Mắt Âm Dương I

Chợt Vương Uy thấy lòng tự nhiên chùng xuống, cả người toát mồ hôi
lạnh, liên tục mấy lần giật bắn lên như bị điện giật, ngay cả
lòng bàn tay cầm đuốc của anh cũng đẫm mồ hôi. Toàn bộ cung
điện quả thực không có một con rắn đen nào, vậy đàn rắn đông
như thế trong nháy mắt có thể đi đâu?

Nhị Rỗ đứng dưới chân tháp hỏi vọng lên:

- Chỉ huy có thấy gì không?

Vương Uy cau mày, nói:

- Nơi này thật kỳ dị, không thấy bóng dáng con rắn nào cả,
chỉ có cung điện băng và rừng tháp băng mà thôi, quả là quái
gở.

Vương Uy quan sát kỹ động tĩnh phía dưới, rồi thoăn thoắt leo xuống. Vừa xuống đến mặt đất, bỗng anh đá phải vật gì đó,
vật đó phát ra một tiếng leng keng rồi lục cục lăn ra xa.

Dương Hoài Ngọc và Nhị Rỗ vội đuổi theo, chỉ thấy vật kia
bị đá văng ra xa bốn năm mét, Dương Hoài Ngọc vừa nhặt lên đã
kêu “ôi” một tiếng.

Nhị RỗDương Hoài Ngọc chạy đến, thoạt trông thấy vật đó,
Vương Uy đã giật thót mình, chẳng phải đó là cái tẩu thuốc
không lúc nào rời khỏi miệng lão Tôn hay sao? Tại sao nó lại ở đây?

Nhị Rỗ chen vào:

- Chẳng phải đây là cái tẩu lão Tôn vẫn ngậm hay sao?

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc cùng gật đầu. Dương Hoài Ngọc sa
sầm nét mặt, lão Tôn nuôi cô từ nhỏ, tuy Nhị Rỗ đã vạch ra
bấy nhiêu điểm khả nghi về lão Tôn, nhưng cô vẫn luôn lo lắng cho lão. Suốt mười năm nay Dương Hoài Ngọc chưa bao giờ thấy cái
tẩu thuốc này rời khỏi miệng lão Tôn, vậy mà bây giờ cái tẩu thuốc lại rơi vào cung điện này, hẵn lão Tôn lành ít dữ
nhiều, có lẽ đã chết rồi cũng nên.

Vương Uy nói:

- Hai người có để ý không? Dọc đường chúng ta từ bức tường
âm dương đến đây, trên mặt đất phủ đầy bụi bặm, ắt nhiều năm
nay không có người lai vãng, chắc chắn lão Tôn không thể đến
cung điện băng trước chúng ta được.

Nhị Rỗ gật đầu, xoắn nửa chòm râu dê, nghiêng đầu suy nghĩ, rồi nói:

- Vậy lão theo sau chúng ta vào đây à? Có lẽ lúc chúng ta ở Thần Thú đại điện thì lão ta tiến vào. Âm thanh lúc đầu mà
mọi người phát hiện không phải là tiếng “ma hành quân”, cũng
không phải tiếng giậm chân, mà là tiếng chân người đi, từng
bước từng bước một, phải không nào?

Vương Uy nhớ kỹ lại tình cảnh lúc bấy giờ, thấy quả đúng
như vậy. Đó không phải là tiếng chân dồn dập của một đoàn
người, mà chỉ là những âm thanh rất đơn điệu. Chính là tiếng
chân của một người, bước đi rất cẩn thận, đi một bước, nhìn
hai bước. Đội thám hiểm chỉ còn lại lão ta và Dương Hoài
Ngọc, cứ thế mà suy thì âm thanh lúc ấy chắc chắn là tiếng
chân của lão Tôn.

Lão Tôn vốn là kẻ cơ mưu, cứ dựa vào bản lĩnh của lão, dù không bám sát theo sau thì muốn lần theo dấu vết tìm ra hành
tung của ba người, cũng chẳng phải chuyện khó.

Nhưng chuyện kỳ quái ở chỗ, ban đầu lão Tôn tiến vào băng
cung đại điện, tiếp đó lũ rắn mới kéo đàn vào, sau khi vào cung điện
băng, cả lão Tôn và lũ rắn đều không cánh mà bay, đó mới chính là điều mọi người không thể hiểu nổi. Tòa cung điện thênh
thang như thế chỉ có một lối vào, còn lại xung quanh đều là
tường cao chót vót, tường vách kiên cố chừng nào, ba người đã
thấy cả, tuyệt đối không thể có chuyện phá tường xông vào

Vương Uy trầm ngâm một lát rồi bảo Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc:

- Hai người tìm quanh đây xem có gì khác nữa không, nhớ tìm kỹ nhé.

Hai người gật đầu, cầm lấy đuốc, mắt như đèn pha soi mói
nhìn lớp băng dưới nền. Vương Uy cũng bắt đầu tìm ở chỗ phát
hiện ra cái tẩu của lão Tôn.

Nhị Rỗ nhìn xuyên qua mấy tòa tháp băng, đi về phía trước
mấy chục mét, đột nhiên bó đuốc cầm trên tay tối sầm lại, cả
người nằm bò ra đất. Vương Uy biết có chuyện không ổn, vội
chạy tới hỏi to:

- Anh sao thế?

Nhị Rỗ nói:

- Chỉ huy và cô Ngọc lại đây mau lên, có chuyện rồi.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc vội chạy đến, thấy Nhị Rỗ đang
nằm bò ra trên mặt băng như con ếch, cau mày khụt khịt hít ngửi gì đó, dáng vẻ rất kỳ quặc.

Vương Uy lại gần xem xét, thấy trước mặt Nhị Rỗ có một
vũng máu, có điều vũng máu đã đông cứng lại, hòa làm một
với mặt băng.

Vương Uy hỏi:

- Chuyện gì thế?

Nhị Rỗ ngước lên, vẻ mặt hết sức nghiêm túc, khác hẳn thái độ cợt nhả mọi khi. Gã lại cúi xuống ngửi ngửi, đoạn nói:

- Thưa chỉ huy, là máu người, còn tươi, mùi còn tanh lắm.

Vương Uy nghe nói liền cầm đuốc tiến lên phía trước vũng
máu, dọc đường, anh soi đuốc thật thấp, để có thể thấy rõ mặt băng, không bỏ sót một dấu vết nào. Quả nhiên phía trước lại
thấy lấm tấm vết máu, có điều đã đông cứng lại trên mặt băng, màu sắc nhạt vô cùng, nếu không nhìn kỹ thì khó mà thấy
được.

Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc theo sau Vương Uy, thấy Vương Uy đã
có phát hiện, trong lòng rất kích động. Ba người tiếp tục
tiến lên phía trước, tìm thấy vết máu nữa, cuối cùng mấy người dừng ở một góc tường phía sau băng cung.

Vũng máu nằm dưới chân tường rất lớn, lại không hoàn chỉnh, nhìn vết máu loang ở chân tường hình như chỉ có một nửa vũng
máu, cũng có nghĩa là bức tường băng này đã cắt ngang một
phần vũng máu. Thấy vậy, Nhị Rỗ buột miệng

- Mẹ kiếp, chả nhẽ lão Tôn chui vào trong bức tường băng này rồi sao?

Trán Vương Uy lấm tấm mồ hôi. Đáng lý ra, cung điện băng này
đã tồn tại hơn một nghìn năm, tường băng lại kiên cố như thế,
con người không thể chui vào đấy được. Nhưng vũng máu rõ ràng
bị cắt ngang ở đây, đó là sự thật.

Vương Uy quan sát kỹ vết máu, đoạn ngoảnh lại bảo Nhị Rỗ:

- Anh giơ cao đuốc lên, soi vào tường ấy.

Nhị Rỗ vội làm theo, Vương Uy khom người, áp mặt vào chỗ
tường từ vết máu chiếu thẳng lên, nhìn kỹ hồi lâu, lúc ngước
lên, cả khuôn mặt đã đỏ lựng vì lạnh, phải lập tức đưa hai tay lên xát lấy xát để thật mạnh lên mặt. Nhị Rỗ hỏi:

- Chỉ huy có thấy gì không?

Vương Uy gật đầu, nói:

- Không sai, rất có khả năng lão Tôn chui vào bức tường băng
này rồi, tôi thấy trong đó có vết máu mờ mờ, chắc đến tám
phần là máu của lão.

Nhị Rỗ xoắn chòm râu dê theo thói quen, vẻ thắc mắc:

- Mẹ kiếp, thế này thì khác gì cái bệ đá ở rừng Xương Đô? Cái bệ đá trong mờ cũng có người chui vào đấy, ở đây cũng
thế, có khác là chui vào bức tường dày mấy thước thôi, đến tê tê khoét núi cũng không làm được như thế.

Vương Uy giơ cao đuốc, đi đi lại lại trước bức tường băng,
chợt như nhớ ra điều gì, anh đi dọc theo bờ tường về phía
trước, được một đoạn bỗng thấy trước mặt có vật gì đó.

Vật đó khá là kỳ lạ, anh nhìn thấy nó nằm trong bóng của
tòa tháp băng ngay phía trước bức tường. Tháp băng cách bức
tường phía sau chưa được một mét, lúc anh tới gần, ánh đuốc
soi rõ bóng ngôi tháp, nhưng cái bóng này hình như có vẻ gì
đó khang khác, trên đỉnh tháp hình như lại có thêm một cái
bóng nữa.

Vương Uy gọi Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc đến, đoạn đích thân
leo lên tháo, leo được nửa chừng, quả nhiên anh thấy có một vật đang dán chặt lên mặt tường băng, giữa tường băng và tòa tháp
còn có thứ gì đó vắt ngang.

Vương Uy dốc sức leo thoăn thoắt, lên tới đỉnh tháp, vừa trông xuống, anh bỗng giật thót mình. Hóa ra, thứ bám chặt lấy mặt tường băng là một bọc thuốc nổ, bên trên bọc còn có một cây
gậy, đầu kia của gậy chống vào đỉnh tháp.

Nhị Rỗ ở bên dưới trông lên thấy Vương Uy đứng sững trên đỉnh tháp, qua ánh đuốc, gã cũng thấy trên tường có vật gì đó,
nhưng không trông rõ được là gì, bèn gọi thật to:

- Chỉ huy, cái gì trên đó?

- Một bọc thuốc nổ. – Vương Uy trả lời.

Nhị Rỗ nhổ toẹt một cái, Dương Hoài Ngọc thấy bộ dáng thô
bỉ của Nhị Rỗ, không kìm được cau mày. Nhị Rỗ lại gọi toáng
lên hỏi Vương Uy:

- Không phải lão Tôn bày ra đó chứ?

Vương Uy nói:

- Không biết, nếu đúng như vậy, hẳn là lão định phá sập bức
tường này, vậy thì sao lại có thể chui vào trong tường, thật
là khó hiểu.

Nhị Rỗ nghiêng đầu, hét bảo Vương Uy:

- Anh cầm đuốc cẩn thận đấy nhé, đụng vào dây cháy chậm coi như chúng ta xong đời đấy.

Nhị Rỗ vừa dứt lời đã thấy ngọn đuốc của Vương Uy đang từ
từ ghé vào bọc thuốc nổ, anh đang ngồi trên cây gậy nối giữa
ngọn tháp và bức tường, nhìn bọc thuốc nổ như bị ma ám, ước
lượng độ dài, e rằng sắp đụng vào dây cháy chậm tới nơi.

Dương Hoài Ngọc cũng tái mét mặt, cô và Nhị Rỗ hét toáng
lên nhắc nhở Vương Uy bình tĩnh lại, nếu cho nổ bức tường băng thì mái
vòm cung điện không có gì chống đỡ, toàn bộ cung điện sẽ đổ sụp xuống,
chôn vùi ba người dưới lớp băng.

Kỳ quái là, mặc cho Dương Hoài Ngọc và Nhị Rỗ hét gọi thế nào,
Vương Uy cũng không nghe thấy, cừ từ từ ghé sát lại gần bọc
thuốc nổ. Nhị Rỗ đứng dưới sợ đến quặn cả ruột, gã siết
chặt nắm tay lại leo lên, bỗng nghe Vương Uy kêu to:

- Chạy nhanh ra khỏi điện đi…

Nhị Rỗ sững sờ, ngước nhìn thấy dây cháy chậm đang cháy,
không ngờ Vương uy đã bất chấp tất cả, châm lửa. Sau khi châm dây cháy chậm để đốt bọc thuốc nổ, Vương Uy tức tốc tụt từ trên
đỉnh tháp xuống. Nhị Rỗ tím mặt lại, chửi đổng Vương Uy một
câu, rồi cuống quýt tụt xuống, lao ra cửa cung điện theo Dương
Hoài Ngọc.

Vương Uy theo sau hai người, cũng chạy như bay. Ba người chạy
được hơn một trăm mét thì trong cung điện vang lên một tiếng nổ
như sấm rền. Trong ánh lửa đỏ rực, mọi người thấy bức tường
băng đã sạt mất một nửa. Cả cung điện liên tục rung lên bần
bật khiến Dương Hoài Ngọc nhất thời phát hoảng, trượt chân ngã lăn ra đất.

Nhị Rỗ vội đỡ cô dậy, ngoảnh lại thấy Vương Uy đứng dưới
một tòa tháp cách họ mấy chục mét, nhìn chằm chằm vào ánh
lửa đang lụi dần, chẳng hề có ý định bỏ chạy. Nhị Rỗ bừng
bừng tức giận, chạy đến trước mặt Vương Uy, quát to:

- Anh điên rồi à, còn không chạy nhanh lên, cả cung điện sắp
bị anh phá sập rồi đấy. Mẹ kiếp, anh đúng là phần tử phá
hoại trong quân đội Tứ Xuyên, tiểu đoàn cảnh vệ đã bị anh biến thành đại đội cảnh vệ, rồi cả đại đội cảnh vệ giờ chỉ còn trơ trọi mỗi viên tư lệnh, đã vào đến tận đây rồi vẫn chưa
chừa, còn lật tung Thần Thú đại điện, giờ lại cho nổ cả tòa
băng cung vô danh này, mẹ kiếp, anh có chịu thôi đi không?

Vương Uy đứng như tượng gỗ, mặc cho Nhị Rỗ lôi kéo, chửi bới thế nào, cũng không có phản ứng gì, cả cung điện đang rung lên bần bật, anh vẫn mặc kệ.

Nhị Rỗ thở dốc, Dương Hoài Ngọc cũng chạy đến, hỏi Vương Uy:

- Anh Uy, anh sao thế? Anh bất chấp nguy hiểm bản thân thì
cũng phải nghĩ cho mọi người với chứ, sao tự dưng lại cho nổ
bức tường băng?

Vương Uy đầy vẻ phấn chấn, anh nuốt nước bọt, nói:

- Hai người thấy không, bức tường băng đã được cho nổ thành công rồi.

Nhị Rỗ trừng mắt với Vương Uy, bỗng lộ vẻ nghi ngờ, nói:

- Chỉ huy thấy gì trên đó rồi phải không?

Vương Uy gật đầu, đáp:

- Không sai, tường tháp ở phía trên mỏng hơn bên dưới nhiều,
tôi còn thấy một thế giới khác ở bên kia bức tường băng nữa
kìa, bên đó thần kỳ lắm ấy.

Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc nhìn nhau như muốn hỏi, phải chăng Vương Uy bị điên rồi? Dù anh đã thấy thứ quái gở gì đi nữa,
thì trong thế giới ngầm này cũng chỉ có bóng tối mênh mông,
xác chết và không khí chết chóc bao trùm mà thôi. Nhị Rỗ nghĩ nát óc vẫn không giải thích nổi tại sao vẻ mặt Vương Uy lại
hưng phấn như thế. Gã chỉ có thể đoán rằng Vương Uy đã thấy
thứ quỷ dị gì đó nên bị ma ám.

Vương Uy vẫy tay với hai người, gọi họ lại, cùng bước vào
thế giới thần kỳ. Thấy Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc ra vẻ hoài
nghi, anh nói:

- Hai người đừng lo, tôi nghiên cứu kỹ bức tường kia rồi. Các bức tường băng trong phạm vi sát gần tòa tháp mỏng hơn những
bức tường băng xung quanh, thuốc nổ chỉ làm sạt lở một phần,
chứ còn lâu mới hủy được cả bức tường, yên tâm, băng cung không
sập xuống đâu mà sợ.

Dứt lời, anh rảo bước đi nhanh đến trước tòa tháp kia, thoăn
thoắt leo lên tháp, đến độ cao chừng bảy tám mét thì lấy đà
đu sang bên kia.

Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc nhìn mà trợn tròn cả mắt, thấy
ánh đuốc sáng lên ở phía kia bức tường băng, hai người cũng
đành theo Vương Uy đu qua.

Sát với bức tường băng ở phía bên kia cũng có một ngọn
tháp băng sừng sững, Vương Uy ngồi trên mái vòm tiếp ứng cho hai người. Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc đu sang, vừa ngẩng đầu lên
trông thấy cảnh tượng trước mặt, đều nhất loạt ngây ra, ngồi
phệt xuống ngay trên tháp.

Phía sau bức tường băng là một hang động lớn, Nhị Rỗ còn
trông thấy cả vách hang lồi lõm, nhưng điều làm họ kinh ngạc
nhất chính là sâu tít bên trong, ở nơi tận cùng của lòng hang,
hình như thấp thoáng có ánh sáng. Thứ ánh sáng đó không phải
là ánh lửa, mà giống như là ánh mặt trời bên ngoài vậy. Dưới lòng đất sâu cả nghìn mét này, sao lại có ánh sáng mặt
trời?

Lúc này họ mới hiểu tại sao Vương Uy lại châm thuốc nổ phá
sập tường băng, bất chấp cả việc ba người có thể bị vùi xác
dưới lòng đất. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ đã ở dưới lòng
đất quá lâu, sống biết bao nhiêu ngày không được thấy ánh mặt
trời, nay có thể trông thấy, quả là kích động biết bao.

Ba người từ trên tháp băng leo xuống, bố cục hang động này
cũng giống với cung điện bên kia, cứ cách mươi mét lại có một
ngọn tháp băng. Ba người cứ thế đi thẳng về phía có ánh sáng, lòng rất kích động, nói cho cùng, chỉ cần là người, phải ở
dưới một nơi tối tăm thế này chừng ấy ngày, có ai mà không
tuyệt vọng cơ chứ.

Ba người đi chừng nửa dặm đường mới dần dần tiếp cận được
nơi phát ra nguồn sáng, họ ngoặt qua mấy hang động, cuối cùng
ra đến cửa hang.

Cả ba cùng tròn xoe mắt, nhìn quang cảnh ngoài sức tưởng
tượng trước mặt. Nhị Rỗ véo vào tay một cái thật mạnh, kêu
lên:

- Mẹ kiếp, tôi không nằm mơ đấy chứ?

Chỉ thấy trước mặt là một hang động lớn, xung quanh chi chít những lỗ nhỏ chỉ bằng nắm tay lõm sâu vào vách hang, giống
như tổ ong vò vẽ. Kỳ quặc hơn cả là, không biết những hốc nhỏ này thông đến tận đâu, mà lỗ nào lỗ nấy đều phát ra những
cột sáng trắng, các cột sáng đó đan chéo vào nhau, khiến cả
hang động sáng trưng như ban ngày.

Ngay giữa hang có một cây cầu đá đủ để một người đi, dưới
cầu tối om om, những cột ánh sáng trên vách hang chiếu vào
vùng tối dưới cầu đều bị bóng tối hút hết.

Vương Uy đưa mắt quan sát hang động một lượt:

- Quái đản thật, chúng ta đang ở dưới cánh rừng ngầm, mà
cánh rừng ngầm lại nằm giữa hang động sâu bên dưới lòng đất,
lấy đâu ra ánh sáng?

Có điều hiện giờ không thể nào suy nghĩ kỹ về chuyện này
được, Vương Uy đi trước, Nhị Rỗ khóa đuôi, ba người bắt đầu rảo bước lên cầu đá. Đứng trên cầu, họ mới thấy gió trên cầu thổi
lồng lộng, đáy hang không biết thông xuống đến tận nơi nào,
thấp thoáng có thể trông thấy sương mù chờn vờn bay lên.

Cây cầu đá này có vẻ do thiên nhiên tạo thành, trên cầu đầy
các loại đá lổn nhổn đủ hình dạng, nhiệt độ trong hang lại
rất thấp, nên trên mặt cầu còn kết một lớp băng mỏng. Hai bên
cầu là vực sâu, mặt cầu lại rất trơn, nếu không phải lúc ở
trong cung điện băng, họ đã học được cách giữ thăng bằng trên
mặt băng thì e rằng hiện giờ khó mà qua nổi cầu. Hơn nữa, ba
người còn đi gần nhau, nếu một người sảy chân ngã xuống vực,
chắc hai người kia cũng không thoát khỏi.

Cây cầu đá chỉ dài mấy chục mét mà ba người phải đi mất
gần tiếng đồng hồ, đi một bước lại dò dẫm một hồi lâu, đảm
bảo thật thăng bằng mới dám đặt chân xuống. Sang đến bên kia
cầu, ai nấy đều nóng bừng bừng cả người, vừa cởi áo bông ra,
mồ hôi đã bốc hơi nghi ngút.

Nhị Rỗ dựa vào một tòa tháp, vung tay vung chân, chửi đổng:

- Mẹ kiếp, đúng là muốn lấy mạng người nên mới bày ra cái
cầu nát như thế, cầu Nại Hà dưới âm phủ cũng không chông chênh
thế này.

Ba người nghỉ một lúc, hơi nóng trên người tan đi, lại thấy
lạnh vô cùng, liền lập cập mặc áo bông lên, tiếp tục đi sâu
vào trong. Kỳ lạ là, những tòa tháp băng cũng trải dài theo
chiều dài của hang động, chỗ nào có hang động thì chỗ đó có
tháp băng.

Vương Uy dẫn đầu, rẽ vào một ngách hang, cách một vách núi
cản hết tầm nhìn, anh trông thấy phía trước có một luồng sáng xanh đỏ lập lòe đang bay tới, vội đi vòng qua vách núi bên kia.

Thế giới sau vách núi khiến người ta vô cùng kinh ngạc. Dưới chân ba người là một tảng băng khổng lồ, mỗi bề chừng mấy
chục mét. Bên dưới tảng băng là vực sâu thăm thẳm, ngoại trừ
tảng băng nơi họ đang đứng, gần đó còn rất nhiều tảng băng
tương tự, hình dạng lớn bé khác nhau, không biết được thứ gì
chống đỡ mà chúng đều ở trên cùng một độ cao.

Trên những tảng băng là hàng loạt tòa tháp sừng sững, cao
đến mười mấy mét, những tòa tháp này nhiều và san sát nhau
hơn những tòa tháp trong cung điện băng, cũng đẹp đẽ hơn hẳn.

Nhị Rỗ tặc lưỡi, nói:

- Những tháp băng này đẹp quá, e có khi cả Ủy viên trưởng Nam Kinh cũng chưa được thấy thứ gì đẹp hơn đâu.

Trên đỉnh hang và những vách hang xa xa là vô vàn luồng sáng
từ trong những hốc to bằng nắm tay tỏa ra, chiếu lên mặt băng,
trên đỉnh tháp. Bề mặt tháp băng và tảng băng đều trong suốt,
giao thoa, khúc xạ những luồng sáng ấy, tạo thành những quầng
sáng bảy sắc lung linh, đặc biệt là vầng sáng bao quanh đỉnh
tháp, đứng xa nhìn lại hệt như ánh hào quang lấp lánh bên dưới chiếc cầu vồng sau cơn mưa.

Từng tòa tháp băng được bao trùm trong vầng hào quang bảy
sắc khiến ba người đứng trên tảng băng phải mê mẩn ngắm nhìn.
Những vầng sáng đó tựa như những chiếc cầu vồng bắc trên đỉnh tháp, mãi không tan, chân thật mà hư ảo, chẳng khác nào tiên
cảnh.

Mọi nguy hiểm và kinh hoàng họ gặp phải trong thế giới dưới lòng đất này bấy lâu nay, trong khoảnh khắc đối diện với ánh
sáng thần tiên kia, thảy đều tiêu tan hết cả, những âm u, nặng nề
trong lòng cũng không còn, thay vào đó là sự bình yên, thư thái.

Ngay cả Dương Hoài Ngọc, một kẻ cướp lớn lên giữa biển cả
cũng bất giác cúi đầu, áp tay lên ngực cầu nguyện Thượng đế
hồi lâu mới ngước lên.

Nhị Rỗ đeo chiếc chuông Kim Cương có chết cũng không chịu rời vào thắt lưng, đoạn nhón chân đi tới giữa tảng băng, đi được
vài bước còn ngoảnh lại cười với Vương Uy và Dương Hoài Ngọc.
Nào ngờ trong hang bỗng nổi gió, còn to hơn cả lúc trên cầu, xô Nhị Rỗ ngã nhào về phía trước mấy bước, may có Vương Uy lao
tới giữ lại mới khỏi rơi xuống

Gió trong hang nổi lên khiến những ngọn tháp phát ra những âm thanh nghe như tiếng chuông bạc, trong trẻo vang vang, ngân dài
không dứt, theo gió lan xa.

Nhị Rỗ nằm bò ra trên tảng băng, được Vương Uy và Dương Hoài
Ngọc kéo lên trên từng tấc từng tấc một, sau một hồi cố gắng
cuối cùng cũng bò được đến một nơi tương đối bằng phẳng. Vương Uy và Nhị Rỗ đều nằm bò ra trên đỉnh tảng băng, lắng nghe
tiếng chuông phát ra từ những ngọn tháp, tựa hồ âm thanh từ
trên trời truyền xuống, nhìn Dương Hoài Ngọc hai bàn tay áp lên
ngực, nhắm mắt rũ mày, chợt có cảm giác như đang ở tiên cảnh.

Bỗng Nhị Rỗ kêu lên:

- Mọi người nghe tiếng chuông trên tháp băng kìa?

Dương Hoài Ngọc mở bừng mắt, Vương Uy ngoảnh lại nhìn Nhị
Rỗ, thấy Nhị Rỗ đang rút chiếc chuông Kim Cương đeo bên thắt lưng ra rung loạn xạ, làm phát ra tiếng chuông du dương êm ái, giống
hệt tiếng chuông phát ra từ những ngọn tháp.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc cũng sững sờ, giữa chốn tiên
cảnh lung linh kỳ ảo này, họ nhất thời bị mê mẩn bởi những
cảnh tượng và âm thanh siêu phàm thoát tục, mà quên xét đến
điểm khác thường trong tiếng chuông phát ra từ những ngọn tháp
băng.

Tiếng chuông phát ra từ ngọn tháp và tiếng chuông Kim Cương nghe từa
tựa như nhau, hai người lắng tai nghe thật kỹ, cuối cùng xác
định hai tiếng chuông quả rất giống nhau. Nhưng tiếng chuông phát ra từ ngọn tháp khiến người ta thấy tĩnh tâm, bình lặng, còn
tiếng chuông Kim Cương của Nhị Rỗ lại khiến lòng người hoảng
loạn, khó mà kiềm chế, vừa nghe thấy tiếng chuông ấy, trong
lòng đã thấy âm khí bốc lên rờn rợn, vô cùng quái gở.

Nhị Rỗ định thần, nói:

- Không chỉ có tiếng chuông kỳ lạ đâu, chỉ huy có nhận ra
không, sau khi vượt qua bức tường băng, chúng ta không còn thấy
vết máu nữa.

Từ lúc vào hang động tháp băng Vương Uy đã để ý thấy điều
này, nhưng sau khi vượt qua bức tường băng, kẻ bị nghi là lão
Tôn đột nhiên chẳng còn thấy tung tích. Mà đám rắn đen đông đúc kia cũng mất tăm mất dạng, tất cả những chuyện này, đều toát lên sự bí hiểm khôn xiết.

Ba người đến bên mép tảng băng trong tiếng chuông ngân vang như
đợt sóng dồn, đoạn lại nhảy sang một tảng băng gần đấy, cứ
như vậy họ nhảy qua hết tảng băng này đến tảng băng khác, cuối cùng họ leo lên một tảng băngộng mênh mông không thấy đâu là
bờ, bên trên san sát những tháp băng. Ba người đi giữa những tòa tháp băng, bên tai cảm giác như có tiếng lanh canh tựa như những hạt châu lớn bé rơi trên mâm ngọc, tuy họ đi trên băng hết sức
nguy hiểm nhưng trong lòng lại vô cùng an tường, không hề mảy may nôn nóng.

Giữa tảng băng là nơi tập trung khá nhiều hốc nhỏ, những
luồng sáng phát ra từ các hốc nhỏ đan chéo vào nhau, hình
thành một quầng sáng bảy sắc rất lớn trên mặt băng. Bước đi
trên đó, ba người hoa cả mắt vì ánh sáng lung linh huyền ảo,
đành phải che hờ mắt lại, nếu không sẽ rất dễ sinh ra ảo
giác.

Hang động sâu hun hút này rất dài, ba người đi hơn một dặm
mới hết tảng băng khổng lồ kia. Đi đến mép tảng băng khổng lồ
lại xảy ra một vấn đề: tảng băng kế tiếp nằm ở phía đối
diện, hai tảng băng cách nhau chừng ba, bốn mét, nếu muốn đi
tiếp thì phải sang được tảng băng bên kia. Phía dưới tảng băng
là vực sâu không thấy đáy, hễ nhìn xuống là chóng mặt hoa
mắt, lòng nôn nao hẳn. Muốn sang được tảng băng bên kia chỉ có
cách nhảy qua, đối với Vương Uy, khoảng cách như thế chẳng thấm tháp gì, bởi từ nhỏ anh đã luyện võ, nhảy xa chừng ba bốn
mét dễ như bỡn. Nhưng Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc thì khá phiền phức, hơn nữa mặt băng lại trơn, hễ không cẩn thận sẽ rơi
xuống vực, nhìn khoảng cách xa như thế, ai mà chẳng tim đập
chân run?

Nhị Rỗ tự phụ bản lĩnh, xung phong nhảy trước. Gã lùi lại
mười mấy mét, chạy bước nhỏ đến mép tảng băng, tung người
nhảy lên, Vương Uy đứng bên mép tảng băng, chăm chú nhìn từng
động tác của Nhị Rỗ, điệm tựa trơn như vậy, hai tảng băng lại
cách khá xa nhau, tung người nhảy lên như thế rất nguy hiểm.
Vương Uy là người trong nghề, mà trông thấy cũng sợ toát mồ
hôi, nếu không nhảy qua được, rơi xuống vực thì chỉ có tan xương nát thịt.

Nhị Rỗ tay chân cứng đờ, cố nín thở, chạy đến bên mép tảng băng, điểm mũi chân, tung người nhảy qua. Vương Uy thấy rõ, tư
thế tung mình của Nhị Rỗ hỏng hoàn toàn, mũi chân Nhị Rỗ bị
trượt, chẳng qua nhảy lên được là nhờ sức bật của gót chân mà thôi.

Vương Uy trông mà toát mồ hôi lạnh, rõ ràng cú nhảy này là
đâm đầu vào chỗ chết, người sẽ rơi xuống vực sâu thăm thẳm.
Ngay lúc ấy, Vương Uy hết sức bình tĩnh, giơ chân lên đạp thẳng
vào mông Nhị Rỗ. Cú đạp này của Vương Uy mạnh kinh người, đã
đạp cho Nhị Rỗ bắn sang bờ bên kia.

Nhị Rỗ bay qua vực thẳm, rơi xuống trước cung điện băng bên
kia trong tư thế chó ăn phân, mặt úp xuống mặt băng, nửa bên mặt lập tức tê dại, miệng đập xuống đất, không kêu lên nổi.

Vương Uy thấy Nhị Rỗ nằm lịm đi, chỉ lo gã chết, liền gọi
toáng lên, bấy giờ Nhị Rỗ mới khẽ nhúc nhích, coi như chứng
minh rằng minh vẫn còn sống.

Dương Hoài Ngọc thấy tình cảnh thảm hại của Nhị Rỗ, cứ
đứng tần ngần hồi lâu, không hề động đậy. Vương Uy ngán ngẩm
lắc đầu, vẫy tay với Dương Hoài Ngọc, ánh mắt cô lập tức trở
nên kiên định. Cô gái xuất thân từ cướp biển này quả nhiên khác biệt, cô nghiến răng chạy nhanh tới, rồi nhún chân nhẹ nhàng
nhảy qua, đáp xuống ngay bên cạnh Nhị Rỗ, còn theo đà lao về
phía trước vài bước mới dừng lại.

Thấy Dương Hoài Ngọc không vấn đề gì, Vương Uy hít một hơi
thật sâu, không cần chạy lấy đà, cứ như vậy tung người nhảy
qua, đáp xuống ngay trước mặt cô.

Nhị Rỗ thấy hai người an toàn sang được bên này, mới bắt
đầu bò dậy, nửa khuôn mặt gã bị va đập thâm tím, khóe miệng
chảy máu, bộ dạng vô cùng nhếch nhác.

Vương Uy cũng cảm thấy áy náy, liền vỗ vỗ vai Nhị Rỗ. Nhị
Rỗ “hừm” một tiếng, cuối cùng cũng mở miệng rên rẩm:

- Ông trẻ ơi, ông lấy đâu ra cái trò này thế…

Dương Hoài Ngọc xưa nay vẫn lạnh lùng, vậy mà trông thấy bộ
dáng nhếch nhác của Nhị Rỗ, cũng không nén nổi vẻ buồn cười. Nhị Rỗ bị mất mặt trước phụ nữ, tức thì biến sắc, liền
túm lấy Vương Uy, dáng vẻ như sắp liều mạng.

Bỗng Vương Uy lạnh lùng nói:

- Đừng đùa, chúng ta gặp phiền toái rồi đấy.

Nhị Rỗ ngớ ra, không hiểu Vương Uy nói gì, liền ngước lên,
bắt gặp Vương Uy đang chăm chú nhìn về phía trước, vẻ mặt rất
nghiêm trọng, vội quay đầu lại nhìn theo ánh mắt của Vương Uy,
nửa gương mặt đang tê dại vì lạnh của gã lập tức biến thành
kinh hãi.

Chỉ thấy ở đầu kia tảng băng, cách họ chừng mấy chục mét,
không biết từ bao giờ, lũ rắn đen biến mất trong cung điện lại
xuất hiện dày đặc. Lũ rắn này không còn hiền lành như trong
hoa viên băng, chúng thi nhau trừng mắt nhìn ba người, nhe răng há miệng, thè lè cái lưỡi dài, hai chiếc nanh độc chìa ra khiến
ai trông thấy cũng sợ.

Đôi bên trừng mắt nhìn nhau hồi lâu, tảng băng này không lớn,
hơn nữa lại cách những tảng băng xung quanh một khoảng nhất
định, chẳng khác nào ở trên một toàn cô đảo. Nếu cả bầy rắn
kia nhất tề xông tới thì vô cùng nguy hiểm, không cẩn thận có
thể ngã xuống vực sâu. Nhị Rỗ bó tay không có cách gì, bèn
giơ súng lên định nã đạn vào bầy rắn.

Vương Uy nắm lấy khẩu súng của Nhị Rỗ, tỏ ý bảo cứ dùng
chuông Kim Cương thử xem sao. Lúc này Nhị Rỗ mới sực nhớ, vội
gỡ cái chuông ra, giơ lên ngang ngực.

Thấy lũ rắn đang từ từ bò đến chỗ ba người, đầu và mặt
Nhị Rỗ đầm đìa mồ hôi, lũ rắn này nhìn hệt như những dải
lụa đen, rào rào trườn trên mặt băng, cái lưỡi đỏ không ngừng
thè ra thụt vào, trông rất dữ tợn. Nhị Rỗ dẫn đầu, tay giơ
chuông Kim Cương, nhưng trong lòng vẫn nơm nớp không yên, gã quan
sát mãi cũng không thấy chiếc chuông này lợi hại ở đâu cả.
Dùng cái chuông gỉ này để khống chế đàn rắn đông đúc nhường
kia, gã thấy chẳng khác nào đem sinh mệnh ra đánh cuộc với
chúng.

Đàn rắn mỗi lúc một áp sát lại gần, khi chỉ còn cách ba
người chưa đầy ba mét, Nhị Rỗ nhịn không nổi bèn rung chuông,
tiếng chuông phiêu hốt ngân lên như thực như ảo, nhưng cũng tràn
đầy khí thế, tựa dòng nước chảy dào dạt không dứt. Đàn rắn
đổ dồn mắt vào cái chuông trong tay Nhị Rỗ, nhưng vẫn không
dừng lại, lũ rắn đi trước còn vươn dài cái đầu, toàn thân
cứng lại lại như một ngọn roi, rào rào lao về phía Nhị Rỗ.
Tình cảnh đó chẳng khác nào báo đói trông thấy con mồi, tốc
độ thoắt chốc nhanh như điện, hơn chục con rắn dài đến mấy mét đồng loạt lao thẳng vào Nhị Rỗ.

Nhị Rỗ mặt trắng bệch như tờ giấy, nhất thời quên cả bỏ
chạy, hoặc có thể nói rằng, gã không chạy nổi nữa, bởi lũ
rắn đã bò đến dưới gót chân gã.

Trong ba người chỉ có Vương Uy là bình tĩnh nhất, vừa thấy
chuông Kim Cương không ngăn nổi đàn rắn, anh lập tức ý thức được tình huống trước mặt. Dưới sự tấn công của bầy rắn, anh vội
lôi Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc lùi tuốt đến bên mép tảng băng,
cũng may nhờ có Vương Uy phản ứng cực nhanh, nên mới cứu mạng
Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc.

Vương Uy thét lên:

- Nhảy sang bên kia…

Rồi bất chấp ý kiến hai người, Vương Uy đẩy mạnh Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc một cái, hai người vội vung vẩy tay chân, nhắm
mắt nhảy sang tảng băng cạnh đó. Tảng băng này nằm sát cạnh
vách động, rất nhiều cột ánh sáng từ các hốc chiếu ra, xuôi
theo vách động, hình thành một dải sáng như ngọn lửa đang cháy rực.

Hai người bị Vương Uy đẩy một cái, vội vàng nhảy bừa, không
ngờ đã băng qua được vực sâu ngăn cách giữa hai tảng băng, song
song đáp xuống tảng băng cạnh đó.

Một loạt những động tác ấy chỉ diễn ra trong một khoảnh
khắc ngắn ngủi, đám rắn đen vồ hụt, liền ồ ạt tràn về phía
mép tảng băng. Trong lúc Vương Uy đang bận hỗ trợ Nhị Rỗ và
Dương Hoài Ngọc, không kịp trở tay, đã có mấy con rắn quấn ngay vào cổ chân anh. Chiếc quần anh đang mặc là quần da lão Tôn mua ở nước ngoài, vừa bền chắc vừa ấm áp, bên trong lớp da còn
lót một lớp lông thú, mấy con rắn không sao cắn xuyên qua được
lớp da bên ngoài.

Hai chân Vương Uy bị rắn quấn, chúng không ngừng uốn éo
chuyển động trên bắp chân anh, trườn đi trườn lại khiến người ta lạnh cả sống lưng. Vương Uy muốn vẩy chúng đi, nhưng bị những
con rắn to bằng cánh tay quấn lấy chân, đâu dễ gì gỡ ra được,
anh giơ chân lên mấy lần mà không sao giơ nổi, đám rắn xung quanh
đã bắt đầu vây lấy anh, rào rào bò lên người.

Chân anh bị rắn quấn vô số vòng, càng quấn càng chặt, hệt
như những vành đai thép, lũ rắn càng ngọ nguậy, chân anh càng
bị quấn chặt, da thịt căng lên đau đớn, như bị chém mấy đao
vậy. Vương Uy hết sức sợ hãi, chỉ muốn thoát thân cho mau, đàn
rắn sắp bò lên đến nửa người anh, một khi chúng bò đến chỗ da thịt hở ra ngoài, hẳn cả người anh sẽ bị cắn thủng một ngàn tám trăm lỗ, lấy đâu ra đường sống?

Đứng trên tảng băng bên cạnh, Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc thấy Vương Uy bị đàn rắn nhấn chìm, vô số con rắn vừa to vừa dài
quấn chặt lấy thân anh, gương mặt Vương Uy đầy vẻ hung dữ, da
mặt căng lên như sắp nứt ra, chẳng biết thân thể đã ra sao nữa.

Thấy vậy, Nhị Rỗ la lên thất thanh, Dương Hoài Ngọc nắm lấy
khẩu tiểu liên cỡ nhỏ, bắn quét một loạt đạn vào lũ rắn, vũ khí của Mỹ chế tạo quả nhiên có hiệu quả, vừa nổ súng đã
bắn nát đầu mười mấy con rắn. Nhưng đánh chuột sợ vỡ lọ quý, cô không dám bắn vào lũ rắn đang quấn quanh Vương Uy, chỉ e
súng đạn không có mắt, trong lúc hỗn loạn thế này, chỉ cần
một viên đạn bắn nhầm thì Vương Uy coi như đi đời.

Lũ rắn thấy máu lại càng hăng hẳn lên. Bọn Nhị Rỗ vốn
tưởng đàn rắn đen này chỉ có độc, nào ngờ đáng sợ hơn cả là chúng cực kỳ khát máu. Những xác rắn bị Dương Hoài Ngọc bắn nát lập tức đã bị đàn rắn lao đến nhấn chìm rồi xâu xé ăn
tươi nuốt sống.

Bầy rắn thấy máu lập tức nhốn nháo cả lên, Nhị Rỗ cũng không rảnh
tay, liên tục cùng Dương Hoài Ngọc nã súng vào lũ rắn, khiến rắn chết
mỗi lúc một nhiều. Lũ rắn vây lấy Vương Uy hồi lâu không àm gì được anh, bèn tiu nghỉu buông ra, đổ xô đến cướp thịt đồng loại.

Vương Uy nào phải hạng tầm thường, hai chân vừa được thả
lỏng, anh liền vung chân hất bay hai con rắn còn chưa kịp tuột
khỏi chân mình xuống vực sâu, lại giẫm lên đầu hai con khác, di
thật mạnh, khiến chúng nát bét ra, nhờ thế, đôi chân anh được
giải phóng, lúc này còn không chạy thì định chờ đến bao giờ?

Nghĩ là làm, Vương Uy liền nhún chân, chân kia giẫm mạnh lên
mình một con rắn lớn bị gạt ra khỏi bầy rắn đang điên cuồng
giành ăn, nghiền nát nó, đoạn tung người nhảy qua vực sâu.

Ngay lúc ấy có một dải lụa đen từ giữa bầy rắn bỗng nhảy
vọt lên, lao về phía Vương Uy. Nhị Rỗ giật nảy mình, vôi giương
súng lên, bắn liền mấy phát, nào ngờ dải lụa kia nhanh như
điện, nháy mắt đã quấn chặt lấy cánh tay trái vừa vung ra sau
lưng của Vương Uy, Vương Uy ở giữa không trung, đang đáp xuống
tảng băng bên kia, nào biết được lại có rắn đang đuổi theo
mình.

Anh chỉ thấy tay trái đau buốt lên như bị dao đâm, cơn đau lan
đến tận tim, cả người rơi thẳng xuống tảng băng. Vương Uy cố
lấy chút dũng khí còn lại, giơ tay kia tóm chặt lấy thân mình
đang xoắn lại của con rắn, gắng sức giật nó ra. Cả người anh
lăn lốc trên mặt băng, Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc phải vội vã
chạy tới, giữ anh lại. Vương Uy siết chặt lấy con rắn đen đang
giãy giụa, vung tay vứt nó đi, chợt anh nghe đăng trước có tiếng đổ vỡ loảng xoảng, nhưng cũng chẳng còn lòng dạ nào mà để
ý, liền bịt ngay chỗ rắn cắn lại, ngăn không để máu độc theo
mạch máu lan ra.

Nhị Rỗ đỡ Vương Uy dậy, thấy mặt Vương Uy thấp thoáng khí
đen, chỉ một chốc vừa rồi, nọc độc của rắn đã lan ra.

Dương Hoài Ngọc vội lấy dây vải và dao găm từ trong ba lô ra,
buộc chặt cổ tay Vương Uy, đoạn ra một vết hình chữ thập sâu
hoắm trên mu bàn tay anh, nặn máu độc ra. Thấy máu màu nâu đen
chảy ra từ mu bàn tay Vương Uy, Nhị Rỗ chửi đổng:

- Mẹ kiếp, lũ này thật không phải rắn độc bình thường, để tôi giúp chỉ huy hút máu độc ra.

Dương Hoài Ngọc lườm Nhị Rỗ, lạnh lùng nói:

- Anh hút máu độc ra thì còn chết trước cả anh ấy.

Nhị Rỗ nổi nóng, lớn tiếng với Dương Hoài Ngọc:

- Đồ đàn bà các người thì biết cái quái gì! Ông với chỉ
huy là bạn nối khố, cái quần xé đôi mỗi người mặc nửa, có
gì mà phải tính toán ai chết trước ai?

Dương Hoài Ngọc giận đến đỏ mặt tía tai, quát to:

- Anh thật không biết tốt xấu!

Nhị Rỗ thấy lông mày Dương Hoài Ngọc dựng ngược, cả người
bừng bừng lửa giận, xem ra đã nổi nóng thật sự, mà mạng Vương
Uy lại nằm trong tay cô, đành cúi đầu nói:

- Được rồi được rồi, cô là to nhất, chỉ cần cứu được chỉ huy, cô muốn Nhị Rỗ tôi làm gì tôi cũng xin vâng.

Dương Hoài Ngọc biết những kẻ như Nhị Rỗ không có cách nào
nói nổi, nên cũng mặc kệ, quay sang giúp Vương Uy nặn máu độc,
lại lấy thuốc ra, thuốc viên uống trong, thuốc bột bôi ngoài.
Xử lý xong xuôi mọi chuyện mà tình trạng của Vương Uy vẫn không khá lên được bao nhiêu, nhịp thở của anh rối loạn, gương mặt
và thân hình dần xuất hiện những vệt đen vệt trắng loang lổ.

Vương Uy bắt đầu mê sảng, sốt cao, miệng liên tục lảm nhảm, không biết đang nói gì.

Thấy Vương Uy vì cứu bọn họ mà ra nông nỗi, lòng Nhị Rỗ
bứt rứt không yên, gã xoắn bộ râu dê, cau rúm mày, chăm chú
nhìn Vương Uy, không biết làm thế nào cho phải.

Dương Hoài Ngọc lau mồ hôi trên mặt, cất thuốc bột vào ba lô.

Nhị Rỗ sốt ruột, hỏi:

- Này tây rởm, cố làm thế là xong rồi đấy à? Người đã tỉnh đâu?

Dương Hoài Ngọc lạnh lùng:

- Tôi chỉ có thể xử lý vết thương không để nhiễm trùng, chứ không có cách nào giải độc cả. Loài rắn đen dưới hang sâu này độc lắm, bị cắn là phải mê man bất tỉnh ngay, thuốc chúng ta
không thể giải được nọc độc của chúng.

Nghe Dương Hoài Ngọc nói như vậy, Nhị Rỗ toát mồ hôi lạnh
đầy đầu. Vừa rồi thấy Dương Hoài Ngọc lấy ra những là thuốc
viên, thuốc bột, xử lý rất cẩn thận, gã thầm nghĩ cô gái này ở bên Tây sang, hẳn là có chỗ hơn người, giải độc rắn cắn
chắc không có vấn đề gì. Nào ngờ cô loay hoay một lúc cũng
chỉ là băng bó vết thương, thấy những vết ban độc trên người
Vương Uy mỗi lúc một nổi rõ, Nhị Rỗ vô cùng luống cuống.

Bấy lâu nay, hai người vốn là anh em cùng nhau vào sinh ra tử, sao Nhị Rỗ có thê trơ mắt nhìn Vương Uy chết được? Gã liền
cõng Vương Uy trên lưng, xăm xăm đi thẳng về phía trước:

Dương Hoài Ngọc nói:

- Anh làm gì thế?

Nhị Rỗ nổi nóng:

- Trông hòng gì được cái đồ tây rởm nhà cô, ông đây không thể để anh ấy chết, không thể.

Nói rồi, gã mặc kệ Dương Hoài Ngọc, cứ thế cõng Vương Uy
thận trọng lần từng bước trên tảng băng. Gã bám vào vách hang
mà đi, dưới chân là lớp băng rắn chắc trong suốt và những dải
ánh sáng đủ màu sắc. Vừa đi, Nhị Rỗ vừa chú ý xem bên vách
hang có cây cỏ gì không. Từ nhỏ gã đã mải mê nghiên cứu bí
thuật xem phong thủy địa nhãn, mạch sông thế núi của Trung
Quốc, hiểu rõ đạo lý âm dương biến hóa, ngũ hành vận chuyển,
cùng cách bày bố bát quái. Cái gọi là âm dương tương sinh tương khắc chẳng qua là vật này khắc chế vật kia, giống rắn đen
trong khu rừng ngầm này cực độc, ắt hẳn quanh nơi chúng thường
lui tới sẽ có thảo dược khắc chế được nọc độc của rắn.

Đáng tiếc, Nhị Rỗ tìm kiếm hồi lâu mà không thấy một nhành cây cọng cỏ nào, trong hang động này toàn là băng với đá, cỏ
cây không thể mọc nổi, trừ lũ rắn đen ra, không có một loài
sinh vật nào khác.

Càng đi lòng Nhị Rỗ càng cảm thấy nặng nề, hơi thở của
Vương Uy trên lưng đã yếu lắm rồi, hơn nữa còn lúc dài lúc
ngắn, hết sức rối loạn. Thấy vậy Nhị Rỗ càng thêm cuống
quýt, không biết Vương Uy còn sống được bao lâu nữa. Cả đời Nhị Rỗ chẳng buồn lo chuyện gì, lúc đi lính lại liều mạng, chứng kiến người chết đã nhiều, sớm đã xem nhẹ chuyện sinh tử của
bản thân, dù sao cũng phải chết, để xem viên đạn nào không có
mắt sẽ bắn vào ông đây?

Vậy mà lúc này người anh em hơn chục năm cùng vào sinh ra tử sắp ra đi, gã lại cảm thấy lòng nghẹn ứ, nhổ không ra nuốt
không vào, nhức nhối khó chịu vô cùng.

Dương Hoài Ngọc thấy Nhị Rỗ lầm lũi cõng Vương Uy bỏ đi, không nói năng gì, bèn gọi với theo:

- Anh định đưa anh ấy đi đâu? Lúc này nọc rắn đã lan khắp
người anh ấy rồi, càng động vào thì anh ấy càng chết sớm
thôi.

Thấy Nhị Rỗ phớt lờ mình, Dương Hoài Ngọc đành lẽo đẽo
theo sau. Chỉ tới khi còn cách Nhị Rỗ chừng hơn chục mét, bỗng cô trông thấy gì đó, liền thất thanh hỏi:

- Này, cái gì ở kia?

Nhị Rỗ nghe thấy tiếng Dương Hoài Ngọc nhưng cũng chẳng buồn để ý xem cô kinh ngạc vì cái gì, chỉ chăm chăm nhìn bên vách
hang tìm xem chỗ nào có cỏ cây. Gã sống mấy chục năm nay, đây
là lần đầu tiên không mong mỏi những chuyện hão huyền như có
thỏi vàng từ trên trời rơi xuống, trong chăn ấm mọc ra một cô
nàng, lúc này gã chỉ mong sao bên vách hang xuất hiện một cọng cỏ cứu mạng mà thôi.

Nhưng vách hang chi chít những hốc nhỏ, trong hốc nhỏ rọi ra
những cột sáng không biết từ đâu, nào có nổi một ngọn cỏ?
Chỉ nghe Dương Hoài Ngọc ở đằng sau kêu lên:

- Anh Nhị, anh đến xem này, ở đây kì lạ lắm.

Nhị Rỗ đâu còn tâm trạng nào chú ý đến Dương Hoài Ngọc, chỉ chăm chăm dán mắt vào vách hang, lảo đảo lê bước.

Dương Hoài Ngọc lại nói:

- Ở đây có một cái xác, anh mau đến mà xem, có thể tìm thấy cách giải độc từ nó đấy.

Nghe nói vậy, Nhị Rỗ vội quay lại, cách chừng mười mấy mét phía sau gã, Dương Hoài Ngọc đang đứng dưới một ngọn tháp
băng, trên đỉnh tháp, những cột ánh sáng đan chéo thành một
bức màn ánh sáng bảy sắc cầu vồng, tựa như một vầng hào
quang vậy.

Nhị Rỗ thấy Dương Hoài Ngọc quay mặt về phía ngọn tháp, vẻ mặt đầy kinh hãi, biết là sự việc không tầm thường, liền rảo bước tiến lại, thấy phần nền tháp đã bị sạt mất một góc.
Một con rắn đen máu me be bét bị kẹt dưới đống băng đổ vỡ
ngổn ngang, ra là con rắn ở giữa không trung vừa nãy bị Vương Uy ném đi, đã va phải ngọn tháp này. Vương Uy sức khỏe hơn người, khi nãy đang lúc nguy cấp, anh phẫn nộ vung tay ném một cái,
lực đạo mạnh khủng khiếp, làm sạt hẳn một góc ngọn tháp băng sừng sững.

Nhị Rỗ thấy con rắn vẫn đang ngọ nguậy trên mặt băng, xem ra
chưa chết hẳn, liền nổi giận đi tới, giẫm mạnh lên đầu con rắn khiến nó vỡ óc, bất động.

Dương Hoài Ngọc ngồi xuống, bới đống băng vụn dưới chân
tháp, rút ra một mảnh vải rách, vốn là áo của người chết.
Nhị Rỗ thấy vậy, trong đầu chợt thoáng một ý nghĩ, xác chết
bị giấu trong tháp băng, chuyện này quả là bất thường, trong
rừng tháp băng mênh mông trải dài từ cung điện băng cho đến hang
động này, lẽ nào mỗi ngọn tháp đều giấu một cái xác sao?

Nhị Rỗ vội vàng đặt Vương Uy xuống, rồi xúm lại giúp Dương
Hoài Ngọc bới đống băng vụn, chỉ lát sau, hai người đã lôi ra
từ dưới chân tháp một xác chết. Tư thế của cái xác này rất
kỳ quái, chân chổng lên trên đầu cắm xuống đất.

Hai người lôi ra được nửa thân trên của cái xác ra, chỉ thấy
xác chết đội mũ lông công hàm chánh nhất phẩm của triều đình
nhà Thanh, triều phục thêu tám con mãng năm móng, bên trên còn
có một tấm phủ thêu hình kỳ lân, trang phục của người chiến
khiến Nhị Rỗ giật nảy mình kinh hãi. Chắc chắn thân thế người chết không tầm thường, nhìn trang phục này, đây ắt phải một
vị nhất phẩm võ tướng triều đình nhà Thanh, không chừng còn
là đại quan đứng đầu một địa phương cũng nên.

Cái xác được bao bọc bởi một lớp băng nên đầu tóc lông mày
vẫn còn nguyên, hai hàng lông mày bạc trắng vừa rậm vừa to. Vẻ mặt xác chết rất quái dị, hình như người này đang cười vì
trông thấy gì đó. Có điều nụ cười này không tự nhiên, mà có
vẻ như dở cười dở khóc.

Dương Hoài Ngọc nói:

- Anh có thấy không, vẻ mặt của người đàn ông này giống như
hai xác chết đâm nhau mà chúng ta thấy ở bờ song chỗ bức tường âm dương.

Nhị Rỗ thấy kỹ, thấy quả đúng như vậy, gã lục tìm khắp
cái xác một lượt nhưng chẳng phát hiện được thứ gì, không
khỏi lộ vẻ thất vọng. Dương Hoài Ngọc vừa lôi xác chết ra,
vừa nói:

- Anh Nhị, tôi thấy ánh mắt người này rất lạ, hình như ông
ta đang nhìn cái gì đó mà cười, anh xem có đúng vậy không?

Nhị Rỗ quan sát rất kỹ hồi lâu mới lên tiếng:

- Là thế này, ông ta nhìn chân mình rồi cười, mẹ kiếp, lão này nhìn chân mình rồi cười cái quái gì cơ chứ?

Hai người nhanh chóng lôi xác chết ra ngoài, họ vừa lôi vừa
ngoảnh lại nhìn tình trạng của Vương Uy. Đốm độc trên mình
Vương Uy lúc đầu lan ra rất nhanh, nhưng đến lúc này đã dần dần ổn định lại, không loang ra nữa, hơi thở cũng đều hơn. Có điều cánh tay buộc ga rô của anh đã đen bầm lại như than.

Dương Hoài Ngọc mở ga rô ra, kéo sát lên nách Vương Uy rồi
buộc lại. Trong lúc cô buộc ga rô, Nhị Rỗ đã kéo tuột xác viên quan nhất phẩm ra.

Xác chết được kéo ra, nhưng không phải chỉ có một cái xác.
Nhị Rỗ trố mắt nhìn, chỉ thấy mắt cá chân của viên quan nhất
phẩm bị một bàn tay nắm chặt, những móng tay như cắm sâu và da
thịt.

Nhị Rỗ khạc một cục đờm, chửi đổng:

- Đúng là xúi quẩy, mẹ kiếp, sao lại là một đôi liên thi?

Dương Hoài Ngọc ngớ ra, hỏi:

- Cái gì là liên thi?

Nhị Rỗ tức tối đáp:

- Liên thi, theo dân gian gọi là hiện tượng âm dương xung khắc,
người chết bắt người sống theo. Những năm cuối đời nhà Thanh,
các làng chài ven biển tỉnh Phúc Kiến đều lưu truyền chuyện
về liên thi. Dân chài ra biển đánh cá thường ở trên thuyền mươi
ngày nửa tháng, mỗi khi gặp dông bão hoặc sóng to gió lớn,
rất dễ xảy ra những chuyện quái dị. Khỏi cần nói chuyện lật
thuyền chết đuối, hễ bất ngờ gặp phải sóng to gió lớn mà
bọn họ chưa kịp thu lưới, thường vớt được xác chết ngoài
biển. Năm đó binh đao loạn lạc, tàu chiến Tây dương xâm chiếm
lãnh hải, nghĩa quân khắp nơi nổi lên đánh úp người Tây, có
điều tàu của Tây vững chắc lại có pháo lớn, cho nên tổn thất
rất ít, ngược lại đám nghĩa quân kia tổn thất nặng nề, mấy
trăm người ra biển lúc sau chỉ còn hơn chục người lành lặn quay về. Gặp khi sóng to gió lớn, những xác chết đã chìm xuống
đáy biển bị thủy triều đẩy lên, không may vướng vào lưới đánh
cá. Lúc đầu dân chài vớt được xác chết đều coi như là điềm
gở, phần lớn họ lại ném xác xuống biển. Sau đấy có một thời gian, những làng chài ven biển liên tiếp gặp phải chuyện chẳng lành, nghe nói hễ vớt được xác chết thể nào sóng to gió lớn cũng nổi lên liên tiếp mấy hôm, khiến ngư dân không dám ra biển
đánh cá. Quái gở hơn nữa là, những cái xác bị ném xuống
biển vẫn có thể theo người ta lên bờ. Năm ấy, Lâm Tắc Từ cấm
thuốc phiện ở Quảng Đông, người tây liền từ biển đánh vào,
nghĩa quân hăng hái nổi lên chống lại nên dân đánh cá thường hay vớt được xác chết. Những người không biết thế nào là khí
phách dân tộc, lại coi đó là điềm gở, vứt xác chết xuống
biển. Lúc bấy giờ có một lão ngư dân tên Lâm Tam Nhi, đem theo ba người con trai ra biển, đến tận tối mịt hôm ấy vẫn không đánh
được một con cá nào. Đang chuẩn bị thuyền quay về, bỗng đâu mây đen ùn ùn kéo tới, không đầy một tuần trà, biển cả nổi sóng dữ dội, mưa như trút nước, hết sức kỳ lạ. Lão vội gọi con
thu lưới, xui xẻo thế nào, họ lại kéo được một vật gì đó to
lù lù,. Lâm Tam Nhi liền bảo con út cầm lái, để lão đến gần
xem sao, tấm lưới chao liền mấy cái dưới nước, nước biển cuốn
trôi bùn đất trên vật kia, thì ra đấy là một cái xác chết đã
bị hỏng nửa mặt. Lâm Tam Nhi tức lắm, vội sai hai thằng con vứt cái xác xuống biển, rồi vội vã thu lưới quay về. Ba cha con
kịp cập bờ trước gió bão ập tới nên con thuyền hư hại không
đáng kể, cũng chẳng ai để tâm chuyện vớt được cái xác vừa
rồi, dù gì thì những người đi biển, có ai không gặp phải
chuyện xúi quẩy mấy lần? Gió bão liền ba bốn ngày, vợ Lâm Tam Nhi mất từ lâu, ba thằng con đều đã có gia đình, một mình lão ở trong một căn nhà gỗ nhỏ trong làng, gần bờ biển. Sau những ngày gió bão, ba thằng con đến tìm lão để bàn chuyện ra biển đánh cá, nào ngờ lão đã chết, nằm trên giường, nhưng dưới
giường lại có thêm một xác chết, một cánh tay của xác chết
kia nắm chặt lấy một chân lão, hai cái xác cứ thế dính liền
vào nhau. Cả ba thằng con lão đều kinh hoàng, không dám thu dọn
xác chết, liền tìm một thầy địa lý ở thôn bên đến cứu mạng.
Thầy địa lý cũng là người tinh tường, trông thấy hai xác chết, ông ta liền hỏi rõ sự tình, rồi lắc đầu chê Lâm Tam Nhi quả
thực rất hồ đồ. Nếu hôm trước lão vớt cái xác kia đem về,
chờ trời tạnh ráo, đóng một cỗ quan tài mỏng, đem an táng thì đã không có chuyện gì. Những xác chết bị sóng đánh dạt vào
thuyền bè, cái nào cái nấy đều đầy âm khí. Đám nghĩa sĩ lúc ấy sinh thời nghĩa khí ngút trời, chết đi lại táng thân biển
cả, bị tôm cá róc rỉa, sao có thể không có oán khí? Lâm Tam
Nhi không biết tốt xấu, bị oán khí của tử thi bám theo lên bờ, như vậy gọi là âm dương xung khắc, cái xác ấy lấy âm khí át
hết dương khí của Lâm Tam Nhi, rút bớt tuổi thọ của lão. Sau
chuyện ấy không bao lâu, các làng chài gần xa đều xảy ra những
chuyện tương tự. Cái gọi là chuyện tốt không ai biết, chuyện
xấu thì lan truyền nghìn dặm, ông nội tôi đủ khắp trong Nam
ngoài Bắc, gặp một người Phúc Kiến, được người ấy kể lại cho nghe chuyện này. Ông tôi thấy chuyện ly kỳ, liền ghi chép lại.

Dương Hoài Ngọc thấy câu chuyện của Nhị Rỗ rất mơ hồ, không
biết gã nói thật hay bịa, chỉ cau mày, kéo tuột cái xác viên
quan nhất phẩm lên, cái xác phía sau cũng theo đó mà lộ ra.
Vừa trông thấy cái xác ấy, cả hai người đều nổi da gà.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui