Miền đất thất lạc

Chương 08
NHỮNG LÍNH GÁC NGOÀI RÌA CỦA VÙNG ĐẤT MỚI
 
Những bạn của chúng tôi ở nhà chắc phải vui mừng thấy chúng tôi đã đến đích. Sự thật là, chúng tôi chưa leo lên cao nguyên, nhưng nó nằm ngay trước mặt chúng tôi và ngay cả giáo sư Summerlee cũng ở trong tâm trạng kiềm chế hơn. Không phải trong phút chốc ông đã chịu thừa nhận đối thủ của ông là đúng, nhưng ông bớt khăng khăng giữ những ý kiến chống đối liên tục của ông. Tuy nhiên, tôi phải tiếp tục bài tường thuật của tôi đang còn dở dang. Chúng tôi gửi trả lại nhà một người địa phương Anh điêng bị thương và tôi giao cho anh trách nhiệm đem bức thư này về, nhưng rất nghi ngờ không biết thư có đến tay được không. 
Tôi viết xong bức thư vừa rồi thì chúng tôi rời khỏi làng của người Anh điêng mà chiếc tàu Esmeralda đã chở chúng tôi tới. Tôi phải bắt đầu bản báo cáo của mình bằng một tin không mấy tốt lành. Nếu không kể việc cãi nhau vặt giữa hai Giáo sư đáng kính thì đây là trở ngại đầu tiên. Câu chuyện vừa mới xảy ra buổi tối hôm nay và suýt nữa đã có một kết thúc không hay. Tôi đã kể với độc giả về Gomez - anh chàng người lai nói được tiếng Anh - một người chăm chỉ và có cá tính dễ chịu nhưng hay phiền muộn. Tôi rất mến anh ta bởi vì tò mò và đó là thứ tình cảm thường thấy giữa những người đàn ông với nhau. Buổi tối hình như anh ta đã nấp đâu đó gần căn lều mà tất cả những thành viên của đoàn chúng tôi đang thảo luận kế hoạch. Zambo - người da đen khổng lồ có nhiệm vụ cảnh giới. Anh chàng da đen này là một người trung thành nhưng lại có ác cảm đối với những người lai - một mối ác cảm của người da đen nói chung đối với người lai. Khi bị Zambo phát hiện, Gomez rút dao găm ra nhưng vì Zambo qua to khỏe nên chốc lát Zambo đã khống chế được Gomez. Mọi chuyện đến đây là hết. Chúng tôi bắt hai người phải dàn hòa và bắt tay nhau và mọi người đều hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nhưng đối với hai giáo sư thì mối bất hòa có lẽ ngày càng sâu sắc hơn. Phải công nhận rằng Giáo sư Challenger thì hay có lời lẽ khiêu khích nhưng Giáo sư Summerlee thì lại luôn châm biếm sâu cay vì vậy cho nên mọi chuyện ngày càng tồi tệ hơn. Đêm qua Giáo sư Challenger nói rằng ông không bao giờ thèm đi trên bờ sông Thames và ngắm nhìn dòng sông. Ông Summerlee vặn lại với một nụ cười mỉa mai rằng Giáo sư Challenger không muốn ngắm dòng sông là do người ta đã phá nhà tù Millbank đi rồi (Nhà tù Millbank được xây trên dòng sông Thames). Tính kiêu ngạo quá lớn của ông Challenger khiến cho ông nghĩ mình đã bị ông Summerlee xúc phạm. Ông chỉ nhếch bộ râu rậm lên một chút và luôn miệng kêu lên "thật à"! Kèm theo là tiếng chép chép giống như người ta dỗ dành một đứa con nít. Đúng là cả hai đều là những cậu bé một người thì gầy còm hay gắt gỏng còn một người thì to lớn và dữ dội nhưng cả hai đều có trí óc vượt xa người bình thường, cả hai đều là những người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Thực tế cuộc sống cho tôi thấy rằng trí óc, tính cách, tâm hồn không phải lúc nào cũng đi liền với nhau. 
Ngay ngày hôm sau chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đi sâu vào rừng rậm. Tất cả hành lý mang theo vừa đủ để trong hai chiếc xuồng. Nhóm chúng tôi có mười hai người nên chúng tôi chia ra sáu người ở một xuồng và để tránh sự cãi vã của hai Giáo sư, chúng tôi để mỗi ông ở mỗi xuồng khác nhau. Cá nhân tôi đứng về Giáo sư Challenger - người luôn tỏ ra hài hước trong mọi vấn đề, ông đi đi lại lại như là một người nhập đồng và khuôn mặt luôn ngời một niềm tin vào kết quả cuộc thám hiểm. Trước đây các bạn thấy rằng tôi đã có lần chứng kiến cơn giận dữ của Giáo sư Challenger nên bây giờ tôi không còn ngạc nhiên về cách xử sự của ông mỗi lần ông nổi cơn thịnh nộ. 
Mất hai ngày chúng tôi mới đi đến một con sông rộng khoảng vài trăm yard. Nước sông màu sẫm nhưng rất trong, chúng tôi có thể nhìn thấy mọi vật dưới đáy sông. Những nhánh sông của dòng sông Amazon mang trong mình hai đặc tính; một giống như dòng sông này: nước trong và sẫm màu còn đặc tính kia đó là màu nước trắng đục. Sự khác nhau này do địa hình dòng nước chảy qua. Màu sẫm là do sự thối rửa của lá cây trong khi màu trắng đục là do dòng sông chảy qua những vùng có đất sét. Chúng tôi đã hai lần phải vượt thác. Mỗi lần như thế chúng tôi lại phải vác xuồng lên bộ và đi mất khoảng nửa dặm rồi mới xuống sông đi tiếp được. Hai bên bờ sông là những cánh rừng nguyên sinh nhưng chúng còn thưa hơn cả những cánh rừng tái sinh nên việc mang những chiếc xuồng qua những cánh rừng như thế hoàn toàn không gặp trở ngại gì. Làm sao tôi có thể quên được điều huyền ẩn chứa trong những cánh rừng như thế. Chiều cao và độ lớn của cây cối vượt xa trí tưởng tượng của tôi - một kẻ cả đời sống ở thành thị. Những cái cây cao đến nỗi mà chúng tôi ngửa cổ lên mới chỉ thấy ngọn cây mờ mờ. Trên đó chúng vươn ra những cành cây dài tạo thành hình những mái vòm cong kiểu Gothic, và thành một mái che màu xanh khổng lồ trên đầu. Qua cái mái che đó thỉnh thoảng có một vài tia nắng màu vàng chiếu xuyên qua. Chúng tôi cùng im lặng đi qua những thảm lá cây mục dưới chân mà trong lòng cảm thấy như đang bước vào thời kỳ mông muội của loài người. Ngay cả Giáo sư Challenger - người hay nói to cũng phải thì thầm khi có ý nhắc nhở mọi người. Bản thân tôi thì hoàn toàn mù tịt về tên của những loài động thực vật trong khu rừng này nhưng đối với các nhà khoa học trong đoàn thì lại hoàn toàn khác. Họ chỉ cho tôi đâu là cây tuyết tùng, cây bông gòn dại, cây tùng gỗ đỏ... Chính sự dồi dào của hệ thực vật ở đây đã khiến cho châu Mỹ trở thành một nơi cung cấp chủ yếu các vật phẩm cần thiết cho đời sống con người nhưng châu Mỹ lại là nơi thiếu hụt những sản vật từ hệ động vật. Nhiều loài phong lan và địa y sặc sỡ bám đầy trên các thân cây. Trong môi trường thiếu thốn ánh sáng đó muôn loài phải liên tục đấu tranh để chống lại bóng tối và tìm đến ánh sáng. Mọi loài cây từ cổ thụ cho đến dây leo cũng cố mà bò hoặc vươn tới nơi có ánh mặt trời. Các loài cây dây leo ở đây cực kỳ to lớn và rậm rạp. Còn những loài cây chuyên bò dưới đất thì cũng cố tìm đến những vùng có ánh sáng qua tán rừng rậm rạp. Những cây tầm ma và thậm chí cả những cây nhài rừng cũng cố leo lên đến những cành cây cao nhất của cây tuyết tùng to lớn. Trên đường chúng tôi đi không thấy bóng dáng của một loài động vật nào, nhưng trong đầu chúng tôi luôn tưởng tượng và biết chắc chắn rằng trên những cành cây xum xuê kia là rắn rết, khỉ, chim và những con lười đang nhìn xuống chúng tôi như nhìn những sinh linh bé nhỏ uể oải đáng thương đang bước đi dưới những tán rừng. Lúc bình minh và cả những khi hoàng hôn tiếng khỉ gọi đàn và tiếng vẹt đuôi dài cãi vã vang khắp cánh rừng. Những lúc không khí nóng dần lên chỉ có tiếng côn trùng kêu như tiếng sóng vỗ bờ ầm ào khắp nơi. Thỉnh thoảng có một vài con vật chân cong - loài ăn kiến hoặc một loài gấu chậm chạp đi lại dưới những bóng râm của tán cây. Đó là dấu hiệu duy nhất của sự sống mà tôi chứng kiến tại cánh rừng Amazon vĩ đại này. Vẫn chưa thấy một dấu hiệu nào cho thấy sự tồn tại của loài động vật mà Giáo sư Challenger miêu tả trong khu rừng huyền bí này. 
Ngày thứ ba chúng tôi chợt nghe thấy có tiếng đập trống mạnh trong không trung, tiếng động nhịp nhàng và ấn tượng diễn ra suốt cả buổi sáng. Khi chúng tôi nghe thấy tiếng động đó thì là lúc hai chiếc thuyền mà chúng tôi thuê đang đi cách nhau không xa. Mấy người da đỏ làm công ngồi im như những pho tượng được đúc bằng đồng. Họ chăm chú lắng nghe và tỏ vẻ rất sợ hãi. 
- Cái gì thế? - Tôi hỏi. 
- Tiếng trống! - Huân tước Roxton trả lời một cách dè dặt - Tiếng trống trận. Trước đây có lần tôi đã được nghe. 
- Đúng là tiếng trống trận thưa ngài! - Anh chàng người lai Gomez trả lời - những người da đỏ hoang dã, những kẻ chuyên giết người đang theo sát bước đi của chúng ta và chỉ chờ cơ hội là giết phắt chúng ta ngay lập tức. 
- Họ theo dõi chúng ta bằng cách nào? - Tôi hỏi và đưa mắt nhìn chăm chăm vào khu rừng tối tăm im lìm. 
Anh chàng người lai nhún vai. 
- Những người da đỏ kia biết đấy! Họ có cách riêng của họ. Họ theo dõi chúng ta, họ dùng trống để nói chuyện với nhau. Họ sẽ giết chúng ta khi có thể. 
Buổi chiều ngày thứ ba, chúng tôi nghe có tiếng của năm bảy cái trống vang khắp mọi nơi. Tiếng trống lúc thúc giục rất rộn rã, lúc chậm rãi, lúc như tiếng hỏi và tiếng trả lời. Chúng tôi để ý thấy có tiếng trống to nhất ở bên phía Đông luôn gõ theo nhịp ngắt kỳ lạ sau đó được nối tiếp bởi một tràng dài tiếng trống vọng đến từ phía Bắc. Có một cái gì đó rất ghê sợ không thể diễn tả nổi - tiếng trống có vẻ như những gì mà anh chàng Gomez vừa nói với chúng tôi, tiếng trống lặp đi lặp lại không ngừng: Giết! Giết! Không có ai đi lại trong khu rừng già kia. Tất cả mọi thứ được tạo hóa giấu kín trong màn đêm thăm thẳm của khu rừng. Nhưng dường như lời nói của anh chàng người lai vẫn văng vẳng bên tai chúng tôi. 
Tiếng trống lúc thì ầm ầm lúc thì thì thầm suốt cả ngày trong khi đó những người bạn đồng hành da màu của chúng tôi thì tái mặt lên vì sợ hãi. Ngay cả anh chàng người lai thường hay vênh váo cũng có vẻ sợ hãi ra mặt. Nhưng cũng trong thời khắc quan trọng đó tôi được chứng kiến sự dũng cảm của hai Giáo sư Challenger và Summerlee - lòng dũng cảm của họ hơn hẳn những người bình thường bởi đó là lòng dũng cảm của những người làm khoa học. Lòng dũng cảm của họ được kết hợp giữa những bộ óc theo đuổi Darwin và sự liều lĩnh của những tay chăn bò vùng Argentina đứng trước những tay săn đầu người xứ Malaya. Tạo hóa chí tôn đã quy định rằng con người không thể cùng một lúc suy nghĩ hai vấn đề vì vậy con người ta khi đã đắm chìm trong khoa học thì sẽ không còn chỗ cho những toan tính cá nhân nữa. Suốt cả ngày giữa những tiếng động đe dọa nhưng hai Giáo sư của chúng ta vẫn mải mê nhìn ngắm những con chim đang tung cánh bay, những bụi cây hai bên bờ suối. Thỉnh thoảng hai người lại ồn ào tranh cãi với nhau bằng những lời lẽ sắc bén nhưng dài dòng. Tiếng Giáo sư Summerlee thì gầm gừ còn tiếng Giáo sư Challenger thì càu nhàu nhưng nghe kỹ thì không còn thấy dấu hiệu nguy hiểm của một cuộc cãi vã như trước kia nữa. Cả hai người cũng hầu như không còn quan tâm tới những người thổ dân da đỏ đang đánh trống. Họ ngồi với nhau như trước kia họ có lần cùng ngồi trong Câu lạc bộ Hoàng gia ở phố St James. Nhưng sau một hồi lâu hai Giáo sư cũng bắt đầu bàn tán về những người thổ dân đang đánh trống kia. 
- Chắc lại là những thổ dân ăn thịt người Mirantha hay là Amajuaca đây mà! - ông Challenger nói, tay chỉ về phía cánh rừng đang vang dội tiếng trống. 
- Chắc chắn rồi thưa ngài! - ông Summerlee trả lời - Giống như những thổ dân khác. Tôi nghĩ rằng họ là những thổ dân thuộc về hệ ngôn ngữ hỗn âm Mông Cổ. 
- Đúng là họ thuộc hệ ngôn ngữ đa âm! - ông Challenger trả lời vẻ dễ dãi - Tôi cho rằng ngay ở đây cũng có nhiều thứ ngôn ngữ khác, phải đến hàng trăm chứ chẳng ít. Còn nói rằng đó là hệ ngôn ngữ Mông Cổ thì tôi nghĩ cũng chưa chắc chắn lắm. 
- Tôi thì cho rằng ngay cả những người có một lượng kiến thức hạn hẹp về giải phẫu so sánh cũng có thể giải thích được điều đó - Ông Summerlee nói vẻ châm biếm. 
Giáo sư Challenger xoa xoa chiếc cằm nhọn: 
- Đúng vậy! Chỉ với một lượng kiến thức hạn hẹp cũng có thể giải thích được điều đó. Khi người ta biết hết mọi thứ thì người ta thường đưa ra những lý lẽ sai lệch. 
Cả hai nhìn chằm chằm vẻ thách thức trong khi đó bốn phía xung quanh tiếng rầm rì lại nổi lên: Giết ! Giết!. 
Đêm hôm đó chúng tôi dùng đá thay mỏ neo để buộc hai chiếc thuyền ở giữa dòng suối cho chúng khỏi bị trôi và chuẩn bị mọi thứ để có thể đề phòng cuộc tấn công bất thình lình. Nhưng đêm hôm đó chẳng có gì xảy ra cả. Sáng hôm sau chúng tôi lại lên đường bỏ lại sau lưng tiếng trống đe dọa của những bộ tộc da đỏ man rợ. Khoảng ba giờ chiều chúng tôi gặp một thác nước rất dốc, dài khoảng hơn một dặm - thác nước mà Giáo sư Challenger đã gặp nguy hiểm trong cuộc phiêu lưu lần trước. Phải thú thật rằng phong cảnh của thác nước đã an ủi tôi rất nhiều vì đó là bằng chứng cụ thể đầu tiên về cuộc phiêu lưu của Giáo sư Challenger. Ngọn thác trông giống như những gì Giáo sư Challenger đã kể với tôi. Những người Anh điêng giúp việc của chúng tôi vác hai chiếc thuyền và hành lý lên bộ và đi xuyên qua những bụi cây chằng chịt. Trong khi chúng tôi - bốn người da trắng, vai khoác súng trường đi lẫn vào giữa những người Anh điêng, các giác quan căng lên đề phòng những nguy hiểm đang rình rập xung quanh. Chúng tôi vượt qua được thác nước khi trời tối và đi quá lên khoảng mười dặm sau đó hạ trại để nghỉ qua đêm. Chúng tôi ước tính rằng từ nhánh sông lớn cho đến lúc rẽ vào con lạch này vào khoảng trên dưới một trăm dặm. 
Buổi trưa hôm sau chúng tôi lại tiếp tục khởi hành. Từ lúc tinh mơ Giáo sư Challenger đã tỏ ra rất bồn chồn. Ông liên tục đưa mắt dò xét hai bên bờ con lạch. Bất thình lình ông kêu lên sung sướng và đưa tay chỉ về nơi có một cái cây đứng đơn độc chéo ngang một cách rất kỳ lạ bên bờ lạch. 
- Các ngài nhìn cái cây kia? 
- Chắc lại là một cây họ nhà cọ! - Giáo sư Summerlee nói. 
- Đúng! Đó là cây cọ mà tôi đã dùng làm cột mốc đánh dấu đường. Khoảng nửa dặm nữa sẽ là nơi bắt đầu của những điều bí mật. Cái cây này không hề bị nứt vỏ. Thật kỳ lạ! Đấy! Các ngài thấy chưa? Những cây bấc ở đó có màu xanh nhạt chứ không phải xanh đậm. Đó! Đằng sau của những cánh rừng bấc đó là thế giới bí mật của riêng tôi! Hãy qua đó đi và các ngài sẽ hiểu những gì tôi nói! 
Nơi này đúng là một nơi tuyệt diệu. Sau khi đến một địa điểm được đánh dấu bằng một hàng cây bấc xanh nhạt. Chúng tôi đẩy hai chiếc thuyền của mình xuyên qua những bụi bấc khoảng hơn trăm yard và cuối cùng chúng tôi đến một con suối nước nóng và chảy chầm chậm. Nước suối ở đây trong suốt khiến chúng tôi có thể nhìn xuống tận đáy. Con suối này phải dài đến hai mươi yards. Hai bên bờ suối là những bụi cây rậm rạp vô cùng. Những ai chưa được chứng kiến sẽ khó mà tưởng tượng được về sự tồn tại của nó và mảnh đất thần tiên phía sau tán cây rậm rạp đó. 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui