Có thể không nói quá rằng: Thần tượng của Nguyễn Văn Thạc trước khi ra trận chính là nhà thơ trẻ Phạm Tiến Duật trên tuyến đường Trường Sơn. Thạc luôn mơ ước mình cũng sẽ làm được như thế và hơn thế! Nhưng giữa mơ ước và hiện thực luôn là một khoảng cách rất xa, mà không phải ai cũng có thể vượt qua!
Bởi thế, đã có những lúc thạc bi quan: "Kể ra, bây giờ giờ mà chết thì chật đáng tiếc. Những ngày còn bé, những lúc đi học chẳng bao giờ phải phiền toái đến chuyện đó cả, chỉ miên man với tương lai anh sẽ làm gì và sống ra sao. Nhưng bây giờ, những ý nghĩ đó mọc ra.
Khó gì đâu - cái chết - chỉ một viện đạn lạc hay một hơi bom. - Sự thật bi đát đó không trừ một ai cả” Thậm chí, đã có những giây phút, Thạc lâm vào trạng thái rời rã, chán nản và thất vọng đến cùng cực. Có một trang sổ tay Thạc viết bằng bút chì.Viết xong, anh liền gạch chéo và xóa đi. Đọc lại, ta có thể cảm nhận được tâm trạng rối bời, khổ đau đến tột độ của người viết:
"Phải hết sức trấn tĩnh, tôi mới không xé hoặc không đốt đi cuốn Nhật ký này. Trời ơi! Chưa bao giờ tôi chán nản và thất vọng như buổi sáng nay, như ngày hôm nay cả. Tôi không giải thích ra sao nữa. Người ta giải thích được cần phải trấn tĩnh mới hiểu lý do và lung tung. Còn tôi, rời rã tôi chán nản với hết thảy mọi điều, mọi thứ trên trái đất này. Phải, tôi hiểu rằng, với một người con trai đang khoẻ mạnh, đang sung sức đang ở giữa mùa xuân của đời mình thì buồn nản, thì chán đời là một điều xấu xa và không thể nào tưởng tượng được - Người đã chửi rủa biết bao lần những thanh niên như thế - Nhưng tôi biết làm sao khi chính bản thân tôi đang buồn nản đến tận cùng này. Tôi lê gót suốt con đường mòn - Con đường mòn như chính cuộc đời tôi đang mòn mỏi đi đây - Tôi ngồi bệt xuống bờ sông, con sông cạn đang rúc nước. Tôi vốc bùn và cát ở dưới lòng sông, và qua kẽ ngón tay tôi nó rớt xuống, rớt xuống. Tôi muốn khóc, khóc với dòng sông. Không, chẳng có ai có thể đem lại cho tôi được chút gì niềm an ủi hay vui sướng cả. Mọi người không hiểu được tôi, mọi người gắt gỏng với tôi. Trời ơi, giá lúc này tôi có chế chết ngay đi được. Có thể quên hết nỗi phiền muộn và sầu não ngập tràn cả hồn tôi thì sung sướng biết bao…”
Nhưng đó chính là suy nghĩ rất thật của một chàng trai sống thiên về nội tâm, luôn nhạy cảm. Xin đừng ai vội kết tội anh là hèn nhát, là xấu xa. Bởi anh cũng là một con người, với bao cảm xúc buồn vui và tình yêu không bao giờ vơi cạn. Điều quan trọng là anh đã biết vượt lên, đã tiếp tục chiến đấu cho tới hơi thở cuối cùng và hy sinh ngay tại mặt trận!
Xin hãy đọc kỹ đoạn cuối củng của cuốn sổ nêu trên, mới thấy hết được tâm trạng vừa hồi hộp, háo hức vừa trống trải và bí ẩn của người lính trẻ khi biết mình sắp bước vào cõi chết mà vẫn bình thản đến bi hùng:
"Và bây giờ, tạm biệt cuốn Nhật ký đầu tiên của đời lính. Không kịp xem lại một lần. Không kịp chữa những âm bằng âm trắc trong cấu trúc một câu văn vội vàng và bụi bặm...
Ngày mai, ngày kia... Phải để lại tất cả ở đằng sau. Tôi không thể để cho ai đọc những dòng suy nghĩ này. Trừ khi tôi không còn sống mà gìn giữ nữa...
...Kẻ thù không cho tôi ở lại. Phải đi. Tôi sẽ gửi về cuốn nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn nhật ký thân yêu của đời lính.
Ừ, nếu như tôi không trở lại, ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.
Một ngày cuối tháng 5-1972, Hà Tĩnh
Anh lính binh nhì”
Có thể coi những trang nhật ký “Chuyện đời” là một cuộc trải nghiệm thực tiễn vô cùng gian khổ, nhiều hy sinh, nhưng lại đầy mê say và hấp dẫn của một thanh niên trí thức Hà Nội, trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.
Trong nhật ký của mình, Nguyễn Văn Thạc đã nhiều lần nhắc đến những cái tên viết tắt: P., N.A, hoặc N. Anh... Tất cả đều chỉ chung một người: Phạm Thị Như Anh - cô bạn gái thân thiết nhất của anh. Đây là "nhân vật" xuất hiện nhiều nhất, được tác giả viết bằng một tình cảm đặc biệt và thường được coi như cái cớ, như nguồn cảm hứng bất tận để anh bộc bạch mọi buồn vui. (Trong cuốn sách này, chúng tôi giữ nguyên tắc: Tôn trọng tối đa văn bản chính.Từ cách diễn đạt và câu chữ thường dùng của người viết đến những từ ngữ địa phương, thậm chí cả cách viết tắt, thói quen dùng dấu gạch nối (-), hay gạch chéo (/), hoặc chấm (.) giữa các chữ số khi đề ngày tháng trong nhật ký,... đều cố gắng giữ nguyên. Riêng các chừ N.A, A., N.Anh, NA - được sự đồng ý của TS. Phạm Thị Như Anh và để thuận tiện cho bạn đọc tiếp cận cuốn sách, chúng tôi viết rõ thành Như Anh – Ghi chú của NXB)
Vậy Phạm Thị Như Anh là ai? Chị là con gái của luật sư nổi tiếng Phạm Thành Vinh (nguyên chủ tịch Hội Sinh viên Đông Dương, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng); cháu ngoại của cụ Hồ Đắc Điềm (nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban Hành chính Thủ đô Hà Nội, anh ruột của GS.TS Hồ Đắc Di).
Phạm Thị Như Anh kém Nguyễn Văn Thạc một tuổi, học sau một lớp cùng trường cấp III Yên Hòa B và cùng là học sinh giỏi Văn của Hà Nội. Họ quen nhau trong một buổi liên hoan họp mặt các học sinh giỏi Văn của Thủ đô vào tháng 4-1971. Đôi lần hẹn gặp tại phòng đọc của Thư viện Hà Nội. Hai người đều thích cuốn sách "Bàn về hạnh phúc thanh niên" của Nguy Nguy. Ngay trong trang đầu tiên của cuốn sách này, (hiện gia đình còn lưu giữ được), có bút tích của Thạc viết: "Bạn Phạm Như Anh, có nhớ ngày 30-4- 1971?”.
Đó là ngày họ gặp nhau, với kỷ niệm đẹp và lời hẹn ước không quên: Bốn năm sau sẽ trả lời chính xác câu "hạnh phúc là gì" Trong đêm chia tay trước ngày đi xa, (Thạc vào bộ đội, ra trận, còn Như Anh đi du học tại Liên Xô) hai người cùng đạp xe lên dạo tại Hồ Tây...Theo chị Như Anh nhớ lại thì trong khoảng 4 tháng trời quen biết, tổng cộng thời gian anh chị gặp nhau 5 lần, với khoảng 20 giờ đồng hồ. Nhưng chừng đó cũng đủ để hình bóng họ không bao giờ phai mờ trong nhau.
Trong thư và nhật ký, khi nhớ tới Như Anh, Thạc thường nhắc nhiều và ấn tượng nhất là chiếc áo màu xanh da trời chị hay mặc. (Trời xanh thì ai nhìn cũng thấy, ngỡ như rất gần mà không thể nào với tới được!). Thạc cũng có một chiếc áo màu xanh y như thế. Sau này, anh đã đề nghị chị Như Anh hãy cất giữ chiếc áo đó làm kỷ niệm, để nhớ mãi những ngày xa nhau...
Ngồi kể lại cho tôi nghe những kỷ niệm của hơn 30 năm về trước, chị Như Anh đã không cầm được nước mắt. Đó là những giọt lệ hiếm hoi của một người phụ nữ đã ngoài năm mươi, từng trải và cứng rắn. Hiện TS. Phạm Thị Như Anh đang cùng gia đình định cư tại nước ngoài. Là một doanh nhân thành đạt, chủ một công viên mang tên "Chín con rồng” nổi tiếng của người Việt Nam tại vùng Hannover của CHLB Đức, chị đã từng được báo Lao Động dành cả trang giới thiệu trong số Tết Nguyên Đán Ất Dậu, với bài "Hồn Việt giữa lòng châu âu”.
- Với tôi, những kỷ niệm về Nguyên Văn Thạc gắn liền với tuổi trẻ trong sáng, lãng mạn và quãng đời đẹp nhất của thời con gái - TS. Phạm Thị Như Anh tâm sự - Đã có cả một thế hệ thanh niên sinh viên Hà Nội, những người con ưu tú nhất của Thủ đô ngày ấy, từ trường đại học cầm súng bước thẳng ra mặt trận, nhiều người đã ngã xuống và không trở về.
Có lẽ bởi thế, TS. Phạm Thị Như Anh luôn coi gần một ngàn trang thư mà Nguyên Văn Thạc đã viết cho chị, cùng cuốn sổ ghi nhật ký bìa bọc ni-lông màu xanh da trời như những kỷ vật vô giá. Những trang giấy mỏng manh đã ố vàng vì thời gian ấy, càng trở nên thiêng liêng hơn kể từ sau ngày chị nhận được tin anh hy sinh tại chiến trường Quảng Trị...
Trong một trận đánh ác liệt bên Thành cổ Quảng Trị, chiến sĩ thông tin Nguyễn Văn Thạc đã bị trọng thương, mảnh pháo đã cắt ngang đùi trái. Sau này, một đồng đội của anh kể lại: Mặc dù đã được ga rô và băng bó, nhưng mất máu quá nhiều, nên sắc mặt Thạc tái dần đi. Tuy nhiên, anh lại rất tỉnh. Đồng đội vừa cấp cứu, vừa động viên Thạc. Nhưng anh nói: “Mình tỉnh thế này tức là sắp chết rồi… Chỉ tiếc là không còn chiến đấu được nữa... bao dự định còn dang dở”. Sau đó, Thạc tắt thở trong vòng tay của đồng đội. Như nhiều người lính ngã xuống ngoài chiến trường, thi hài của anh được đồng đội bọc trong một tấm tăng ni-lông và chôn cất ngay tại nơi hy sinh, gần mặt trận.
Khi còn sống, Thạc vốn là người con hiếu thảo chăm chỉ, nên được mọi người yêu quý và đã là niềm tự hào trông đợi của cả gia đình. Nhà đông anh em nhưng Thạc hay tâm sự với người anh cả là Nguyễn Văn Thục. Giữa họ, hình như không chỉ có tình thân thiết ruột thịt, mà còn như một đôi bạn tri kỷ. Thạc gửi gắm nhiều tâm tư vào người anh cả. Vì vậy, nhiều trang viết riêng tư và thư của bạn gái thân thiết phải để lại nhà khi ra trận, Thạc chỉ muốn riêng anh cả giữ và đọc, có gì cần thiết thì nói cho bố mẹ và gia đình biết.
Kể từ lá thư cuối cùng ghi ngày 21 -7- 1972, Thạc gửi về gia đình báo tin đã đi chiến trường, gia đình không nhận được tin tức gì của anh nữa nên rất bồn chồn, lo lắng và linh cảm có chuyện chẳng lành. Tháng 5- 1 973, khi gia đình chưa nhận được giấy báo tử, thì một đồng đội thân thiết của Thạc báo tin anh đã hy sinh.
Thư viết rất rõ: “Mộ của Thạc ở thôn Đầu Kênh, xã Triệu Long, quận Triệu Phong, Quảng Trị (tiếp giáp thôn Hà Mi, Phương Ngạn, gần lộ 4). Một được đặt ở thửa ruộng khá cao, cùng hai ngôi mộ khác, Thạc đặt đầu tiên".
Nhận được hung tin, cả gia đình Thạc buồn đau và thương tiếc. Đặc biệt là cha mẹ Thạc đã già yếu, lại càng đau ốm hơn. Vừa thương tiếc người em trai tình nghĩa, vừa xót thương cha mẹ buồn khổ, ông Nguyên Văn Thục đã quyết tâm đi tìm mộ em trai, để cha mẹ và gia đình được an lòng.
May mắn thay, cuối năm 1976, Công ty 16 - Bộ Giao thông Vận tải vừa hoàn thành việc thi công khôi phục đường Hiền Lương - Dốc Miếu, ông Thục với cương vị là Phó chủ nhiệm Công ty (như chức Phó giám đốc hiện nay) được giao nhiệm vụ chỉ đạo vận chuyển vật tư, thiết bị thi công ra Hà Nội. Nhân cơ hội này, ông báo cáo giám đốc giúp đỡ, kết hợp tìm mộ em trai.
Hồi đó, miền Nam vừa giải phóng, mộ liệt sĩ còn nằm rải rác khắp nơi, chưa được quy tập về nghĩa trang như bây giờ, nên việc tìm kiếm gặp không ít khó khăn. Nhưng được giám đốc Công ty 16 cũng như lãnh đạo và nhân dân địa phương giúp đỡ, ông Thục đã thực hiện được nguyện ước là đưa hài cốt người em trai về Hà Nội vào giáp Tết Đinh Tỵ (1977)...
Bây giờ, ngôi mộ của anh lính binh nhì Nguyễn Văn Thạc - người giỏi Văn nhất miền Bắc một thời, người đã có dự cảm về ngày 30-4- 1 975 trước gần 4 năm, tác giả của tập nhật ký mang tên “Mãi mãi tuổi hai mươi” mà bạn đọc có trên tay đang nằm trong nghĩa trang của huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Hà Nội, tháng 4-2005
Đ.V.H