Mật Thám Phong Vân New


Cả Trường An khắp nơi cũng đang rộn lên chuyện sứ đoàn đi Kim.
Cũng phải nhắc lại, hiện lúc này Kim Tống vẫn là đồng minh diệt Liêu, cả thiên hạ có lẽ trừ Lăng Phong ra, không ai nghĩ rằng chỉ vài năm nữa, Kim quốc sẽ là tử địch của Tống.

Dù sao thì, Kim quốc mới phất có mấy năm, cho dù đang diệt dần nhà Liêu, thì vẫn chỉ là một đám dân tộc thiểu số.
Cái này không phải là do người Tống tự cao tự đại, mà ngay cả lịch sử hiện đại khi nhìn lại đều có đánh giá khách quan như vậy.

Như Bạch Ngọc Đường từng nói, một nước dân số chỉ có mấy chục vạn, không ai xem vào đâu cũng dễ hiểu.
Thế nhưng vì sao Kim còn chưa lộ ra dã tâm, Tống đã chạy đi cống đồ?
Triệu Cát được tiếng là ông vua “ghét chiến tranh yêu hòa bình”, cho nên rất được các văn nhân sỉ tử ủng hộ.

Hơn thế quyết định của lão luôn dựa trên lời dạy của Thánh nhân, đều có điển tích điển cố tô vẽ vào, lúc nào cũng đầy đủ đạo nghĩa quân tử.
Nói tỷ dụ lần sứ đoàn này, cáo thị ra ngoài đại loại là “Đại Tống là thiên triều, Nữ Chân là man di, thiên triều luôn yêu thương man di, cho nên tặng cho ít áo quần, về sau phải nghe lời.”
Lời bay bổng như vậy, dĩ nhiên làm nức lòng người Tống, cho nên có đến 8 phần dân chúng cũng thấy có lý.
Số ít có tầm nhìn hơn, tuy nhìn ra Kim có khả năng lớn mạnh, nhưng về cơ bản vẫn ủng hộ giao hảo.
Không phải ai cũng nhận ra chân tướng rằng, Triệu Cát căn bản không phải là bao dung, hay có tâm “hòa trước đánh sau”.

Mà lão chỉ muốn yên ổn làm Hoàng đế, muốn kết bạn làm hòa cho nhanh.
Nói đến đây thì, Lăng Phong cũng cái tính này còn gì?
Không giống, thứ tự không giống.
Lăng Phong là đánh trước, thấy không nổi thì hòa, rồi chạy đi chỗ khác tìm cách.

Còn Triệu Cát là chưa gặp đã nghĩ đến hòa, sau đó lại hòa tiếp, để lão còn ngồi một chỗ hưởng thụ.
Nói trắng ra, Triệu Cát là một Hoàng đế ham sống sợ chết.

Bằng không lão ta cũng không đi luyện nội đan cầu trường sinh.

Sau vụ ám sát ở Chung Nam, Triệu Cát lại càng sợ chết hơn trước.
Thành ra, kể cả Yên Vương phản tới mông, Triệu Cát vẫn chỉ lo kéo 4 cánh quân Bắc nha về thủ 4 mặt Trường An, còn đâu mặc cho Xu Mật viện chống sao thì chống.

Trong khi, quân Bắc nha đã là 2 phần 3 quân lực của Tống, còn lại toàn là quân tạp nham.

Chính vì thế mà vụ Yên Vương mới dây dưa mãi chưa xong.
Nói đi cũng phải nói lại, việc đi sứ Kim cũng không phải Triệu Cát quá sợ chết tự nghĩ ra.

Vốn trong điều khoản "liên minh trên biển" với Kim, Tống sẽ phải chuyển cống nạp từ Liêu sang Kim, đổi lại Kim sẽ trả 16 châu Yên Vân cho Tống.


Vấn đề là Kim lấy cớ Tống đồng minh đánh đấm quá tệ, mới dây dưa không trả.

Cho nên Tống cũng không thèm chuyển cống nạp.
Mãi đến gần đây, nhân chuyện phản loạn, Triệu Cát mới nghe theo ý Cao Cầu, đề xuất dùng tiền mua lại 16 châu Yên Vân, lại thêm Kim giúp Tống đánh sau lưng phản quân.

Đề xuất này bị vài nhóm quan lại cho rằng quá trẻ con, nhưng bọn họ lại không tìm ra được ý kiến nào hay hơn, rút cục đành đồng thuận.

...
Hồng Lô tự, “Bộ ngoại giao”.
Hôm nay sứ đoàn họp phiên đầu tiên chuẩn bị lên đường.

Trước kia, Đại Tống luôn xem mình là cường quốc, chỉ có nước khác tới triều cống, không có chuyện Tống đi nộp cống ngược lại, thành ra Hồng Lô tự chỉ lo việc tiếp đón sứ bộ ngoại bang.

Mấy chục năm gần đây, bị Liêu ức hiếp, dần dà Hồng Lô tự kiêm luôn việc đi sứ cống nạp cho phương bắc.
- Các ngươi là người của Phong Vân đoàn?
- Bẩm đại nhân, là.

- Đi theo ta.
Mặc lão cùng Gia Cát Vinh chậm rãi theo vào.
Trong lễ vật đi sứ lần này, Phong Vân đoàn phụ trách phần trọng yếu.

Một bức tượng Phật cực lớn bằng đá Hán Bạch Ngọc nguyên khối khai thác ở Vĩnh Lạc, kèm theo 20 vạn lượng vàng.

Vì không có đủ vàng, nên quy ra bạc.

Tỉ giá vàng bạc thời điểm này là 10:1, tính ra là 200 vạn lượng bạc.

Đây là chuyến hàng lớn nhất trước nay của cả đoàn, hơn nữa còn liên quan đến quan phủ, hỏng một cái cả đoàn đi ăn cám hết.

Đại đương gia Lăng Phong đang bận rộn ở Hà Bắc, Mặc lão cùng Gia Cát Vinh đành thay thế đến bàn giao.
Trong đại sảnh đã đứng hơn chục người, trừ hai người Mặc lão, đám còn lại nhìn vào trang phục đều là quan lại.

Ghế chủ tọa phía trên vẫn chưa ai ngồi, bên dưới đều đang đứng chờ, bàn luận râm ran.


Tiện nói, trong việc họp hành, phàm vị nào có địa vị nhất luôn tới muộn nhất.

Thậm chí đến rồi nhưng vẫn ngồi ở đâu đó, khi nào quan khách đông đủ mới bệ vệ đi ra, nói vài câu đại loại "tắc đường" "thân thể không khỏe" gì đó.

Thực tế chỉ cốt thị uy quần chúng.

Mặc lão và Gia Cát Vinh trong đây địa vị kém nhất, dân thường không nói, còn là thương nhân, vừa bước vào đã ăn cả chục ánh mắt khinh bỉ.

Chẳng qua, Mặc lão tuổi già từng trải, lại luyện qua chiến trường, ánh mắt có thần thân người có khí, không đến nỗi bị hù dọa.

Gia Cát Vinh lại là kẻ biết co biết duỗi, mấy tháng qua lăn lộn quan phủ xin xỏ không ít, tuy uy thế không bằng người, nhưng vẫn giữ được thản nhiên.
Mặc lão vừa vào đã chú ý một người.

Người này mặc nguyên khải giáp, một tay kẹp đầu khôi, thân người cao lớn thẳng tắp.
Lâm Xung.
Chờ chút, Lâm Xung?
Có lẽ nào là "Báo tử đầu" Lâm Xung, giáo đầu 80 vạn Cấm quân Đông Kinh trong Thủy Hử?
Khả năng không sai, chỉ lệch một chút.

Lâm Xung này tuy không quản 80 vạn Cấm quân, cũng không ở Đông Kinh phủ Khai Phong, nhưng ít nhất cũng là giáo đầu Võ học.

Nhưng đáng nói hơn, Lâm Xung lại là con cháu Lâm lão tướng, cũng chính là Lâm gia của Lâm Nghi Anh.

Phong ca hóa ra cũng là bà con người nổi tiếng, cháu gọi Lâm Xung là cậu.
Lâm gia so với Khương gia Dương gia tuy không nổi bằng, nhưng cũng là tướng gia ở Tống.

Từ sau cái chết của Lâm Canh và vụ án Vệ Thần phi lúc đó, Lâm gia dần phân liệt tan rã, hiện tại cả tộc chỉ còn mỗi Lâm Xung là có địa vị trong quân, mà cũng chẳng phải cầm quân, chỉ làm một giáo đầu.

Mãi gần đây, Lâm gia mới có thêm một vị Trắc phi Thái tử, cả tộc đều trông chờ vào nàng ta.
Lâm Nghi Anh và Lâm Tố Vi tính ra là đường tỷ muội.

Chỉ là, lúc Lâm Nghi Anh rời nhà ra đi, Lâm Tố Vi còn chưa sinh ra, tuổi còn kém thua Lăng Phong.

Lâm Tố Vi vào Đông cung cách đây 2 năm, chính là thời điểm Lăng Phong đang mò mẫm ở Tô Châu.


Lăng Phong hóa ra có một vị dì trẻ là Trắc phi, hậu đài tính ra cũng không nhỏ.

Còn Lâm Xung thuộc chi thứ trong Lâm gia.

Lâu nay Lâm Xung làm Giáo đầu chức quan rất nhỏ bé, trong gia tộc không có tiếng nói.

Mãi lần đi sứ này, Lâm Xung là phó sứ, được thăng lên Ngự sử đài Tuần án kiêm Binh bộ Tả Lang trung, tương lai rộng mở, nhờ vậy địa vị của y trong Lâm gia mới cao theo.

Lại nói, vị trí phó sứ sứ đoàn đáng ra không phải của Lâm Xung, mà phải do Đô Giáo đầu Võ học Vương Tiến làm.

Chỉ là, họ Vương làm phật ý Cao Cầu, vừa bị biếm chức quan, Lâm Xung mới thành người thay thế.

Trong chuyện này, lại có khả năng còn có bóng của vị Trắc phi kia thúc đẩy.
Vương Tiến, nếu ai đó còn nhớ, chính là kẻ được Triều Lam đem ra làm “anh hùng chính nghĩa” chống Cao Cầu ở đại hội Triều gia lần trước.
Chốt lại, Cao Cầu chính sứ, Lâm Xung và Hồng Lô tự Phiền Kiên làm phó sứ.
Phiền Kiên là ai? Tự nhiên nhắc vào làm gì?
Cũng không là ai.

Chỉ biết lão Phiền có thằng quý tử, hôm trước ra đường ghẹo gái thế nào bị đấm cho vỡ mũi.

Phiền đại nhân cũng đang rất phiền não.
Nói chung, lằng nhằng phức tạp, tạm không nói nữa.
...
Nói chuyện của Mặc lão.

Mười mấy năm trước, khi đó Mặc lão 40 tuổi, đang là bộ tướng dưới trướng Lâm Canh, còn Lâm Xung mới 16 17, nhưng cũng đã thể hiện tiềm năng làm đại tướng, được Lâm Canh vô cùng yêu thích.

Hai người coi như từng biết tên nhau, cũng không tính quen.
Lần này biết Lâm Xung cũng có mặt, Mặc lão mới cố ý đi cùng Gia Cát Vinh.

Trong sảnh đường cũng chỉ có Lâm Xung đứng cô độc một mình, lại gần ghế thủ tọa, Mặc lão nhờ vào đường nét khi xưa, nhờ vậy nhận ra y.
Lâm Nghi Anh bị đuổi khỏi tộc là quyết định của chi trưởng, Lâm Xung lúc đó còn rất trẻ không quan tâm.

Vả lại, Lâm gia quá lớn, thi thoảng có con cháu bị phạt tội không phải ai cũng biết, đặc biệt là nữ tử.

Nhưng theo Mặc lão còn nhớ, thái độ làm người của Lâm Xung lúc trẻ khá tốt, thẳng thắn cương trực, lần này Mặc lão cố ý muốn gặp, cũng vì chuyện Lâm Nghi Anh.
Mặc lão rảo bước lại gần :
- Lâm tướng quân, lão nô có lễ.
Lâm Xung quay sang nhìn, thấy người kia râu tóc đều bạc trắng nhưng dáng vẻ vẫn rắn chắc, y cũng gật đầu :
- Không biết lão nhân gia là ...

- Lão nô Mặc Dật, không biết Lâm tướng quân còn nhớ?
Lâm Xung nhíu mày lục lọi trí nhớ.
Mặc lão bèn nhắc hộ hắn :
- Còn nhớ năm đó tướng quân cùng lão tướng quân so thương, lão nô ở cạnh ...
Lâm Xung nghĩ thêm một lúc mới vỗ đầu nói :
- Mặc thúc? Sao thúc lại ở đây? Còn nữa, mấy năm nay thúc đi đâu?
Mặc lão chỉ biết cười trừ.

Cái gì mà "mấy năm"?
Cũng khó trách Lâm Xung, nhiều năm như vậy, hai bên cũng không phải thân thích.

Lâm Xung tuy nhớ ra nhưng chỉ im lặng, bởi y cũng không rõ Mặc lão có mục đích gì.

Một người không mấy thân thiết, mười mấy năm tìm gặp, chắc chắn không chỉ kể vài chuyện xưa là xong.
Mặc lão nói qua loa vài chuyện, đa phần nhắc đến Lâm Nghi Anh.
Lâm Nghi Anh nằm trên giường không động đậy, tuy da dẻ vẫn hồng hào hơi thở còn đó, nhưng chẳng ai biết lúc nào bà tỉnh lại hay sẽ như vậy mãi.

Cái hạn "5 năm" cũng như món "Đoạn Cân Nhẫn" kia chỉ có Lăng Phong và Liễu Thanh Nghi biết với nhau, ngoài ra không còn ai.

Mặc lão tuy bận rộn việc Phong Vân đoàn, vẫn luôn tìm người tìm thuốc cho Lâm Nghi Anh, càng tìm càng bí.

Ý tứ của Mặc lão, nếu Lâm Xung có thể giúp Lâm Nghi Anh trở lại Lâm gia, tệ nhất nhờ vào nguồn lực của Lâm gia tìm ra thuốc quý hoặc thầy thuốc trong cung, như vậy biết đâu giúp Lâm Nghi Anh tỉnh lại.
Lâm Xung tuy tốt bụng, nhưng chuyện của Lâm Nghi Anh, nói trắng ra một chút quan hệ với y cũng không có, ngay cả tên vị đường tỷ kia hình như chỉ nghe qua một lần lúc xưa.

Lâm Xung đang đau đầu chuyện quan trường, chuyện đi sứ, đành nói :
- Chuyện này, ta cũng không tự quyết định được.

Trở về tộc nhất định sẽ hỏi thử trưởng lão xem sao, trước mắt ...!cũng chỉ được vậy.

Thúc thông cảm.
Lâm Xung thấy áy náy, nói tiếp :
- Xong buổi này, ta nhất định đến thăm đường tỷ, cũng coi như ôn lại chuyện cũ.
Mặc lão chỉ gật đầu, lão cũng biết chuyện này đối với Lâm Xung không đáng ưu tiên, cũng không thể vội.

Mười mấy năm rồi, Lâm Nghi Anh trở về hay không cũng vậy.

Lâm Xung nói "ôn lại chuyện cũ", thực ra làm gì có chuyện nào, chẳng qua y cần xác nhận Lâm Nghi Anh tình hình cụ thể ra sao.
Đúng lúc này, có tiếng thông báo :
- Thái phó Đại nhân đến!.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận