Mạn Thiên Hoa Vũ


Tôi khẽ rùng mình một cái, hít vào lồng ngực một hơi lạnh toát.

Khi ấy, dường như tất cả quan khách và người làm trên thuyền đều tụ tập phía trước bàn tán sôi nổi.

Trần Thuyên bước lên một bước, dáng người cao ráo che khuất tầm mắt tôi.

Chúng tôi đã từng cùng nhau trải qua vô số chuyện, không cần tôi phải đặt câu hỏi, Trần Thuyên đã lên tiếng trước kể lại tường tận sự việc.

Người chết là con gái của chủ thuyền, tên là Duệ.

Thị Duệ năm nay mười chín tuổi, đã lấy chồng được gần hai năm.

Chồng của thị vốn là nông dân, về sau bỏ ruộng mà theo gia đình vợ lênh đênh trên sông nước kiếm sống.

Tuy lấy nhau đã hai năm nhưng hai người vẫn chưa có một mụn con.

Sáng sớm nay, người làm gọi cửa phòng hai vợ chồng mãi không thấy ai thưa, đẩy cửa vào phát hiện Duệ đã treo cổ tự vẫn.

Ban đầu người ta nói, do mâu thuẫn với chồng nên thị nghĩ quẩn mà tự sát.

"Nhưng sao?" Tôi nhón chân, ngó nhìn đám người ồn ào.

Trần Thuyên từ tốn nói: "Có người phát hiện, cái ghế đổ dưới chân của Thị Duệ vốn rất thấp.

Về cơ bản, dù có đứng trên ghế thì thị cũng không đủ cao để treo cổ trên chiếc thòng lọng kia được."
"Ồ?" Tôi nhíu mày.

"Vậy có nghĩa là có người giết cô ấy?"
Trần Thuyên gật đầu: "Thủ phạm rất có thể là người chồng.

Từ sáng tới giờ không hề thấy bóng dáng của gã, e rằng đã trốn đi rồi."
Tôi liếc nhìn xung quanh, sông nước mênh mông.

"Chúng ta đang ở giữa sông, muốn nhảy xuống nước để trốn vào bờ thì ít ra cũng phải giỏi như Yết Kiêu mới được."
"Ý nàng là Đô soái thủy quân Phạm Hữu Thế?" Trần Thuyên hỏi.

Tôi mơ mơ hồ hồ gật đầu, đến tận bây giờ tôi mới biết Yết Kiêu có tên thật là Phạm Hữu Thế, trước giờ cứ tưởng Yết Kiêu là tên cúng cơm của ông luôn chứ.

Câu đùa nhạt nhẽo của tôi cuối cùng cũng trôi theo gió mây.

Bụng tôi kêu "rột rột" hai tiếng, hoàn toàn không thoát khỏi đôi tai của Trần Thuyên.

Anh mím môi, cố gắng không bật cười.

"Đi thôi, bên phòng ta đã chuẩn bị bữa trưa đầy đủ rồi."
Hử? Mới ngủ dậy mà đã ăn trưa rồi sao?
Hỏi ra mới biết bây giờ đã qua Chính Ngọ từ lâu, tức gần một giờ trưa rồi.

Tôi cảm thán một câu, quả là tôi chưa bao giờ làm bản thân thất vọng.

Cứ tưởng rằng lạ giường lạ chốn phải mất ngủ một phen, ai ngờ vẫn làm một giấc tới tận trưa!
Tôi lại hỏi dò Trần Thuyên, anh thản nhiên nói mình dậy từ đầu giờ Thìn (bảy giờ sáng), cũng muốn ngủ thêm đôi chút nhưng lại vô cùng tỉnh táo.

Nghe xong tôi không khỏi đồ mồ hôi.

Sáng sớm nay tôi và Trần Thuyên mới trở lại phòng riêng, khi ấy mặt trời cũng đã ló dạng.

Nếu tôi đoán không lầm, Trần Thuyên chỉ được ngủ chưa đầy ba tiếng mà thôi.

Ôi chao, cuộc sống của hoàng đế cũng thực vất vả.

Mỗi ngày, tầm bốn giờ bốn rưỡi sáng là Trần Thuyên đã phải thức dậy để kịp cho buổi đăng triều.

Cứ như vậy mà hình thành thói quen, kể ra đồng hồ sinh học của anh hoạt động cũng thật tốt.

Bước vào phòng Trần Thuyên, tôi suýt nữa đã chửi thề một câu.

Đương nhiên, người "chủ chi" sẽ phải nhận được đãi ngộ tốt nhất.

Gian phòng mà anh ở to gấp đôi phòng tôi, có bàn ghế, cửa sổ lớn, thậm chí còn có cả một chậu cây đặt cạnh cửa lớn để làm cảnh.

Hơn nữa tôi cũng biết, người sắp xếp phòng ốc như vậy chính là Nguyễn Tái.

Khỏi phải nói, vô cùng ổn thỏa.

Trên bàn đã đặt sẵn vài đĩa thức ăn và cơm trắng, mặn thanh đủ cả.

So với mấy cái bánh rán đêm qua tôi được ăn đúng là một trời một vực.

Trần Thuyên không cần phải thuyết phục dông dài, chỉ một câu là tôi liền đồng ý đặt mông xuống ghế, dùng bữa ngang hàng với anh.

Tôi thậm chí còn không nể mặt Trần Thuyên, ăn tới ba bát cơm, một mình "xử" hết đĩa rau muống không để anh động đũa lấy một lần.

Chúng tôi ăn cơm trong im lặng, cảm thấy mở lời nói chuyện quả là khó khăn hết sức.

Sau khi thừa nhận thân phận của nhau, tôi còn tưởng rằng tôi và Trần Thuyên sẽ càng thân thiết.

Nhưng ai ngờ được, giữa chúng tôi lại xuất hiện một khoảng cách mơ hồ.

Tôi tự xới thêm bát cơm thứ tư, còn chưa kịp gắp nốt miếng thịt luộc cuối cùng trên đĩa thì ngoài cửa có tiếng gõ.

"Bẩm cậu, Tái xin được gặp."
Trần Thuyên đáp một tiếng, cửa từ từ mở ra.

Nguyễn Tái chỉ bước qua bậc cửa, không hề tiến lại quá gần.

Y ngạc nhiên nhìn tôi ngồi ngang hàng với Trần Thuyên, trên mặt không giấu nổi nét tò mò.

"Có chuyện gì sao?" Trần Thuyên bình thản gắp miếng thịt mà tôi đã nhắm khi nãy vào bát của tôi, nở nụ cười đầy tình mẫu tử.

Toàn bộ da gà trên người tôi thi nhau nổi lên.

"Bẩm cậu, gần tối thuyền cập bến, chúng ta đi xe kéo thêm nửa canh giờ là sẽ đến nhà của chị gái tôi."
Nguyễn Tái từ tốn cung cấp thông tin, ánh mắt có khi lướt qua người tôi đầy dò hỏi.

Trần Thuyên gật đầu, ra hiệu đã biết.

Tôi gõ gõ tay xuống bàn, thấy họ không có ý định nói thêm liền nở nụ cười: "Không biết học sĩ Tái có rảnh rỗi không?"
Cả Trần Thuyên và Nguyễn Tái đều tròn mắt nhìn tôi, Nguyễn Tái ho một tiếng gượng gạo rồi đáp: "Hiện tại ta cũng không bận việc gì..."
"Vậy tôi lại muốn xin học sĩ một bài thơ về hoa cúc có được không?"
Bên cạnh, Trần Thuyên phì cười, vội nhấp môi một chén nước để che lấp sự thất thố.

Tôi ngồi yên, híp mắt nhìn Nguyễn Tái đang ngơ ngác.

Mất một lát y mới hoàn hồn, cũng bật cười ha hả.

Nguyễn Tái nhìn qua Trần Thuyên, thấy anh ung dung như vậy cũng đã chắc chắn được mười phần về thân phận của tôi.

Y cười lớn: "Suốt mười năm qua ta đã viết được không ít thơ về hoa cúc.

Khi nào quay về nhất định chép lại cho tiểu thư Niệm Tâm vài bản."
Tôi vui vẻ đồng ý.

Nguyễn Tái không còn việc gì, xin phép được trở về phòng.

Cửa vừa đóng, người ngồi bên cạnh tôi cũng thu lại nụ cười.

"Niệm Tâm, năm nay nàng bao nhiêu tuổi? Sắp phải lấy chồng rồi, đừng dễ dàng nhận thơ từ đàn ông như vậy."
Nghe giọng nói nghiêm nghị của Trần Thuyên, tôi đần cả người ra.

Hừ, tên nhóc con này còn muốn dạy đời tôi hả?
Trần Thuyên lại như đọc được suy nghĩ của tôi, nói: "Có gì không thỏa đáng à? Trước đây nàng hơn tuổi ta, nhưng hiện tại là ta lớn hơn nàng đó."
Tôi rùng mình, không cãi nổi anh.

Tuy Trần Thuyên đã trưởng thành so với năm mười ba tuổi mà tôi từng gặp ngày ấy, nhưng cái tính kiểm soát của anh thì không hề thay đổi.

Chậc, có khi nào đó là bệnh chung của các ông vua không nhỉ? Người ta là hoàng đế, muốn gì mà chẳng được, nào có ai dám làm trái ý.

Tôi tự cho là phải, lòng tự nhủ không nên cãi lời Trần Thuyên thêm lần nào nữa.

Mà hơn cả, tên này cũng chính là cái túi tiền to bự đang chăm lo cho đời sống của tôi, nhường nhịn vài lần không chết được.

Không có tiền mới chết!
Tôi cười cười lấy lòng Trần Thuyên, quyết định tiếp tục cắm đầu vào ăn.

Nhưng miếng thịt luộc mới đưa đến miệng, bên ngoài lại vang lên tiếng gõ cửa.

Lần này là giọng nói của một người con trai trẻ tuổi, có khi chỉ tầm mười lăm mười sáu tuổi mà thôi.

Ôi trời, đến lúc này thì tôi không cần phải hỏi thêm điều gì.

Đã biết Trần Thuyên là hoàng đế, vậy thì sẽ chẳng bao giờ có chuyện hoàng đế vi hành một thân một mình, chỉ có một ông già (là Nguyễn Tái) và một thiếu nữ yếu đuối hoa nhường nguyệt thẹn (là tôi) đi cùng.

Nhất định, không, chắc chắn một trăm phần trăm là trên thuyền này phải có tới cả tá hộ vệ cải trang đi theo bảo vệ Trần Thuyên.

"Bẩm cậu!"
Trần Thuyên trầm giọng đáp: "Vào đi."
Cửa từ từ hé ra, tôi vội hỏi Trần Thuyên rằng mình có cần đứng lên hay không.

Nguyễn Tái dù thế nào cũng là người quen, nhưng ở trước mặt kẻ khác thì tôi không dám tỏ ra "phóng khoáng" như khi nãy.

Không hợp lễ nghi là một chuyện, khéo khi lại gây ra hiểu lầm không đáng có.

Bàn tay Trần Thuyên rất tự nhiên phủ lên tay tôi đang đặt trên bàn, vỗ vỗ vài cái.

Tay anh rất, rất ấm.

Anh nói: "Cứ ngồi yên, không hề gì."
Ánh sáng mặt trời xuyên qua cánh cửa được mở, chiếu thẳng vào mắt tôi.

Người này thấp hơn Nguyễn Tái một cái đầu, vì vậy không che chắn được ánh nắng chính Ngọ.

Tôi khẽ nghiêng người sang trái, lúc này mới thấy rõ diện mạo của cậu ta.

Cả người tôi bỗng đông cứng lại, không tự chủ mà đứng bật dậy.

Đạt! Là...!Đạt! Là em tôi đây mà...!
Tôi nheo mắt nhìn cậu ta kỹ hơn.

Không...!không phải Đạt.

Cậu nhóc này thân hình gầy gò, có làn da đen sạm, chứng tỏ phải dầm mưa dãi nắng thường xuyên.

Dù mang dung mạo giống hệt thằng Đạt nhưng nét mặt vô cùng nghiêm nghị.

Cậu ta mặc áo màu nâu, chân đi giày vải.

Từ lúc bước chân vào cửa tới giờ, sau khi chắp tay chào hỏi thì cũng chưa hề liếc mắt nhìn tôi lấy một lần.

So với thằng em trai cả ngày cà khịa chị gái mình thì người này đúng là mang tính cách khác một trời một vực.

Trần Thuyên thầm thì hỏi tôi có chuyện gì, tôi cười xấu hổ, chỉ lắc đầu không đáp.

Tôi vẫn chưa soạn ra được một câu chuyện hợp lý về bản thân mình – một người sống tại thế kỷ hai mốt, bằng một cách nào đó nhảy về quá khứ hơn bảy trăm năm.

Mặc dù Trần Thuyên có vẻ khá thoải mái, nhưng dù sao anh cũng là người cổ đại, chưa chắc đã có thể tiếp nhận nổi chuyện này.

"Dạ thưa, đã tìm thấy người chồng ở dưới hầm rượu." Cậu nhóc kia lại ôm quyền, nén giọng nói.

Tôi nghe vậy vội vàng hỏi gã đã nhận tội chưa.

Đến lúc này cậu ta mới chú ý, chiếu một ánh mắt đầy sự đánh giá về phía tôi không kiêng kị.

Trần Thuyên hắng giọng một tiếng, chậm rãi gật đầu.

"Bẩm cô, gã đã chết rồi ạ." Cậu nhóc ngoan ngoãn đáp.

Cả tôi và Trần Thuyên không hẹn cùng quay sang nhìn nhau.

Không phải chứ?
"Gã được tìm thấy trong góc khuất, che giấu bởi những thùng rượu lớn.

Thân người dựa vào thành thuyền, tay cầm dao dính đầy máu tươi.

Trước ngực bị đâm một lỗ, khi Bách Chu đến nơi thì máu cũng ngừng chảy rồi."
Thì ra cậu ta tên là Bách Chu.

"Là tự sát?" Trần Thuyên thấp giọng hỏi.

Bách Chu cúi đầu: "Dạ bẩm, có lẽ sau khi xuống tay giết hại vợ, gã thấy hối hận và trốn xuống dưới hầm tự sát."
Tôi nhíu mày: "Khuôn mặt gã sau khi chết như thế nào? Dáng ngồi của gã ra sao? Tay nào cầm dao, hướng dao như nào? Còn nữa, loại dao đó là lưỡi ngắn hay tay dài?"
Thấy tôi bắn như súng liên thanh, Bách Chu có chút hoảng hốt.

"Dạ bẩm...!Bách Chu...!không để ý những cái này." Sau đó ánh mắt chuyển sang phía Trần Thuyên cầu cứu.

.

Truyện Trinh Thám
Nghe vậy, tôi lập tức đứng dậy, không chần chừ mà bước ra cửa.

Trần Thuyên theo sát phía sau, không quên ra lệnh cho Bách Chu chỉ đường.

Người trên thuyền đã đứng xúm đông xúm đỏ dưới hầm rượu.

Tôi một tay kéo áo Trần Thuyên, tay kia gạt người phía trước mà chen vào.

Xời, bốn năm đại học chen chúc trên xe buýt giờ tan tầm cũng không phải là vô dụng.

Lên được tới hàng trên cùng, tôi cũng đã nhìn thấy được xác chết của gã chồng kia.

Tôi giơ chân, định xông vào nghiên cứu một phen thì Trần Thuyên khẽ nắm lấy cổ tay tôi kéo lại.

Anh nhỏ giọng bên tai: "Nàng đã quên mục đích tới lộ Bắc Giang của chúng ta ra là gì rồi sao? Đừng khiến kẻ khác chú ý."
Không được đến gần, tôi đành cùng Trần Thanh đứng cạnh đám người hóng hớt mà quan sát từ xa.

Hiện trường trông có vẻ xáo trộn, nhưng may là chưa có ai động vào xác chết.

Tôi sử dụng đôi mắt bồ câu của mình, tia từ đầu đến chân gã chồng.

Thứ nhất, hai mắt gã vẫn mở trừng trừng, cả khuôn mặt không giấu nổi sự bàng hoàng.

Mũi đỏ, dưới mũi còn có vết hồng hồng như máu đã được lau đi.

Gã cầm dao bằng tay trái, cả hai tay đều dính đầy máu.

Vết máu chảy dính trên áo có hình dạng khá kỳ lạ - loang lổ rộng tới gần hông.

Phục trang trên người xộc xệch, vậy mà dáng người lại ngồi ngay ngắn.

Với những điểm trên, tôi tạm thời dự đoán gã chồng hoàn toàn không phải tự sát, hơn nữa hầm rượu này cũng không phải là hiện trường đầu tiên.

Mải mê suy nghĩ, tôi không nhận ra có người đang đứng ngay gần xác chết mà quan sát tỉ mỉ.

Ồ, chẳng phải đó là người hầu tên Bính của Quân Trì hay sao? Dù hôm qua ở ngoài mạn thuyền tối đen như mực, tôi cũng nắm được đại khái diện mạo của cậu nhóc ấy.

Đúng là da đen thật.

Thấy tôi cứ nhìn chăm chăm, Trần Thuyên tốt bụng giải thích đây cũng chính là người đã phát hiện ra sự bất thường ở chiếc ghế tự sát của người vợ.

Tôi chợt nghĩ, tới chín mươi chín phần trăm, Bính là ra mặt thay cho Quân Trì mà thôi.

Sau một hồi, Bính kết thúc công cuộc tra khám xác chết, chạy bạch bạch về một phía.

Tôi vội đưa mắt dõi theo, quả nhiên thấy cậu nhóc ấy đang ghé tai Quân Trì thì thầm chuyển thông tin.

Quân Trì thận trọng nghe Bính nói, biểu cảm khuôn mặt biến đổi vài ba lần.

Anh ta đột ngột nghiêng đầu lên, ánh mắt chiếu thẳng đến nơi tôi đang đứng khiến tôi sợ hết cả hồn.

Đương nhiên tôi không tỏ ra thất thố, liền ưỡn thẳng lưng mỉm cười thay lời chào hỏi.

Quân Trì gật đầu chào lại, vẫn duy trì vẻ mặt lạnh lùng.

Tôi còn đang có ý chạy sang phía anh ta cùng bàn bạc, bỗng cảm thấy bên cạnh mình không khí như đang giảm xuống mấy độ, khiến người khác không rét mà run.

Quay sang thấy Truyền Thuyên biểu cảm u ám, mây mù bao quanh.

Không biết tự dưng lại dở chứng cái gì, nhưng tôi thực sự cảm thấy không nên mở mồm nói vào thời điểm này.

Ôi trời, khi Trần Thuyên mỉm cười – như vầng dương chiếu sáng, như hoa xinh nở rộ, hiền hòa gần gũi, lại đẹp trai tuấn tú ai gặp cũng thương.

Đến lúc xảy ra chuyện không vừa ý, chỉ một ánh mắt thôi cũng đủ giết người.

Các tiểu thuyết tình cảm đã dạy rằng "làm bạn với Vua như chơi với hổ" cũng không phải là không có lý.

Hơn nữa tôi để ý khi nãy trong phòng, ngay khi Bách Chu bước vào là Trần Thuyên lập tức thay đổi dáng vẻ, như biến thành một con người khác.

Khí thế trầm ổn, anh tuấn bức người.

Đó – mới chính là Anh Hoàng, là vua của Đại Việt.

Từ trong đám đông có một người đàn ông lớn tuổi lao ra ôm chầm lấy người chết, nét mặt Trần Thuyên như không có gì, nhẹ nhàng cung cấp thông tin: "Chủ thuyền – cha ruột của của người vợ."
Tôi gật đầu, chăm chú nhìn ông ta.

Thật khâm phục bản thân khi nãy đã chọn chỗ đứng quá "đắc địa", tuy bị lệch về một bên nhưng lại vừa hay lại thấy được toàn bộ hành động của chủ thuyền.

Trần Thuyên ngay sát bên cạnh, chắc chắn cũng đã thấy được điều nên thấy.

Anh phủi áo, khẽ nói: "Chúng ta quay lại phòng thôi, ở đây đủ lâu rồi."
Tôi không từ chối, mỉm cười cùng anh quay lưng, một đường lên thẳng trên mạn thuyền..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui