Mất Tư Cách Làm Người

Sau khi đã điều tra xong xuôi, tôi vẫn sống sót và được thả ra ở một con phố Tokyo. Tôi chẳng còn chỗ nào để quay về ngoài chỗ của H. Vì thế tôi vội phóng ngay đến chỗ nàng. Một cuộc gặp gỡ buồn. Chúng tôi cùng mỉm cười e thẹn rồi nhè nhẹ nắm lấy tay nhau. Chúng tôi dọn nhà khỏi Hacchobori và chuyển đến Shirogane Sankocho, quận Shiba. Chúng tôi thuê một phòng riêng cách xa của một căn nhà bỏ không rộng lớn. Mấy người anh ở quê tuy đã từ tôi nhưng vẫn gửi tiền cho tôi đều đặn. H vẫn khỏe mạnh như chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Còn tôi thì dần dần từng chút một thấy ra được sự ngu ngốc của mình. Tôi viết di chúc. Một trăm trang “kỷ niệm”. Bây giờ tác phẩm “Kỷ niệm” ấy đã trở thành tác phẩm đầu tay của tôi. Tôi nghĩ mình đã viết ra một cách trần trụi những việc xấu xa mà tôi đã làm từ thuở thiếu thời cho đến nay. Đó là vào mùa thu năm hai mươi bốn tuổi. Ngồi trong căn phòng xa khuất nẻo, nhìn ra khu vườn rộng lớn hoang phế cỏ dại mọc đầy, tôi đánh mất nụ cười thường trực trên môi. Tôi dự định chết một lần nữa. Nếu nói là giả vờ màu mè thì cũng được. Với tôi, điều đó cũng tốt. Tôi thấy cuộc đời này như một vở kịch vậy thôi. Không đúng, phải xem vở kịch như cuộc đời. Tôi bây giờ chẳng còn hữu ích với ai nữa cả. Ngay cả H là duy nhất của tôi cũng đã dính dáng vào tay của người khác. Tôi chẳng còn một điều gì để dựa vào mà sống cả. Tôi quyết định chấm dứt cuộc đời mình như con người ngu ngốc. Tôi dự định diễn cho trung thực vai trò của một con người bị con sóng thời đại đẩy đưa. Đó là vai diễn cay đắng buồn bã của con người thua cuộc.

Tuy nhiên cuộc đời lại không phải là một vở kịch. Không ai biết được trong màn tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì. Cũng coi vai diễn là “sẽ chết” nhưng cho đến cuối cùng vẫn chưa chịu rời sân khấu. Tôi chỉ định viết một di ngôn nhỏ, tự thuật về thiếu thời và của tôi để người ta biết rằng có một con người hèn hạ như thế này này. Nhưng ngược lại cái di chúc này lại trở thành một ngọn đèn hiu hắt chiếu sáng cái tăm tối hư vô của tôi, tác động đến tôi mãnh liệt. Mình chưa thể nào chết được. Chỉ một đoản thiên “kỷ niệm” này thôi thì chưa đủ. Đằng nào cũng đã viết đến đây rồi thì phải viết ra cho hết. Tôi muốn trút ra hết cuộc sống của mình cho đến tận ngày hôm nay. Tất cả. Rồi thì ham muốn viết dâng đầy trong tôi. Đầu tiên tôi viết về sự kiện Kamakura. Nhưng vẫn thấy chưa được. Vẫn còn có thiếu sót ở đâu đó. Vẫn chưa hài lòng. Vừa thở dài, tôi lao đầu vào viết tiếp. Cứ liên tục những điểm như vậy kéo dài mà chưa có kết thúc. Tôi cứ bị con quỷ vĩnh cửu đó hút tủy từ từ. Đúng là nhọc công vô ích như dã tràng xe cát biển đông vậy.

Tôi đã hai mươi lăm tuổi rồi. Bây giờ là năm Chiêu Hòa thứ tám. Vào tháng 3 năm nay tôi phải tốt nghiệp đại học. Thế nhưng đừng nói là tốt nghiệp, ngay cả các kỳ thi học kỳ tôi cũng còn không tham dự nữa là. Các anh tôi ở quê không hề biết điều đó. Thôi thì nó tuy làm toàn chuyện ngu ngốc nhưng để chuộc tội thì chỉ cần tốt nghiệp đại học là được rồi. Đó là điều mà các anh tôi thầm hy vọng. Vậy mà tôi phản bội lại sạch trơn. Tôi chẳng muốn ra trường chút nào cả. Nhưng đúng là lừa dối người tin tưởng mình thì thật khổ sở phát điên. Trong vòng hai năm qua tôi thực sự sống trong địa ngục. Năm sau mình nhất định phải tốt nghiệp mới được. Tôi thở than khóc lóc với anh tôi, cho em thêm một năm thôi rồi lại phản bội. Năm sau rồi cũng vậy, năm sau đó cũng thế. Trong nỗi sợ hãi và tự trào cùng với ý muốn tự sát mãnh liệt, tôi đã tùy tiện viết ra một loạt tác phẩm mà tôi gọi là di chúc của đời mình.

Nếu như có thể chăng? Có lẽ những đoản thiên đó chỉ là một mớ những cảm xúc còn non nớt mà thôi. Tuy nhiên tôi đã trút vào những cảm xúc đó cả cuộc đời mình. Ba bốn xấp tác phẩm viết xong tôi bỏ vào trong cái túi giấy lớn cất đi. Dần dần số lượng tác phẩm ngày một nhiều lên. Tôi lấy bút lông viết lên cái túi giấy đó chữ “Vãn niên”. Tôi định xem chúng như là một loạt di chúc của tôi vậy. Nó có ý nghĩa là mọi chuyện sắp chấm dứt.

Do có người mua lại căn nhà bỏ hoang ở Shiba này nên đầu xuân năm đó chúng tôi phải dọn nhà đi. Bởi vì tôi không tốt nghiệp được nên số tiền trợ cấp từ quê nhà cũng vì thế mà bị giảm đi. Vậy thì phải chi tiêu tằn tiện hơn nữa mới được. Khu phố Amanuma 3 chome thuộc quận Suginami. Tôi thuê một căn phòng của người quen. Người này vốn làm trong một tòa soạn báo, là công dân thành phố phong nhã hào hoa. Trong suốt hai năm sống ở đây, thực sự tôi đã gây ra phiền phức. Tôi lại càng chẳng muốn tốt nghiệp gì nữa. Đúng là ngu ngốc nhưng sau khi hoàn thành tập tác phẩm kia thì tôi chẳng còn muốn làm gì cả. Sợ người ta bàn tán vào ra, tôi nói dối với người quen và ngay cả H nữa là năm sau tôi sẽ tốt nghiệp đấy. Cứ khoảng một tuần một lần, tôi lại mặc đồng phục nghiêm chỉnh và rời khỏi nhà. Tôi ghé thư viện trường, chọn đại vài cuốn sách đọc qua loa rồi ngủ gà ngủ gật, đôi khi viết nháp mấy trang bản thảo rồi đến tối rời thư viện về lại ngôi nhà ở Amanuma. H và cả người quen đó đều không mảy may nghi ngờ gì. Ngoài mặt thì tôi thản nhiên nhưng trong lòng tôi thì sợ hãi. Thời gian càng trôi qua, tôi càng cuống. Tôi muốn viết cho xong hết trước khi bị cắt hết số tiền trợ cấp từ quê nhà. Nhưng thật là khó khăn. Viết xong lại xé. Tôi đã bị con quỷ bất tử đó hút sạch cả tủy não rồi.

Một năm đã trôi qua. Tôi vẫn chưa tốt nghiệp được. Các anh tôi thì giận dữ còn tôi tiếp tục khóc lóc thở than. Tôi nói dối trắng trợn là năm sau chắc chắn em sẽ tốt nghiệp được đấy. Ngoài lý do đó thì chẳng có cớ gì để mà nhận tiền được nữa. Sự tình tôi chẳng thể nào nói rõ cho ai. Bởi tôi không muốn ai đó phải làm kẻ tòng phạm với mình. Tôi muốn xem mình như đứa con đi hoang, hoàn toàn cô độc. Làm như vậy, tôi tin rằng những người xung quanh sẽ không bị cuốn vào chuyện của tôi một chút nào. Cái việc cần thêm một năm nữa để viết di chúc thật khó mà nói ra được. Theo ý riêng của tôi thì tôi ghét nhất trên đời việc bị gọi là một kẻ thi sĩ mơ ngày. Ngay cả nếu như tôi nói ra những điều phi hiện thực như vậy thì cho dù những người anh tôi có muốn gửi tiền cho tôi cũng không thể gửi nữa. Vì sau khi đã biết rõ sự tình mà vẫn tiếp tục gửi tiền cho tôi sẽ bị người ta xem như là kẻ tòng phạm với tôi rồi. Điều đó tôi thực tình không hề muốn. Phải làm một thằng em xảo trá ngụy biện, lừa dối anh mình. Điều này giống như lý thuyết của bọn đạo tặc vậy nhưng lại là điều tôi suy nghĩ rất nghiêm túc. Tôi quả thật mỗi tuần một lần đều mặc đồng phục đi đến trường. Cả H cả người quen đều tin tưởng vào điều tươi đẹp là tôi sẽ tốt nghiệp vào năm sau. Tôi cùng quẫn tuyệt vọng. Ngày qua ngày đều thấy tối đen. Tôi đâu phải là kẻ xấu xa gì cho nên việc lừa dối người thật là địa ngục. Chẳng bao lâu sau, tôi chuyển đến Amanuma Icchome. Lấy lý do ở Sanchome đi làm bất tiện nên người bạn quen vào mùa xuân năm đó chuyển đến một ngôi nhà sau chợ ở khu Icchome. Chỗ này gần ga Ogikubo. Tôi cũng được mời đi cùng và sống trên một căn phòng ở tầng hai căn nhà đó. Tôi mất ngủ hàng đêm, nốc rượu rẻ tiền, khạc nhổ tứ tung. Mặc dù tôi nghĩ có lẽ mình bệnh nhưng chắc không đến nỗi nào đâu. Tôi muốn nhanh chóng hoàn tất xấp bản thảo còn dở đang trong túi giấy. Có thể đó là những suy nghĩ dễ dãi và tùy tiện nhưng tôi muốn để lại nó như là một lời tạ lỗi đến với mọi người. Đây là chuyện mà tôi đã cố gắng hết sức. Cuối thu năm đó, tôi đã cố gắng viết xong. Trong số hai mươi thiên tôi chỉ chọn ra mười bốn thiên. Số còn lại tôi tính đem đốt cùng với những bản viết nháp khác. Nhét vừa vặn trong một cái túi hành lý, tôi mang chúng ra vườn, châm lửa cho cháy lên rực rỡ rồi hóa thành tro.

“Này, tại sao anh đốt bản thảo vậy?”, tối đó H bất thần hỏi tôi

“À, bởi vì không cần nữa mà”, tôi mỉm cười đáp.

“Tại sao anh lại đốt đi chứ?”, nàng lặp lại câu hỏi rồi bật khóc.

Tôi bắt đầu thu dọn đồ đạc quanh mình. Những sách vở mượn của bạn bè đem trả hết, thư từ và tập vở thì bán cho cửa hàng ve chai. Trong bao giấy “Vãn niên” đựng bản thảo, tôi lén nhét thêm vào hai phong thư. Mọi chuẩn bị đã hoàn tất. Tôi mỗi đêm đi ra ngoài uống mấy thứ rượu rẻ tiền. Mỗi lần giáp mặt H ở nhà, tôi đều cảm thấy sợ.

Vào thời gian đó, tôi được một người bạn mời tham gia vào việc phát hành tạp chí văn chương của nhóm. Tôi thì cũng ừ hử cho qua. Khi được hỏi về cái tên “Hoa xanh” cho tạp chí, tôi trả lời ừ được, làm thử xem sao. Nói chơi vậy mà hóa ra thật. Cũng tụ tập được khá đông bạn cùng chí hướng. Tôi trở nên thân thiết với hai người trong số đó. Tôi đốt cháy hết nhiệt tình tuổi thanh xuân vào tờ tạp chí này. Như một đêm múa may quay cuồng trước khi chết. Đám chúng tôi cùng say túy lúy rồi ẩu đả với đám học sinh ngu độn. Cùng yêu đương mấy ả đàn bà dơ dáy như yêu người thân của mình vậy. Tủ quần áo của H trống rỗng trước khi nàng kịp nhận ra. Tháng 12 năm đó, tạp chí văn chương “Hoa xanh” ra đời. Chỉ ra được một số duy nhất rồi bạn bè tứ tán bốn phương. Mọi người đều chán nản với cái thứ nhiệt cuồng dị dạng vô mục đích này. Cuối cùng chỉ còn lại ba chúng tôi. Bị nói là ba thằng ngu. Tuy nhiên ba thằng này lại là bạn thân thiết suốt cả một đời. Tôi đã học được rất nhiều điều từ hai người bọn họ.

Vào tháng ba năm sau đó lại sắp sửa đến mùa thi tốt nghiệp. Tôi cũng tham dự vào kỳ thi tuyển nhân viên của một tòa soạn báo. Tôi muốn chứng tỏ cho người quen cùng nhà và H rằng là tôi cũng sắp sửa chuẩn bị tốt nghiệp rồi đây. Tôi làm cho cả nhà tươi sáng hơn khi cười mà nói rằng sắp trở thành ký giả và sống một đời bình thường rồi đây. Tôi nghĩ chuyện này rồi cũng sẽ lộ ra nhưng cho một ngày một khắc tôi cũng muốn giữ sự bình yên này, tôi sợ sẽ lại làm cho mọi người kinh ngạc nữa thế nên tôi phải gắng mà nói dối mà lấp liếm cho qua. Tôi lúc nào cũng vậy. Tuyệt vọng, tôi bắt đầu suy nghĩ đến cái chết. Biết là khi mọi chuyện vỡ lở mọi người sẽ càng kinh ngạc hơn, càng nổi giận hơn nhưng tôi không thể nào mà can đảm nói ra sự thật và từng giờ từng giờ tôi càng chìm sâu vào cái địa ngục lừa dối hư ngụy này. Dĩ nhiên tôi chẳng có ý định vào làm ở tòa soạn báo và chắc chắn cũng không thể nào qua được kỳ thi tốt nghiệp. Trận địa lừa dối hoàn mỹ mà tôi dựng lên giờ bị phá tan tành. Tôi nghĩ đã đến lúc chết rồi đây. Vào giữa tháng ba tôi một mình đi Kamakura. Đó là năm Chiêu hòa thứ mười. Tôi định sẽ treo cổ tự tử ở núi Kamakura.

Sau cái chuyến gây kinh hoàng cho mọi người bằng việc trầm mình tự sát ở biển Kamakura đến giờ đã được năm năm rồi. Vì tôi biết bơi nên khó mà chết ở ngoài biển được. Vì thế nếu như chết treo cổ thì có vẻ chắc chắn hơn. Thế nhưng lần này tôi cũng thất bại nhục nhã. Tôi vẫn thấy mình sống nhăn. Có lẽ tại cổ tôi to hơn người thường thì phải. Tôi thất thểu lê lết về nhà với cái cổ sưng tấy lên.

Vậy là tôi lại thất bại trong việc làm chủ vận mệnh của mình. Khi về đến nhà, một thế giới xa lạ kỳ bí mở ra trước mắt tôi. H đứng ngoài hành lang nhẹ nhàng xoa lưng cho tôi. Tất cả những người khác thì an ủi “vậy là tốt rồi, tốt quá rồi”. Tôi thẫn thờ trước lòng tốt của mọi người. Anh cả tôi cũng hộc tốc từ quê chạy lên. Dù bị anh mắng chửi thậm tệ nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự nhớ thương và yêu mến mà anh dành cho mình. Tôi có cảm giác kỳ lạ như thể mình mới được sinh ra thêm lần nữa vậy.

Vận mệnh không thể ngờ vẫn tiếp tục khai mở ra. Sau đó mấy ngày tôi bị đau bụng kịch liệt. Tôi quằn quại ngày đêm không thể nào ngủ được. Tôi phải chườm nước nóng lên bụng. Khi đau đớn như ngất đi thì người nhà gọi bác sĩ đến. Tôi cứ trùm chăn như vậy mà được nhấc thẳng lên xe cứu thương đến bệnh viện ngoại khoa Asagaya. Và được cấp tốc phẫu thuật. Tôi bị viêm ruột thừa. Cứ chườm nước nóng, không chịu đến bác sĩ sớm nên bệnh tình nặng hơn. Màng ruột bị chảy mủ, phẫu thuật thật khó khăn. Khoảng hai ngày sau khi phẫu thuật, trong họng tôi chảy ra từng cục máu. Bệnh đau ngực của tôi từ trước nay đột nhiên trở chứng tái phát. Tôi thở yếu ớt như tơ. Ngay cả bác sĩ còn bỏ mặc tình trạng của tôi nhưng vì nghiệp căn còn chưa dứt nên tôi đã từ từ hồi phục. Sau một tháng, vết thương ở bụng đã liền da. Tuy nhiên tôi lại bị chuyển sang bệnh viện nội khoa Kyodo ở quận Setaka như một bệnh nhân truyền nhiễm. H túc trực bên tôi không lúc nào rời. Nàng cười nói với tôi rằng bác sĩ bảo nàng ngay cả hôn tôi cũng không được nữa. Viện trưởng bệnh viện này là bạn của anh cả tôi. Vì vậy mà tôi được chăm sóc đặc biệt. Tôi được cho mượn hai phòng bệnh rộng rãi và di chuyển toàn bộ gia tài đồ đạc vào ở trong bệnh viện. Hết tháng năm, tháng sáu rồi tháng bảy khi muỗi vằn xuất hiện và phòng bệnh phải giăng màn. Theo chỉ thị của Viện trưởng, tôi chuyển đến khu Funabashi tỉnh Chiba. Đây là vùng ven biển. Tôi thuê một căn nhà mới xây, sống xa thành thị. Với ý nghĩa là để nghỉ dưỡng nhưng đối với tôi thì lại càng tệ. Tôi lại chìm trong thống khổ địa ngục.Từ khi vào bệnh viện ngoại khoa Asagaya, tôi đã bị nhiễm một thói quen xấu. Đó là sử dụng thuốc giảm đau. Đầu tiên là bác sĩ cho dùng để giảm đau mỗi lần thay băng vào buổi sáng và tối. Nhưng rồi tôi không uống thuốc là không ngủ được. Tôi rất đau khổ với chứng mất ngủ của mình. Vì thế hàng đêm tôi lại nhờ đến bác sĩ. Các bác sĩ ở đây đều bỏ mặc xác tôi nên lần nào tôi hỏi xin thuốc đều vui vẻ đáp ứng. Sau khi được chuyển đến bệnh viện nội khoa, tôi vẫn tiếp tục hỏi xin dai dẳng bác sĩ Viện trưởng. Cứ nài xin ba lần thì bác sĩ miễn cưỡng cho thuốc một lần. Đã đến mức không còn vì làm dịu cơn đau thể xác nữa mà uống thuốc để quên đi nỗi hổ thẹn nhục nhã và bực bội của tôi đi rồi. Tôi không đủ sức chịu đựng nỗi buồn. Sau khi chuyển đến Funabashi, tôi đến bệnh viện của khu phố than vãn về chứng mất ngủ và nghiện thuốc của mình để cưỡng bách đòi thuốc. Sau đó còn vô lối bắt ép bác sĩ vốn dịu hiền này phải viết giấy chứng minh để tôi có thể trực tiếp mua thuốc ở tiệm thuốc khu phố. Đến khi nhận ra thì tôi đã nghiện nặng lắm rồi. Tiền bạc cũng hết sạch. Lúc đó hàng tháng tôi đều nhận được 90 yên tiền sinh hoạt phí của anh cả từ quê gửi lên. Khi tôi đòi thêm thì quả nhiên bị anh tôi từ chối thẳng. Đó là chuyện đương nhiên thôi. Tôi chẳng có lấy một chút nỗ lực nào để báo đáp lại lòng yêu thương của anh tôi cả. Toàn làm những chuyện ích kỷ, đùa chơi với mạng sống của mình. Sau mùa thu năm đó, khi thỉnh thoảng xuất hiện trên đường phố Tokyo, tôi đã là một thằng cha bẩn thỉu, dơ dáy, dở điên dở dại. Mọi người đều biết cái dáng vẻ rách rưới vô vọng của tôi vào lúc đó. Tôi cũng chẳng thể nào quên được. Tôi đã trở thành niên bần tiện nhất Nhật Bản rồi. Chạy đôn đáo khắp Tokyo chỉ để mượn tiền. Mười yên, hai mươi yên. Có lần tôi đã khóc trước mặt biên tập viên của tòa soạn báo. Trước sự van nài đeo bám dai dẳng của tôi có lần biên tập viên ấy đã nổi giận lôi đình. Dạo đó, tất cả bản thảo của tôi đều có khả năng bán được kiếm tiền. Khi tôi còn nằm ở bệnh viện Asagaya rồi sau này là Kyodo, nhờ sự bôn tẩu của bạn bè khắp nơi nên hai ba xấp bản thảo “di thư” của tôi được in trên các tạp chí có tiếng tăm, được nhiều lời bình phẩm. Phê phán cũng có mà động viên cũng nhiều làm tôi càng làm tôi căng thẳng bất an, chứng nghiện thuốc an thần càng nặng hơn một bậc, khiến tôi ôi khi cứ mặt dày tìm đến biên tập viên và chủ tòa soạn van nài tạm ứng trước tiền nhuận bút. Quá cuồng điên với nỗi thống khổ của mình tôi không nhận ra được rằng người khác cũng đang cố gắng sống cuộc đời của họ. Những tác phẩm “di thư” tôi đã bán hết sạch, không còn sót lại một thiên nào. Chẳng còn gì để mà bán nữa. Tôi cũng không viết thêm được gì. Vì tôi đã khô kiệt vốn sống, chẳng thể viết thêm gì nữa. Văn đàn ngày đó chỉ trích tôi rằng “tài thì có mà đức thì không”, nhưng bản thân tôi thì tin rằng mình “có hạt mầm đức hạnh nhưng không có tài”. Tôi thấy mình chẳng có văn tài gì cả. Tôi chẳng biết một kỹ thuật nào ngoài việc cứ viết trực tiếp ra những điều mà mình trải nghiệm. Một kẻ quê mùa chất phác. Tôi là loại người mà bị câu thúc bởi thứ đạo đức cứng nhắc, lưu tâm ngay cả đến những ân huệ nhỏ nhặt và cuối cùng không thể nào chịu nổi điều đó rồi ngược lại toàn làm những thứ chuyện tuyệt vọng vô liêm sĩ. Tôi được nuôi dạy trong một gia đình bảo thủ nghiêm khắc. Mắc nợ tiền bạc là tội lỗi xấu xa nhất. Để thoát nợ ta lại phải chìm vào một món vợ khác lớn hơn. Để quên nỗi hổ thẹn vay mượn tiền bạc đó, tôi lại càng sử dụng thuốc an thần nhiều hơn. Tiền trả cho nhà thuốc càng ngày càng nhiều. Có lần tôi vừa đi bộ vừa khóc nức nở ở khu Ginza giữa ban ngày. Tôi muốn tiền. Tôi đã hỏi mượn tiền như là ăn cướp gần hai chục người rồi. Tôi không thể chết. Cho đến khi trả sạch sẽ xong món nợ tiền này tôi mới chết được.

Người đời đã tuyệt giao với tôi. Sau khi chuyển đến Funabashi được một năm, vào mùa thu năm Chiêu Hòa thứ mười một, tôi bị tống cổ lên xe hơi, đưa đến một bệnh viện ở quận Itabashi, Tokyo. Nhắm mắt ngủ một đêm, sáng hôm sau mở mắt ra, tôi đã thấy mình nằm trong phòng bệnh tâm thần.

Sống ở đó hơn một tháng, rồi vào một chiều thu nắng đẹp, tôi cũng được phép xuất viện. H đến đón tôi rồi cả hai chúng tôi lên xe tắc xi.

Mặc dù cả một tháng trời không gặp nhau, nhưng hai người đều im lặng. Sau khi xe chạy, một lúc lâu sau H mới mở lời:

“Anh sẽ bỏ thuốc chứ nhỉ?”, nàng hỏi với vẻ giận dỗi.

“Từ bây giờ anh chẳng tin điều gì nữa cả”, tôi nói điều duy nhất mà tôi học được khi còn trong bệnh vi

“Đúng vậy”, một người thực tế như H nghe thấy dường như trong lời nói của tôi có chút gì ám chỉ đến giải quyết vấn đề tài chính nên nàng gật đầu rất quả quyết.

“Anh không được dựa dẫm vào người khác nữa”

“Anh cũng chẳng tin em nữa đâu”

H xụ mặt nhìn tôi.

Căn nhà ở Funabashi từ khi tôi nhập viện đã bị hoang phế. H sống ở một căn hộ chung cư ở khu Amanuma 3 chome, quận Suginami. Tôi cũng đến định cư ở đó. Có hai tờ tạp chí đã đặt hàng tôi viết bài. Lập tức ngay trong đêm sau khi xuất viện, tôi bắt tay vào viết ngay. Sau khi viết xong hai truyện ngắn, tôi lĩnh tiền nhuận bút, dọn đến Atami và uống rượu thả cửa trong suốt một tháng liền. Tôi chẳng biết sau này đời mình sẽ ra sao. Mặc dù hàng tháng tôi đều nhận được tiền trợ cấp từ anh tôi trong suốt ba năm trời nhưng món nợ lớn cao như núi từ trước khi tôi nhập viện vẫn còn nguyên đó. Ở Atami tôi cũng lên kế hoạch là viết một quyển tiểu thuyết hay bán lấy tiền để trả phần nào món nợ đeo đẳng. Nhưng đừng nói tới viết tiểu thuyết ngay cả cái vẻ thê lương của phong cảnh nơi đây đã làm tôi không thể nào chịu đựng nổi và tôi uống rượu tối ngày. Tôi nghĩ mình là một thằng vô dụng mất rồi. Ở Atami tôi lại càng chìm sâu hơn vào nợ nần. Chẳng thể nào làm gì được nữa. Tôi là kẻ thảm bại toàn phần.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui