc ra, khoang tàu màu trắng đã be bét máu bẩn, không còn diện mạo ban đầu nữa. Tôi thầm nhủ, chi bằng trước khi chết thử coi trong khoang kia có cái gì mà chảy ra nhiều máu thế. Khi nào xuống dưới đó, mấy bác Mác, bác Mao có hỏi thì cũng biết đường mà báo cáo sự thật, không đến nỗi đụng đâu cũng lắc, đến chết vẫn hồ đồ. Con tàu trắng hệt bóng ma tựa như có sinh mạng, tổn thương chỗ nào là chảy máu chỗ đó, bảo là tàu trừ ôn dịch, đuổi ôn thần cũng không giống cho lắm. Tôi thật sự muốn biết con tàu quái quỷ này rốt cuộc là cái thứ gì?

Tôi cũng không biết tại sao cứ đến giờ khắc quan trọng cuối cùng, bệnh hiếu kỳ của tôi lại áp đảo cả nỗi sợ, thầm hạ quyết tâm, định xông vào trong khoang xem cho rõ ràng. Nhưng chân còn chưa kịp nhấc lên, thân tàu đột nhiên chìm xuống, tôi thầm mắng, mả cha nó, sao bỗng dưng lại chìm nhanh như vậy?

Rèn luyện trong cái lò rèn quân đội bao nhiêu năm nay, từng vô số lần liều mạng đi trộm mộ, gặp phải tình huống này, tôi dĩ nhiên không thể mở mắt trân trân chờ chết được. Tôi cắn chặt cái đèn pin, vội leo lên cột buồm. Tàu chìm đã nhanh, tôi leo còn nhanh hơn, “soạt soạt soạt” mấy tiếng đã leo đến đỉnh cột buồm rồi. Chỉ thấy trên dưới trái phải Đông Tây Nam Bắc bốn phương tám hướng mờ mịt sương, lại ầm ầm tiếng cá mập quẫy nước vẳng lên, làm tôi nghe mà trong lòng phát hoảng.

Tàu chìm mỗi lúc một nhanh, trong sương dày không thấy bóng dáng tàu Chĩa Ba của chúng tôi đâu. Tôi thầm nhủ, đã đến nước này chỉ có thể gắng hết sức, đợi bọn họ lái tàu quành trở lại cứu viện mà thôi, ngoài ra đành cầu thần khấn Phật cho tàu chìm chầm chậm một chút. Hồi nãy còn nghe thấy tiếng hò hét kêu gào, giờ thì tiếng gọi đã im bặt, hy vọng cũng trở nên xa xăm mờ mịt hơn nhiều, sợ rằng tôi không nhìn thấy ngày thắng lợi trở về nữa rồi. Tôi đang khổ sở chờ đợi cứu binh, thì mặt biển bên dưới bỗng chao đảo dữ dội, con tàu ba cột buồm đang bị nước tuôn vào ồng ộc đột nhiên lại trồi lên, như một chiếc lá liệng trong cơn gió, dập dờn lên xuống theo làn sóng, khi cao khi thấp. Phải chịu đựng một trận rung lắc xoay chuyển mãnh liệt, cây cột buồm tôi đang bám lắc la lắc lư, từ từ nghiêng đi như muốn gãy, xem chừng có thể đổ rầm xuống nước bất cứ lúc nào.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui