Mất Tư Cách Làm Người

Độ nghiêng của núi Phú Sĩ trong tranh của Hiroshige(9) hội tụ trong một góc 85 độ, trong tranh của Buncho(10) thì khoảng 84 độ, nhưng nếu như làm một mặt cắt đứng như trong bản đồ địa hình của quân đội thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng độ nghiêng của sườn đông và tây là 124 độ, độ nghiêng sườn nam bắc là 117 độ. Và không chỉ trong tranh của Hiroshige và Buncho, những họa gia vẽ núi Phú Sĩ tài ba nhất, mà người ta thường hay miêu tả đỉnh núi như một góc nhọn cao ngất, thanh tú lẻ loi. Một vài tác phẩm vẽ núi Phú Sĩ của Hokusai(11) còn có thể so sánh với tháp Eiffel, với chiều cao dựng đứng gần 30 độ. Nhưng núi Phú Sĩ thực sự rõ ràng là một góc tù, với độ nghiêng dài thoai thoải. Và người ta đã vẽ phóng đại độ dốc lên bất chấp sự thực là núi Phú Sĩ có độ nghiêng đông tây là 124 độ và độ nghiêng nam bắc là 117 độ. Nếu giả sử tôi sống ở Ấn độ, và thình lình bị một con đại bàng quắp đi rồi thả xuống bãi biển Numazu Nhật Bản, liệu tôi có bị ấn tượng mạnh về quang cảnh ngọn núi này đến như thế hay không? “Núi Phú Sĩ” là “tuyệt vời” đối với người ngoại quốc có lẽ vì họ đã nghe quá nhiều về nó và hằng khao khát được trông thấy tận mắt ngọn núi kia. Nhưng đối với một người chưa bao giờ biết đến danh tiếng của nó, núi Phú Sĩ sẽ được nhìn nhận như thế nào? Có lẽ, đập vào mắt người ấy chỉ là một nỗi cảm động như khi nhìn nhưng ngọn núi khác vậy thôi. Và thấp nữa. So với chiều rộng nền đá hiều cao như vậy là khá thấp. Bất kỳ ngọn núi nào có nền đáy và kích cỡ như thế đáng lẽ phải cao hơn gấp rưỡi núi Phú Sĩ chứ.

9. Utagawa Hiroshige (1797-1858), họa sĩ vẽ tranh khắc gỗ (ukiyoe) danh tiếng thời hậu kỳ Edo, sở trường vẽ tranh phong cảnh và hoa điểu. Tác phẩm tiêu biểu có “53 cảnh sắc Tokaido”, “100 chốn nổi tiếng kinh thành Edo”…

10. Tani Buncho (1763-1840), họa sĩ danh tiếng thời hậu kỳ Edo, am hiểu sâu cả tranh Nhật Bản và tranh Tây Phương, sáng tác theo phong cách tả thực.

11. Katsushika Hokusai (1760-1849), họa sĩ vẽ tranh khắc gỗ thời hậu kỳ Edo. Ông cùng với Hiroshige và Kitagawa Utamaro (1753-1806) là ba danh gia cổ điển của dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản. Hokusai là người sáng lập ra trường phái Katsushika, nổi tiếng là người hâm mộ núi Phú Sĩ cuồng nhiệt và vẽ gần cả ngàn bức tranh về ngọn núi huyền thoại này. Tác phẩm tiêu biểu có “Núi Phú Sĩ ba mươi sáu cảnh”

Chỉ có một lần duy nhất mà tôi nhận thấy núi Phú Sĩ thật cao là khi nhìn từ ngọn đèo Jukkoku (Thập Quốc). Thật tuyệt. Bởi vì trời nhiều mây nên tôi không thấy ngay đỉnh núi. Nhưng từ sườn núi giăng mây tôi đưa mắt lần tìm dần lên nơi đáng lẽ tôi cho rằng đó là đỉnh núi và tôi đã nhầm. Đỉnh núi xanh nhạt hiện ra lờ mờ cao gấp đôi so với những gì tôi tưởng tượng. Cảm thấy buồn cười hơn là kinh ngạc và tôi phá ra cười. Khi đối diện với thực tại tuyệt đối lần đầu tiên, ta thường bật cười ngớ ngẩn. Bạn như một con ốc vít được tháo lỏng ra. Nói theo cách khôi hài, là như thể bạn tháo dây thắt lưng ra để chuẩn bị bật cười lên ha hả. Này các bạn trẻ, nếu có lần người con gái bạn yêu rũ ra cười khi thấy bạn thì bạn nên vui mừng mới phải. Bạn không phải quở trách nàng làm gì. Bởi nàng đơn thuần chỉ bị ngập tràn trong thực tại tuyệt đối nàng cảm thấy nơi bạn mà thôi.

Núi Phú Sĩ nhìn từ cửa kính căn phòng chung cư ở Tokyo là một cảnh tượng bi thương. Vào mùa đông, núi Phú Sĩ hiện ra khá rõ ràng và tách biệt. Một hình tam giác nhỏ màu trắng chọc thẳng lên nền trời. Đó là núi Phú Sĩ. Chỉ thế thôi. Như một chiếc kẹo Giáng Sinh vậy. Hơn nữa nó đang nghiêng về bên trái một cách thảm não như một con tàu chiến bắt đầu chìm xuống biển từ phần đuôi tàu. Đó là vào một mùa đông ba năm trước đây khi có một người nào đó lén đến gặp tôi để thú nhận một sự thực kinh hoàng. Tôi thấy đời mình như chấm dứt. Đêm đó ngồi một mình trong phòng, tôi nốc sake. Tôi đã uống thâu đêm, không hề chợp mắt một chút nào cả. Đến bình minh, khi tôi đi rửa mặt cho tỉnh táo thì qua tấm lướt mắt cáo nơi cửa sổ phòng vệ sinh, tôi đã nhìn thấy núi Phú Sĩ. Nhỏ bé, trắng tinh khiết và hơi nghiêng về bên trái. Đó là quang cảnh núi Phú Sĩ mà tôi không bao giờ quên. Nơi con đường nhựa dưới cửa sổ chung cư, có một người bán cá đang đạp xe đạp và lẩm bẩm “Trời, núi Phú Sĩ sáng nay nhìn rõ quá nhưng mẹ kiếp lạnh ơi là lạnh…”. Còn tôi cứ đứng trong căn phòng nhỏ, dán mắt ra ngoài cửa sổ mà nghẹn ngào tuyệt vọng. Đó là một trải nghiệm mà tôi không bao giờ muốn lặp lại lần thứ hai.

Vào đầu mùa thu năm 1938, với quyết định suy ngẫm về cuộc đời mình, tôi vác một túi hành lý trên vai là làm một chuyến du ngoạn.

Koshuu. Tôi nhận ra rằng những ngọn núi ở đây có vẻ dịu dàng thoải với vẻ nhô lên lặn xuống rất khác thường. Kojima Usui trong quyển “Phong cảnh Nhật Bản” có lần đã viết “những ngọn núi đó có vẻ bướng bỉnh và khó tính như những tay phù thủy vậy”. Đúng là những ngọn núi đó có vẻ gì quái dị đồng bóng. Tôi đón một chuyến xe buýt ở thành phố Kofu và sau một hành trình “vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh”, chừng 1 tiếng đồng hồ, tôi đã đến được đèo Misaka.

Đèo Misaka nằm ở độ cao một ngàn ba trăm mét so với mặt nước biển. Trên đỉnh đèo có một quán trà nhỏ tên là Tenka. Tầng hai của quán này là nơi thầy tôi Ibuse Matsuji(12) đến ẩn dật để viết lách từ đầu mùa hè. Tôi đến với niềm hy vọng được gặp thầy. Để không làm gián đoạn công việc sáng tác của ân sư, tôi dự định cũng thuê một căn phòng ở trà quán và ngao du một vòng quanh những ngọn núi ở đây.

12. Ibuse Matsuji 井伏 鱒二(1898-1993), nhà văn Nhật Bản được nhận huân chương văn hóa, có nhiều tác phẩm miêu tả về nỗi bi ai và hài hước của con người với giọng văn châm biếm. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Kuroi ame 黒い雨” (mưa đen), nói về trận mưa đen do bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima cùng với nỗi khốn cùng của những nạn nhân vô tôi. Đây được xem là phẩm tiêu biểu của dòng văn học lấy đề tài là nỗi bi thảm bom nguyên tử 原爆文学(Genbaku bungaku) ở Nhật Bản.


Ân sư Ibuse sáng tác rất chăm chỉ. Được sự cho phép của thầy, tôi bình tâm ở lại và mỗi ngày dù muốn hay không, tôi đều phải đối diện núi Phú Sĩ trước mặt mình. Con đèo này nằm ở một vị trí chiến lược trên đường đến Kamakura, nối liền Kofu với đường cao tốc Tokaido và nơi sườn phía bắc từ xa xưa đã được xem là một trong ba điểm tuyệt vời nhất để ngắm núi Phú Sĩ. Đã không cảm thấy thích thú với cảnh sắc đó thì thôi, tôi lại còn cảm thấy khinh bỉ nữa chứ. Bởi nó quá hoàn hảo. Núi Phú Sĩ ngay trước mặt, nằm dưới chân là mặt hồ Kawaguchi lạnh giá trải rộng, và xung quanh là những ngọn núi khác nhấp nhô. Mới nhìn thoáng qua, tôi đã hoảng loạn đỏ bừng mặt mũi. Nó như một bức tranh tường trong nhà tắm công cộng vậy. Đúng là một cảnh nền sân khấu. Chính xác thì nó được sắp như thể người ta đặt một món hàng khiến ta nhìn mà cảm thấy xấu hổ.

Một buổi trưa nóng vào khoảng hai ba ngày sau khi tôi đến, ân sư Isbuse tạm gác công việc qua một bên và cùng tôi leo lên đỉnh Mitsutoge, nằm ở độ cao một ngàn bảy trăm mét so với mực nước biển. Đỉnh này cao hơn đỉnh đèo Misaka một chút. Mất chừng một tiếng đồng hồ, chúng tôi lên tới đỉnh sau khi vượt qua một con đường mòn, nếu có thể nói như vậy. Đưa tay vén những bụi dây leo và dây thường xuân, dáng vẻ tôi gần như bò lên đỉnh núi trông chẳng đẹp mắt gì cho lắm. Tiên sinh Ibuse mặc một bộ quần áo leo núi rất hợp thời và điệu bộ rất nhàn nhã ung dung. Còn tôi không có được trang phục như thế. Chỉ mặc bộ dotera – một dạng áo kimono độn bông được cắt may vuông vắn mà trà quán đã chuẩn bị cho tôi. Nó ngắn chỉ ngang đầu gối và vì thế mà tôi phải bày ra hai cẳng chân bờm xờm lông lá. Tôi cũng mang đôi vớ tabi dày có đế bằng cao su mà người đàn ông già ở trà quán đã cho mượn. Trông điệu bộ của tôi thật tàn tạ và tôi biết rõ điều đó. Tôi chỉnh trang lại quần áo của mình, siết lại cái áo dotera chặt bằng một cái khăn lớn, đội lên đầu một cái mũ rơm treo trên tường căn phòng trọ. Nhưng điều đó càng làm tôi trở nên trông quái dị. Tôi sẽ không quên tiên sinh Ibuse, người chẳng bao giờ khinh miệt vẻ bề ngoài của người khác, lúc đó nhìn tôi với vẻ thông cảm và lẩm bẩm một mình để cốt cho tôi nghe thấy “đàn ông không nên quan trọng quá vẻ bề ngoài của mình làm gì”.

Cuối cùng chúng tôi cũng leo lên tới đỉnh nhưng ngay khi đó một đám sương mù dày đặc buông xuống và cho dù đứng nơi đài quan sát nhưng chúng tôi cũng chẳng thể nào nhìn thấy toàn cảnh. Chẳng nhìn thấy gì hết. Trong làn sương dày, Tiên sinh Ibuse ngồi xuống mỏm đá, vừa thong thả hút thuốc vừa đánh rắm. Trông tiên sinh có vẻ chán nản. Trên chỗ đài quan sát này, có ba quán trà nhỏ. Chúng tôi chọn một quán giản dị chỉ có hai ông bà già phục vụ và ngồi nhâm nhi một tách trà nóng. Bà già có vẻ ái ngại cho chúng tôi, nói rằng trận sương mù này chỉ là không may thôi, chỉ một lát nữa sương mù tan và chúng tôi có thể nhìn thấy ngay núi Phú Sĩ trước mặt. Rồi bà mang ra một bức hình chụp núi Phú Sĩ từ trong góc quán. Đứng ngay đầu mỏm đá, bà dùng cả hai tay giơ cao bức hình và ra sức giải thích cho chúng tôi là sẽ thấy núi Phú Sĩ gần như thế đó, với hình dáng như vậy, lớn và rõ ràng như thế kia…Chúng tôi vừa nhấp ngụm trà thô, vừa ngắm tấm hình núi Phú Sĩ và phá ra cười. Thực sự là rất đẹp. Và chúng tôi không còn cảm thấy tiếc vì làn sương mù nữa.

Khoảng vài ngày sau, ân sư Ibuse rời khỏi đỉnh Misaka, và tôi cũng theo thầy đến Kofu. Ở Kofu tôi được thầy Ibuse dẫn đến nhà một cô gái trẻ để làm lễ xem mắt. Thầy vẫn mặc bộ đồ leo núi. Còn tôi vẫn mặc bộ đồ mùa hạ với chiếc khăn làm dây thắt lưng. Vườn nhà cô gái trồng rất nhiều hoa hồng. Mẹ cô gái ra đón chúng tôi, mời vào phòng khách. Chào hỏi xong xuôi, cô con gái bước ra nhưng tôi không thấy được mặt nàng. Tiên sinh Ibuse và mẹ nàng đang nói chuyện trăng gió mây trời thì bỗng nhiên tiên sinh nhìn lên bức tường phía sau lưng tôi và lẩm bẩm “A, núi Phú Sĩ à?”. Tôi cũng quay mình lại và ngước nhìn lên. Đó là tấm hình chụp miệng núi Phú Sĩ từ trên cao nhìn xuống, thấy cả đường viền miệng núi. Trông thật giống như một đóa thủy liên vậy. Sau khi chiêm ngưỡng tấm hình, tôi từ từ quay người lại và bất chợt thấy được gương mặt nàng. Tôi quyết định luôn. Dù có phần nào khó khăn nhưng dù sao tôi cũng muốn cưới nàng. Thật là cám ơn núi Phú Sĩ quá.

Ân sư Ibuse trở về Tokyo ngày hôm đó, còn tôi quay lại đèo Misaka. Trong suốt tháng chín, tháng mười và đến ngày mười lăm tháng mười một, nơi tầng hai của trà quán Tenka, tôi tiến hành công việc viết lách từng chút một và đều đặn ngắm núi Phú Sĩ từ một “trong ba điểm ngắm đẹp nhất” cho đến chán thì thôi.

Tại đây, tôi cũng đã có ngày cười vui vẻ. Một người bạn tôi, thuộc “phái văn chương lãng mạn”, hiện đang làm giảng viên đại học hay gì đó, trên đường du lịch, ghé qua chỗ tôi chơi. Hai chúng tôi ra ngoài hành lang tầng hai của trà quán, vừa ngắm núi Phú Sĩ vừa nói chuyện.

“Núi Phú Sĩ này có vẻ gì đó thô tục ấy nhỉ”

‘Nhìn cho kỹ thì còn cảm thấy nhục nhã nữa đấy”.

Chúng tôi vừa hút thuốc vừa nói đùa như thế thì bỗng nhiên anh bạn tôi nói:

“Nhìn kìa, chẳng phải đó là một nhà sư hay sao?”, cằm anh giật giật.


Đó là một vị sư khoảng năm mươi tuổi, mặc bộ quần áo đen, chống một cây gậy dài, đang leo lên đèo, chốc chốc lại ngước mắt nhìn về núi Phú Sĩ.

“Hình dáng sư gợi cho tôi nhớ đến bức tranh “Sư Saigyo ngắm núi Phú Sĩ” quá. Có lẽ là một vị thánh tăng cũng nên”, tôi nói.

“Đừng nói ngớ ngẩn. Chỉ là một vị sư hành khất mà thôi”, bạn tôi lãnh đạm nói.

“Không, không. Vị sư này có cái gì đó thoát tục lắm. Cứ nhìn cái dáng đi kia kìa. Nghe nói ngày xưa pháp sư Noin cũng đã làm một bài thơ ca ngợi núi Phú Sĩ nơi ngọn đèo này đấy

Anh bạn tôi phá ra cười. “Nhìn kìa, phong cách đấy sao?”

Pháp sư Noin bị con chó tên Hachi của trà quán sủa gâu gâu, sợ rúm người lại. Điệu bộ pháp sư thật thảm hại.

“Quả thật không ổn chút nào”, tôi chán nản.

Vị sư hành khất sợ quá, loạng chà loạng choạng, quẳng cả gậy, chạy bay chạy biến như ma đuổi. Chẳng có phong cách gì cả. Thật là núi cũng tục mà tăng cũng tục. Bây giờ mỗi lần nhớ lại quang cảnh đó, tôi đều thấy buồn cười.

Có một thanh niên hai mươi lăm tuổi, dáng người hiền hậu tên là Nitsuta, đang làm việc ở một bưu điện nhỏ ở khu phố dài và hẹp Yoshida dưới chân đèo, biết được chỗ tôi ở qua bưu phẩm mà người ta gửi đến, nên đã tìm đến trà quán ghé thăm tôi. Sau một lúc hàn huyên nơi gác trọ tầng hai, và cảm thấy đã quen nhau một chút, anh ta mới cười và nói “Thật ra tôi cũng muốn dẫn theo hai ba người bạn nữa nhưng họ còn đang ngần ngại. Với lại, tôi đọc thấy trong tiểu thuyết của tiên sinh Sato Haruo nói rằng “Dazai là nhà văn suy đồi và chơi bời phóng đãng lắm” nên họ không nghĩ tiên sinh là người đàng hoàng và nghiêm túc như thề này đâu. Để lần tới tôi sẽ dẫn họ ghé thăm tiên sinh, tất nhiên nếu không phiền”


“Không phiền gì đâu”, tôi cười khổ sở. “Nhưng như vậy có nghĩa cậu đã dùng hết can đảm, đại diện cho đám bạn đến quan sát tôi xem như thế nào chứ gì”

“Đúng là cảm tử đấy”, Nitsuta thật thà đáp.

“Tối qua, tôi đã đọc lại quyển tiểu thuyết của tiên sinh Sato một lần nữa, đề ra nhiều phương án ứng phó khác nhau”

Tôi ngắm nhìn núi Phú Sĩ qua khung cửa cửa kính. Ngọn núi vẫn đứng lạnh lùng và trầm mặc. “Thật siêu phàm”, tôi nghe.

“Đẹp quá, quả thật là quá đẹp. Núi thật biết cách thể hiện mình ”, và tôi thấy mình chẳng thể đáp lại được lời nào trước ngọn núi. Tôi thấy xấu hổ cho cái cảm giác yêu ghét của mình. Cuối cùng tôi đã thấy vẻ đẹp siêu phàm của núi Phú Sĩ.

“Biết cách thể hiện mình à”. Nitsuta dường như làm lạ vì lời nói của tôi. Anh mỉm cười thật ý nhị.

Từ đó, mỗi lần ghé thăm tôi, Nitsuta lại dẫn theo mấy người bạn. Mọi người đều trầm mặc. Bọn họ gọi tôi là “tiên sinh” và tôi làm mặt nghiêm nghị nhận lấy danh hiệu đó. Tôi chẳng có gì để mà tự hào cả. Học vấn không có, tài năng cũng không. Cơ thể yếu ớt, tâm hồn nghèo nàn. Chỉ duy có nỗi phiền muộn và nỗi phiền này nhẹ bớt đi khi được đám thanh niên này gọi tôi là “tiên sinh”. Tôi chỉ còn có thế. Cho dù niềm tự phụ này có nhỏ bé như cọng rơm thì tôi cũng muốn mình bám víu lấy. Bao nhiêu người đã viết về tôi như một kẻ ích kỷ và hư hỏng nhưng biết được nỗi sầu khổ muộn phiền sâu thẳm trong tôi, thế gian này được có mấy người?

Nitsuta và một thanh niên nữa rất giỏi về thơ tanka là Tanabe đều là độc giả trung thành của tiên sinh Ibuse, vì thế mà tôi cảm thấy an tâm và thân thiết hơn cả. Bọn họ cũng đã một lần dẫn tôi đến khu phố Yoshida. Đó là một khu phố thật nhỏ và dài. Có cảm giác như nó bị ép sát vào chân núi. Đó là một khu phố cho ta cảm giác lạnh nhạt và tối tăm như một thân cây mọc trong chỗ khuất thiếu ánh sáng trời. Có một con suối nhỏ chảy dọc ven đường. Đây có lẽ là đặc trưng của thành phố nằm dưới chân núi chăng? Ở Mishima cũng có những dòng nước nhỏ chảy quanh thành phố. Và người dân địa phương thực sự tin rằng đó là nước tan chảy ra từ tuyết của núi Phú Sĩ. Nước ở Yoshida này thì chảy yếu và bẩn hơn so với Mishima. Tôi vừa nhìn dòng nước chảy vừa nói.

“Trong truyện của Maupassant có một chi tiết ở đâu đó rằng một thiếu nữ mỗi đêm đều bơi qua sông để gặp một chàng công tử mà nàng yêu, nhưng tôi tự hỏi là quần áo của nàng thì thế nào? Không lẽ nàng ta khỏa thân?”

“Ừ nhỉ” cả đám thanh niên suy nghĩ. “Hay là nàng mặc đồ bơi?

“Hay là nàng gói quần áo lại đội lên đầu rồi bới qua sông nhỉ?”


Cả đám thanh niên phá ra cười.

“Hay là nàng cứ để nguyên quần áo mà bơi qua gặp chàng công tử. Rồi hai người ngồi bên lò sưởi cho đến khi quần áo nàng khô? Nhưng như vậy khi nàng quay về thì thế nào? Lại phải làm ướt bộ quần áo mới mất công hong khô xong hả? Thật là ái ngại quá. Nhưng tại sao chàng công tử lại không bơi qua chỗ nàng nhỉ? Đàn ông con trai mặc một bộ quần áo ướt thì cũng chẳng sao mà. Hay là chàng ta không biết bơi?”

“Không đâu, có lẽ tại vì nàng thiếu nữ kia yêu chàng công tử hơn tình yêu mà chàng dành cho nàng thôi”, Nitsuta nghiêm túc.

“Có lẽ vậy nhỉ. Đàn bà trong văn học nước ngoài thật dũng cảm và đáng yêu. Chỉ cần tình yêu là có thể bơi ngay qua sông gặp gỡ. Nhật Bản thì không được như vậy. Hình như cũng có một vở kịch như thế. Vở kịch nói về một nàng vương phi và một chàng trai đứng hai bên bờ sông cùng thở than khóc lóc. Lúc đó than khóc mà làm gì không biết. Tại sao không bơi thẳng qua sông? Trong vở kịch, đó chỉ là một dòng sông hẹp, chỉ việc vén áo mà lội qua thôi. Vậy mà cứ đứng yên ca thán, thật không hiểu gì. Tôi chẳng thể nào đồng tình với điều đó. Chẳng hạn như nàng Asagao đứng trước con sông Oiigawa thì còn tạm được. Sông thì rộng mà nàng thì mù nên còn ít nhiều thông cảm cho dù nàng không phải là không thể bơi qua sông. Chống gậy đứng bên này sông Oiigawa mà nguyền rủa ông trời thì đúng chẳng có nghĩa lý gì. À, nhưng mà Nhật Bản cũng có một người con gái dũng cảm dám bơi qua sông đấy nhé”

“Có thật sao ạ?”, đám thanh niên hỏi, mắt sáng lên.

“Công nương Kiyo đấy. Nàng đã bơi qua sông Hidaka để đuổi theo người tình là Anchin đấy. Bơi miệt mài chết bỏ. Nàng thật kinh người. Mà theo sách vở ghi lại, lúc ấy nàng mới chỉ có mười bốn tuổi thôi

Vừa đi bộ trên đường vừa tán chuyện nhảm như vậy cho đến khi chúng tôi đến một quán trọ khá cũ kỹ, nằm ở ngoại thành mà hình như là chỗ Tanabe quen biết.

Chúng tôi uống rượu ở đó và đêm ấy núi Phú Sĩ thật tuyệt. Khoảng mười giờ đêm, bọn thanh niên để tôi ngủ lại quán rồi ai về nhà nấy. Tôi không ngủ được, mặc bộ dotera, bước thử ra ngoài xem sao. Một đêm trăng sáng thật ma mị. Núi Phú Sĩ thật đẹp. Tắm mình trong ánh sáng trăng, núi Phú Sĩ gần như trở nên một màu xanh trong suốt, còn tôi cảm thấy mình như bị bùa phép của chồn tinh. Một màu xanh gần như tuyệt đối. Cảm giác giống như ánh lửa xanh cháy sáng của lân tinh vậy. Ánh sáng ma trơi. Ánh sáng hồ ly. Đom đóm. Hơi lau lách. Lá sắn dây. Tôi cứ trôi đi trên đường trăng, cảm thấy như mình không có chân vậy. Chỉ nghe mỗi thanh âm đôi guốc gỗ nhưng như không phải của tôi mà như của một sinh vật nào đó cứ lóc ca lóc cóc, nghe vang vọng rất rõ ràng. Tôi quay đầu nhìn lại. Núi Phú Sĩ còn nguyên đó. Màu xanh trong suốt, nổi bật giữa đất trời. Tôi thở dài. Một chí sĩ duy tân. Một con Thiên cẩu (Tengu) ở Kurama. Tôi nghĩ mình như thế. Cứ thọc tay vào túi áo mà đi. Tôi thấy mình thật là kiên cường. Cứ đi miệt mài. Rồi tôi đánh rơi chiếc ví. Vì tôi bỏ trong ví đến hai mươi đồng bạc 50 yên, nên sức nặng của nó làm rách chiếc túi nơi ngực và rơi xuống đường. Lúc đó tôi bình tĩnh một cách kỳ lạ. Nếu hết tiền thì cứ đi bộ lên đèo Misaka thôi. Và tôi cứ đi tiếp.

Nhưng tôi chợt nhận ra là mình đang quay trở lại tìm cái ví. Cứ đút tay vào túi áo ngực, tôi đi tới đi lui. Núi Phú Sĩ. Đêm trăng. Chí sĩ duy tân. Đánh rơi chiếc ví. Lãng mạn hứng khởi đêm thâu. Chiếc ví nằm giữa đường, sáng loáng. Tôi lượm lên, quay về nhà trọ và đi ngủ.

Tôi đã bị núi Phú Sĩ bỏ bùa mê. Đêm đó tôi như một thằng khờ. Hành động chẳng theo lý trí gì cả. Bây giờ mỗi lần nhớ lại đêm đó, tôi cứ thấy rã rời một cách kỳ lạ.

Tôi chỉ ở Yoshida có một đêm duy nhất đó. Hôm sau tôi quay về trà quán nơi đèo Misaka. Bà chủ quán mỉm cười đón tôi, còn cô con gái mười lăm tuổi thì lạnh lùng. Tôi muốn cho hai mẹ con biết ngày hôm qua tôi chẳng làm chuyện gì xấu xa cả nên cho dù họ không hỏi, tôi cũng kể lại trải nghiệm ngày hôm qua. Tôi kể từ tên quán trọ, hương vị rượu của Yoshida, núi Phú Sĩ đêm trăng cho đến chuyện đánh rơi ví, kể tất tần tận. Dường như nguôi giận.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận