Ngoài trời đang đổ cơn mưa rả rích nhưng cũng không thể nào xóa đi cái không khí âm u não nề trong nhà ông phú hộ Lâm lúc này.
Tiếng đàn cò văng vẳng bên tai, lúc thăng lúc trầm cũng tiếng ca oán thán của người ca kĩ càng làm cho mọi thứ nặng nề hơn.
Mùi nhang khói nghi ngút hòa cùng tiếng ca đau thương, quả là đúng điệu của một đám tang.
Nhưng tuyệt nhiên lại không có tiếng khóc nào vang lên cả.
Cũng phải, bởi đây chỉ là tang lễ của một người vợ lẽ của cậu ba Khánh nhà ông phú hộ Lâm.
Gọi là tang lễ cho oai chứ cũng chẳng có gì ngoài một mâm cúng và một manh chiếu quấn quanh cỗ thi hài rồi đem đi chôn cất.
Vợ lẽ ấy mà, suy cho cùng thì cũng chỉ hơn gia nhân trong nhà một chút, thác đi cũng không được cho một cái lễ tử tế.
Huống hồ chi, người vợ thứ ba này của cậu Khánh còn có xuất thân là gái lầu xanh được cậu chuộc về.
Chỉ là cậu còn chút thương tình mới gọi người tới đàn tụng, chứ chẳng ai đứng ra khóc cả.
Tiếng guốc tre va trên nền gạch tàu tạo thành âm thanh khe khẽ mà vang vọng.
Tiếng đàn ca cũng dừng lại, không gian rốt cuộc cũng đã được yên tĩnh.
Từ cái ngày mà cậu rước mợ hai rồi mợ ba về nhà, chẳng mấy khi ngôi nhà rộng rãi này được yên thân.
Cái Chi đỡ mợ ba, à không, bây giờ nên gọi là mợ cả về giường, ân cần hỏi: “Mợ có mệt lắm không ạ? Để em đi rót cho mợ ít nước nhé?”
“Thôi được rồi.” Mợ ngồi trên giường gỗ, nhìn màn mưa bên ngoài.
Mợ cứ ngồi nhìn như thế cho đến lúc mưa ngừng hẳn mới nói: “Em đi xem coi cậu đã về chưa?”
“Vâng ạ.” Cái Chi nói rồi vội ra ngoài.
Mợ lúc này mới thở dài một cái rồi đi lại chỗ gương đồng, cẩn thận tháo trang sức trên người và cái trâm búi tóc ra.
Mái tóc đen dài bung xõa xuống sau lưng, vừa mượt vừa bồng bềnh như những áng mây trên bầu trời, cũng là mây trong tên mợ.
Mợ tên Vân, Trần Kiều Vân.
“Dạ bẩm mợ, cậu vẫn chưa về.
Em nghe nói cậu vẫn còn ở ngoài chỗ chôn mợ ba.” Cái Chi đi vào báo.
Nó nhìn sắc mặt mợ vẫn u buồn, nhẹ giọng trách móc: “Cái mợ ba này cũng thiệt là tình! Vào nhà gây rắc rối thì cũng thôi đi, lại còn thác ngay đêm tân hôn, đúng là xui hết chỗ nói!”
“Chi! Đừng có nói bậy, lỡ ai nghe thấy sẽ không hay đâu.” Mợ nhíu mày nhắc nhở.
Ai trong nhà cũng biết cậu rất thích người mợ ba tên Cẩm Nhung này.
Cậu ba quen biết Cẩm Nhung từ một lầu xanh ở huyện bên, qua lại ở bên ngoài đâu hơn nửa năm rồi cậu mới đưa về nhà.
Biết là gái làng chơi, làm sao ông bà ưng bụng cho cậu rước người qua cửa? Nhưng cậu cứ bướng, cứ giữ người lại trong nhà mà yêu thương.
Người làng biết chuyện Cẩm Nhung qua cửa rồi cũng là chuyện sớm muộn nên người ta cũng dần gọi là mợ ba.
“Hơn nữa, người ta đi cũng đi rồi, em đừng nói vậy kẻo thất đức.” Mợ lại dặn dò.
Cái chết của mợ ba cũng lắm oan khuất quá, ai cũng sợ có điều không hay.
Bởi lẽ… là một xác hai mạng.
Mợ ba chết trong khi vẫn còn mặc giá y, trong bụng lại còn đang mang thai…
“Dạ vâng em nghe mợ.”
“Thôi cũng muộn rồi, em thắp nến cho mợ rồi cũng đi nghỉ đi.” Mợ ra ý mệt mỏi muốn nghỉ ngơi, cái Chi vâng lời giúp mợ sắp lại chăn màn, để lại một ngọn nến mới trong phòng rồi lui ra.
Tiếng cửa gỗ kẽo kẹt vang lên, mợ mệt mỏi gác tay lên trán nghĩ ngợi.
Ba tháng trước, cậu đưa Cẩm Nhung về nhà.
Ông bà đã cấm đoán từ lâu nhưng cậu vẫn cứ mang tiền ra ngoài nuôi người tình nên cũng đành bất lực mặc cho cậu muốn làm gì thì làm.
Dẫu sao, ở trong nhà vẫn dễ quản hơn là người ngoài.
Nhưng rồi một ngày, lúc mợ đến gần thư phòng của cậu thì lại nghe được giọng nói bên trong nỉ non: “Cậu ơi em bảo cái này.
Em về nhà mình cũng đã lâu, mà sao cậu chẳng cho em cái danh phận nào hết? Gia nhân trong nhà, chúng nó cứ hoạnh họe bắt bẻ em.
Cậu bảo em theo cậu hưởng vinh hoa phú quý, mà vào nhà này chẳng ai coi em ra gì cả, chúng nó cứ nghe lời mợ cả, cứ xu nịnh mợ hai chứ có xem em ra gì đâu.”
Có giọng nam trầm thấp đáp lại: “Em đừng vội, cứ gượm thêm ít hôm đã, chờ tôi sắp xếp với cha mẹ.”
“Em chả chịu đâu! Cậu cứ bảo thế ấy! Cậu liệu mà cho em danh phận đi chứ… không thì con mình lại tủi.”
“Con? Em có thai hả?” Cách một lớp màn, mợ vẫn có thể nghe được giọng cậu có bao nhiêu là kích động, Cũng phải, con đầu lòng của cậu mà, cậu không mong sao được?
“Chứ còn sao nữa? Cậu liệu mà tính đi nhé! Người ta về buồng dưỡng thai đây.” Có tiếng guốc tre và hai người phụ nữ chạm mặt nhau ngay trước thư phòng.
Không biết do chột dạ hay sao mà cô ta có chút hoảng hồn, mặt tái xanh.
Mợ cười khẽ, hơi nghiêng người thì thầm vào tai cô ta:
“Em ở trong đó, nói cái chi với cậu mà lâu thế?”
“Liên… liên quan gì đến mợ?”
“Đúng nhỉ, liên quan gì đến tôi đâu.” Mợ đứng thẳng người, sau đó đi vào trong..