Tác giả: Mộc Mộc Tử
Dịch thô: strongerle | Nguồn: Tàng Thư Viện
Biên tập: Tĩnh Nhiên | Thần Niên
Sau khi Hoàng thượng phát biểu chúc mừng đại thọ sáu mươi của Thái hậu xong, nội thị quản sự định tuyên đọc danh sách quà tặng thì bị Thái hậu phất tay ngăn cản: “Thôi được rồi, đều miễn cả đi.
Hiếm khi có nhiều người như vậy đến chúc thọ cho ai gia như hôm nay, đừng lãng phí thời gian vì mấy thứ lễ nghi phiền phức này.”
Nội thị quản sự ngập ngừng khó xử, thấy Hoàng thượng đứng một bên gật đầu thì nhanh tay cất danh sách đi rồi lui xuống.
Hoàng thượng dẫn dầu nâng cốc chúc mừng, tiếp đó văn võ bá quan cũng đồng loạt nâng cốc chúc Thái hậu sống lâu trăm tuổi.
Sau chén rượu mừng này, yến tiệc chính thức bắt đầu, bầu không khí trong Ngự hoa viên cũng dần thoải mái hơn.
Thức ăn và rượu ngon được các cung nữ dâng lên liên tục, trên sân khấu cũng tràn ngập tiếng nhạc và hình ảnh ca múa của vũ cơ.
Các hoàng tử lần lượt tiến lên kính rượu cho Thái hậu.
Khi đến phiên Định Bắc hầu kính rượu thì bà chỉ thở dài không nói gì, nửa vui nửa buồn kéo lấy tay chàng.
Thái hậu có cả thay ba người con ruột, trừ vua Tuyên Bình và vua Tuyên Đức, bà còn có một cô con gái nhỏ là công chúa Minh Dương, cũng mẹ của Định Bắc Hầu.
Công chúa Minh Dương đã sống bên cạnh Thái hậu từ bé nên rất được cưng chiều.
Đáng tiếc, Công chúa thành thân không lâu thì qua đời, chỉ để lại một đứa con trai độc nhất là Hạ Tu Ngôn, cũng vì vậy Thái hậu hết mực yêu thương chàng.
Ngày xưa, khi chàng còn ở trong kinh, Thái hậu thường gọi chàng vào cung chăm sóc, bây giờ sau bao nhiêu năm xa cách gặp lại, Thái hậu xót xa nói: “Minh Dương của ta phúc bạc, không thể tận mắt nhìn thấy con trưởng thành.
Con bây giờ bình an trở về, sau này trăm tuổi ta còn có cái bàn giao với mẫu thân con.” Thái Hậu nắm chặt tay của chàng, vừa nói vừa lau nước mắt.
Mọi người bên cạnh rối rít an ủi Thái hậu, Hạ Tu Ngôn cũng lên tiếng: “Mẫu thân nếu biết vào ngày vui như hôm nay con lại làm hoàng tổ mẫu khóc thì bà ấy chắc chắn sẽ trách con.”
Thái hậu bật cười, không khóc nữa: “Nói đúng lắm, ai gia phải thay mẫu thân con chứng kiến con kết hôn rồi sinh mấy đứa bé kháu khỉnh mới thật sự yên lòng.” Vừa nói xong, bà quay sang nói với Tuyên Đức đế: “Hôn sự của Ngôn nhi vì mấy năm đánh giặc bên ngoài mà trì hoãn đến tận bây giờ, tuổi của nó cũng không còn nhỏ nữa, Hoàng thượng cũng phải để tâm đến hôn sự của nó đấy.”
Vua Tuyên Đức bất đắc dĩ cười: “Mẫu hậu yên tâm, trẫm nhớ kỹ việc này rồi.”
“Cũng không được.
Hoàng thượng một ngày bận trăm công ngàn việc, chỉ sợ hôm nay nhớ, ngày mai lại quên.” Thái hậu nét mặt hơi tức giận, nắm chặt tay Hạ Tu Ngôn nói: “Việc này ai gia muốn đích thân xử lý! Ai gia sẽ thay Ngôn nhi tìm một mối hôn sự thật hoàn hảo.”
Tể tướng Ngô Quảng Đạt ngồi gần đó mỉm cười tiếp lời: “Xin Thái hậu yên tâm, biết bao cô nương nhà quyền quý trong kinh thành này cầu được gả cho Định Bắc Hầu đấy.”
Lời này rất hợp ý với Thái hậu, đám quan viên xung quanh cũng cười phụ hoạ theo.
Hạ Tu Ngôn cúi đầu, khoé miệng hơi vểnh lên, mặc kệ người khác trêu ghẹo thế nào cũng không nói gì.
Từ xa nhìn vào, cảnh tượng quân thần hoà thuận này quả thật đáng chú ý.
Chu Hiển Dĩ ngồi trong sảnh nhìn Hạ Tu Ngôn với ánh mắt tràn đầy ngưỡng mộ, cảm khái nói: “Tuy Hạ thế tử cùng trang lứa với chúng ta, nhưng lại vượt trội hơn chúng ta quá nhiều.”
Thu Hân Nhiên bình thản đáp: “Mấy lời Tể tướng Ngô nói thì chỉ nghe chơi vậy thôi, chứ thật bảo ông ta gả con gái của mình cho Định Bắc Hầu thử xem, Hiển Dĩ đoán ông ta có vui lòng không?”
Chu Hiển Dĩ chưa kịp trả lời, bỗng nghe một tiếng khịt mũi khinh bỉ ở bên cạnh vang lên.
Hai người đồng thời liếc mắt nhìn sang.
Ở bên cạnh Thu Hân Nhiên là một người có làn da ngăm đen, đôi mắt to như hạt châu, nhìn dáng vẻ thì chín phần là võ tướng.
Người đó đang trừng mắt nhìn hai người, giọng điệu hơi đay nghiến nói: “Định Bắc Hầu có chiến công hiển hách, vừa có tài năng vừa có diện mạo, gia thế cũng thuộc hạng nhất.
So với kẻ chỉ biết khua môi múa mép thì tốt hơn gấp trăm lần.”
Chu Hiển Dĩ xấu hổ đỏ mặt, Thu Hân Nhiên lại bình tĩnh, vẻ mặt ôn hoà từ tốn đáp lời: “Đại nhân hiểu lầm rồi.
Những lời bần đạo vừa nói về Định Bắc Hầu hoàn toàn không có ý chê ngài ấy thua kém người khác.”
“Vậy ý của đạo trưởng là gì?”
“Định Bắc Hầu chẳng qua chỉ ở trong kinh một thời gian ngắn.
Các cô nương muốn gả cho ngài ấy thì tương lai nhất định sẽ phải rời kinh đến biên quan.
Vì vậy rất nhiều gia đình sẽ cân nhắc vấn đề này, không nỡ gả cô nương nhà mình đến nơi xa như vậy.”
Lời nói của nàng thoả đáng và đúng mực khiến vị võ tướng kia nghe xong giọng điệu ôn hoà hẳn, nhưng vẫn có vẻ hơi khinh thường đáp: “Mấy loại người không chịu được gian khổ như vậy mới không xứng với Hầu gia nhà ta.”
Chu Hiển Dĩ vẻ mặt hoang mang nhìn nàng hỏi: “Làm sao cô biết Định Bắc Hầu sẽ không lưu lại kinh thành lâu?”
Thu Hân Nhiên sững sờ trong giây lát, đánh trống lảng không trả lời câu hỏi của Chu Hiển Dĩ.
Nàng nhìn võ tướng bên cạnh hỏi “Xin hỏi đại nhân vừa mới nói “Hầu gia nhà ta” phải không nhỉ?”
Câu hỏi này đã thu hút được sự chú ý của Chu Hiển Dĩ nên cũng nghi hoặc nhìn sang.
Vị võ tướng kia sơ suất để lộ thân phận, gương mặt dù hơi ửng đỏ vì ngại ngùng nhưng vẫn ưỡn ngực tự tin giải thích: “Đúng vậy.
Tôi là Hạ Trung, phó tướng [1] bên cạnh Hầu gia.
Hôm nay tôi đi theo ngài ấy đến để chúc thọ Thái hậu.”
Nghe Hạ Trung là phó tướng bên cạnh Hạ Tu Ngôn, đầu óc của Thu Hân Nhiên bỗng trở nên trì trệ, âm thầm hối hận vì lời nói lúc nãy của mình.
Nàng ngượng ngùng quay đầu đi không tiếp tục trò chuyện nữa.
Ngược lại Chu Hiển Dĩ nghe xong thì giật mình sửng sốt, ngồi thẳng sống lưng, chắp tay vái chào: “Đô uý Hạ [1]! Tôi ở kinh thành đã nghe uy danh của anh từ lâu.
Tôi rất kính phục anh đấy! Xin phép tự giới thiệu, tôi là Chu Hiển Dĩ.”
Hạ Trung sững sờ, không nghĩ tới đối phương khi nghe tên mình lại có phản ứng như vậy, bỗng nhiên thấy xấu hổ, vội vàng ôm quyền đáp lễ: “Chu đại nhân khách khí rồi.”
Chu Hiển Dĩ cũng không nói lời khách khí mà thực sự đã từng nghe đến danh tiếng của Hạ Trung.
Từ trước tới giờ, Chu Hiển Dĩ rất chú ý đến tình hình của Hạ Tu Ngôn ở biên quan Tây Bắc, đến mức quân Xương Vũ dưới sự chỉ huy của Hạ Tu Ngôn mấy năm nay đã đánh mấy trận chiến thì Chu Hiển Dĩ cũng biết rõ như lòng bàn tay.
Hai người trò chuyện và uống rượu một lúc thì thấy tiếc nuối vì đã gặp nhau quá muộn, ước gì cùng ngồi uống rượu tán gẫu thâu đêm suốt sáng.
Thu Hân Nhiên âm thầm nâng tay đỡ trán [2], nhìn hai người kia chỉ cảm thấy bất lực không biết nói gì.
Đột nhiên nàng nghe Hạ Trung ngập ngừng lên tiếng: “Tôi thực ra… có chút chuyện muốn hỏi anh đây.”
Vừa rồi cùng Hà Trung uống mấy chén rượu nên Chu Hiển Dĩ đã chếnh choáng say, cười ha hả nói: “Đô uý Hạ có chuyện gì cứ nói thẳng, đừng ngại.”
“Hồi còn ở biên quan, tôi nghe năm đó Hầu gia nhà tôi bệnh tật triền miên nhưng vẫn phải ra chiến trường là… vì Thánh thượng nghe lời gièm pha của một gã yêu đạo…”
Thu Hân Nhiên linh cảm lời tiếp theo của Hà Trung chẳng phải là chuyện tốt lành gì.
Quả nhiên sau đó nàng nghe được giọng nói đầy tức giận của Hà Trung: “Lần này đến kinh thành, tôi muốn tìm xem gã yêu đạo kia là ai.
Nếu như gã vẫn còn ở trong kinh, tôi nhất định sẽ xử đẹp một phen.”
Ánh mắt của Chu Hiển Dĩ sáng lên, đảo quanh không ngừng: “Khụ, Khụ… chuyện này, chuyện này tôi cũng từng nghe nói… Hình như đạo sĩ kia đã rời kinh rồi, không rõ sau đó thế nào.”
Hạ Trung vẻ mặt nuối tiếc, ngậm ngùi thở dài nói: “Thôi, chờ có cơ hội tôi lại điều tra xem có thể tìm ra tung tích của gã hay không.”
Chu Hiển Dĩ vẻ mặt lúng túng, nhìn Thu Hân Nhiên đang bày ra bộ dạng bình tĩnh, còn giả vờ nâng chén rượu lên nhấp một ngụm đánh trống lãng.
Chu Hiển Dĩ đành lôi kéo Hạ Trung uống thêm mấy chén rượu nữa, ha hả cười đùa dời đi chủ đề nhạy cảm này.
Yến tiệc diễn ra hơn phân nửa, Thu Hân Nhiên mượn cớ rời đi, Chu Hiển Dĩ không dám hỏi nàng đi đâu, mặc kệ cho nàng đi khỏi bàn tiệc.
Ngự hoa viên có diện tích rất rộng, may thay nàng khá quen thuộc nơi này nên tự mình thẩn thờ dạo bước một vòng, vừa đi vừa miên man suy nghĩ xem khi nào quay trở về thì vừa tàn tiệc.
Khi nàng đi đến gần một hồ nước bỗng nhận ra còn có một người khác đang đứng bên bờ hồ.
Người đó nghe tiếng bước chân thì cũng quay người lại.
Thu Hân Nhiên nhìn thấy được gương mặt của người đó thì ngạc nhiên, vội chắp tay khom lưng hành lễ: “Con chào thầy.”
Người này không ai khác chính là Bạch Cảnh Minh, Giám chính của Tư Thiên Giám.
Ông cũng là đệ tử của Cửu Tông ở Tĩnh Hư Sơn.
Nói đến vai vế, Thu Hân Nhiên phải gọi ông một tiếng “sư thúc”.
Xét về tuổi tác, ông có lẽ đã ngoài bốn mươi nhưng mặt mày trắng trẻo, không để râu, phong thái nho nhã, nhìn qua vẻ ngoài chỉ như mấy thanh niên vừa qua tuổi ba mươi mà thôi.
Dù đang làm quan ở trong triều nhưng quanh năm ông chỉ mặc một thân đạo bào, Thánh thượng gặp cũng có mấy phần kính nể.
Thời niên thiếu, Thu Hân Nhiên từng sống ba năm ở kinh thành.
Khi đó nàng đi theo Bạch Cảnh Minh học xem sao bói toán và cư trú tại nhà công vụ của Tư Thiên Giám.
Sau ba năm đó, nàng lại quay trở về núi Tĩnh Hư tiếp tục tu hành.
Kể ra hai thầy trò đã gần bảy năm không gặp nhau vậy mà Bạch Cảnh Minh chẳng có vẻ ngạc nhiên khi gặp lại nàng: “Con xuống núi từ khi nào?”
“Thưa thầy, cũng chưa lâu lắm.
Con dự định qua mấy ngày nữa sẽ đến thăm hỏi thầy ạ.”
“Sao con lần này lại xuống núi?”
Thu Hân Nhiên suy tư một chút, đáp lời: “Dạ vì thầy của con nói rằng con đã học thành tài, ngài ấy không có gì để dạy cho con nữa.”
Bạch Cảnh Minh gật đầu: “Bảy năm trước, khi Bão Ngọc sư tỷ giao con cho ta, cũng từng nói qua rằng con chính là đồ đệ tài giỏi nhất của bà ấy.”
Thu Hân Nhiên chỉ im lặng không đáp, lời này Bão Ngọc đạo nhân đã nói rất nhiều lần nên nàng cũng không giả vờ khiêm tốn làm gì.
Bạch Cảnh Minh tiếp tục hỏi: “Sau này con đã có tính toán gì chưa?”
Thu Hân Nhiên thoáng do dự: “Con vẫn chưa có tính toán gì ạ.”
“Bảy năm trước con đã theo ta học tập ở tại Tư Thiên Giám, nếu muốn con có thể đến chỗ ta.”
Thu Hân Nhiên suy nghĩ một lát, thành thật đáp: “Nói về xem quan sát tinh tượng [3], con hổ thẹn không bằng Nguyên Chu sư đệ.”
Nguyên Chu là đệ tử thân truyền [4] của Bạch Cảnh Minh, bảy năm trước nàng và cậu ta đã cùng nhau học tập dưới sự chỉ dạy của Bạch Cảnh Minh.
Nghe Thu Hân Nhiên từ chối, Bạch Cảnh Minh cũng không bất mãn hay không vui, lập tức đổi chủ đề câu chuyện: “Bảy năm trước, con đã từng tự hỏi không biết tại sao mình lại học bói toán.
Vậy bây giờ con đã hiểu rồi chăng?”
Thu Hân Nhiên ngẩn ngơ một lúc, nàng nói: “Cách đây mười năm tại cung điện Vĩnh Minh, con đã tìm thấy một nửa ý nghĩa việc học bói toán của mình.
Một nửa còn lại con hy vọng sẽ tìm được trong hồng trần ạ.”
“Nếu con vẫn không tìm được thì sao?”
“Thầy của con đã nói, không phải ai cũng đều có thể chứng đạo [5], nếu thực sự không tìm thấy thì có lẽ đó chính là “đạo” của con.”
Bạch Cảnh Minh mỉm cười: “Ta lăn lộn giữa hồng trần mấy chục năm vậy mà vẫn thua sư tỷ [6] thanh tu trong núi.”
“Trong núi có đạo, giữa hồng trần cũng có đạo.” Thu Hân Nhiên ngẩng đầu lên, mím môi cười nói: “Cũng chính vì như vậy mười năm trước thầy của con mới cho con xuống núi.”
Thầy trò hai người đứng trò chuyện bên hồ một lúc khá lâu.
Trước khi đi Bạch Cảnh Minh đột nhiên nhắc đến: “Hôm nay Định Bắc Hầu cũng đến dự yến tiệc.
Con đã gặp ngài ấy chưa?”
Thu Hân Nhiên vẻ mặt cứng đờ, lúng túng nói: “Vẫn chưa…”
“Chuyện năm đó…” Bạch Cảnh Minh bỗng dừng lại, lắc đầu cười nói: “Thôi quên đi, nếu đã chưa gặp thì con cũng đừng cố ý đến gặp ngài ấy.”
Thu Hân Nhiên bật cười, chắp tay vái chào: “Vâng, thầy dạy chí phải.”
Sau khi Bạch Cảnh Minh rời đi, chỉ còn một mình nàng đứng ở trong Ngự hoa viên rộng lớn.
Nàng đứng lặng yên bên hồ, phóng tầm mắt nhìn ánh trăng đang dịu dàng chiếu sáng, toả bóng xuống mặt hồ gợn sóng.
Xung quanh chỉ còn tiếng côn trùng khe khẽ khiến cho khung cảnh càng thêm tĩnh mịch, dường như cả mảnh trời nơi đây chỉ còn duy nhất một người là nàng.
Thu Hân Nhiên khe khẽ thở dài, thì thầm nói: “Ngày xuân lạnh lẽo, thí chủ còn muốn đứng nơi này bao lâu nữa?” Trong vườn vẫn yên ắng không bóng người, nàng quay người lại, dường như đang cùng ai đó nói chuyện: “Nếu như vậy, bần đạo sẽ rời đi, không quấy rầy nhã hứng của thí chủ.”
Nàng vừa cất bước muốn rời đi, xung quanh bỗng vang lên tiếng động nho nhỏ, phía sau hòn núi giả cách đó không xa, một bóng người chậm rãi bước ra.
Thu Hân Nhiên dừng chân, tò mò không biết người đến là ai.
Chờ đến khi nhận ra người đó, nàng sững sờ, cả người ngây ra như phỗng.
– Hết chương 3 –.