Mọi Việc Đều Hợp Chẳng Kiêng Kị Gì!


Tác giả: Mộc Mộc Tử
Dịch thô: strongerle | Nguồn: Tàng Thư Viện
Biên tập: Tĩnh Nhiên & Thần Niên |
Ngô Bằng thết tiệc đãi khách vào ngày mười sáu tháng ba.

Hôm đó Thu Hân Nhiên mặt dày ngồi ké xe ngựa của phủ họ Chu đi dự tiệc, đương nhiên trong xe còn có cả vợ của Chu Hiển Dĩ là Vương thị ngồi cùng.
Hôm nay vườn Phương Trì đã được bao toàn bộ không tiếp khách lạ.

Thu Hân Nhiên nhớ đến tiệc mừng lễ đội mũ của Lý Hàm Đài năm đó, Ngô Bằng cũng vung tay bao toàn bộ tầng hai của lầu Tuý Xuân, nhiều năm qua đi tên kia vẫn huênh hoang như cũ.
Ở ngoài vườn Phương Trì xe ngựa đầy rẫy, nom cũng không ít người đến dự tiệc.

Một nam hai nữ vừa vặn bước xuống từ một chiếc xe ngựa, Chu Hiển Dĩ và Vương thị đi sang chào hỏi ba người đó, Thu Hân Nhiên đi theo phía sau.

Nàng nghe mấy người nói chuyện với nhau mới biết đó là con trai của Hàn Thượng thư cùng vợ Trần thị và em gái ruột – con gái rượu của Hàn thượng thư – Hàn Lệnh.
Từ lúc thiếu nữ bước xuống xe, Thu Hân Nhiên đã cảm thấy cô gái này rất quen mắt nhưng không nhớ đã từng gặp ở nơi nào.

Lúc này biết thân phận của cô gái ấy mới nhớ đến hai người đã từng gặp nhau một lần.

Năm đó ở bên bờ sông Khúc, nàng đã tính một quẻ nhân duyên cho vị Hàn cô nương này, lại còn thu một số tiền thù lao kha khá…
Nghĩ vậy, nàng hơi chột dạ, cúi đầu ho nhẹ vài tiếng.

Cũng may năm đó nàng mang mạn che mặt, vị Hàn cô nương này chắc cũng không nhận ra.

Nghe Chu Hiển Dĩ giới thiệu nàng đã từng nhậm chức tại Tư Thiên Giám, Hàn cô nương kia hiếu kỳ nhìn nàng mấy lần.

Lúc Lý Hàm Viên vẫn còn sống, Thu Hân Nhiên đã nghe công chúa nhỏ nhắc đến người bạn thân thiết như chị em này của mình.

Nàng cũng biết Hàn cô nương đã từng cảm nắng Hạ Tu Ngôn, chỉ là qua nhiều năm rồi không biết mối tình vừa chởm nở của nàng thiếu nữ năm đó có còn hay không mà thôi.
Đoàn người sóng vai nhau vào vườn, Chu Hiển Dĩ và cậu Hàn được người làm trong vườn dẫn sang khu phía Tây, còn các vị nữ quyến thì đi đến khu phía Đông.

Phu quân là bạn đồng liêu nên các vị phu nhân cũng thường gặp nhau, Vương thị và Trần thị kéo tay nhau thân mật đi ở trước, Hàn Lệnh đi cạnh chị dâu của mình chỉ còn một mình Thu Hân Nhiên rớt lại phía sau.
Bốn người đi trên đường nhỏ một lúc thì đến vườn hoa phía Đông.

Từ xa cũng có thể nghe được tiếng nói chuyện rộn ràng ở phía trước.

Có một vài người làm xách mấy rương lớn chạy tới chạy lui trên đường nhỏ, hình như trong đó đựng một ít nhạc cụ hay y phục nhảy múa.
Đoàn người nối đuôi nhau đi vào, Thu Hân Nhiên nhận ra quản sự đã gặp vào hôm trước lúc nàng đến vườn Phương Trì, hiếu kỳ hỏi hắn:
“Trong này đựng cái gì vậy?”
Quản sự kia có vẻ không nhận ra nàng, thấy nàng đi cùng các vị phu nhân, tiểu thư ăn mặc sang trọng thì không dám lạnh nhạt, vội vàng trả lời:
“Đêm nay vườn chúng tôi có mấy tiết mục nhỏ góp vui cho chư vị quý nhân.


Trong này đựng một số nhạc cụ cần dùng khi biểu diễn ạ.”
“Mai Tước cô nương có biểu diễn không?”
Quản sự cười nói:
“Thưa có, hôm nay Mai Tước cô nương là đào chính đấy ạ.”
Hôm trước, Thu Hân Nhiên đã gặp chớp nhoáng Mai Tước ở trước biệt thự của Hạ Tu Ngôn nhưng hai người không nói với nhau câu nào.

Lúc này nghe nói Mai Tước sẽ biểu diễn vào tối nay thì có chút chờ mong.

Nàng hàn huyên với quản sự thêm vài câu rồi quay về bên cạnh Vương thị, đám người Trần thị nhìn người trong vườn Phương Trì bằng ánh mắt khinh thường:
“Cậu Ngô thết tiệc ở phường hát quả thực không ổn chút nào.”
Khách khứa đến dự tiệc lại nói những lời này, nếu để chủ nhà nghe được thì vô cùng thất lễ, Hàn Lệnh vội nói:
“Dù em ở trong chốn khuê phòng cũng nghe qua danh tiếng của vườn Phương Trì, nghe nói mấy cô đào ở đây đều là người trong sạch, kỹ nghệ vô cùng tốt.

Em vốn muốn đến xem từ sớm, ấy vậy hôm nay khó có được cơ hội như vậy cũng là nhờ ý tốt của cậu Ngô đấy.”
Vương thị cũng tiếp lời:
“Nghe nói rất nhiều văn nhân nhã sĩ ở kinh thành cũng đến đây nghe hát, tôi nghĩ hẳn đào kép nơi này cũng có bản lĩnh đấy.”
Nghe các nàng nói vậy, sắc mặt của đám người Trần thị mới miễn cưỡng tốt hơn, chỉ là thấy Thu Hân Nhiên mới nói chuyện có vẻ thân thiết với quản sự nên thái độ của bọn họ đối với nàng có đôi phần lạnh nhạt.
Yến tiệc được tổ chức tại hai lầu nhỏ nằm liền nhau, phía Đông dành cho khách nữ, phía Tây dành cho khách nam.

Mặc dù nam nữ không cùng một nơi nhưng hai bên cũng không cách xa nhau lắm.

Thu Hân Nhiên và mấy người Vương thị đi vào trong lầu nhỏ, thấy một vài phu nhân đang ngồi tụm năm tụm ba nói chuyện cười đùa, các cô nương trẻ tuổi đồng lứa với Hàn Lệnh thân thiết nói chuyện với nhau.

Thu Hân Nhiên đang đứng lạc lõng giữa đám người bỗng nghe có ai đó gọi tên nàng, ngẩng đầu thấy là Lý Hàm Như.
Hôm nay Thất công chúa mặc một bộ váy bằng gấm hoa văn vân mây, khuôn mặt như phù dung, khí chất xuất chúng, vẻ mặt vẫn kiêu ngạo như trước, cùng với đám tỳ nữ vây quanh nàng ấy tựa như đánh một con đường máu xông vào giữa đám thiếu nữ đang đua nhau khoe sắc, trở thành người nổi bật nhất trong đám đông.
Thất công chúa cùng đoàn tỳ nữ đi đến gần Thu Hân Nhiên.

Những khách nữ xung quanh vội đến hành lễ chào, Thất công chúa chỉ gật đầu hờ hững qua loa, đến trước mặt Thu Hân Nhiên, kiêu căng nói:
“Nhiều năm không gặp lại, cô cùng ta uống một chén.”
Rõ ràng là lời mời nhưng cách nói của Thất công chúa lại không để cho người ta từ chối.

Thu Hân Nhiên cười khổ, bất đắc dĩ đồng ý, gật đầu chào Vương thị một lời.
Đám người chung quanh thấy thế không khỏi tò mò thân phận của nàng, ngay cả Trần thị cũng kinh ngạc không thôi.

Chỉ có Hàn Lệnh lại đăm chiêu, mơ hồ nhớ lại hồi Lý Hàm Viên còn sống đã từng nhắc đến một người như thế.
Lý Hàm Như mời nàng ngồi xuống, hai người ngồi sau một bình phong nhỏ.

Thu Hân Nhiên mượn ánh nến quan sát tỉ mỉ cô gái đối diện, Lý Hàm Như vẫn giống trong ký ức của nàng.
Mặc dù từ năm Lý Hàm Như lên mười bốn, Trần Quý Phi đã cố gắng uốn nắn nàng ấy thành một công chúa đoan trang, nhưng hôm nay nàng ấy lại ngồi xếp bằng, một tay đỡ trên gối, một tay cầm chén rượu đầy như một nữ tướng quân chán chường.
“Ta nghe nói toà nhà của Ngô Bằng là do cô chọn giúp cho Hạ Tu Ngôn à?”
Lý Hàm Như thuận miệng hỏi.


Thu Hân Nhiên cười nói:
“Tôi chỉ phụng mệnh làm việc mà thôi.”
Lý Hàm Như cười nhạo, nói:
“Lời này của cô chỉ dùng để lừa gạt thiên hạ thôi.”
Lý Hàm Như nâng chén rượu, cười nhạt:
“Chuyện năm đó thế nào ta rõ nhất, nếu hai người không có gì thì sao lúc đó cô lại chẳng màng phạm tội khi quân, dám đứng ra tính một quẻ kia ở trên triều chứ?”
Nghe vậy, Thu Hân Nhiên không kinh hoảng, chỉ từ tốn đáp:
“Tội danh này tôi đảm đương không nổi.

Năm đó ở trên triều, tôi chỉ nói đúng những lời trên quẻ bói mà thôi.

Sao lại nói tôi chẳng màng phạm tội khi quân chứ?”
Lý Hàm Như nhìn chằm chằm đạo cô ngồi đối diện tựa như muốn nhìn thấu tâm tư của nàng, sau một hồi lắc đầu nói:
“Ta không tin! Nếu cô không cố ý, cớ sao người được chọn lại là y?”
Thu Hân Nhiên bật cười, nói:
“Công chúa cho rằng tôi cố ý nói dối để cứu Định Bắc Hầu, nhưng tôi thấy năm đó Hạ thế tử làm sao biết được xuất chinh lần này không phải là đi chịu chết chứ?”
Lời của nàng nghe cũng khá hợp lý, lúc ấy Hạ Tu Ngôn bệnh tật triền miên, nào ai nghĩ y có thể dẫn binh ra trận lại còn bình an quay về chứ? Tuy vậy Lý Hàm Như vẫn có chút chần chừ, chẳng lẽ năm đó Thu Hân Nhiên thật sự không có ý tốt như người ta đồn đại sao.
Thu Hân Nhiên thấy vẻ hồ nghi trên mặt của Lý Hàm như biết trong lòng của nàng ấy vẫn chưa tin, bất đắc dĩ nói:
“Dù công chúa có tin hay không thì một quẻ kia đúng là tôi đã tính ra như vậy.”
“Trước khi ra trận lại tính quẻ chọn tướng vốn là trò cười, nếu không phải ta biết rõ bản lĩnh của cô, sợ rằng ta cũng tin vào lời đồn là cô cố ý bày trò mới ra kết quả như thế.”
Năm đó Thu Hân Nhiên tính quẻ chỉ đích danh Hạ Tu Ngôn đã khiến triều đình ầm ĩ một phen.

Không ít người âm thầm đồn đoán phải chăng quẻ tính này của nàng là do có người giật dây, có thể là phái chủ chiến, cũng có thể là ý của Thánh thượng.

Nếu không có người ở sau lưng làm chỗ dựa thì chẳng ai có thể nghĩ được một Tư thần quan nho nhỏ của Tư Thiên Giám như nàng lại có thể dấn thân vào “vũng nước đục” lần này.
Chuyện năm đó e rằng chính vua Tuyên Đức lẫn Ngô Tể tướng đều nghi ngờ lẫn nhau, không biết rốt cuộc ai là kẻ đứng sau giật dây nàng làm như thế? Mỗi lần nhớ lại chuyện này, Thu Hân Nhiên lại đắc ý không thôi, giống như mình đã tính kế cả thiên hạ, mặc dù cuối cùng nàng cũng chẳng nhận được cái gì tốt đẹp… Thu Hân Nhiên bĩu môi, trong lòng tự chế giễu bản thân một hồi.

Lúc này, Lý Hàm Như lên tiếng:
“Chỉ là nếu năm đó cô thật sự cố ý hại Hạ Tu Ngôn thì với tính cách thù dai của y, tôi nghĩ hôm nay cô không thể vô sự ngồi ở nơi này.”
Lời này là sự thật… Thu Hân Nhiên bật cười, đang muốn tiếp lời thì Lý Hàm Như đã nói:
“Trừ phi…”
Lý Hàm Như cố ý kéo dài, ánh mắt nhìn Thu Hân Nhiên một lượt.
“Trừ phi cái gì?”
Thu Hân Nhiên tò mò hỏi.
“Trừ phi y phải lòng cô nên mới mắt nhắm mắt mở như thế.” 
“…”
Thu Hân Nhiên kinh hãi trố mắt há mồm, qua một hồi lâu sau mới cười rộ lên, nói:
“Câu nói đùa này của công chúa kinh người quá.”
Đạo cô cúi đầu nhấp một ngụm rượu lấy lại bình tĩnh.


Nàng mặc trang phục kiểu Đạo gia màu tím nhạt, tóc búi hờ cài một cây trâm gỗ, lúc nàng nâng chén rượu đưa lên môi, ống tay áo trượt xuống để lộ một đoạn cánh tay mịn màng trắng như tuyết, thoạt nhìn chẳng giống người tu hành ẩn dật trong núi sâu lại giống như các cô gái trẻ tuổi xinh đẹp bán rượu, tư thái có đôi phần quyến rũ, mị hoặc.
Lý Hàm Như thấy nàng nói như vậy, hỏi lại:
“Vậy cô nói xem lý do thật sự là gì?”
“… Tôi không biết.”
Thu Hân Nhiên cười khổ đặt chén rượu xuống, nói:
“Lần này e rằng công chúa đã đoán sai.

Tôi nghĩ Hầu gia đã có người trong lòng rồi.”
Lý Hàm Như ngạc nhiên, nhíu mày hỏi:
“Sao cô biết được?”
Thu Hân Nhiên chỉ cười không trả lời câu hỏi này, lắc đầu nói:
“Thôi, tôi cũng không muốn quan tâm đến chuyện của ngài ấy.”
Bên ngoài bỗng vang lên tiếng đàn du dương, khách khứa trong lầu đều đồng loạt nhìn ra.

Trên hồ ở ngoài lầu nhỏ có một đình nghỉ mát bốn phía giăng màn trắng, trong đình thắp nến lung linh, trên cầu cửu khúc nối giữa đình nghỉ mát và bờ hồ có một vài nhạc công chơi đàn thấp thoáng trong màn đêm mờ ảo, chỉ nghe rõ tiếng đàn tỳ bà véo von quanh quẩn.
Tiếng đàn này khiến khách khứa ở hai tòa lầu ở phía Đông và Tây lục tục đứng dậy đi đến gần.

Thu Hân Nhiên và Lý Hàm Như ngồi ở phía sau bình phong tại ban công ở tầng hai, vừa vặn đối diện với đình hóng mát, tầm nhìn từ trên cao thoáng đãng vô cùng.

Vì thế, hai người có thể thấy được mấy vị khách nam đi ra từ lầu phía Đông, trong đó người có phong thái xuất chúng nhất chính là hai vị đang đứng chính giữa.

Người bên trái mặc trang phục màu đen tuyền, thân hình cao lớn, mày kiếm mắt sáng; người bên phải lại mặc trang phục màu trắng ngà, dung mạo tuấn tú, phong tư tuyệt vời, vừa nhìn đã biết chính là Trịnh Nguyên Vũ và Hạ Tu Ngôn.
Chẳng biết có phải vì xuất thân nhà binh hay không, dáng người của cả hai đều cao lớn tựa như tùng như bách, ngạo nghễ đón gió, đứng chung một chỗ lại càng thêm nổi bật, vô cùng hấp dẫn ánh mắt của người xung quanh.

Đặc biệt là bên phía khách nữ, không ít cô nương lén lút nhìn hai người bọn họ khiến những hoàng tử bên cạnh đều tựa như làm nền.
“Bảy năm trước, mấy ai có thể nghĩ tới ngày hôm nay?”
Lý Hàm Như thản nhiên cảm khái một lời.
Thu Hân Nhiên cười nói:
“Thế sự vốn vô thường, nếu biết trước chuyện gì sẽ xảy ra thì đời người còn gì là thú vị.”
Lúc này một tiếng ca bỗng vang lên, tất cả mọi người đều nhìn sang đình nghỉ mát.

Sau rèm lụa trắng, bóng dáng một cô gái xinh đẹp đang cầm dù đứng sau màn, dáng người yểu điệu.

Tiếng đàn tỳ bà du dương chẳng biết đã dừng lại từ khi nào, giữa bầu không khí yên tĩnh như tờ, cô gái ở trong đình cất giọng hát những câu đầu tiên của bài “Dương Liễu Từ”, ca khúc khá quen thuộc mà người người trên phố đều từng nghe qua một lần.
Giọng hát của cô gái trong trẻo động lòng người, tựa như chạm đến được nơi sâu thẳm của trái tim.

Đuôi mày của Thu Hân Nhiên khẽ nhướng lên, lẩm bẩm một tiếng:
“Thú vị đấy.”
Khóe miệng của Lý Hàm Như khẽ nhếch, hai người chăm chú nhìn trong đình.

Tiếng nhạc vừa dứt, một thanh niên ăn vận kiểu thư sinh đi vào trong màn che.

Khán giả đứng bên hồ dần nhận ra, đây là đào kép trong vườn đang diễn kịch bóng, lời kịch cũng không giống những vở kịch ở bên ngoài nên thấy càng hứng thú.
Câu chuyện trong vở kịch cũng không phức tạp, kể về một thư sinh lên kinh dự thi, giữa đường gặp phải mưa lớn nên vào một đạo quán tránh mưa.

Lúc này chàng thư sinh vô tình gặp gỡ với một vị cô nương ở nơi này.


Cơn mưa kéo dài liên tục mười ngày, quãng thời gian này hai người dần dần nảy sinh tình cảm, trao đổi tính vật định tình.

Sau khi mưa tạnh trời quang, chàng thư sinh lại lên đường vào kinh.

Trước khi đi, chàng thề thốt sau khi đỗ đạt sẽ trở về hỏi cưới nàng.

Nửa năm sau, chàng thư sinh quả nhiên đỗ đạt làm quan nhưng lại bỏ quên chuyện này, hỏi cưới người khác.

Nếu dừng ở đây, câu chuyện này chẳng qua chỉ là giai nhân gặp phải thằng đàn ông phụ tình, chẳng có gì đặc biệt.
Thế nhưng vở kịch lại kể tiếp nửa năm sau đó, chàng thư sinh nhận được phong thư của cô gái ở trong đạo quán.

Trong thư viết rằng sau khi chàng đi, nàng phát hiện mình mang thai và đã hạ sinh một bé gái.

Người thân của nàng biết được chuyện này nên đã đuổi nàng ra khỏi nhà, hai mẹ con giờ đang ở nhờ trong đạo quán, bơ vơ không nơi nương tựa, mong chàng sớm đến đón hai người.
Thư sinh hay tin thì sợ hãi toát mồ hôi lạnh ướt sũng cả người, lo sợ chuyện này truyền đến kinh thành sẽ huỷ hoại danh tiếng của hắn.

Hắn lặng lẽ đến đạo quán gặp mặt cô gái nọ; còn cô gái gặp được tình lang lại mừng rỡ không thôi.

Nào ngờ tình lang của nàng ngoài mặt an ủi mùi mẫn, sau lưng lại lén bỏ thuốc độc trong trà giết chết nàng, không những thế hắn còn nhẫn tâm bóp chết bé gái còn nằm trong tã lót.
Khi cô gái phát hiện mình đã trúng độc, trước khi chết nàng ngã trên mặt đất, ai oán khóc than.

Cô đào đóng vai cô gái kia cất tiếng ca nỉ non khiến ai nấy đều cảm động, một vài nữ khách ở lầu phía Đông thút thít rơi lệ.

Thu Hân Nhiên ngồi trên tầng hai, cảm giác vở kịch này có chút kỳ quái.
Cô đào trong đình lại cất tiếng ca: 
“… Thiếp dầu chết cũng nguyền rằng, 
Nhiễu chàng một kiếp, bần thần chẳng yên.
Sinh thời nào đặng an nhiên,
Thác rồi cũng xuống hoàng tuyền mà thôi.” [1]
[1]
Từ câu từng từ trong lời ca của đào hát tựa như lệ máu khiến người nghe đều đau lòng rơi lệ.

Ngay lúc này, tiếng chén rượu vỡ tan trên mặt đất vang lên, Thu Hân Nhiên nhìn sang tên sai vặt đang run rẩy quỳ rạp trước mặt một gã đàn ông với vẻ mặt xanh xám.

Gã mím chặt môi, đôi mắt đăm đăm chẳng biết đang nhìn tên sai vặt quỳ trên mặt đất hay đang nhìn vào đình nghỉ mát ở phía xa.
Nhìn tình cảnh trong lầu phía Tây, Thu Hân Nhiên bỗng sáng tỏ.

Nàng đã hiểu tại sao lúc nãy mình lại cảm thấy vở kịch này kỳ quái.

Nàng vô thức tìm bóng dáng của Hạ Tu Ngôn trong đám khách nam ở bên kia.

Lúc này Hạ Tu Ngôn đang ngồi sau một bồn hoa cảnh, nàng chỉ nhìn thấy bóng lưng của y, cũng không biết lúc này vẻ mặt của y thế nào.

Dường như Hạ Tu Ngôn đang chăm chú nhìn về phía đình nghỉ mát, không để ý đến Lý Hàm Đài vừa làm vỡ chén rượu ở cách đó không xa.
Nhìn bóng người đàn ông bóp cổ đứa bé sau màn diễn, tiếng la khóc thảm thiết trong điện Quan Âm ở chùa Thanh Long vào bảy năm trước tựa như lại văng vẳng bên tai khiến Thu Hân Nhiên hoảng hốt, ngay cả ngón tay đang nâng chén rượu cũng run rẩy không ngừng.
– Hết chương 53 –.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận