Máu Lạnh

Phòng xử, một gian buồng bình thường ở trên tầng bốn của Tòa án hạt Finney, có những bức tường trắng xin xỉn và đồ đạc bàn ghế đánh véc ni tối màu. Ghế dành chỗ công chúng có khi phải chứa được đến một trăm sáu chục người. Vào sáng thứ Ba, ngày 22 tháng Ba, các ghế dài này được dành hết cho công dân toàn là đàn ông của hạt Finney, một bồi thẩm đoàn sẽ được bầu ra từ những người này. Nhiều người được triệu tập xem chừng không thiết tha lắm (một bồi thẩm có triển vọng được cử đã nói với người khác trong một cuộc chuyện trò: “Họ không dùng tôi được đâu. Tai tôi nghe không được tốt lắm.” Người bạn, sau một lúc nghĩ ngợi thầm, liền đáp lại, “Nếu vậy thì tôi đây, tai tôi nghe cũng có tốt mấy đâu”), và nhìn chung nguời ta thường hay nghĩ chọn ra một bồi thẩm đoàn thì phải mất nhiều ngày. Nhưng rồi hóa ra việc chọn chỉ mất có bốn tiếng đồng hồ; đã vậy, bồi thẩm đoàn, gồm cả hai ủy viên luân phiên. Lại được lấy ra từ bốn mươi tư người được đề cử đầu tiên. Bảy người đã bị bên bị phản đối, ba người được miễn theo yêu cầu của bên khởi tố, hai mươi người khác cũng bị bác nốt vì họ phản đối án tử hình hoặc vì họ thừa nhận mình mang sẵn thành kiến kiên định liên quan đến tội của các bị cáo rồi.

Mười bốn người được chọn ra cuối cùng gồm sáu chủ trại, một dược sĩ, một giám đốc nhà trẻ, một nhân viên sân bay, một thợ đào giếng, hai nhân viên bán hàng, một thợ cơ khí, và giám đốc của sân chơi Ray’s Bowling Alley. Họ đều đã lập gia đình (nhiều người đã có năm con hay nhiều hơn), và đều có gắn bó nghiêm chỉnh với một nhà thờ nào đó ở địa phương. Trong cuộc kiểm tra độ trung thực, bốn người trong họ đã nói với tòa rằng từng có quen biết cá nhân với ông Clutter, tuy không thân thiết; nhưng khi hỏi sâu hơn thì người nào cũng nói cảm thấy tình huống này sẽ gây trở ngại tới khả năng đạt tới một sự nghị án khách quan về phía mình. Nhân viên sân bay, một người trung niên tên gọi N.L Dunnan, khi được hỏi ý kiến về án tử hình liền nói, “Bình thường ra thì tôi chống. Nhưng trong vụ này thì không” - một tuyên bố nghe ra có vẻ mang định kiến rõ ràng. Tuy vậy Dunnan vẫn được nhận làm bồi thẩm.

Các bị cáo tỏ ra thờ ơ với thủ tục voir dire - thủ tục kiểm tra lòng trung thực. Hôm trước, bác sĩ tâm thần tình nguyện khám cho họ, bác sĩ Jones, đã phỏng vấn riêng từng người trong vòng xấp xỉ hai giờ đồng hồ: phỏng vấn xong, ông đã gợi ý họ viết cho ông một bản khai tiểu sử. Chính việc này đã khiến hai bị cáo bận suốt những giờ người ta dùng vào việc lập bồi thẩm đoàn. Ngồi ở hai đầu đối diện của bàn luật sư bào chữa, Hickock viết bằng bút mực còn Smith bằng bút chì.

Smith viết:

Tôi, Perry Edward Smith, sinh ngày 27 tháng Mười năm 1928 ở Huntington, hạt Elko, bang Nevada, nơi này nằm trên đường đi ra những bến cảng náo nhiệt. Tôi nhớ lại hồi năm 1929 gia đình tôi lên kiếm ăn tận Juneau, bang Alaska. Gia đình tôi có anh tôi Tex cùng tên với bố (sau này anh ấy đổi thành James vì cái tên Tex nó nghe buồn cười và tôi cũng tin rằng lúc còn trẻ anh ấy ghét bố tôi - là do mẹ tôi hết). Chị tôi, Fern (chị cũng đổi tên - thành Joy). Chị Barbara tôi. Và tôi... Ở Juneau, bố tôi làm rượu lậu. Tôi tin rằng mẹ tôi trở thành nghiện rượu chính là vào thời kỳ này. Mẹ và bố bắt đầu cãi nhau. Tôi nhớ mẹ tôi “giúp vui” cho vài người thủy thủ trong khi bố tôi vắng nhà. Khi bố về thì đánh nhau nổ ra và sau một trận vật lộn dữ dội bố tôi đã ném những người thủy thủ ra ngoài và quay sang đánh mẹ tôi. Tôi sợ khiếp vía, thật ra thì tất cả trẻ con đều kinh hoàng. Khóc. Tôi sợ vì tôi nghĩ bố tôi sắp đập tôi và cũng vì bố tôi đang đánh mẹ. Tôi thật sự không hiểu tại sao bố lại đánh mẹ nhưng tôi cảm thấy chắc mẹ đã làm một cái gì sai ghê lắm... Việc sau đó tôi nhớ láng máng được là sống ở Fort Bragg, bang Calif. Anh tôi được cho một khẩu súng trẻ con. Anh ấy đã bắn một con chim ruồi và sau khi bắn thì anh ấy buồn. Tôi xin cho tôi bắn. Anh tôi đẩy tôi đi, bảo tôi bé quá. Tôi giận điên lên đến nỗi òa khóc. Khóc xong lại càng giận, và buổi tối khi khẩu súng treo ở đằng sau cái ghế anh tôi đang ngồi, tôi đã nắm lấy và giữ nó ở sát tai anh tôi rồi hét to. Đoàng! Bố tôi (hay mẹ) đánh tôi và bắt tôi xin lỗi. Anh tôi thường bắn vào một con ngựa bạch to tướng mà người hàng xóm hay cưỡi qua nhà tôi trên đường ra thị trấn. Người hàng xóm bắt anh tôi và tôi đang nấp trong bụi cây liền đem chúng tôi đến gặp bố tôi thế là chúng tôi được một trận rồi anh tôi bị bố lấy mất khẩu súng. Và tôi rất vui vì anh tôi bị lấy mất khẩu súng! Đó là gần như tất cả những cái tôi nhớ hồi chúng tôi sống ở Fort Bragg (Ôi! Bọn lỏi chúng tôi quen nhảy từ trên vựa cỏ xuống, cầm một cái dù, rơi vào một đống cỏ khô trên mặt đất)... Đoạn sau tôi nhớ là nhiều năm sau đó khi chúng tôi sống ở Calif? Nevada? Tôi nhớ một chuyện rất bỉ ổi giữa mẹ tôi và một thằng nhọ. Mùa hè, bọn trẻ con chúng tôi ngủ ở trên một cái hiên cổng. Một trong mấy cái giường của chúng tôi thì kê ngay dưới buồng bố mẹ tôi. Bọn trẻ tụi tôi đứa nào cũng từng dòm qua tấm rèm chỉ che có một nửa và thấy hết chuyện gì đang diễn ra trong ấy. Bố thuê một thằng nhọ (tên là Sam) làm các việc lặt vặt quanh trại hay chăn nuôi khi mà bố đang làm ở đâu đó bên dưới đường cái. Bố thường về nhà muộn trên một cái xe tải mô đen A. Tôi không nhớ được chuỗi sự việc nhưng tôi cho rằng bố đã biết hay nghi ngờ có chuyện gì rồi. Cuối cùng nó đi tới việc bố mẹ ly thân nhau và mẹ đưa bọn lỏi chúng tôi đến San Francisco. Mẹ đi bằng chiếc xe tải của bố và nhiều thứ kỷ niệm bố mang từ Alaska về. Tôi tin rằng đó là vào năm 1935 (?)... Ở Frisco, tôi thường xuyên dính chuyện lôi thôi. Tôi đã bắt đầu tụ bạ với một băng, tất cả chúng nó đều lớn hơn tôi. Mẹ tôi lúc nào cũng say, không bao giờ tỉnh hẳn hoi để nuôi nấng trông nom chúng tôi được. Tôi tha hồ lêu lổng và man dại như con chồn hoang. Chẳng có quy tắc hay kỷ luật nào hoặc có ai bảo cho tôi phân biệt sai với đúng. Tôi đi tôi về tùy thích, cho tới lần đầu tiên tôi gặp rắc rối. Tôi ra ra vào vào Nhà trừng giới nhiều nhiều lần vì bỏ nhà và ăn cắp. Tôi nhớ một nơi tôi đã được đưa đến. Tôi yếu thận đêm nào cũng đái dầm. Với tôi cái đó rất khổ nhục nhưng tôi không tự kiềm chế được mình. Tôi đã bị cô phụ trách đánh rất ác, cô gọi tôi bằng đủ các thứ tên và đem tôi ra giễu trước đám trẻ khác. Đêm đêm cô ta cứ lảng vảng xem tôi có đái dầm ra giường không. Cô ta sẽ lột tung chăn đệm ra và đánh tôi hung tợn bằng một cái thắt lưng da to bản màu đen - túm tóc tôi, lôi tôi ra khỏi giường, kéo tôi đến buồng tắm, ném tôi vào trong bồn tắm, mở nước lạnh vào, bảo tôi giặt lấy áo quần và tự tắm rửa. Đêm nào cũng lại một cơn ác mộng. Sau đó cô ta nghĩ bây giờ bôi một vài thứ dầu nào đó vào buồi tôi thì thú vị lắm đây. Cái này không sao chịu nổi. Nó bỏng gì mà kinh khủng. Sau đó cô ta mất việc. Nhưng điều ấy không khiến được tôi thay đổi ý nghĩ đối với cô ta và cái mà tôi mong giá như mình có thể làm với cô ta cũng như tất cả những người đã giễu nhục tôi.

Rồi, do bác sĩ Jones bảo hắn phải có ngay bản khai chiều hôm ấy, Smith đã bỏ cách quãng để kể luôn về thời niên thiếu và những năm hai bố con hắn sống với nhau, cùng lang thang khắp miền Tây và Viễn Tây, thăm dò khảo sát, săn bẫy, làm đủ thứ việc linh tinh.

Tôi yêu bố nhưng có những lúc tình yêu thương của tôi đối với bố đã rò chảy ra khỏi tim tôi chẳng khác nào nước đựng trong xô thùng bị thủng vậy. Không lúc nào bố tôi cố tìm hiểu các vấn đề của tôi sất. Không cho tôi lấy một ít ý kiến, tiếng nói và trách nhiệm. Tôi đã phải lánh xa bố. Năm mười sáu tuổi tôi vào hạm tàu chở hàng. Năm 1948 tôi vào quân đội - viên sĩ quan tuyển lính đã cho tôi một dịp may và nâng điểm cho tôi trong khi kiểm tra. Từ lúc đó, tôi bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của học vấn. Điều này chỉ làm nặng thêm mối thù ghét và niềm chua cay của tôi đối với người khác mà thôi. Tôi bắt đầu lao vào trò đánh đấm. Tôi đã ném một tay cảnh sát Nhật từ trên cầu xuống sông. Tôi đã bị ra tòa án binh vì đập phá một quán cà phê Nhật. Tôi lại phải ra tòa án binh nữa tại Kyoto, Nhật Bản vì ăn cắp một chiếc taxi Nhật. Tôi ở quân đội được gần bốn năm. Tôi đã có những cơn giận bùng nổ dữ dội trong khi phục vụ tại Nhật và Triều Tiên. Tôi ở Triều Tiên 15 tháng, được đổi đơn vị, điều về nước và được đón nhận đặc biệt như là cựu chiến binh đầu tiên ở Triều Tiên trở về lãnh thổ Alaska. Bài viết bốc tướng lên, ảnh đăng báo, trả tiền đi máy bay tới Alaska, tất cả những màu mè hoa lá... Tôi kết thúc quân dịch ở Fort Lewis, Washington.

Cây bút chì của Smith ngoáy tít gần như không thể đọc ra nổi chữ nữa trong khi hắn vội vã đi đến những chuyện mới gần đây: tai nạn xe máy làm hắn thân tàn ma dại, vụ bẻ khóa ăn trộm ở Phillipsburg bang Kansas, nó dẫn hắn tới án tù đầu tiên:

… Tôi bị khép án 5 đến 10 năm tù giam vì ăn cắp lớn, bẻ khóa vào nhà ăn trộm và vượt ngục. Tôi cảm thấy mình bị xử rất bất công. Tôi càng trở nên chua chát hơn trong thời gian ở tù. Lúc được tha, đáng lẽ đi lên Alaska với bố thì tôi lại không đi - tôi làm việc ít lâu ở Nevada và Idaho - đi đến Las Vegas và tiếp tục ở Kansas rồi lâm vào tình cảnh như hiện nay. Không có thì giờ để nói thêm gì hơn nữa.

Hắn ký tên và viết thêm tái bút:

“Muốn được nói thêm với ông. Có nhiều điều tôi chưa nói song có thể sẽ làm cho ông quan tâm. Được ở với những người có một mục đích và ý thức dâng hiến để hoàn thành mục đích đó tôi luôn luôn cảm thấy rất mực phấn chấn vui vẻ. Tôi cảm thấy điều đó khi có mặt ông.”

Hickock không viết với sự mãnh liệt như người bạn đường của mình. Hắn thường dừng lại nghe người ta chất vấn một bồi thẩm có khả năng được tuyển chọn, hoặc nhìn vào những bộ mặt chung quanh - đặc biệt và với mối ác cảm rõ rệt là bộ mặt chắc nịch của ông chưởng lý hạt, Duane West, người cũng trạc tuổi hắn, hai tám. Nhưng bản khai của hắn, viết theo kiểu chữ bay bướm trông giống như làn nước mưa bay xiên, đã xong cả trước lúc tòa ngừng họp ngày hôm đó:

Tôi sẽ nói với ông tất cả những gì tôi có thể nói về tôi, tuy phần lớn đoạn đời trước của tôi đối với tôi thật lờ mờ - cho tới khoảng tôi mười tuổi. Những năm đi học, tôi hoàn toàn giống phần lớn các đứa trẻ trạc tuổi tôi. Tôi có dự phần vào chuyện đánh nhau, trai gái và các thứ khác vẫn thường xảy ra với một đứa con trai đang lớn. Đời sống gia đình cũng bình thường như tôi đã nói với ông trước đây, tôi rất khó được phép ra khỏi sân nhà mà đến chơi với các bạn. Bố tôi luôn luôn nghiêm với bọn con trai chúng tôi [em trai hắn và hắn] ở điểm này. Tôi cũng phải giúp bố tôi cả một lô một lốc những việc nhà… Tôi chỉ nhớ một lần bố mẹ tôi cãi nhau song không dẫn tới chuyện gì cả. Đó là cái gì ấy, tôi không biết... Một lần, tôi nhớ bố mua cho tôi một cái xe đạp và lúc ấy tôi là đứa trẻ kiêu hãnh nhất trong thị trấn. Nó là một cái xe con gái, bố đã đem đổi lấy xe con trai. Bố đem sơn lại hết và trông nó như mới. Nhưng hồi bé, tôi có nhiều đồ chơi, nhiều so với điều kiện tài chính của bố mẹ tôi lúc bấy giờ. Chúng tôi lúc nào cũng có thể thuộc loại mà ông sẽ gọi là nửa nghèo. Không bao giờ trắng túi nhưng nhiều phen cũng sát sạt chỗ ấy. Bố tôi là một công nhân chịu khó, làm hết sức để nuôi nấng chúng tôi. Mẹ tôi cũng là một người lao động chịu khó. Nhà bao giờ cũng gọn gàng và quần áo chúng tôi bao giờ cũng sạch sẽ. Tôi nhớ bố tôi quen đội mũ bằng may theo kiểu củ, bẹt, chùm đầu, ông hay bắt tôi đội nhưng tôi không thích... Ở trường cấp III tôi học rất tốt, năm đầu hay năm thứ hai đều được điểm trên trung bình. Nhưng rồi bắt đầu sút một ít. Tôi có một đứa bạn gái. Nó xinh xinh và tôi chưa bao giờ thử sờ vào nó bất kể thế nào, chỉ có hôn hít thôi. Một trò chim chuột thực sự trong sạch… Lúc đi học tôi tham gia mọi môn thể thao và được thưởng chín huy hiệu tất cả. Bóng chày, bóng bầu dục, bóng rổ, và các môn chạy. Năm cuối cùng là giỏi nhất. Tôi chưa bao giờ gắn bó với một cô gái, lúc nào cũng toàn chơi thể thao các thứ. Chính lúc đó tôi đã có quan hệ lần đầu tiên với một cô gái. Dĩ nhiên tôi nói với tụi con trai là tôi có cả đống con gái... Tôi được hai trường cao đẳng mời chơi bóng, nhưng tôi không bao giờ tham gia. Sau khi tốt nghiệp tôi đi làm ở đường sắt Santa Fe, ở lại cho tới mùa đông năm sau thì tôi bỏ. Mùa xuân tiếp đó tôi làm việc ở Công ty Ô tô Roark. Tôi làm ở đấy bốn tháng thì bị tai nạn khi đi xe của công ty. Tôi nằm bệnh viện nhiều ngày, bị thương ở đầu khá nặng. Trong khi đang lâm tình cảnh đó, tôi không thể tìm ra được việc làm khác, cho nên thất nghiệp gần hết mùa đông. Trong lúc đó, tôi đã gặp một cô gái và phải lòng cô. Bố cô ấy là mục sư dòng Báp tít, rất là ghét thấy tôi đi với cô ấy. Chúng tôi lấy nhau vào tháng Bảy. Bố cô ấy lồng lên nhưng rồi khi biết tin con gái có mang thì đành dịu đi. Song ông vẫn không bao giờ cầu cho tôi được may mắn và chuyện cưới xin của tụi tôi vẫn luôn là đi ngược lại ý ông. Sau khi chúng tôi lấy nhau, tôi làm ở một trạm dịch vụ xe hơi gần Kansas City. Tôi làm từ tám giờ tối đến tám giờ sáng. Đôi khi vợ tôi ở lại trạm với tôi cả đêm - cô ấy sợ tôi không dậy để vào làm được nên tới giúp gọi tôi. Rồi tôi được nhận vào làm ở Perry Pontiac, tôi liền vui vẻ nhận. Rất là mãn nguyện, tuy tôi không kiếm được nhiều tiền - có 75 đô một tuần. Tôi hòa thuận với mọi người, được ông chủ mến. Tôi làm ở đó năm năm... Trong thời gian đi làm này tôi bắt đầu phạm phải có một số chuyện thấp hèn nhất.

Ở đây Hickock tiết lộ ra xu hướng thích quan hệ bậy bạ với trẻ con, và sau khi tả nhiều việc làm chứng, hắn viết:

Tôi biết thế là sai. Nhưng lúc đó, tôi chẳng bỏ công nghĩ xem thế là đúng hay sai gì. Với ăn cắp cũng vậy. Hình như đó là một dục lực ở trong ngưới. Có một việc về vụ Clutter tôi chưa khi nào nói với ông, nó là thế này. Trước khi tới nhà ấy, tôi đã biết có một cô gái ở đó. Tôi nghĩ lý do chính tôi đến đó không phải để trấn lột mà để hiếp cô gái. Vì tôi đã nghĩ nhiều đến chuyện đó. Đó là lý do tại sao tôi không khi nào muốn quay về một khi đã đến đó. Ngay cả khi tôi thấy không có két sắt. Tôi đã buông vài lời tán tỉnh cô con gái nhà Clutter. Nhưng Perry không cho tôi có dịp. Tôi hy vọng không ai biết chuyện đó trừ ông, cũng như tôi chưa khi nào kể cho luật sư của tôi. Có những việc khác tôi có thể nói với ông, nhưng tôi sợ người nhà tôi phát hiện ra. Vì tôi xấu hổ với bố mẹ và em (mấy vụ này thì tôi có xấu hổ thật) hơn cả bị treo cổ... Tôi đã bị bệnh. Tôi nghĩ vì cái tai nạn xe trước đây. Những cơn đau qua đi, song đôi khi tôi chảy máu cam và chảy máu tai trái. Tôi đã bị một lần ở nhà một người tên là Crist - họ sống ở phía Nam nhà bố mẹ tôi. Không lâu mới đây, tôi đã lấy ra được một mảnh kính vỡ trong đầu. Lấy nó ra ở khóe mắt tôi. Bố tôi giúp lấy ra… Tôi nghĩ tôi nên kể với ông những chuyện dẫn tới việc ly hôn, và những việc đã khiến tôi phải vào tù. Vụ đó bắt đầu vào đầu năm 1957. Hai vợ chồng tôi sống ở một căn hộ tại Kansas City. Tôi đã thôi làm ở công ty xe hơi mà mở một gara xe riêng. Tôi thuê cái gara của người đàn bà có cô con dâu tên là Margaret. Một hôm khi đang làm việc thì tôi gặp một cô, chúng tôi uống cà phê với nhau. Chồng cô ta ở thủy quân lục chiến, phải đi làm xa. Nói cho gọn lại, tôi bắt đầu đi chơi với cô ta. Vợ tôi đòi ly hôn. Tôi bắt đầu nghĩ có khi mình chưa bao giờ yêu vợ cả. Vì nếu yêu thì đã chẳng làm những cái chuyện như thế. Cho nên tôi không hề phản đối ly hôn. Tôi bắt đầu uống rượu và say xỉn gần như cả tháng. Tôi bỏ bê công việc, tiêu tiền nhiều hơn kiếm ra, viết séc giả và cuối cùng thì thành một thằng ăn cắp. Vì ăn cắp tôi đã vào tù... Luật sư của tôi nói tôi nên thành thật với ông vì ông có thể giúp tôi. Mà tôi thì cần giúp, ông biết đấy.

Ngày hôm sau, thứ Tư, là ngày phiên tòa chính thức bắt đầu; đó cũng là lần đầu tiên công chúng bình thường được cho vào phòng xử, một khoảnh quá nhỏ khó lòng chứa được một tỷ lệ phần trăm khiêm tốn của số người đứng đầy ở bên ngoài. Các chỗ tốt nhất được dành cho hai mươi nhà báo và những nhân vật đặc biệt như bố mẹ của Hickock và Donald Cullivan (theo yêu cầu từ luật sư của Perry Smith, anh này, với tư cách bạn lính cũ, đã đi từ Massachusetts tới để ra mắt như một nhân chứng về tính cách của Perry). Người ta đồn rằng hai cô con gái sống sót của Clutter sẽ có mặt; họ không có mặt hôm đó, cả các phiên sau cũng không. Đại diện gia đình Clutter là em trai ông - Arthur, ông đã đi hơn một trăm dặm tới đây. Ông nói với các nhà báo, “Tôi chỉ muốn nhìn cho rõ chúng nó [Smith và Hickock]. Tôi chỉ muốn xem chúng là cái thứ súc sinh nào. Tôi cảm thấy ra sao ấy hả, tôi có thể xé xác chúng ra được ấy.” Ông ngồi ở ghế ngay sau các bị cáo và nhìn chúng trừng trừng không rời một giây, tựa hồ đang có kế hoạch khắc họa chân dung chúng bằng trí nhớ. Lúc này, hình như đúng là Arthur Clutter đang muốn như thế, Perry Smith đã quay lại nhìn ông - và nhận ra khuôn mặt giống hệt khuôn mặt của người mà hắn đã giết: cũng cặp mắt dịu dàng, đôi môi mím lại, cái cằm kiên định. Đang nhai kẹo cao su, Perry ngừng nhai; hắn cúi nhìn xuống, một phút trôi đi và quai hàm của hắn lại bắt đầu động đậy. Trừ lúc đó ra, Smith, và cả Hickock nữa, ở tòa chúng đều mang một thái độ vừa không phải phớt lờ tất vừa vô tư; chúng nhai kẹo cao su và uể oải giậm chân sốt ruột khi người ta mời nhân chứng đầu tiên.

Nancy Ewalt. Và sau Nancy là Susan Kidwell. Hai cô gái trẻ tả lại những gì mình nhìn thấy khi vào nhà Clutter hôm Chủ nhật 15 tháng Mười một: những gian buồng vắng lặng, một ví tiền rỗng không giữa sàn bếp, ánh nắng trong buồng ngủ, và bạn học của mình, Nancy Clutter nằm giữa vũng máu. Bên bị từ chối đối chất, một chính sách mà họ theo đuổi với ba nhân chứng sau nữa (bố Nancy Ewalt, Clarence, cảnh sát trưởng Earl Robinson và bác sĩ Robert Fenton, chuyên khám nghiệm tử thi những cái chết bất thường của hạt), mỗi người lại kể thêm vào cho dòng sự kiện hôm Chủ nhật tháng Mười một rực nắng đó: cuối cùng là việc phát hiện ra cả bốn nạn nhân, và lời thuật đã trông thấy họ thế nào, còn bác sĩ Fenton thì cho biết chẩn đoán lâm sàng về nguyên nhân tử vong - “Chấn thương nặng ở não và cấu trúc sọ trọng yếu do súng gây nên.”

Rồi Richard G. Rohleder lên bục.

Richard G. Rohleder là Trưởng Ban Điều tra của sở Cảnh sát Garden City. Ông mê ảnh và ông chụp giỏi. Chính ông đã chụp những bức mà khi rửa ra cho thấy những dấu chân bụi bặm của Hickock trong nhà kho Clutter, những dấu chân chỉ máy ảnh mới phân biệt được chứ mắt thường thì không. Và chính ông đã chụp các xác chết, những hình ảnh hiện trường thảm khốc mà Alvin Dewey không ngừng băn khoăn nghiền ngẫm khi án mạng còn chưa được phá. Điểm chính trong lời chứng của Rohleder là xác nhận mình đã chụp các ảnh kia, những bức mà bên khởi tố đề nghị đưa ra làm bằng chứng. Nhưng luật sư của Hickock phản đối: “Lý do duy nhất để đưa các bức ảnh ra là nhằm gây định kiến và hun nóng đầu các vị bồi thẩm lên mà thôi.” Thẩm phán Tate bác lời phản đối và cho phép đưa các bức ảnh ra làm bằng chứng, có nghĩa là phải đưa ra cho bồi thẩm đoàn.

Trong khi chuyện này đang diễn ra, bố Hickock nói với một nhà báo ngồi gần, “Ông thẩm phán trên kia kìa! Tôi chưa thấy ai định kiến như ông ấy. Mở phiên tòa thế này thật chẳng ra làm sao. Gì chứ cái ông ngồi trên đó thì không. Sao cơ, ông này là người khiêng áo quan ở đám tang đây mà!” (Đúng ra Tate chỉ quen sơ sơ các nạn nhân và không có mặt hôm đưa ma, với bất cứ tư cách nào). Nhưng giọng ông Hickock là giọng nói duy nhất cất lên trong phòng xử án đã quá thừa lặng lẽ. Tổng cộng có mười bảy bức ảnh, và trong khi các bàn tay chuyền cho nhau xem thì vẻ mặt các vị bồi thẩm đã phản ánh tác động của chúng đối với các vị ra sao: má một vị đỏ ran lên như bị tát, một số ít, sau cái liếc nhìn đầu tiên đầy bối rối, rõ ràng là không còn bụng dạ nào tiếp tục nhiệm vụ được nữa; tựa hồ như mấy bức ảnh đã cạy con mắt trong đầu óc họ ra, buộc họ ít nhất cũng phải nhìn thấy cái sự thật thương tâm đã xảy ra cho một người láng giềng cùng vợ và con cái ông ta. Chúng làm họ kinh hoàng, chúng làm họ phẫn nộ và nhiều người trong họ - ông dược sĩ, ông giám đốc sân chơi bóng lăn - nhìn xói vào hai bị cáo với nét thù ghét tột độ.

Ông Hickock già yếu lắc đầu, lầm bầm đi lầm bầm lại: “Không ra làm sao cả. Mở phiên tòa thế này thật không ra làm sao.”

Về nhân chứng cuối cùng của ngày hôm nay, bên công tố hứa đưa ra một “người bí ẩn”. Đó là người đã cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt được các bị cáo: Floyd Wells, bạn cùng xà lim trước đây của Hickock. Vì hắn vẫn còn hạn tù ở Trại giam Bang Kansas và có nguy cơ bị những tù nhân khác trả thù, nên người ta chưa bao giờ để lộ rằng Wells là người cung cấp thông tin. Bây giờ, để có thể làm chứng an toàn ở tòa, hắn đã được đưa ra khỏi trại giam và đem nhốt tại một trại giam nho nhỏ của hạt bên cạnh. Tuy thế, Wells vẫn đi qua phòng xử lên bục nhân chứng với vẻ lén lén lút lút lạ lùng - tựa hồ hắn sợ gặp phải trên đường đi một tên sát nhân vậy - và khi hắn đi qua Hickock thì môi Hickock rung rung như đang thì thào một câu độc địa. Wells làm như không thấy; nhưng giống như một con ngựa đã nghe thấy tiếng rung o o của con rắn đuôi chuông, hắn né vội ra. tránh gần với con người bị phản bội. Lên bục, hắn nhìn thẳng về đằng trước, một gã lẹm cằm nhỏ thó trông như cậu thiếu niên làm thuê nhăng nhít cho các nông trại, mặc bộ com lê rất tử tế màu lam sẫm do bang Kansas mua cho nhân dịp ra tòa - chính quyền bang muốn rằng nhân chứng quan trọng nhất phải có một cái vẻ đáng trọng thì mới được người ta tin.

Lời chứng của Wells, nhờ các cuộc ôn tập trước khi ra tòa mà rất chi hoàn hảo, cũng gọn sạch như dáng vẻ hắn hôm nay. Đươc các lời nhắc đầy thiện cảm của Logan Green cổ vũ, nhân chứng này nhận rằng mình đã có dạo làm thuê ở Trại Lũng Sông, trong khoảng một năm; hắn nói tiếp rằng mười năm sau đó, do bị dính án vì tội bẻ khóa ăn trộm, hắn đã thành bạn bè với một tên bẻ khóa ăn trộm phải vào tù khác, Richard Hickock, rồi miêu tả nông trại và gia đình Clutter cho gã nghe.

“Bây giờ,” Green hỏi, “trong các cuộc trò chuyện giữa ông và ông Hickock, hai ông đã nói những gì về ông Clutter?”

“À, chúng tôi nói về ông Clutter ít thôi. Hickock nói sắp được tha theo lời hứa, sẽ đi sang miền Tây tìm việc; có thể dừng lại gặp ông Clutter để hỏi xin việc làm. Tôi kể cho ông ấy nghe ông Clutter giàu có như thế nào.”

“Ông Hickock có chú ý tới cái đó không?”

“A, ông ấy muốn biết liệu ông Clutter có cái két nào trong nhà không.”

“Ông Wells, lúc đó ông có nghĩ có một cái két ở nhà ông Clutter không?”

“À, tôi làm ở đó đã lâu lắm rồi, tôi nghĩ có một cái két. Tôi biết có một cái tủ nho nhỏ loại ấy... Sau đó không hiểu thế nào mà ông ấy [Hickock] lại nói đến chuyện cướp nhà Clutter.”

“Ông ấy có nói với ông sẽ thực hiện vụ cướp như thế nào không?”

“Ông ấy bảo tôi nếu ông ấy làm cái gì kiểu như thế thì sẽ không để lại nhân chứng.”

“Ông ấy nói định làm gì với các nhân chứng không?”

“Có. Ông ấy bảo tôi là chắc chắn sẽ trói lại, lấy tiền rồi thủ tiêu họ.”

Đã có bằng chứng về mức độ mưu tính trước cặn kẽ đâu ra đấy như vậy rồi, Green nhường bục nhân chứng cho bên bị. Già Fleming, một luật sư cổ điển vùng quê vốn thích chiến tích trong các vụ đất cất hơn là trong các vụ khó nhằn, mở đầu cuộc đối chất. Dụng ý chất vấn của ông, như ông nhanh chóng quyết định, là nêu ra một vấn đề mà bên công tố đã cố tình tránh đi: vấn đề vai trò của chính Wells trong âm mưu giết người này cùng với trách nhiệm đạo đức của bản thân hắn.

“Ông,” Fleming nói, đi vội ngay vào trung tâm vấn đề, “ông đã không nói gì với ông Hickock để làm ông ấy nản lòng mà đừng đến đó ăn trộm và giết gia đình Clutter ư?”

“Không. Nếu ở trên đó [Nhà tù bang Kansas] mà có ai nói với mình chuyện gì như thế, mình chả để ý làm gì vì mình nghĩ họ chỉ là nói chơi thôi.”

“Ông muốn nói là ông kể lại như thế mà không có ngụ ý gì cả ư? Chẳng phải ông có chủ định gài cho ông ấy [Hickock] cái ý rằng Clutter có một cái két sao? Ông muốn ông Hickock tin thế là thật, đúng không?”

Bằng cung cách êm ả của mình Fleming đang làm cho nhân chứng lao đao; Wells dứt dứt cà vạt, tựa như cái nút thắt thình lình chặt quá.

“Và ông đã ngụ ý cho ông Hickock tin rằng ông Clutter có nhiều tiền, có phải thế không?”

“Tôi đã bảo ông ấy là ông Clutter có nhiều tiền, đúng.”

Một lần nữa Fleming moi cho Wells phải kể ra là Hickock đã kể cho anh ra đầy đủ về các kế hoạch tàn bạo đối với gia đình Clutter như thế nào. Rồi, như nén đi một nỗi đau riêng, luật sư đăm chiêu nói, “Rồi ngay cả khi đã nghe hết thế rồi ông vẫn không can ngăn ông ấy?”

“Tôi không tin là ông ấy sẽ làm chuyện đó mà.”

“Ông không tin. Thế tại sao, khi nghe chuyện đã xảy ra ở đây, ông lại nghĩ ông ấy chính là thủ phạm?”

Wells đáp lại, tự đắc, “Vì nó đã được làm đúng như ông ấy nói là định làm mà.”

Harrison Smith, người trẻ hơn trong đội ngũ bên bị ra đòn. Làm bộ hung hăng ngạo mạn song xem ra thì hơi gượng gạo, vì sự thật ông ta là người hiền lành hòa nhã, ông luật sư hỏi nhân chứng có biệt hiệu nào không.

“Không, tôi chỉ là ‘Floyd’ thôi.”

Luật sư khịt khịt mũi. “Họ không gọi ông là ‘Đứa mỏng môi’ à? Hay họ có gọi ông là ‘Gã mách lẻo’ không?”

“Tôi chỉ là ‘Floyd’ thôi,” Wells nhắc lại, khá là ngượng.

“Ông đã ở tù bao nhiêu lần rồi?”

“Chừng ba lần.”

“Có lần vì nói dối, phải không?”

Phủ nhận điều này, nhân chứng nói một lần vào tù vì lái xe không có bằng lái, bẻ khóa ăn trộm là lý do vào tù lần thứ hai, lần thứ ba thì bị giam chín mươi ngày trong trại giam lính, kết quả của một vụ xảy ra khi hắn còn tại ngũ: “Chúng tôi đi tuần trên một đoàn tàu. Tôi bị ngạt thở ở trên tàu, có bắn hơi nhiều tí chút vào cửa sổ và bóng đèn.”

Mọi người cười ầm; trừ các bị cáo (Hickock nhổ lên sàn) và Harrison Smith lúc bấy giờ đang hỏi Wells tại sao sau khi biết tin tấn thảm kịch ở Holcomb lại còn lần lữa mấy tuần mới báo nhà chức trách điều mình biết. “Phải chăng ông chờ đến khi có một cái gì đó phải không? Một giải thưởng chẳng hạn?”

“Không phải.’’

“Ông không nghe nói đến phần thưởng gì cả à?” Luật sư có ý nói đến món tiền một nghìn đô la của báo Tin tức Hutchinson thưởng; cho thông tin nào dẫn tới việc bắt và xét xử được những tên giết người trong vụ Clutter.

“Tôi có đọc thấy trên báo.”

“Trước khi ông đi báo cho nhà chức trách phải không?” Và khi nhân chứng thừa nhận thì Smith đắc thắng hỏi tiếp, “Hôm nay ông đến đây làm chứng thì ông chưởng lý hạt cho ông loại miễn giảm nào?”

Nhưng Logan Green phản đối: “Chúng tôi phản đối hình thức của câu hỏi, thưa Quý tòa. Không hề có bằng chứng về sự miễn giảm cho ai.” Lời phản đối được ủng hộ và nhân chứng được cho xuống; khi hắn rời khỏi bục Hickock nói cho tất cả những ai ở trong tầm nghe chung quanh hắn, “Thằng chó đẻ. Ai phải bị treo cổ thì chính là nó. Nhìn nó xem. Sắp đi ra khỏi đây lĩnh món tiền kia và lại được miễn thuế nữa cơ đấy.”

Lời tiên đoán tỏ ra là đúng, vì không lâu sau đó Wells vừa được tiền thưởng lại vừa được tha theo lời hứa. Nhưng vận hội của hắn chẳng được mấy hồi. Hắn lập tức lại dính phải lôi thôi và phải chịu nhiều nỗi truân chuyên trong nhiều năm ròng. Bây giờ hắn đang có hộ khẩu ở Nhà tù Bang Mississippi tại Parchman, Mississippi, hắn chịu án tù ba chục năm vì cướp có vũ khí.

Thứ Sáu, khi tòa nghỉ cuối tuần, chính quyền bang đã hoàn tất vụ án, gồm có cả việc ra mắt đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang ở Washington. Những người này, các kỹ thuật viên thành thạo trong nhiều phạm trù thuộc lĩnh vực điều tra tội phạm bằng khoa học, đã nghiên cứu các bằng chứng vật lý khả dĩ liên hệ được những người bị kết án với vụ giết người (mẫu máu, dấu chân, vỏ đạn, dây thừng và băng dính), mỗi người đều đã chứng minh giá trị pháp lý của các bằng chứng trưng bày. Cuối cùng bốn nhân viên K.B.I cung cấp nội dung thẩm vấn các tù nhân cũng như lời thú tội cuối cùng chúng đã đưa ra. Khi đối chất với người bên K.B.I, các luật sư bên bị, một cặp kết lại thành bè, lập luận rằng bên khởi tố đã dùng những cách thức không chính đáng để đạt được lời thú nhận phạm tội của bị cáo - lấy cung thô bạo ở trong những buồng kín bưng, nóng như cái lò và chói ánh đèn. Cái cớ được viện ra này, vốn không đúng, làm các thám tử nổi đóa lên. Họ đưa ra những lời giải thích rất thuyết phục phủ nhận lại. (Sau này, trả lời một phòng viên hỏi ông tại sao ông cứ nhằng nhẵng bám lấy cái mùi giả tạo ấy làm gì lâu quá thế, luật sư của Hickock độp lại, “Thế thì tôi phải làm cái gì đây? Quỷ thật, tôi phải chơi mà chẳng có được lấy một quân bài nào. Mà tôi lại không thể ngồi ườn ra đấy như một thằng bù nhìn được. Tôi phải nói gì đó chứ”).

Nhân chứng lợi hại nhất của bên khởi tố là Alvin Dewey, lời chứng của ông, đưa ra lần đầu tiên trước công chúng những sự việc được chi tiết hóa trong lời thú tội của Perry Smith, đã chiếm các đầu đề lớn trên báo chí (NỖI KINH HOÀNG CỦA VỤ ÁN MẠNG CM LẶNG CHƯA ĐƯỢC VÉN LỘ - Những sự việc lạnh băng, ghê rợn được kể lại) và làm cho người nghe choáng váng - không ai choáng váng hơn Richard Hickock, hắn bắt đầu chú ý một cách kinh ngạc và tuyệt vọng khi mà trong quá trình bình luận của mình Dewey đã nói, “Có một sự việc Smith kể lại cho tôi mà đến nay tôi chưa nêu ra. Đó là sau khi gia đình Clutter đã bị trói lại, Hickock bảo Smith rằng hắn thấy thân hình Nancy Clutter nở nang đẹp đẽ thế nào và hắn tính hiếp cô ấy. Smith đã bảo Hickock là không làm cái trò đó được đâu. Smith bảo tôi anh ấy ghê tởm bất cứ ai không kìm chế được ham muốn dục tình và Smith sẽ đánh nhau với Hickock chứ không để Hickock hiếp cô con gái nhà Clutter.” Từ trước đến nay Hickock không hề biết rằng đồng bọn của hắn đã báo cho cảnh sát rằng hắn từng có ý định hiếp Nancy; hắn cũng chẳng hề hay rằng, với một tinh thần bằng hữu hơn, Perry đã sửa lại lời khai ban đầu của mình để nhận là một mình hắn bắn chết bốn người nhà Clutter - một sự việc mà khi sắp kết thúc lời chứng Dewey mới lộ ra: “Perry Smith bảo tôi anh ấy muốn thay đổi hai điều trong lời khai anh ấy đã nộp cho chúng tôi. Anh ấy nói mọi điều khác trong đó đều đúng sự thật cả. Trừ có hai điều kia thôi. Đó là anh ấy muốn nói anh ấy đã giết bà Clutter và Nancy chứ không phải Hickock. Anh ấy bảo tôi rằng Hickock… không muốn chết đi khi mà mẹ anh ấy cứ phải nghĩ rằng con bà đã giết một người nào đó trong gia đình Clutter. Anh ấy nói nhà Hickock là người tốt. Vậy thì tại sao lại không như vậy được chứ.”

Nghe tới đây bà Hickock khóc. Suốt thời gian tòa xử, bà yên lặng ngồi cạnh chồng, hai tay vò chiếc khăn tay nhàu nát. Bà cố sức tìm cặp mắt con trai, gật đầu với nó và gượng một nụ cười tuy già héo nhưng khẳng định lòng kiên định của mình. Nhưng rõ ràng người đàn bà đã kiệt sức; bà bắt đầu khóc. Vài người xem liếc nhìn bà rồi ngoảnh đi, bối rối; số còn lại thì hình như không chú ý tới bài ca sầu não không hề gia công gọt giũa đang đệm đối âm lại với lời kể đã thuộc lòng liên tục của Dewey; ngay đến chồng bà có lẽ vì tin rằng ghi nhận điều đó là không đàn ông cho lắm nên cũng cứ để mặc bà khóc. Cuối cùng một nữ phóng viên, người đàn bà duy nhất có mặt, đã đưa bà Hickock ra khỏi phòng xử vào riêng của buồng dành cho các bà.

Khi nỗi buồn đã vợi, bà Hickock tỏ ra cần được tâm sự. “Chẳng có ai mà tôi có thể trò chuyện được nhiều,” bà bảo nữ phóng viên. “Tôi không có ý nói mọi người không tốt đâu, hàng xóm và tất cả. Cả những người xa lạ nữa - nhiều người không quen cũng viết thư nói họ biết chuyện này là gay go thế nào, chúng tôi buồn phiền ra sao. Không ai nói một lời xấu xa, với Walter lẫn cả với tôi. Ngay cả ở đây cũng không, chị có thể trông chờ ở đây là như vậy. Ai ở đây cũng vượt ra khỏi thói thường mà tỏ thái độ hòa hảo hết cả. Chị hầu bàn ở chỗ chúng tôi ăn đằng kia cho kem vào bánh nướng nhân ngọt mà không tính tiền. Tôi bảo chị ấy đừng, tôi không ăn được như thế. Tôi đã quen ăn bất cứ cái gì thì cũng phải an toàn, không ăn những thứ gì hại tới tôi. Nhưng chị ấy cứ cho vào. Để tỏ ra tốt với chúng tôi. Sheila, chị ấy tên như thế, chị ấy nói, việc xảy ra không phải lỗi của chúng tôi. Nhưng tôi thấy hình như ai cũng nhìn mình mà nghĩ ngợi. Chậc, muốn gì thì bà ấy cũng đáng trách. Cái cách tôi dạy dỗ thằng Dick. Có lẽ tôi đã làm điều gì đó không phải. Có điều tôi không biết cái không phải ấy là cái gì; tôi cố nhớ lại phát nhức cả đầu. Chúng tôi là dân thường, đúng là dân quê, kiếm cách sinh nhai y như tất cả mọi người khác. Ở nhà chúng tôi cũng đã có những thời vui vẻ. Tôi dạy Dick nhảy foxtrot. Nhảy, tôi lúc nào cũng mê nhảy, hồi còn con gái thì nhảy là tất cả đời tôi; dạo ấy có một anh, chà, anh ta nhảy giỏi vô cùng - chúng tôi nhảy vanxơ với nhau mà giành được một cúp bạc. Một thời gian dài chúng tôi dự tính bỏ nhà lên sân khấu biểu diễn. Nhảy múa. Chỉ là mơ tưởng thôi. Giấc mơ của trẻ con. Anh ta đi khỏi thị trấn, rồi một ngày kia tôi lấy Walter, Walter Hickock thì chẳng nhảy được một bước nào. Ông ấy bảo tôi mà muốn nhảy thì nên lấy một con ngựa. Không ai nhảy với tôi nữa cho tới khi tôi dạy Dick, nó cũng không ham lắm, nhưng nó chiều mẹ, Dick ngày xưa là thằng bé tốt tính nhất trần đời.”

Bà Hickock tháo cặp kính đang đeo xuống, lau hai mắt kính ố nhoèn rồi lại đeo lên trên khuôn mặt dễ chịu, đầy đặn của bà. “Về Dick còn có nhiều chuyện hơn là những thứ chị nghe ở đằng kia trong phòng xử án. Các ông luật sư cứ huyên thuyên lên là nó đáng sợ như thế nào... nó không tốt một tí nào. Tôi không thể cáo lỗi được cho việc nó đã làm, cho cái phần của nó trong việc đó. Tôi không quên được gia đình kia; đêm nào tôi cũng cầu nguyện cho họ. Nhưng tôi cũng cầu nguyện cho cả Dick nữa. Và thằng Perry. Tôi ghét nó là tôi sai rồi; bây giờ tôi chỉ có thương nó thôi, không có gì khác cả. Và chị biết đấy - tôi tin rằng bà Clutter chắc cũng sẽ cảm thấy thương hại cơ. Bà ấy là kiểu đàn bà như người ta nói ấy mà.”

Tòa hoãn họp; tiếng ồn ào của công chúng đi ra khua vang trong hành lang; vẳng vào nhà vệ sinh nữ. Bà Hickock nói phải ra gặp chồng bà. “Ông ấy đang chết dần mòn. Tôi nghĩ ông ấy chẳng đoái hoài gì nữa đâu.”

Nhiều người quan sát cảnh tòa xử đã sửng sốt bởi người khách từ Boston tới, Donald Cullivan. Họ không thể hiểu được người thanh niên trầm tĩnh theo đạo Cơ đốc kia, kỹ sư thành đạt từng tốt nghiệp Harvard, một người chồng và bố của ba đứa con, lại chọn kết bạn với một đứa lại vô học và giết người này, một người mà anh chỉ biết qua loa và đã chín năm rồi không gặp gỡ.

Chính Cullivan đã nói, “Vợ tôi cũng không hiểu. Lặn lội đường xa tới đây thì thực tình tôi không có khả năng - phải mất cả một tuần xin nghỉ phép, rồi thì tiền nong còn phải chi cho cả đống việc khác nữa. Nhưng mặt khác, đây là việc mà tôi không thể không làm. Luật sư của Perry viết thư cho tôi hỏi liệu tôi có làm nhân chứng về tính cách được không; ngay lúc đọc thư tôi đã biết mình phải làm việc đó. Vì tôi đã tặng người ta tình bạn. Và vì - đúng, tôi tin ở cuộc đời vĩnh hằng. Mọi linh hồn đều có thể được cứu rỗi vì Chúa.”

Cứu rỗi một linh hồn có tên Perry Smith là công việc mà ông phó cảnh sát trưởng và bà vợ vốn là người mộ đạo một cách sâu xa đang ra sức góp phần mình - tuy bà Meier đã bị Perry từ chối khi bà gợi ý hắn gặp Cha Goubeaux, một cha cố địa phương để xin lời an ủi. (Perry nói, “Cha cố và nữ tu sĩ đều đã có cơ hội đối với tôi hết cả rồi. Tôi vẫn còn mang những cái sẹo để chứng tỏ điều đó đây.”) Thế là, trong thời gian cuối tuần nghỉ họp, vợ chồng Meier đã mời Cullivan đến ăn tối Chủ nhật trong xà lim với Perry.

Được dịp chiêu đãi bạn, đóng vai chủ nhà, Perry lấy làm vui thích, và thực đơn dự kiến - ngỗng trời nhồi nấm và quay, với khoai tây nghiền trộn nước thịt cùng đậu đũa, xa lát trứng, bích quy nóng, sữa lạnh, bánh ngọt anh đào mới ra lò, phó mát và cà phê - còn làm hắn bận tâm hơn cả kết quả xét xử (điều mà chắc chắn là hắn không coi như một vấn đề phải hồi hộp chờ đợi: “Những dân nhà quê ấy, họ sẽ bỏ phiếu để treo cổ thật nhanh như lợn ăn bỗng rượu ấy mà. Xem mắt họ xem. Sét đánh chết tôi đi nếu như trong phòng xử này chỉ có mỗi mình tôi là kẻ giết người”). Suốt sáng Chủ nhật hắn chuẩn bị đón khách. Hôm đó trời ấm, gió nhẹ, và những bóng lá, những cành cây mảnh quật vào cửa sổ chấn song của xà lim, nhè nhẹ đung đưa ghẹo đùa con sóc đã thuần hóa của Perry. Con Đỏ đuổi những hình lay động trong khi chủ nó quét dọn, phủi bụi, cọ sàn nhà, góc vệ sinh và thu dọn đống sách báo trên bàn. Bàn này sẽ là bàn ăn, và khi Perry dọn dẹp gọn gàng xong rồi, trông nó có vẻ mời mọc hơn lên, vì bà Meier đã cho mượn một khăn trải bàn bằng lụa mỏng, khăn ăn hồ bột, bát đĩa sứ Tàu và những cái nĩa thìa bạc đẹp nhất của bà.

Cullivan sửng sốt - anh huýt sáo khi bữa tiệc được mang đến bằng khay đặt lên bàn - trước khi ngồi xuống anh đã hỏi ông chủ liệu anh có thể đọc kinh không. Ông chủ, không cúi đầu, bẻ bẻ ngón tay trong khi Cullivan cúi đầu, chắp hai tay lại cất lời đọc, “Lạy Chúa, xin Người ban phúc cho chúng con và những tặng vật mà chúng con sắp nhận lấy được từ tấm lòng bao dung của người đây, qua lòng thương xót của đáng Kitô. Chúa của chúng con, Amen.” Perry lầm bầm nhận xét rằng theo ý hắn thì bất cứ công trạng gì để có được như hôm nay đều thuộc về bà Meier. “Bà ấy làm tất cả mọi việc đấy. Nào,” hắn nói, múc đầy thức ăn vào đĩa của khách, “Don, gặp lại anh thật là vui. Anh trông vẫn thế, không thay đổi tí nào.”

Nom như một thư ký ngân hàng thận trọng với mái tóc đã thưa và bộ mặt khá là khó nhớ, Cullivan đồng ý rằng bề ngoài mình không thay đổi gì nhiều thật. Nhưng cái Tôi mà anh có ở bên trong, con người vô hình ấy thì lại là chuyện khác. “Tôi đang trượt xuống mãi. Đâu biết Chúa là hiện thực duy nhất. Một khi anh hiểu ra cái đó thì mọi sự liền đâu vào đấy ngay. Cuộc sống có ý nghĩa - cái chết cũng vậy. Này anh, lúc nào cũng ăn như thế này đấy à?”

Perry cười phá. “Bà Meier là một đầu bếp tuyệt vời. Anh phải nếm món cơm Tây Ban Nha của bà ấy mới được. Từ ngày vào đây tôi đã lên những bảy ký rưỡi. Dĩ nhiên tôi vẫn thuộc loại gầy. Tôi đã sụt cân nhiều hồi tôi và Dick còn chạy như ma trên đường - chả mấy khi ăn được một bữa cho ra bữa, đói suốt như cô hồn. Thường thường chúng tôi sống như con vật. Dick vẫn thường xuyên ăn cắp đồ hộp ở mấy hàng tạp hóa. Đậu hộp và mì Ý hộp. Chúng tôi mở ở trên xe và cứ thế xực. Thật là y con vật. Dick khoái ăn cắp. Nó như một thứ bệnh hoạn. Tôi cũng là thằng ăn cắp, nhưng chỉ khi nào tôi không có tiền để trả. Ngay cả khi mang trong người một trăm đô, Dick vẫn cứ thó cho được một thanh kẹo cao su.”

Đến lúc uống cà phê hút thuốc, Perry quay lại với chủ đề ăn cắp. “Anh bạn Willie-Jay của tôi đã quen nói về chuyện này. Anh ta nói tất cả mọi tội lỗi đều chỉ là ‘những biến dạng của ăn cắp’. Kể cả giết người. Khi anh giết một người là anh ăn cắp cái mạng của người ta. Xem đấy, Don - tôi đã giết họ. Dưới phòng xử kia, lão Dewey nói nghe như tôi toàn quanh co - về chuyện mẹ Hickock ấy. Chà, tôi có quanh co đâu. Dick đã giúp tôi, hắn cầm đèn pin và nhặt các vỏ đạn. Và cái ý ban đầu là của hắn. Nhưng Dick không bắn họ, hắn không bao giờ có thể bắn - tuy hắn nhanh ra trò khi cần phóng xe chẹt chết một con chó già. Tôi tự hỏi tại sao tôi lại làm thế cơ chứ.” Hắn cau mày, tựa như vấn đề này mới mẻ đối với hắn, một hòn đá mới được khai quật lên với một màu sắc gây kinh ngạc và chưa được phân loại bao giờ. “Tôi không biết tại sao,” hắn nói, tựa như đang giơ nó ra ánh sáng, lúc soi góc này, lúc soi góc nọ. “Lúc đó tôi cáu Dick lắm. Cái thằng vô liêm sỉ, ba láp. Nhưng Dick không hay như thế. Hay là sợ bị người ta nhận diện. Tôi sẵn sàng chơi canh bạc đó. Và việc đó chẳng phải tại một cái gì do nhà Clutter làm cả. Họ không xúc phạm gì đến tôi. Như những kẻ khác đã làm. Những kẻ đã xúc phạm tôi suốt cả cuộc đời tôi. Có thể chính nhà Clutter là những người phải trả giá cho chuyện đó.”

Cullivan thăm dò, cố lường ra chiều sâu của cái mà theo anh có lẽ là nỗi ăn năn của Perry. Chắc chắn Perry phải trải qua một nỗi hối hận đủ sâu sắc để với đến một khát vọng vào tình thương và lượng khoan hồng của Chúa chứ? Perry nói, “Tôi có ân hận không ư? Nếu như anh muốn nói tới điều đó thì tôi không có. Tôi không cảm thấy tí gì như vậy cả. Giá mà tôi có được. Nhưng giờ thì tôi chẳng màng gì nữa rồi. Nửa giờ sau khi việc đó xảy ra, Dick pha trò và tôi cười ngặt nghẽo. Có khi chúng tôi không phải là người. Tôi không đủ Người để cảm thấy buồn cho chính mình. Xin lỗi vì tôi không được ra khỏi đây khi anh đi ra. Nhưng chỉ thế thôi.” Cullivan khó lòng tin được ở một thái độ dửng dưng đến như thế; Perry hẳn là đang bối rối, sai lầm, chứ không thể nào có chuyện ai đó lại thiếu lương tâm và khả năng đồng cảm đến thế này được. Perry nói, “Sao? Lính họ có mất ngủ nhiều đâu. Họ giết người và được huân chương vì việc đó. Những người dân tử tế ở Kansas City muốn giết tôi, và vài tay đao phủ nào đó sẽ rất vui lòng làm chuyện ấy. Giết dễ mà - dễ hơn tiêu lọt séc giả nhiều đấy. Xin hãy nhớ cho: tôi chỉ mới biết nhà Clutter có một tiếng đồng hồ thôi. Nếu như tôi thật sự biết họ thì có khi tôi sẽ cảm thấy khác đi. Chắc là tôi không thể chịu đựng nổi chính bản thân mình. Nhưng nó là thế, chẳng khác nào lần lượt bắn gục mục tiêu ở trường bắn vậy.”

Cullivan im lặng, và sự im lặng của anh làm cho Perry bối rối, hắn có vẻ coi đó là một cách ngụ ý không tán thành. “Khỉ chưa, Don, đừng làm cho tôi phải chơi trò đạo đức giả với anh. Quăng ra một đống câu ấm ớ - nào là tôi ân hận làm sao, nào là bây giờ điều duy nhất tôi muốn làm là quỳ lết mà cầu nguyện. Trò ấy không ra gì với tôi đâu. Tôi không thể chỉ một đêm mà lại chấp nhận ngay được cái tôi vẫn luôn luôn phủ nhận. Sự thật là so với cái mà anh gọi là Chúa ấy thì anh đã làm được cho tôi nhiều hơn tất tật những gì ông ấy đã làm. Bằng việc viết thư cho tôi và ký là ‘bạn’. Trong khi tôi chẳng có lấy một bạn bè nào. Trừ Joe James.” Hắn giải thích cho Cullivan, Joe James là một thợ rừng người da đỏ trẻ tuổi, đã từng sống cùng hắn ở một khu rừng gần Bellingham, Washington. “Từ đó đến Garden City xa đấy. Hai nghìn dặm chứ ít đâu. Tôi biên thư cho Joe kể về cảnh khó khăn của tôi. Joe nghèo, những bảy đứa con phải nuôi, thế nhưng vẫn hứa đến đây dù cho có phải đi bộ. Anh ấy chưa thấy ló mặt, và có thể sẽ không, nhưng tôi vẫn nghĩ anh ấy sẽ đến. Joe lúc nào cũng mến tôi. Anh có thế không, Don?”

“Có, tôi mến anh.”

Câu trả lời dứt khoát mà nhẹ nhàng của Cullivan làm Perry vui, đúng hơn là xáo động. Hắn mỉm cười nói, “Thế thì anh chắc phải là một loại ngô nghê nào đó.” Thình lình hắn đứng lên, đi ngang qua xà lim nhặt một cái chổi. “Tôi không hiểu tại sao tôi lại phải chết ở giữa những kẻ xa lạ nhỉ. Để cho một lũ nhà quê đứng chung quanh tôi mà xem tôi lè lưỡi ra. Cứt. Tôi phải tự giết tôi trước.” Hắn giơ cây chổi lên dí vào cái bóng đèn đang thắp sáng ở trên trần. “Chỉ cần cho cái bóng tụt xuống, đập vỡ nó ra rồi cắt cổ tay. Tôi phải làm cái đó. Trong lúc anh còn ở đây. Một người còn quan tâm đến tôi chút xíu.”

Tòa xử tiếp vào hồi mười giờ sáng thứ Hai. Chín mươi phút sau tòa hoãn, vì trong thời gian ngắn ngủi đó bên bị đã xong công việc. Các bị cáo từ chối tuyên thệ nhân danh mình, do vậy vấn đề liệu Hickock tay Smith là kẻ đã thực sự hành quyết cả nhà Clutter đã không được nêu ra.

Trong số năm nhân chứng ra mắt, người đầu tiên là ông Hickock mắt sâu hoắm. Mặc dù nói năng rành rọt ra dáng đường hoàng bi thiết, nhưng ông chỉ đóng góp được chi tiết liên quan tới chứng bệnh thần kinh tạm thời của con ông. Ông nói, con trai ông đã bị thương ở đầu trong một tai nạn xe hơi hồi tháng Bảy năm 1950. Trước tai nạn đó, Dick là một “anh con trai sống phây phây”, học giỏi ở trường, bạn học đều biết, và yêu kính bố mẹ... “Không gây rắc rối cho ai.”

Harrison Smith khéo léo lái nhân chứng, “Tôi xin hỏi là sau tháng Bảy 1950 ông có thấy một sự thay đổi nào trong tính cách, thói quen và hành động của anh Richard, con trai ông không?”

“Nó chỉ là hành động không giống như trước.”

“Ông thấy những thay đổi như thế nào?”

Ông Hickock vừa ngập ngừng suy nghĩ vừa kể ra: Dick sưng sưng sỉa sỉa và bồn chồn không yên, tụ bạ với đám lớn tuổi hơn, uống rượu đánh bạc. “Đúng là không còn giống trước nữa.”

Logan Green, đảm nhiệm phần đối chất, bèn bẻ luôn lời xác nhận cuối cùng này. “Ông Hickock này, ông nói sau năm 1950 không bao giờ có chuyện rắc rối lôi thôi nào với con trai ông phải không?”

“… Tôi nghĩ nó bị bắt năm 1949.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui