Mối Tình Đầu - Ivan Turgenev

Cha tôi có thói quen cỡi ngựa mỗi ngày. Ông có một con con ngựa cái giống Anh tuyệt đẹp, lông đốm màu hạt dẻ, cổ thuôn, chân dài, một con vật không biết mệt, và hung dữ. Tên nó là Electric. Không ai có thể cởi Electric, ngoại trừ cha tôi. Một hôm, cha tôi đến gặp tôi, ông đang vui, một tâm trạng đã lâu lắm rồi tôi không thấy nơi ông, cha tôi đã sẳn sàng, đinh thúc ngựa đã mang. Tôi van cha tôi cho tôi được đi theo.

"Chẳng thà chúng ta chơi nhảy cừu còn hay hơn," cha tôi trả lời. "Con không thể đuổi kịp cha với con ngựa lùn của con."

"Được mà cha, con sẽ theo kịp; con cũng sẽ mang đinh thúc ngựa."

"Thôi được, theo cha vậy."

Chúng tôi khởi hành. Ngựa của tôi màu đen, lông bù xù, hùng dũng. Thật đúng vậy, ngựa của tôi phải gắng sức phi nước đại, trong khi Electric đủng đỉnh nước kiệu, tuy tôi không bị tụt hậu quá xa. Tôi chưa từng thấy ai cởi ngựa đẹp như cha tôi; dáng dấp phong nhã, và dường như ngựa của ông cũng hiểu được điều ấy và hảnh diện vì chủ mình. Chúng tôi đi qua các đại lộ, đến "Maidens' Field", nhảy qua nhiều hàng rào (ban đầu tôi cũng rất ngại, nhưng cha tôi vốn khinh bỉ những kẻ hèn nhát, nên chẳng mấy chốc tôi không còn sợ hãi nữa), hai lần băng ngang sông Moskva, và khi tôi có cảm tưởng chúng tôi sắp sửa quay về, đặc biệt khi cha tôi bỗng dưng nhận xét là ngựa của tôi đã thấm mệt, cha tôi đột ngột tách ra ở khúc sông cạn Crimean, và phi nước đại dọc theo bờ sông. Tôi thúc ngựa theo sau. Tới chỗ có những xúc gỗ khô chất đống, ông nhanh nhẹn tuột khỏi yên, bảo tôi xuống ngựa, đưa cương của Electric cho tôi, bảo tôi chờ ông tại đống gổ đó, và ông rẽ vào một con đường nhỏ, biến mất. Tôi bắt đầu đi tới lui dọc theo bờ sông, tay dắt ngựa và la rầy Electric; khi tôi dẫn, cô nàng liên tục trì kéo, ngúng nguẫy, khụt khịt, hí vang rân; khi tôi đứng lại, cô nàng không quên dậm chân hậm hực, và rền rĩ, ngoặm cổ chú ngựa lùn của tôi; thực tình mà nói, cô nàng cư xử y hệt một con ngựa thuần chủng hư hỏng vì được cưng chìu. Cha tôi vẫn chưa trở lại. Một màng sương ẩm ướt khó chịu bốc lên từ trên sông; mưa bắt đầu lất phất rơi, tạo nên những đốm đẹn li ti trên đống gỗ xám đáng ghét mà tôi cứ đi qua đi lại. Tôi buồn chán lắm nhưng cha tôi vẫn chưa quay về. Một người, chắc là lính canh, gốc Phần Lan, xám xịt từ đầu đến chân như mấy xúc gỗ, một cái nón shako kiểu xưa giống như cái nồi úp trên đầu, và kích trên tay ( bạn thử nghĩ xem, ở đâu chui ra một người lính canh bên bờ sông Moskva!). Ông đến gần, quay gương mặt nhăn nheo như một lão bà nhìn tôi, nói: "Cậu chủ ơi, cậu đang làm gì ở đây với mấy con ngựa này thế? Tôi giữ dây cương dùm nhé?"

Tôi không trả lời. Ông ta hỏi xin thuốc lá. Không muốn thấy ông nữa, (tôi lại đang mất kiên nhẫn) tôi bước vài bước về hướng lúc nãy cha tôi đã đi, lần theo con đường nhỏ tới một ngõ cụt, rẽ góc, và chết lặng. Trên đường, cách tôi chừng bốn muơi bước, lưng quay về phía tôi, trước cửa sổ một ngôi nhà gỗ nhỏ, cha tôi đứng dựa vào bệ cửa sổ; phía bên trong, khuất dưới tấm màn, một người đàn bà trang phục màu sẫm đang trò chuyện với cha tôi, người đàn bà ấy là Zinaida.

Tôi đông cứng người. Phải thú nhận, tôi không bao giờ nghĩ tới tình huống ấy. Phản ứng đầu tiên của tôi là muốn chạy trốn. "Cha sẽ ngoái nhìn" tôi nghĩ, " tôi sẽ chết mất..." nhưng một cảm xúc lạ thường -- mạnh hơn sự tò mò, mạnh hơn lòng ghen tuông, mạnh hơn cả lòng sợ hải -- đã giữ chân tôi. Tôi nhìn, tôi vảnh tai nghe. Dướng như cha tôi đang quyết liệt nói một điều gì đó. Zinaida không vâng lời. Dường như tôi thấy gương mặt nàng -- buồn thương, nghiêm trang, đáng yêu, và với một dấu ấn, không thể diễn tả nỗi, của sự hiến dâng, đau đớn, tình yêu và một điều gì đó như là tuyệt vọng -- tôi không thể tìm được lời mô tả. Nàng nói từng tiếng một, không ngước mắt lên, chỉ mĩm cười - tuân phục, nhưng không khoan nhượng. Chỉ bằng vào nụ cười mĩm ấy, tôi có thể nhận ngay ra chị Zinaida ngày xưa. Cha tôi nhún vai, và đưa tay sửa lại vành nón, luôn luôn là dấu hiệu cho thấy ông đã mất kiên nhẫn. Rồi tôi nghe: "Vous devez vous séparer de cette..." Zinaida ngồi thẳng lên, và đưa cánh tay ra... Thình lình, ngay trước mắt tôi, một chuyện không thể xảy ra đã xảy ra. Cha tôi đột ngột nhấc ngọn roi, thường dùng để phủi bụi trên áo, và tôi nghe tiếng gió vút của roi quất trên cánh tay, trần tới khủy. Tôi cố hết sức để không thét lên; trong khi Zinaida chỉ rùng mình, lẳng lặng nhìn cha tôi, chậm rãi đưa cánh tay lên môi, hôn vào vết hằn đỏ. Cha tôi quẳng roi, phóng trên các bực thềm, xông vào nhà... Zinaida xoay người, đôi tay vẫn dang rộng, đầu cúi thấp, cũng biến mất khỏi khung cửa sổ.

Tim tôi chùng xuống hoảng loạn, gần như kinh hoàng tôi chạy ngược lại con đường nhỏ, hầu như thả lỏng tay cương Electric, trở về bờ sông. Tôi không thể suy nghĩ minh bạch. Tôi biết người cha lạnh lùng, giỏi tự kiềm chế của tôi đôi khi lên cơn giận dữ; tuy thế, tôi không hiểu nổi những gì tôi vừa chứng kiến... Nhưng trong lúc ấy, tôi cảm thấy dù cho có sống thêm bao nhiêu năm nữa, tôi cũng không bao giờ quên được dáng điệu, cái liếc mắt và nụ cười ấy của Zinaida; hình ảnh vừa bất ngờ bắt gặp đã vĩnh viễn hằn sâu vào tâm khảm tôi. Tôi thẩn thờ nhìn dòng sông, và không để ý tới hai hàng nước mắt lã chã rơi. "Nàng bị đánh," tôi nghĩ.."đánh...đánh...."

"Con ơi! đang làm chi đấy? Đưa cho cha con Electric!" tôi nghe tiếng cha tôi nói sau lưng.

Một cách máy móc, tôi đưa cha tôi dây cương. Cha tôi lên ngựa... Lạnh vì phải đứng lâu một chỗ, Electric lồng lên, phóng xa mấy thước... nhưng cha tôi đã sớm ghìm chặt, thúc đinh vào hai bên sườn ngựa, nắm tay đấm vào cổ nó... "Ah, mình không có roi," ông nói khẻ.

Tôi nhớ lại tiếng vút của ngọn roi quất xuống, vừa mới đây thôi, và rùng mình.

"Cha bỏ quên ở đâu?" tôi hỏi, sau một khoảnh khắc im lặng.

Cha tôi không trả lời, phi nước đại tới trước. Tôi bắt kịp ông. Tôi thấy tôi cần phải nhìn vào mặt ông.

"Con chờ lâu, chán lắm không?" cha tôi nói qua kẻ răng.

"Hơi hơi. Cha bỏ quên cây roi ở đâu vậy?" tôi hỏi lần nữa.

Cha tôi nhìn tôi rất nhanh. "Cha không bỏ quên," ông trả lời; "Cha quẳng nó đi." Rồi cha tôi đắm chìm trong suy tư, cúi đầu... và, lần đâu tiên, hầu như cũng là lần sau chót, tôi thấy nét mặt khắc nghiệt của cha tôi diễn tả được biết bao nhiêu là dịu dàng, thương xót.

Cha tôi lại phi nước đại, và lần này tôi không thể bắt kịp; tôi về đến nhà sau ông cả mười lăm phút.

"Đó là tình yêu," một lần nữa, tôi nói với tôi, khi ngồi vào bàn viết, nơi sách vỡ đã bắt đầu xuất hiện; "đấy là nỗi đam mê!... Cứ thử nghĩ, ngồi yên không phản kháng, cam chịu cho người khác, ngay cả người thân thương nhất, đánh đập! Mình cứ tưởng... không thể như thế được, thế nhưng khi người ta yêu ...người ta có thể..."

Trong tháng vừa qua, tôi đã già đi khá nhiều, thế mà tình yêu của tôi, với tất cả những đau đớn, khổ sầu, dường như chỉ là một cái gì vụn vặt, trẻ thơ và đáng thương khi so sánh với một điều gì đó mà tôi không thể tưởng tượng được, không hiểu được, đã làm cho tôi kinh sợ, giống như một gương mặt xa lạ, đẹp nhưng đầy đe dọa mà ta phải gắng sức, trong vô vọng, để nhìn cho rõ trong bóng tối nữa vời...

Đêm ây tôi có một giấc mơ lạ lùng, đáng sợ. Tôi mơ thấy tôi đi vào một căn phòng tối, thấp .... Cha tôi đứng đó với ngọn roi trong tay, dậm chân giận dữ; Zinaida quỳ ở một góc phòng, và một vệt đỏ, không phải ở cánh tay, nhưng ở vầng trán nàng... Đàng sau hai người, Byelovzorov cao ngất ngưỡng, mình dính đầy máu; đôi môi trắng bệt đang giận dữ thốt ra những lời dọa nạt cha tôi.

Hai tháng sau, tôi được nhận vào đại học; và trong vòng sáu tháng sau đó, cha tôi từ trần vì chứng tai biến mạch máu não tại Petersburg, nơi gia đình chúng tôi đã dọn đến. Một vài ngày trước khi qua đời, cha tôi nhận được một lá thơ từ Moscow, lá thơ đã khiến cho ông buồn bực dữ dội... Cha tôi đã khẩn cầu mẹ tôi một ơn huệ nào đó: và, tôi nghe nói, ông phải rơi lệ... -- ôi, cha tôi! Buổi sáng ngày cha tôi mất, ông viết một lá thơ bằng tiếng Pháp cho tôi. "Con trai của cha," ông viết, "hãy kinh sợ tình yêu của phụ nữ; hãy kinh sợ thứ hạnh phúc ấy, thứ độc dược ấy..." Sau cái chết của cha tôi, mẹ tôi đã gởi một số tiền khá lớn đến Moscow.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui