Kẻ nọ không hề nương tay, bịt miệng tôi lại bằng một miếng vải dày, thắt nút chặt tới nỗi tôi có cảm giác máu trong người sắp dồn ứ lại một chỗ.
Giãy giụa vài ba lần nhưng chẳng có kết quả, tôi đành buông xuôi, mặc kệ bản thân xóc nảy trên vai gã.
Được vài bước, tên đàn ông phía bên trái khẽ khàng lên tiếng: "Bẩm ông... có cần con bịt mắt nó lại không ạ?"
Kẻ đứng đầu còn chưa đáp, gã bên phải đã thở phì phò: "Mất công thế làm gì, đằng nào nó cũng chết mà."
Tôi: ...
Này này, đừng có thẳng thắn thế được không? Ít ra cũng phải để người ta hồi hộp lo sợ thêm một lúc chứ... Chưa gì đã phán luôn kết cục, sợ con này tự tin quá hả?
Chỉ vài câu qua lại, ba gã đàn ông không nói thêm gì nữa mà chuyển sang trạng thái im lặng, tới bước chân cũng khẽ khàng vô cùng.
Trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du có câu: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Còn tôi thì:
Người bị bắt cóc đằng đây
Cảnh thêm rợn gáy, sợ lây lòng người.
Nhiều khi, đến tôi cũng nghi ngờ đầu óc mình có vấn đề vì thường nảy sinh những suy nghĩ kỳ quặc trong tình huống cần sự nghiêm túc. Vừa run rẩy sợ hãi, vừa âm thầm làm thơ con cóc miêu tả bản thân, tìm kiếm niềm vui trong nghịch cảnh?
Tính theo múi giờ của thế kỷ hai mươi mốt thì lúc này vẫn còn rất sớm nhưng người Đại Việt của bảy trăm năm về trước thì đã thổi tắt đèn, lên giường đắp chăn mà say giấc nồng từ lâu. Bởi vậy mà ba gã đàn ông kia có thể nghênh ngang khiêng tôi giữa đường, chân đi thoăn thoắt, nhanh nhẹn rẽ trái quẹo phải mà không gặp phải chướng ngại gì.
Trăng đêm khi tỏ khi mờ, xung quanh tối tăm vắng lặng, tới tiếng côn trùng rả rích cũng chẳng có. Không rõ từ lúc tôi bị bắt cóc cho đến khi Đông Ly ra ngoài là bao lâu, liệu con bé có khả năng lần theo dấu vết đuổi theo tôi được không?
Sau chừng hai khắc đồng hồ bị vác trên vai, "tận hưởng" đủ cảm giác xóc nảy tưng bừng thì hình như tôi đã đến địa điểm bí mật. Cửa gỗ cót két mở ra đóng vào, đi thêm chừng chín - mười bước chân thì ba gã đàn ông lần lượt leo cầu thang sâu xuống dưới.
Ồ, hầm trú ẩn? Mật thất? Địa đạo?
Dưới này tối như hũ nút, từ đầu tôi đã không có chút khả năng suy đoán nào, giờ lại càng mù tịt. Dường như chuyến đi còn chưa kết thúc, tôi vẫn được giữ nguyên tư thế chúi đầu còn mấy gã đàn ông đứng yên một chỗ, chờ đợi thứ gì đó.
Phía trước phát ra âm thanh trầm thấp, tôi lập tức tập trung, dỏng tai nghe ngóng. Đây là tiếng gạch ma sát! Vậy có nghĩa là dưới căn hầm này còn có một cánh cửa bí mật, đại khái phải di chuyển vị trí những viên gạch thì mới mở ra được?
Sao bắt một con nhãi thôi mà ra vẻ quá à!
Vòng vèo thêm một lúc lâu, cuối cùng tôi cũng được đặt chân xuống nền đất. Đèn thắp sáng, chỉ còn duy nhất một gã bắt cóc ở lại, chậm rãi giúp tôi tháo vải bịt miệng.
Căn phòng này khép kín hoàn toàn, chỉ có duy nhất một cánh cửa ra vào ở sau lưng gã đàn ông. Không cửa sổ, không đồ đạc, trống rỗng.
Gã híp mắt nhìn tôi, tò mò cất tiếng: "Không hỏi gì à?"
Tôi nhíu mày: "... Không."
Kẻ kia liền tỏ ra ngạc nhiên: "Cô không tò mò đây là đâu, vì sao cô bị bắt hả?"
Nghe cách gã gọi tôi, có thể đoán được kẻ này suy nghĩ khá đơn giản, thậm chí còn có phần ngây thơ. Có thể do gã quan sát thấy được tôi mặc đồ đắt tiền, hoặc đoán chừng tôi là khách của Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn (vì tôi đứng ngoài phủ Minh Lương) nên tỏ ra khá tôn trọng.
"Tôi hỏi thì anh sẽ trả lời à?" Tôi chớp chớp mắt.
"... Không." Gã ảo não đáp.
"Vậy có thể phiền anh mang cho tôi cái chiếu cái chăn gì được không? Trời lạnh thế này..." Cẩn thận đề nghị, tôi biết rõ mình sẽ phải qua đêm trong căn phòng trống huơ trống hoác này, lo chết rét thì ít mà sợ bản thân phải ngủ đất thì nhiều.
Tên đàn ông chưa đáp lại ngay, con ngươi di chuyển lên xuống, có thể là đang nhớ lại lời căn dặn của cấp trên. Mất một lúc gã mới trả lời: "Chắc là không được đâu."
Dứt lời, như thể sợ tôi sẽ kì kèo năn nỉ nên gã ta lập tức lùi lại, nhanh chóng biến mất sau cánh cửa xù xì.
Ngọn đèn leo lét được đặt ở góc phòng, tuy yếu ớt nhưng lại là nguồn sáng duy nhất giúp tôi bình tĩnh đối mặt với tình trạng hiện tại.
Tôi cởi chiếc áo điêu cừu dày dặn ra, rải xuống đất rồi ngồi lên, hai chân thu lại xếp bằng. Lưng thẳng, mắt hướng về phía trước, tôi chậm rãi hít sâu, thở đều.
Vậy ra tôi không phải là nạn nhân duy nhất...
Với phản ứng của tên đã vác tôi khi nãy, nhất định trước đây (và có thể là cả hiện tại) đã có không ít người bị bắt nhốt tại đây. Chỉ là... có lẽ do tôi đã có kinh nghiệm bị bắt cóc, lại nhất thời không biết nên nói gì nên mới bày ra bộ dạng bình tĩnh bất thường, khiến gã ngạc nhiên.
Ngoài ra, khả năng cao tôi còn chẳng phải là mục tiêu thật sự của đám người này. Chúng vô tình gặp tôi tại phủ Minh Lương, chắc chắn là vì hiểu lầm gì đó nên mới ra tay bắt người.
Dựa vào quãng đường đi khi nãy, nơi này chắc chắn là một khu địa đạo ngầm. Chưa nói đến lối vào ngoằn ngoèo khúc khuỷu, phải dùng mật mã mới đi qua được lớp lớp tường dày, với bộ não ít nếp nhăn của tôi thì tới kiếp sau cũng đừng hòng thoát ra nổi.
Nghĩ đến đây, tôi chán nản gục đầu xuống, hai tay vòng lên ôm lấy mặt. Vượt thời gian trở về triều Trần đã năm, sáu năm, trải qua vô số chuyện không may, đây là lần đầu tiên tôi bị cảm giác bất lực xâm chiếm.
Cố gắng cứng cỏi đến lúc này, thật không biết sắp tới giới hạn hay chưa...
Tôi đăm đăm nhìn cây đèn dầu đang yếu dần, đoán chừng chỉ chưa tới một khắc đồng hồ nữa là nó sẽ tắt ngúm, nhấn chìm tôi trong tăm tối vô tận.
Nỗi bất an càng đè nặng lên lồng ngực.
Khác với vụ án Tống Chí Khiêm khi xưa, trong tay tôi hoàn toàn không có lấy một manh mối - dù là nhỏ nhất - để có thể bám víu. Tôi đã như vậy, người ở ngoài biết làm sao để tìm kiếm?
Trăm tính vạn suy đều rơi vào ngõ cụt, khi ánh đèn nhỏ vừa lụi tàn, tôi vươn tay dàn đều chiếc áo điêu cừu ra rồi xoay người, co ro nằm xuống.
Mới khi nãy còn cụng ly với Trần Quốc Chẩn, nhấp cái vị cay nồng của rượu xương bồ, mỗi người một câu, trò chuyện đến là vui. Hiện giờ, một thân một mình tại nơi này, biết rõ cái chết đang chờ mình ở phía trước...
Đúng là không khác nào địa ngục.
Tôi hít vào một hơi lạnh buốt, cũng đến lúc không thể an ủi bản thân được nữa rồi.
...
Vì có chút men trong người nên tôi chỉ trằn trọc chừng nửa canh giờ, sau cùng vẫn chợp mắt được đôi chút, chỉ có điều không sâu giấc cho lắm.
Tôi tỉnh dậy ngay trước khi có người mở cửa bước vào, cũng may là kịp choàng lại áo, không để bản thân lôi thôi lếch thếch trước mặt người khác. Nghĩ tích cực một chút thì cần phải chuẩn bị sẵn sàng, đề phòng bị chém chết lúc nào không hay.
Tiếng sột soạt vang lên, lần này có những hai ngọn đèn được thắp. Dường như vẫn là kẻ đưa tôi đến đây đêm qua, giờ nhìn rõ hơn diện mạo mới hay chỉ là một tên nhãi chừng trên dưới hai mươi tuổi.
Hai tay hắn bưng cái khay nhỏ, trên đặt một bát cơm với vài miếng thịt, thêm đĩa rau luộc, cũng gọi là đầy đủ dinh dưỡng.
"Giờ nào rồi nhỉ?" Tôi vu vơ hỏi.
Người kia đáp ngay: "Vừa qua giờ Tỵ."
Tôi: ...
Tưởng thế nào, hoá ra vẫn ngủ tới chín, mười giờ sáng. Mình vẫn còn vô tư lắm!
Tôi từ tốn đứng lên, đầu hơi cúi, hạ thấp giọng: "Có thể cho tôi xin một chậu nước được không? Dù sao cũng mới ngủ dậy, cần phải rửa mặt chải đầu..."
Vừa rồi có thể thấy rõ kẻ kia không hề đề phòng tôi, nếu tỏ ra chân thành thì chắc cũng không bị từ chối.
Con người tôi ấy à, khi cần sẽ giống đoá hoa hướng dương, nương mình theo nguồn sáng. Bởi vậy, biết chắc không có cách nào tẩu thoát, chi bằng luôn giữ bản thân ở trạng thái tốt nhất. Chết một cách xinh đẹp tuyệt vời, đến khi Trần Thuyên hay Đoàn Nhữ Hài tìm được xác tôi cũng không quá đau lòng.
"Cái này thì..." Kẻ kia lộ vẻ do dự.
Tôi cụp mi, cố gắng tỏ ra rụt rè: "Phiền anh giúp cho... Cũng không nên để bề trên trông thấy tôi áo quần nhếch nhác như thế này chứ?"
Không mất công nhún nhường xin xỏ quá lâu, người nọ bị tôi thuyết phục thành công, thậm chí còn vui vẻ khen tôi may mắn vì hắn vừa mới đun nước pha trà, tôi không phải rửa mặt bằng nước lạnh.
Trong lúc hắn khệ nệ bê chậu nước vào phòng, tôi đưa đẩy vài câu, biết được hắn tên là Năng, năm nay quả thực mới chỉ mười tám. Năng còn quá trẻ, suy nghĩ chưa được sâu, chỉ biết chăm chăm làm theo lời dặn của chủ nhân. Tức là nếu phải đưa ra quyết định về chuyện gì đó mà mình chưa từng gặp phải, hắn chắc chắn sẽ làm theo bản năng.
Ví dụ dễ thấy nhất là việc Năng có thể thoải mái kể cho tôi nghe về cuộc sống riêng tư nhưng chỉ cần tôi tìm cách đá sang khu địa đạo này, những nạn nhân khác, hoặc hỏi dò về gã chủ nhân đã ra lệnh bắt giam tôi thì Năng sẽ tỏ ra lạnh lùng, ngậm chặt cái miệng lại.
Tôi tính toán rồi, tâm địa của tên nhãi này không xấu chút nào. Nếu tôi rơi vào tình huống sinh tử, nhất định sẽ tìm cách khơi dậy lòng trắc ẩn của hắn. Còn lại, có thoát chết hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Sống thì tốt, mà ra đi luôn cũng không thẹn với lòng, dù sao mình cũng cố hết sức rồi.
Vừa nhai miếng cơm khô khốc, tôi vừa bận rộn nghĩ suy.
Nếu tôi chết thật thì sao?
Liệu tôi có xuất hồn rồi trở về với Nguyễn Từ Niệm Tâm ở thế kỷ hai mươi mốt không? Hay là một phát đăng xuất khỏi trần thế luôn nhỉ?
Và điều quan trọng hơn... Trần Thuyên phải đối mặt như thế nào với cái chết của tôi? Đoàn Nhữ Hài và nhà họ Đoàn, cả Đông Ly, Đỗ Chi,... họ sẽ ra sao?
Chết thì dễ dàng. Khó khăn để lại cho những người còn sống.
Tôi dán lưng vào tường, hai ngọn đèn nhỏ nhảy múa trước mắt.
Năng chỉ nán lại một lát, tôi lại ngồi yên trong căn phòng trống trải. Không rõ bên ngoài chẳng có ai hay nơi này cách âm tốt, yên ắng tới mức tôi còn nghe rõ tiếng tim mình đập trong lồng ngực.
Cực hình, đây nhất định là cực hình.
Khi xưa nghe chuyện Hồ Yên bị Trần Thuyên trừng phạt bằng cách tự giam mình trong phòng kín ba ngày ba đêm, tuy tôi biết nó rất đáng sợ, nhưng giờ tự mình trải qua mới biết chính là một kiểu địa ngục trần gian.
Đầu óc có tỉnh táo tới đâu, tinh thần đanh thép đến mức nào thì cũng chẳng thể chịu nổi nơi ngục tù tuyền một màu xám xịt lạnh lẽo, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài.
Nếu không phải vì nơi này thoang thoảng một thứ mùi ẩm mốc bụi bặm thì tôi còn tưởng mình chết rồi ấy chứ.
Lại thêm đợi chờ, chờ đợi. Tựa như thời gian chỉ chảy ở thế giới bên ngoài, còn lại trong căn phòng này, tất cả đều ngưng đọng.
Tâm trí bị giày vò từng chút, từng chút một. Đến không khí cũng mọc toàn gai nhọn, mỗi lần hít vào chỉ thấy toàn thân buốt lạnh.
Mãi lâu sau, cánh cửa duy nhất trong phòng chầm chậm kéo ra, một đôi giày da thượng hạng bước vào.
"Ở đây thoải mái chứ?" Tôi nghe chất giọng hơi ngai ngái, không thiếu phần châm chọc mỉa mai.
Chẳng vội đáp lời, tôi từ tốn đứng dậy, trước phủi bụi dưới chân, sau mới chắp tay cong người: "Tạ ơn Thái An vương quan tâm, dân nữ rất ổn thoả."
...
Sau cuộc trò chuyện kỳ quặc gần nửa canh giờ với Thái An vương Trần Thừa Ân, gã ta lại biến mất. Tóm gọn lại một câu: 100% Trần Thừa Ân sẽ không thả tôi đi. Từ đó tôi lại càng khẳng định mình nắm chắc cái chết trong tay rồi.
Tôi được Năng chỉ cho chỗ đi vệ sinh, mới biết bên ngoài là một dãy hành lang dài với chi chít những ô cửa. Nếu mỗi phòng có một người bị giam giữ giống như tôi thì quả thực không thể đếm nổi số lượng nạn nhân bị bắt cóc.
Xâu chuỗi lại một số chi tiết, đến lúc này tôi mới liên tưởng tới cái chết của một vài gia nô mà mình từng nghe Đông Ly kể.
Liệu vụ án này với chuyện trên có quan hệ gì với nhau không nhỉ?
Như tôi đã suy đoán, trước tôi, chắc chắn đám người của Thái An vương - tức là trong đó có Năng - đã bắt giữ không ít người. Điểm đặc biệt ở đây là tới chín phần mười, thân phận của họ không giống với tôi, mà nói thẳng ra là thấp kém hơn vài phần.
Tại sao tôi lại nghĩ như vậy à?
Thứ nhất, thái độ của Năng dành cho tôi có hai kiểu rất rõ ràng: Ngạc nhiên và tôn trọng. Ngạc nhiên, vì tôi xử sự khác với những nạn nhân còn lại, không la hét kêu than, không hỏi những câu vô nghĩa kiểu "đây là đâu", "các người là ai", "các người muốn làm gì"... Còn tôn trọng, đương nhiên hắn biết tôi không phải là đầy tớ nô bộc giống mình.
Còn thứ hai, quá nhiều người mất tích sẽ gây chú ý. Đông Ly là tai mắt của tôi, con bé nắm trong lòng bàn tay mấy vụ án lớn nhỏ của phủ Kiểm pháp, chắc chắn sẽ không bỏ qua chuyện này. Vậy nên, chỉ có thể là vì nạn nhân đều là những kẻ thấp hèn, không thân không thích, chẳng ai rảnh rỗi quan tâm để báo án cả. Và thậm chí... việc họ biến mất còn là do chính chủ nhân của họ ta tay nữa!
Mải suy nghĩ, tôi không để ý Năng đang cầm một dải băng dài, ngập ngừng đưa về phía tôi.
Tôi thở dài: "Bịt mắt phiền lắm, tôi sẽ phải dò dẫm từng bước, vô cùng chậm chạp ấy. Đằng nào tôi cũng không thoát nổi nơi này đâu, kệ đi mà."
Năng nhíu mày ngẫm nghĩ, xem chừng cũng thấy có lý nên vứt dải băng xuống đất, một tay giơ về phía trước làm động tác mời.
Đúng là tôi định tranh thủ quan sát lối qua lại, âm thầm ghi nhớ, lỡ đâu lại có cơ hội chạy trốn. Chỉ có điều, sau khi bước đi theo chỉ dẫn của Năng thì tôi mới càng cảm thấy bất an.
Địa đạo này không phức tạp như mê cung nhưng cũng lắm ngã rẽ, phần trăm tôi thành công tìm được lối ra gần như bằng không.
Lẽ nào cuộc đời của Đoàn Niệm Tâm - Nguyễn Từ Niệm Tâm tới đây là chấm dứt rồi? Tôi tuyệt vọng, thầm cảm thán trời xanh cho thân phận bèo trôi sóng vỗ của bản thân. Chỉ nghe văng vẳng đâu đây tiếng Ông Trời mắng mỏ: "Được xuyên thời gian về nhà Trần mà không giúp được gì cho đất nước. Đúng là đồ vô tích sự, chết đi còn hơn!"
Phía trước xuất hiện một ô cửa lớn, Năng bước dài chân hơn, vượt lên rồi duỗi tay đẩy cửa, ánh sáng bên trong lập tức ùa tới khiến hai mắt tôi nhức nhối khó chịu.
Vốn đã quen với sự tối tăm, chật hẹp của quãng đường đi vừa rồi, với hàng đuốc cháy hừng hực nhưng chẳng giúp ích được bao nhiêu, giờ đây tôi càng thêm choáng ngợp với căn phòng sáng rực, rộng rãi thênh thang.
Đánh mắt thật nhanh quan sát, đại khái nơi này hình tròn, có hai cửa - một là nơi tôi vừa bước vào, một ở phía đối diện, không rõ dẫn tới đâu.
Chừng trên dưới mười bộ bàn ghế được xếp thành vòng tròn lớn, cách nhau chưa tới nửa mét. Điều quan trọng ở đây là... tất cả đều đã có người ngồi, chỉ chừa lại một vị trí.
Dành cho tôi.
Tôi là người đến cuối cùng.
Năng khẽ đẩy tôi một cái, tôi vô cùng biết điều, lập tức ngồi vào bàn trống cuối cùng. Trên mặt bàn được vẽ một chữ Cửu (九), hình như tượng trưng cho thứ tự.
Tuổi tác của những người đang ngồi theo vòng tròn khá đa dạng, có người đàn ông hơn năm mươi, cậu nhóc mới mười ba, mười bốn tuổi, cũng có thiếu nữ tầm mười bảy mười tám. Sau lưng mỗi người đều có một thanh niên mặt mày hầm hố dữ tợn, tay chắp sau lưng, thân mình thẳng tắp. Đương nhiên, Năng phụ trách phía sau tôi.
Tôi khẽ ngẩng đầu, hướng tầm nhìn về phía cánh cửa còn lại trong phòng. Thì ra trần nhà cao đến vậy vì phòng vốn có hai tầng, cửa sổ của tầng hai được đặt ngay trên cửa ra vào, rộng chừng vài thước.
Cánh cửa khép hờ, trông rõ rèm lụa bên trong bay phất phơ.
Bàn được xếp bên tay trái tôi được viết chữ Bát (八), là một em gái khoảng mười bảy tuổi, diện mạo toát ra vẻ hiền lành dễ mến. Em ấy liên tục cắn môi dưới, thi thoảng lại đưa tay lên chạm vào cổ mình, không giấu nổi vẻ bất an.
Phía bên phải - chữ Thập (十) cũng là một thiếu nữ, cằm nhọn, môi mỏng, bọng mắt lờ mờ vệt thâm đen. Cô ta giữ nguyên tư thế hơi cúi đầu, rất lâu mới chớp mắt một lần. Theo tôi đánh giá thì cô ta là một trong những người bình tĩnh nhất ở đây.
Cánh cửa ở góc phòng ì ạch mở ra, một người đàn ông khoác đối khâm màu tía xuất hiện. Gã ta đeo một cái mặt nạ màu trắng, ngoài việc được khoét ba cái lỗ cho đôi mắt và đường thở thì không có chi tiết gì đặc biệt.
Thái An vương... gã muốn bày trò gì thế?
Không để tôi phải chờ lâu, Thái An vương Trần Thừa Ân lách mình, chầm chậm bước vào trung tâm vòng tròn. Gã ta nghiêng đầu nhìn xung quanh một lát, hai tay xoa xoa rồi gật gù: "Đã đông đủ, chúng ta vào việc thôi."
"Hừm, phân nửa là người mới rồi, các vị không phiền nếu ta bớt chút thời gian để giải thích từ đầu chứ?" Trần Thừa Ân hắng giọng.
Các vị...? Khoan đã, gã ta... không hề nói với chúng tôi!
Tôi di chuyển tầm mắt, nhận ra cả người Trần Thừa Ân đang hướng người về phía cửa sổ lớn ở trên tầng hai. Trên đó...
Sau câu hỏi không rõ đối tượng của Thái An vương, cả căn phòng rơi vào trạng thái yên ắng kỳ dị. Từng mảnh thông tin tràn tới như nước lũ, trong đầu tôi như có sấm rền vang.
Nếu khớp với những gì Trần Quốc Chẩn từng nói thì đây chính là...
"Lần đầu ta làm Quản trò, có sai sót gì mong mọi người thông cảm nhé!" Trần Thừa Ân cười hì hì, ánh mắt dừng lại ở tôi.
Khốn kiếp, là Ma sói, Ma sói Đại Việt!
Gã ta lại nói: "Bây giờ chúng ta sẽ chơi một trò chơi nhé. Hôm nay... tên của nó sẽ là Truy tìm thích khách. Luật lệ đơn giản lắm, nghe và ghi nhớ này. Mười hai người ở đây được chia làm hai nhóm, bao gồm phe thích khách và những người phe cấm cung."
Tôi bỗng dự cảm thấy điều gì đó không ổn.
"Mỗi người sẽ được phát một thẻ bài, trên đó có ghi vai trò của từng cá nhân riêng biệt. Mọi người lưu ý, nghiêm cấm tiết lộ vai trò của mình, phải giữ kín tới cuối cùng đó nhé!" Trần Thừa Ân đứng ở trung tâm vòng tròn, dáng vẻ thư thái tột bậc. Gã từ từ đưa ngón trỏ tay phải lên miệng, làm thành động tác 'im lặng'. "Hoàng cung, hàng hàng dãy dãy sơn son thếp vàng, mái ngói lưu ly ánh lên màu nắng, vốn là nơi an toàn nhất tại Thăng Long này với sự bao bọc của... Hoàng đế."
Tôi thật sự tò mò, chỉ muốn giơ tay hỏi xem rốt cuộc có phải gã tự mình nghĩ ra đoạn dẫn dắt này không? Sến vừa thôi chứ!
"Thế rồi tới một ngày, giữa chốn cung cấm uy nghiêm xuất hiện hai tên thích khách khát máu. Ban ngày chúng ẩn nấp bằng cách trà trộn vào giữa đám cung nhân, đêm đến mới xuất đầu lộ diện, tìm cách tước đi sinh mạng của kẻ vô tội."
Hửm? Mười hai người nhưng chỉ có hai sói thôi à?
"Cuộc sống trong Hoàng cung ngày càng căng thẳng, mọi người tỏ ra nghi ngờ, sợ hãi lẫn nhau, bởi không một ai biết thân phận thật của đối phương là gì. Cuối cùng, Hoàng đế hạ lệnh cả cung cấm phải hợp lực điều tra, tìm ra chân tướng kẻ chủ mưu đứng phía sau. Dĩ nhiên, dưới quyền Hoàng đế không chỉ có cung nhân chân yếu tay mềm, mà còn là những vị tai to mặt lớn với năng lực đặc biệt, có thể trợ giúp việc điều tra thêm phần dễ dàng."
Sau một hồi thao thao bất tuyệt, Trần Thừa Ân dừng lại, đưa mắt quan sát toàn bộ mười hai người chúng tôi một lượt: "Chủ nhân của các người đã bốc thăm sẵn vai trò từ đầu buổi, một lát nữa sẽ phát tới tận tay. Trước đó, ta phải công bố năng lực của từng thân phận chứ nhỉ?"
Gã ta đã thay đổi giọng điệu, không còn tỏ ra lịch sự như ban đầu nữa.
Trần Thừa Ân rời khỏi vị trí trung tâm rồi đi về phía tôi, gã hơi cúi người, thì thầm: "Là ta bốc thăm cho cô đó, hãnh diện chứ?"
Hãnh diện con khỉ! Trong lòng tôi bừng lên lửa giận nhưng không dám thể hiện ra mặt, chỉ lặng lẽ bấu chặt móng vào lòng bàn tay.
Vì hành động mờ ám này của Trần Thừa Ân mà tôi nhận được không ít ánh mắt như dao găm của mấy người đối diện. Tiêu rồi, lỡ đâu họ tưởng tôi được quản trò đặc cách mà hợp tác "giết" tôi ngay từ vòng đầu tiên thì sao?
Thậm chí gã Thái An vương kia còn chưa tiết lộ cái đang chờ đón những người chơi bị loại là gì nữa. Thật đau tim đó nha.
Xua đi những suy nghĩ linh tinh trong đầu, tôi tập trung vào thông tin trò chơi mà Trần Thừa Ân đang "thuyết minh"
Vậy là mười hai người ở đây sẽ có:
I. Vai Hoàng đế: Một người.
Tương đương với hai phiếu bầu chọn khi biểu quyết. Đồng thời, nếu Hoàng đế bị giết thì tất cả chức năng của những vai trò đặc biệt sẽ biến mất.
Khi nghe giải thích về thân phận này, trong đầu tôi có ba suy nghĩ.
Thứ nhất, vậy là Hoàng đế giống vai trò Già làng trong Ma sói.
Thứ hai, thằng cha Trần Thừa Ân này quả là một kẻ không biết trời cao đất dày, còn dám đặt tên nhân vật là Hoàng đế! Tuy nhiên, gã đã dám tụ tập tổ chức một trò chơi theo dạng đánh bạc - trong khi luật pháp nhà Trần nghiêm cấm - thì hẳn là gã cũng chẳng coi trọng em trai Quan gia của gã lắm đâu.
Thứ ba, thân phận hoàng đế như trên đúng là có hơi vô dụng. Tôi còn tưởng vai trò này ít nhất phải có hai mạng, như thế mới là đấng cửu ngũ chí tôn chứ! Không biết đây có phải là cách mà Trần Thừa Ân muốn áp vào Trần Thuyên, rằng vua của Đại Việt chỉ sở hữu quyền hành nhưng không có chút năng lực nào?
Hừ, có mà gã mới là đồ óc tôm vô dụng ấy!
2, Vai Thị vệ: Một người.
Nhân vật này được quyết định bảo vệ một người bất kỳ vào mỗi đêm, bao gồm chính bản thân mình. Những ai đã được Thị vệ bao bọc, dù có bị thích khách sát hại thì cũng sẽ không bị loại.
Lưu ý: Thị vệ không được lựa chọn một người hai đêm liên tiếp.
Đây là vai Bảo vệ trong Ma sói.
3, Vai Thái y: Một người.
Nghe qua thì có thể thấy Thái y có chức năng tương tự với Phù thuỷ. Nhân vật này sở hữu hai đơn thuốc, một đơn có thể cứu sống người, đơn kia lại có thể giết người. Vào ban đêm, Quản trò sẽ nói cho Thái y biết ai là người bị thích khách giết và nhân vật này sẽ quyết định có cứu sống hay không; và đặc biệt nếu Thái y nghi ngờ người nào đó là thích khách thì có thể sắc thuốc để giết chết kẻ đó.
Sau khi sử dụng hết hai đơn thuốc, chức năng của Thái y sẽ bị "xóa sổ". Tuy nhiên, nhân vật này vẫn sẽ được gọi dậy và biết ai đã bị Thích khách giết.
4, Vai Kiểm pháp quan: Một người - tương đương với Tiên tri.
Đại khái, mỗi đêm khi được Quản trò gọi dậy, Kiểm pháp quan sẽ chỉ tay vào một người nào đó. Khi ấy, nếu Quản trò gật đầu thì có nghĩa người bị chỉ tay là Thích khách; còn khi Quản trò lắc đầu - là trường hợp còn lại.
Theo ý kiến cá nhân của tôi thì đây là nhân vật có quyền lực nhất!
5, Vai Cung nhân: Năm người - tương đương với Dân thường. Họ không có năng lực đặc biệt, chỉ cùng tham gia thảo luận và biểu quyết.
6, Vai Thích khách - Ma sói: Hai người.
Khá đơn giản, mỗi đêm tất cả Thích khách sẽ được gọi dậy và cùng thảo luận xem nên sát hại ai.
Và... số 7 - một kẻ đặc biệt với cái tên Gian tế. Người này thuộc phe Thích khách nhưng lại mang năng lực đặc biệt: Lần đầu tiên bị Kiểm pháp quan chỉ điểm thì Quản trò sẽ bác bỏ, từ đó có thể ẩn nấp dưới thân phận của phe Hoàng cung.
Tóm lại, cuộc chơi bắt đầu khi tất cả cùng đi ngủ để Thích khách ra tay giết người; sáng hôm sau tụ họp biểu quyết nên treo cổ kẻ đáng nghi nào. Kết thúc, phe Thích khách thắng nếu số Thích khách bằng với số lượng người còn lại; và phe Hoàng cung chiến thắng nếu tiêu diệt được tất cả Thích khách (và Gian tế).
Nói là tạm hiểu nhưng cần phải trực tiếp tham gia chơi mới "lĩnh hội" được tinh thần của Ma sói, đến khi cầm trên tay thẻ bài của riêng mình rồi mà phân nửa số người chơi vẫn tỏ ra đờ đẫn như đang đi giữa sương mù.
Tay run run nâng thẻ bài lên cao hơn, tôi dùng ngón cái chậm rãi miết từ trên xuống dưới, dần dần lộ ra hai chữ Thị vệ. Cố gắng giữ vẻ mặt bình tĩnh nhất có thể, tôi úp thẻ bài xuống mặt bàn, trong lòng khẽ reo lên vui mừng. Nhân vật này có thể tự bảo vệ bản thân, vậy là ổn!
Chậc, giả sử tôi của vài ba năm trước - khi mới "nhập" vào Đoàn Niệm Tâm và chưa hề học chữ - rơi vào tình huống ngày hôm nay thì sẽ ra sao? Phải gọi Thái An vương tới đọc thẻ bài hộ, không khéo gã còn đánh tôi một trận ấy chứ.
Tôi đánh mắt nhìn quanh quan sát biểu cảm từng người một, mong rằng có thể từ đó mà đoán được thân phận của họ. Nếu đúng như tôi suy nghĩ từ trước, ở đây đều là gia nô, đày tớ - có thân phận thấp hèn - thì đám Trần Thừa Ân cũng phải tuyển chọn kỹ lắm mới lọc ra được những người biết chữ đấy.
Vì không biết tên nên tôi tự cho phép bản thân gọi những người xung quanh theo số hiệu đánh trên mặt bàn.
Đầu tiên tôi nhìn sang Nhất - cậu bé ngồi tại chiếc bàn được đánh dấu (一), ngoại hình chỉ khoảng mười hai, mười ba tuổi. Cậu bé lộ rõ vẻ sung sướng, mất một lúc lâu mới thu lại nụ cười. Vậy là khả năng cậu nhóc này đã nhận được vai trò có năng lực đặc biệt.
Nhị là một bác gái ngoại tứ tuần, mặt tròn, dáng dấp hiền lành phúc hậu. Trên trán bác gái này lấm tấm mồ hôi, miệng hơi run run, chắc là không hài lòng với kết quả cho lắm.
Vừa mới liếc mắt tới Tam thì tôi nghe tiếng kêu khe khẽ vang lên, vội di chuyển tầm nhìn mới thấy Thập Nhị đứng bật dậy, thẻ bài của cậu ta vừa mới rơi trên mặt đất.
"Tôi, tôi xin lỗi..." Thập Nhị vội vã quỳ xuống, vươn tay định nhặt thẻ bài.
Từ góc nhìn của tôi không thể nhìn rõ thẻ bài của Thập Nhị, nhưng nghe tiếng xì xào xung quanh đó thì rõ ràng cậu ta đã làm lộ thân phận của mình - là một Cung nhân.
Thái An vương ở cách đó không xa, vẫn thẳng lưng, hai tay chắp phía trước, khuôn mặt hơi vênh lên một chút. Tay chân không hề cử động, dường như đang chờ đợi điều gì đó.
Bất chợt, tên lính canh vốn đứng nghiêm phía sau bàn của Thập Nhị tiến lên vài bước.
Lưỡi gươm sáng loá mắt, vừa rút ra đã nhanh như chớp hạ xuống, cắm xuyên qua lồng ngực của Thập Nhị. Khi ấy, cậu ta vẫn đang ở trong tư thế nửa quỳ nửa bò, không hề hay biết cái chết ập tới gấp gáp đến mức nào.
Lính canh rút gươm, máu bắt tứ phía. Thập Nhị gục xuống, thân mình co giật mấy cái rồi ra đi. Rất nhanh.
Sững sờ tới tê dại, không một ai có thể tưởng tượng nổi vi phạm quy định trò chơi lại có thể dẫn tới mất mạng.
Thái An vương Trần Thừa Ân bật cười ha hả, vừa vỗ tay vừa nói: "Nào nào, phải chơi nghiêm túc đó nhé!"
Dứt lời, gã hất ngón trỏ về một phía, tên lính canh lập tức lôi xác Thập Nhị ra ngoài, để lại một vũng máu đỏ au.
Tôi hít một hơi thật sâu, khẽ nhắm mắt một lát điều hoà lại hơi thở.
Nếu... Thập Nhị chết vì để lộ thân phận... thì có phải những người chơi bị loại - dù là do Thích khách sát hại hay biểu quyết treo cổ - cũng sẽ bị giết hay không?