Mắt âm dương

Chương 10: Chim sắt
Dương Hoài Ngọc vừa nãy còn mải xem xét chiếc đèn bằng đồng, lúc này mới bước đến, nhìn thấy chiếc giá sắt nằm giữa bình đài, cô buột miệng:
- Sao cái này nhìn giống máy bay thế nhỉ?
Vương Uy kinh ngạc, máy bay thì anh đã thấy, nhưng nó không giống với thứ này, đây không thể là máy bay được. Dương Hoài Ngọc lại nói:
- Máy bay có nhiều loại, có thể các anh chỉ thấy máy bay chiến đấu, mà cái giá sắt này lại có cấu tạo rất giống tàu lượn thời kỳ đầu. Tàu lượn hồi ấy không có động cơ, hoàn toàn chỉ hoạt động dựa vào năng lượng khi lao từ trên cao xuống mà thôi. Hồi còn nhỏ, tôi sống gần bảo tàng không quân Hoàng gia Anh quốc, từng thấy mô hình tàu lượn ban nhất, nó rất giống với cái giá sắt này.
Vương Uy bước lên trước, sờ tay vào khung thép trên giá, vừa sờ vào tay đã bám đầy gỉ, lớp gỉ này phía trên là gỉ đồng màu xanh, bên dưới là gỉ sắt màu đỏ, có lẽ cái giá sắt này được mạ đồng thau. Cấu tạo của cái giá rất đơn giản, ngoài những khung tam giác lồng vào nhau, chỉ có đôi cánh sắt đang khép lại trên lưng là tương đối phức tạp mà thôi, thứ này rất khó có thể gọi là máy bay, lại càng khó hình dung nó có thể bay lên trời.
Vương Uy đi vòng quanh cái giá mấy vòng, trong khi Dương Hoài Ngọc cầm đuốc dạo quanh bình đài xem còn có gì đặc biệt nữa không. Cô đi một vòng rồi quay lại, nói với Vương Uy:
- Anh Uy, nơi này không phải bình đài và con đường đâu, mà là một cánh tay của bức tượng.
Vương Uy ngớ ra hỏi:
- Sao lại nói thế?
Dương Hoài Ngọc nói:
- Tôi đến sát mép bình đài, thấy đầu mút phía trước của bình đài có năm ngón tay hơi co lại, nhìn rất cân xứng với nhau, trông giống bàn tay người lắm.
Vương Uy suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Trên bàn tay tượng đặt một con chim sắt để làm gì? Lẽ nào nó thật sự có ý nghĩa đặc biệt gì ư?
Dương Hoài Ngọc lắc đầu. Lúc này, thình lình cái giá sắt rung lên kịch liệt, Vương Uy giật mình hoảng hốt, vội giương súng nhằm vào khối đen đen ở giữa cái giá sắt.
Đôi cánh chim sắt bỗng hơi xòe ra cụp lại vài ba lần, cuối cùng “rụp” một cái cụp vào rồi không thấy cử động gì nữa.
Hai người trố mắt nhìn cảnh tượng trước mắt, con chim sắt như một sinh vật sống vậy, mới rồi nó ra sức vẫy vùng, lẽ nào đang muốn bay lên?
Bấy giờ, con chim sắt lại từ từ di động, lùi về phía sau. Vương Uy hoảng hốt, vội đưa tay ra níu lấy thanh sắt bên cạnh, không ngờ đà kéo của con chim sắt này rất mạnh, lôi tuột cả Vương Uy về phía sau, khiến anh loạng choạng mấy bước.
Dương Hoài Ngọc giơ đuốc soi xuống cái giá sắt bên dưới chân con chim, nói:
- Thì ra có bánh xe…
Vương Uy đứng vững giơ đuốc lên soi, thấy giá đỡ con chim sắt có bốn cặp trục bánh xe, mỗi giá đối xứng với một cặp trục. Bánh xe bằng sắt gắn với trục trơn nhẵn lạ thường, không chút han gỉ, xem ra nó thường xuyên di động trên bình đài này, dù có gỉ sắt cũng bị bong hết cả.
Tuy đôi cánh chim đã xếp lại, nhưng vẫn rất lớn, trên bình đài này gió rất lớn, hễ có gió thổi qua, đôi cánh ấy lại xòe ra như cánh buồm, khiến chim sắt xoay chuyển bốn phía, ngọn đèn cũng theo đó mà di động, nhìn từ xa hệt như ma trơi.
Dương Hoài Ngọc nói với Vương Uy, cô đã kiểm tra cây đèn đồng, thấy bên ngoài đèn có một cái chụp sắt, trên chụp sắt là miếng ngói thủy tinh nửa khép nửa mở. Miếng ngói thủy tinh trơn nhẵn lạ thường, cô ngửi mùi dầu trong đèn, thấy hình như là mỡ người đã qua xử lý. Mỡ người có thể cháy rất lâu, không dễ bị loãng, lúc thắp lên cho ngọn lửa rất to. Nhưng con chim sắt này nếu không được đưa lên đây trong lúc kiến tạo bức tượng thì sau khi bức tượng đã tạc xong, sẽ không thể cẩu một vật lớn như vầy lên đến độ cao này nữa. Căn cứ vào những dòng chữ Tạng cổ trên ngực bức tượng thì ngọn đèn này rất có thể đã cháy từ mấy trăm đến hơn một nghìn năm nay rồi.
Chim sắt di chuyển chừng hơn chục mét thì gió trên bình đài lặng dần, chim sắt cũng dừng lại. Tuy chim đã dừng nhưng đám đen đen ở bụng nó vẫn không ngừng cựa quậy, hình như bên trên có thứ gì đó.
Vương Uy đưa mắt ra hiệu cho Dương Hoài Ngọc, hai người một phải một trái đến gần con chim sắt, một tay cầm đuốc, một tay cầm súng. Lúc này sương mù trên bình đài đã bị gió thổi tan khá nhiều, tầm nhìn cũng xa hơn. Vương Uy đứng bên dưới cái giá, tựa hồ thật sự trông thấy ở giữa cái giá có một vật gì đó đang cử động.
Anh giơ tay ra hiệu cho Dương Hoài Ngọc cầm súng quan sát động tĩnh trên kia, nếu đối phương có địch ý thì lập tức nổ súng. Còn anh thì giắt súng vào lưng, trèo lên khung sắt, leo lên được chừng bốn năm mét thì từ từ đến gần bụng chim. Nơi bụng chim có một chỗ lõm vào như cái bầu vậy, anh nằm bò phía dưới cái bầu đó, thấy nó được làm từ một tấm sắt rất lớn, có gì đó đang vùng vẫy bên trên, khiến tấm sắt phát ra tiếng lạch cạch ngay bên tai anh.
Vương Uy giẫm lên một thanh sắt, lặng lẽ leo lên mép cái bầu bằng sắt, anh cắm bó đuốc vào một khe hở bên dưới giá sắt, đoạn giơ súng quát vọng vào trong:
- Đứng im, giơ tay lên!

Bên trong cái bầu lạihao đảo loạn lên làm cả chiếc giá sắt hình tam giác bên dưới cũng nghiêng ngả theo, khiến Vương Uy suýt nữa rơi xuống. Vương Uy nổi giận, liền chĩa súng bắn vào trong một phát. Vừa nghe tiếng súng của Vương Uy, Dương Hoài Ngọc lập tức cảnh giác, giương súng định bắn.
Bấy giờ, trong cái bầu bằng sắt bỗng vang lên tiếng nói yếu ớt:
- Người anh em, tôi đây, mau cứu tôi với…
Vương Uy đứng rất gần cái bầu sắt, nghe rõ mồn một tiếng nói kia, tức thì tim đập thình thịch, còn kích động hơn cả lúc xông pha phá vòng vây của kẻ địch năm xưa, tiếng nói ấy chẳng phải của Nhị Rỗ hay sao?
Như bị điện giật, Vương Uy vội xông vào trong bầu sắt, diện tích cái bầu khá rộng, anh lấy bó đuốc gài ở giá sắt bên dưới giơ lên soi, chợt trông thấy một người đang cuộn mình như con tôm, hai tay chống lên mặt bầu sắt.
Vương Uy bước tới kéo Nhị Rỗ dậy nhưng Nhị Rỗ không thể cử động được, chỉ thều thào nói:
- Tay tôi… hai tay tôi hình như bị gãy cả rồi, chỉ huy cẩn thận…
Vương Uy vội nói:
- Được… được…
Anh đi vòng ra sau lưng Nhị Rỗ, ôm ngang người, xốc gã đứng dậy. Dương Hoài Ngọc ở dưới đang chuẩn bị nổ súng, đột nhiên thấy Vương Uy chui vào trong cái bầu sắt, ngỡ rằng anh chui vào đánh giáp lá cà với thứ trong đó, cô càng nắm chắ súng hơn, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi.
Thấy Vương Uy ôm một người đứng dậy, cô há hốc miệng ra, thoạt nhìn thân hình gầy gò của người đó, cô đã nhận ra ngay Nhị Rỗ.
Trông thấy Nhị Rỗ vốn bị cho rằng đã tan xương nát thịt bỗng xuất hiện trên mình con chim sắt thần bí này, Dương Hoài Ngọc còn ngỡ như mình nhìn nhầm. Nhưng đúng là sự thật, Vương Uy đang cõng Nhị Rỗ lên lưng, từ từ leo xuống cái giá sắt.
Xuống đến nơi, anh đặt Nhị Rỗ lên mặt đất, vẫy tay bảo Dương Hoài Ngọc lấy túi thuốc trong ba lô ra. Vương Uy xuất thân con nhà võ, đương nhiên thông tạo cách nắn xương, anh kiểm tra hai tay Nhị Rỗ, phát hiện xương không gãy, nhưng có vài chỗ bị sai khớp. Vương Uy nắn lại khớp cho Nhị Rỗ, đoạn bôi thuốc giảm đau. Nhị Rỗ lầm bầm một lúc mới thốt được một câu:
- Ông nội tôi bảo tôi cao số, tôi không tin, nhưng lần này được kiểm chứng rồi, rõ ràng Diêm Vương không bắt được tôi. – Nói xong, gã cười hề hề. Thấy Nhị Rỗ không chết, Vương Uy vô cùng xúc động, anh nắn lại khớp cho Nhị Rỗ rồi kiểm tra toàn thân gã, thấy các nơi khác chỉ bị xây xước, không có gì nghiêm trọng.
Trải qua một trận cam go này, cả sức lực và tinh thần của ba người đều vô cùng rời rã. Lúc này vừa bình tĩnh lại, cả ba liền nằm lăn ra đất, không ai muốn ngồi dậy. Giữa không trung tuy gió to nhưng không lạnh, ba người nằm dài ra, tranh thủ nghỉ ngơi chốc lát.
Vương Uy hỏi Nhị Rỗ:
- Anh làm sao thế? Rơi từ độ cao như thế xuống mà không việc gì à?
Nhị Rỗ lầm bầm:
- Mẹ kiếp, tôi thật cao số, từ trên ấy chục mét rơi xuống, lại trúng vào con chim sắt này. Cái bầu sắt kia cũng dễ chịu ghê, lại vững chãi nữa, nếu không có khi tôi đã đè sụp nó rồi.
Lúc Vương Uy leo lên cứu Nhị Rỗ, có sờ tay vào trong cái bầu sắt, thấy bên trong hình như là một lớp da, lớp sắt bên dưới cũng không hoàn toàn là sắt, mà có cái gì đó gắn kết lại, người nằm bên trên có thể cảm giác đàn hồi rõ rệt. Có lẽ chính thứ đó đã cứu mạng Nhị Rỗ, chứ nếu chỉ thuần là sắt, hẳn cái bầu đó đã bị Nhị Rỗ đè sụp.
Ba người ngồi giữa bình đài ăn lương khô rồi lại nằm vật xuống, sức cùng lực kiệt, mơ màng ngủ thiếp đi.
Trong giấc ngủ, Vương Uy liên tục gặp ác mộng, anh mơ thấy mình đến một nơi kỳ lạ, bốn bề đều là tường vây, trước mặt có một người đang đứng. Người này quay lưng về phía anh, hình như đang nói, nhưng nói gì thì anh không nghe rõ. Người ấy nói rất nhiều, trong khi Vương Uy chỉ có thể quỳ dưới đất, anh muốn đứng dậy phản bác, nhưng tay chân không động đậy nổi, miệng cũng không nói nên lời. Anh cố mở miệng nhưng miệng há ra mà không thốt nổi lời nào.
Vương Uy đang sợ đến toát mồ hôi, chợt giật mình tỉnh lại, mở bừng mắt ra nhìn. Bó đuốc họ cắm trên giá sắt sắp cháy hết, ánh sáng dần dần yếu hẳn đi. Anh thấy Nhị Rỗ đang thì thầm nói chuyện với Dương Hoài Ngọc. Nhị Rỗ cứ một câu tây rởm thế này, hai câu tây rởm thế nọ, nhưng lần này Dương Hoài Ngọc không nổi cáu, chỉ câu được câu chăng đối đáp với gã.
Thấy Vương Uy đã dậy, hai người thôi không nói chuyện nữa. Nhị Rỗ cười khì khì, nói:
- Chỉ huy lại một lần nữa cứu mạng tôi rồi, anh đúng là cha mẹ tái sinh ra tôi.
Bị Vương Uy ột đá, Nhị Rỗ liền làm bộ nhếch miệng nhe răng ra, như muốn cắn cả chòm râu dê vào miệng. Vương Uy trừng mắt nhìn Nhị Rỗ, nói:
- Tình hình anh thế nào, có leo lên được nữa không?
Nhị Rỗ vỗ ngực:

- Chúng ta vào sinh ra tử đánh thắng bấy nhiêu trận, sợ gì chút vết thương này. Chỉ huy cứ yên tâm, không có chuyện gì đâu.
Vương Uy gật đầu, nói:
- Nghỉ một lúc nữa, rồi tất cả leo lên đầu tượng.
Đột nhiên Nhị Rỗ hỏi:
- Leo lên đầu tượng để làm gì?
Nghe Nhị Rỗ hỏi, Vương Uy ngớ ra, đúng vậy, họ bất chấp mọi giá leo lên đến đầu tượng để làm gì? Họ chỉ biết bức tượng này hết sức kỳ quái, cho nên mới từ khu rừng dưới kia leo hơn nghìn mét lên đến đây, nhưng leo lên để làm gì thì họ chưa hề nghĩ tới.
Cả ba người vô cùng bối rối, họ đã đi một mạch vào tận hẻm núi lớn trong dãy núi Đường Cổ Lạp. Thoạt đầu Vương Uy chạy vào Xương Đô chỉ là để tránh lính của quân đoàn 21 truy sát. Về sau bị lão Tôn và Dương Hoài Ngọc ép nhập bọn, rồi Nhị Rỗ đi theo, cho đến khi cùng nhau đi tìm bí mật của vương triều Lạp Cách Nhật trong truyền thuyết, liên tiếp gặp nguy hiểm dọc đường, thẳng đến tận bây giờ, vẫn không phát hiện được tung tích vương triều Lạp Cách Nhật, dọc đường người thì chết, người thì mất tích, bây giờ chỉ còn lại ba người bọn họ, vậy mà họ vẫn chưa thấy mục tiêu đâu cả.
Nhị Rỗ nói với Dương Hoài Ngọc:
- Này tây rởm, tôi bảo, cô nói di tích của vương triều Lạp Cách Nhật kia có tồn tại thật hay không?
Dương Hoài Ngọc gật đầu khẳng định:
- Nhất định tồn tại mà, trong tay bác Tôn có rất nhiều tư liệu năm xưa bố tôi để lại, đều là những bằng chứng thép.
- Cô đã xem qua những tư liệu ấy chưa? – Nhị Rỗ hỏi. Dương Hoài Ngọc lại gật đầu, nói:
- Tôi chỉ xem một phần thôi, những tư liệu ấy bố tôi đều có đánh dấu, ghi chép trong đó rất đáng sợ, có những điều thậm chí khó mà tưởng tượng nổi.
Nhị Rỗ gật đầu, nói:
- Vậy ra người nắm rõ nhất về bí mật chôn sâu dưới lòng đất này là lão Tôn đã mất tích một cách bí ẩn dưới sông ngầm, tôi đoán chắc đến tám phần là lão ta biết vị trí của di chỉ vương triều Lạp Cách Nhật, nên đã một mình lẻn đi tìm.
Dương Hoài Ngọc chẳng buồn ư hử, chỉ im lặng.
Vương Uy nghĩ lại những sự việc xảy ra kể từ khi gặp lão Tôn, đột nhiên nói: - Cô Ngọc, cô có biết gì về đạo Già Lam không?
Dương Hoài Ngọc lắc đầu:
- Tôi chỉ thỉnh thoảng nghe bác Tôn nói, đạo Già Lam có từ một nghìn năm trước, là một giáo phái kỳ quái, kết hợp cả Phật giáo – Bản giáo. Người theo đạo này giỏi dùng tà thuật, không đứng chung được với Bản giáo và Phật giáo Tạng truyền, về sau đạo này dời đi, chẳng biết là đi về đâu.
Vương Uy gật đầu vẻ trầm tư, Nhị Rỗ lại hỏi:
- Hai người biết đạo Già Lam ư?
Vương Uy và Dương Hoài Ngọc cùng ngạc nhiên, hỏi:
- Anh cũng biết à?
Nhị Rỗ nói: - Vì chuyện cuốn sách của Trương Tử Thông mà mấy trăm năm nay, tổ tiên tôi không chỉ nghiên cứu bí thuật tầm long địa nhãn, mà còn rất thông hiểu văn hóa Tạng, nhất là những truyền thuyết thần bí, thu thập hẳn một mật thất đầy tư liệu, hết sức đầy đủ. Năm xưa, Thôn Mễ Tang Bố Trát đặt ra chữ Tạng thời kỳ đầu, người đọc hiểu được không nhiều, lưu truyền hàng nghìn năm nay, người biết mỗi ngày một ít đi. Sở dĩ tôi thoạt nhìn liền nhận ra ngay mấy dòng chữ Tạng trên kia là nhờ những tư liệu về vùng Tạng mà tổ tông truyền lại.
Vương Uy gật đầu như đang suy nghĩ, nói:
- Anh biết nhiều về đạo Già Lam không?
Nhị Rỗ suy nghĩ hồi lâu rồi đáp:

- Hai người vừa nói đạo Già Lam bị Bản giáo và Phật giáo truyền thống của vùng Tạng trục xuất là không đúng. Theo những gì tôi đọc trong ghi chép sử liệu Tây Tạng, thì đạo Già Lam đúng là một giáo phải do Bản – Phật kết hợp, nhưng Bản giáo và Phật giáo Tạng truyền không xung đột với đạo Già Lam, ngược lại, khi Lãng Đạt Mã, Tán Phổ cuối cùng của Thổ Phồn khởi xướng phong trào diệt Phật rầm rộ, đã đẩy mâu thuẫn giữa Phật giáo và Bản giáo lên đến đỉnh điểm. Về sau, ông ta bị quý tộc Tứ Cát Đa Cát tôn sùng Phật giáo Tạng truyền bắn chết bằng cung tên, vương triều Thổ Phồn đại loạn, mấy người con của Lãng Đạt Ma đều chết trong chiến loạn. Nghe nói lúc bấy giờ Lãng Đạt Ma còn có một người con không có thân phận quý tộc tên Khách Ba, bị mất tích từ nhỏ, được một đại sư đạo Già Lam nhắm trúng và truyền y bát. Hơn hai mưoi năm sau Khách Ba trở thành lãnh tụ của đạo Già Lam. Phong trào diệt Phật của Lãng Đạt Ma cũng làm chao đảo đạo Già Lam, Khách Ba khuyên cha không có kết quả, liền dẫn những tín đồ đạo Già Lam đi về phía Đông, rồi bặt vô âm tín từ đấy.
Vương Uy ngẫm lại những điều Nhị Rỗ vừa nói, lẩm bẩm:
- Ra là thế!
- Thế nào? – Nhị Rỗ hỏi lại. Vương Uy nói:
- Trong hẻm núi lớn tôi thấy ba tên lính mặc quân phục vàng, bèn bám theo chúng vào một căn phòng bằng đá, trong đó có hai thi thể phụ nữ lõa lồ, thần thái rất sống động, nếu không cẩn thận nhìn vào mắt hai thi thể này này sẽ bị mê hoặc. Theo lão Tôn nói, đây là dị thuật của đạo Già Lam.
Nhị Rỗ gật đầu, nói:
- Tôi đi theo mọi người và cũng đã vào gian phòng bằng đá đó, nhưng chỉ thấy hai bộ xương khô mặt đối mặt nhìn nhau, không ngờ đấy lại là dị thuật của đạo Già Lam.
Vương Uy liền hỏi:
- Nói như vậy thì bức tượng này liệu có liên quan đến đạo Già Lam hay không? Hoặc có thể nói là, vương triều Lạp Cách Nhật có mối quan hệ nào đó với đạo Già Lam? Nhị Rỗ gật đầu, nói:
- Có thể lắm, tư liệu lịch sử ghi chép về đạo Già Lam rất ít, những gì tôi đọc cũng đều là dã sử. Nghe nói, giáo đồ đạo Già Lam coi Khách Ba là Phật, hơn nữa, Khách Ba quả thật có chỗ hơn người, ông ta tinh thông giáo nghĩa Bản giáo và Phật giáo Tạng truyền, lại giỏi y thuật, từng cứu chữa cho rất nhiều giáo đồ. Thần bí nhất là lời đồn Khách Ba có bản lĩnh trời sinh, ông ta có thể cho đầu vào bụng.
Vương Uy và Dương Hoài Ngọc nghe nói đều kinh ngạc, có thể cho đầu vào bụng, vậy chẳng phải là rạch bụng ra ư? Vương Uy đầy vẻ nghi ngờ, đoạn dã sử này thật quá hoang đường, người bị mổ bụng làm sao mà sống nổi?
Nhị Rỗ nói rất nghiêm túc:
- Chuyện này là thật đấy, vì dã sử ở đất Tạng mà tổ tiên tôi truyền lại suốt năm trăm năm nay đều được tuyển chọn kỹ lưỡng rồi mới ghi thành sách, đem cất kỹ. Mỗi sự việc ghi lại đều đã được nghiệm chứng cẩn thận, không phải chuyện hoang đường đâu.
Dương Hoài Ngọc ngồi bên chăm chú nghe, chợt xen vào:
- Trong dã sử có nói đến quá trình Khách Ba cho đầu vào bụng như thế nào không?
Nhị Rỗ lắc đầu, nói:
- Những ghi chép về đạo Già Lam trong mật thất nhà tôi rất ít, chuyện Khách Ba cho đầu vào bụng chỉ được nhắc đến qua loa, không hề giải thích.
Vương Uy trợn mắt lườm Nhị Rỗ, nói một thôi một hồi như vậy cũng bằng không, chỉ có thể đoán chừng đạo Già Lam rất có thể có liên hệ nào đó với thế giới ngầm dưới lòng đất này, còn những điều khác đều không thể giải thích được, cũng không giúp ích gì cho tình trạng hiện giờ của họ.
Nhị Rỗ phủi đít đứng dậy, nhìn con chim sắt bị gió thổi đang từ từ di động, nói:
- Có phải chỉ huy đang định nói, bức tượng này, thậm chí cả con chim sắt này cũng có liên quan đến đạo Già Lam?
Vương Uy cũng đứng dậy, nói:
- Tôi cảm thấy hình như đạo Già Lam là đầu mối để giải thích tất cả những bí ẩn này.
Nhị Rỗ ngẩn người nhìn con chim sắt đang di động, gã vẫn quen thói mỗi khi nghĩ ngợi không thông thì lại ngây người ra, súng nổ bên tai cũng chẳng biết đằng mà tránh. Vương Uy cũng không quấy nhiễu, chỉ nhìn theo ánh mắt Nhị Rỗ, ngây người quan sát con chim sắt lạ lùng kia.
Quan sát hồi lâu, bỗng anh cảm thấy thật không bình thường, con chim sắt này đi vòng quanh sân nhờ sức gió, thoạt nhìn cứ như bị gió điều khiển. Nhưng nhìn kỹ mới thấy nó di chuyển theo một  đạo nhất định, như có người điều khiển, chứ không phải đi lung tung như lúc đầu vẫn tưởng.
Vương Uy cố dụi mắt, nhìn kỹ con chim sắt một lần nữa, xác định trên người nó ngoại trừ những tấm sắt khung sắt đã gỉ ngoèn, không có một sinh vật nào cả, mới dám thở phào nhẹ nhõm. Cảm giác ấy thật kỳ quái không sao nói hết.
Vương Uy chăm chú nhìn theo hướng di động của nó, vì phạm vi soi sáng của ánh đuốc có hạn, bất giác anh dợm bước đi theo nó, chim sắt đi hướng nào anh cũng đi hướng ấy. Nhị Rỗ định thần lại, nhìn cảnh tượng lạ lùng trước mặt, cứ há hốc miệng hồi lâu không nói nên lời.
Thấy Dương Hoài Ngọc cũng đang sững sờ nhìn Vương Uy. Nhị Rỗ nói với cô:
- Này, anh Uy như thế này từ lúc nào đấy? Tôi mới ngẩn ra một thoáng mà anh ấy đã phát điên theo à?
Dương Hoài Ngọc lắc đầu, nhìn Vương Uy như điên như say đi theo con chim sắt, bỗng nói:
- Anh ấy hình như đang đi theo quỹ đạo di chuyển của chim sắt, anh nhìn xem, con chim kia di động không bình thường chút nào.
Nhị Rỗ nhìn kỹ, cũng thấy có vấn đề, bèn đi theo con chim sắt mấy vòng. Lúc này, Vương Uy đã trở lại giữa bình đài, Nhị Rỗ định nói với anh vài câu, nhưng anh không bắt lời, chỉ cau mày suy nghĩ hồi lâu rồi bỗng nhiên giơ đuốc soi dưới mặt đất.
Trên mặt đất toàn là bụi bặm và đá vụn, không có thứ gì cả. Vương Uy không nản, lại đưa bó đuốc cho Nhị Rỗ, còn mình nằm bò ra đất, phủi hết lớp bụi dày, để lộ ra hai rãnh sâu. Vương Uy mừng rỡ, lập tức phủi sạch bụi bặm đá vụn trên mặt đất, Nhị Rỗ cũng nhận ra manh mối bên trong, liền nằm bò ra theo, phủi sạch bụi đất trên khoảng đất phía trước Vương Uy.

Bụi bặm đá vụn bị phủi sạch, mặt đất lộ ra những đường rãnh đan chéo vào nhau. Những rãnh này rất thô tháp, to bằng ngón tay, ăn sâu xuống đất, ngang dọc chằng chịt, nhìn hệt như một bức tranh.
Hai người nhìn con chim sắt đang từ từ tiến về phía họ, bánh xe nghiến xuống mặt đất ken két. Nhị Rỗ cố tình bước lại bên cạnh con chim sắt, giơ đuốc soi xuống trục bánh xe bên dưới.
Nhị Rỗ soi kỹ, không thấy có vấn đề gì, trục bánh xe rất bình thường, có điều độ rộng lại lớn hơn những đường rãnh trên mặt đất rất nhiều, chắc hẳn bánh xe không thể trượt trên những rãnh nàyVương Uy cau mày, nhìn chim sắt đang đi về phía mình, chợt hiểu ra gì đó, bèn chỉ vào bánh xe cho Nhị Rỗ thấy.
Nhị Rỗ vẫn ngơ ngác chưa hiểu, liền ngồi thụp xuống quan sát bánh xe đang từ từ lăn tới trước mặt mình, chợt sáng mắt lên, như đã vỡ lẽ. Thì ra mặt ngoài của bánh xe có một vòng răng khế bằng sắt, hàng răng khế ăn xuống đường rãnh trên mặt đất, chim sắt dựa vào sự kết hợp giữa bánh răng và đường rãnh để khống chế hướng di động.
Người dựng nên bức tượng này và con chim sắt quả là đã dốc cạn tâm tư tạo nên hàng loạt những cơ quan kỳ lạ. Chỉ khó hiểu là, chế tạo ra những thứ khéo léo tinh xảo này nhằm mục đích gì?
Dương Hoài Ngọc đứng gần đấy, quan sát thấy những động tác của Vương Uy và Nhị Rỗ, sớm đã hiểu ra mọi chuyện, bèn phủi sạch bụi đất ngay tại chỗ mình đứng. Vương Uy và Nhị Rỗ cũng ngồi xuống quét sạch bụi, hai tay Nhị Rỗ vẫn còn đau, gã phải cởi áo bông ném xuống đất, rồi giẫm lên thay giẻ lau sạch hết bụi đất nhẹ như không, chỉ một lúc đã lau sạch một khoảng mấy mét vuông, để lộ ra một bức vẽ lớn.
Vương Uy nhanh chóng nhận ra cách làm của mình thật ngu xuẩn, còn khiến cho bụi bặm bám đầy mặt mũi, ho sặc ho sụa. Thấy Nhị Rỗ đang cười mình, anh bỗng nổi cơn tự ái, bất kể ba bảy hai mươi mốt, tháo ngay cái kích đang đeo trên người ra, cởi áo bông, xắn tay áo, học theo cách của Nhị Rỗ, nhanh chóng quét sạch được một khoảnh đất lớn trước mặt.
Nhị Rỗ thấy chiếc kích hình thú mà Vương Uy bỏ xuống, chợt mở to mắt, chẳng để ý đến việc lau sạch bụi bặm nữa, cứ nhìn xoáy vào cái kích để trên mặt đất. Vương Uy lườm gã, chửi thề:
- Mẹ kiếp cái đồ con rùa, đúng là trời sinh mắt la mày lét, muốn xem thì cứ cầm lấy mà xem.
Nhị Rỗ cười khì khì chạy đến, cầm cái kích chạm hình dã thú lên, ngắm nghía một lượt, chợt nụ cười của gã tắt lịm, mắt mở trừng trừng, như thể vừa trông thấy thứ gì đó vô cùng đáng sợ.
Tất cả những biểu hiện đó đều không thoát khỏi mắt Vương Uy, anh chậm rãi hỏi:
- Nhị Rỗ, làm sao thế?
Nhị Rỗ cầm cái kích, cứ ngây ra nhìn chằm chằm vào gương mặt dã thú bên trên, hoàn toàn không nghe thấy Vương Uy nói gì. Vương Uy đi tới, đẩy mạnh Nhị Rỗ một cái, bấy giờ gã mới bừng tỉnh, ngước mắt ngỡ ngàng nhìn Vương Uy, đoạn lại ngẩn ra nhìn cái kích. Trông bộ dạng Nhị Rỗ cứ như mê như ngây, bàn tay sờ vào cái kích run bắn lên.
Vương Uy lấy làm lạ, xưa này anh chưa bao giờ thấy Nhị Rỗ như thế cả. Cái kích hình thú kia thoạt nhìn rất cổ quái, nhưng anh đã đem theo người suốt một thời gian dài, đi khắp núi tuyến đến rừng sâu đều bình thường, tại sao Nhị Rỗ vừa trông thấy đã biến hẳn sắc mặt? Lẽ nào gã biết lai lịch của cái kích này?
Thân thế Nhị Rỗ rất bí ẩn, mười mấy năm qua hai người vào sinh ra tử, trải qua không biết bao nhiêu trận, thắng có bại có, cùng tìm đường sống trong chỗ chết không dưới chục lần, thân thiết đến độ có thể chết vì nhau. Nhưng bấy nhiêu năm nay, Nhị Rỗ vẫn giấu kín lai lịch của mình, mãi đến lúc ở dưới dòng sông ngầm mới tiết lộ.
Tuy Nhị Rỗ đã nói rõ mọi chuyện, nhưng trong lòng Vương Uy vẫn lấn cấn không yên, anh thà tin rằng Nhị Rỗ năm xưa theo anh vào Tứ Xuyên là vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại chứ không phải lần theo bí mật truyền đời của dòng họ. Nhưng dù thuyết phục bản thân như thế nào, anh vẫn không sao thoải mái được. Anh luôn cảm thấy Nhị Rỗ không đơn giản như anh vẫn nghĩ, chắc chắn trong lòng gã còn giấu giếm chuyện gì đó.
Nhất cử nhất động của Nhị Rỗ đều không lọt khỏi mắt Vương Uy, hai tay gã liên tục chà sát lên cái kích như muốn lau sạch gỉ đồng, hai mắt cứ xoáy sâu vào bộ mặt dã thú trên kích. Đôi mắt Nhị Rỗ trợn tròn, nét mặt u ám, toát lên một vẻ hung ác khó tả, nhìn vô cùng đáng sợ.
Cuối cùng Vương Uy không nhẫn nhịn nỗi nữa, anh nôn nóng muốn biết có chuyện gì xảy ra, bèn vỗ mạnh vào vai Nhị Rỗ, giật lấy cái kích. Bấy giờ Nhị Rỗ mới chú ý đến Vương Uy, cặp mắt long lên nhìn anh, như muốn ăn tươi nuốt sống.
Vương Uy xưa nay oai nghiêm, chưa bao giờ gặp phải thái độ gây hấn thế này, anh giận dữ trừng mắt nhìn Nhị Rỗ, gân xanh trên trán nổi lên, không hề có ý nhượng bộ. Bốn mắt trừng nhau giây lát, ánh mắt Nhị Rỗ dần dịu lại, nhưng Vương Uy vẫn chưa nguôi thịnh nộ, anh trợn mắt nhìn Nhị Rỗ, xẵng giọng:
- Giải thích xem, cuối cùng là chuyện gì?
Nhị Rỗ thấp thỏm hỏi:
- Tôi… tôi... vừa rồi có chuyện gì không bình thường ư?
Vương Uy gật đầu:
- Đúng là rất không bình thường.
Nhị Rỗ gật đầu đáp:
- Cái kích chạm hình thú này đến tám phần mười là vật bất thường, chỉ huy đem theo nó bên mình e rằng không hay đâu.
Vương Uy hừm một tiếng, nói: - Trước tiên anh hãy giải thích cho rõ hành vi không bình thường vừa nãy khi nhìn thấy cái kích hình thú đã, rồi hẵng nói đến những chuyện khác.
Nhị Rỗ hoang mang gật đầu, trở lại khoảnh đất cách đó không xa, bảo Vương Uy:
- Chỉ huy xem kia…
Khoảnh đất đó cách hai người chừng hơn chục mét, Vương Uy vội rảo bước tiến lại, Nhị Rỗ đi theo, cầm lấy bó đuốc trong tay Vương Uy, ngồi xuống, soi rõ bức vẽ trên mặt đất.
Vương Uy thoạt nhìn bức vẽ, đầu óc đã ong lên, chỉ thấy ở chính giữa bức vẽ là chiếc kích chạm hình dã thú trong tay anh. Bức họa này vẽ một đôi kích được khảm trên hai cánh cửa bằng đồng, giữa hai cánh cửa là một khe hở nhỏ, trong đó có một người. Bóng người này trông rất mơ hồ, chỉ được phác họa bằng vài nét đơn giản, nhưng nhờ đôi kích chạm hình dã thú kỳ dị trên hai cánh cửa, khiến toàn bộ bức vẽ toát lên một vẻ âm u khó diễn tả thành lời, làm cho người ta thấy đầu óc như tê dại đi.
Hai chiếc kích chiếm phần lớn diện tích cánh cửa, hình đầu người hung ác trên kích lại vừa khéo nằm chính giữa cửa, thu hút tất cả chú ý của mọi người, bóng người đứng trong khe cửa bị kẹp ở giữa hai cái đầu. Vương Uy nhìn đi nhìn lại, cảm thấy điều bất thường nhất trong bức vẽ chính là hai cái kích trên cánh cửa, có lẽ vấn đề chính là ở đấy, nhưng cụ thể là vấn đề gì thì anh không sao nói rõ được.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận