Về đến nhà, không nhịn được tôi hỏi Cẩm Xương:
– Anh có nghe mẹ anh nói có chỏi tai không?
– Trong lòng anh cứ bất định, anh sớm biết thể nào em cũng hỏi vậy!
– Cẩm Xương ...
Tôi rất khó chịu.
– Thế nào? Em không thể trách bà cụ nói thực đó chứ!
– Em thực sự vô dụng vậy sao?
– Nếu mẹ anh khen em vài câu là em liền vui hay sao?
Tôi không nói.
– Chuyện ở công ty không ngày nào là không có. Nếu nghe vài câu đụng chạm sinh ra bực bội, lại muốn có người an ủi mới được sao? Người chưa tiếp xúc với đời mới suốt ngày thấy mình ẩn khuất.
– Cẩm Xương, nói vậy anh đi làm chắc khó khăn lắm?
– Lên núi đao, xuống biển dầu, nếu không phải là chuyện của cá nhân anh.
Em thay thế được sao?
Cẩm Xương quay người lại, tỏ ý muốn ngủ.
Tôi nhìn lên trần nhà, chẳng biết phải làm thế nào.
Bây giờ mà đi làm thì có trễ quá không? Có ai lại cần một người đàn bà đã nữa đời chỉ làm nội trợ! Thật chả ra gì!
Lại nữa, Bái Bái đã 15 tuổi, không lẽ lại sinh thêm đứa thứ hai? Nếu lại gái nữa thì sao? Vả lại, làm sao dám mở miệng bàn với Cẩm Xương?
Một người nội trợ bình thường, chẳng phải lo củi, lửa, cơm, gạo, có thể sống dễ chịu, thích hợp; nhưng người ta lại không buông tha mình, cứ lôi ra phân biệt cao thấp, kể ra ai cũng có phần mình, đâu có mất mát gì.
Đang lúc tôi nghĩ vớ vẩn thì chuông điện thoại reo.
Tôi vội nhấc máy.
– Uất Văn hả? Tôi Thính Đồng đây.
Tôi liền nói:
– Đợi một chút, để tôi ra phòng khách nói chuyện mới được!
Cẩm Xương phải dậy sớm đi làm, anh chúa ghét trò chuyện điện thoại nửa đêm. Dặn dò Thính Đồng xong, tôi gác máy, ra khỏi phòng.
Nghe giọng Thính Đồng, có vẻ cô ta đang vội vàng, thậm chí như đang cau có.
– Tôi vừa đi làm về, thay đồ ngủ xong thì gọi điện cho chị!
– Sao không ngủ đi?
Thính Đồng có sức khỏe thật hơn người, ở phòng ban làm việc, mỗi năm doanh số hàng triệu đồng, công nhân có trên ngàn người, lại còn giao dịch làm ăn bên ngoài khác, lại không ngơi không nghỉ, lo đủ mọi chuyện của một người đàn bà sắt!
– Ngủ không được! Uất Văn, tôi giống đứa bé lắm sao?
Một người đàn bà gần 40 sao lại nói giống đứa bé? Chẳng biết Thính Đồng lại giở trò gì đây!
– Hồi trưa này gặp nhau, chị có thấy tôi khác lạ gì không?
Lại nhắc chuyện ấy. Khác biệt là cái gương mặt khó hiểu, lạnh lùng thôi!
– Tôi muốn ăn trưa để kể cho chị nghe một chuyện, nhưng chị đến trễ quá làm tôi mất hứng!
Lại nhắc lỗi của tôi!
– Uất Văn, sao chị không nói?
Tôi chẳng có cơ hội để nói, cô ta cứ luôn miệng.
– Tôi nghe đây mà.
Từ bé, tôi đã là kẻ khéo nghe.
Thính Đồng mỗi lần có chuyện vui, buồn đều trút vào tôi. Thực ra, tôi không hề nêu ý kiến gì, Thính Đồng không để ý đến. Cô ta chỉ muốn tôi nghe, nghe rồi vui với cô, buồn với cô. Như thể tôi là một lực lượng vô hình nhưng hữu dụng vậy. Lắm khi, cô nêu vấn đề khó khăn cho tôi suy nghĩ đã đời rồi cô ta mới nói lên cách giải quyết.
Trước giờ, tôi chỉ là quân cờ thuộc hàng sĩ, tốt cạnh cô ta.
Hẳn nhiên, có tướng lĩnh tất phải có sĩ, tốt thì thế binh mới đầy đủ được. Hoa mẫu đơn nếu không có lá thì đâu thành chỉnh thể?
Do đó tôi nghĩ, tôi cũng có chỗ dùng cho Thính Đồng.
– Sao chị không nói từ đầu kìa? – Thính Đồng hỏi.
Bụng tôi vẫn còn âm ỉ đau, lòng tôi không thư thả, không biết phải nói gì với Thính Đồng; vả lại tôi không muốn cắt ngang sự cao hứng của cô ta, cứ để cô nàng quyết định.
– Uất Văn, chị có nghe nói đến một người tên Thi Gia Ký không?
Thi Gia Ký.
– Tên nghe như quen quen. – Tôi đáp.
– Uất Văn, chị thật! – Thính Đồng có vẻ không vui. - Chị đừng có hiểu biết nông cạn được không? Hèn chi Cẩm Xương đi đâu cũng không muốn đưa chị theo!
Tôi tệ hại thế sao?
– Dù sao tôi cũng là sinh viên đại học mà! – Tôi yếu ớt bào chữa.
– Trời đất! – Thính Đồng kêu lên.- Đại học thì đại học chứ, học xong 4 năm thì ngưng tiếp thu tri thức, cứ ngồi yên một chỗ thì nó đã thành quá khứ rồi! Chả trách con gái chị than với tôi, nói dì nó hơn mẹ cả ngàn dặm, thật là quê quá!
Bái Bái cũng quá đỗi, cũng may nó nói với Thính Đồng thân thiết, nếu không tôi thật mất mặt thể nào!
– Đến Thi Gia Ký chị cũng chẳng biết thì còn nói năng gì? – Thính Đồng thở dài.
Tôi rán sức moi trí nhớ cũng chẳng biết Gia Ký là ai.
Đột nhiên nhìn thấy ti vi, tôi chợt sáng lên, hỏi:
– Có phải nghị viện không?
– Nghị viện cái gì? Ngày nay nghị viện đầy ra đấy, cái quan trọng là phải có một nữ nhân vật nổi bật để kết hợp đi tiệc tùng, vũ hội kia.
Tại sao việc gì cũng phải có người danh giá cho phiền phức! Muốn trò chuyện đối đáp với họ hẳn phải hợp với phong cách của họ chứ. Nghĩ lại tôi thật ngốc, cứ rước lấy chuyện của người và thành ra một thiện nam tín nữ mất. Cứ bỏ công chắc cũng học hỏi được ít nhiều để còn mở miệng!
– Thi Gia Ký là nghị viện của hai Cục hành chính, lập pháp đấy!
– Đúng là nhân vật số một! – Tôi định nói vậy để xem có vui lòng Thính Đồng? Chỉ nghe tiếng cô ta cười lảnh lót qua điện thoại.
– Thi Gia Ký có dính dáng gì đến cô? – Tôi được khuyến khích nên mạnh dạn hỏi.
– Tôi ... đã đi với anh ấy!
– A! – Tôi ngạc nhiên kêu lên.
Trong tức thời tôi chẳng biết nói gì. Cả trăm ngàn vấn đề thoắt hiện ra trong đầu, tôi không biết phải suy nghĩ thế nào cho đúng.
Sự việc xảy ra đột ngột, tôi mơ hồ vơ vẩn, nhưng trước tiên tôi hỏi:
– Cô thật lòng chứ?
– Thật! - Lời đáp rất sảng khoái.
– Vậy là tốt! - Điều ấy đương nhiên. Tôi rất thương Thính Đồng, xem cô ấy như em gái, nay nghe vậy thì vui cho nàng.
– Anh ấy đối xử với tôi rất tốt. – Thính Đồng nói tiếp. – Tôi có nằm mơ cũng không ngờ tới. Tôi từng tuổi này mới yêu đương, lúc đầu thì chẳng biết thể nào, bây giờ thì tốt lắm, người đã bình tĩnh lại, tôi đã hiểu được hương vị của tình yêu.
Hương vị của tình yêu đích thực là ngọt ngào. Tôi nhớ đến thời gian đi lại với Cẩm Xương. Lúc ấy, Cẩm Xương hoàn toàn thuận theo tôi. Đàng tự hào nhất là ngày nào anh cũng phải gặp tôi cho được mới yên tâm công tác. Cuộc sống có nhiều khó khăn, nhưng nhìn thấy nụ cười của tôi là anh yên tâm. Cẩm Xương nói tôi có nụ cười đầy ma lực.
– Thính Đồng, cô đi lại với anh ta bao lâu rồi?
– Ba tháng! Không lìa nhau nửa bước! Ba mươi chín tuổi mới yêu đấy. Ôi!
Xuân đến muộn vẫn là xuân. Ngày xuân có ánh nắng đẹp, đó là tiết xuân ấm áp cho hoa tươi hé mở.
Và cả đêm đó tôi lẳng lặng nghe chuyện tình yêu của Thính Đồng.
Hết sức cao hứng, và thao thao bất tuyệt!
Hai tay tôi cứ liên tục thay đổi cầm ống nghe, mệt chết đi được!
– Đợi hôm khác tôi rảnh, hẹn với chị, tôi sẽ kể rõ cho chị nghe hết. Bữa nay khuya quá rồi, lại không ngủ, mai đi làm chắc không xong.
Thính Đồng định gióng trống lui binh, đột nhiên tôi lại đâm ra trù trừ, do dự.
Trong căn phòng khách mờ tối, chẳng biết sao tự nhiên tôi thấy mình lẻ loi cô độc quá. Câu chuyện của Thính Đồng khiến tôi bâng khuâng tơ tưởng thời tươi đẹp đã trôi qua. Đã bao nhiêu năm nay tôi và Cẩm Xương chưa hề nắm tay nhau tản bộ sáng chiều, vậy thì nói chi chuyện quấn quýt nhau trong đèn đêm hay quyến luyến dưới ánh trăng lơ lửng. Tất cả đã theo cơn gió bay đi. Thời khắc tôi và Cẩm Xương gần gũi ngày càng ít đi, thậm chí, sau những lúc thở thẩn mất hồn, cả hai như hai người xa lạ sống chung một mái nhà mà thôi. Không ngờ trên đời lại có người đàn ông nói với cô gái:
– Cuộc sống phải có sức sống, có mong cầu. Tất cả chỉ vì em!
Họ là Mạnh Thính Đồng và Thi Gia Ký, không phải là tôi với Cẩm Xương!
Tôi cứ thở dài, muốn trút nỗi buồn với Thính Đồng.
– Thính Đồng! – Tôi muốn nói nhưng lại thôi, lòng mơ hồ, trong phút chốc chẳng biết phải nói thế nào – Cô có thấy tôi là người vô dụng không?
Đầu dây bên kia yên lặng một lúc, đáp:
– Câu nói ấy có ý gì?
– Tôi định nói cô nghe về những điều bất mãn trong đời!
Thính Đồng phá lên cười:
– Chị cho là vậy sao? Đừng có tiêm nhiễm cái đức tính u sầu trong văn thơ mới đấy. Đã làm nội trợ trong gia đình mà còn nói đến bất mãn thì là qua rồi!
Chúng tôi lăn lóc làm lụng bên ngoài, chống chọi biết bao là nguy khốn, đàn bà mà cứ đơn thân tác chiến há không phải là muốn tự sát cho xong một đời sao?
– Thính Đồng, tình hình không phải nghiêm trọng, có điều ...
– Đừng nói nữa, tôi mệt lắm, ngày mai còn phải đi làm, hôm khác sẽ nói tiếp!
Tôi gác máy, ngồi yên lặng một lúc lâu trong bóng đêm.
Tôi hơi lo sợ, nếu ngày nào có sự tình nghiêm trọng xảy ra tôi chẳng biết thế nào, biết dựa vào ai?
Chỉ mong là tôi lo xa quá!
Mỗi ngày bình thường yên ả trôi qua, có chuyện gì lớn lao xảy đến đâu? Còn chuyện lớn có xảy ra chưa chắc đã chiếu đến tôi - một nhân vật nhỏ nhoi tầm thường!
Và rồi một sự cố rắc rối xảy đến. Sáng sớm, mẹ Cẩm Xương gọi điện đến:
– Vậy mà được sao? Nói đi là đi, hại cả nhà thê thảm vậy đấy!
Tôi hốt hoảng, vội hỏi:
– Thưa mẹ, mẹ đừng nóng, có chuyện gì đấy?
– Á Tam bỏ đi rồi. Buổi sáng Cẩm Linh mới la nó mấy câu, trưa nó chẳng lo cơm nước cho nhà mà cuốn hết đồ đạc đi mất.
Chao ôi! Tôi thở ra, chẳng qua là người làm công nghỉ việc.
Nhưng việc ấy, nói lớn không phải lớn, nhỏ cũng không phải nhỏ, tôi đã từng trải qua nỗi khổ đó nên biết. Hai đứa con Cẩm Linh còn bé, đứa lớn chưa đến 4 tuổi, bé gái chưa đầy một năm, việc nhà thì đủ thứ, phải ở trong cảnh mới biết. Một khi không có người phụ giúp thì người đàn bà lãnh đủ!
– Uất Văn, con phải mau mau giúp mới được!
Hiếm khi nghe mẹ chồng xuống nước, nhưng tôi làm sao giúp được? Ở nhà đây đến bốn người, thảy đều do tôi chăm sóc, vậy làm thế nào để lo cho gia đình bên ấy?
Trong nhất thời tôi không biết đối phó thế nào!
– Uất Văn, con có nghe không? Mau gọi điện cầu cứu em gái con đi.
Tôi ngạc nhiên.
– Uất Chân?
– Không phải sao? Uất Chân là quan chức trong Cục di dân, đương nhiên là cô ta quản lý việc tuyển mộ phụ nữ làm thuê nước ngoài. Mẹ biết Á Tam trước sau gì cũng không bền, cứ hai ba ngày là có chuyện, cho nên đã có tìm một người khác, đến nay gần ba tháng rồi vẫn chưa có tin; bây giờ xảy ra chuyện, con xem Uất Chân có tìm gấp ột người đến Hương Cảng này không!
– Được, được, để con đi hỏi nó xem.
Người thân gặp nạn thật khó chối từ.
– Mẹ nghe nói việc tuyển người làm, chỉ cần Cục di dân đồng ý, báo với lãnh sự Anh quốc ở Philippin là họ làm giấy đến Hương Cảng ngay. – Và bà lại dặn dò - Uất Văn, con nhớ nói với Uất Chân là Cẩm Linh nó thay Cẩm Xương chăm sóc mẹ để cho vợ chồng con khỏi nhọc công, phiền phức.
Muốn nhờ người lại nói điều thật khó nghe, đấy cũng là thói thường của bà.
Lòng đang phiền muộn lại gặp chuyện khó xử khiến tôi chẳng nói gì được.
Sau này, Bái Bái có thành gia thành thất thì tôi cũng chẳng nên ở quanh quẩn bên nó làm gì, tránh cho nó phải khó xử, trái lại mình phải theo chồng ở yên đến cuối đời thôi!
Thôi thì tương lai cứ để đó, chuyện trước mắt phải lo liệu, đấy cũng là làm công đức vậy!
Tôi gọi điện đến Uất Chân. Người bí thư nói nó bận đi họp.
– Tôi là chị của cô ấy, nhà có việc gấp, nhờ cô báo lại, nói cô ấy gọi điện cho tôi ngay nhé.
Chẳng biết hội nghị gì mà nhiều quá.
Chờ đến nửa ngày. Thời gian ấy, mẹ chồng và Cẩm Linh gọi đến tôi hai lần.
Cẩm Xương biết chuyện cũng gọi điện bảo tôi:
Gọi điện Uất Chân không được, đích thân em đến phòng làm việc ở Cục di dân đi.
Tôi ít có dịp được các thành viên trong gia đình xem trọng nên lòng cũng có chút tự hào dễ chịu.
Chờ tới 4 giờ, Uất Chân mới gọi điện cho tôi.Vừa nghe tiếng tôi nó liền chất vấn:
– Chị cả, nhà có chuyện gì mà gấp dữ vậy?
– Người làm của Cẩm Linh đã bỏ đi ...
Uất Chân gào lên:
– Cái gì?
Tôi kể rõ hết sự việc, đầu dây bên kia yên lặng. Tôi hỏi:
– Uất Chân, em còn đó không?
– Ôi bà chị, đừng có coi mình là quan lớn được không? Tôi suốt ngày hội họp xử lý vấn đề quốc tịch Anh quốc, chẳng lúc nào ngơi, vậy mà phải bỏ ngang công việc điện cho chị, thì ra chỉ là việc cỏn con bên gia đình chồng chị.
Xin chị làm ơn hiểu dùm cho! Tôi được như ngày nay là vì làm việc ngay thẳng, chẳng chiếu cố riêng ai, ở đây đã cho nghĩ hết mấy ông quan liêu làm việc ì ạch không xong rồi. Người ta không thể phá lệ của tôi, tôi cũng chẳng vì ai mà bán tháo mình đi!
Nói xong nó liền gác máy.
Tôi chẳng biết mình sai lầm chổ nào.
Mọi người có việc đều gọi điện đến phòng làm việc để thảo luận, đấy cũng là sự thường. Còn như bảo là trở ngại công việc thì phải tức giận vậy sao? Một người làm nên sự nghiệp lớn thì không thể gần gũi được nữa à?
Lòng buồn rười rượi, tôi tìm cách an ủi mình, nghĩ mình ở địa vị Uất Chân chắc cũng khó xử. Bôn ba làm việc bên ngoài tất nhiều hung hiểm, biết đâu chừng, trong công việc Uất Chân gặp chuyện bực mình nên trút hết vào bà chị.
Vả lại, làm viên chức tốt là phải hết sức thận trọng không thể tùy tiện lạm dụng chức quyền, và Uất Chân đã phải giải thích cho tôi biết điều ấy!
Làm người phải nghĩ đến kẻ khác, phải nghĩ đến chỗ khó khăn của họ.
Nhưng liệu Uất Chân có nghĩ đến tôi?
Chưa phân biệt phải trái thế nào thì Cẩm Xương về đến.
Ngay từ cửa anh đã hỏi:
– Chuyện đó xong chưa?
Tôi chẳng biết đáp thế nào. Vẻ mặt anh thật khó coi, nói:
– Sao em không nhờ mẹ?
Câu nói thật khó chịu, vợ chồng là trên hết, sao lại phân biệt đây đó? Vả chăng, chuyện của thân mẫu anh ta, chỉ cần anh nói một câu là mọi chuyện trở nên dễ dàng ngay? Tại sao cứ phải trút cả lên tôi? Tôi bực mình nhưng không dám biểu lộ, muốn nói:
Người trong nhà sao lo được việc bên ngoài! Nhưng lại thôi.
Kinh nghiệm cho biết tôi nên chịu đựng, giờ chỉ còn cách trì hoãn là tốt nhất:
– Đợi vài hôm chắc sẽ có tin tức.
Trong mấy ngày chờ đợi đó, nhiều lần tôi muốn mở miệng nhờ mẹ nói với Uất Chân, nhưng không sao buột miệng nói với mẹ được. Ấy cũng chỉ vì mẹ tôi chưa hề làm trái ý Uất Chân, lời Uất Chân như thánh chỉ, còn lời tôi nói chỉ như gió bay qua thôi.
Chắc tại tôi hẹp hòi quá. Mấy mươi năm kinh nghiệm và quan sát nên thấy như vậy.
Và tôi quyết không đố kỵ với Uất Chân, người giống nhau nhưng mệnh vận khác nhau, tôi chấp nhận số phận của tôi.
Mỗi ngày mỗi ngày trôi qua, thoát đã ba ngày vẫn chẳng có tin gì, hôm qua mẹ chồng lại nhắc chuyện người làm, tình hình ra chiều gấp gáp lắm.
Tôi quyết không để Cẩm Xương gây thêm áp lực nên đích thân đi đến Cục di dân.
Tại phòng chờ đợi, người sắp hàng dài đến khiếp. Chờ đã đời, đến lượt tôi lên tiếng thì người phụ trách công việc nói:
– Bà không tìm người làm cho bà thì sao chúng tôi đáp ứng được?
Chỉ nghe được câu ấy thôi thì tôi đã bị đẩy ra ngoài cổng.
Ở Cục di dân, người đi lại tấp nập. Tôi loay hoay chưa biết phải làm gì, chỉ muốn khóc mà không có nước mắt. Đột nhiên có tiếng người gọi tôi:
– Bà Vương phải không?
Tôi quay lại nhìn, thấy một người đàn ông quen quen nên mỉm cười.
Người đàn ông ấy là ai nhỉ?
Tôi là Chu Ngọc Thành, Đoàn Uất Chân là cấp trên của tôi. Cô có đưa bà cụ đến đây đón em cô, tôi có gặp qua một lần rồi!
– Quên mất! Tật tôi cứ vậy, hay quên người quên tên nên nhiều khi gặp chuyện ngờ ngợ cứ lúng ta lúng túng.
Chu Ngọc Thành lịch sự bắt tay tôi:
– Cô không phải đến đây tìm cô Đoàn sao?
Phòng làm việc của cô ấy không ở đây.
Tôi lặng im.
– Tôi có thể giúp được gì cho cô không?
Câu nói thật đơn giản, song nó như chiếc bè giữa biển khơi, tôi liền bám lấy:
– Tôi đến đây muốn hỏi thăm về việc tìm người giúp việc. Người làm nhà mẹ chồng tôi đã bỏ đi, nay cần người quá nên đến ...
Chu Ngọc Thành không đợi tôi nói hết câu đã lên tiếng hỏi:
– Có tên tuổi người thuê người làm đó không?
Tôi gật đầu, đưa ra những giấy tờ cần thiết.
– Xin đợi một chút.
Tôi ngồi lại. Sự thành khẩn của Ngọc Thành khiến tôi yên tâm phần nào.
Đang trong tuyệt vọng bỗng được người ra tay cứu giúp thì thật dễ chịu.
Đợi một lúc, Chu Ngọc Thành trở ra, vẻ mặt tươi cười:
– Đã gửi điện báo của cô đến lãnh sự quán Anh quốc ở Manila rồi, cô chỉ cần liên hệ phòng giới thiệu làm thủ tục để biết thời hạn, sẽ rất mau chóng thôi!
Lòng tôi vui lên điên cuồng, chẳng biết phải cảm tạ thế nào, chỉ hỏi:
– Ông Chu, đã làm phiền ông!
– Cô đừng khách sáo quá!
Ông ta tiễn tôi ra khỏi Cục di dân.
Tôi chợt nghĩ, nếu Uất Chân biết được ắt sẽ quở trách.
Tôi bối rối nói với ông:
– Uất Chân ... không biết tôi tới đây hỏi thăm.
– Cô ấy rất bận, hiện vấn đề đã giải quyết xong, không phải làm nhọc đến cô ấy, vậy không hay lắm sao?
Trên đời lại có người chu đáo đến thế.
Cảnh sắc đã đổi thay, tôi vất qua bên những lo toan hồi hộp.
Chu Ngọc Thành là viên chức, Uất Chân cũng là viên chức. Người trước chức quan bé nhỏ, kẻ sau là quan cao-lại là em gái của tôi. Thế nhưng ra tay giúp đỡ lại là người ngoài.
Không ngờ vấn đề đã được giải quyết, tránh cho tôi bị lên án là tốt rồi.
Tôi thầm ghi nhớ người họ Chu kia, hy vọng sẽ có ngày báo đáp ông ta.
Nghĩ lại, tôi thật sự không nắm lấy những hiểu biết cần thiết để đi thẳng vào công việc bên ngoài mà chỉ âm thầm trăn trở, giày vò mình đến hai đêm mất ngủ thì làm sao xong việc được.
Ba hôm sau, phòng giới thiệu việc làm gởi giấy giới thiệu đến Cẩm Linh, người làm công sẽ cầm giấy tờ nhận việc tới.
Trong khoảng thời gian ấy, Cẩm Xương đối với mẹ vợ rất vui vẻ, hòa thuận.
Mẹ tôi càng có vẻ uy phong, không ngừng ca ngợi Uất Chân quan cao quyền lớn, sẵn sàng giúp đỡ cho người thân. Sau sự việc đó, bà trở thành ân nhân cứu giá của bà sui và cảm thấy rất hãnh diện.
Trái lại, chẳng ai cảm tạ tôi, họ không biết tôi đã làm gì.
Tôi không thể nói là không buồn. Thế nhưng, điều đó sẽ thế nào đây; Cách giải buồn duy nhất là buổi chiều, chồng đi làm, con đi học, tôi ngồi trong phòng khách uống trà, xem Tivi , vừa hờ hững lật qua những tờ báo, tinh thần uể oải.