Mất Tư Cách Làm Người

Tuyết đã rơi từ sáng ngày hôm đó. Cuối cùng tôi đã may xong chiếc quần monpe(8) cho đứa cháu gái và mang đến nhà cô tôi ở Nakako trên đường đi học về. Cô cho tôi hai con khô mực mang về nhà và khi đến ga Kichijòji thì trời đã tối. Tuyết vẫn rơi dịu dàng, đọng trên mặt đất dày cả thước. Vui mừng thấy tuyết rơi dày như thế, với chân mang ủng, tôi thận trọng bước đi, chân dẫm sâu vào tuyết. Tôi kẹp hai con khô mực được gói bằng giấy báo dưới nách và đi mãi tới khi đến hộp thư gần nhà tôi mới phát hiện chúng đã không cánh mà bay. Tôi vốn là một cô gái e thẹn và hay lỡ đễnh nhưng rất ít khi tôi làm rơi mất đồ đạc. Có lẽ đêm nay do chơi đùa với tuyết quá kích động nên tôi đã đánh rơi. Thật là khủng khiếp. Tôi là loại dân thường biết cảm thấy tội lỗi khi đánh mất hai con khô mực và cảm thấy xấu hổ với chính bản thân mình. Tôi tính mang chúng tặng cho Kimiko, chị dâu của tôi. Chị đang mang thai và sẽ sinh em bé vào giữa mùa hè này. Người ta nói rằng khi mang thai, bạn sẽ rất đói và bạn phải ăn đủ phần cho hai người cả bạn và em bé nữa. Không giống như tôi, chị Kimiko là người rất tinh tế và thanh lịch, biết chăm chút vẻ ngoài của mình. Và cho đến giờ chị cũng chỉ ăn “ít như chim bạch yến”, thường chỉ qua loa cho xong bữa mà thôi. Nhưng gần đây chị nói với tôi với vẻ lúng túng chị thường hay đói và thèm ăn những thứ lạ đời. Tôi nhớ một ngày khi tôi và chị đang dọn bàn sau bữa cơm tối, chị thở dài và than muốn có một cái gì như khô mực để nhai cho khỏi đắng miệng. Và trùng hợp khi được người cô cho hai con khô mực, tôi lập tức nghĩ đến việc cho chị Kimiko. Bởi vậy nên khi nhận thấy mình đã đánh rơi chúng, tôi cảm thấy tội lỗi biết chừng nào.

8. Một loại quần dài đến mắt cá chân, dùng để giữ nhiệt và lao động.

Như bạn biết đấy, gia đình tôi chỉ có anh hai, chị Kimiko và tôi mà thôi. Đã thế anh hai tôi còn là kẻ lạ đời. Anh là tiểu thuyết gia nhưng đã hơn bốn mấy tuổi rồi mà chẳng ai thèm biết đến. Anh chẳng khi nào có tiền. Đã thế anh còn nói mình sức khỏe kém nên chỉ quanh quẩn trong nhà mà thôi. Nhưng cái miệng anh thì đủ khỏe nên suốt ngày cứ oang oang chửi mắng hai chị em tôi hết chuyện này đến chuyện khác dù anh chẳng động tay động chân vào việc gì trong nhà cả. Vì vậy mà chị Kimiko phải cáng đáng hết thảy những công việc nặng nhọc trong nhà và người ta chẳng biết làm gì hơn là cảm thấy thương cho chị. Có lần tôi đã phẫn uất nói với anh tôi “sao anh không vác balô ra ngoài và mang về nhà chút gì như rau dưa chẳng hạn. Em tin là những người đàn ông khác đều làm như thế

Anh tôi lập tức phát khùng lên.

“Ngu ngốc. Tao không phải là loại người dòi bọ như chúng nó hiểu không? Nghe đây và cả em cũng phải nghe nữa Kimiko. Ngay cả khi chúng ta đói chết trong căn nhà này đi nữa, không ai có thể bắt anh làm những việc tầm thường hèn kém như thế được, anh không bao giờ gia nhập vào cái lũ kiếm miếng cơm manh áo đó đâu nên tụi em hãy im miệng đi là vừa. Có những chuyện anh không bao giờ hạ mình xuống mà làm đâu nhá”.

