Mãi mãi tuổi hai mươi

3.8.2.72
Càng gần đến tết, người ta càng thêm nhớ nhà. Những người mẹ có con đi xa lại càng thêm nhớ, thêm thương. Nhất là những ngày gần tết năm nay. Trời lạnh, mà anh bộ đội phải lên đồi nằm, đất toả ra không phải hơi ấm mà lại là những hơi lạnh cóng, tê dại cả người và ngay đơ cả chân tay. Đêm qua gió lạnh kinh người, cả lán phập phồng giật lên giật xuống vì gió - không biết bao giờ mới ngớt đi cơn gió lạnh này.
Ôi, những ngày gió nổi. Bao nhiêu người mẹ ngồi nhà nhớ đứa con đi xa đang nằm sương gối đất. Chiến tranh! Không còn là một khái niệm trừu tượng, xa vời. Không còn là sự gắn liền với những danh từ cao quí nhưng thiết thực. Ở đây là sự nhớ thương - Lo cho đứa con mình bị lạnh, thương con tết liệu có bánh chưng xanh, có được ngồi ấm cúng trong nhà khi trời đất chuyển mình sang năm mới... Tiếng khóc nấc lên của bà mẹ, thật quí, nhưng cũng đáng sợ biết bao.
Không ai có thể tránh được dòng nước mắt yêu thương ấy. Bên cạnh lòng yêu nước, yêu Tổ quốc, người mẹ Việt Nam còn có tình mẫu tử. Người mẹ nào chẳng thương đứa con đẻ của mình - Núm ruột dứt ra - Mẹ khóc-Khi đứa con không có ở nhà. Anh đi xa, anh chỉ cảm thấy xa xôi.
5.17.2.72
Sắp rời khỏi Hà Bắc. Lần này thì vĩnh biệt thật. Và không biết có còn dịp nào trở lại đây hay không?
Vừa hết tết mà mùa hè dường như đã đến. Không tài nào viết được ra những cảm xúc của mình! Khổ quá đi mất.
6.18.2.72
Đại đội 18 lại có thêm mấy người nữa trốn về. Tội nghiệp tụi lính trẻ. Họ không thắng nổi nỗi nhớ và những cám dỗ tinh thần, vật chất ở nhà. Các cán bộ hò hét suốt mà nào có ăn thua gì. Ai về cứ về và ai đi vẫn cứ đi...
8.20.2.1972
Vừa hành quân đến đây. Mình không muốn ghi nhật ký hành quân nữa. Đại khái nó cũng như mọi lần hành quân khác. Cái mới chỉ là con đường đẹp hơn, giống Hà Nội hơn và những ngôi nhà khác kiểu. Nói chung sự khác biệt ấy rõ nhất ở cái tên: Hải Hưng và Hà Bắc.
Nhưng cũng không thể nói rằng hoàn toàn không có gì mới. Điều mới mẻ là dĩ nhiên thôi. ít nhất, nếu cái mới đó không phải do sự phát triển lô-gich của nhận thức mình thì cũng là do sự thay đổi địa hình, địa vật, con người Phả Lại, mình đi phà sang bờ kia, với Tâm, hai đứa lủng lẳng trên cành tre một thùng thịt lợn. Ai nhìn thấy cũng phải buồn cười. Họ cười thật, cười lăn, cười bò... Mình cũng ngượng nghịu cười. Tâm thì khoái lắm, nó đội lệch cả mũ và lắc lư cái thùng. Mình nghĩ, nếu như đây là Hà Nội, gần hơn là Cổ Nhuế, liệu mình có dám khiêng như vậy hay không? Và buồn rầu nhận rằng mình chẳng dám mạnh dạn như thế đâu... ở nhà, phải đẩy xe bò mình đã ngại ngần thế nào rồi, nhất là những hôm gánh cỏ cho mợ hoặc em Hương... Không phải sợ nặng mà lười, chỉ vì có quan niệm nào đấy tách mình ra khỏi lớp người lao động chân tay. Rồi cuộc sống bộ đội sẽ làm lại cho mình tất cả những gì mình còn e ngại. Cho đến lúc nào mình cảm thấy tự hào rằng: chính mình đã làm được những điều ấy và cảm thấy thèm khát muốn làm. Lúc ấy mới có thể hài lòng được, lúc ấy mới có thể nhận mình là người con chân chính của giai cấp, của Đảng. Còn bây giờ là “tập” là “nhập cuộc” mà thôi.
Ở bến phà, những người đi chơi tết còn đông lắm. Họ đứng nghẹt ở hai bên bờ, chờ bộ đội đi qua. Sông Lục Nam xanh ngăn ngắt màu lá ngô non. Còn cái ca nô kéo phà thì chăng cờ lộn xộn, đủ các loại. Cuộc sống mà cần đến sự loè loẹt ấy chăng? Mình nghĩ đến những kỳ nghỉ hè của học sinh Hà Nội. Có em bé nào từ khoang ca nô nhìn trời, nhìn sông (hết mực rồi, và chưa mua được - cũng lại là một qui luật hay sao, người ta ngại đem mực đi vì sợ "lỉnh kỉnh", nhưng người ta vẫn phải viết - và thế là tích cực đi xin!).
Chắc là người ta thương anh bộ đội lắm. Mồng 4 tết, mà nhổ lều, bứt lán, gồng gánh ba lô, xoong nồi hành quân như vậy để có chiến thắng đánh dấu một thời đại. Còn ta, cũng hành quân đây. Ta sẽ để lại điều gì trong lịch sử?
Đất Hải Dương... Hải Dương, mình nhớ luôn đến Trần Đăng Khoa. Khoa còn cách đây xa, 20km nữa. Đây là huyện Chí Linh. Lúc dừng chân nghỉ ở cái kho hợp tác ven đường gió lộng, mình bảo với Tâm: "Tâm nghĩ gì khi đến đất Hải Dương này?" Tâm không nghĩ ngợi điều gì cả. Nó nghĩ rằng đường xa quá, trời nắng quá và nhiều bụi...
Còn mình, mình nhớ da diết. Phải, da diết và day dứt nhớ Trần Đăng Khoa. Đất nước vẫn như xưa (!), Hải Dương cũng chỉ một làng quê như trăm nghìn làng quê Việt Nam khác thôi, như Cổ Nhuế, như ngoại thành Hà Nội. Vẫn cánh đồng trải như vô tận (chẳng phải, còn những mỏm đồi xa xa, màu xỉ than). Đồng đang xanh màu tươi mát của lá ngô non. Còn dĩ nhiên là nhiều gió. Chân gió đi không biết mỏi, gió xoài ra một lát rồi lại cuốn ào ào, mang đi biết bao vị ngọt hương thơm của quả chín, của mía... Cái mùi vị đồng nội ấy. Vậy mà Khoa, năm nay lớp 7 đây, lại làm được những bài thơ hay và xúc động. Phải chi quân mình cứ đi mãi rồi rẽ sang tay phải đến xã của Khoa - xã Quốc Tuấn, Nam Sách, Hải Hưng - Đóng quân ở đó, để mình gặp và chiêm ngưỡng tài năng trẻ của đất nước, để mình hỏi và đọc thơ em Trần Đăng Khoa, chắc chẳng khác gì những đứa trẻ chạy lông bông ngoài đường kia thôi. Thế mà những âm rung nhỏ xíu nhất của em lại có sức vang động lạ lùng. Người ta thuộc thơ em, và hơn cả thơ em làm lớn dậy tâm hồn và trái tim biết bao người. Hạnh phúc biết mấy Khoa ơi!
Hải Dương - Người hãy tự hào vì đã dâng cho đất nước thiên nhiên xinh đẹp và những tài năng quí giá. Đến Sao Đỏ, chỉ còn cách Đông Triều 15km, mình mới hiểu vì sao Khoa có thể đi bộ đến mỏ than để thăm anh Minh, mới hiểu "mang màu than trong nòng súng chúng tôi đi". Hiểu nhiều hiểu tất cả. Cả ngôi nhà Nhuần dưới chân núi của Lý Biên Cương trong “Mùa lũ” ... Chao ôi, cảm ơn tỉnh trung du, đẹp quá đi thôi...
Những cánh rừng trong đêm âm u lạ. Mảnh trăng mềm như một miếng hồng vừa cắt chỉ khẽ ló ra sau lá. Ta nhận ra rừng bạch đàn. Những cây bạch đàn lá to và ngắn hơn bạch đàn ở nhà, ở Quế Võ, ở Hà Bắc. Ừ nhỉ, đến đâu cũng gặp bạch đàn thôi. Và ở đâu, đi đâu, đến đâu, và nhớ gì, nghĩ gì, ta đều nhớ Như Anh. Như một niềm vui, mềm an ủi, như một ước mơ hết sức xa vời, song đẹp đẽ và đáng mơ ước biết bao nhiêu.
Ở chỗ đóng quân lại nhiều thông. Cây thông thật cao và to đứng im lặng. Xung quanh là đồi cây, đây mới thực là thung lũng. Gió đâu rồi nhỉ, đâu rồi cơn "gió qua thung lũng, mang màu xanh bất tận? Mình có cảm tưởng đi vào ngôi chùa nào đấy, thờ một ông phật, bụng phệ nào đấy và cố từng tam quan. Toàn thông và bạch đàn thôi. Thân cao nhìn thật thanh thản. Xung quanh đồi thật đẹp, xanh lốm đốm chứ không phải đồi trọc như Hữu Bằng. Dân cũng tốt hơn, xin tre về làm lán dễ lắm, thế là lính phấn khởi dần lên. Lính cười: hơ hơ, hì hì, hục hục... đủ 36 thứ cười! Y trồng trước lán một cây thông nhỏ, nó bảo đấy là bồn hoa. Vị lấy đá xếp chữ "Khí tiết" như trong Bất khuất" vậy. Chúng nó bảo, sống một ngày cũng phải sống cho đàng hoàng. Ừ, đúng lắm, phải sống cho đàng hoàng. Cái lán làm xong đẹp quá đi mất. Mình nằm ngửa mặt nhìn lên mà khoái. Sao nó giống tường của rạp Kim Đồng đến thế. Cũng những nẹp hình vuông.
Ôi, lại nhớ Như Anh đây. Hôm nào sống giữa trường đại học có cửa gương, có giường tầng, mà lúc Như Anh vào chơi, ngượng đến chết vì nhà cửa bề bộn quá. Thế mà bây giờ ở rừng Chí Linh này, mong Như Anh đến. - Như Anh đến đây nhé, mà xem lán anh bộ đội làm, đẹp đến mê đi.
2.21.2.1972
Rất buồn cười về nếp sinh hoạt mới của lính. Buổi sớm, buổi trưa và buổi chiều, những cảnh ngộ nghĩnh lại bày ra trước mắt. Chiều qua mình ngộ quá. Lúc mặt trời gần khuất sau đỉnh Côn Sơn, mình thấy lũ lượt lính vác xẻng lên đồi thông. Trên ấy có gì nhỉ, hay họ đi đào hầm,Chẳng lẽ đào hầm xa lán thế? Cuối cùng mới vỡ lẽ, họ đi đại tiện! Phải đào hố và lấp đi, có vậy thì mới giữ vệ sinh. Tuy vậy lên đồi thì cũng phải cẩn thận lắm, không có nguy hiểm ngay thôi.
Còn nước thì mới kinh khủng chứ. Ở đây không có suối không có giếng. Vào nhà dân thì xa quá. Vậy là rửa mặt, rửa tay chân. tắm giặt, nước ăn, tất cả đều ở trên một cái ao nhỏ xíu, cỏ đầy trên mặt nước. Nước cứ mờ mờ xanh, và chỉ khẽ khua lên là lầm đục. Đứng trên bờ thấy lợm giọng vì một mùi tanh. ôi chao, kinh sợ quá đi mất.
Hôm đầu đi với Tâm, nhìn mấy đứa đang tắm, khắp người ghẻ kềnh càng, thấy gai cả người. Giá ở nhà có lẽ mình chẳng dám xuống rửa chân nữa, thế mà mình ở đây, lại múc nước lên đánh răng, rửa mặt và múc cả về lán đun lên uống nữa. Eo ơi, đừng ai nhổ nước bọt đấy. Cuộc sống bộ đội rồi còn ác liệt hơn thế nhiều, gian khổ và vất vả hơn thế nhiều.
Có lẽ bắt đầu từ hôm nay mình sẽ không viết thư cho bất kỳ ai nữa cả. Và dĩ nhiên sẽ không nhận được thư của bất kỳ ai. Hãy dẹp bớt đòi hỏi của cá nhân mình, và làm việc cho tốt. Mình nhiều lúc phải hối hận vì đã bỏ quá nhiều thời gian vào những công việc ít có ích. Rồi mai đây, khi trở về gặp lại các bạn thời thơ ấu, liệu mình có dám đứng đấy mà trò chuyện hay không? Thật đáng sợ biết bao nhiêu!?
Cuộc sống không chờ một ai cả. Thời gian trôi thật nhanh, chẳng mấy chốc mà 5 năm, 6 năm lại trôi qua đi thôi cố tin rằng mình không chết! Thế thì liệu đất nước đã thống nhất hay chưa? Và liệu lúc ấy mình đã làm được những gì đáng gọi là "thành quả" cho đất nước? Hay vẫn chỉ thu lượm, hin tòi? Hay vẫn chỉ "triển vọng"? Trời ơi, phát điên lên mất thôi. Còn mặt mũi nào mà gặp lại các bạn, nhất là Như Anh!
Những tháng năm rảnh rỗi trong suy nghĩ thế này mà không viết được gì thì biết đến bao giờ mới làm được? Bao giờ mới làm được Thạc ơi? Trước kia thì ao ước, mong chờ được đi mà viết, còn bây giờ thì nằm ngay đơ trong lán mà than thở.
Hôm nào, sẽ lên thăm đỉnh Côn Sơn, nơi Trần Đăng Khoa đã viết câu thơ “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa... “ Nguyễn Trãi xưa kia đã tới đây ẩn dật. Vậy là đất này chính là đất văn học rồi. Sao mình không thể cất lên tiếng hát ở đây?
Các bạn đã làm được nhiều. Riêng mình vẫn trằn trọc hoài, trằn trọc mãi không thôi. Tự nhiên, mình ghét những trang nhật ký này. Nó dường như không có tác dụng gì mấy trong cuộc sống của mình, mà chỉ là chỗ chứa những lời than thở trách móc năng lực và số phận của mình mà thôi! Không nói đến những điều ấy nữa!
Mình giờ đây băn khoăn khá nhiều, mà không hề có được 1 lời khuyên bảo. Liệu mình có thể làm được gì, đóng góp được gì cho văn học chống Mỹ hay không? Biết bắt đầu từ đâu và đi theo con đường nào? Làm sao có được một bàn tay dẫn dắt của người đi trước?
3.22.2.72
Sắp phải đi học rồi đây. Thời gian trôi nhanh quá. Thật thế ngày nào mình cũng phải đấu tranh tư tưởng. Ngày nào cũng tự nguyền rủa mình. Ngày nào cũng một nỗi ân hận giày vò.
Rồi sau này, nếu Như Anh có về đọc được nhưng dòng nhật kí này, chỉ mong Như Anh hiểu được những điều bây giờ đang dằn vặt mình, đang vò xé trái tim mình, lương tâm mình. Trời ơi, có bao giờ mình lại khổ sở vì khả năng kém cỏi của mình như lúc này hay không?
Còn nhớ đêm mồng 3 tết, nằm trong lán nilong với Tiến và Thư mình trở mình hoài vì bài thơ "Gửi lại Talê" và “Đoạn đường...” của Trần Nhật Thu. Chao ôi, bài thơ hay quá đi mất. Những bài thơ làm trên chặng đường hành quân vào trận tuyến. Những bài thơ cảm động và đẹp đẽ biết chừng nào. Trần Nhật Thu dễ thường chẳng mấy người biết đến tên anh, nhưng thơ của anh thì hay đến thế. Những dòng thơ bước thẳng vào trái tim người đọc Chính bởi anh từ cuộc sống chiến đấu ác liệt mà viết nên những vần thơ ấy...
“Gửi lại Talê - Gửi lại Talê
Tôi ríu lưỡi trước giờ từ biệt
Xiết chặt tay các anh - Dòng sông cuộn xiết
Một góc rừng Lào âm âm tiếng bom...”
Bài thơ anh làm tại Bulapha, ngày 31.5.1971, đúng ngày T. và Như Anh gặp nhau trên đường Hà Nội. Phải, lúc ấy mình còn thanh thản lắm, và đâu nghĩ rằng có những người đang viết những vần thơ lửa cháy!
Tới hôm nay, Y đưa cho mình xem bài thơ “Dốc On My”, lại của Trần Nhật Thu đề ngày 30.2.1971. Anh viết khoẻ và viết hay, táo bạo!
Chao ôi, hạnh phúc biết bao nhiêu khi chính mình được đi trên những nẻo đường thấm máu đồng đội, trên những nẻo đường mang tên người con gái Lào xinh đẹp. Các anh, sung sướng quá! Biết bao lần mình mơ ước được đi như Phạm Tiến Duật, nằm trong mái lán Trường Sơn mà cảm hiểu cuộc sống nước sôi lửa bỏng của dân tộc. Mà viết và ca ngợi!
Mặt trận còn cách xa đây lắm! Nhà văn Ng. Khải nhận xét rằng: Mọi người đều đã quen với cách nghĩ: “Còn phải đón đợi những thử thách ở phía trước”... Với họ, họ đã làm tròn trách nhiệm của hôm nay. Và họ đều cảm thấy khó khăn, gian khổ, thử thách là chưa tới, là chưa tới! Như anh chiến sĩ vây lấn ấy vậy, nằm bên đồn bốt địch, nghe rất rõ tiếng pháo nổ đầu nòng, còn tiếng thứ hai thì xa, xa lắm. Và anh nghĩ thầm rằng mặt trận ở tận đâu ấy, dễ thường cách đây đến hàng chục cây số!
Riêng mình, quả thực đây là hậu phương của bộ đội. Không tiếng súng nổ, và cuộc sống bình thản quá. Cái hội trường học tín sạch và mát, ẩn dưới gốc thông già. Không có trẻ con đến chơi, không có tiếng chim, chỉ lâu lắm mới nổi lên một đợt gió từ thung lũng xa. Buổi sáng, còi tập thể dục chưa buồn dậy, còn nằm rốn mơ tiếp một giấc mơ còn dang dở, rồi lục cục gập chăn màn, đánh răng rửa mặt, ăn sáng và đi học... Lại xếp hàng một, tay cầm liên hợp và ma níp, vừa đùa thoải mái. Để đến cái sân đất có nhiều lá rụng mới lại chợt nhớ Pauxtôpski, nhớ Bông hồng vàng , và một lời hứa, một trách nhiệm của cuộc đời...
Ngoài ra còn phải học tín nữa. Lơ là thì đố có mà học được Nhầm be bét học làm sao nổi! Chao ôi, mình ngấy đến tận cổ cái trò cứ "tích ta tích ta" này rồi, chẳng nhẽ cứ nhàng nhàng mãi!
4.23.2.72
Không hiểu người ta nghĩ gì, người ta cảm thấy điều gì khi đến những miền đất lạ? Giả sử như ở đây, nhìn ngọn núi xanh màu lá cây thật mềm, mát, người ta sẽ cảm thấy cái gì? ắt có người khen đẹp. Ừ, đồi núi ở đây đẹp hơn ở Tân Yên, nhất là so với Hữu Bằng thì nó lại càng đáng ca ngợi. Những cây thông uy nghiêm trên đỉnh núi, phía dưới thung lũng là trắng bạch đàn, rừng thông rì rào suốt ngày đêm. Cỏ mọc dìu dịu ở sườn đồi, còn con đường lên đỉnh thì bàng bạc và mới mềm làm sao. Tất cả đều gợi lên một điều gì dịu dàng, mát mẻ. Cả vũng nước nép giữa bụi cây nhỏ loà xoà mà lính hay xuống rửa tay chân cũng mở một thế giới trong lành. Cuộc sống hơi chật một chút, song thú vị.
Phong cảnh ở đây khác nhiều so với Hữu Bằng. Không có một dòng sông để nhặt những viên sỏi nhẵn và những cánh buồm mốc vá víu phồng căng, không có những cô gái gò lưng kéo thuyền khi trời lặng gió... ở đây không có những quả đồi trọc, toàn đá sỏi, nhìn lên khô khốc, không thấy cảnh con bò giơ bốn chân khẳng khiu đỡ lấy đống tròn phình, chót vót trên đỉnh đồi, gặm vào lá cỏ non vừa nhú.
Phải đấy, cuộc sống của nhân dân ở đây thoải mái và sung túc hơn so với Hữu Bằng, bởi vì vùng này không bị lụt và ít nhiều dân cũng thưa thớt hơn. Mình vào mấy nhà quanh chỗ đóng quân, nói chung đều cảm thấy thoải mái hơn ở chỗ cũ. Nhà cửa sạch, mát, lối vào nhà gòn gọn. Cả gốc tre cũng sạch, ít lá rụng và ít bụi: Cuộc sống thanh bạch và trong sáng làm sao. Cũng chưa biết xã trung du này nữa. Hôm nọ hỏi bà cụ gánh cỏ, biết được đồng cỏ vịt, còn thì chẳng biết được gì hơn. Không biết đây là người Kinh hay người dân tộc nữa. Suốt ngày chỉ thấy những đám mây bay từ đỉnh này sang đỉnh kia, che rợp một vùng đất. Còn thì âm âm u u, như thể đây là một vương quốc của riêng mình. Có lúc tưởng như mình đã ở đâu xa xôi lắm. Té ra vẫn đất nước mình, và cách Hà Nội có là mấy đâu Vùng này thế, thảo nào ngày xưa Nguyễn Trải ẩn dật!
Mình có cái tệ là ít vào nhà dân. Vào lúc nào cũng chỉ có việc không xin cái nọ thì xin cái kia. Nếu vậy thì làm thế nào mà hiểu biết sâu được vùng này! Vả lại, khi anh chưa thật sự quan tâm đến cuộc sống lam lũ của dân tộc thì chẳng bao giờ anh hiểu nổi cái cốt lõi làm nên cái trạng thái tâm hồn ở đây.
Nếu như nhìn ngọn đồi đá ong, đá trắng, sỏi vụn anh chi cảm thấy khô, thấy nhức mắt, thấy ghét guồng chứ không phải là nhức nhối trong tim, thì anh hãy về đi, đừng làm anh bộ đội nữa. Hoặc là hãy đặt tay lên ngực, xem quả tim đi, Có lẽ nó đã trôi xuống dạ dày rồi! Mà nào có ít người nói những điều ấy với mình, thế mà họ lại là bộ đội đấy!
Có tiếng súng nổ - K54! Hôm nay C vận tải đã hành quân đến. Họ dựng lều bên kia đồng, ở chân núi, dưới những cành thông cao tuổi. Người ta bảo làm lán ở rừng thông là tốt nhất, thoáng mát và không khí trong lành. Thân cây to đen, nứt nẻ, nhiều vết toác ra cho nhựa chảy. Thật khó mà chặt được thông, chỉ cần một vệt dao xước nhẹ là nhựa đã chảy ùn kín vết thương. Ai ví cây thông như sức sống của người cộng sản thật đúng quá!
Dưới (hay là trong?) rừng thông già lão ấy là C vận tải những anh lính trẻ. trẻ quá - Khi ngồi trong lớp học, tay gõ ma níp mình thấy họ đi qua cửa rửa mặt mà thương quá. Họ hành quân mấy ngày rồi, mãi tối qua mới tới đây... Có lẽ toàn lính thành phố cả. Trông cách ăn mặc, và điếu thuốc ngậm trễ trên môi là đủ biết. Hầu hết là lính mới, nom mặt còn non choẹt, và người thì nhỏ xíu. Bất giác nhìn lớp học của mình. Hầu hết là sinh viên, to, khoẻ, chững chạc. Chính mình sẽ là chủ lực của quân đội đây, còn dựa vào ai nữa.
Bây giờ, càng đi lâu, mình càng thấy sự có mặt của mình trong quân đội là cần thiết, là đúng đắn. Xấu hổ biết bao nhiêu vì thanh niên trai tráng, khoẻ mạnh lại suối ngày ru rú trên cửa sổ của giảng đường đại học! Suốt ngày gìn giữ nếp áo quần, giữ bàn tay cho sạch, và soi gương làm dáng... để cho lớp thanh niên vừa nhỉnh một chút lăn lộn người ngoài tiền tuyến, với những thằng lính Mỹ xâm lược to gấp đôi, gấp rưỡi mình! Thế sao trước kia mình không nhận thấy điều ấy? Một chân lý đơn giản, thật dễ hiểu? Mình trước kia không hiểu hay không muốn hiểu?
Từ lúc nào không rõ, mình có ý thức chủ nhân đất nước. Dạo còn bé đi học, mình biết rằng còn có cha mẹ, có thầy cô giáo và mọi người lớn lo thay cho mình. Song giờ đây mình hiểu rằng, chính mình là cột trụ của đất nước. T. H nói đúng làm sao: “Lịch sử chọn ta làm điểm tựa”. Ừ, đâu còn là một chân lý trừu tượng nữa, mà đã là sự thật. Không chỉ nhận ra, mình còn sung sướng và tự hào vì nhiệm vụ vẻ vang ấy. Chỉ tiếc rằng, mình đi chậm quá, chậm quá rồi. Nếu như có ai đọc một truyện ngắn trên Văn nghệ quân đội về những người chiến sĩ vây lấn điềm cao, người ta đã có hy vọng gặp nhau "khi chiến tranh kết thúc"... Kết thúc chiến tranh... Không, đấy không phải là chiến tranh hay sao ấy.
5.24.2.72
Cuộc chiến đấu của dân tộc đã trở thành nếp sống bình thường của mọi người. Và có lẽ do vậy, người ta ít khi hình dung sẽ có ngày mà chiến tranh kết thúc. Ý nghĩ ấy thật là tội lỗi, chắc chắn nó là một ý nghĩ lạc hậu so với cuộc sống sôi nổi, lạc quan của những người làm chủ cuộc sống của mình. Thử để ý xem những người khác suy nghĩ thế nào về việc kết thúc chiến tranh"! Phải nói rằng đa số những người mình gặp đều có một thái độ chuẩn bị lâu dài cho cuộc chiến đấu. Nhưng họ không bi quan và không lạc quan quá đáng. Đó là điều tốt và đáng quí.
…Ở đây đã gần một tuần rồi, và chưa kịp đi đâu xa xôi cả Chỉ có dịp đi xa một chút, về tiểu đoàn thăm bọn nó. Cả B đi vào rừng lấy củi, một số đi xa hơn, 30km, lấy nứa về làm lán. Mình cứ lần theo đường dây điện thoại mà về...
Chỉ thế thôi, còn toàn quanh quẩn ở nhà với hội trường thôi. Thoắt một cái đã hết ngày rồi, mà chẳng làm được gì hết.
Hôm nay nghe tin đồn thì lại sắp chuyển quân. Hình như cuối tháng hoặc đầu tháng 3 thì phải. Người thì bảo Thanh Hoá người thì bảo Quảng Ninh... ôi, sao nhanh thế nhỉ. Đã biết trước chỗ này chỉ là dừng chân tạm thôi, mà vẫn cảm thấy nhanh. Chưa kịp đi Côn Sơn thăm nơi Nguyễn Trái ẩn dật, và đỉnh núi kia vẫn chỉ mờ mờ trong sương sớm, trong trí óc của mình.
Dù rất mong đi chiến trường, vẫn cảm thấy nhanh. Vụt cái như một vệt sao đổi ngôi vậy. Mình đã gần nửa tuổi quân. Đã quen với tiếng súng AK, K63, K54, bộc phá, lựu đạn. Và chỉ mới như thế thôi. Những con chuột lửa, dải lửa màu da cam của B40 chưa từng được thấy. Cả dãy Yên Tử cũng chẳng nhìn thấy nữa. Tâm ca ngợi Yên Tử nhiều lắm, nó bảo, lính muốn đi B thì ắt phải trèo Yên Tử, lên 1 ngày xuống 1 ngày. Trên đỉnh là quê của "tắc kè" đấy...
6.25.272
Thấy hoa nhãn nở, nhớ câu thơ Chế Lan Viên:
"Tháng ba vườn nở hoa xoan
Sáng ra mặt đất lan tràn mùi hương
Vắng em anh chẳng ra vườn
Sợ mùi hương, sợ mùi hương nhắc mình... "


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui