Trời mưa đến chập tối thì tạnh, không khí thoáng đãng, dễ chịu, cơn mưa rào bất chợt đến nhanh mà đi cũng vội.
Mới lúc trước sấm chớp còn nổ động trời, vậy mà nay tạnh mưa, cảnh vật tĩnh lặng, ếch nhái cũng chẳng buồn kêu.
Thầy Lương và ông Vọng cũng vừa dùng bữa xong.
Có lẽ bao nhiêu giông gió đã bị trận mưa vừa rồi đem hết đi nên không gian hơi ngột ngạt.
Bắc hai chiếc ghế ra bên ngoài hiên, ông Vọng khẽ đưa cho thầy Lương cái quạt nan rồi nói:
- - Mới mưa xong mà oi quá thầy nhỉ, thầy cầm tạm cái quạt, quạt cho mát.
Tôi vào kê thêm cái bàn nữa rồi đem ấm trà ra đây ta cùng uống.
Thầy Lương gật đầu đồng ý, kê bàn, bưng trà ra hiên, ông Vọng còn đặt thêm một bộ xe điếu cùng cái hộp nhỏ đựng thuốc lào xuống bàn rồi nhìn thầy Lương hỏi:
- - Không biết thầy có rít được món này không....?
Thầy Lương mỉm cười:
- - Bác trưởng làng coi thường tôi rồi, tuy tôi cũng là người Hoa, nhưng tính tới nay đã hơn phân nửa cuộc đời, tôi sống tại Việt Nam.
In dấu chân lên không biết bao con đường từ miền xuôi lên miền ngược.
Món này tôi thích.....Ha ha ha....Ha ha ha.
Bác trưởng làng cứ dùng trước đi.
Nghe thầy Lương nói, ông Vọng cũng cười phá lên, khẽ vê vê một bi thuốc lào, cắm ống điếu, châm đóm, ông Vọng kéo một hơi khá là dài, hút xong, ông khẽ ngửa mặt lên trời rồi nhả khói.
Sau cơn mưa, trời quang, lúc này đang là 7h tối, trên bầu trời lấp lánh muôn vàn vì sao.
Ngắm bầu trời sao lúc này, khóe mắt ông Vọng khẽ cay cay nhớ lại quãng thời gian ông còn nhỏ, lúc ấy còn cha, còn mẹ, thật hạnh phúc và ấm áp biết bao.
Tiếng xe điếu khiến ông Vọng quay sang bên thầy Lương nhìn, thầy Lương cũng vừa làm một mồi thuốc lào, thầy đang nhả khói, nhấp ngụm nước chè, thở nhẹ vài hơi, thầy Lương tấm tắc:
- - Thuốc lào ngon, mà bình thường bác hút bằng điếu cày, sao hôm nay lại có cái xe điếu cầu kỳ thế....?
Ông Vọng mỉm cười rồi đáp:
- - Chẳng giấu gì thầy, xe điếu này là của bố tôi.
Mấy hôm trước trong lúc tìm cái bình, tôi tìm thấy nó, nhìn xe điếu lại nhớ ngày xưa, cứ ăn cơm tối xong, ông lại kê ghế ra hiên ngồi như thế này rồi hút thuốc lào.
Ngày ấy tôi còn nhỏ, vậy mà giờ đây đầu cũng đã bạc trắng cả rồi.
Thời gian trôi qua nhanh thật, không biết như ông cụ nói thì giờ ông cụ đang ở đâu đó trong vô vàn những vì sao kia để nhìn tôi, ông có cười tôi không nhỉ...? Ha ha ha.
Thầy Lương hiểu, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, ông Vọng đã phải tiếp nhận quá nhiều những sự thật không thể tưởng tượng được.
Ngoài việc biết bố mẹ chăm sóc ông từ nhỏ không phải bố mẹ ruột, ông Vọng còn phải chịu đựng nỗi đau khi Cao gia bị thảm sát.
Kèm theo đó là hàng loạt những tai ương, kiếp nạn giáng xuống đầu ngôi làng của ông, khiến cho những người dân phải khốn đốn.
Ông Vọng là người có tâm sáng, hết lòng vì mọi người.
Thân mang danh trưởng làng, chứng kiến người dân trong làng cho dù họ chết vì lý do gì đi nữa, lương tâm ông cũng thấy đau xót, cảm thương vô cùng.
Cao gia đã gây ra những tội ác tày trời, cũng chính vì vậy mà người của Cao gia mới bị dân làng Văn Thái tận diệt.
Thân là cháu đích tôn của Cao Côn, nhưng cũng lại là người may mắn sống sót và được chính người dân làng Văn Thái nuôi dưỡng.
Người đàn ông với mái tóc bạc trắng vì phải đánh đổi mạng sống để cứu cho ngôi làng thoát khỏi tai ương kia mới chính là người đáng thương nhất.
Thầy Lương đáp:
- - Có chứ, chắc chắn họ sẽ cười mừng rỡ vì họ rất tự hào về bác trưởng làng.
Có lúc tôi nghĩ, khi tôi nói cho bác trưởng làng biết về thân phận thật sự của mình, liệu tôi đúng hay sai...? Nhưng trên đời này, tất cả mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân của nó.
Quá khứ là thứ đã qua, hiện tại và tương lai mới là điều quan trọng nhất.
Bác trưởng làng chớ nên tự dằn vặt, tự đau khổ.
Cao gia mắc tội lớn, nhưng dân làng Văn Thái ngày ấy cũng phạm phải tội tày trời.
Chính vì vậy mà cả Cao gia cũng như người dân làng này, thế hệ sau này phải gánh chịu nghiệp báo, hậu quả do chính họ gây ra.
Nếu như không có bác trưởng làng, há chẳng phải hậu quả sẽ càng khôn lường hay sao...? Giọt máu cuối cùng của Cao gia lại được chính người dân làng Văn Thái nuôi nấng.
Nói cách khác, ân oán, hận thù của ngôi làng này, ngoài bác trưởng làng không ai có thể hóa giải.
Theo tôi, đó chính là ý trời, mà đã là ý trời thì hãy cứ để thuận theo ông trời sắp đặt.
Trách cứ bản thân, dằn vặt quá khứ chỉ khiến bác trưởng làng thêm bận lòng mà thôi.
Đời người, đâu phải ai cũng có được những khoảnh khắc thư thái bên xe điếu thuốc lào, ngắm bầu trời sao, nhâm nhi chén trà nóng như thế này chứ.
Cảm ơn trưởng làng đã cho tôi khoảng thời gian quý báu này.
Ông Vọng vội xua tay:
- - ́y chết, thầy đừng nói như vậy.
Tôi và người dân làng này lẽ ra phải dập đầu cảm ơn thầy mới đúng.
Những gì mà thầy làm cho làng này có trả ơn cả đời cũng không hết.
Còn việc thân thế của tôi, nhờ có thầy tôi mới biết gốc gác của mình, biết về cha mẹ ruột của mình.
Đội ơn thầy lắm lắm.....
Thầy Lương nhấp thêm ngụm trà rồi mỉm cười nói:
- - Do duyên số mà thôi, duyên dẫn tôi đến đây, rồi duyên lại cho tôi gặp bác trưởng làng.
Dẫu sao cả hai chúng ta cũng như đồng niên, bản thân tôi cũng rất cảm phục tấm lòng độ lượng của trưởng làng.
Tôi đi rất nhiều nơi, gặp vô số người, nhưng những người như bác trưởng làng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Người sống tốt ắt có phúc phần, trưởng làng hãy coi như những gì tôi làm là để báo đáp phúc đức của trưởng làng mà thôi.
Đừng khách sáo, hơn nữa, giúp người cũng chính là tôi đang tự giúp bản thân mình.
Ánh mắt thầy Lương đượm buồn, ông chợt ngước lên bầu trời, trăng đã lên.
Gió đã bắt đầu hiu hiu thổi, nhìn trăng, thầy nói:
- - Trăng sáng quá, vậy là chỉ còn 2 ngày nữa đến rằm trung thu rồi.
Ông Vọng thoáng giật mình, như sực nhớ ra chuyện gì đó, ông Vọng hỏi lại:
- - 2 ngày nữa là trung thu rồi sao thầy...? Chết thật, nhiều chuyện xảy ra quá nên tôi quên bẵng đi mất.
Thầy Lương hỏi:
- - Chẳng hay trưởng làng quên điều gì..?
Ông Vọng đáp:
- - Thường thì cứ mỗi năm, đến rằm trung thu, dân làng sẽ tổ chức đón trung thu cho toàn bộ trẻ con trong làng.
Chúng tôi sẽ mua bánh kẹo rồi đưa bọn trẻ ra sân đình rước đèn, ngắm trăng.
Năm nào tôi cũng đứng ra tổ chức cho bà con, vậy mà tôi lại quên có chết không chứ.
Nói xong, gương mặt ông Vọng bỗng xịu xuống, ông thở dài:
- - Nhưng cũng không được, vừa qua làng xảy ra biết bao nhiêu chuyện, ngoài đình, tượng thờ thần Thành Hoàng đã đổ nát, sân đình sau lần xây bể hút nước giếng độc cũng hoang tàn, mùa màng mất sạch, chưa kể đến liên tiếp là những cái chết của người dân trong làng.......Liệu ai còn tâm trạng nào mà đón trung thu cơ chứ.
Chắc năm nay đành phải hoãn lại tất cả mà thôi.
Ông Vọng nói đúng, liên tiếp trong làng xảy ra nhiều việc đáng sợ, giờ đi ra đường ai cũng nơm nớp lo lắng chứ đừng nói nghĩ gì đến trung thu.
Trăng càng lúc càng lên cao, ánh trăng sáng vằng vặc soi sáng cả khoảng sân gạch trước hiên nhà.
Rót thêm nước trà vào chén cho thầy Lương, ông Vọng buột miệng hỏi:
- - Mà chiều nay thầy nói cần phải tìm hiểu về bí mật gì đó ở sợi dây chuyền.
Nhưng chỉ xem một lúc thầy đã trả lại tôi.
Không biết thầy có luận ra đươc thêm điều gì hay không...?
Thầy Lương khẽ lắc đầu:
- - Vẫn chưa, nhìn kiểu gì cũng không ra.
Tuy nhiên tôi có dự cảm, chắc chắn sợi dây chuyền này phải có liên quan đến bí mật mà đám Tiểu Quỷ kia canh giữ.
Có thể nó như một lá bùa hộ thân giúp cho người đeo có thê đào được của mà không bị ma quỷ ám lời nguyền.....Nhưng điều này tôi cũng không chắc chắn, nếu không suy tính kỹ lưỡng, chỉ e làm bừa sẽ phải trả giá bằng mạng sống.
Ông Vọng lấy trong túi ra sợi dây duyền mặt đá hồng ngọc, ngắm nghía sợi dây chuyền, ông Vọng nói:
- - Đến thầy Lương còn không luận ra được thì xem ra họa lần này không tránh khỏi rồi.
Thầy Lương đáp:
- - Tài của Cao Côn cao tựa núi, còn tôi chỉ như một ngọn cỏ ven đường mà thôi.
Tôi không thể nào sánh được với ông ta.
Chỉ tiếc rằng, ông ấy lại sử dụng khả năng của mình làm chuyện ác.
Mà trưởng làng luôn giữ sợi dây chuyền bên người à...?
Ông Vọng khẽ cười:
- - Dạ đúng thưa thầy, không tìm thấy không sao.
Giờ biết đây là di vật của bố mẹ để lại, tôi không dám để lung tung.
Cũng chẳng biết giấu đâu, nên thôi giữ trong người cho nó cẩn thận.
Vừa nói, ông Vọng vừa giơ sợi dây chuyền lên cao ngang tầm mắt.
Trên bầu trời đầy sao, ánh trăng vừa bị che khuất bởi một đám mây, lúc này mây đã rời đi để lộ vầng trăng sáng tiếp tục soi xuống khoảng sân, ánh trăng hắt cả vào trong hiên nhà nơi thầy Lương và ông Vọng vẫn đang đàm đạo.
Đột nhiên ông Vọng ấp úng, tay vẫn cầm sợi dây chuyền, mắt nhìn thẳng vào mặt đá hồng ngọc, ông Vọng nói:
- - Thầy....thầy Lương ơi......Tôi.....tôi nhìn thấy....gì thế....này....?.