Chắc chắn đó là những lời nói đáng khâm phục nhưng trong trường hợp của anh tôi không biết đó xuất phát từ lòng yêu nước hay chỉ là tính lười biếng đơn thuần đã xui anh căm ghét mấy hạng người kiếm miếng cơm manh áo như thế. Cha mẹ tôi đều sinh ra ở Tokyo và cha tôi làm việc cho chính phủ nhưng ở mãi miền Bắc Yamagata trong nhiều năm trời. Cả anh trai tôi và tôi đều được sinh ra ở đó. Cha tôi mất ở Yamagata. Lúc đó anh trai tôi được hai mươi tuổi còn tôi mới còn ẵm ngửa thì mẹ đưa chúng tôi trở về Tokyo. Mẹ tôi cũng mất đi vài năm sau đó và giờ đây chỉ còn lại tôi, anh trai và chị Kimiko và cả ba chúng tôi đều không có một quê nhà nào để tưởng nhớ và chẳng bao giờ được họ hàng gửi thức ăn cho như các gia đình khác. Hơn nữa, vì anh tôi quá đỗi lập dị nên chẳng có lấy một người bạn nào. Thành ra chẳng có ai bất chợt đến nhà ghé thăm chúng tôi để giúp đỡ một tay cả. Điều đó khiến tôi không ngừng nghĩ đến niềm vui của chị Kimiko khi nhận được hai con khô mực và mặc dù chỉ là mất một thứ tầm thường như vậy thôi nhưng tôi cảm thấy rất buồn và quay ngược trở lại lần theo dấu chân mình.


Dù vậy cũng chỉ là vô vọng thôi. Trong tình cảnh tuyết không ngừng rơi chất chồng như vậy, tìm một vật được gói trong tờ báo màu trắng trên những con đường phủ đầy tuyết trắng là một việc cực kỳ khó khăn. Và tôi quay trở về nhà ga Kichijoji mà không tìm thấy chút manh mối nào cả. Tôi thở dài, lật chiếc dù ra sau và ngước mặt nhìn lên bầu trời đêm đầy sao. Những bông tuyết bay cuồng loạn trên không như hàng vạn con đom đóm. Thật là quá đẹp. Hàng cây hai bên đường bị bao phủ trong tuyết, cành cây trĩu nặng xuống và rung rinh nhè nhẹ như đang thở dài. Quang cảnh như ở trên thiên đường và tôi hoàn toàn quên mất chuyện những con khô mực. Và đột nhiên một ý nghĩ tuyệt vời lóe lên trong tôi “Sao mình không mang cảnh đêm tuyết rơi này về cho chị Kimiko nhỉ? Chẳng phải tốt hơn nhiều so với mang hai con khô mực cũ mèm đó hay sao?”. Nếu suốt ngày ta chỉ nghĩ đến thức ăn thì chỉ là một kẻ ti tiện mà thôi. Điều đó thật sự là đáng hổ thẹn.

Anh tôi có lần giải thích cho tôi nghe rằng mắt người có thể lưu giữ được những điều mà nó nhìn thấy. Anh nói bằng chứng là khi ta nhìn vào bóng đèn một lúc rồi nhắm mắt lại ta vẫn thấy cái bóng đèn hiện diện sau mí mắt. Rồi anh kể cho tôi nghe câu chuyện có lần đã xảy ra bên Đan Mạch. Những câu truyện mà anh kể toàn là chuyện trên trời và bạn chẳng thể tin lời nào trong đó cả. Nhưng tôi nghĩ câu chuyện mà anh kể cho tôi nghe lúc đó cho dù anh có bịa ra đi nữa thì cũng thật tuyệt vời.

Anh kể, vào lâu lắm rồi, có một bác sĩ bên Đan Mạch khám nghiệm tử thi một người thủy thủ chết vì đắm tàu. Khi ông ta quan sát nhãn cầu người thủy thủ dưới kính hiển vi, vị bác sĩ phát hiện ra cảnh một gia đình nhỏ đáng yêu in hằn trên võng mạc. Vị bác sĩ pháp y ngay lập tức báo cho người bạn mình là một nhà văn về hiện tượng dị thường này. Và người bạn nhà văn đó ngay lập tức giải thích như sau. Người thủy thủ đã bị một cơn sóng lớn dữ dội cuốn đi và quăng đập vào bờ đá. Trong cơn u mê choáng váng, anh đã bám chặt vào một tảng đá nhưng rồi lại phát hiện đó là một cái gờ cửa sổ của một ngọn hải đăng. Vui mừng, người thủy thủ nhìn qua cửa sổ tính kêu cứu và thấy người giữ đèn cùng với gia đình đang ăn một bữa tối ngon lành ấm cúng. Người thủy thủ nghĩ rằng nếu mình la lên cho người ta biết mà cứu giúp thì sẽ phá hủy đi bản hòa âm hạnh phúc mà gia đình này đang tận hưởng. Và ngay khi những ngón tay anh rời khỏi gờ cửa sổ, một ngọn sóng lớn khác chụp đến là cuốn anh ra lại biển khơi. Người bạn nhà văn của bác sĩ nói chuyện đó chắc chắn đã xảy ra và người thủy thủ là người nhân từ và cao thượng nhất trên trần gian này. Vị bác sĩ cũng đồng ý như thế và cả hai người đem người thủy thủ đi chôn cất tử tế và trang trọng.

Câu chuyện đó là như vậy và đây là một trong những câu chuyện mà tôi tin và muốn tin cho dù nếu xét về mặt khoa học là hoang đường đi chăng nữa. Và khi chợt nhớ ra câu chuyện này, tôi quyết định sẽ lưu giữ cảnh tuyết rơi tuyệt vời đêm nay vào trong võng mạc của mình và khi về đến nhà tôi sẽ bảo chị Kimiko nhìn vào mắt tôi rồi chị sẽ sinh một đứa bé vô cùng xinh đẹp.

Vài ngày trước đây, chị Kimiko bảo anh tôi treo những bức hình của những con người đẹp đẽ trong phòng của mình. “Em sẽ nhìn những bức tranh hàng ngày”, chị mỉm cười nói “ và con chúng ta sinh ra cũng sẽ xinh đẹp như thế”.


Anh tôi gật đầu một cách rất nghiêm túc và nói “một sự ám thị trước khi sinh à? Em nói đúng đấy. Điều này rất quan trọng”.

Sau đó, anh treo hai chiếc mặt nạ

Sau đó, anh treo hai chiếc mặt nạ tuồng Nou lên tường, một cái mặt nạ Magojiro thật sự rất đẹp và cái kia là Yuki no Ko-omote, một chiếc mặt nạ của cô gái nhỏ xinh xắn. Nhưng anh lại làm hỏng đi sự tuyệt vời khi treo chình ình tấm hình chân dung cau có của mình vào chính giữa. Hiền lành và cam chịu như chị tôi là thế mà cũng không chịu nổi điều đó.

“Thôi mà anh”, chị tôi gần như van nài “đừng treo tấm hình của anh lên. Em cảm thấy buồn nôn lắm”.

Dù sao thì anh cũng để cho chị tháo tấm hình chân dung xuống. Thật tạ ơn trời Phật. Nếu chị tôi mà phải nhìn tấm hình của anh tôi hàng ngày chắc đứa bé sinh ra sẽ giống như một con khỉ nhỏ hay gần như vậy. Thật không thể hiểu nổi anh tôi, một người có gương mặt lạ lùng nhất mà bạn từng thấy, lại nghĩ là mình đẹp trai cơ chứ? Đối với con người lập dị như vậy, ta còn biết làm gì hơn? Dù sao, tất cả những gì chị Kimiko muốn làm cho đứa bé là nhìn tất cả những thứ gì đẹp đẽ nhất trên đời. Đó là lý do tại sao tôi muốn in dấu cảnh tuyết rơi đêm nay vào trong mắt mình để mang về cho chị tôi xem. Tôi chắc rằng điều này sẽ làm chị vui mừng hạnh phúc hơn nhiều hơn là mang về mấy con mực khô đó.


Vì thế, tôi từ bỏ mấy con khô mực, và hướng về nhà. Trên đường về, tôi mở to mắt để thu nhiếp cho hết quang cảnh tuyết rơi tinh khiết và đáng yêu xung quanh. Đến khi tới nhà, tôi cảm giác như cảnh tuyết rơi không chỉ in dấu trong mắt tôi mà còn khắc sâu vào tim tôi nữa.

“Chị Kimiko”, tôi cất tiếng gọi ngay khi vừa vào nhà. “Đến đây mà nhìn mắt em này. Mắt em đầy một trời tuyết bay kiều diễm đấy”

“Cái gì? Em nói cái gì thế?”, chị Kimiko đứng dậy mỉm cười và đặt tay lên v tôi. “Mắt em bị làm sao à?”

“Chị không nhớ câu chuyện anh hai kể cho chúng ta sao? Về cái mà ta nhìn có thể được lưu giữ lại trong mắt ấy?”

“Anh hai của em ấy à? Chị đã quên mất rồi. Với lại hầu hết những chuyện của anh em toàn là chuyện nhảm thôi”.

“Đúng vậy, nhưng chuyện này là thật đấy. Ít nhất thì em cũng muốn tin như vậy. Nên hãy nhìn vào mắt em đi. Em đã thấy một đêm tuyết rơi tuyệt vời nhất. Nhìn đi. Điều này sẽ giúp chị sinh ra một em bé đáng yêu có làn da trắng như tuyết ấy”.

Khi chị Kimiko đang chăm chú nhìn tôi với một vẻ buồn và trầm ngâm thì anh tôi từ phòng bên bước qua. “Này”, anh nói, “nhìn vào cặp mắt chán chường của Shunko (tên tôi) chẳng được tích sự gì đâu. Nhìn vào mắt anh đây mới hiệu nghiệm hơn nhiều chứ”.


“Tại sao?”, tôi la lên. Tôi nghĩ ông anh mình lúc này thật đáng ghét và tôi muốn thụi cho anh một quả. “Chị Kimiko nói nhìn vào mắt anh là chị ấy buồn nôn lắm đấy”.

“Không phải vậy đâu. Mắt anh mày đây đã nhìn cảnh tuyết rơi hơn hai mươi năm có lẻ rồi đấy. Anh đã sống ở Yamagata cho đến tuổi hai mươi đấy em ạ. Shunko này, em không thể biết cảnh tuyết rơi lạ thường ở Yamagata đâu nhỉ. Chúng ta về Tokyo khi em còn quá nhỏ chẳng biết gì. Cảnh tuyết rơi ở Tokyo này quá tầm thường… Mắt anh đây đã thấy hàng trăm, không hàng ngàn lần cảnh tuyết rơi nhiều hơn em thấy và cũng đẹp hơn nữa chứ. Đẳng cấp của anh hơn em nhiều, em gái ạ”.

Tôi quá nhục nhã đến mức sắp sửa ra khỏi nhà và bật khóc thì chị Kimiko đã giúp tôi. Chỉ mỉm cười và nói nhẹ nhàng:

“Có thể mắt anh đã thấy hàng trăm hay hàng ngàn lần những thứ đẹp hơn Shunko đã thấy nhưng anh cũng đã thấy hàng trăm hay hàng ngàn lần những thứ xấu xa và kinh tởm hơn”.

“Đúng đấy. Chị nói đúng đấy. Và nếu trừ qua sớt lại thì chẳng còn gì. Vậy nên giờ mắt anh mới và vàng khè và đùng đục như vậy đấy”.

“Đúng là mấy đứa vô sỉ”, anh tôi nói rồi giận dữ bỏ sang phòng bên.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận