Phạm Bân đứng ngoài cổng lớn phủ Tường Quang nửa canh giờ chờ tôi báo cáo lại toàn bộ thông tin của vụ án với Trần Thì Kiến.
Lúc này đã cuối giờ Thân, sắc trời dìu dịu.
Thấy tôi đi ra, Phạm Bân gật đầu một cái.
Tôi hỏi: "Không phải là trùng hợp chứ?"
Sắc mặt hắn tối tăm: "Không biết, nhưng ta nhất định phải báo lại với Quan gia.
Cô nói qua tình hình với ta được không?"
Tôi không từ chối, tìm cách tóm tắt vụ báo án của Lưu Thị Lan một cách ngắn gọn nhất cho hắn nghe.
Gương mặt Phạm Bân tối dần, âm u khó dò.
"Nhất thiết phải kinh động đến Quan gia sao?" Tôi dò hỏi.
Đương nhiên chỉ có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng mới phải báo lên trên, mà thậm chí chưa chắc đã cần đến tai hoàng đế.
Phạm Bân gật đầu: "Có thể nói là như vậy.
Lát nữa ta có ca trực, ta sẽ tìm cách đưa thông tin tới cho Quan gia."
Chúng tôi chào hỏi xã giao xong thì Phạm Bân cũng đạp bụi mà chạy mất, trông dáng vẻ như gắn tên lửa sau mông.
Đến giờ này tôi cũng không còn tâm trạng ăn bánh đúc ngon nhất kinh thành nữa, đành dắt Đông Ly quay về.
Tôi thất thểu vào phòng, cảm thấy thân thể mỏi mệt cực độ.
Đông Ly nhẹ nhàng hỏi: "Trưa nay mới chỉ ăn vài miếng bánh, bây giờ cô có muốn ăn gì không để con đi báo nhà bếp làm ạ?"
Tôi lắc đầu, nằm vật ra giường.
Đông Ly nói: "Vậy con xuống bếp nấu nồi cháo thịt băm cho dễ ăn nhé ạ.
Hôm nay nghe chị Hồng nói có sữa đậu ngọt lắm, để con mang lên cho cô.
Trời cũng không còn sớm nữa, chắc cậu Hài cũng sắp về rồi đó ạ.
Cô nghỉ ngơi chút đi kẻo về cậu lo."
Đã qua cơn đói, giờ này tôi chỉ thèm ngủ.
Tôi gật gật với Đông Ly mấy cái, cô liền vâng dạ rồi khép cửa, lui ra ngoài.
Tôi thay sang bộ quần áo mỏng, leo lên giường nằm đầy chán nản.
Chẳng mấy chốc mà mắt díu vào, tôi rơi vào trạng thái đầy mộng mị.
Tôi nhận thức được mình đang mơ.
Không biết vì sao, tôi thấy mình quay lại căn phòng ngủ cũ của Đỗ Chi.
Xung quanh tôi có rất nhiều người, có Trần Thuyên...!khi ấy anh vẫn còn tự xưng là Trần Thanh, cả hai anh em Đỗ Quân Đỗ Chi...!Phạm Bân bắt mạch cho tôi rồi lắc đầu, nói: "Không kịp nữa rồi..."
Lồng ngực tôi như bị ép chặt, hít thở không thông.
Cổ họng khô khốc, chỉ lợm vị tanh của máu.
Cả người tôi run rẩy, sức lực đã biến đâu mất, chỉ có thể nằm yên một chỗ không thể động đậy.
Phải, chính là những ngày trúng độc Chúc Đương Phong sống không bằng chết.
Tôi hốt hoảng mở mắt, thở một hơi thật dài.
"Đông Ly!" Tôi cất tiếng gọi.
Một lúc lâu sau mới thấy Đông Ly đi vào, ngạc nhiên vì tôi đã dậy.
Tôi đứng lên mặc thêm áo, hỏi: "Giờ nào rồi?"
"Dạ bẩm, mới qua giờ Tuất ạ.
Khi nãy cậu Hài cho Dần về báo nấu thêm cơm, nay cậu về muộn ạ.
Cô đói thì con lấy cháo cho cô ăn trước nhé?"
Nhắc đến đồ ăn bụng liền sôi lên ùng ục, tôi đồng ý ngay tắp lự.
Do không có Đoàn Nhữ Hài nên tối nay tôi ăn trong phòng cùng Đông Ly.
Cũng phải mất rất lâu mới thuyết phục được cô nàng này cùng ngồi ăn khi không có người khác.
Tôi biết mình không có khả năng thay đổi tư tưởng phong kiến của Đông Ly hay bất cứ ai, tôi chỉ cố gắng làm tốt nhất có thể để bản thân cảm thấy thoải mái mà thôi.
Vừa ăn xong thì có gia nhân chạy vào báo tin Đoàn Nhữ Hài đã về, do có mấy vị khách tới thăm nên mời tôi ra phòng ăn.
Tôi cũng không chần chừ mất thời gian liền xúc miệng qua mấy cái rồi cùng Đông Ly rời khỏi phòng.
Bàn ăn hôm nay chật kín người, tiếng nói cười rôm rả.
Cảnh tượng trước mắt thật quen thuộc: Trần Thuyên, hai anh em họ Đỗ, Phạm Bân, em trai tôi Đoàn Nhữ Hài, nay còn có thêm một gương mặt mới là Thành An nữa.
Đỗ Chi thấy tôi đến liền đứng dậy, nhào đến nắm lấy tay tôi hớn hở: "Chị Tâm! Chị thật là! Lâu lắm rồi không đến chơi với em đấy nhé.
Nếu không phải Công Bân lỡ lời thì em cũng chẳng hay mọi người lại tụ tập ở đây đâu."
Phạm Bân ngồi sau, tay đỡ trán lầm bầm: "Cứng đầu thế không biết."
Cô quay ngoắt lại cao giọng: "Chàng vừa nói gì?"
Đôi phu phụ Chi – Bân vẫn trong thời gian tân hôn, chỉ gây gổ đôi câu rồi lại ríu rít như hai chú chim non.
Chỉ còn duy nhất ghế ngồi giữa Trần Thuyên và Đoàn Nhữ Hài còn trống, tôi không nhanh không chậm ngồi xuống.
Trần Thuyên thì thầm: "Sắc mặt nàng hơi kém."
Tôi cười cười đáp: "Cũng không có gì, là do chuyện sáng nay thôi." Biết rõ nay đám Trần Thuyên đến là vì cái gì nên tôi cũng không giấu diếm.
Trời đánh còn tránh miếng ăn.
Mọi người thấy Trần Thuyên thoải mái ăn uống nên cũng không nề hà thêm, thật sự lâu lắm rồi chúng tôi mới có một bữa tối đông vui thế này.
Đỗ Chi và Phạm Bân mới cưới nên trở thành đối tượng bị trêu đùa, cười tít cả mắt.
Ăn tối xong thì gia nhân đã chuẩn bị chõng tre lớn ngoài sân, thêm ấm trà nghi ngút khói.
Buổi tối mùa hạ gió mát hiu hiu, vô cùng thích hợp để tụ tập nói chuyện phiếm.
Hoặc cùng nhau bàn luận về một vụ án giết người.
Tôi chậm rãi kể lại từ khoảnh khắc Lưu Thị Lan đâm sầm vào Đông Ly, cố gắng không để sót một chi tiết nào.
Đến đoạn Lưu Tân Bình bị tra tấn, Đông Ly đứng phía sau tôi lập tức bổ sung:
"Thị Lan khi ấy lỡ lời gọi nhầm gia nhân là mọi nữa đó ạ."
"Ừ, tôi quên khuấy mất." Tôi quay lại, cảm kích nhìn Đông Ly.
Không ngờ trí nhớ của cô nàng tốt như vậy.
Đoàn Nhữ Hài nheo mắt: "Chỉ là một thương nhân mà cũng lộng hành gớm."
Không có gì đáng thắc mắc, từ "mọi" dù ở thời xưa hay hiện đại cũng đều mang ý nghĩa khinh thường.
Việc Lưu Thị Lan gọi kẻ dưới là "mọi" còn có khả năng gia nhân nhà họ Lưu là người miền núi, hoặc nghiêm trọng hơn, là người nước ngoài – Đoàn Nhữ Hài ghé tai tôi giải thích ngắn gọn.
Trừ bỏ trường hợp nuôi gia nô trong nhà từ nhỏ thì Luật pháp Đại Việt hoàn toàn nghiêm cấm buôn bán người ngoại quốc, cụ thể hơn là người Chăm, làm gia nô.
(1)
Trong suốt bề dày lịch sử Việt Nam, khái niệm "nô lệ" không phải là xa lạ.
Tuy rằng chưa đến mức tàn bạo như phương Tây, nhưng số lượng người mất cả cuộc đời để làm công cho kẻ có tiền có quyền không hề ít.
Thậm chí ở thời đại mà tôi đang sống thì đây cũng là điều hoàn toàn bình thường.
Ví dụ rõ ràng nhất chính là Yết Kiêu và Dã Tượng – hai vị mãnh tướng dưới quyền Hưng Đạo đại vương – đều là gia nô (nô lệ trong nhà) của Trần Hưng Đạo.
Đối với nô lệ là người Chăm ở Đại Việt, họ vốn là nô lệ chiến tranh được đưa về sau các cuộc viễn chinh.
Đại Việt không phải là một quốc gia hiền lành, chúng ta đã nhiều lần chiếm đóng kinh đô của Chiêm Thành, bắt hàng vạn người Chăm về nước làm nô lệ.
Những người này về sau được đưa đến các làng mạc để công tác khai hoang, dần dần trở thành nông dân sinh sống bình thường.
Hiện tại quan hệ giữa Đại Việt và Chiêm Thành đang khá tốt đẹp, bởi vậy tất cả "nô lệ" chiến tranh đều chỉ được "sử dụng" vì mục đích phục vụ quốc gia, ví dụ như có nhiều vũ công người Chăm được đưa vào nội cung và trở thành cung nữ, tuy rằng mất tự do nhưng cuộc sống lại vô cùng sung sướng.
Tôi nghe nói có không ít quý tộc Đại Việt thích cưới thêm vợ là người Chăm bởi ngoại hình xinh đẹp khoẻ mạnh.
Phạm Bân giúp tôi kết thúc "bản ghi chép vụ án nhà họ Lưu" bằng cách tả lại tình trạng của Lưu Thị Lan trước khi chết, có thể nói rằng giống hệt với tôi trước đây khi trúng độc Chúc Đương Phong.
Cùng một loại độc nhưng liều lượng và mục đích hạ độc khác nhau.
Ngày ấy vốn Trần Thuyên mới là mục tiêu nhưng lại được một cô gái thuần lương thiện lành là tôi đỡ thay một tên.
Độc phát suốt nhiều ngày, chính là muốn người trúng độc phải chịu đau đớn giày vò trong thời gian dài rồi mới chết vì kiệt sức và mất máu.
Lần này, hiển nhiên Lưu Thị Lan chắc chắn phải mất mạng, hung thủ chỉ muốn giữ cô ta lại trong thời gian ngắn để báo án mà thôi.
Tôi rùng mình một cái, khẽ nhắm mắt lại.
Giấc mơ ban nãy tựa như vẫn lởn vởn quanh mình, chân thật đến đáng sợ.
Tôi nắm tay thành quyền, bấu chặt vạt áo không dám nơi lỏng.
Bỗng nhiên một cảm giác ấm áp phủ lên tay tôi, vỗ vỗ vài cái như dỗ dành.
Tôi trợn mắt lên nhìn, chủ nhân của bàn tay đang nắm hờ tay tôi vẫn tỏ ra dửng dưng uống trà như không có chuyện gì.
Tất cả chúng tôi đều đang ngồi khoanh chân trên chõng, tức là cảnh tượng lúc này đã lọt hết vào mắt từng người rồi...!Hai má tôi nóng rần, chỉ muốn tung dép bỏ của chạy lấy người.
"Hung thủ cố tình bắt ép Lưu Thị Lan tới phủ Tường Quang chắc không phải vì bỗng nhiên nảy ra lòng trắc ẩn đâu nhỉ?" Đỗ Chi lên tiếng, đồng thời nháy mắt với tôi một cái.
Mọi người đều gật gù, rõ ràng phía sau còn có ẩn tình.
Tôi khéo léo rút tay khỏi Trần Thuyên, rướn người lên nói: "Tôi có một vài ý kiến, các vị cùng nghe xem sao."
Rồi nâng chén trà lên, một hơi uống sạch.
Thành An ngồi đối diện tôi, gương mặt tỏ ra khá hứng thú.
Đây là lần đầu tiên y được tham gia buổi tụ họp với nhóm chúng tôi.
Tôi vỗ vỗ lồng ngực mấy cái để bình tĩnh lại, chầm chậm đưa ra nhận xét: "Trước mắt chưa nói đến vụ án giết người, chúng ta phân tích ngược lại một chút nhé.
Thứ nhất, Lưu Thị Lan không bị giết hại với phương thức giống như những người khác, hẳn là bởi cô ta được giữ lại để đi thông báo cho Đại an phủ sứ.
Nhiệm vụ của Lan chỉ là 'báo tin'.
Điều này chắc hẳn các vị đều thấy được.
Cả nhà Lưu Thị Lan đều đã bị hại chết, sớm muộn rồi cũng sẽ đến tai phủ Kiểm Pháp.
Vậy mục đích chính ở đây, theo Niệm Tâm nghĩ, là gửi lời nhắn của hung thủ đến Đại an phủ sứ."
Thành An tiếp lời: "Là bài đồng dao 'Gánh gánh gồng gồng'"?
Tôi gật đầu: "Chính xác."
"Hung thủ muốn khiêu khích Trần Thì Kiến, hay nói đúng hơn là phủ Kiểm Pháp.
Việc gã biết rõ hôm nay Trần Thì Kiến nghỉ bệnh, không nói đến việc gã đã sắp xếp người theo dõi hay là có kẻ báo tin từ trong nội cung, thậm chí ra lệnh cho Lưu Thị Lan đến thẳng phủ riêng của ông ta...!cũng chỉ là để khẳng định: Phủ Kiểm Pháp không là gì nếu thiếu đi Đại an phủ sứ." Trần Thuyên trầm giọng nói.
"Hơn nữa, ta hoàn toàn đồng ý với Niệm Tâm, bài đồng dao kia mới thật sự là cái chúng ta cần lưu ý."
Trong khi mọi người rôm rả bàn luận, tôi khẽ nghiêng đầu quan sát Trần Thuyên, phát hiện ra anh đúng là người rất có nguyên tắc.
Khi không ở trong cung, Trần Thuyên luôn cố gắng để không xưng là "trẫm", tránh gây áp lực tới người khác.
Không biết thói quen này đã hình thành từ xưa, hay là phải đến khi gặp tôi, muốn che giấu thân phận hoàng đế mà bắt ép mọi người phải xưng huynh gọi đệ với anh.
Đương nhiên, cũng có lúc Trần Thuyên quên mất mà xưng nhầm với tôi, ví dụ như đêm hôm ấy phải chịu nỗi đau mất con...!
Trần Thuyên quay sang hỏi Thành An: "Từ khi nào thì vè nói ngược được lan truyền ở dân gian?"
Thành An cúi đầu: "Dạ bẩm, theo điều tra thì khoảng hơn một tháng trước ạ."
Trần Thuyên trầm ngâm suy nghĩ, phất tay bảo: "Thành An đọc lại một lượt bài vè đó cho mọi người nghe đi."
Không biết Đông Ly từ đâu lao ra: "Để con! Để con đọc cho!" Sau đó trượt chân, ngã lăn lông lốc ngay trước chõng tre.
Đoàn Nhữ Hài ôm mặt than thở: "Không có quy tắc gì cả."
Sợ rằng Đông Ly bị trách phạt, tôi vội nhảy xuống đỡ cô dậy, giục giã đọc cho nhanh kẻo mọi người phải đợi.
Đông Ly cũng không ngại ngùng gì việc mình vừa bị ngã, lập tức lớn giọng đọc vanh vách:
"Bao giờ cho đến tháng Ba,
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng.
Hùm nằm cho lợn liếm lông,
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi..."
Trần Thuyên chưa nghe hết bài đã ra hiệu cho Đông Ly ngừng lại.
Cô nhóc không để phí một giây phút nào, vội hành lễ một cái rồi lủi về phía sau nhanh như chớp.
"Nhữ Hài nói thử xem." Anh hướng về phía cậu em trai hờ của tôi.
Ái chà, thân thiết quá nhỉ.
Em trai Đoàn Nhữ Hài cúi đầu một cái: "Theo ý kiến ngu muội của thần, bài vè này không phải tự nhiên mà xuất hiện trở lại trong dân gian.
Mỗi câu vè, mỗi bài đồng dao đều có ẩn ý phía sau.
Thần nghĩ, vè nói ngược đến tám phần là do hung thủ cố tình truyền ra ngoài, xúi giục đám trẻ con trong thành ca hát."
Đỗ Chi nghe đến đây liền nghiêng đầu hỏi tại sao.
Đoàn Nhữ Hài nhấp một ngụm trà, đáp: "Dựa vào hai việc.
Một là lời nhắn của hung thủ cũng là một bài đồng dao cũng từng được lưu truyền, và thứ hai, việc Lưu Tân Bình bị gia nhân đánh đập.
Đây không phải là cố tình thực hiện đúng với nội dung vè nói ngược hay sao?"
Đỗ Chi quay sang nói với Phạm Bân: "Vậy có thể coi Lưu Tân Bình đại diện cho kẻ nắm quyền sinh sát, là 'rắn', là 'hùm', là 'diều hâu'...!Còn tên gia nhân kia là kẻ dưới, là 'con gà', là 'nắm xôi'?"
Phạm Bân cười tít mắt, dịu dàng xoa đầu vợ: "Thê tử của ta giỏi quá!"
Đoàn Nhữ Hài cắt đứt sự sến sẩm bằng một kết luận: "Suy rộng ra, mục đích chân chính của hung thủ là:
Một, gã muốn khiêu khích phủ Kiểm Pháp.
Nếu việc vè nói ngược do hung thủ truyền ra là sự thật, cũng có nghĩa là tội ác của gã được lên kế hoạch từ cả tháng trời mà không ai hay biết.
Gã bắt ép Lưu Thị Lan báo án, chứng minh gã đã thành công, và thậm chí là giết hại người vô tội ngay dưới chân thiên tử."
Nói đến đây, em trai tôi lén lút liếc sang Trần Thuyên một cái.
"Và hai, khả năng cao bài đồng dao 'Gánh gánh gồng gồng' là manh mối gã cố tình để lại cho vụ án thứ hai."
Còn có vụ án tiếp theo nữa sao? Tôi hít vào một hơi lạnh toát.
Trần Thuyên gật đầu tán thành ý kiến của Đoàn Nhữ Hài, nói: "Hiện tại còn chưa tỏ rõ vụ án của nhà họ Lưu có thật sự đơn giản như bề ngoài hay không, vì sao họ bị giết hại...!hay còn ẩn tình gì phía sau.
Nhữ Hài, vài ngày tới sắp xếp công việc cho hợp lý rồi đến thư phòng cùng ta giải nghĩa bài đồng dao.
Thành An?"
Thành An nghe Trần Thuyên gọi, vội cúi đầu đáp: "Dạ Hành đã phân chia nhau đi điều tra về gia đình họ Lưu, ba ngày nữa sẽ mang tin tức về ạ."
Trần Thuyên tỏ ra hài lòng: "Tốt lắm, anh mau tới phủ Tường Quang thông báo cho Trần Thì Kiến một câu.
Nói với ông ta rằng phủ Kiểm Pháp cũng phải dốc toàn lực điều tra."
Thành An nhận lệnh đứng lên, vài bước đã không thấy đâu nữa.
"Được rồi." Trần Thuyên cúi đầu rót trà.
"Cũng không còn việc gì nữa, Đỗ Quân, ba người nhà anh trở về đi.
Trẫm ở lại chờ Thành An."
"Trẫm ở lại chờ Thành An".
Đây là mệnh lệnh của Quan gia, không thể từ chối.
Đỗ Quân và hai vợ chồng Phạm Bân – Đỗ Chi đành đứng lên chào hỏi rồi cũng rời đi, chỉ còn lại chị em tôi và Trần Thuyên ngồi đó.
Em trai Đoàn Nhữ Hài là người siêu biết điều, ngáp một cái thật to đầy giả dối rồi cúi đầu xin phép về phòng ngủ.
Tôi bỗng cảm thấy trong bụng cồn cào, như có một đàn bươm bướm bay lượn.
Rõ ràng không phải điềm tốt!
Lòng trào dâng cảm giác bất an, càng lúc càng dữ dội.
Tôi không dám ngồi cạnh Trần Thuyên thêm nữa, vội vàng đứng dậy hít thở mấy cái.
Anh từ sau bước đến, khẽ nắm lấy tay tôi: "Ban sáng nàng đã hoảng sợ lắm sao?"
Cả người như bị điện giật, tôi theo bản năng rút tay mình ra, không nhận thấy nét mặt Trần Thuyên cứng đờ.
Tôi cười gượng gạo: "Cũng không phải.
Chỉ là tôi nhớ tới lúc bị trúng độc, cứ như dạo một vòng dưới Âm phủ vậy."
Thực tế thì đúng là tôi đã đi theo Quỷ Dẫn Đường xuống gặp Diêm Vương rồi đó chứ.
Trần Thuyên dịu dàng: "Nếu không nhờ nàng thì ta mới là người phải chịu đựng đau đớn."
Tôi cười ha ha: "Được làm lá chắn cho quan gia chính là phúc ba đời của tôi rồi."
Anh liền nhíu mày mang theo ý trách móc: "Nàng nói gì vậy?"
Biết Trần Thuyên không vui, tôi đành cười giả ngu: "Quan gia đừng giận, tôi đang tập học theo cách thảo mai thảo quả của tên nhóc Hài thôi mà."
Nghe tôi liến thoắng, anh mở to mắt ngạc nhiên: "Thảo mai thảo quả là gì?"
Tôi tủm tỉm giải thích một hồi, cơ mặt Trần Thuyên giãn ra, hẳn là rất thích thú với đống từ vựng mới mẻ của tôi.
Anh mỉm cười: "Đây mới đúng là Niệm Tâm kỳ quặc mà ai cũng yêu thích này."
"Quan gia thấy tôi rất kỳ quái à?" Tôi bĩu môi, tỏ ra không đồng tình.
Trần Thuyên cười rộ lên, không khí gượng gạo giữa chúng tôi ban nãy cũng hoàn toàn tan biến.
Cứ đứng mãi cũng không ổn, tôi kéo Trần Thuyên ngồi xuống chõng còn mình thì ngoan ngoãn rót một chén trà, hai tay dâng lên.
Đã qua một lúc lâu rồi mà trà trong ấm vẫn còn hơi nóng, chưa phải thay nước mới.
Chúng tôi yên lặng thưởng trà, thi thoảng lại hít hà hương ổi chín cây theo gió bay đến.
Vừa qua Rằm, trăng tròn vành vạnh như cái đĩa.
Người xưa lắm văn thơ, chỉ thả hồn theo mây trời một lúc là sẽ tức cảnh sinh tình thở ra được một bài tả trăng đến là đau lòng.
Hoặc, cũng không phải là "xưa" lắm...!như trong bài "Đà Lạt trăng mờ" của nhà thơ Hàn Mặc Tử từng viết:
"Cả trời say nhuộm một màu trăng,
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng.
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng!"
Tôi...!đương nhiên sức hèn tài mọn, một câu thơ bẻ đôi cũng không viết nổi, chỉ thấy vầng trăng tròn trên cao kia nhìn kiểu gì cũng giống cái bánh đa nướng.
"Ngẩng đầu nhìn trăng sáng" một lúc lâu, tôi nuốt nước bọt trộm nghĩ có lẽ ăn tối sớm quá nên giờ đã đói rồi chăng?
"Niệm Tâm..."
"Quan gia..."
Suýt cắn vào lưỡi, tôi còn đang cân nhắc có nên hỏi Trần Thuyên nếu đang đói bụng thì cùng nhau dạo quanh phòng bếp một chút thì anh đã lên tiếng.
Đành nhường anh nói trước đi vậy.
"Ta cảm thấy vụ án lần này có gì đó rất bất thường.
Đặc biệt là..."
"Đặc biệt là độc Chúc Đương Phong ạ?" Tôi khịt khịt mũi.
"Ừ." Anh do dự hồi lâu rồi mới cất lời.
"E là có liên quan tới vụ bắn tên ngày ấy.
Dù không mong muốn nhưng hiện tại nàng cũng đã can dự ít nhiều rồi, nàng...!nhất định phải cẩn trọng."
Tôi nghiêng đầu nhìn Trần Thuyên, gật đầu: "Tôi hiểu.
Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi."
Như bị thôi miên, tâm trí tôi trôi về một miền ký ức cũ.
Ngày ấy vượt thời gian gặp gỡ Đông cung thái tử Trần Thuyên mười ba tuổi, tôi vẫn là Nguyễn Từ Niệm Tâm...!Cậu nhóc Trần Thuyên chắp tay sau lưng thở than với tôi những câu chuyện vụn vặt, với kiến thức của tôi thì làm sao giải quyết được vấn đề của cậu, đành xoa đầu cậu mà nói: "Mọi chuyện sẽ ổn thôi."
Tôi còn tưởng rằng Trần Thuyên sẽ gạt tay tôi ra rồi sửng cồ lên bảo cậu không phải trẻ con, đừng làm cái trò ấy.
Không ngờ Trần Thuyên ngoan ngoãn mặc kệ tôi dỗ dành, mỉm cười thật tươi: "Đúng vậy, mọi chuyện sẽ ổn thôi."
Giờ đây...!
Ánh mắt Trần Thuyên dịu dàng như hồ nước chiều thu.
"Không biết ta đã nói điều này bao nhiêu lần rồi...!Niệm Tâm, ta rất vui vì nàng đã quay lại."
Trái tim trong lồng ngực nảy lên thật mạnh, như sóng triều trào dâng.
Tôi cụp mắt, thật khó có thể đáp lời Trần Thuyên rằng tôi cũng rất vui khi được gặp lại anh lần nữa.
Bởi...!nếu có thể, tôi sẽ không lựa chọn để bản thân sống thay thế cho Đoàn Niệm Tâm.
Và việc ấy đồng nghĩa với việc người hiện đang ngồi đối diện với Trần Thuyên sẽ không phải là tôi.
Bỗng dưng lại có chút gì đó mất mát.
"Có vẻ như...!nàng đang dần thay đổi." Trần Thuyên ngập ngừng.
"Thay đổi...?" Tôi híp mắt hỏi.
Anh vội nói: "Đừng nghĩ nhiều, ta lại cảm thấy rất tốt."
"Ồ." Tôi chỉ cười, không đáp lại.
Tôi biết Trần Thuyên đang nói về điều gì.
Cũng mới đây thôi, em trai Đoàn Nhữ Hài của tôi đã nhận xét rằng tôi "bớt nhiều chuyện hơn khi xưa".
Nghe có vẻ châm chọc nhưng tôi hiểu, ý của cậu ta là tôi thật sự rất ít nói.
Tôi không trêu chọc cậu ta, không đấu võ mồm, gần như đề xuất gì tôi cũng gật đầu.
Hiển nhiên chính bản thân tôi không nhận ra điều ấy, chỉ nghĩ rằng bản thân có phần lười biếng hơn trước.
Ai ngờ đâu còn là lười giao tiếp nữa.
Tôi cúi đầu thật thấp, vầng trăng trên cao in bóng trong chén trà nhỏ xíu mà tôi đang giữ chặt trong tay.
Gió xào xạc trên ngọn cây, tôi ngẩng mặt cười thật tươi: "Hay để tôi hát cho quan gia nghe nhé?"
Trần Thuyên ngẩn người, cười rộ lên: "Ta cầu còn không được."
Bầu trời đêm mùa hạ không một gợn mây, khiến người ta như nhìn rõ được cả dải ngân hà lấp lánh.
"Ta rong chơi phiêu lãng cuối trời
Đời bọt bèo phù du kiếp người
Dù qua bao nhiêu đắng cay vẫn cười
Vì đời còn mùa hạ tươi vui
Và lòng còn nhiều điều muốn nói..."
...!
Biết rằng vụ án Vè nói ngược vô cùng phức tạp và chính bản thân tôi không chừng đã bị cuốn vào ở một mức độ nào đó, nhưng nhớ rõ lời dặn dò của Trần Thuyên rằng tôi phải hết sức cẩn thận nên tôi quyết định tránh xa triệt để.
Không lén lút tìm hiểu, không hỏi han người trong cuộc, tôi nhận thấy cứ tiếp tục ăn rồi nằm qua ngày đoạn tháng là đủ rồi.
Hơn nữa, vụ án lần này có phủ Kiểm Pháp và thậm chí cả đám Dạ Hành xuất quỷ nhập thần của Trần Thuyên tham gia điều tra nên tôi cũng không cần quá lo lắng làm gì.
Hiếm có hôm nào thời tiết mát mẻ như chiều nay, tôi đồng ý cùng Đông Ly ra chợ chơi một vòng, tiện thể ăn vài cái bánh đúc lạc.
(2)
Đông Ly rất khó tính, cô nàng ngó nghiêng chọn lựa mất cả buổi rồi mới kéo tôi vào một gánh hàng rong ở góc chợ.
Cô gọi một lèo năm cái bánh đúc, sảng khoái cười nói với cụ bà bán hàng.
Bà cụ già móm mém cười, tay thoăn thoắt cắt những chiếc bánh đúc dày thành từng miếng nhỏ, trong chốc lát đã đầy cả cái mẹt tròn.
Bà đặt xuống trước mặt chúng tôi thêm một bát tương vàng ươm, chưa ghé mũi vào đã thấy thơm thoang thoảng.
Tôi nhìn mà muốn chảy nước miếng, không đợi Đông Ly ngồi xuống liền dùng đũa nhón một miếng, chấm đẫm trong nước tương.
"Ôi, ngon quá!"
Miếng bánh đúc trắng mịn, thơm lành, vị thanh của bột gạo kết hợp với chút bùi bùi của lạc đã là "siêu phẩm", khi quyện đều với nước tương ngọt đậm đà thì không cần phải tả thêm nữa rồi.
Được ăn ngon nên tâm trạng của tôi cũng tốt lên không ít.
Chợ về chiều đông đúc ồn ào, người qua kẻ lại như đưa thoi.
Từng tốp trẻ con chạy ào ào, nô đùa đến là vui vẻ.
Đông Ly chợt thở dài một hơi: "Làm trẻ con thật là thích."
Tôi bật cười trêu chọc cô nàng: "Gì mà thở than như bà cụ thế hử?"
Cô liền lắc lắc đầu, lè lưỡi.
Có đứa nít ranh chạy tới gần chỗ chúng tôi gào lên: "Tao học thuộc rồi nhé!"
Cách đó vài bước chân là ba bốn đứa trẻ, trai có gái có, điểm chung là trông rất hống hách.
Một đứa hếch cái mũi lên tỏ vẻ ngông nghênh: "Đồ bốc phét.
Tao không tin mày!"
Nít ranh đứng gần tôi cãi lại: "Tao nói thật mà! Chúng mày cho tao chơi cùng đi."
Đông Ly nhìn tôi cười trộm.
Khi còn nhỏ, điều mà ta sợ nhất chẳng phải là không có bạn chơi hay sao?
Đám con nít kia liền nhao nhao lên đòi đứa trẻ phải chứng minh.
Nó chống nạnh, hít một hơi rồi gào lên: "Gánh gánh gồng gồng, gánh sông gánh núi, gánh củi gánh cành,..."
Cả người tôi cứng đờ, tiếng đám trẻ tranh nhau đọc bài đồng dao như dội thẳng vào đầu khiến tôi quay cuồng.
Đông Ly phải gọi mấy lần tôi mới bừng tỉnh, vội đứng dậy định bụng đuổi theo mấy đứa nít ranh kia hỏi cho ra nhẽ.
Vì sao chúng lại biết bài đồng dao này? Có người dạy chúng hay sao?
Bật dậy quá đột ngột, tôi không may va vào một cô gái đang bước đến.
Cả hai lảo đảo một hồi, tôi vội vàng xin lỗi rồi quay người thật nhanh.
Có tiếng phụ nữ quát nạt: "Đứng lại!"
Tôi khựng lại, tò mò không biết ai là người vừa kêu toáng lên như vậy.
Ngờ đâu lại chính là thiếu nữ tôi vừa đụng phải, trông vẻ mặt có phần bực tức.
Cô gái mặc giao lãnh khoác ngoài màu xanh nhạt, nhấc tay một cái thướt tha vạn phần.
Nhìn qua cũng biết đây là người có tiền.
Phía sau thiếu nữ còn có một hầu gái cùng hai hộ vệ cao to đang nhìn chằm chằm vào tôi không chút kiêng kỵ.
Ồ, trông quen mắt vậy ta?
Đông Ly trả tiền bánh đúc xong, nhón chân một cái đứng phía sau tôi rồi thấp giọng nói: "Là quận chúa Thánh An đó ạ."
Bên kia cô hầu gái cũng thì thầm vào tai Thánh An vài câu, tôi nhớ ra cô ta tên là Xuân Hương.
Còn hai vị hộ vệ kia hẳn là hai anh em từng trợ giúp điều tra, tôi không quá để tâm nên quên tên rồi.
Chỉ thấy Thánh An bước lên một bước, tay vén tóc mai, miệng kéo lên một nụ cười khinh thường: "Ồ, thì ra là tiểu thư Niệm Tâm nổi danh.
Ta lại cứ tưởng dung mạo phải xinh đẹp như tiên cô giáng trần, ai ngờ lại trông tầm thường đến mức này!"
——————
(1) Luật pháp Đại Việt quy định về nô lệ: Thực tế mình chưa tìm được tài liệu nào ghi chép về nó nên tự chế ra vậy.
Các thông tin khác về "gia nô" và "nô lệ" mình tham khảo ở FB Văn Hoá Lịch Sử.
(2) Bánh đúc: Theo tìm hiểu của mình thì bánh đúc xuất hiện từ thế kỷ 19 (cũng không rõ có đúng không), nghĩa là thời Trần không có bánh đúc.
Tuy nhiên thì đây là loại bánh ưa thích lâu lâu lại thèm của mình, lúc viết truyện cứ hay nghĩ đến nên mới thêm vào tình tiết truyện..