Mai Nở Dưới Sao

Đang quan sát bầu trời trong xanh thì đột nhiên tay Sao chợt nhói đau. Em nhăn mày, ôm lấy cổ tay, dời mắt xuống, trên cổ tay em, nơi xuất hiện dấu ấn kì lạ kia tự lúc nào đã hiện lên thêm một hình tam giác nữa. Hình tam giác mới hiện diện ấy nằm bên trái hình tam giác cũ. Kích thước và hình dạng không có sự khác biệt so với tam giác đầu tiên."

- o-

Việc bọn trẻ lén trộm túi của em và quẳng nó xuống suối Sao không truy cứu. Tuy vậy, em không còn vui vẻ nữa, suốt cả buổi tiệc, em trở nên ủ dột và buồn rũ. Quan Lang mấy lần liếc nhìn Giao với ánh mắt tức giận vì tưởng chàng làm gì em. Giao lau mồ hôi trán, mỗi lần ánh mắt của Nùng Tậu lướt qua là chàng lại cảm thấy nắng nóng ập tới.

Tối đó khi hai người đã trở về nhà rồi, ngồi bên bếp lửa, Nùng Tậu liền hỏi rõ xem vì sao em buồn. Sao không trả lời chàng, em chỉ lắc lắc đầu rồi lại thắc mắc khi nào thì cuộc chinh phục Lì diễn ra. Nùng Tậu không vui với sự đánh trống lảng ấy nhưng cũng chẳng thể ép buộc em bộc bạch nỗi lòng. Em đã bảo chàng không được can dự vào quyền tự do dân chủ của em cơ mà? Nùng Tậu đành ôm một bụng nghi hoặc mà tiêu hóa dần.

Nùng Tậu nói ngày mai họ sẽ đi vào hồ Lì ngay, Sao rất hài lòng với quyết định này của chàng, em cũng muốn kết thúc việc đó càng nhanh càng tốt. Bàn bạc xong, Sao trở về phòng ngủ. Nùng Tậu khó chịu trông theo em, rốt cuộc phải đi đến vách phòng và lắng tai nghe xem em có động tĩnh gì bất thường hay không.

Khi mắt chàng lướt qua khe hở giữa những thanh tre đập giập, chàng thấy em đang ngồi ôm một tờ giấy và thẫn thờ. Khoảng cách quá xa cộng với không gian tối khiến Nùng Tậu không nhìn rõ được trên giấy ấy có gì. Dẫu vậy, chàng thầm đoán, hẳn lại là thư của người này người kia hay mấy bức tranh xấu tệ do con nhóc nguệch ra rồi. Có lẽ ai đó lại nói gì nó hoặc bạn bè nó có chuyện buồn? Hoặc là vẽ hỏng một bức tranh? Nó vẫn hay buồn vì mấy chuyện nhảm nhảm. Nùng Tậu không thèm quan tâm nữa, chàng cho qua, hờ hững quay về phòng ngủ.

Hôm sau, đoàn người tiến vào hồ Lì. Lúc họ đi đến bìa rừng, già làng cùng rất đông dân làng đã xuất hiện ngăn cản họ. Mọi người thậm chí đã chuẩn bị cả gậy gộc, xem chừng rất quyết tâm. Nùng Tậu đẩy già làng ra, nói một cách lạnh lùng - Đừng cản trở nhiệm vụ của ta nữa.

Già làng dù không muốn cho họ đi dễ dàng như vậy nhưng không thể phản bác được điều gì trước Nùng Tậu. Chàng nói đúng, tiêu diệt Lì chính là nhiệm vụ mà Cổ Loa phó thác cho chàng, là trọng trách, là việc làm có ý nghĩa đối với Thần giới. Hơn nữa, Lì mà bị tiêu diệt thì đối với buôn làng chỉ có lợi, già làng không thể cản ngăn.

Bất đắc dĩ, già làng đành hòa hoãn mọi người lại, bảo rằng cứ chờ họ thử xem sao. Thế là mọi người vây kín bìa rừng, trông theo vũ đoàn cứ từng bước, từng bước tiến vào hồ Lì đầy mưa độc. Nùng Tậu dẫn họ đi trên con đường mà chàng và em đã dọn bẫy trước đó. Khi họ ra đến hồ, trên con đường dẫn đến giường tre, mưa không hề rơi. Giường tre được kết nối với bờ hồ bằng một tấm ván dài, mỏng mảnh. Khi bước chân lên đó, tấm ván dao động lên xuống tạo nên thứ cảm giác mà người trần vẫn gọi là "cảm giác mạnh". Mọi người phải vác nhạc cụ, lại còn có người tàn tật nên việc đi trên tấm ván đó là bất khả thi. Nùng Tậu đành bế từng người ra giường tre, với một lần nhún chân, chàng có thể nhảy qua khoảng cách rất lớn.

Sao và Chrau Lun Giao thì không cần Nùng Tậu bế, hai người tự đi ra giường tre bằng tấm ván thiếu an toàn ấy. Giao vốn là một vũ công nên bước chân khéo léo nhẹ nhàng, tấm ván đó không là vấn đề. Riêng Sao, thuở còn ở hồng trần, em cũng đi cầu tre quen rồi nên cũng chẳng khó chịu với chiếc cầu ván này.

Mọi người bày nhạc cụ ra giường và bố trí đội hình. Dù gọi là giường tre nhưng diện tích khá lớn, tương đương với một sân khấu nhỏ. Nùng Tậu cũng tham gia vào việc múa hát này với vai trò đánh chiêng. Giờ thì Sao đã vỡ lẽ ra lí do khiến chàng ta cứ đi theo em đến chỗ học múa và còn vào nhà thầy cùng các nhạc sư. Nùng Tậu đã học đánh chiêng cùng với họ.

Việc học chiêng đối với Nùng Tậu không quá khó khăn. Chàng là người Lạc Việt, vốn chơi thuần phục trống đồng và các loại nhạc cụ dân tộc. Chàng chỉ học để nắm bắt âm điệu của người Chơ Ro thôi. Để gõ chiêng được hài hòa, phù hợp với tiết tấu bài múa dân gian của họ thì phải bỏ thời gian làm quen, nghiên cứu và ghi nhớ.

Nùng Tậu và sáu nhạc công nữ đánh chiêng. Thầy cùng ba nhạc công nam khác chơi đàn Gong Clog. Đàn Gong Clog là một loại đàn làm bằng tre, trông nó như một cái lồng lớn, xung quanh bố trí những thanh tre dọc, thanh tre ngang. Một cây đàn như vậy cần bốn người đứng bên trong để tạo âm điệu. Khi chơi, người ta dùng dùi gõ lên những ống tre.

Chrau Lun Giao bố trí các vũ công. Khi chàng ta sẵn sàng, âm nhạc bắt đầu vang lên và các thân hình mềm mại chuyển động. Điệu múa của người Chơ Ro là những động tác cách điệu từ công việc lao động hằng ngày của họ. Nó vừa gần gũi thân thuộc vừa tinh tế độc đáo. Từng động tác đan vào nhau đều đặn nhịp nhàng. Khi thì mềm mại uyển chuyển những dáng điệu thiếu nữ, khi hùng hồn, mạnh mẽ bước chân thiếu niên. Ngay cả cách họ sử dụng những vũ cụ như gậy hay gùi cũng rất độc đáo, họ vận dụng chúng vào bài múa như hơi thở vậy. Sự kết hợp nhuần nhị giữa các bước chân, các động tác tay, các vũ cụ và âm nhạc khiến cho điệu múa xuất thần và cuốn hút. Tiếng chiêng, tiếng đàn âm vang khắp khu rừng, vọng vào lòng người những giai điệu tuyệt mỹ.

Vũ đạo và âm nhạc khuấy đảo mặt hồ, khiến không gian tĩnh lặng của Lì bị phá hỏng. Nó bị gọi dậy từ giấc ngủ dài mơ màng, cái đầu đầy vảy nhô lên khỏi mặt nước một chút, đôi mắt dữ tợn lẳng lặng xem xét những kẻ trên giường tre.

Nó chìm xuống, uyển chuyển đung đưa cơ thể, bơi lại gần giường. Khi đạt đến khoảng cách thích hợp, nó lại nổi lên, cẩn trọng theo dõi.

Màn biểu diễn kia khá hợp tâm tình của nó, chủ yếu là do âm nhạc ấy đã tạo ra trong không trung những đợt sóng âm đẹp đẽ. Lì bắt được làn sóng âm ấy, nó bị say một chút, vì vậy cứ đứng yên ở đó mà không hành động, những cơn sóng âm thanh khiến cho thuật pháp của nó dịu dịu đi.

Cơn mưa trên cao bớt nặng hạt, chúng chỉ còn điểm lên mặt hồ những vòng tròn nho nhỏ. Mưa đã trở nên lâm râm rồi, những hạt bé xíu và trong trẻo, không còn hung hãn như trước.

Thầy thấy mưa có dấu hiệu sắp ngưng, ông ấy mừng lắm, lòng vỡ òa ra. Thế đấy! Ông đã bảo mà! Vũ điệu của ông, âm nhạc của ông thật sự lay động! Ngay cả cá sấu Lì cũng phải lắng tai nghe, ngồi yên xem. Bao nhiêu năm theo đuổi miệt mài, kiên trì bền bỉ của ông đã được đền hoàn xứng đáng! Chinh phục được Lì chính là sự vinh danh kiêu hãnh nhất! Còn hơn cả việc được người khác trọng vọng, hơn cả việc được xưng là vũ công số một buôn làng!

Đối với một người nghệ sĩ thì niềm kiêu hãnh lớn nhất chỉ là vượt qua được chính mình thôi, chỉ là tạo ra được một thứ nghệ thuật có thể khiến mình hài lòng thỏa mãn.

Giữa lúc thầy vui sướng tự hào thì Nùng Tậu đã âm thầm rút rìu ra và phóng về phía Lì. Lưỡi rìu chuẩn xác cắm vào giữa trán nó, khiến con vật đau đớn gầm lên, lồng lộn nhảy bật khỏi mặt nước.

Cơn mưa tắt phụt, không còn rơi nữa. Nùng Tậu và Sao nhìn nhau, trao đổi một ánh mắt hài lòng. Ngay từ ban đầu, em và chàng đã không tin vào truyền thuyết ấy rồi. Thật ra chẳng có vũ điệu nào có thể khiến Lì say sưa cả. Chỉ có những làn sóng âm tạo ra từ nhạc cụ và vũ điệu Chơ Ro khiến cho nó tạm thời rơi vào trạng thái say mà thôi. Khi nó bị say, cần ra tay nhanh gọn, tấn công vào giữa trán nó. Trán là phần yếu nhất của những con sấu nhỏ này, đó là nơi tập trung sức mạnh của chúng nên khi tấn công vào đó, những thuật pháp đặc biệt của chúng sẽ bị vô hiệu.

Sao nhanh chóng sơ tán mọi người đi, Chrau Lun Giao và những đứa trẻ thì lấy vội một chum nước hồ rồi cùng với mọi người di chuyển ra ngoài. Việc còn lại ở hồ Lì là của em và Quan Lang. Khi đã dừng được cơn mưa than khóc thì chuyện đối phó Lì chỉ là chuyện nhỏ nhặt thôi.

Sao đứng trên giường tre, Lì hung tợn lao đến, táp vào người em. Sao bấy giờ đã vận dụng sức mạnh của mình vô cùng thuần phục, tơ tinh tú trói nghiến lấy mõm nó, khiến con vật mất đà, rơi ầm xuống nước mà chẳng kịp làm gì.

Lì vùng vẫy loạn xạ khiến hồ nước trở nên hỗn loạn đầy bọt trắng. Nùng Tậu đứng bên cạnh em, quan sát nó, nó trốn dưới nước để chàng và em không tóm được nó đây mà. Sao hướng tay về phía hồ nước, lập tức dưới mặt hồ lóa lên vô số điểm sáng. Đó là những ánh sao mà em gọi ra, ánh sao bố trí dày đặt dưới lòng hồ, tiếp cận với mắt Lì và sáng lóe lên, làm cho nó hoảng sợ.

Lì lao bắn khỏi mặt nước, thân hình đồ sộ kéo theo vô số khối nước vỡ tung trên không. Nùng Tậu nhếch môi, từ giường tre phi đến, đạp lên đầu nó và rút rìu. Sao dùng dây tơ tinh tú trói chặt nó lại, con vật vẫn vùng vẫy loạn xạ. Em gọi ra một kén tơ dạng nhỏ, chỉ vừa đủ kích thước của con vật và không có ánh sáng hung đốt để nhốt nó chặt hơn. Khi em đã phong tỏa được chuyển động của Lì, Nùng Tậu từ trên cao xoay rìu liên tục rồi giáng lưỡi rìu vào trán nó. Lì trợn trắng mắt, mõm bị buộc chặt khiến nó không thể gầm được, chỉ còn cách giãy giụa kịch liệt như đuôi thằn lằn bị đứt.

Hạ được đòn chí mạng lên nó, Sao cũng không trói nó nữa. Em thu hồi tất cả sức mạnh lại, những sợi tơ bám trên cơ thể nó dần rút đi.

Lì chìm vào mặt nước, máu loang ra đỏ chóe, nhuộm đỏ hồ. Nùng Tậu tước lấy mảnh vảy trên bụng nó rồi nhảy lên bờ. Sao và chàng đứng yên nhìn hồ Lì đùn lên. Nước hồ cuộn xoáy, thu thân hình to lớn của Lì lại, dìm sâu xuống. Mặt hồ dần đông cứng, bề mặt trơn mềm như sáp, hiện rõ dáng vẻ của Lì bên dưới.

Nùng Tậu đung đưa mảnh vảy giữa ngón cái và ngón trỏ, cười nhếch nhìn sang em. Nụ cười vừa ý và cao ngạo. Sao trông mảnh vảy trên tay chàng, đó là mảnh vảy có màu tím, hệt như mảnh vảy mà họ đã lấy từ Chớn. Nùng Tậu không chú ý đến mảnh vảy ấy nữa, chàng vùi tay vào phần tóc sau gáy và khẽ phẩy nó lên. Mái tóc xoăn nhẹ mềm mại vờn bay, những sợi tua rua rũ từ mũ lông chim cũng bị gió cuốn, đan vào lọn tóc. Những viên đá quý đính trên mũ lông chim phản chiếu tia nắng, lấp lánh lóe sáng, báo hiệu rằng mặt trời đã lên rồi. Từ nay, hồ Lì không còn mưa nữa.

Đang quan sát bầu trời trong xanh thì đột nhiên tay Sao chợt nhói đau. Em nhăn mày, ôm lấy cổ tay, dời mắt xuống, trên cổ tay em, nơi xuất hiện dấu ấn kì lạ kia tự lúc nào đã hiện lên thêm một hình tam giác nữa. Hình tam giác mới hiện diện ấy nằm bên trái hình tam giác cũ. Kích thước và hình dạng không có sự khác biệt so với tam giác đầu tiên.

Khi trông thấy chúng đặt bên cạnh nhau, Sao chợt liên tưởng đến đôi tai của những chú thỏ mà em vẫn thường vẽ ra lúc còn nhỏ. Sao hoài nghi ôm lấy cổ tay, em mơ hồ nhận ra, dường như có một sự liên kết ngầm nào đó giữa những tam giác này và các con sấu.

Chuyện gì thế này? Tại sao lại trùng hợp như vậy?

Sao suy tư cúi đầu, dù em rất khó hiểu về nguồn gốc của dấu ấn nhưng lại chẳng còn biết hỏi ai nữa. Những người mà em có thể hỏi, em đều đã hỏi qua cả rồi.

Xem ra, em chỉ còn cách chờ đợi thôi.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui