Mắt Bồ Đề FULL


Edit + Beta: Cam Cam Một Màu Xanh
...........
Tìm Yến Sơn Nguyệt là mục tiêu quan trọng nhất trong chuyến đi của bọn họ, Tiêu Khản lối qua dòng sông ngang hông, đi tới gần cột báo tin khói lửa.
Lâm Tầm Bạch mừng rỡ khôn xiết, đuổi theo cô ấy đồng thời quan sát cấu trúc của cột báo tin khói lửa.

Phần thân chính được xây bằng đất vàng nén chặt, mặt ngoài mặt bong tróc lộ ra khung xương bằng cột gỗ bên trong.

Đoán chừng lối vào ở bên trái.
“Bà chủ Tiêu, đi sang trái.”
Mới nói một nửa, chính anh đã ngừng lại.
Tiêu Khản ở đằng phía trước nghi hoặc quay đầu lại, Lâm Tầm Bạch duỗi một ngón tay với vẻ mặt phức tạp, chỉ sang hướng bên trái.
Trên đỉnh cột báo tin khói lửa có xây chòi canh, xung quanh một vòng có hàng rào bằng gỗ.

Phòng nhỏ ở giữa như đình mà không phải đình, như lầu các mà không phải các.

Bên trong hàng rào gỗ chỉ có mỗi Yến Sơn Nguyệt đứng đấy, còn bên ngoài chòi canh lại có hai người.
Một nam một nữ, Tiêu Khản đều biết
Một người là Triệu Hà Viễn, một người là bà Triệu.
Thế giới dưới lòng đất không cách gì so bì với trên mặt đất, chẳng có niềm huy hoàng thu hút sự chú ý của hàng ngàn người, chẳng có quang cảnh hoa lệ ngày xưa.

Mặt mày Triệu Hà Viễn đầy bụi đất, mắt ông ta nhắm nghiền dường như đang hôn mê.

Trái lại bà Triệu hãy còn tỉnh táo, mỗi tội tóc ngổn ngang, đâu hề cao quý thanh lịch như đã từng.
Hai người bị trói tay hệt con dê đang đợi làm thịt được treo trên bức tường bên trái ngoài cột báo tin khói lửa.
Sợi dây thừng to dài kéo căng, một đầu trói người sống trờ trờ đang ngúc ngắc, một đầu buộc vào xà nhà chòi canh.

Lâm Tầm Bạch thu lại quan điểm trước đó, thay vì nói cột báo tin khói lửa chực như ngọn hải đăng, chi bằng dùng từ giá treo cổ sẽ chính xác hơn.
Độ cao năm sáu tầng lầu đủ để người ta tan xương.
Nói thật, Tiêu Khản không có gì ngạc nhiên khi thấy được Triệu Hà Viễn ở đây.
Điều bất ngờ duy nhất là cô vẫn đánh giá thấp Chim Yến.
Đánh giá thấp một trái tim muốn trả thù bị chôn sâu 25 năm, đánh giá thấp một cô gái tự mình trưởng thành sẽ làm được tới mức nào.
Yến Sơn Nguyệt đưa cho cô câu trả lời.
(P1)
Lập kế hoạch kín đáo, hành động gọn gàng, ra tay nhanh chóng và chuẩn xác; cô ấy đi từng bước một, ra từng chiêu, xứng đáng là cộng tác được cô chọn lấy.
Đổi lại là cô, có lẽ cô cũng sẽ làm như vậy.
Yến Sơn Nguyệt đến gần bên hàng rào, cúi đầu nhìn xuống.

Khuôn mặt điềm tĩnh thường ngày chợt mỉm cười, không biết vì sao, nụ cười hãn hữu thấy này khiến lòng Lâm Tầm Bạch nhói lên.
“Bà chủ Yến, cô… bọn họ…”
Anh lần nữa nghẹn lời.
Vì ngạc nhiên, cũng vì lạ lẫm.
Vậy mà Yến Sơn Nguyệt đã chủ động mở miệng: “Không ngờ được hai người tới nhanh đến thế.

Tôi cho rằng hết thảy kết thúc rồi, hai người mới tìm tới được chỗ này.”
Nói xong, cô ấy khựng lại…
“Hoặc, vĩnh viễn không tìm ra.”
Một câu hời hợt như thể họ vĩnh viễn không tới vẫn không phải là điều xấu.
Tiêu Khản vừa liếc mắt nhìn đã tỏ tường điều cô ấy ẩn sâu nơi đáy mắt: “Chẳng lẽ cậu là Sa Tuyết nên tớ mới không tới à?”
Yến Sơn Nguyệt không thể phủ nhận.
Cô ấy là Sa Tuyết, còn người Tiêu Khản biết chính là Yến Sơn Nguyệt, theo một ý nghĩa nào đó, cô ấy bằng lòng để Tiêu Khản chỉ biết tới Yến Sơn Nguyệt.
Như vậy giữa hai cô sẽ không có lừa dối, không có lợi dụng, càng không có sự đối lập xa cách bấy giờ.
Tiêu Khản tiến lên hai bước nói to: “Tớ biết Triệu Hà Viễn là Xuân Sinh nên cậu mới làm như thế.

Chim Yến, rốt cuộc 25 năm trước đã có chuyện gì xảy ra?”
Trực giác mách cô rằng những nơi không thể mường tượng nổi ắt cất giấu những u ẩn không muốn người hay.
“Có vẻ như cậu đã biết danh tính của chúng tớ, vậy…” Mắt Yến Sơn Nguyệt vừa chuyển, khinh miệt nhìn về phía người đàn bà bên cạnh Triệu Hà Viễn, “Bà ta thì sao?”
“Bà ta là...”
Đây chính là một phần nghi ngờ khác của Tiêu Khản.

Trói Triệu Hà Viễn là hợp tình hợp lý, tuy nhiên liệu việc trói vợ ông ta có khi nào lại giận cá chém thớt?
Yến Sơn Nguyệt lại cười.
Nụ cười ấy thật lạnh, đầy khinh rẻ, có một nỗi ghê tởm phát ra từ trong lòng.
Là hận.
Cô ấy giới thiệu với Tiêu Khản: “Bà ta là bà Triệu, bây giờ có tên là Vương Phương Phỉ, trước kia gọi là Vương Phương.”
“Là người đã sinh ra tớ.”
(P2)
------
Câu chuyện của Yến Sơn Nguyệt bắt đầu sớm hơn 25 năm trước đây.
Cô được sinh ra ở thôn Họ Sa, vào mùa tuyết rơi, cho nên cô được đặt cho cái tên Sa Tuyết.
Ký ức tuổi thơ thường thoi thói nhưng cô thì khác, cô đã có trí nhớ khác người thường từ tấm bé.

Ngay cả khi không có môi trường giáo dục chất lượng, nó vẫn không ngăn cô trở thành đứa trẻ thông minh nhất thôn.
Những câu chuyện người già kể, sách giáo khoa cho trẻ lớn, thậm chí những bức tranh năm mới cũ kỹ trên tường, đều là nguồn học tập của cô.
Vẽ ra Tần Quỳnh và Uất Trì Cung là những bức tranh về nhân vật đầu tiên mà Sa Tuyết học được.
Một đứa trẻ ba tuổi rưỡi cầm bút xẹo xọ nhưng những nét vẽ ra đã đủ hình đủ dạng, chưa biết chữ nhưng vẫn biết xem mèo vẽ cọp, “vẽ” được cả những nét phẩy và nét mác không bỏ sót một đường nào.
Có người nói với Sa Vệ con gái của hắn nhọn cực kỳ, vậy mà cứ sập trong thôn này thì thật đáng tiếc.
(nghĩa là: Có người nói với Sa Vệ con gái của hắn thông minh cực kỳ, vậy mà ngu ngơ mãi trong thôn này thì thật đáng tiếc.)
Đêm đó, Sa Vệ nằm trên giường, hỏi mụ vợ bên cạnh: “Sau này có nên để bé Tuyết đi học không?”
Mụ vợ trả lời hắn: “Con bé đọc nhiều sách rồi!”
Sa Vệ ngẫm nghĩ, có lý thật.
Cả thôn Họ Sa không có một đứa con gái nào đi học.

Có điều nhà hắn nghèo, mụ vợ bảo không có tiền tuyệt đối không sinh thêm, thay vì tiêu tiền để cho một đứa con gái đi học không bằng tích góp thêm tiền trả nợ, tranh thủ sau này sinh thằng con trai.
Trong bóng tối, mụ vợ hắn nói thêm: “Đã bảo sinh ra nó ở đây là ngày sập rồi, vậy không phải nga lấy anh cũng coi là ngày sập sao?”
(nghĩa là: “Đã bảo sinh ra nó ở đây là xui lắm rồi, vậy không phải tôi lấy anh cũng coi là xúi quẩy sao?”)
Sa Vệ càng không dám lên tiếng.
Trong lòng hắn rõ ràng, mụ vợ Vương Phương của mình là người con gái sáng sủa nhất tám thôn mười dặm.

Sở dĩ mụ lấy hắn vì hai nguyên nhân chủ yếu: trước hết thôn Họ Sa giàu hơn thôn Họ Vương một chút, tiếp đó là vì Vương Phương quá chói mắt.
Nghe nói năm đó khi đám người Tây chiếm đóng Tây Bắc, từng có một đội tàn quân chạy vào thôn Họ Vương.

Đến khi nhóm tàn quân rời đi vào năm sau, cha của Vương Phương đã ra đời, vừa ra đời đã có mắt xanh, khác hoàn toàn với anh chị em còn lại.
(P3)
Bởi vì lý do này, cha mụ cứ mãi không lấy được vợ.

Tới lúc Vương Phương được sinh ra, cha mụ đã ngoài 40.
Mụ còn có một người anh trai, anh trai không có mắt xanh như mụ nhưng lại có làn da trắng đến đáng sợ.

Gia đình trong thôn rơi vào tình huống khó xử, thế là Vương Phương muốn kết hôn.
Đến thôn Họ Sa, rời khỏi những tin đồn ấy, Vương Phương chỉ là một toa toa với làn da trắng đầy xinh đẹp.
Mụ đi theo người dân trong thôn lên thị trấn đi chợ.

Thị trấn có báo và tạp chí xanh xanh đủ sắc màu, những người trong cùng thôn bảo ả: “Người phụ nữ in trên giấy này không có đĩa sáng bằng cô nữa!” (nghĩa là: “Người phụ nữ in trên giấy này không có khuôn mặt xinh đẹp bằng cô nữa!”)
Ông chủ bán tạp chí thò đầu nhìn, phụ họa: “Nếu cô mà vào thành phố là có thể lên cả TV!”
Vương Phương hỏi: “Sao lại gọi là TV?”
Ngay sau khi nói ra, mụ đã hối hận.
Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, mụ tin chắc rằng người phụ nữ in trên giấy thật sự không đẹp bằng mình, tuy nhiên đoan chắc sẽ không nói tiếng địa phương khó nghe đến thế.
Ông chủ thở dài: “Quên đi, chúng ta ở trong vùng hẻo lánh, đừng nghĩ nữa.”
Về nhà rồi, Vương Phương và Sa Vệ cãi nhau một trận.
Bởi vì giường không đủ mềm, bởi vì chặt ít củi, bởi vì bữa ăn tối không có thịt, bởi vì…
Bởi vì mụ không biết thế giới trong thành phố.
Mùa thu năm đó, có người chú họ cùng họ với Sa Vệ ở cùng trong thôn giới thiệu cho Sa Vệ một công việc.

Đó là đi đến hang Mạc Cao tại Đôn Hoàng trồng cây, tiền lương không cao lắm nhưng đủ để gia đình sống tốt hơn trước.
Vào cuối những năm 1980, sự cằn cỗi của Tây Bắc trải khắp vùng hệt cát bay trong gió.
Nhà nào cũng nghèo, người người tự túc.
Sa Vệ cho rằng cũng tốt, hắn gửi tiền lương tiết kiệm về quê, một nửa dùng để trả nợ, một nửa để Vương Phương chi trả các chi phí khác trong nhà.

Như vậy ngày thường có thể ăn thêm mấy miếng thịt, đến cuối năm còn mua được cho bà vợ nhà mình một bộ quần áo mới.
Sa Tuyết cho rằng cũng tốt.

Vào khi trời lạnh lẽo tuyết rơi, cha cô trở về từ Đôn Hoàng, mang cho cô mấy tờ giấy cây bút rải rác còn thừa của mấy nhà nghiên cứu trong viện.

Đầu những cây bút chì nho nhỏ đó ngắn cỡ hai tấc, hên sao tay cô nhỏ, cầm vừa vặn.
Nhưng tất cả những điều trên đều không làm Vương Phương cảm thấy tốt.
Mụ tiết kiệm toàn bộ tiền chi tiêu Sa Vệ gửi về, hơn nửa năm sau, mụ gửi Sa Tuyết ở nhà Lý Mai rồi lén mua một vé tàu đến Lan Châu.
Một tuần sau, mụ trở về từ Lan Châu.
Tiền trong tay đã xài hết, nhưng trên thân lại có thêm một chiếc váy hoa từ sợi tổng hợp thật tốt.
(P4)
Mấy bà vợ trong thôn Họ Sa chỉ mặc đồ vải bông hai màu xanh xám, trong khi váy của mụ lại hoàn toàn khác biệt.

Nó làm bằng sợi tổng hợp phẳng phiu, màu sắc rực rỡ, nền vàng tươi sáng được bao phủ bởi những bông hoa tím nhỏ, hệt đầy trời cát vàng trong cả vùng xuân sắc.
Vương Phương coi nó như một kho báu.
“Một ngày nào đó,” Mụ ôm Sa Tuyết mà rằng, “Mẹ muốn đi tới phương Nam nhìn xem.”
Sa Tuyết nép vào trong ngực mụ, hỏi đầy tò mò: “Có gì ở phía Nam ạ?”
“Có TV, có xe hơi, có nhà cao tầng, có cả tàu thủy…” Vương Phương liệt kê những gì mụ nhìn thấy, nghe thấy bao điều mới mẻ tại Lan Châu, đặc biệt là hình ảnh mụ trông thấy trên TV công cộng của nhà trọ.
Mụ cảm thấy càng ngày mình càng bị Sa Vệ làm cho ngày sập.
(nghĩa là: Mụ cảm thấy càng ngày mình càng bị Sa Vệ làm cho ngu đi.)
------
Vào mùa Đông, Sa Vệ từ Đôn Hoàng trở về, còn dẫn theo một người bạn tới nhà làm khách.

Người kia nhỏ hơn hắn hai tuổi, tên là Xuân Sinh.

So với Sa Vệ thô kệch đen sạm, Xuân Sinh có vẻ ngoài điển trai, là một hướng dẫn viên du lịch.
Đã gần cuối năm nên Xuân Sinh không có dư thời gian, y mang theo hai bọc mứt trái cây và một chiếc khăn choàng đỏ bằng lông cừu để làm quà tặng.
Sa Tuyết ăn trái cây ngọt lịm, biểu diễn sở trường tuyệt vời của cô cho Xuân Sinh xem: vẽ cho y một bức chân dung.
Mặc dù chỉ là giấy trắng mực đen, vậy mà Xuân Sinh đã khen ngợi bức chân dung không ngớt: “Con bé này vẽ đẹp quá! Đẹp quá!”
Vương Phương bưng hai tô mì cá chà xát ra khỏi phòng bếp, chả nhìn lấy một cái, thẳng thừng đặt tô mì lên giấy vẽ: “Đẹp đâu mà đẹp, con nhóc chỉ vẽ nguệch ngoạc lấy có thôi.”
Xuân Sinh bế Sa Tuyết lên đùi, ngước mắt nhìn Vương Phương.
Một bộ quần áo từ bông vải thô nào giấu đi được khuôn mặt xinh đẹp của mụ.

Này làn da trắng mịn, này hốc mắt sâu, này một sợi tóc con con nơi thái dương xõa xuống bên tai, quyến rũ tót vời.
Thốt nhiên y nói.
“Chị dâu cũng đẹp…”
Vương Phương ngẩn ra, hai gò má ửng đỏ.
Một năm sau đó, Xuân Sinh thường đến thôn Họ Sa bảo là đưa du khách nước ngoài đến thăm Gia Dụ Quan, có đi ngang qua đây, bèn giúp Sa Vệ mang đồ về cho mẹ con họ.
Đôi khi là mấy viên kẹo, có lúc là một cuốn sách nhỏ.
(P5)
Không có đứa trẻ nào có thể từ chối những món quà xanh xanh đỏ đỏ, Sa Tuyết chia sớt kẹo với Lý Mai, mang sách tới nhà Lý Mai đọc cả ngày.

Cô tự hào nói đây toàn là những món cha mua cho cô.
Một lần cô trở về nhà sớm, nghe Vương Phương và Xuân Sinh nói chuyện trong phòng.
“Phương Nam...!Người phương Nam có rất nhiều tiền đúng không?”
“Không, không phải người phương Nam có tiền, mà là chỉ cần đi về phía Nam, ai ai cũng có thể làm ra tiền!”
“Vậy đi bằng cách gì?”
“Anh sẽ tìm ra cách...”
Sa Tuyết nhớ lời dặn dò của Vương Phương, con nít không được xen vào khi người lớn nói chuyện.

Thành thử cô ngoan ngoãn ngồi trên bậc thềm ngoài nhà tiếp tục đọc sách.

Mãi đến khi trời sẩm tối, cô mới cuộn trang mình đang đọc thành một vòng tròn nhằm đánh dấu.
Cô đứng dậy và gõ cửa phòng.
“Mẹ, mẹ, con đói.”
Vương Phương mở cửa, kéo cô vào.
Xuân Sinh ngồi ở trên giường trong phòng, vẫy tay với cô: “Bé Tuyết, có muốn vẽ một bức tranh cho chú nữa không?”
Sa Tuyết gật đầu, cầm bút vẽ, cuối cùng, cô đưa giấy vẽ cho Xuân Sinh.
Người đàn ông trong bức tranh ngồi xếp bằng, dáng người cao, tóc xoăn đầu tròn, có mũi có miệng, mỗi tội không có hai mắt.
Xuân Sinh nhíu mày: “Bé Tuyết, sao con không vẽ mắt cho chú?”
Cô bé non nớt ngẩng đầu lên, trả lời đâu ra đấy: “Bởi vì trong mắt chú có quá nhiều điều tốt đẹp, con chưa vẽ được.”
Xuân Sinh ngẩn người rồi cười ha ha.
Y gấp giấy vẽ thành hai, nhét nó vào túi quần áo: “Sau này con lớn lên thì thêm vào cho chú.”
Sa Tuyết nói: “Vâng ạ.”
Mùa đông năm đó, tuyết rơi vừa dày và gấp, Sa Tuyết rất mong chờ cha sẽ về sớm.

Vậy mà ngay trước khi Sa Vệ trở về, Vương Phương đã biến mất.
(P6)
Lúc đầu, Sa Tuyết còn nghĩ mẹ lên thị trấn mua đồ năm mới, không bắt kịp chuyến xe quay về.
Nhưng tới tối ngày hôm sau Vương Phương vẫn không trở lại.
May mà chạng vạng tối ngày thứ ba, Sa Vệ trở về đầy vội vã.

Vừa buông hành lý xuống là hắn đã khóa chặt bằng sạch cửa trong và ngoài.

Ngặt nỗi sự biến mất của Vương Phương đã khiến hắn lao ra khỏi nhà một lần nữa.
Trong những ngày tìm kiếm Vương Phương, ngày ngày Sa Vệ đều đi sớm về muộn.
Đôi khi Xuân Sinh đi với hắn, đôi khi Xuân Sinh ở nhà với Sa Tuyết, thậm chí có lúc hai người bọn họ sẽ tranh cãi.
Xuân Sinh bảo: “Anh đừng quá gấp gáp chuyện chị dâu, việc chính quan trọng, trước hết đưa đồ cho em đã…”
Sa Vệ vô cùng bướng bỉnh: “Không, nga muốn dẫn bà vợ đi cùng, bà ấy không về, nga không lấy tiền!”
“Bé Tuyết thì sao!” Xuân Sinh nóng nảy, chỉ vào Sa Tuyết ở góc tường chất vấn hắn, “Nghe nói đã báo cảnh sát rồi.

Anh mà cứ rề rà là hai ta khỏi đi luôn!”
“Cậu yên tâm.” Sa Vệ vỗ ngực cam đoan, “Nga sẽ không liên lụy đến cậu.

Ngộ nhỡ nga rời đi, cậu phải giúp nga chăm sóc bé Tuyết, nga quay về sẽ đón nó.

Mặc kệ như thế nào, nga phải tìm Vương Phương!”
Thời điểm đó Sa Tuyết biết vẽ, biết đọc, nhưng vẫn không hiểu ý nghĩa thật sự của ba từ “mẹ rời khỏi”.
Cô chỉ nhớ kỹ một điều, cha bảo sẽ quay về đón cô.
Vì vậy bí mật mà Sa Vệ nói với cô, cô sẽ không bao giờ quên, không bao giờ nói với bất cứ ai khác.
--------------------
HẾT CHƯƠNG
------oOo------


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui