Nhưng chết tiệt, tôi quá tự tin rằng có thể nhớ tất cả những thứ thú vị định trình bày nên đã không tập dượt trước (tôi không muốn photo bản thân ngay cả khi thuyết trình). Thành thử về sau ngẫm lại, phát hiện đã nói thiếu mấy trải nghiệm giàu ý nghĩa về cuộc sống. Ví dụ hồi nhỏ tôi hay tưởng là mình gặp ma, tại sao cặp sách của mình lại bị cô bạn mà mình có tình cảm ở lớp bên quăng xuống lầu, giờ học âm nhạc cả lớp bị phạt quỳ, cúp kickboxing Cửu Đao là làm gì, hồi nhỏ hay ra bờ sông xem cá bơi ngược dòng ngộ ra triết lý những người vĩ đại phải giống như vậy v.v... lần sau cứ phải xăm hẳn lên tay.
Sau thuyết trình, ban tổ chức còn thân thiết bố trí hoạt động ký tặng sách, mặc dù người xếp hàng rất đông, nhưng tuân thủ nguyên tắc kể chuyện càng về cuối càng hăng say, tôi nổi hứng vừa ký vừa vẽ tranh, càng vẽ càng chậm, không mảy may e ngại những khuôn mặt càng về sau càng méo mó, hết sức trơ trẽn. Trong biển người ký sách, có một độc giả khiến tôi rất cảm động, dáng nhỏ nhắn, sinh viên đại học Trung Sơn, rất cố gắng diễn đạt nhưng hơi lắp bắp. Nhất định phải gắng hết sức trong cuộc sống nhé! (siết nắm tay) Chúng ta chắc chắn sẽ có cơ hội chấn động trong đời. Cùng thốt ra lời thoại kinh điển của truyện tranh20th Century Boys!
Cũng cảm ơn mọi người cho tôi cơ hội luyện vẽ tranh. Mặc dù những người chờ sau chắc chắn đã đợi lâu đến muốn ném sách vào tôi, nhưng kiên nhẫn là một việc tốt. Nếu sợ đau thì làm sao dám sinh con (logic thì thế này!). Là người từng mơ ước làm họa sĩ truyện tranh, tôi cũng chỉ có những dịp thế này để vẽ vời được tí xíu, ma cà rồng, thợ săn mạng sống, hoặc những nhân vật giấu mặt mà tôi chưa kịp phân loại.
Còn nữa, xin cảm ơn hội sinh viên khoa Ngữ văn đại học Nam Hoa đã sắp xếp mọi việc chu đáo, bản thân họ không có thời gian ăn trưa, nhịn đói để chuẩn bị hội trường, vậy mà vẫn mua giúp cơm trưa cho tôi và người đại diện; đề phòng tôi buồn chán, còn sắp xếp cho hai cô gái xinh đẹp hầu chuyện tôi trước giờ khai mạc, khi ký sách lại lật sách giùm tôi; chà, còn có các cô gái mặc xường sám rất có khí chất, thật là một hội sinh viên khoa toàn mỹ nữ, (cảm thán) tôi biết nói gì đây! Tuổi trẻ thật tuyệt vời!
Cuối cùng, cùng mọi người ăn một bữa tối ngon miệng lạ thường ở nhà ăn sinh viên, mục sở thị nhiều chỗ trong trường rất thích hợp để giết người ban đêm, và khung cảnh chợ đêm mới xuất hiện trong trường đại học, còn được thấy cây xúc xích trông tựa cốc kem...
Cuối bài, xin chia sẻ với mọi người một tin vui.
Do kết quả xét nghiệm máu mấy lần liên tục đều khả quan, bác sĩ bảo việc hóa trị cho mẹ tôi kết thúc ở đây, sau này chỉ cần theo dõi sát sao là được. Chà! Quả là rất tuyệt! Hiện tại là ngày thứ mười lăm trong đợt hóa trị thứ tư của mẹ, tôi đoán chừng tuần sau sẽ được ra viện. Còn mẹ đến giờ vẫn không bị sốt, ngày nào cũng chuyện trò rôm rả với y tá. Chị y tá Phẩm Khiết còn mang album và đĩa clip đính hôn của mình cho mẹ xem, tiết lộ với mẹ ở phòng hộ lý có hai y tá chưa chồng vẫn đang để không...
05/5/2005
SỰ KIỆN 1
Vẫn lo lắng vấn đề đi nghĩa vụ quân sự.
10/5 là thời hạn xin làm nghĩa vụ thay thế đợt duy nhất của năm. Sắp hết hạn rồi. Tôi đến phòng nghĩa vụ quân sự của chính quyền thành phố để hỏi tiến độ kiểm tra lại sức khỏe. Phòng trả lời ngày 30/3 tôi mới kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện cựu chiến binh Vinh Dân xong, quy trình tiếp theo phải mất một tháng rưỡi, vì thế không kịp biết kết quả trước 10/5.
“Vậy tôi có thể xin nghĩa vụ thay thế trước không?” Tôi hỏi.
“Không được, anh đã xin kiểm tra lại rồi, phải chờ kết quả kiểm tra.” Người phụ trách trả lời.
Vì thế nên, sau tháng Bảy năm nay, tôi có thể trở thành anh lính bất cứ lúc nào, nhưng mà cũng có thể tận dụng dịp này để thử xem tốc độ sáng tác của tôi sẽ bùng nổ dưới áp bức thế nào. Cứ cảm thấy dù có đi lính thì ba bốn tháng xong một cuốn truyện vẫn dễ như trở bàn tay.
SỰ KIỆN 2
Gần đây tinh thần mẹ rất tốt, hằng ngày đều giữ được tâm trạng vui vẻ, ngày nào cũng xem phim truyền hình, xem tạp chí Next Magazine.
Tóc đã mọc ra rồi, rất xoăn, xoăn ở cấp độ người da đen. Chúng tôi luôn nhấn mạnh cho mẹ biết tóc của mẹ đang dài ra liên tục, nhưng mẹ vẫn nửa tin nửa ngờ, cho rằng chúng tôi chỉ đùa cho mẹ vui, cho đến hôm bác sĩ điều trị phát biểu ý kiến về tóc của mẹ, mẹ mới dương dương đắc ý.
“Kỳ lạ thật, xưa nay chỉ thấy bệnh nhân hóa trị rụng tóc, chưa thấy ai lại mọc thêm tóc cả.”
Bác sĩ điều trị tấm tắc.
Tóc mới của mẹ rất dễ thương, đen nhánh, hy vọng nó ám chỉ mẹ sẽ bình phục hoàn toàn.
SỰ KIỆN 3
Có một thím quét dọn rất tốt, nhưng lại kể cho mẹ và anh cả mấy mẩu chuyện kỳ quặc về bệnh nhân ung thư.
Trường hợp 1. Một nữ bệnh nhân đính hôn không lâu thì nhập viện, bạn trai bỏ việc, tập trung chăm sóc cô gái, nhìn khá cảm động. Nhưng thím này vẫn thắc mắc sao không thấy mẹ của bệnh nhân đến chăm con gái, để cho chàng thanh niên vốn đầy triển vọng phải bỏ việc để chăm sóc cô?
Trường hợp 2. Có một bệnh nhân nam, sau khi đính hôn thì phát bệnh. Từ khi nhập viện, cô bạn gái không đến thăm lần nào, bệnh nhân rất đau khổ, sau vài lần hóa trị đã ra đi. Thím này dĩ nhiên rất phẫn nộ với kết cục như vậy.
Trường hợp 3. Có một cô gái mắc bệnh ung thư, anh bạn trai ngoại quốc chăm sóc quên ăn quên ngủ. Đến lúc anh bạn trai có việc phải về nước một chuyến. Ai ngờ từ biệt cô gái xong, hôm sau cô gái đã ra đi. Ôi, trường hợp này buồn nhất.
Tuy nhiên thím này kể ba trường hợp và liên tục nhấn mạnh có nhiều bệnh nhân cứ tưởng đã bình phục, nhưng lại đột ngột lăn ra chết, ảnh hưởng rất tiêu cực đến niềm tin điều trị của bệnh nhân. Anh cả nghe mà gan ruột rối bời, chỉ biết cầu nguyện để thím đừng kể tiếp trường hợp 4. A Di Đà Phật, bà thím gở mồm.
Sau đó tôi nhớ đến một tin tức xã hội gần đây khiến mọi người hết sức cảm thán.
Có một cô gái, qua giới thiệu gặp mặt rồi kết hôn, cưới nhau chưa lâu thì bị ung thư, chồng cho rằng cô đã biết mình bị ung thư nhưng vẫn làm đám cưới chỉ để đẩy trách nhiệm chăm sóc cho chồng. Anh chồng giận lên bèn thuê một căn hộ cho vợ tự chăm sóc. Trong bản tin, ống kính cho thấy người vợ co ro tấm thân gầy yếu, đầu trọc lóc, rất giống mẹ khi vừa biết mình mắc bệnh, một thân một mình sống trong căn hộ hầu như không có đồ đạc gì, đắp một tấm chăn mỏng manh, khiến người xem không nỡ nhìn, rất xót xa.
Thực ra người bệnh này hết sức đáng thương. Một thân một mình chịu đựng, về mặt tinh thần không được một chút an ủi nào, rất dễ buông xuôi. Một khi tâm lý đã buông xuôi thì sức khỏe suy sụp chỉ còn là chuyện sớm chiều.
Nhưng tôi ít nhiều cũng hiểu thái độ cáu giận đùn đẩy trách nhiệm của người chồng. Giới thiệu gặp gỡ rồi lấy nhau thường chưa kịp xây dựng tình cảm cách mạng với đối tượng, mà đã phải đối mặt với trách nhiệm chăm sóc nặng nề và áp lực về tâm lý. Ngoài nghĩa vụ chăm sóc xét từ mặt đạo đức, tôi cũng không cảm thấy lý do đương nhiên và chắc chắn nào khác.
Có điều anh chồng bị chửi mắng cũng xứng đáng, đời này làm gì có cái gì hai đầu đều là chuôi mà nắm.
SỰ KIỆN 4
Hiện tại là 3 giờ sáng, chuẩn bị đi ngủ.
Gần đây Lốc xoáy Đài Loan càng ngày càng buồn cười. Người đàn bà điên Diệp Mỹ Kỳ đã chết, nhưng lại tòi ra một cô em gái điên giống y chang (dù sao tài khoản ngân hàng của diễn viên chỉ là một), AIDS phổ biến như cúm theo mùa, lây qua lây lại. Mọi người thình lình lo lắng, đột nhiên cáu giận, bất chợt hân hoan vui sướng. Cuối cùng Trịnh Văn Hoa công bố kết quả thi. Viên Trí Long, Hoàng Bình Thu và một chị sồn sồn tôi không nhớ ra tên đã trúng thầu. Nói thế là, người lây bệnh AIDS cho Hoàng Bình Thu là Hắc Chi chắc cũng bị AIDS còn gì? Hắc Chi tại sao mắc AIDS? Chẳng lẽ bị Viên Trí Long xơi rồi? Không có gì phức tạp, chỉ quá nực cười.
Kênh truyền hình công cộng rốt cuộc đã hiểu ra vấn đề, sáng mai bảy giờ sẽ phát sóng trận thứ hai của Vương Kiến Dân ở giải MLB[1], đội Yankees đấu với Tampa Bay Devil Rays. Vương Kiến Dân (trông rất giống nghệ sĩ Hầu Xương Minh) sẽ ném chính. Hy vọng có thể ném thần sầu. Bởi vì tôi đang định sáng ra cố bò dậy xem mà!
[1] Giải bóng chày hàng đầu thế giới.
07/5/2005
Mẹ đã ra viện.
Bạch cầu lên 2400/mm3máu, tiểu cầu 60000, hồng cầu 8,4. Ý nghĩa của ba con số cộng lại chính là mẹ mừng đến hoa tay múa chân, và tự truyền đồng hành cùng mẹ này cũng đến hồi kết.
Mấy hôm nay không khí ra viện ngày càng nóng sốt, mẹ luôn miệng cảm ơn các y tá, các y tá cũng liên tục động viên mẹ, cứ bảo chắc chắn sắp được ra viện rồi, chỉ không biết có kịp trước Ngày của mẹ hay không thôi. Mẹ đã lưu lại số di động của chị Kim Ngọc. Anh cả bàn với tôi xem tặng gì cho các y tá để cảm ơn.
Chà, chuyện tặng quà cảm ơn không phải là việc của người thế kỷ trước mới làm ư? Không phải thế giới đã đến chặng đường mới, lòng chân thành cao hôn tất cả hay sao?
“Mỗi người tặng một cuốn Mẹ, thơm một cái.” Tôi ỉu xìu.
“Tặng cái khác được không?” Anh cả thẳng thắn.
Thế là không có kết luận, chúng tôi chỉ vui vẻ gói ghém đồ đạc, và hăm hở chờ đợi thông báo của bệnh viện, và cũng chờ nhận một tờ hóa đơn thanh toán cuối cùng.
Anh cả xuống tầng một lấy thuốc. Mẹ như một đứa trẻ mong mãi sắp được đi chơi xa, không nén nổi vui mừng đi đi lại lại trong phòng, sắp xếp đồ đạc. Tôi ở trạng thái hoàn toàn thoải mái, ngồi trước bàn nhỏ, chơi game máy tính. Đến khi mọi người sắp xếp xong xuôi, tôi vẫn kêu chờ tôi chơi xong ván game hẵng đi cũng kịp. Đủ thấy tôi buông thả và vô cảm thế nào.
Lần trước bác sĩ nói rồi, mẹ sẽ làm hóa trị hết lần này, về sau chỉ cần chú ý giữ gìn sức khỏe, định kỳ quay lại khám và kiểm tra để đảm bảo chắc chắn tình hình bình phục là được. Thế nên tôi nhìn lại căn phòng đơn một lần cuối với hy vọng sẽ không phải quay lại lần nào nữa. Chà! Tạm biệt nhé, hy vọng người bệnh tiếp theo vào đây cũng giống chúng tôi, cười nói ra về.
Ba lái xe, chúng tôi gom hành lý và quan trọng nhất là mẹ - tất cả chở về nhà mới. Tôi bắt đầu lau nhà, anh cả chuẩn bị bữa tối, mọi thứ đều phải khởi đầu đẹp đẽ, mọi người xây dựng lại một gia đình. Những mục tiêu cuộc đời mới, cách ứng xử mới, với các thành viên cũ.
Ngày mai là Ngày của mẹ rồi, thật là kịch tính biết bao.
Thời gian qua, mọi người đều có mất và có được.
Tôi thức đêm liên tục, biến mình thành ma cà rồng, ngày nào cũng phải xem album mỹ nữ trên mạng để đè nén khát khao hút máu. Anh cả từ bỏ con đường nghiên cứu học thuật trở thành học giả nổi tiếng, chuẩn bị bước vào viện Nghiên cứu công nghiệp sống cuộc sống ổn định. Thằng út vì không có thời gian làm thực nghiệm, nên vụ thạc sĩ bị kéo dài nửa năm.
Ba lo việc tiệm thuốc một mình, cô đơn và bất đắc dĩ.
Bà nội lo cơm nước ngày ba bữa cho ba và thức ăn cho Puma, giặt giũ rửa bát, thực tình không giống người được an hưởng tuổi già.
Puma thì lão hóa trầm trọng, không còn dâm ô chân tôi lần nào, ánh mắt thường xuyên toát lên vẻ bối rối “tôi đã trên bảo dưới không nghe rồi.”
May mắn thay mẹ được bình an, tóc mới mọc xoăn quá trời. Đó mới là kết quả quan trọng nhất.
Khà, hoàn toàn khác với sáng tác tiểu thuyết nhé. Tự truyện đồng hành cùng mẹ này không có những cao trào liên tiếp theo sở trường của tôi, không có một cú xuống tay vào thời khắc quyết định cuối cùng. Ngược lại, càng viết lòng càng mở rộng, càng lung tung, càng giống chọc cười, hoặc giống những ghi chép vụn vặt, rời rạc. Tôi nghĩ đây là những phản ứng tâm trạng rất chân thực.
Thời gian qua hết sức cảm ơn rất nhiều bạn bè trên mạng đã động viên và chúc phúc. Tôi đồng hành với mẹ, họ đồng hành với tôi. Những lúc nửa đêm kiệt sức, tôi dựa vào ghi chép để xoa dịu tâm trạng bất an, mọi người trên mạng lại xúm lại, dang rộng đôi cánh, giúp linh hồn hoảng loạn của tôi được sưởi ấm, nói với tôi mọi thứ đều sẽ tốt đẹp, sẽ trôi qua.
Trong phim Nhật Bản Pride, có một câu kinh điển: “Halu rất mạnh mẽ, bởi anh ta biết thế nào là mềm yếu.”
Từ nhỏ tôi là người mềm yếu, và cũng yếu đuối đồng hành cùng mẹ trong thời gian mẹ chữa bệnh. Song suốt quá trình mềm yếu đó, tôi không cách nào giơ tay đầu hàng. Tôi bắt buộc phải không ngừng suy nghĩ về ý nghĩa của sự sống và lý do phải mạnh mẽ. Thực ra tôi không ngại tiếp tục mềm yếu, dễ khóc, dễ dao động, dễ giận dỗi, dễ đau buồn đến hết đời. Mỗi người đều có cách tồn tại của riêng mình, sáu tỉ con người có sáu tỉ kiểu tồn tại.
Nhưng khi cần phải mạnh mẽ, tôi rất mong có thể giống nhân vật trong sách của mình, cứng cỏi lên rất nhanh, ra sức bảo vệ tất cả những gì mình yêu quý.
“Có những việc, một vạn năm cũng không thay đổi.” Kem Đánh Răng Tây Đen[1] giương tơ hồng nhe răng.
[1] Những cái tên được nhắc tới trong đoạn này đều là các nhân vật trong truyện của Cửu Bả Đao.
“Năng lực của tôi là bảo vệ trái đất.” Quật Khởi tinh thần hăng hái.
“Có một thứ gọi là công lý. Công lý cần võ nghệ cao cường!” Uyên Tử Hổ rưng rưng nước mắt.
“Khói lửa. Tôi nghe thấy khói lửa.” Tư Huỳnh cưỡi lên sói hoang.
“Xin em, hãy luôn bên tôi.” A Khắc giơ cao chày bóng.
“Tôi sợ lắm... nhưng chưa sợ đến mức cuống cuồng tháo chạy.” Ô La La nghiến răng.
“Công phu chịu đòn này, nào phải bọn hòa thượng ăn trên ngồi trốc các người hiểu được?” Thất Tố loạng choạng bò dậy.
“Thỏ kia, mau vào đây!” Xích Xuyên bước vào thang máy.
“Nói đi, anh muốn trốn!” Hải Môn hét lên trong nước mắt.
“Bạn đã cho tôi thấy những điều phi thường.” Giác kiên định.
“Cư Nhi, mày cao y như quyền vương.” Nghĩa Trí mỉm cười hạnh phúc.
“Rút lên, phải một triệu!” Đại ca Cáp Bổng nói lạnh lùng.
Chính vì yếu, cho nên mạnh. Là một người bình thường, tôi vẫn luôn tin rằng mình có thể đạt được phong thái phóng khoáng như một quyền của Cư Nhi. Khắc phục mọi thứ, bởi vì tôi có đầy đủ lý do.
Đúng vậy, khắc phục tất cả.
Những ngày tháng về sau của gia đình tôi, kể cả khi mẹ bình phục hoàn toàn thì vẫn vướng víu nhiều nhân tố không xác định.
Đi lại thế nào giữa nhà mới nhà cũ? Công việc kinh doanh tiệm thuốc có bắt buộc phải khởi sắc lên không? Sức khỏe của ba có ổn không? Sức khỏe bà nội có ổn không? Anh cả sau này sẽ ở Tân Trúc, hay Đài Trung, hay Chương Hóa? Tương lai tôi sẽ ở Đài Bắc hay Đài Trung? Thằng út đi dạy học sẽ lưu lạc về huyện thị nào?
Biết bao giờ Puma mới được về ngủ cùng tôi ở nhà mới (sợ ảnh hưởng sức khỏe mẹ, sang nhà mới Puma chỉ được ngủ dưới sàn phòng tôi, không được lên giường, cho nên Puma hẳn sẽ luôn oán trách)? Con labrador Kurumi mà anh cả gửi người ta nuôi có thể về nhà mới luôn không?
Sau nữa là Xù, cái cô Xù cứ hợp hợp tan tan.
Mặc dù ban đầu tôi cực lực phản đối, nhưng thời gian này Xù vẫn cố gắng duy trì liên lạc với tôi, gánh vác vai trò là một trong số rất ít người lắng nghe tôi nói, chịu đựng những cơn cáu giận vô lý của tôi, chịu đựng tôi đòi “nhấm nháp cô đơn một mình”. Liệu giữa chúng tôi có tiếp tục hay không, đã không thể căn cứ vào tình cảm đơn thuần nữa, mà đòi hỏi rất nhiều tính toán thực tế.
Do tính chất nghề nghiệp, tôi có thể ở bất cứ nơi nào, nhưng rất muốn định cư tại miền trung quen thuộc, để gần gũi chăm sóc mẹ. Xù lại phụ thuộc công việc giảng dạy, buộc chân ở Bắc Huyện. Mặt khác, tôi cũng thấy mình không có tư cách bắt Xù xa rời mạng lưới bạn bè miền Bắc. Và quan trọng nhất là, Xù cũng là chỗ dựa duy nhất của gia đình. Tôi không thể lấy đi điều gì. Không thể lấy đi, cũng không muốn bị lấy đi, Xù cũng không nỡ lấy đi của tôi điều gì.
Thế nên vẫn thế. Không còn chỉ là tình yêu nữa, mà là cuộc sống. Cuộc sống cần đối mặt.
Không tính việc phải chăm sóc mẹ, tôi vốn là người quyến luyến quê hương. Mặc dù Chương Hóa phát triển chậm chạp, chưa bao giờ có một trung tâm mua sắm ra hồn, không có trung tâm chiếu phim đẳng cấp mà tôi cần, không có váy xếp li đồng phục cấp ba cao trên đầu gối 10cm. Nhưng tôi không thể nào nén nổi tình yêu với mảnh đất giản dị này.
Nếu truyện của tôi cần hấp thụ không khí Ai Cập, sau này tôi có thể đột ngột xuất hiện trước Kim Tự Tháp, dương dương đắc ý.
Nếu cần ôm hôn rừng rậm Amazon tôi có thể nhổ các phích cắm trên người, trở về câu thủy quái ở Gambia.
Nếu muốn dùng điện ảnh để vang danh thiên hạ, giữa tôi với Đài Bắc chen chúc chỉ cách nhau có ba giờ đồng hồ chạy nước rút.
Tôi có một trăm lý do để tới Đài Bắc phồn hoa đô hội nơi bán các giấc mơ, nhưng cũng cũng có một trăm lý do ở lại với thành phố nhỏ Chương Hóa mà tôi quyến luyến không rời.
Có một bài hát cũ tiếng Anh rằng: “Sarah à Sarah, sẽ thế nào thì sẽ như thế, chúng ta không đoán trước được tương lai, Sarah à Sarah...” Nghe theo nó, có lẽ là lựa chọn tốt nhất cho những kẻ lười biếng.
Trong phim Sweet Home Alabama, nữ diễn vên chính rời bỏ làng quê lạc hậu miền Nam, trốn chạy khỏi tuổi thơ khốn khó, cha mẹ, bạn ấu thơ, bạn thân, tới New York phồn hoa, nỗ lực trở thành nhà thiết kế thời trang tiền đồ xán lạn. Nhưng để ly dị người chồng vốn là bạn từ thuở nhỏ, cô về quê và bị cuốn hút sâu sắc bởi tất cả những gì của trước đây, kẹt giữa những kỷ niệm quen thuộc và tương lai tươi đẹp, lưỡng lự khó quyết. Nhân vật nam chính nhìn nữ chính, nói một câu làm tôi cảm động: “Em có thể có gốc rễ, sau đó đồng thời cũng có đôi cánh.”
Có được gốc rễ, sau đó đồng thời có đôi cánh?
Gốc rễ của tôi cắm sâu trong đất đai Chương Hóa, trong đám bạn bè mãi không chịu xa Chương Hóa, trong mỗi thành viên gia đình tôi, con chó của tôi. Đó là thiên tính nghệ thuật của mỗi người sáng tạo. Những tài hoa rực rỡ bên ngoài, cho dù trôi về tứ phương, thì trong huyết quản vẫn là những giấc mơ về quê hương. Trong phim Orange County, dinh dưỡng của nhà văn được trình bày một cách hài hước và tuyệt vời.
Đôi cánh của tôi đâu? Rốt cuộc đâu là đôi cánh của tôi?
Tôi nghĩ không phải là thành phố, không phải bất kỳ thành phố nào. Dù cho, một số thành phố nào đó có sức hấp dẫn và năng lượng đáng kinh ngạc đối với việc tôi lao tới điện ảnh quốc tế. Tôi nghĩ đôi cánh của mình có lẽ là Internet. Thông qua mạng, tôi có được rất nhiều ấm áp và vui vẻ, giữa vô vàn lời chúc tốt đẹp và quan tâm sát sao, sáng tác biến thành những diễn đạt đầy hạnh phúc. Nhưng thành phố có không khí, mà Internet không thể thay thế được. Vì vậy không thể có câu trả lời. Chỉ có thể nói lên một yếu tố căn bản hơn nữa: nỗ lực.
Đúng vậy, chính là điều đó, nỗ lực chính là đôi cánh. Chưa bay lên được thì cố gắng thêm chút nữa, mọc đôi cánh lớn hơn nữa, chờ đợi những trận gió lớn hơn trong tiếng vỗ tay. Bao giờ cũng là như vậy.
Hợp đồng phim chuyển thể từ tiểu thuyết Công phu đã được ký kết chính thức một tuần trước, hy vọng tương lai không xa sẽ được dắt tay mẹ, bước vào rạp chiếu phim đợt một hoành tráng, bước vào niềm kiêu hãnh chung của chúng tôi.
Đèn xung quanh chợt tắt, cái đứa trẻ đã từng cuộn tròn trong bụng mẹ bắt đầu một cuộc đời đỉnh cao rực rỡ.
Mẹ ơi, thơm một cái.
Thơm cái nữa.
Rồi thơm cái nữa.
Có mọi người thật tốt
Sức khỏe là vô giá, mất đi, mới biết nó quan trọng thế nào.
22/11/2004, từ tay của bác sĩ gia đình Trần Vĩnh Chính chuyển khám đến bác sĩ Vương Toàn Chính khoa Huyết học ung bướu bệnh viện Chương Cơ, hàng loạt xét nghiệm máu, hút dịch tủy, làm gấp thủ tục nhập viện xong xuôi trong này. Rất khó lấy được giường. May sao có chủ nhiệm phòng thuốc họ Giản và phu nhân đáng kính của phó giám đốc họ Quách tận tình giúp đỡ, mới may mắn chen được một chỗ trong phòng bốn giường đông đúc cho bệnh nhân bảo hiểm. Lúc đó chỉ biết mình mắc bệnh rồi thì phải hợp tác với bác sĩ để điều trị, lòng dạ hết sức hoang mang. Mọi việc xảy ra đột ngột, không có chút chuẩn bị trước nào, chỉ biết mới vào viện khách đến thăm rất đông. Để mấy đứa con yên tâm, tôi nói rất nhiều, định gạt bỏ những lo lắng của bản thân.
Sau xét nghiệm, bác sĩ khẳng định tôi mắc bệnh ung thư bạch cầu dạng tủy cấp tính (AML), tức là “ung thư máu” như người bình thường vẫn nói. Nào thì phát hiện ra muộn sẽ chỉ sống được ba tháng, nào xác suất hóa trị liệu thành công chỉ 20%, mặc dù không có bác sĩ y tá nào nói với tôi những điều như thế. Lúc đó phải tự an ủi mình đã phát hiện sớm, điều trị khẩn trương, mình thuộc về phần trăm những người may mắn đó. Hợp tác trong điều trị là nguyên tắc của tôi, cũng là lời khuyên chân thành của bác sĩ Trần Vĩnh Chính. Cậu con trai cả lại vừa đang làm luận án tiến sĩ về nghiên cứu khối u ung thư, phụ trách trao đổi với bác sĩ, còn tôi thì hợp tác triệt để.
Cuối cùng đã đến lúc được về nhà, tháo ống PICC, chính thức chấm dứt hóa trị, lòng tôi lẫn lộn trăm mối cảm xúc. Quan trọng nhất bây giờ là đoàn tụ với gia đình, tìm lại nụ cười và tiếng hát của phu quân (nửa năm qua tôi nằm viện một trăm mười hai ngày, ông ấy gần như khóc tới một trăm ngày). Hy vọng mỗi ngày đều có thể cố gắng đi bộ ở công viên, khôi phục trọng lượng cơ thể (lúc làm hóa trị chỉ còn 36kg), hiện tại đã được 41kg. Tôi chú ý ăn nhiều thức ăn giàu vitamin B, rau xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt, cháo tam bảo, cá tươi nấu canh, sơn dược nấu sườn, sâm Siberia, đông trùng hạ thảo, rau chân vịt, trái cây (táo chuối cam nho).
Thời gian này, hết sức cảm ơn sự quan tâm của bạn bè, bà con lối xóm và các chị em ở câu lạc bộ Rotary, đặc biệt là lòng yêu thương động viên nhiều mặt (với thiệp mừng, quà tặng, bùa bình an, thư từ) từ các fan hâm mộ truyện của cậu con thứ Cảnh Đằng (Cửu Bả Đao). Xin cảm ơn mọi người. Hy vọng đây chỉ là một trò đùa quái ác mà thôi.
Mùng 5 tháng 6 năm nay được thỏa ước ao tham dự lễ tốt nghiệp tiến sĩ của con trai cả, ngày 12 tháng 6 là lễ tốt nghiệp thạc sĩ của Cửu Bả Đao, 17 tháng 6 lại là tốt nghiệp thạc sĩ của thằng út. Cả ba đứa tốt nghiệp và lấy được học vị một cách thuận lợi là niềm an ủi lớn của tôi, bởi vì những ngày tôi mắc bệnh khiến ba đứa con trai vất vả rất nhiều. Tôi càng rất cảm ơn sự tâm lý của các giáo sư hướng dẫn, tạo điều kiện để các con đồng hành bên tôi vượt qua quá trình gian khổ điều trị ung thư.
Mấy đứa à, các con vất vả rồi.
Ba mẹ rất hạnh phúc vì có các con! Cảm ơn các con.
Mẹ Đao.
Trong năm mẹ tôi bị bệnh này, rất nhiều độc giả trên mạng đã không tiếc sức vun đắp ý chí chiến đấu cho tôi. Sau khi cuốn tự truyện đồng hành cùng mẹ này được xuất bản thành sách, tôi mời ba độc giả có ý nghĩa sâu sắc nhất đối với tôi và người quản lý cũ của tôi viết vài dòng, lưu lại những kỷ niệm sát cánh chiến đấu cho cuốn sách này. Tiểu Mẫn rất hay viết thiệp gửi mẹ tôi để động viên tinh thần, tiểu tiên nữ Osf Xù mỗi này sưu tầm một truyện cười trên mạng gửi cho tôi trong những ngày tôi thất tình. Tiểu A thường xuyên giơ tay tụ khí giúp tôi. Người quản lý cũ viết một đống cảm tưởng, không nói thêm nữa.
Cảm ơn sự đồng hành của mọi người, các bạn đều là sự sống của tôi.