Marguerite (Ngày Xuân)

Yên tĩnh mới lập lại, cửa phòng đã bị gõ vang. Vu Diễm Mai chỉ gõ tượng trưng, sau đó mang nước vào cho họ.

Hai cốc nước lập lờ hơi trắng, chẳng hề phù hợp với tiết hè oi bức này.

Trình Liệt hơi khát, cũng không thích uống nước ấm: “Phiền dì đổi nước lạnh giúp cháu được không ạ?”

Vu Diễm Mai không định đổi, xẵng giọng: “Nước ấm tốt cho sức khỏe.” Dứt lời bèn ra ngoài.

Hứa Tri Nhan nhìn anh qua khóe mắt: “Đợi hai mươi phút là nguội, nhà này không quen uống nước lạnh.”

Trình Liệt rũ mắt, cười khẽ như đáp lại.

Một buổi gia sư dài ba tiếng, Trình Liệt cho một tiếng rưỡi làm bài, Hứa Tri Nhan hoàn thành nhanh hơn dự liệu của anh khá nhiều. Nét chữ xinh đẹp, nắn nót trên giấy nháp li đỏ, trình bày tuần tự từng bước giải đề.

Đây là một thói quen tốt. Nháp cẩn thận vô cùng có ích cho việc tìm ra lỗi trong tư duy giải đề, từ đó sửa được lỗi sai.

Trình Liệt hệ thống kiến thức xong thấy Hứa Tri Nhan còn cắm cúi, bèn lấy sách Toán kỳ I lớp 12 ra làm.

Không rõ là trùng hợp hay Hứa Tri Nhan biết cách sắp xếp thời gian, kim đồng hồ điểm đúng 2 rưỡi, cô đặt bút, nói làm xong rồi.

Trình Liệt chấm bài thi mất 15 phút.

Hứa Tri Nhan uống cạn cốc nước sôi để nguội kia rồi dùng tay trái đỡ mặt, xem anh chấm bài.

Anh nhìn lướt qua đã biết đúng hay sai, không cần đối chiếu với đáp án sẵn có. Hứa Tri Nhan hỏi: “Anh nhớ hết đáp án đề này rồi à?”

Anh đáp: “Ừ.”

Hứa Tri Nhan liếc sang bài tập anh đang làm: “Sao phải làm bài của lớp 12?”

Trình Liệt dừng lại: “Sao em biết đây là bài lớp 12?”

“Đoán thôi.”  Cô đáp thản nhiên.

Trình Liệt không gặng hỏi, nghiễm nhiên nói: “Có học sinh muốn luyện bài lớp 12 trước, anh sợ dạy sai nên làm trước một lần. Cả đề thi này cũng thế, anh luôn làm trước khi đưa cho học sinh.”

Hứa Tri Nhan gật nhẹ, lấy cuốn “Tiểu Mã Tinh Nghịch”, lật hai trang tiếp.

Đề Trình Liệt mang đến là đề thi cuối kỳ Toán của trường cấp ba tốt nhất Tùy Thành, độ khó thuộc vào hạng nhất nhì cả nước. Bài làm này và bài thi cuối kỳ Toán của Hứa Tri Nhan cho thấy cách học nhàng nhàng, trung bình của cô ảnh hưởng trực tiếp đến điểm số. Gặp đề khó sẽ sai nhiều hơn, ví dụ như câu tự luận cuối cùng, cô thậm chí không giải được mục một nhỏ đầu tiên.

Trình Liệt chấm xong, định lấy nháp xem thì Hứa Tri Nhan giữ lại.

“Làm gì thế?” Cô hỏi.

“Xem thử trình tự giải của em.”

“Không cần thiết, không làm được là không làm được, anh giảng cho em đi.”

Trình Liệt lùi lại, bỏ tay khỏi bản nháp, ý khó hiểu và thăm dò dần dâng trong mắt.

Anh nói: “Anh thấy em viết nháp rất trình tự, tìm được câu hỏi và bước sai tương ứng sẽ có hiệu quả hơn là giảng lại từ đầu, đồng thời nhớ được dạng đề này lâu hơn.”

Hứa Tri Nhan đặt bản nháp sang bên cạnh, đè cuốn “Tiểu Mã Tinh Nghịch” lên. Cô chỉ vào câu cuối trong đề, cất giọng đều đều: “Thôi, cứ bắt đầu từ câu này đi, thầy Trình.”

Sự khách sáo, nụ cười nửa miệng kèm tiếng “thầy Trình” này thật lấn lướt làm sao.

Mắt đối mắt, ánh nhìn của cô toát lên vẻ cứng đầu, không chịu thua. Ấy cũng là hơi thở nổi loạn, kiêu căng, tự tin có một không hai ẩn dưới vỏ bọc ngoan hiền ở người này.

Trình Liệt không khăng khăng xem nháp, bắt đầu giảng từ câu khó nhất trong đề theo ý của Hứa Tri Nhan.

Trước kia anh từng gặp tuýp học sinh này, nhất là những cậu nhóc cấp hai đang tuổi nổi loạn bị phụ huynh ép đành phải học đối phó, không hiểu cũng nói hiểu, cố nghe giảng là xong.

Anh không rõ và cũng không hứng thú muốn biết vì sao lên cấp ba rồi lực học của cô bạn này lại xuống dốc không phanh, chỉ mong sự cứng đầu khó hiểu kia không ảnh hưởng đến đồng lương gia sư của mình.

Hứa Tri Nhan chỉ xù lông chốc lát, không hề học đối phó hay mất tập trung mà vô cùng chăm chú nghe giảng.

Trình Liệt buộc phải đánh giá cô bằng con mắt khác.

Giảng hết mục ba nhỏ,  anh hỏi theo thói quen: “Có hiểu không?”

Hứa Tri Nhan nhíu đầu mày gọn gẽ, khẽ “à” thì ra là thế.

Có lẽ vì thật sự hiểu bài, cô nở nụ cười, chớp mắt hỏi ngược: “Còn cách giải khác không ạ?”

Quả là một câu hỏi đáng khen.

Cô hứng thú với bài vở, không hề đối phó, càng thông minh hơn anh nghĩ nhiều.

Trình Liệt lấy giấy nháp trắng, vừa viết “cách 2” vừa nói: “Có.”

Hứa Tri Nhan nói: “Giảng em nghe.”



Một tiếng rưỡi còn lại, Trình Liệt giảng thêm những câu sai và củng cố kiến thức còn hổng trong bài thi cuối kỳ cho Hứa Tri Nhan. Cô hợp tác trong cả quá trình này, có thể được coi là học sinh học gia sư chuyên chú nhất anh từng dạy.

4 giờ chiều, lớp gia sư kết thúc. Trình Liệt dọn đồ chuẩn bị về, trước khi đi còn liếc qua bản nháp bị cuốn “Tiểu Mã Tinh Nghịch” đè lên.

Hứa Tri Nhan đứng dậy tiễn anh. Không sốt ruột như phụ huynh nhà khác, Vu Diễm Mai hỏi tiến độ học của con bằng giọng bình bình, lạnh tanh.

Trình Liệt đứng trước cửa trao đổi đôi câu với Vu Diễm Mai, nhìn thoáng qua Hứa Tri Nhan ngoài phòng ngủ, nói với bà: “Em ấy học khá ổn ạ.”

“Thế liệu có đỗ được đại học Tùy Châu không?” Vu Diễm Mai hỏi.

“Cái này cháu không dám chắc, phải xem lực học lớp 12 thế nào.”

Trình Liệt về rồi, Vu Diễm Mai vẫn nghĩ ngợi câu “xem lực học lớp 12 thế nào” mãi.

Bà nặng nề hỏi con gái: “Thấy gia sư này dạy thế nào? Nếu trong một tháng không giúp con cải thiện được thành tích thì đổi người khác luôn đi.”

Hứa Tri Nhan nhìn bể cá, đáp: “Anh ấy dạy cũng được ạ.”

Vu Diễm Mai không quá hài lòng với câu trả lời này của con, lại nghĩ dù sao gia sư này cũng đỗ đại học Tùy Châu, mới nói: “Cứ thử một tháng xem sao.”

“Vâng.”

Vu Diễm Mai cầm túi len đen và áo đan được nửa trên sofa về phòng.

Hứa Tri Nhan đứng ở cửa phòng một lúc, đến khi cá trong bể sải vây lách vào bụi san hô giả, cô mới lấy lại tinh thần.

Cô thôi nhìn, đang định về phòng, bỗng liếc thấy bọc ô kẻ caro màu xanh tím than đậm trên tủ để giày trước cửa.

Chiều đến dạy, gia sư kia đã để lên đó.

Hứa Tri Nhan quay đầu nhìn cửa sổ phòng mình, 4 giờ chiều trời hãy còn sáng. Trận mưa xối xả suốt từ đêm qua đã tạnh từ lúc nào,, bên ngoài không còn gió táp mưa sa, nước mưa dọc lớp kính nay chỉ đọng lại vệt khô cong.

Hứa Tri Nhan đáp tay trái lên cánh tay mà chà nhẹ, nhìn chiếc ô kia đăm đăm, cuối cùng vẫn dợm bước.

Cầm ô lên, cô đẩy cửa, rảo chân ra ngoài.

Thang máy lên rất nhanh, không để người phải chờ lâu.

Ra khỏi tòa nhà, đâu còn bóng dáng của Trình Liệt.

Hứa Tri Nhan không biết và cũng không đoán được anh đạp xe hay dùng phương tiện công cộng đến đây. Cô ra khỏi khu nhà, ôm ý định tìm thêm lần nữa.

Mưa tạnh hẳn, nền đất thô trong khu lõng bõng nước, luống nhài đua hoa quét đất bởi gió tạt, dăm ba bông dạt mình trên vũng trũng lênh đênh.

Đi được vài bước, nắng nhạt chợt đổ bóng, ánh lên nền đất loang loáng. Hứa Tri Nhan ngẩng đầu nhìn trời.

Nền trời được gột rửa sau ngày mưa, chân trời lam nhạt chập tối Hè dần hiển hiện sau những tầng mây u ám mà nặng nước. Trời chiều cách trở trao đời vài tia nắng, để thế giới này khoác lên mình lớp áo vàng son.

Ra khỏi khu, Hứa Tri Nhan nhìn quanh một chập, mới thấy bóng Trình Liệt giữa dòng người tan ca hối hả.

Anh tựa vào hàng rào khu phía sau bến buýt. Mấy bụi nhài lách mình qua song sắt, nụ hoa rung rinh như muốn bung nở.

Anh khoác ba lô trên vai phải, tay phải đút túi quần dài màu đen sao mà biếng nhác. Tay trái kẹp điếu thuốc đầy thuần thục, rít hết hơi này đến hơi khác.

Khi nhả khói cũng là lúc đôi mày chau nhẹ, cặp mắt khẽ nheo, con ngươi đen đặc ấy phủ thêm chút hững hờ và lãnh đạm.

Ráng chiều rọi lưng, rát tầng nắng rực rỡ lên bóng ai rắn rỏi. Đứng ngược sáng khiến đường nét của anh thêm rõ ràng, góc cạnh, đặc biệt yết hầu nhấp nhô khi rít thuốc kia. Là tiểu tiết thật đấy, nhưng lại quyến rũ đầy khó hiểu. Ngay cả cặp kính gọng bạc cũng tôn lên vẻ người lạ chớ gần ở người này.

Hứa Tri Nhan nào kiềm nổi, cứ nhìn mãi một lúc lâu.

Bến xe hối hả người lên người xuống, ai ai cũng vội đến bến chưa bị màn đêm gặm nhấm, chỉ mình Trình Liệt bình chân như vại đưa mắt nhìn tất thảy, không mảy may màng đến xung quanh.

Trình Liệt…

Hứa Tri Nhan lẩm nhẩm cái tên này hai lần, cặp mày xinh xắn khẽ nhếch, nghĩ bụng đúng là người sao tên vậy.

Cô cầm ô bước đến, giày thể thao trắng lấm bẩn vì giẫm lên vũng nước đọng.

Hẳn do thấy người qua góc mắt, chưa đợi cô đến gần, anh đã quay nhìn rồi liếc xuống chiếc ô kia.

Anh kẹp đầu lọc rít hơi cuối cùng, nghiêng đầu nhả khói, dập nửa điếu thuốc chưa hút hết.

Hứa Tri Nhan sang đến nơi, xung quanh đã không còn mùi khói, song vẫn nghe ra mùi thuốc cực nhạt vẩn vít đâu đây.

Cũng không gây khó chịu lắm.

Hứa Tri Nhan đưa ô cho anh: “Anh quên cái này.”

“Cảm ơn.” Trình Liệt nói.

“Không có gì.”

Không còn chuyện gì khác, Hứa Tri Nhan gật nhẹ, xoay người về nhà.

Bóng thiếu nữ uyển chuyển, mảnh khảnh mà cân đối. Ánh tà dương tôn lên nước da trắng nõn, tựa thiên nga kiêu hãnh uốn vành cổ tinh tế, toát lên hơi thở trong trẻo mà cao quý thường trực. Chỉ là cô thiếu vẻ phấn chấn nên có, bởi đáy mắt kia ngập tràn những mờ mịt và uể oải.

Trình Liệt híp mắt dõi theo bóng lưng cô xa dần, sau lại cúi đầu nhìn chiếc ô trên tay.

Đúng lúc buýt số 403 tấp bến, Trình Liệt thôi nhìn, tháo kính rồi nhanh chân leo thang, lên xe.

Hết chương 2.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui