Mê Tông Chi Quốc I - Chăm Pa Ẩn Sương

Phần mở đầu
Giai đoạn cuối đời nhà Thanh là những năm tháng thời thế thay đổi loạn lạc, đầy biến động, cương thường bại hoại, luật pháp lỏng lẻo, trộm cắp cướp giật nhiều không kể xiết. Chỉ riêng hai thành phố Bắc Kinh và Thiên Tân đã xuất hiện bốn tên đạo tặc lừng danh, bọn chúng là hung thủ thực hiện bao vụ trọng án kinh thiên động địa, gây hiểm họa kinh hoàng cho dân chúng.
Câu chuyện được lưu truyền trong dân gian đều không tránh khỏi có chút thay hình đổi dạng, thêm thắt ít nhiều. Truyền kỳ về bốn tên đạo tặc tài ba có lẽ cũng vậy, chúng trở thành đề tài nóng hổi để bàn dân thiên hạ mang ra bàn luận khắp nơi, từ thôn cùng ngõ hẻm đến các tửu lầu, trà quán; thậm chí người ta còn sáng tác rất nhiều khúc hát, lời vè, truyện truyền miệng về chúng, các bài báo lá cải cũng liên tiếp đăng tải vô số chương hồi giật gân về những hành động mới nhất của bốn tên gian tặc này. Những chuyện về chúng được đồn đại rộng rãi đến nỗi người người đều tỏ, ngõ ngõ đều tường. Nhưng trên thực tế, cuộc đời của bốn tên đạo tặc đó không nhuốm đầy màu sắc thần bí như trong truyền thuyết, chỉ có điều để được nhân gian đồn thổi ghê gớm như vậy chắc hẳn chúng cũng phải có chút bản lĩnh ưu việt, có ý chí không chịu an phận thủ thường, có những tài năng mà người thường không thể so bì.
Tên gian tặc đầu tiên, cũng là kẻ thành danh sớm nhất, phải kể đến Khang Tiểu Bát. Khang Bát Gia kỳ thực không thể coi là bậc đạo tặc kỳ tài, tên này nhà rất nghèo, bản thân là kẻ vô lại, ăn không ngồi rồi, sống ở phía đông kinh thành, trong khu doanh gia họ Khang. Trong một lần tình cờ, hắn đánh cắp được khẩu súng lục trên người viên công sứ Anh, từ đó hắn ngông cuồng đến mức quên cả mình là ai, đi đến đâu cũng giết người cướp của.
Khang Tiểu Bát tâm địa đen tối, ra tay tàn độc, hễ thấy ai không thuận mắt là hắn lập tức bóp cò nổ súng, trên lưng hắn không biết đã cõng bao nhiêu mạng người. Đơn cử có một lần, Khang Tiểu Bát đi cắt tóc, đang cắt dở chừng hắn quay lại hỏi người thợ: "Ngươi đã nghe tiếng Khang Tiểu Bát bao giờ chưa?"
Anh thợ cắt tóc thực thà thuận miệng đáp: "Biết chứ, tên tiểu tử đó chẳng phải thứ gì hay ho."
Khang Tiểu Bát trong lòng ức lắm nhưng không nói ra, lại hỏi: "Sao lại chẳng phải thứ gì hay ho? Ngươi quen hắn à?"
Anh thợ lại bảo: "Không quen, nghe thiên hạ nói hắn chỉ giỏi làm những chuyện xằng bậy."
Nghe tới đó, Khang Tiểu Bát quay người lạnh lùng thả từng tiếng: "Được, vậy hôm nay ta sẽ cho ngươi biết ông đây là ai!"
Lời chưa dứt, hắn đã rút súng ra, sáu tiếng nổ đanh sắc vang lên, anh thợ cắt tóc lăn ra chết tại chỗ.
Khang Tiểu Bát giết người như giết rận, tội ác chất chồng như núi. Tuy tâm địa tàn ác nhưng hắn lại là kẻ vô cùng nhát gan, càng giết nhiều người hắn càng hay sinh nghi, lúc nào cũng lo sợ có người đang ngầm tìm cách báo thù. Một mình đi trong đêm tối, chỉ cần nghe thấy tiếng bước chân đằng sau, không thèm hỏi là ai, hắn lập tức quay đầu rút súng. Khang Tiểu Bát làm mưa làm gió suốt một thời gian dài, cuối cùng cũng bị tuần bổ tóm sống và xử tử, đầu của hắn bị treo trên cổng chợ cho thiên hạ bêu riếu.
Thời Dân quốc có không ít kẻ ngồi rỗi hóng chuyện, thích loan tin giật gân để kích thích lòng hiếu kỳ của dân chúng, đã cố tình liệt Khang Tiểu Bát vào danh sách những hảo hán lục lâm[1], rồi viết hẳn thành một kịch bản mới cho hắn. Trong nhiều cuốn tiểu thuyết truyền kỳ hạng ba hoặc tiểu thuyết chốn trà lầu, thư trường cũng có nói đến hắn. Không ngờ trong lời hát, lời kể, hắn đã được miêu tả thành một hiệp khách trộm đạo võ nghệ cao cường, sánh ngang với các bậc hào kiệt lục lâm như Triệu Tư Hổ, Đậu Nhĩ Đôn...
Kẻ xếp thứ hai trong tứ đại gian tặc thời bấy giờ là Tống Tích Bằng. Thời điểm tên này thành danh cũng gần kề với thời điểm Khang Bát Gia náo loạn Bắc Kinh. Có điều, Tống Tích Bằng không phải người Bắc Kinh chính gốc, tổ tiên tám đời nhà hắn sống gần chùa Vệ Nam ở Thiên Tân. Từ nhỏ, Tống Tích Bằng đã theo một bậc lão nhân người Hồi ngày ngày luyện võ. Hắn được trời phú cho sức khỏe hơn người, có thể dễ dàng nâng được tảng đá nặng mấy chục cân bằng một tay, rồi đủng đỉnh dạo quanh sân một vòng mà mặt không hề biến sắc. Hắn có một cơ thể rắn như thép, nội công thâm hậu, trên người hắn hằn lên một vết sẹo trắng do dao chém, một nốt chấm trắng do súng bắn. Mọi người tặng hắn biệt hiệu "Thạch Phật Tống". Tống Tích Bằng từng làm tiêu sư trong tiêu cục một vài năm. Sau này, khi Sơn Đông gặp loạn Nghĩa Hòa Đoàn, dân luyện võ mọi ngả đều tập trung lại giơ cao ngọn cờ "phục Thanh diệt ngoại xâm" hừng hực khí thế Bắc tiến vào kinh, Thạch Phật Tống cũng tham gia hoạt động, rồi nhờ vào chút võ nghệ hơn người nên hắn trở thành đại sư huynh.
Năm Canh Tý, cuộc nổi loạn bị dập tắt, Nghĩa Hòa Đoàn bị trấn áp tàn khốc, nhiều người bị quan phủ bắt giữ chém đầu. Tống Tích Bằng may mắn chạy thoát và trở thành thảo khấu thổ phỉ. Hắn tập hợp được một nhóm thủy tặc, đến Thiên Tân cướp thuyền Diêm đạo[2], bên trong chất đầy quan ngân. Loại bạc này thời xưa gọi là "hoàng cống", mỗi thỏi một trăm lượng, mười thỏi đựng vào một ống. Tống Tích Bằng tinh thông phi tiêu, bách phát bách trúng. Hắn vung tay phi tiêu mấy phát, liền hạ gục năm vị quan quân, rồi cướp đi ba mươi vạn lượng "hoàng cống". Tống Tích Bằng tự biết mình gây ra đại họa tày trời, nên sau khi phân chia số bạc cướp được cho đồng bọn, liền vội vàng chạy trốn đến Thương Châu mai danh ẩn tích.
Một năm sau, Tống Tích Bằng nghĩ sóng gió đã qua, mọi người đã quên chuyện cũ liền âm thầm trở lại Thiên Tân tìm người thân. Nào ngờ, hắn vừa lộ mặt lập tức bị người của cục tra xét để mắt tới. Lần này, hắn muốn cao chạy xa bay cũng chẳng còn đường thoát thân, nên đành phải liều mạng ra tay giao đấu nhưng ít không địch nổi nhiều nên hắn nhanh chóng bị tuần cục vật ngửa ra đất, bắt sống giải về phủ xử tội.
Vụ án Tống Tích Bằng làm kinh động đến cả triều đình, khiến Từ Hy thái hậu trong Tử Cấm Thành ngồi không cũng phải cảm thấy khó chịu. Nghe nói chòi canh Thiên Tân đã bắt được tên đại tặc, thái hậu liền muốn ra xem rốt cục hắn là anh hùng hảo hán phương nào. Lý tổng quản lệnh cho thị vệ ngự tiền áp giải Tống Tích Bằng, tay bị khóa còng, chân đeo xích, đến trước đại điện diện kiến Lão Phật Gia thái hậu.
Nhưng cứ thử tưởng tượng xem, tù nhân mà mắc phải trọng tội như thế, nay bị rơi vào bước đường này thì tinh thần làm sao còn ngùn ngụt khí thế như trước được? Vì vậy, Từ Hy thái hậu sau khi xem mặt hắn xong thì cảm thấy vô cùng thất vọng, người chỉ lạnh nhạt nói một câu: "Kẻ to gan gây họa tày đình chẳng qua chỉ thế này thôi sao?"
Mấy hôm sau, Tống Tích Bằng bị tuyên xử trảm, quân lính giải hắn đến pháp trường chém đầu thị uy dân chúng, rồi treo trên cổng thành suốt hai tháng ròng.
N.g.u.ồ.n. .t.ừ. .s.i.t.e. .T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o...c.o.m.
Đệ tam gian tặc là kẻ gây náo loạn Bắc Bình vào những năm đầu thời kỳ Dân quốc, tên hắn là Yến Tử Lý Tam. Nghe nói Lý Tam Gia thuở nhỏ bần hàn, từng gọt đầu xuất gia làm tiểu hòa thượng nương nhờ cửa Phật. Sau này thành nghệ, hắn mới hoàn tục trở lại. Bình sinh Lý Tam Gia rất giỏi khinh công, có thể thi triển tuyệt kỹ bí truyền "Đăng bình độ thủy", đạp bèo qua sông như người ta đi trên đất bằng, hắn đi trên tường, bay qua mái nhà, thi triển khinh công ra vào cổng thành mà không để lại dấu tích, dễ dàng chẳng khác nào chủ nhân ra vào bằng cổng chính. Trình độ khinh công của Lý Tam Gia thậm chí ngang ngửa với thần trộm Giang Nam Triệu Hoa Dương. Chỉ trong một đêm, hắn có thể liền tay trộm đồ trong tám cửa hiệu lớn, trước khi bỏ đi còn để lại phi tiêu "Yến Tử" làm hiệu. Trong một thời gian ngắn, tiếng tăm của hắn vang khắp Bắc Bình.
Trên thực tế, Yến Tử Lý Tam không hẳn thần thông được như đồn đại, có điều hắn quả thực có một vài bản lĩnh đáng nể. Tên trộm này rất giỏi trèo tường, đi lại trên mái nhà vô cùng nhanh nhẹn. Khi hành sự, hắn thường đeo năm sáu đôi tất để di chuyển nhẹ nhàng và không bị trơn trượt, để lúc đáp xuống đất cũng không gây tiếng động. Không những thế, Yến Tử Lý Tam còn là người có tố chất làm kẻ trộm, khôn ngoan, nhanh nhẹn hơn người. Nhiều lần quan phủ tiến hành vây bắt, nhưng chưa lần nào tóm được hắn.
Đáng tiếc thay, Lý Tam Gia lại bị nghiện nặng, ngày nào cũng phải hít hết một chầu "Cao Phù Dung"[3] thượng hạng thì mới có tinh thần hành sự. Một lần coi như hắn gặp vận xui, khi trong lòng nghĩ: "nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất", nên hắn cả gan trốn trên nóc nhà phòng xử án đội tuần tra nằm nghỉ, không ngờ đúng lúc này cơn nghiện tự dưng phát tác. Không thể nhịn được, hắn liền bật lửa châm điếu thuốc đang giắt trong mình.
Kết quả không may là hắn bị một nhóm tuần tra đang đi tuần phát hiện, khi viên đội trưởng nhìn thấy trên nóc nhà có một đốm sáng bỗng nhiên lóe lên giữa màn đêm đen dày đặc. Lòng cảm thấy bất thường, viên đội trưởng đoán định chắc hẳn có gian tặc đang ẩn mình bên trên, nên lập tức lặng lẽ bố trí quân lính bao vây tứ phía ngôi nhà, quyết tâm bắt bằng được ếch trong chum, Yến Tử Lý Tam lại không biết bay như chim yến, nên đành bó tay chịu trói.
Trời vừa hửng sáng, đội tuần tra liền áp giải phạm nhân vào nhà lao Nam Thành. Quan phủ lo sợ ngộ nhỡ Lý Tam lại giở chiêu "Thoát cốt pháp" co xương để đào tẩu, nên sau khi đánh gẫy hai chân hắn, liền rút hai sợi gân bên trong ra rồi dùng xích sắt xuyên qua hai xương bánh chè khiến hắn trở thành người tàn phế. Lý Tam Gia vừa chịu đau đớn về thể xác, vừa bị cơn nghiện dày vò nên không kịp đợi đến lúc hành hình, hắn đã về âm tào địa phủ gặp Diêm Vương trước một bước.
Tên giặc cỏ cuối cùng trong bộ tứ gian tặc, kỳ thực là bộ đôi anh em song sinh, huynh trưởng tên Điền Hóa Tinh còn được mệnh danh là "Địa Lôi Cổn", nhị đệ Điền Hóa Phong, mệnh danh "Tọa Địa Pháo". Thời điểm huynh đệ họ Điền nổi danh cũng chính là thời điểm mà đội quân phiệt huy động một lực lượng lớn đi khai quật lăng mộ các vua chúa ngày xưa. Khi đội quân đào phá đến Cảnh Lăng cung của hoàng đế Khang Hy, cửa mộ vừa bị phá nổ, nào ngờ một dòng nước màu đen âm u lạnh buốt từ dưới lòng đất ùng ục trào lên, mặc cho đội quân ra sức hút vẫn không thể hút cạn. Đội khai quật không thể xâm nhập vào bên trong, cuối cùng đành tạm thời từ bỏ.
Nào ngờ sự việc này lọt đến tai đám sơn tặc, kẻ cầm đầu chính là Điền Hóa Tinh. Hắn là người tộc Kỳ, đã luyện thành chân truyền "Thập Tam Tiết thảng địa tiên"[4], tự ình gan dạ anh hùng hơn người, thế gian không có chuyện gì hắn không dám làm. Có lẽ bị mê muội bởi những khúc kịch, xướng, thư, thuyết thời cổ do dân gian truyền lại, nên Điền Hóa Tinh luôn đinh ninh câu chuyện "Dương Hương Vũ ba lần ăn trộm chén Cửu Long" là có thật. Theo truyền thuyết, hoàng đế Khang Hy có một bảo vật vô giá tên gọi là "Cửu Long Bôi". Đó là chiếc chén ngọc vô cùng lung linh huyền ảo, chạm khắc vô cùng tinh xảo, công phu không gì sánh nổi, chỉ cần đổ đầy mỹ tửu, đáy chén sẽ tức khắc hiện ra chín con rồng thiêng bay lượn uốn mình bội phần sinh động, sống động như hiển hiện ra trước mắt, càng nhìn càng giống thật, nên thế nhân gọi cảnh tượng ly kỳ này là "Chín rồng quậy biển".
Điền Hóa Tinh nghe các bậc nguyên lão trong tộc kể lại, chiếc chén ngọc ngoài đời không ly kỳ như trong truyền thuyết, nhưng quả thực chất ngọc vô cùng trong sáng, mịn màng, tỏa ánh lung linh, kỹ nghệ trau chuốt tinh tế phi phàm khiến người xem không thể rời mắt. "Cửu Long Bôi" tuyệt đối xứng danh là báu vật hoàng gia hiếm có trên đời. Không những vậy, chén ngọc quả thực được chôn theo chủ nhân ở Cảnh Lăng.
Điền Hóa Tinh nghe chuyện lòng tham trỗi dậy, hắn đem chuyện trộm mộ bàn luận với đám thuộc hạ rồi nói: "Cơ hội trước mắt đúng là thời cơ giúp ta phát tài, tuyệt đối không thể để lỡ, mất rồi không thể tìm lại. Nếu huynh đệ chúng ta trộm được những bảo vật quý giá ở Cảnh Lăng, tất cả những thứ khác mỗ không cần, mỗ chỉ cần chiếc chén Cửu Long chôn cạnh thi thể vua Khang Hy, còn lại anh em huynh đệ muốn chia nhau thế nào thì tùy ý."
Mọi người đều đồng lòng nhất trí. Tối hôm đó trăng sáng sao thưa, đội trộm mộ đem theo các loại dụng cụ xâm nhập khu lăng mộ. Hội Điền Hóa Tinh thông thạo địa hình ở đây hơn đội quân phiệt nhiều. Không tốn bao nhiêu công sức, bọn họ đã tìm thấy vị trí ngôi mộ, chặn đứng mạch nước, rồi mạo hiểm xông vào bên trong lăng tẩm. Bọn Điền Hóa Tinh định cậy nắp từng chiếc quan tài của hoàng đế và các phi tần ra để tìm kiếm bảo vật, ai ngờ khi Điền Hóa Tinh vừa bật một nắp quan tài lên, ghé đèn vào bên trong nhìn thì thấy người chết nằm trong quan tài trừng trừng nhìn hắn ngoác miệng cười.
Có câu: "Kẻ trộm chột dạ, kẻ đào mộ sợ ma" nên cũng có thể do Điền Hóa Tinh tự mình dọa mình, nhưng trong ánh nến chập chờn lúc ấy, không ai rõ rốt cục đã xảy ra chuyện gì, chỉ biết sau cú hoảng hồn đó, Điền Hóa Tinh sợ đến nỗi hai chân mềm nhũn quỳ gục trên đất, sắc mặt tái nhợt, hai hàm răng va vào nhau lập cập, run rẩy đến rúm ró, canh ba thì được đồng bọn khênh về nhà, muốn cậy miệng hắn để đút một thìa canh nóng cũng không được, chưa đến năm ngày sau thì hắn rũ áo chầu trời.
Tuy Điền Hóa Tinh chân đã bước vào địa phủ, nhưng nhị đệ của hắn là Điền Hóa Phong vẫn coi nhẹ sống chết, đêm hôm sau lại lần mò vào địa cung Cảnh Lăng. Cuối cùng, hắn cũng trộm được "Cửu Long Bôi", nhưng khi mở nắp quan tài, đột nhiên một ngọn lửa màu xanh từ bên trong vụt phun ra, thiêu mù một con mắt của Điền Hóa Phong, và dung mạo của hắn cũng bị hủy hoại một nửa. Từ đó, hắn bị mọi người đặt cho biệt danh "Mặt quỷ".
Chưa đầy nửa năm, bọn đạo tặc, trong đó có cả "Mặt quỷ" Điền Hóa Phong đều bị quan phủ tóm sống ở Bảo Định, Hà Bắc rồi bị xử bắn, tất cả châu báu ăn trộm đều bị tịch thu. Nhưng số báu vật lấy được ở Cảnh Lăng để trong quan khố cũng không cánh mà bay, tới giờ vẫn không ai rõ tung tích, để lại một mớ nghi vấn.
Bốn tên đại tặc vừa kể trên tuy cũng xuất thân lục lâm, cũng gây ra những vụ án kinh thiên động địa, nhưng nếu luận về bản lĩnh và kinh nghiệm thì cùng lắm chúng cũng chỉ thuộc hàng vai phụ, mà chẳng qua những câu chuyện lưu truyền rộng rãi về chúng đã được dân gian thêu hoa dệt gấm, thêm thắt nhiều yếu tố ly kỳ, nên chúng mới trở thành những anh hùng thảo khấu hiệp nghĩa.
Thủ thuật lục lâm phân chia thành nhiều đẳng cấp cao thấp khác nhau, kẻ cao siêu ăn trộm bảo vật trong nội phủ, kẻ trung đẳng thì chôm chỉa vật báu trong đại viện, kẻ cấp thấp thì ăn cắp vặt của nả của thường dân. Nhân vật thực sự có bản lĩnh, tài năng thường bị mai một giữa đồng cỏ trần ai, không cần lịch sử lưu lại tông tích. Trước đây, ở khu vực hồ Động Đình thuộc tỉnh Hồ Nam, có một nhóm đạo tặc tên là "Nhạn đoàn", bắt đầu hành hiệp giang hồ vào những năm cuối triều đại Thanh, dưới quyền một thủ lĩnh họ Trương. Người này có biệt danh là "Tặc ma", trước đây từng làm quan trong quân đội. Nghe nói người họ Trương này võ thuật cao siêu, quỷ thần khó lường, sánh ngang tầm với những nhân vật lừng danh thời cổ đại như: Bạch Viên Công, Hồng Tuyến Nữ, Côn Luân Nô.
Thời Dân quốc, gia tộc họ Trương truyền đến đời Trương Hồ Lô. Do tiền nhân nhiều đời trước tích cóp được nhiều của cải, gia tộc có nền móng khá vững vàng, nên họ Trương sớm đã rửa tay gác kiếm, không muốn sử dụng những tuyệt kỹ gia truyền nữa mà trở về cố hương, mở mấy cửa tiệm ở Bắc Bình, Thiên Tân làm ăn buôn bán như những người bình thường khác.
Trước đây, những hộ giàu có trong nhà thường dựng miếu thờ "trạch tiên"[5]. Trạch tiên có rất nhiều loại, tùy phong tục tập quán từng nơi khác nhau mà phụng thờ, có nơi thờ thần Ngũ Thông, có nơi thờ vàng bạc, châu báu, ngọc quý, còn gia tộc họ Trương chỉ thờ một "Đồng Miêu". Đó là tượng con mèo làm bằng đồng linh thiêng dị thường. Nào ngờ khi Trương Hồ Lô chuyển nhà lại vô tình đánh mất "trạch tiên", kết quả cả nhà không tránh khỏi tai họa giáng đầu, gia đình từ đó dần dần suy vong.
Người xưa có câu rất hay: "Cùng nghề là oan gia", lúc bấy giờ ở Bắc Bình tiệm Thịnh Nguyên là cửa tiệm lớn nhất trong thành. Chủ tiệm này họ Mục, tính tham lam vô độ, lại còn câu kết với quan phủ. Họ Mục vốn đố kỵ với nhà họ Trương nên từ lâu đã coi Trương Hồ Lô là cái gai trong mắt. Không những thế, hắn còn vô tình biết được trong nhà kho gia đình họ Trương có rất nhiều đồ cổ quý hiếm, tất cả đều là những báu vật kỳ lạ hiếm có trên đời, được ăn cắp từ mộ cổ, lăng tẩm trong núi sâu hoặc trong đại viện hoàng cung. Thế là hắn liền nổi lòng tham, lập mưu chiếm phần sản nghiệp này. Hắn đã nghĩ trăm phương ngàn kế để hãm hại liền mấy mạng người nhà họ Trương. Hai nhà kể từ đó nuôi thù kết oán rất sâu sắc.
Khi ấy Trương Hồ Lô còn là một thanh niên sung sức, tính khí nóng nảy, không chịu được cảnh bị kẻ khác bắt nạt, liền nhân một đêm gió cao trăng mờ quyết định trở thành "kẻ ám sát". Ông ta lẩn vào nhà họ Mục, liền một mạch giết sạch mười một mạng người, gồm cả già trẻ gái trai. Tất cả xác chết đều bị Trương Hồ Lô cắt phăng thủ cấp. Lúc đi ngang qua đồn cảnh sát, họ Trương cũng tiện tay chặt phăng luôn cái đầu của viên cảnh sát trưởng, rồi thi triển tuyệt kỹ "Bọ cạp đảo đầu" leo tường thành rồi xuyên tim mười hai cái thủ cấp đang ròng ròng máu tươi thành một xiên, treo lủng lẳng trên gác mái lầu canh ở cổng thành. Cuối cùng, Trương Hồ Lô còn cảm thấy vẫn chưa hả giận, liền phóng hỏa thiêu rụi luôn tiệm Thịnh Nguyên thành tro mới chịu dừng tay.
Vụ án Trương Hồ Lô đã gây chấn động khắp vùng, và họ Trương tự biết gầm trời này không còn chỗ dung thân. Theo thông lệ lục lâm từ trước đến nay, nếu ai chẳng may gây nên đại họa, thì chỉ còn cách cao chạy xa bay mới tránh khỏi lệnh truy nã vượt đại dương của quan phủ, nên những kẻ rơi vào tình thế ngặt nghèo như Trương Hồ Lô chỉ có mấy con đường để chọn, hoặc là "xuống Nam Dương", hoặc là "đi Tây Khẩu", nếu không phải "vào Quan Đông". Trương Hồ Lô đành cam tâm bỏ lại tất cả gia sản, chỉ vội vã cõng mẹ già chạy thẳng một mạch đến Sơn Đông, rồi vượt biển trốn ra quan ngoại. Từ đó, ông ta mai danh ẩn tích, đổi họ thành "Tư Mã" theo họ mẹ. Vì kế sinh nhai, Trương Hồ Lô lên núi làm sơn tặc nối nghiệp tổ tông ngày trước.
Sau này, cả nhà họ Trương chuyển đến vùng Đông Bắc, thực hiện theo chính sách cải cách ruộng đất. Khi liên quân Dân chủ tiến hành chiến dịch tiễu phỉ, Trương Hồ Lô và đồng bọn liền bỏ vũ khí quy hàng và được bộ đội thu nạp vào tổ chức tham gia chiến dịch xuống Giang Nam bảo vệ Lâm Giang, cùng đại quân từ bắc tiến vào nam, đánh chiếm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây.
Trong suốt thời gian đó, tuy Trương Hồ Lô không lập được công trạng lớn lao, nhưng cũng trải qua muôn vàn gian khổ. Có điều họ Trương xuất thân từ lục lâm, lý lịch không trong sạch nên cuối cùng vẫn không được trọng dụng. Sau giải phóng, họ Trương được điều động đến Trường Sa làm việc, từ đó an cư lạc nghiệp, lấy vợ sinh con, đến năm 1953 thì đẻ được một đứa con trai. Trương Hồ Lô không dám nhắc lại chuyện cũ, sợ rằng nếu nói ra sẽ liên lụy đến cả nhà, gây nên những phiền phức không cần thiết, vì thế khi đặt tên cho con, ông liền viết vào sổ hộ khẩu ba chữ: "Tư Mã Khôi".
Những kẻ xuất thân lục lâm, đại bộ phận đều làm những nghề phạm vào lệnh cấm của quan phủ, quanh năm lăn lộn nơi đầu súng ngọn giáo, chẳng biết khi nào phải đền cả tính mạng. Trương Hồ Lô vô cùng tin tưởng và bái phục "Kim Điểm tiên sinh", một vị thầy tướng số có tài suy đoán hung cát họa phúc rất chính xác. Vì thế, Trương Hồ Lô đã đích thân về tận quê cũ mời thầy Kim Điển đến xem tướng cho con trai. Theo cách nói của người xưa, mệnh đứng im còn vận thì luôn luôn chuyển động, cái tên là biệt hiệu suốt đời của một người, nên tên tất phải hợp với bố cục trong mệnh thì mới có thể đem đến vận may. Tuy rằng hậu bối nhà họ Trương từ nay phải mai danh ẩn tích, nhưng vẫn nên xem xét cẩn thận mới được.
Lúc bấy giờ tuy là thời đại mới, nhưng Trương Hồ Lô suy cho cùng vẫn là kẻ xuất thân từ tầng lớp thấp, quan niệm còn khá cổ hủ nên tuyệt đối tin tưởng vào thầy tướng Kim Điển tiên sinh; hơn nữa lòng tin đó vô cùng kiên cố, ăn sâu vào tận xương tận tủy, nên mặc cho vật đổi sao dời, lòng tin vẫn khó lòng dịch chuyển.
Chỉ thấy thầy Kim Điển lắc lư đầu mấy cái rồi bấm đốt ngón tay hồi lâu, cuối cùng tính ra số mệnh của đứa bé này là thổ, tức mệnh Thổ. Theo cách nói trong Thiên Can tám chữ, đứa bé mệnh "Trung ương mậu dĩ thổ" vừa vặn liệt vào hàng thứ tám, nếu sắp xếp thứ tự theo ngôi vị tám con vật thần thánh, thì vị trí thứ tám chính là khôi gia, tức con chuột. Trước đây, các đoàn kịch thường thờ cúng "Khôi bát gia", để đề phòng ông chuột gặm nhấm hết trang phục đạo cụ diễn xuất của họ. Dân gian tục truyền "Khôi bát gia mệnh thổ", vì thế Kim Điển tiên sinh liền đặt tên cho đứa bé là Tư Mã Khôi.
Trương Hồ Lô nghe xong kính phục đến nỗi không hạ nổi lưỡi xuống, cứ há miệng khen tên hay. Người nào lần đầu nghe tên này thì lại tưởng chữ Khôi trong từ Tư Mã Khôi có nghĩa khôi ngô, sáng láng; ai ngờ chữ Khôi này lại mang ý khôi cốt, than tro, hắc ám. Tóm lại, chữ Khôi đó đúng là đặt rất chuẩn xác, những mong rằng tương lai đứa bé này phải làm nên công trạng gì to lớn mới hay.
Trương Hồ Lô rốt cuộc vẫn là kẻ xuất thân từ lục lâm, nên ông cho rằng những thứ được dạy trong trường học thời đại mới chẳng có mấy tác dụng thực tế, hơn nữa, lại không muốn bí kíp tuyệt kỹ của tổ tông để lại bị thất truyền, nên vài năm sau ông liền gửi Tư Mã Khôi đến Bắc Kinh theo một vị ẩn sĩ tên là "Văn Võ tiên sinh" để học nghệ. Từ đó Tư Mã Khôi bắt đầu khổ công học hành, canh năm tỉnh giấc, nửa đêm bò dậy, thức thông đêm qua hai lần thay dầu đèn, cuối cùng cũng học được một chút chân truyền. Khi Tư Mã Khôi mười ba tuổi thì sư phụ cưỡi gió quy tiên, thi thể chôn ở núi Bạch Mã ngoại ô Bắc Kinh, đến lúc này cuộc đời cậu bắt đầu chuyển sang ngã rẽ khác.
Tập I "Chăm Pa Ẩn Sương" của bộ truyện "Mê Tông Chi Quốc" kể về những trải nghiệm ly kỳ của Tư Mã Khôi khi chạy trốn kẻ địch đã vô tình tham gia một đoàn thám hiểm bí ẩn và thoát khỏi bàn tay tử thần từ khu rừng rậm nguyên sinh huyền bí. Có câu: "Người mất đầu khó chạy, câu mất đầu khó thông"; về việc Tư Mã Khôi vì sao lại gia nhập đoàn thám hiểm thì phải bắt đầu kể từ đây. Mở đầu có phần chi tiết như vậy cốt là để độc giả hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui