1
Trước khi nhà họ Thôi đến đón ta hồi kinh, ta đang ở trong nha môn của huyện Hòe Lý thuộc Ung Châu, tìm Lý tri phủ để ông ta tính cho ta một quẻ.
Ông già nhỏ gầy đó đầu đội mũ cánh chuồn, người mặc áo cổ tròn, đứng trước mặt ta với vẻ mặt khó xử: "Cô nương, cô tha cho ta đi, tiểu nhân là tri phủ, sao mà biết đoán mệnh cơ chứ?"
Hòe Hoa ôm kiếm trong tay đứng ở một bên, ta ngồi trên ghế chủ tọa trong sảnh, một bàn tay chống đầu: "Không phải mười năm trước Lý đại nhân vẫn còn đang bày sạp đoán mệnh ở đầu phố Bình Lăng đó sao, bây giờ mua được chức quan, từng bước thăng tiến nên quên sạch nghề cũ rồi à?"
Trên trán Lý tri phủ toát đầy mồ hôi lạnh: "Không biết tiểu nhân đã làm gì đắc tội cô nương...."
"Chưa đến nỗi đắc tội, chỉ là mấy hôm trước là ngày giỗ của mẹ ta, bệnh của ta lại tái phát.
Ta đành tìm sợi dây thừng chuẩn bị treo cổ, thế mà lại nghe nói nhà họ Thôi ở trên kinh cử người đến rồi, giờ này còn đang ở trong dịch quán của quan nha.
Ông cũng biết đấy thôi, cha đẻ của ta chính là Lễ Bộ Thị Lang Thôi Khiêm, là quan viên bậc chính tam phẩm.
Ông ấy muốn đón ta về, thân là trưởng nữ của nhà họ Thôi, sao ta có thể không nghe theo lệnh cha?"
"Vậy ý của cô là?"
"Ta mới tìm Vương Mù tính một quẻ, ông ta nói chuyến này ta đi rất hung hiểm, có họa sát thân."
Ta mở mắt ra nhìn về phía Lý tri phủ, khóe miệng vẫn chứa đựng ý cười: "Ta không tin lắm, năm mười hai tuổi mẹ ta treo cổ trong điền trang ở huyện Mi, hai năm sau nhà cậu ta lại bị thổ phỉ đánh cướp giết hại, nhà họ Lê sụp đổ mà chỉ còn ta sống sót.
Ta cứ nghĩ rằng mạng của ta hẳn là rất cứng mới phải."
"Trên đời này trừ khi tự ta muốn chết, bằng không chẳng có kẻ nào đủ bản lĩnh lấy mạng của ta, ông cảm thấy thế nào?"
Lý tri phủ xoa mồ hôi trên trán: "Cô nương nói chí phải, cô là người có phúc."
"Phúc phận của ta còn cần Lý đại nhân thành toàn."
"Cô cứ việc phân phó."
"Người của nhà họ Thôi đã đến đây rồi thì hẳn là nhất định sẽ đi nghe ngóng chuyện về ta, đại nhân biết nên làm thế nào đúng không?"
"Biết, ta biết rõ.
Cô nương cứ yên tâm, kẻ nào dám khua môi múa mép thì tiểu nhân nhất định sẽ không buông tha."
"Vậy thì đa tạ."
Ta đứng lên, khẽ gật đầu ra hiệu.
Lý tri phủ vội vàng trả lễ: "Là chuyện ta nên làm, cô nương không cần khách sáo."
2
Ta, Thôi Âm, là trưởng nữ của nhà họ Thôi, cha ta nhậm chức Lễ Bộ Thị Lang ở Kinh thành.
Thuở nhỏ ta lớn lên ở quê ngoại nơi Ung Châu.
Ung Châu có mười lăm huyện, nhắc tới cái tên Thôi Âm thì sợ là chẳng một ai biết.
Nhưng nếu nói đến Lê Bạch, vậy thì không ai không hiểu.
Lê Bạch là cái tên mà Nhị cô nương của nhà họ Diêu đặt cho ta vào năm ta mười tuổi.
Lúc đó ta và mẹ ta sống cùng với nhau trong điền trang ở huyện Mi.
Điền trang này là sản nghiệp của nhà ngoại ta, nhà họ Lê tiếng tăm một vùng ở nơi đây, nhưng ông ngoại ta đã qua đời vào rất nhiều năm trước.
Ông ấy bị tức chết.
Bởi vì ông có một cô con gái khiến gia tộc mất mặt xấu hổ.
Trước khi xuất giá mẹ ta đã từng nảy sinh tình cảm với một vị biểu huynh ở phương xa tới nhà tìm nơi nương tựa.
Ông ngoại không hài lòng với người nọ, lúc đó ông nội ta đang làm quan nhỏ ở kinh thành, lại còn là bạn tốt nhiều năm của ông ấy.
Lúc còn trẻ ông nội từng rất nghèo túng, khi vào kinh đi thi thì có vòng qua đường tắt ở Ung Châu, tình cờ quen biết với nhà ngoại làm kinh thương của ta.
Ông ngoại gửi tặng tiền bạc, có ơn với ông nội nên sau này khi ông nội ta làm quan ở kinh thành đã định ra hôn ước giữa trưởng tử của mình và mẹ ta.
Mẹ ta từ Ung Châu gả chồng đến nơi xa, ông ngoại có tiền nên đồ cưới của mẹ khi ấy đầy ắp ba chiếc thuyền lớn.
Bà ấy gả cho cha ta, trưởng tử Thôi Khiêm của nhà họ Thôi.
Chỉ trong vòng ba năm đã sinh một trai một gái, cuộc sống rất bình lặng yên ả.
Tiếc là sau đó vị biểu huynh nương tựa trong nhà đã đi theo cậu hai của ta vào kinh thành làm ăn, ở tạm trong nhà họ Thôi.
Ta còn chưa được nửa tuổi thì mẹ ta và vị biểu huynh kia của bà ấy đã bị bắt gặp trong tình trạng quần áo xốc xếch ở hậu viện.
Ai ai cũng nói rằng bà ấy lả lơi ong bướm, đứa con gái kia không chừng cũng là con hoang.
Vị biểu huynh kia bị nhà họ Thôi đánh chết ngay tại chỗ.
Còn mẹ ta, vì thể diện của các con mình thì đáng ra bà ấy nên treo cổ tự vẫn mới phải lẽ.
Nhưng cậu hai ta không đành lòng, bèn cùng nha hoàn hồi môn và bà vú của bà ấy lén lút đưa mẹ ta trở về Ung Châu.
Bọn họ chân trước vừa rời đi, chân sau nhà họ Thôi đã gửi một bức thư bỏ vợ tới nhà họ Lê.
Ông ngoại vốn đang bị bệnh liệt giường, khi ấy nghe tin đã lập tức giận giữ đến chết.
Thuở nhỏ ta lớn lên ở nhà họ Lê, sau khi ông ngoại mất, gia đình do cậu cả và cậu hai cùng nhau làm chủ.
Cuộc sống của mẹ ta không hề dễ dàng, bởi vì hai mợ vô cùng khinh bỉ bà ấy.
Cuộc sống của ta cũng chẳng hề tốt đẹp hơn bao nhiêu, bởi vì mấy biểu ca nhà cậu cả luôn mắng mỏ ta là con hoang, thi thoảng còn sẽ thừa cơ đạp ta một cái.
Từ những ngày còn bé ta đã nghe quen tai, nhìn quen mắt với mấy chuyện xấu xa mà mợ kể kia, nghe bà ta chửi rủa mẹ ta, mỉa mai bà ấy thấp hèn, là kẻ dâm phụ lẳng lơ.
Lúc đó ta không hiểu, mãi cho đến một đêm khuya nào đó ta ngủ trên chiếc giường nhỏ trong phòng mẹ thì lại nghe thấy tiếng sột soạt và vài tiếng động lạ trong màn giường truyền ra.
Giọng nói của mẹ ta rất dồn dập, tràn đầy cầu khẩn: "A Âm đang ngủ, huynh chớ có đánh thức con bé, nhẹ thôi."
Nam nhân kia thở dốc, lặp đi lặp lại một câu: "Nguyệt Nương, muội là của ta, là của ta."
Nguyệt Nương là nhũ danh của mẹ ta.
Giọng nói của nam nhân kia cũng rất quen thuộc, ta nhận ra đó là cậu hai của ta.
Nhưng lúc ấy ta còn nhỏ, chẳng hiểu nổi chuyện gì đang diễn ra.
Mãi cho tới một ngày nào đó chuyện của hai người họ bại lộ, mợ hai như điên như dại đánh mẹ ta tới nỗi mặt mũi sưng đỏ, hộc máu tại chỗ.
Mợ cả chửi rủa, cậu cả yên lặng không nói lời nào.
Bọn họ nói đây là bê bối, vậy nên cậu hai của ta bị nhốt lại.
Cuối cùng vì để che giấu vụ tai tiếng này, ta và mẹ ta đã bị đuổi tới điền trang ở nông thôn vùng huyện Mi.
Năm đó ta bảy tuổi.
Điền trang là sản nghiệp của nhà họ Lê, nhưng quản sự ở nơi này lại chẳng hề coi chúng ta là chủ tử.
Bây giờ nghĩ lại thì hẳn là hắn ta đã nhận được lời dặn dò từ hai mợ và cố ý khắt khe chúng ta.
Cũng bởi vậy nên căn phòng chúng ta ở nằm ở nơi vô cùng hẻo lánh, mỗi lần mưa xuống thì sân nhà đầy bùn đất, nóc nhà đầy mưa dột.
Vào đông, ngay cả cái lò than cũng không có, đệm chăn ẩm ướt, rét lạnh đến nỗi tay chân đau nhức.
Nhưng mẹ ta rất vui vẻ.
Đã rất lâu rồi bà ấy không vui vẻ như thế, bà ấy dẫn ta đi quét dọn sân nhỏ cũ nát, lau bàn ghế sáng bóng không nhiễm một hạt bụi.
Bà ấy còn sẽ hái hoa, bẻ cành liễu trong ruộng vườn rồi đan thành vòng hoa đeo lên đầu ta.
Bà ấy cười rộ lên nói với ta: "A Âm, từ hôm nay mẹ sẽ dẫn con sống thật tốt."
Ta chưa từng thấy mẹ cười như vậy.
Mẹ ta nhu nhược yếu đuối và thực sự là một người nhát gan.
Ông ngoại là phú thương, bà ấy chính là một cô tiểu thư khuê các truyền thống được nuôi dưỡng nơi khuê phòng.
Nhưng sau này cái gì bà ấy cũng làm, áo gai vải thô, cầm cuốc xuống ruộng, chẻ củi nấu cơm, làm chuồng nuôi gà.
Lúc rảnh rỗi bà ấy cũng sẽ dạy ta học chữ, nào là nữ đức nữ huấn, nào là tam cương ngũ thường.
Ta không thích những quyển sách đó, trên đó viết "Phụ nhân có tam tòng chi nghĩa, vô duyên dụng chi đạo" khiến ta đọc thôi cũng phải cau mày lại.
Vậy nên ta xé luôn quyển sách đó rồi mang đi nhóm lửa.
Mẹ ta nhìn thấy, bà ấy nôn nóng tới nỗi giậm chân, bà ấy nói với ta rằng giấy rất đắt, sách cũng rất đắt.
Ta chau mày nói với bà ấy: "Nếu mẹ biết giấy đắt thì tại sao còn phải phô trương lãng phí, mua mấy thứ này về làm gì?"
Bà ấy ngập ngừng: "Ngày nhỏ mẹ học mấy thứ này, con gái nhà lành được dạy dỗ đều sẽ hiểu những thứ đó..."
"Mẹ cảm thấy nhìn con giống con gái nhà lành lắm sao?"
Ta xin thề, lời ta nói ra không hề có bất kỳ ý nghĩa gì khác, ta chỉ đơn thuần cảm thấy người đã luân lạc tới tận điền trang như chúng ta, cuộc sống nghèo khổ thế này thì thứ cần quan tâm chỉ là áo cơm no bụng mà thôi.
Nhưng hết lần này tới lần khác bà ấy lại hiểu lầm sang ý khác, sắc mặt lập tức trắng bệch, hốc mắt đỏ hoe, im lặng không nói gì đi vào trong nhà.
Ta biết bà ấy đang khóc, nhưng ta không còn sức lực quan tâm bà ấy nữa.
Ta phải đi giết chó thịt mèo cùng một tên ngốc cũng sống ở thôn trang trong huyện Mi.
Năm đó ta mười tuổi, đồ ngốc còn nhỏ tuổi hơn cả ta, hai chân để trần lấm lem, đầu bù tóc rối, người gầy gò toàn xương.
Lần đầu tiên gặp hắn là ở miếu hoang trong thôn, hắn dùng một cái bình gốm bị vỡ để nhóm lửa nấu thịt.
Từ ngày ta bị đuổi tới sống ở điền trang đến nay, đã ba năm rồi chưa từng được ăn thịt.
Lần theo mùi thịt rồi tìm thấy tòa miếu hoàng này, ta nhìn thấy hắn đang ngồi xổm ở bên cạnh, chăm chú nhìn vào chiếc bình gốm.
Hắn trông rất ngốc, nhìn ta cười, còn hào phóng chia cho ta một bát thịt.
Không bỏ muối, cũng không có bất luận gia vị gì nhưng ta lại ăn như hổ đói, ăn hết sạch sành sanh.
Thơm thật đấy.
3
Sau đó ta biết đồ ngốc tên là Lam Quan.
Hắn không phải là người của huyện Hòe Lý ở Ung Châu.
Cũng tuyệt đối chẳng phải là người xuất thân từ gia đình tốt lành gì.
Hắn sống lang thang khắp nơi từ khi còn bé, bị bọn buôn người bắt cóc tới Ung Châu.
Sau khi tắm rửa sạch sẽ mới biết hóa ra đây là một đứa trẻ có dung mạo xinh đẹp cực kỳ, cho nên quản gia của Triệu lão gia nhìn thoáng qua một cái đã vừa ý hắn, mua hắn vào phủ làm người hầu.
Cái tên Lam Quan này là do Triệu lão gia yêu thích văn thơ đặt cho hắn.
Nhưng sau này bọn họ lại không hề lưu tình đuổi hắn ra khỏi phủ.
Bởi vì đứa trẻ này là một tên ngốc, cái gì cũng không biết làm nhưng lại ăn cực kỳ nhiều.
Ấy mà hắn còn có sức lực cực lớn, đầu óc có bệnh.
Lúc ăn không no hắn còn bóp chết con chó to của nhà lão gia bằng tay không rồi lột da ăn thịt.
Bọn họ đánh hắn gần chết, ném ra bên ngoài.
Lam Quan lưu lạc ở miếu hoang trong thôn thế này đã hai năm.
Hắn còn có thể sống yên lành đến giờ cũng đều nhờ cả vào bản lĩnh giết chó thịt mèo của mình.
Có đôi khi hắn cũng sẽ vào rừng bắt vài con rắn để nướng lên ăn.
Ta và hắn trở thành bạn tốt, hắn cười ngu ngơ gọi ta là Âm Âm.
Sau này hai chúng ta thường xuyên rong ruổi khắp mười lăm huyện của Ung Châu, lúc đỉnh điểm thì một ngày còn trộm làm thịt được mười con chó.
Ta còn nhặt được một con mèo trắng có đôi mắt xanh như ngọc thạch ở trong thị trấn.
Con mèo đó có bộ lông trắng thuần như tuyết, sạch sẽ không nhiễm bụi trần, trên cổ còn đeo một chiếc vòng bằng bạc khắc chữ "Diêu" bên trên.
Ta biết nhà họ Diêu.
Tuy nói nhà ngoại họ Lê của ta cũng được coi như gia tộc giàu có ở vùng Ung Châu, nhưng đến trước mặt nhà họ Diêu chỉ sợ là một ngón tay cũng không so nổi.
Trong hoàng cung ở kinh thành có một Diêu quý phi vô cùng được sủng ái, là mẹ đẻ của thập tam hoàng tử.
Nhà họ Diêu ở dưới chân thiên tử, nhà cao cửa rộng, thanh danh hiển hách.
Ở quê quán Ung Châu cũng là gia tộc tiếng tăm, ngay cả tri phủ đến thăm cũng phải khom người chào.
Con mèo mà ta nhặt được là của Nhị tiểu thư nhà họ Diêu.
Lúc đó ta cũng chẳng nghĩ nhiều, ném con mèo kia vào bao tải rồi mang về nhà làm thịt luôn.
Nó bị mổ bụng, bị trộn lẫn trong đám chó mèo đã được lột da rồi sau đó lại bị ném vào chiếc xe đẩy do Lam Quan kéo đi và bán cho một tửu lâu ở trên thị trấn.
Tiền đổi được hai chúng ta cùng chia đều.
Ta không phải là người tốt lành gì, ngay từ ngày bé đã không phải.
Ta trời sinh tính tình tàn nhẫn lại lạnh nhạt, chút tình cảm chân thành duy nhất mà ta có đều đã chia cho mẹ ta.
Bà ấy nói muốn cùng ta sinh sống thật tốt.
Ta cũng thật sự muốn bà ấy có những ngày tháng tốt đẹp hơn.
Ta dùng tiền bán thịt mua cho bà ấy một con gà quay.
Sau khi về nhà bà ấy lại trực tiếp ném nó xuống đất, cầm một cái roi bằng rễ cây quất ta ---
"Mấy ngày nay con không về nhà là để đi ăn trộm ăn cắp thế này à?! A Âm! Con mới bao nhiêu tuổi hả! Tại sao lại sống thành cái dạng này?!"
Bà ấy khóc sướt mướt, ta rất là bực mình.
Ta trực tiếp ném cây roi kia xuống đất, nhặt con gà quay lên rồi phủi thoáng một cái, tự xé đùi gà ra ăn.
Sau khi ăn xong, ta nhìn mẹ ta đang ngồi khóc nức nở trên mặt đất, không nhịn được mà nói: "Mẹ, mẹ cam chịu số phận đi.
Con người sống một đời, đi đến tình cảnh gì thì phải chấp nhận cách sống ở tình cảnh đó."
"Con không thể sống giống cô nương nhà quan ở kinh thành, mẹ cũng không còn là tiểu thư nhà họ Lê, vậy thì hãy học cách tiếp nhận nó rồi sống cho thật tốt.
Tóm lại thì con cũng sẽ không giết người phóng hỏa, cũng không có bản lĩnh kia.
Mẹ đừng kỳ vọng quá cao với con, ở thời thế như bây giờ có thể ăn no mặc ấm là tốt lắm rồi."
"Không phải như vậy, A Âm, con không nên như vậy, đây không phải là con đường con nên đi."
Mẹ che mặt, nước mắt từ kẽ tay chảy xuống: "Là lỗi của mẹ, đáng lẽ ra ngay từ đầu mẹ nên treo cổ ở nhà họ Thôi, cũng chẳng đến nỗi để bọn họ mang con đi rồi phải sống cuộc đời khốn khổ thế này..."
"A Âm, con về nhà họ Thôi được không? Con đi vào kinh tìm cha con, nói gì thì nói con vẫn là con gái của nhà họ Thôi, bọn họ sẽ không bỏ mặc con."
Ta nghe vậy, chợt bật cười: "Quên đi, làm vậy để làm gì cơ.
Chính mẹ cũng biết rõ rằng dù con có về nhà họ Thôi thì sau này cũng chẳng sống dễ chịu hơn được."
"Là lỗi của mẹ, đều là lỗi của mẹ..."
Bà ấy gào khóc rất to, khóc mãi không ngừng.
Ta bất đắc dĩ thở dài một hơi, xé một cái đùi gà khác xuống đưa cho bà ấy: "Mẹ ăn đi, ăn cái đùi gà này xong rồi con tha thứ cho mẹ.".