Lần này Vinh tam gia ở phủ Quốc Công bốn ngày, cứ có thời giờ rảnh rỗi là ông lại ở bên ba huynh muội A Vụ. Lúc ông rời đi, Thôi Thị đứng ở góc cửa nhìn theo mãi cho đến khi bụi tung mù mịt không nhìn thấy vó ngựa mới quay vào nhà.
Vinh tam gia đi rồi, sức khỏe của A Vụ cũng khá lên nhiều, nàng thưa với mẹ muốn đi thỉnh an lão thái thái.
"Không phải gấp đâu, con vẫn chưa khỏe hẳn mà."
Thực ra Thôi Thị không muốn để A Vụ đến thượng phòng thỉnh an. Từ trước đến nay, lão thái thái luôn coi khinh tam phòng, lại chẳng yêu mến gì Thôi Thị, mà tiền thân trước kia của A Vụ luôn có bộ dạng khép nép, kém cỏi, thế nên bà ta càng thấy ghét, chưa bao giờ coi cô nhóc là cháu gái mình.
Vì chuyện này, tiền thân của A Vụ không biết đã khóc bao nhiêu lần. Thôi Thị xót con gái, luôn tìm mọi cớ để tránh cho con đến thượng phòng thỉnh an, nhưng cũng vì thế càng khiến lão thái thái ghét bỏ.
A Vụ đương nhiên cũng không thích gặp lão thái thái, nhưng sức khỏe của nàng đã khá hơn, trốn tránh không phải là cách hay, nàng không muốn mình bị coi là người không có nề nếp, phép tắc.
Huống hồ, cứ quanh quẩn mãi trong dãy nhà của Thôi Thị cũng bí bách, khó chịu. Nàng muốn ra ngoài, muốn đến phủ Công chúa gặp cha mẹ, muốn biết nàng sống trong cơ thể của A Vật, vậy thân xác A Vụ hiện giờ đang ở đâu?
Hôm nay A Vụ dậy rất sớm, Tử Nghiên giúp nàng búi tóc thành hai búi nhỏ trên đầu, phần tóc còn lại tết thành hai cái bím lẫn với dải lụa màu phấn hồng rủ xuống hai vai, phía trước còn thắt hai cái tua rua màu hồng trông rất đáng yêu, khiến người ta không thể không yêu mến.
Thôi Thị dẫn A Vụ bước vào khu nhà thượng phòng. Họ vừa bước vào sân đã nghe thấy giọng nói lanh lảnh của bé gái cùng tiếng cười vui vẻ từ trong phòng vọng ra.
Khi Thôi Thị dẫn A Vụ bước vào phòng, cả căn phòng đột ngột im tiếng, cảm giác Thôi Thị chính là con vịt trời bay lạc vào bầy hạc tiên vậy. Nhưng rồi chẳng bao lâu, ánh mắt mọi người nhanh chóng đổ dồn vào A Vụ.
Vinh Tứ vừa ngạc nhiên vừa ngưỡng mộ xen lẫn đố kỵ nhìn ngó A Vụ, thấy sau khi khỏi ốm, nàng như biến thành người khác. Tiền thân của A Vụ vốn là một mỹ nhân, trước đây cử chỉ e dè, nhút nhát, nhưng không ai có thể phủ nhận vẻ đẹp của cô, cô đi đến đâu cũng có ánh mắt nhìn theo. A Vụ bây giờ càng trở nên xinh đẹp, rạng rỡ.
Vinh Ngũ ngắm trang phục của A Vụ, áo choàng ngoài màu vàng nhạt thêu cành tường vi quấn quanh bông hoa đỏ, váy xếp li màu xanh thẫm, trang trí thêm họa tiết hoa nhỏ phối hợp với những bông hoa to, trông rất mới lạ, duyên dáng. Điều quan trọng là Vinh Vật Ưu không bắt chước cách ăn mặc của Vinh Ngũ nữa, đó mới là vấn đề.
"Lục muội muội trông đã khỏe hơn rồi đấy!" Vinh Ngũ nở nụ cười tươi bước đến kéo tay A Vụ, cố tỏ ra là người rất biết kính trên nhường dưới, sống chan hòa.
"Ngũ tỷ tỷ!" A Vụ ngẩng đầu cười ngọt ngào với Vinh Ngũ, để mặc cô ta kéo mình đến chỗ của lão thái thái, giống "cái đuôi" như ngày xưa của Vinh Ngũ.
"Kính chúc lão thái thái vạn phúc kim an." A Vụ hành lễ với lão thái thái, sau đó yên lặng đứng bên cạnh Vinh Ngũ.
"Ừm, trông cũng khá hơn rồi, không được lơ là việc học nữa nhé. Các cô nương nhà chúng ta không thể vô học như mấy thôn phụ được." Lão thái thái nói với giọng thờ ơ.
"Vâng." A Vụ ngoan ngoãn đáp lại, nàng vẫn ngoan ngoãn, ít lời như như trước khiến không ai nói được gì.
Chẳng bao lâu, căn phòng lại trở lên ồn ào, náo nhiệt. Vinh Ngũ rất biết làm cho lão thái thái vui vẻ. Cô ta kể nhiều chuyện cười đọc được trong sách, có trong cuốn Cổ kim tiếu, cũng có cả trong cuốn Tiếu lâm.
Mẫu thân của Vinh Ngũ là đại phu nhân lo quản lí nội phủ, trong ba người con dâu, bà là người khéo nịnh nhất, vì thế cả phủ này chỉ nghe thấy tiếng của bà và lão thái thái.
Nhị phu nhân mặc chiếc áo hoa nhỏ màu vàng đất với chiếc váy mã diện màu đen, vẻ mặt kiêu căng tự phụ, đó là vì bà ta cũng được lão thái thái yêu quý. Bà ta ngồi phía tay phải của lão thái thái, thỉnh thoảng đón lời của lão thái thái.
Vinh Tứ là con bà vợ lẽ của nhị phòng, nhưng tiền bạc cấp hằng tháng cũng như trang phục mặc bốn mùa không khác Vinh Ngũ là bao. Dạo trước có ba cô nương của Vinh phủ đều xuất giá, giờ chỉ còn lại mấy cô cháu gái nên Vinh Tứ cũng được yêu quý.
A Vụ lạnh lùng liếc Vinh Tứ, Vinh Ngũ, thấy một người thì làm trò, một người thì đóng vai phụ họa, còn lão thái thái là khán giả, do nếp nhăn trên khóe miệng của bà ta quá sâu nên dù đang cười cũng toát lên vẻ khắc ngiệt, chỉ khổ cho Vinh Tứ, Vinh Ngũ cứ ra sức lấy lòng bà ta.
Bữa sáng được bưng lên, Thôi Thị bưng trà, dâng bữa cho lão thái thái, các cháu trai, cháu gái ngồi xung quanh cùng dùng cơm.
A Vụ lặng lẽ dùng phần cơm canh trước mặt. Thôi Thị gắp cho nàng thứ gì nàng ăn thứ ấy, dù sao mấy đồ ăn này A Vụ thấy cũng chẳng có gì khác biệt. Cơm được nấu từ loại gạo tẻ ngon, nhưng chẳng thể nào sáng được với loại lúa trồng ở ruộng trũng mỗi tháng hoàng thất đưa vào phủ Công chúa.
Trước đây, trong bữa sáng A Vụ thích ăn một bát canh cá cháy hầm cùng với măng non hoặc om với rượu nếp. Loài cá này còn được gọi là "Trường Giang tam tiên", lý do là chúng rất quý, cứ ra khỏi nước là chết, vận chuyển được đến kinh thành thì giá đội lên tới trời, thế nên năm nào loại cá này cũng được coi là cống phẩm dâng vào cung. Cũng chính loài cá này ăn vào có tác dụng cam ôn, khai vị, nhuận tràng, bổ hư nên vì sức khỏe của A Vụ, Trưởng Công chúa chẳng tiếc thứ gì, hằng năm đều mua vài sọt to sai người trực tiếp mang tới phủ.
Còn món dưa muối khai vị trên bàn, bà muối dưa của phủ Trưởng Công chúa thường chọn loại rau trồng trên núi Ngọc Tuyền, dùng loại nước tương "Hà tương hương" vận chuyển từ Thục Trung ngàn dặm xa xôi đến kinh thành. Dưa muối giòn ngon, khai vị tiêu thực, chẳng ai muối dưa ngon như bà.
Vinh Ngũ mới ăn nửa bát đã kêu no, không ăn nữa. A Vụ chẳng buồn nhìn cô ta, chỉ mải miết ăn. Có người từng nói, ăn được là phúc, kiếp trước nàng ốm yếu không thể ăn, kiếp này khó khăn lắm mới có được một cơ thể khỏe mạnh nên rất quý trọng. Sáng nay nàng ăn hai bát cháo, một cái bánh mì quết mật ong, một cái bánh bao nhân thịt.
Lúc A Vụ buông đũa mới phát hiện mọi người đang nhìn chằm chằm như nhìn quái thú. May mà dáng ăn của nàng thực sự đẹp mắt, nên họ cũng chỉ ngạc nhiên vì nàng ăn nhiều chứ không nói gì.
Vinh Tứ cũng ngạc nhiên khi thấy Vinh Lục không bắt chước Vinh Ngũ nữa. Trước kia, chỉ cần Vinh Ngũ buông đũa là Vinh Lục cũng thôi không ăn nữa, dù đến trưa đói đến nỗi đau dạ dày cũng phải học theo dáng vẻ yểu điệu, thướt tha của Vinh Ngũ.
Lão thái thái đưa mắt nhìn A Vụ. "Lục nha đầu hôm nay thế là không được, sau này phải cố gắng học theo Ngũ tỷ tỷ. Nhà chúng ta dùng bữa cũng phải có quy tắc, thức ăn không để trong đĩa của cháu thì không phải là của cháu, cứ gắp bừa thì sẽ bị chê cười là thiếu giáo dục."
Thì ra Vinh Tứ, Vinh Ngũ chơi xấu, biết Vinh Lục thích ăn món giá xào tôm nõn nên đã ra hiệu cho nha hoàn để nó trước mặt nàng, rồi bảo Vinh Lục gắp ăn khiến nàng bị chê cười.
A Vụ không hiểu nguyên nhân vì sao, nhưng nghe lão thái thái nói thì nàng đã biết sự bất công trong đó.
Thôi Thị ngồi bên cạnh với vẻ mặt căng thẳng, miệng mím chặt. Sau bữa cơm, cả ba thế hệ lại ngồi nói chuyện với nhau, Thôi Thị và A Vụ tự nhiên thành người thừa, chẳng thể nói chen vào câu nào và đương nhiên cũng không có ý định ấy.