Ma Thổi Đèn

Cây gỗ Kiện Mộc cắm trong Quy Khư nghìn vạn năm không mục ruỗng là nhờ cả vào sinh khí bất diệt của dư mạch Nam Long, giờ đây khi đã rời khỏi Quy Khư, lại liên tiếp va đập mạnh mấy lần, lớp vỏ cây xù xì, cùng với những hóa thạch sinh vật biển trông như những mũi tên đá gắn chặt trên đó bắt đầu thi nhau bong tróc. Xác con giao lão bị sóng biển nhồi quật cũng từ từ trượt khỏi khúc cây đang nổi dập dềnh. Chúng tôi đoán chừng con “thuyền độc mộc” thiên nhiên này chẳng mấy nỗi nữa sẽ bị sóng nước quật vỡ, nhưng dưới bầu trời đêm lấp lánh đầy sao, bốn bề là biển cả mênh mông vô tận, cũng chẳng còn biết phải làm sao. Chuyện đã tới nước này, thôi thì đành thuận theo tự nhiên, số trời bảo thế nào phải nghe vậy mà thôi.

Tôi nhìn đàn rùa dập dềnh bên cạnh, vắt óc nghĩ đối sách, chợt thấy trên một cái mai rùa cách chỗ mình không xa lắm hình như có một người đang nằm sấp. Người này mặc bộ đô lặn có tiêu ký màu vàng, trông hết sức nổi bật, mái tóc dài buông xõa, chẳng phải Đa Linh thì còn ai vào đây được nữa? Cô nằm im bất động trên mai rùa, không biết là sống hay chết. Con rùa lớn trôi nổi theo dòng biển, đột nhiên lại chìm xuống, thân thể Đa Linh lập tức bị sóng biển đẩy sang một bên.

Có thể sau khi rơi từ trên cây gỗ Kiện Mộc xuống, Đa Linh không chết, mà dựa vào tài bơi lội của dân mò ngọc, đã bám vào một con rùa lớn đang chạy thoát khỏi Quy Khư, được nó kéo theo lên mặt biển. Tôi thấy Đa Linh lăn từ trên mai rùa xuống biển, đang trôi qua bên cạnh “con thuyền độc mộc”, bèn không kịp nghĩ ngợi gì nhiều, vội gọi Cổ Thái một tiếng, rồi nhao đến đoạn cuối khúc gỗ, bám vào một mũi tên đá nhảy xuống nước, tóm tóc Đa Linh kéo lại. Bọn Cổ Thái cũng vừa kịp chạy tới, mỗi người góp một chân một tay đưa Đa Linh lên khúc gỗ.

Tôi bám vào mũi tên đá leo trở lên khúc gỗ Kiện Mộc, chỉ thấy Shirley Dương đang ra sức cấp cứu. Đa Linh sắc mặt tái nhợt như tờ giấy, bất tỉnh nhân sự, nhưng sau khi được cấp cứu, rốt cuộc cũng ọe ra vài ngụm nước biển, có chút sức sống trở lại.

Tôi như gỡ được tảng đá lớn đè trong lòng, đưa mắt nhìn Cổ Thái, thấy cậu ta hướng về phía Đông dập đầu bái lạy, hình như đang cảm tạ Nguyễn Hắc trên trời linh thiêng, phù hộ cho Đa Linh từ cõi chết trở về, lại giống như đang quỳ lạy tổ tiên Đản nhân nhà cậu ta. Tuyền béo đỡ Cổ Thái dậy nói: “Đừng đập đầu vào khúc gỗ làm gì nữa, thằng nhãi này, cậu còn chê nó chìm chưa đủ nhanh hay sao? Cám ơn trời đất cái quái gì chứ, cái chết không thuộc về giai cấp vô sản, năm xưa anh cậu đây vào núi đổ đấu...”

Trên biển kỵ nhất là nhắc đến những chữ “lật, đổ, chìm”, Tuyền béo còn chưa dứt lời đã bị Minh Thúc bịt mồm lại: “Thằng béo này, cả bọn sắp bị cậu hại chết rồi đấy, khinh núi chớ khinh biển, những lời phạm vào đại kỵ này mà cũng dám nói ra à!”

Tuyền béo lập tức bốc hỏa lên đầu, đang định lên án kịch liệt quan điểm hoang đường của lão khọm già phản động, nhưng đúng lúc đó, cả bọn bỗng cảm thấy dưới chân rung mạnh, ai nấy nghiêng ngả xiêu vẹo hết lượt, không đứng vững nổi nữa. Khúc cây dưới chân không ngừng toác ra, tróc từng mảng từng mảng lớn. Tôi thầm kêu một tiếng, mới rồi còn tưởng khúc gỗ này ít nhất cũng nổi được khoảng hai ba tiếng đồng hồ, nhưng giờ xem chừng nó sắp bung bét hết đến nơi rồi.

Lúc này, đàn rùa đã lặn xuống đáy biển, không hiểu đi đâu, mặt biển mênh mông trải rộng hút tầm mắt, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng vật thể gì khác. Một cơn sóng ập tới, một phần khúc Kiện Mộc nổi lên mặt biển bị đánh vỡ tung. Cả bọn chúng tôi rơi hết xuống nước, đành bám lấy một vài mảnh gỗ đang trôi nổi dập dềnh. Vùng biển này có rất nhiều cá mập, mà dẫu may mắn không gặp phải lũ cá dữ, thì cứ ngâm mình trong nước biển lạnh như băng thế này, thử hỏi chúng tôi sẽ cầm cự được bao lâu đây?

Tôi đeo theo tấm gương đồng nặng nề, bám vào mấy mảnh gỗ, nhưng mảnh nào cũng mục nát bươm ra, làm sao chịu nổi sức nặng của người, đành phải kéo chốt cứu sinh trên vai. Một túi khí nhỏ phồng lên, nổi bồng bềnh trên sóng nước. Tôi đang thầm kêu khổ trong lòng, chợt nghe Shirley Dương gọi lớn: “Anh Nhất, mau xem đi, có tàu kìa!”

Tôi tưởng mình nghe lầm, ở vùng biển vực xoáy San Hô này làm sao lại có tàu được? Nhưng lúc này, bọn Tuyền béo cũng nhao nhao reo hò ầm ĩ, hình như đúng là có tàu thật. Tôi định thần nheo mắt nhìn lại, thì ra không phải tàu bè ở ngoài vào. Cây gỗ Kiện Mộc khổng lồ vốn bị khoét rỗng, bên trong chất đầy các loại đồ bồi táng kỳ quái, sau khi cây gỗ ấy vỡ ra, những thứ bên trong liền tung lóe trôi nổi trên mặt nước, trong đó không ngờ lại có cả một con tàu cổ còn nguyên vẹn. Con tàu này nông choẹt, cột buồm rất thấp, thân tàu hình bầu dục, trông giống như món đồ bồi táng chuẩn bị cho vong linh dưới đáy biển, nói theo cách của chúng tôi, thì nó chính là một món minh khí.

Giữa những cơn sóng xô liên tiếp, trong chốc lát chúng tôi cũng không nhìn rõ con tàu này là như thế nào, nhưng khó khăn lắm mới gặp được cọng rơm cứu mạng, đừng nói là minh khí, mà dù là tàu ma tàu quỷ gì thì cũng phải leo lên trước rồi tính sau thôi vậy, nếu còn chần chừ nữa, chỉ sợ có sóng lớn, cả bọn ắt sẽ bị đánh cho trôi đi tứ tán.

Tôi vội tự cổ vũ mình, xốc lại tinh thần, bơi đến bên cạnh con tàu. Phải đến gần mới nhìn rõ, thì ra đáy con tàu được làm từ một cái mai rùa lớn, kích cỡ áng chừng to hơn cái xuồng cứu sinh thông thường một chút, năm sáu người lên chắc cũng không thành vấn đề. Trên tàu có một khoang hẹp, người không chui vào được, chứa các đồ bồi táng kiểu như san hô, ngọc thạch gì đó, vì chuẩn bị cho người chết, nên cũng không có món nào có giá trị sử dụng cả. Cánh buồm làm từ da cá voi, dây chão bện bằng gân cá mập, còn lại thảy đều giống một con tàu gỗ bình thường. Thân tàu trông mới nguyên, vẫn sử dụng được. Nhưng con tàu cổ này chỉ như một mô hình phỏng chế mà thôi, nếu gặp sóng to gió lớn, chắc chắn sẽ phải vùi thây dưới đáy biển.

Có điều, bọn tôi cũng không lo được nhiều đến thế, vội đỡ nhau leo lên “con tàu ma”, nằm trên mai rùa thở hổn hển, chẳng ai còn sức lực mà nhúc nhích gì nữa. Giờ không phải mùa gió, hải khí ngưng kết ở dư mạch Nam Long đã tiêu tán, mười phần thì chắc đến tám chín là không phải nơm nớp lo âu như lúc đến nữa rồi, chỉ cần Mẹ tổ phù hộ cho không có lốc xoáy hay bão lớn, thì chúng tôi ở trên con tàu mong manh này, ít nhất cũng tạm thời không lo thành mồi cho cá mập.

Đa Linh vẫn hôn mê bất tỉnh, những người khác đều mệt lử, uể oải nằm nhắm mắt ngủ, lúc này dẫu trời có sập xuống cũng không ai muốn mở mắt. Hai mí mắt đánh nhau một hồi, rốt cuộc tôi cũng mơ hồ thiếp đi mất khoảng một hai tiếng, trong đầu vẫn đang mang máng nghĩ đến thuật Ban Sơn Trấn Hải, vắt óc suy nghĩ xem làm cách nào lợi dụng kỳ thuật của Ban Sơn đạo nhân đưa con tàu mai rùa này trở về đảo Miếu San Hô trong tình trạng không có nước uống và lương thực.

Đến nửa đêm, cơn đói khát trong bụng bắt đầu hành hạ, tôi ngoảnh lại thì thấy Shirley Dương đã dậy từ lúc nào không biết. Cô dựa người vào cột buồm bằng xương cá voi ngước mắt chăm chú nhìn bầu trời đầy sao. Tôi cũng ngước lên nhìn sao sáng lấp lánh đến xuất thần, những sự kiện trong lần ra biển này lần lượt tua lại trong óc, từ đáy lòng chợt dâng lên một cảm giác bồi hồi, không kìm nén nổi liền cất tiếng bảo Shirley Dương: “Mới đầu cũng biết vùng biển vực xoáy San Hô hung hiểm khó lường, nhưng vẫn cắm đầu cắm cổ xông tới, giờ rơi vào cảnh này, minh khí thanh đầu giá trị liên thành chất đầy trong khoang mà chẳng đổi được một bình nước lạnh, nửa miếng lương khô. Nghĩ lại mới thấy, lúc đó chắc chúng ta lên cơn điên mất rồi...”

Shirley Dương nói: “Chỉ có anh điên thôi, tôi cùng lắm chỉ ngốc, bị anh lừa đến đây điên theo anh.”

Tôi vội biện bạch: “Tôi có điên cũng là do giáo sư Trần xúi bẩy đấy nhé. Nói ra thì cũng thật khâm phục các vị tiền bối cả đời mò vàng trộm mộ thời xưa, cuộc sống chỉ biết hôm nay không biết ngày mai, bốn biển là nhà này, thật sự là không phải ai cũng chịu đựng nổi. Sống thế này chẳng biết mỗi ngày chết mất bao nhiêu tế bào não nhỉ? Chắc tôi cũng đến lúc phải sống an phận một chút rồi.”

Shirley Dương khẽ thở dài: “Anh giác ngộ được như vậy thì tốt quá, nhưng giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Trong mắt anh, cảnh đẹp mãi mãi ở nơi xa, đảm bảo anh chẳng ngồi yên được mấy ngày đâu mà. Có điều, lần này lênh đênh phiêu bạt trên biển, tôi cũng chỉ mong Thượng đế phù hộ, đừng để chúng ta trở thành người Hà Lan bay mới được.”

“Người Hà Lan bay” là tên gọi khác của những con tàu ma, đặc chỉ những con tàu bị nguyền rủa, phải vĩnh viễn trôi nổi trên biển, không thể cập bờ trong truyền thuyết, hồi xưa tôi cũng từng nghe Shirley Dương nhắc đến rồi, giờ nghĩ lại, cũng không khỏi thấy sống lưng gai lạnh, vội vàng nghĩ cách dồn sự chú ý sang hướng khác, quay qua kiểm lại số thanh đầu vớt được trong chuyến đi lần này.

Trước đây làm Mô Kim hiệu úy vào núi đào mồ, mười lần gộp lại cũng không bằng thu hoạch lần này. Bên trong Quy Khư ở Nam Hải có mấy món đồ tốt, thì gần như bị chúng tôi vớt hết cả rồi, trong đó quan trọng nhất, đương nhiên phải kể đến Tần Vương Chiếu Cốt kính đứng đầu trong Tần Vương bát kính. Nếu có thể mang thứ này về giao cho giáo sư Trần, thì cũng coi như đã hoàn thành được một tâm nguyện.

Có điều, tấm gương đồng này âm khí quá nặng nề, từ lúc tìm được nó trong xác tàu đắm, tôi vẫn bỏ trong túi chưa lấy ra xem, lúc này rỗi việc bèn tiện tay lôi ra cùng Shirley Dương quan sát kỹ lưỡng một lượt. Trên biển trăng sáng vằng vặc, nhưng dưới ánh trăng ấy, tấm gương cổ lại không hề phản chiếu chút ánh sáng nào, mặt gương đã tổn hại hết sức nghiêm trọng, thân gương khắc chi chít toàn chữ triện nhỏ li ti. Đồ thời Hạ đơn giản không có hoa văn mấy, đồ thời Ân cổ phác mạnh mẽ, hoa văn như vệt sâu bò, nhưng chữ khắc trên Tần Vương Chiếu Cốt kính lại như đàn nòng nọc, tựa hồ ẩn chứa quẻ tượng gì đấy, tôi đoán thứ này có lẽ được đúc vào khoảng thời Tây Chu cũng nên.

Tôi đang ngắm nghía tấm gương, thì khóe mắt chợt dừng lại trên con nhân ngư bốn chân ở góc gương, liền ngây người ra tại chỗ luôn. Tạo hình của con cá bốn chân ấy rất đơn giản, nhưng mắt cá lại trống không, hệt như tấm long phù tôi phát hiện mười mấy năm trước ở động Bách Nhãn. Tấm long phù không mắt ấy cũng chẳng rõ là cổ vật từ triều nào đại nào, bị bỏ trong quan tài đồng của Hoàng đại tiên làm minh khí, giờ nghĩ kỹ lại mới thấy tấm long phù và hình nhân ngư bốn chân điêu khắc trên tấm gương đồng này xét về kiểu dáng, khoản thức đều rất giống nhau.

Lão Trần mù làm nghề xem bói ở Bắc Kinh dường như biết được sự bí ảo bên trong tấm long phù, nhưng lần trước vội quá, sau khi tôi nhắc chuyện tấm long phù không có mắt, lão chỉ giơ bốn ngón tay lên làm hiệu, sau đó liền biến mất. Tôi từng nghĩ đi nghĩ lại, song cũng không đoán ra “bốn” nghĩa là thế nào? Giờ nhìn thấy trên tấm gương này có hình trang trí là một con cá bốn chân, trong lòng lại càng thêm mờ mịt, lẽ nào lão giơ bốn ngón tay lên là chỉ bốn loại đồ cổ bằng đồng thau, rồng và cá là một trong số đó? Còn hai thứ nữa là gì? Những con thú đồng không có mắt này, rốt cuộc dùng để làm gì? Bên trong ẩn chứa bí mật gì đây? Hình vẽ nòng nọc trên Tần Vương Chiếu Cốt kính dường như cũng ẩn tàng quẻ số, có lẽ mấy thứ long phù long phiếc thần bí này không khéo lại liên quan đến quẻ tượng Toàn thiên (Tiên thiên và Hậu thiên) thời Tây Chu cũng nên.

Quẻ Toàn thiên, bao hàm vô cùng vô tận các cơ số, có thể luận ra đủ loại quẻ tượng. Quẻ tượng phải dùng đến bốc từ để giải đọc, những thứ này đối với kẻ trình độ gà mờ như tôi thực tình còn khó hơn cả lên trời. Nhưng bao đời tổ tiên nhà Cổ Thái đều lưu truyền khẩu quyết nguyên thủy nhất của quẻ Toàn thiên này. Khẩu quyết tuy không phức tạp lắm, nhưng nội dung thì còn thâm ảo hơn những gì hậu nhân của người viết Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật Trương Doanh Xuyên nghiên cứu nhiều lần. Có điều, các đời Đản nhân xưa nay chỉ coi những lời bốc từ này là phù chú hộ thân dưới đáy biển, dường như không hề biết nguồn gốc lai lịch của chúng là từ đâu.

Nghĩ tới đây, tôi ngoảnh đầu liếc Cổ Thái đang say ngủ, thầm nghĩ chi bằng đợi cậu ta tỉnh lại, thử hỏi về Tần Vương Chiếu Cốt kính xem sao, biết đâu thằng nhãi này lại hiểu được huyền cơ trong mấy con thú đồng không có mắt ấy. Tôi đang ngồi nghĩ ngợi vẩn vơ thì Tuyền béo và Minh Thúc cũng lần lượt tỉnh giấc vì đói quá. Mặt biển sóng yên gió lặng, không rõ con tàu rách nát này đã trôi dạt đến nơi nào rồi nữa. Mọi người dốc nốt mấy giọt nước cuối cùng vào thấm cổ họng, rồi bàn xem nếu lát nữa có cá nhảy bay qua mạn thuyền thì làm cách nào bắt được vài con ăn sống cho đỡ đói. Tôi cũng cảm thấy dạ dày cồn lên dữ dội, bèn gói Tần Vương Chiếu Cốt kính cất đi, nói với cả bọn: “Cách mạng chính là ăn cơm, không nhồi đầy bụng thì chẳng có sức làm gì cả, đối với việc ăn uống cần phải có thái độ hết sức nghiêm túc, không được qua loa sơ sài, vì vậy chúng ta phải mau chóng...”

Tôi và Tuyền béo, Minh Thúc bàn bạc qua loa một chút, chủ yếu chỉ là nghĩ cách bắt cá. Minh Thúc nói, ở Nam Hải này hay có cá chuồn nhảy lên mặt nước, kết thành từng đàn lớn đùa giỡn trên sóng, lúc nào trời sáng, chỉ cần lấy minh châu ra làm mồi là có thể dụ lũ cá chuồn mọc hai cái vây như đôi cánh lướt qua mạn tàu. Nhưng lúc này mới là nửa đêm, chúng tôi ngồi ở mũi tàu đợi mãi mà chẳng thấy bóng dáng con cá nhảy nào cả.

Tôi chẳng biết làm gì hơn, cũng đành đợi đến khi trời sáng rồi tính sau vậy. Quay lại giữa tàu, thấy Shirley Dương đang kiểm tra Đa Linh vẫn hôn mê bất tỉnh. Giữa biển lớn mênh mông không thầy không thuốc, nếu cô cứ hôn mê mãi thế này, chỉ sợ sẽ nguy đến tính mạng mất, tình hình không lạc quan một chút nào cả.

Shirley Dương phát hiện tình trạng Đa Linh xấu đi, vội bảo tôi bắt mạch xem thế nào. Nhưng tôi vừa chạm vào cổ tay Đa Linh, liền cảm thấy dưới ống tay áo hình như có gì đó, như thể cô đeo đồng hồ vậy. Tôi vốn tưởng là đồng hồ lặn, liền định gỡ nó ra, không ngờ, trên cổ tay Đa Linh lại là cái đồng hồ vàng Tuyền béo gỡ từ cánh tay người chết trong xác tàu dắm. Tuyền béo thấy thế, liền định giật lại cái đồng hồ nhưng mặt đồng hồ đã gắn chặt vào da thịt trên cổ tay Đa Linh rồi, có khi phải dùng dao mới cạy ra được.

Tôi nhìn cái đồng hồ vàng, ngạc nhiên thốt: “Cái đồng hồ này… sao lại ở trên người Đa Linh?” Đang nghi hoặc chưa biết nào, chợt ngửi thấy trong gió có mùi tanh tưởi xộc lên tận mũi. Chúng tôi từng nhiều lần tiếp xúc với tử thi, đều nhận ra ngay mùi xác thối, nhưng trên tàu không có thi thể thối rữa, mùi ấy ở đâu ra mới được chứ?

Minh Thúc lại còn buôn bán xác cổ mười mấy năm, vừa ngửi đã biết tuyệt đối là mùi xác chết. Mấy người hít hà ngửi nhau một hồi lâu, mới xác định mùi xác thối này tỏa ra từ Đa Linh, kiểm tra kỹ càng, phát hiện trên người cô đích thực là có mấy đốm ban không rõ lắm, mũi miệng có mấy giọt chất tanh lòm chảy ra. Ngay từ đầu tôi đã cảm thấy trong con tàu Mariana bị đắm ấy có gì không ổn, cái đồng hồ vàng của thuyền trưởng rất có vấn đề rồi. Giờ tôi chẳng còn lo tổn thương đến da thịt Đa Linh nữa, vội lấy dao găm nạy đồng hồ ra, ném xuống biển.

Minh Thúc kinh hãi kêu lên: “Chết cha rồi, cái đồng hồ ấy vớt được trong xác tàu đắm, chỉ sợ đã bị trúng phải thuật Giáng Đầu của người Nam Dương rồi, vứt bỏ phỏng có ích gì chứ? Giờ Đa Linh đã trúng phải tà thuật, mùi xác thối ấy còn ghê hơn bệnh truyền nhiễm nữa, nếu không mau ném con bé xuống biển cho cá ăn thì chúng ta đừng hòng sống sót trở về.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui