Mợ Ba


Hôm sau, trong nhà ông phú hộ có vẻ náo nhiệt hơn, bởi ngày mai là ngày giỗ cụ cố, tức là cha của ông phú hộ.

Chúng gia nhân trong nhà đi đi lại lại chuẩn bị, mợ cũng theo bà đi mua sắm đồ đạc nên dậy từ sớm.

Ai ai cũng bận rộn nhưng mãi đến gần trưa, mợ hai mới ở trong buồng đi ra.
Mợ hai không phải con gái dòng chính trong nhà, lại còn được chiều chuộng thành thói nên tính tình của mợ hai chẳng tốt.

Ngay cả cái cách mà mợ hai bày ra để được qua cửa cũng thể hiện được cái con người mợ ta nó như thế nào.

Lúc đó mắt thấy ông bà còn thương mợ Vân quá, mà cậu thì không có nhiều tiếng nói, thể là mợ ta chơi lớn.

Mợ ta với cậu tòm tem bên ngoài, bị bắt gian tại trận rồi thì ông bà không chịu cũng phải chịu.

Người ta nói gái thời tiết hạnh làm câu trao mình, giờ mợ ta đã thất tiết với cậu, gia đình ông thương nhân cũng làm ầm lên nên ông bà đành chịu.

Mợ ta vào cửa sau, nhưng tính tình lại hống hách chẳng xem ai ra gì cả.
“Cái con kia mày không thấy mợ à mà còn va vào? Bẩn hết cả áo!” Mợ ta đang đứng thì có một con gia nhân tay mang hai dĩa trái cây lỡ đụng trúng vai một tí.


Thế là mợ ta lại chửi đổng lên.

Mấy đứa gia nhân trong nhà nghe tiếng có ngó lại, nhưng thấy mợ ta thì lại đi làm việc tiếp chứ mấy ai mà quan tâm.

Chuyện cơm bữa ấy mà! Hình như cứ ngày nào mợ hai không chửi gia nhân trong nhà thì ngày ấy mợ ta ăn cơm không ngon.

Chúng nó cũng đã sớm quen rồi.
“Dạ dạ con xin lỗi mợ.

Con lỡ, do con đang vội quá.

Con xin lỗi mợ.” Con bé gia nhân cúi thấp đầu.

Mợ chỉ nhìn một cái là nhận ra ngay.

Nó là con Lành, gia nhân chuyên hầu bên cạnh bà.
“Vội cái gì mà vội? Mày vội rồi mày mù luôn à? Có hai dĩa trái cây cũng bưng không xong, nhà này nuôi mày đúng là tốn cơm tốn gạo mà.” Mợ hai vẫn tiếp tục mắng, con Lành chỉ dám cúi đầu mà chịu trận.

Mợ thấy thế mới tới giải vây: “Lành đem trái cây lên cúng với đem vào phòng cho bà đúng không? Đi đi không bà đợi.”
“Dạ mợ.” Con Lành như được ân xác, vội vội vàng vàng lủi đi mất.

Ở gian nhà giữa chỉ còn hai người phụ nữ đang đứng cùng nhau.

Mợ hai thấy vậy thì “Xì” một tiếng, bĩu môi: “Gớm, lại làm việc tốt nữa đấy.”
Mợ hơi chau mày, răn: “Em không muốn bẩn quần áo, vậy cứ ở yên trong buồng đi.”
“Tôi ở đâu thì liên quan gì đến chị? Chị quản được tôi chắc?” Mợ hai lại rống cổ lên mà cãi.

Mợ cũng không thèm chấp, đi lướt qua nàng ta: “Đi đâu tùy em, nhưng đừng có mà quấy rầy ai.”
“Chị!” Mợ hai tức tối nhìn theo bóng lưng thướt tha của mợ, vừa dậm chân vừa nghiến răng.

Cái Đào đi bên cạnh mợ ta mà thầm run rẩy.

Nó theo hầu mợ hai nhà này cũng đã mấy tháng, nó biết tính mợ hai.


Nó biết người mà mợ hai ghét nhất chính là mợ cả.

Bởi chính mợ cả, vì có mợ cả mà quyền hành trong nhà mợ hai chẳng bằng ai, tuy mợ ta hống hách là thế nhưng thực chất trong tay cũng chẳng có gì, ngay cả một số tài sản riêng cũng chẳng được chi phần.
Một trận sóng gió nhỏ này cũng không làm ảnh hưởng gì tới việc chuẩn bị đám giỗ.

Đêm đó cả nhà thức gói bánh tét, đến quá nửa đêm ông với bà mới đi nghỉ.

Cái Chi đến bên mợ, nói: “Mợ ơi, hay mợ cũng đi nghỉ đi, chỗ này đã có tụi con lo rồi mợ ạ.”
“Thôi, mợ ở canh với chúng bây cho vui.

Tối hôm qua mợ ngủ cũng không ngon.” Mợ đáp.

Cái Lành không biết ở đâu gần đó nghe được liền hỏi: “Mợ ngủ không ngon ạ? Hay con pha cho mợ chút trà tăm sen nhé?”
“Thôi, không cần đâu.

Mà em vào buồng coi bà đã ngủ sâu chưa, bà có nực thì quạt cho bà.” Mợ dặn, cái Lành cũng vâng dạ rồi đi ngay.

Cái Chi nhìn theo, chờ nó khuất bóng rồi mới thì thầm với mợ: “Mợ cẩn thận với nó đấy ạ.

Nó chẳng tốt lành gì đâu mợ ạ.

Sau lưng nó cứ nói xấu mợ suốt ấy.


Có người nói lại với em nghe.”
“Biết đâu là hiểu lầm thì sao? Em đừng có nghĩ oan cho người ta.”
Cái Chi không nói nữa, nó ra sau bếp lấy cho mợ ít trái cây ăn cho đỡ buồn miệng.

Chờ lúc vớt hết bánh ra nồi thì trời cũng hửng sáng, gà đã gáy mấy canh rồi.

Ông chống gậy ra sau nhà, hỏi mợ: “Qua giờ con có thấy thằng Khánh đâu không?”
“Dạ thưa cha, cậu ở trong phòng cả ngày.

Có thằng Tí mang cơm nước lên cho cậu chứ cậu không ra ngoài.” Mợ đáp.

Ông thở dài rồi lại chống gậy đi lên nhà trên.

Gần hai năm nay không biết trong nhà có ai làm sai chuyện gì khiến cho bậc bề trên quở trách mà gia đạo cứ xào xáo không yên.

Từ cái lúc mà cậu gặp rồi rước mợ hai Ngân vào nhà, hình như bao nhiêu chuyện trắc trở không hay nó cứ ập tới, làm ông tuy đã già mà cũng chẳng yên lòng nổi..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận