Marguerite (Ngày Xuân)



Lần đầu Hứa Tri Nhan gặp được Trình Liệt là mùa hè chín năm về trước, khi ấy cũng mưa gió liên miên, trời trút xối xả. Cống thoát nước tắc hoài tắc mãi, cánh nhài tàn buông mình vô số dưới sân khu.

Năm đó cô 17 tuổi, chuẩn bị lên lớp 12.

Ba mẹ Hứa luôn không bằng lòng với thành tích xuống dốc không phanh của con gái. Hai vợ chồng bàn nhau, quyết định cho Hứa Tri Nhan học thêm vào kỳ nghỉ hè từ lớp 11 lên 12. Họ mong con gái lấy lại phong độ, học bán mạng mà đậu vào đại học Tùy Thành.

Vu Diễm Mai nấu ba món mặn, một món canh, gồm sườn kho, mướp đắng xào trứng, ớt xanh xào thịt và canh trứng rong biển cho bữa tối.

Bà nói: “Được ăn hai miếng sườn, buộc phải ăn một bát canh, không được quên ba muôi rau xào mỗi loại.”

Hứa Tri Nhan không nói gì, như đã tập thành quen với quy định bất thành văn này.

Cơm mới vào miệng, Vu Diễm Mai lại cất giọng hà khắc: “Bố mẹ tìm gia sư tại nhà cho con rồi, là sinh viên năm hai đại học Tùy Thành. Nghe nói đã làm gia sư nhiều, rất có kinh nghiệm với các dạng bài cấp ba. Đầu giờ chiều mai cậu ấy sẽ đến, học từ một đến bốn giờ thứ Sáu và Chủ Nhật hàng tuần.”

Hứa Chí Tiêu mấp máy môi, giọng không lạnh nhạt, nghiêm khắc như Vu Diễm Mai, nhưng cũng phụ họa: “Hồi học cấp hai con luôn đứng đầu mà, bây giờ cố lên một chút, đừng hủy hoại tương lai. Ba… với mẹ cũng chỉ muốn tốt cho con thôi.”

Biểu cảm của Hứa Tri Nhan trước sau như một, “vâng” cho có như nghe theo.

Hứa Chí Tiêu nhìn vào mắt cô, mấy lời còn muốn nói lại đành nuốt xuống.

Mâm cơm này vẫn chỉ có tiếng đũa bát “leng keng”, không ai tiếp lời ai. Bể cá chữ nhật bên cạnh nổi bong bóng, rong biển giả đong mình theo quy luật, cá bơi đáy bể trơ mắt nhìn họ đăm đăm.

Tĩnh mịch, ngột ngạt và đều ôm tâm sự riêng.

Ăn tối xong, đúng bảy giờ, Hứa Chí Tiêu xem bản tin thời sự trong phòng khách, Vu Diễm Mai rửa bát rồi hâm sữa cho Hứa Tri Nhan.

Sữa được bưng vào phòng lúc cô đang ngồi bàn làm bài tập hè. Cốc thủy tinh tiếp xúc với mặt bàn kính cái “cạch”, như lời áp đặt cứng ngắc, “cấm nói không” trong đêm tối.

Vu Diễm Mai nói: “Mười giờ, tắt đèn đi ngủ.”

Hứa Tri Nhan đang khoanh đáp án chính xác trên đề Tiếng Anh, vẫn luôn cúi đầu, lại “vâng” như một thói quen.

Cửa phòng khép lại, chặn đứng những lời rành rọt, mượt tai của người dẫn chương trình từ phòng khách.

Cửa sổ trước bàn học rộng mở, lưới chắn muỗi sạch bong, không nhiễm dù chỉ chút bụi. Tầng 7 đã được coi là cao với thành phố nhỏ kém phát triển này. Phía đối diện sáng đèn, tầng dưới loáng thoáng tiếng cơm nước, chào ông chào bà sao mà giòn giã lắm.

Hứa Tri Nhan làm xong câu trắc nghiệm cuối cùng, bỗng nghe trời đổ mưa. Bất thình lình mà nặng hạt, nước mưa ngoài cửa sổ hắt vào. Cô đặt bút xuống, đứng dậy đóng cửa.

Nước mưa lành lạnh đáp trên cánh tay, không khí tươi mát, dễ chịu ùa tới như quét sạch oi bức ngày hè trong phút chốc.

Cô đóng cửa kính, chống hai tay trên bàn, chăm chăm hướng bên ngoài, cuối cùng quay lại nhìn cốc sữa nguội, đóng váng trên bàn.

Cô đổ sữa vào chậu hoa trên bệ cửa sổ. Ấy là một gốc lưỡi hổ (1) tươi xanh, tràn đầy sức sống cô mới mua đợt trước.

(1) Cây lưỡi hổ:

"cayluoihodebangiare"

Hứa Tri Nhan cầm cốc không ra khỏi phòng, vào bếp rửa sạch, bản tin thời sự đã gần hết.

Cô rửa cốc rồi ra trước cửa lấy ô, nói với Hứa Chí Tiêu: “Con xuống cửa hàng tiện lợi dưới nhà một tí ạ.”

Hứa Chí Tiêu “ừ”, hỏi: “Định đi mua gì à? Đang mưa đấy.”

“Mua ít giấy với bút ạ.”

“Ừ, thế đi nhanh rồi về, cẩn thận đường trơn.”

“Vâng, con biết rồi.”

Hứa Tri Nhan không đi thang máy xuống, thang bộ quạnh quẽ vang bước chân cô. Đèn cảm ứng mỗi tầng sáng lên, cán ô dài chống xuống bậc thang. Một tầng có 13 bậc thang, bảy tầng là 91 bậc.

Khu nhà này đã lâu đời, nghe nói là một trong những khu được phá bỏ và di dời sớm ở Lư Châu. Khi ấy Hứa Chí Tiêu và Vu Diễm Mai nhận được món bồi thường giải phóng mặt bằng nhỏ, đến giờ vẫn không phải lo về vấn đề tài chính.

Ngoài khu có bến xe, năm tuyến buýt đều đi qua đây. Vài hàng quán nhỏ ven đường mở lên sập xuống như cơm bữa, chỉ có cửa hàng tiện lợi này là trụ vững.

Cửa hàng rất nhỏ, không cho phép cô nán lại lâu.

Cô lấy hai tập giấy kẻ ngang li đỏ và một cây bút nước mực đen, đi qua tủ lạnh còn tiện tay nhặt thêm lon Coca Zero.

Tính tiền xong, Hứa Tri Nhan đứng dưới mái hiên cửa hàng tiện lợi, vặn mở nắp chai. Nước ngọt ướp lạnh trôi xuống cổ họng, sảng khoái cả người.

Mưa thêm nặng hạt, người đi đường vội vã.

Cạnh cửa hàng tiện lợi có tiệm hoa mới mở, bồn lưỡi hổ kia cũng được mua ở đó.

Bà chủ còn rất trẻ, chỉ ngoài 30. Hứa Tri Nhan ấn tượng khá sâu vì bà chủ là người tàn tật, không còn bắp chân.

Đội mưa, bà chủ cố chống nạng, áy náy chào người chuyển hoa đến. Tới lui mấy chuyến, người này bê hoa vào bằng tốc độ nhanh nhất có thể.

Bà chủ nói: “Không hiểu sao tự nhiên lại mưa, phiền các anh quá!”

Người đàn ông cỡ 40 cười thoải mái: “Có gì đâu, làm ăn có qua có lại. Dầu gì cũng là người quen, chuyện nên làm ấy mà. Này Trình Liệt! A Liệt! Lan Quân Tử và Thường Xuân mười lăm bồn mỗi loại, đừng kiểm nhầm đấy! Còn thừa thì chuyển cho bên phía Tây thành phố.”

“Kiểm đúng rồi, không thiếu đâu ạ.” Giọng thanh niên vọng ra từ tiệm hoa.

Hứa Tri Nhan đánh mắt về bên đó mấy lần, chỉ thấy bóng ai cao ráo đứng ngược sáng, khó nhận mặt trước cửa tiệm hoa.

Cô thôi nhìn, uống nốt ngụm nước ngọt rồi bóp lon, ném chuẩn vào thùng rác cách đó mấy mét.

Bung ô, cầm giấy bút bước vào màn mưa, cô không còn dính dáng tới thành phố sôi nổi, đậm hơi người này nữa.



Hôm sau là Chủ Nhật, như thường lệ, chiều đến Hứa Chí Tiêu đi làm ở nhà máy tiện đường sẽ đèo Vu Diễm Mai một đoạn.

Hứa Chí Tiêu là quản lý sản xuất ở công ty bánh bích quy, luôn ở ký túc xá nhà máy từ thứ Hai đến thứ Sáu. Thỉnh thoảng ông về nhà vào đêm thứ Sáu, có khi là trưa thứ Báy, nhưng mỗi chiều Chủ Nhật chắc chắn sẽ lái xe lộn về nhà máy.

Nhà họ ở phía Nam, nhà máy lại ở phía Tây thành phố, cách nhau cả quãng đồng.

Bảy, tám năm rồi Vu Diễm Mai không đi làm, chuyên tâm trở thành một bà nội trợ full-time. Bà đăng ký rất nhiều khóa học, ví dụ như vài buổi tư vấn tâm lý hay những khóa học nấu ăn nối tiếp.

Đầu giờ chiều nay, đáng ra Vu Diễm Mai phải ngồi xe Hứa Chí Tiêu, tham gia lớp nấu ăn. Vì có gia sư đến dạy Hứa Tri Nhan, Vu Diễm Mai không đi nữa.

Cửa phòng ngủ Hứa Tri Nhan mở toang, quạt điện đưa gió hiu hiu, cô đang ngồi bàn đọc truyện giải trí.

12 giờ 50, Hứa Chí Tiêu chuẩn bị đi, vừa mở cửa đã gặp ngay gia sư đang định bấm chuông. Hứa Chí Tiêu giả lả quen rồi, ông nhiệt tình mời gia sư vào nhà, khách sáo một chập mới lấy chìa khóa xe đi làm.

Hứa Tri Nhan nghe tiếng bèn bỏ cuốn truyện trên tay xuống, lễ phép ra khỏi phòng đón gia sư.

Gia sư là nam, tay cầm ô kẻ ca rô màu xanh lam còn đọng nước. Vu Diễm Mai đưa túi nilon, anh bọc cẩn thận lại rồi để trên tủ giày.

Khác hoàn toàn với tưởng tượng của Hứa Tri Nhan rằng dù nam hay nữ cũng sẽ là một gia sư nom học thức, nho nhã, phong cách của vị trước mắt này quả là một trời một vực.

Thanh niên đứng trước mặt Vu Diễm Mai, cao hơn bà khoảng nửa cái đầu.

Anh mặc áo sơ mi ngắn tay, bên trong là áo phông trắng có họa tiết chữ. Vạt áo sơ mi rộng mở, quần dài đen sẫm phẳng phiu phác lên đường cong rắn chắc của đôi chân.

Có lẽ vì trời mưa to, mái tóc ngắn đen tuyền hãy còn nhỏ giọt, trượt qua thái dương, dọc theo góc cạnh rõ ràng của gương mặt.

Sống mũi cao thẳng đỡ gọng kính viền bạc, người đeo kính thường toát lên vẻ thư sinh, song anh lại không vậy.

Ẩn sau mắt kính là đôi mắt đen đặc nhuốm hơi Đông, đẹp thì đẹp đấy, nhưng sao cô quạnh quá.

Trẻ tuổi, ổn trọng, căng tràn sức sống.

Ấn tượng đầu tiên của Hứa Tri Nhan về anh là vậy.

Vu Diễm Mai không thể hiện ra mặt, song có vẻ hài lòng, vẫn cất điệu lạnh như băng thường thấy: “Đây là Hứa Tri Nhan, con gái tôi. Trước đây nó học cũng được, lên cấp ba bắt đầu sa sút, mong cậu xem tình hình rồi phụ đạo cho nó. Học thử trước một tháng, nếu có hiệu quả, tháng Tám lại tiếp tục.”

Theo lời Vu Diễm Mai, thanh niên nhìn về phía Hứa Tri Nhan. Cô cũng gật đầu với anh coi như chào hỏi.

Cô học trò này không thấp, mặc áo phông đen với váy bò, lộ đôi chân thẳng tắp mà nuột nà.

Vu Diễm Mai chỉ phòng của Hứa Tri Nhan, nói: “Học trong phòng của con bé luôn, bật điều hòa cũng được, nhưng không được đóng cửa.”

Người thanh niên gật đầu, kéo quai túi trên vai phải xuống, tiến về phía Hứa Tri Nhan.

Anh nói: “Bắt đầu thôi.”

Hứa Tri Nhan dẫn anh vào phòng.

Diện tích phòng không lớn, liếc mắt đã thấy giường kê sát tường, cuối giường là tủ âm, phía trên là bàn học.

Tường màu trắng, bốn món đồ gia dụng màu đen, giá chật kín những cuốn sách lâu năm đã ố vàng.

Bàn học thậm chí còn tối giản hơn, chỉ độc một chiếc đồng hồ nhỏ, thêm chồng sách cấp ba và ống đựng bút. Dưới mặt kính kẹp vài bức ảnh cũ phai màu, khó nhìn ra hình.

Căn phòng toát lên vẻ cứng nhắc, lạnh lẽo, thiếu hơi người, duy có bồn lưỡi hổ là không đồng điệu với nơi này.

Rèm cửa xám đậm buộc tách sang hai bên, màn mưa ngoài khung cửa lớn vẫn ồ ạt như trước. Nước mưa rẽ uốn trên cửa kính, trận mưa này không ngơi nghỉ suốt từ đêm qua.

Ngày hè tháng Bảy, khí trời oi bức bắt đầu chuyển lạnh.

Hứa Tri Nhan lôi ghế đẩu trong xó ra, nhường ghế dựa cho anh.

Anh không chịu, chỉ rút hai đề thi Toán cuối kỳ lớp 11 của thành phố khác ra khỏi túi.

Đặt đề thi trên bàn, anh nói: “Kiểm tra thử kiến thức nền của em trước. Chắc mẹ em có nói rồi, anh gia sư Toán, nhưng nếu gặp vấn đề với các môn khác, anh cũng giúp được. Với nếu tiện thì cho anh xem bài thi cuối kỳ của trường em nữa.”

Hứa Tri Nhan ngồi xuống ghế bên cạnh, dẹp cuốn truyện giải trí đọc trước đó sang một bên, lôi bài thi cuối kỳ lần trước ra khỏi ngăn kéo bên trái.

Người thanh niên cầm bài thi, vừa xem vừa nói: “Quên không tự giới thiệu, anh họ Trình, Trình Liệt, Liệt trong “lạnh lẽo” (2).”

(2) Liệt trong凛冽 – [lǐnliè: lẫm liệt], nghĩa là lạnh lẽo, lạnh thấu xương.

Giọng nói trầm thấp giàu sức hút, toát lên vẻ biếng nhác đâu đây.

Nghe có gì quen lắm, mà cô cũng không nghĩ nhiều.

Hứa Tri Nhan khẽ “vâng”, cầm bút lên bắt đầu làm bài thi anh đưa.

Trình Liệt để ý đến tên Hứa Tri Nhan cô ghi trên bài thi. Vừa rồi Vu Diễm Mai giới thiệu anh không nghe rõ, tưởng là Trí Nghiên hay Chi Yến, ra là Tri Nhan.

Trình Liệt ngồi xuống, lấy bút và sách trong túi ra, ghi lại những câu cô làm sai.

Không giống những học sinh anh từng dạy trước đây, kiến thức nền của cô khá vững, đến khi gặp câu khó hơn mới không làm được. Điển hình như vài câu điền vào chỗ trống, hai câu trắc nghiệm cuối cùng hay câu thứ hai, thứ ba của phần tự luận.

Hệ thống lại kiến thức cho cô, Trình Liệt tiện thể hỏi: “Mẹ em bảo thành tích cấp hai của em khá ổn, thi lên cấp ba xếp thứ mấy?”

Hứa Tri Nhan dửng dưng: “Chắc thứ 46.”

“Thứ 46 của lớp hay của khối?”

“Của thành phố.”

Bầu không khí đông đặc chỉ trong vài giây.

Trình Liệt dừng bút, bất giác ngẩng đầu nhìn cô.

Cô cúi đầu, nắn nót viết trình tự giải bài. Mái tóc dài đen bóng đổ lọn một bên, gương mặt trắng nõn như mỡ dê hảo hạng, đuôi mắt hẹp dài, con ngươi màu hổ phách trong ngần. Hẳn do nước da quá trắng, nốt ruồi nhỏ màu cà phê nơi khóe mắt dễ nhận hơn cả.

Vừa rồi cô đứng đón ở cửa, anh đã chú ý thấy rồi.

Cô bạn này xinh đẹp, cao ngạo, như thể không quá quan tâm đến điều gì.

Đây là ấn tượng đầu tiên của Trình Liệt với cô.

Trình Liệt nói: “Thành tích trước kia của em đúng là rất khá, lên cấp ba xong không theo kịp à?”

Hứa Tri Nhan không ngờ gia sư còn kiêm thêm làm công tác tư tưởng, cô ngước mắt nhìn anh, cười nửa miệng.

Cô đáp: “Chắc là không theo kịp.”

“Ngoài chuyện học ra, còn việc gì khiến em phân tâm không?”

“Phân tâm à… Đọc truyện có tính không?”

Trình Liệt: “Đọc truyện gì?”

Hứa Tri Nhan: “Vài quyển truyện thiếu nhi.”

Trình Liệt chú ý đến quyển truyện có tên “Tiểu Mã Tinh Nghịch”. (3)

(3) Truyện còn có tên tiếng Anh là Mo’s Mischief: Teacher’s Pet, một trong những bộ truyện best seller dành cho thiếu nhi của Trung Quốc.

Hứa Tri Nhan cho là người này sẽ lạnh mặt nhìn mình, không ngờ chỉ sau mấy giây, anh chợt nhếch miệng. Gương mặt trẻ trung, điển trai nhiễm thêm vẻ vô lại khi anh cười, khó mà bắt được cảm xúc trong đôi mắt đen trong vắt ấy.

Anh gật nhẹ, chủ đề dừng ở đây, sau đó khẽ hất hàm về phía bài thi, ý bảo cô làm tiếp.

Hứa Tri Nhan nhướng đuôi mày, không nói gì nữa, tiếp tục viết bài giải trên nháp. Đáp án đã mười mươi, cô không nháp tiếp nữa mà trả lời thẳng vào đề.

Hết chương 1.Tác giả: Vẫn có người phát hiện tôi đáo hố, vui ó.

*

Bột: Anh gia sư lên sàn~

Tôi cũng vừa đọc vừa edit bộ này nên trong quá trình edit sẽ có chỗ chưa thống nhất cần phải sửa, cộng thêm tôi bận nên có thể lúc chương vừa đăng (có thể) là vẫn chưa beta, mong các bác thông cảm.

Các bác muốn đọc đỡ sạn thì có thể chờ tới hôm sau khi đăng chương nhé, vì thường thì đêm hôm đăng chương tôi sẽ beta lại.

Zậy thôi, vẫn chúc các bác đọc vui vẻ và cảm ơn các bác vẫn đồng hành với chị Lí + tôi~


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui