Lúc này, mợ hai mới dậy.
Mợ ta đi từ trong buồng ra, vẻ mặt mệt mỏi hỏi gia nhân: “Đêm qua có chuyện gì mà ầm ĩ thế hả? Còn có mấy cái thứ quái quỷ gì đây?”
Có đứa muốn đem dâu tằm với cả xương rồng vào buồng cho mợ hai, nhưng lại bị mợ ta giữ lại.
Con hầu ấy đáp: “Dạ mợ, đêm qua bà với mợ cả gặp ác mộng, tụi con đi kiếm ít cây lá về treo cho đỡ mợ ạ.”
“Thế thì phải đi xin bùa chứ treo làm gì ba cái thứ của nợ này! Cành lá lởm chởm, lỡ có sâu bọ gì thì sao hả? Rồi thêm dăm ba hôm nữa nó héo, nó khô rồi làm sao? Dẹp dẹp đi! Ai cho mà treo!” Mợ ta vội đuổi nó đi, nhưng gương mặt lại có vẻ lo lắng lắm.
Ừ thì mợ hai tin mấy chuyện tâm linh dữ lắm! Nhưng mà mợ ta chỉ tin mấy lão thầy bùa, thầy pháp ở xứ đẩu xứ đâu thôi.
Mợ hai không cho treo, con hầu kia cũng đành gom lại mấy cành cây bị mợ ta vứt dưới sàn đem dẹp.
Mợ ta thấy cái Lành với cái Chi, đứa nào cũng cầm mấy nhánh dâu thì bĩu môi chê bai.
“Gớm! Dăm ba cái nhánh cây thì làm được trò trống gì? Mà chị cũng ăn ở làm sao nên mới bị nó hù ấy chứ!”
Mợ chau mày, định nói gì đó thì phía sau vang lên giọng của bà: “Cô đang móc mỉa cả tôi đấy à?”
Ban đầu bà vốn thấy mợ hai cũng không đến nỗi nào, hoặc là bởi với cái tư cách người ngoài thì bà thấy mợ hai cũng tàm tạm.
Nhưng từ cái lúc mà mợ hai giở trò để vào được cái nhà này thì bà đã chẳng muốn xem mợ ta ra gì nữa.
“Gái thời tiết hạnh làm câu trao mình”, ấy thế mà mợ ta lại chẳng màng tới cái tiết trăm năm kia, bày trò lăng loàn với cậu để buộc cậu phải cưới.
Vào cửa rồi mợ ta cũng chẳng an phận, quậy tới gà bay chó sủa, bắt bẻ gia nhân thì cũng thôi đi, mợ ta còn lăm le cả cái vị trí mợ cả trong nhà.
Rõ ngớ ngẩn! Một đứa vào nhà từ cửa sau như mợ ta thì sao mà xứng với vị trí chính thất ư?
“Mẹ! Con không có ý đó!” Mợ ta vùng vằng, bà lại càng ghét thêm.
Nhà họ Lâm gia giáo phải chăng, bà chẳng tài nào chịu nổi cái tính nết vừa dở hơi vừa ương bướng, ngang ngạnh mà mợ hai cho là tân thời kia.
Mợ ta không đoan trang, cũng chẳng nhu mì, chẳng có chút gì ra dáng một người vợ hiền dâu thảo cả.
“Chứ ý cô là gì?” Bà vốn đang mệt mỏi lại càng thấy mợ ta không thuận mắt, lập tức đuổi người: “Đi đi! Đi đâu thì đi chứ đừng có lảng vảng trước mặt tôi.”
“Hứ!” Mợ hai dậm chân bỏ đi, trước khi đi còn cố tình dẫm lên chân con Lành một cái.
Nó chỉ dám kêu “A!” một tiếng chứ chẳng thể làm gì hơn.
“Có sao không?” Mợ hỏi.
Cái Chi nhìn thoáng qua thì thấy chân cái Lành đã ửng đỏ lên một mảng, chắc là sẽ sưng tấy.
Bà thở dài, phẩy phẩy tay: “Thôi mày ra nhà sau xem đi.
Bà ở đây với mợ được rồi.”
“Dạ con cảm ơn bà.” Cái Lành lê lết cái chân cà nhắc của nó xuống nhà sau.
Mợ lại rót trà cho bà, được bà cho ngồi xuống bên cạnh hỏi chuyện.
Cái Chi ở một bên cầm quạt quạt cho hai người, cũng thấy hơi tội cho cái Lành một chút.
Cái Lành nó cũng không hẳn là xấu, chỉ là nó tham quá.
Bởi tham nên nó mới chọn hầu bà, do ở chỗ bà là dễ kiếm chác nhất.
Mà từ lúc mợ Hai qua cửa đã rất ghét nó.
Chắc mợ nghĩ cái đứa tham như nó sẽ ước được trèo lên giường cậu.
Mà mợ hai cũng đúng chứ không sai, đúng là cái hồi mới vào nhà thì cái Lành nó có muốn trèo lên giường cậu để làm vợ lẽ.
Nhưng sau mấy lần thất bại thì nó cũng biết điều rồi, tới lúc mợ hai về nhà thì nó đã an phận hẳn.
Nhưng cái lòng nghi ngờ của mợ hai lớn quá, thành ra tới giờ vẫn ghét nó, mặc cho nó đã có tình lang rồi.
“Mai con lên chùa với mẹ đi.” Bà nói.
“Gì chứ cái chuyện này mình không để yên được con à.
Lỡ tới lúc trễ rồi lại không cứu vãn được gì.”
“Dạ mẹ.” Mợ đáp.
“Haizzz… không biết cái thằng Khánh nó rước con kia về có coi ngày coi tuổi không, mà sao xui quá!” Bà đập bàn một cái, bao nhiêu cái tức cái giận rồi cũng chỉ đổi được một hơi thở dài.
Mợ trầm ngâm nhẩm tính, rồi như nhớ tới cái gì, mợ nói: “Dạ… Hôm cậu làm lễ với em ba thì là ngày tốt, nhưng mà…”
“Nhưng mà sao?” Bà hỏi.
Cái lễ mấy hôm trước làm thì làm cho có, cho mợ ta lạy mặt gia tiên thôi chứ cậu với Cẩm Nhung đã ăn nằm với nhau từ lâu lắm rồi, trước cả lúc cậu đưa mợ ta về.
Cậu gặp Cẩm Nhung trong một lầu xanh ở huyện bên lúc mới lấy mợ hai về được dăm ba tháng, cậu chuộc thân rồi ăn nằm với mợ ta ở ngoài, tới lúc bị phát hiện mới đưa về nhà.
“Cái hôm cậu đưa em ba về là ngày mười bảy tháng giêng mẹ ạ.” Mà chắc cũng chẳng liên quan gì đâu.
Người ta bảo rước dâu ngày mười bảy chính là đại kị, rước về sẽ khắc chủ.
Cái này mợ thấy nhiều rồi, mấy nhà không nghe cứ nhằm ngày mười bảy rước dâu, sau đó đều gặp họa cả.
Bà lại thở hắt ra một hơi, nhìn bầu trời xám xịt ngoài kia.
Cơn giông lại kéo tới, kéo theo cả những chuyện mà chẳng ai ngờ tới cả..