Chương 1: Thời niên thiếu ảm đạm
Tần Khả Nhi, tên ban đầu là Trịnh Khả Nhi. Vào ngày Khả Nhi ra đời, Trịnh Đại Vĩ đứng ở bên ngoài phòng phụ sản, mặt mày lập tức sa sầm, quay người bỏ đi một mạch không thèm đoái hoài gì đến vợ con khi hay tin con mình là con gái. Tần Tuyết Liên ôm cô con gái sơ sinh gầy gò và yếu ớt trong lòng, hôn lên khuôn mặt nơn nớt của con, những giọt nước lăn dài trên gò má. Đứa trẻ hình như cũng hiểu được nỗi đau khổ của mẹ liền khóc “oe oe oe”. Tiếng khóc não lòng khiến cho các bác sĩ và y tá đứng bên cạnh cũng cảm thấy xót xa.
Vì sinh mổ nên Tần Tuyết Liên phải nhập viện mất bảy ngày. Kể từ sau khi Khả Nhi ra đời, chồng và mẹ chồng cô không hề xuất hiện thêm lần nào nữa. Cũng may Tuyết Liên vốn là y tá ở bệnh viện này, lại có mối quan hệ thân thiết với các bác sĩ, y tá trong viện, cộng thêm sự đồng cảm của mọi người đối với hai mẹ con cô nên ngoài thời gian làm việc, họ thường thay phiên nhau chăm sóc cho hai mẹ con.
Ngày thứ ba sau khi sinh, bà ngoại của Khả Nhi từ dưới quê lên, mang cho con gái bát canh gà để tẩm bổ. Xoa xoa đầu cháu gái, bà khẽ thở dài: -Con bé này đúng là số khổ!
Đến ngày hai mẹ con Tuyết Liên xuất viện, nhà chồng cô cũng không có ai đến đón. Bà ngoại của Khả Nhi nói với con gái:
-Chi bằng về quê với mẹ mà ở cữ!
Tuyết Liên lắc đầu đáp:
-Dù sao thì Khả Nhi cũng là cốt nhục của Đại Vĩ, chẳng nhẽ anh ấy lại nhẫn tâm bỏ rơi con mình?
Vừa về đến nhà, Tuyết Liên đã thấy cửa nhà đóng chặt, gõ cửa rất lâu mà ở bên trong chẳng thấy có chút động tĩnh gì, không những thế còn làm kinh động hàng xóm xung quanh. Mấy người hàng xóm mở cửa ra, nhìn thấy Tuyết Liên liền lên tiếng chào hỏi:
-A, chị Tuyết Liên ra viện rồi à? Anh Trịnh không có nhà sao? Hay là qua nhà em ngồi một lúc đi, chị còn đang ở cữ, không được ra gió đâu!
Tuyết Liên gượng cười đáp:
-Không sao đâu, chắc là anh Đại Vĩ đi mua thức ăn sắp về rồi, em đứng ngoài cổng chờ một lát cũng được!
Một chị hàng xóm khác nói:
-Không phải đâu, lúc nãy tôi vừa nhìn thấy chú Trịnh mà, hình như chú ấy bận làm gì ở trong nhà nên không nghe thấy cô gọi cửa. Để tôi gọi cửa giúp cho!
Chị hàng xóm nhiệt tình chạy sang gõ mạnh vào cửa, vừa gõ vừa lớn tiếng gọi: Chú Trịnh, chú Trịnh ơi…Mau mở cửa cho tôi với!
Cuối cùng thì cửa cũng mở ra. Trịnh Đại Vĩ đứng ở trước cửa, miệng tươi cười nói:
-Vừa nãy tôi mải hầm canh ở trong nhà, không nghe thấy tiếng gọi cửa, cám ơn các chị nhé! –Thời bấy giờ vẫn chưa có những căn nhà cao cấp như bây giờ. Nhà chồng Tuyết Liên chỉ là một căn chung cư phúc lợi được đơn vị nơi Trịnh Đại Vũ làm việc cấp cho nhân viên. Tất cả căn chung cư trong tòa nhà này đều được đơn vị cấp cho các nhân viên trong đơn vị, thế nên trên dưới, xung quanh…đều là những đồng nghiệp của Trịnh Đại Vĩ. Trịnh Đại Vĩ vì sợ làm to chuyện này sẽ mất mặt trước đồng nghiệp nên đành phải mở cửa cho vợ con vào nhà.
Vừa đóng cửa lại là sắc mặt anh ta thay đổi hẳn.
Trịnh Đại Vĩ gầm lên với Tuyết Liên:
-Cô còn về đây làm gì?-Tuyết Liên vốn là một phụ nữ dịu dàng và yếu đuối, thấy chồng mắng mỏ, cô chỉ biết đứng ngây ra giữa phòng khách, những giọt nước mắt lã chã tuôn rơi, không biết phải làm thế nào.
Bà ngoại Khả Nhi xót con gái liền nhẹ nhàng khuyên bảo con rể:
-Đại Vĩ, Tuyết Liên còn đang ở cữ. Có chuyện gì thì để hết tháng hãy nói!- vừa nói bà vừa dìu con gái về phòng ngủ.
Vì đứng quá lâu nên Tuyết Liên cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
Vừa đặt được con gái xuống giường đã nghe thấy tiếng mẹ chồng đập bát đập đũa loảng xoảng ở ngoài phòng khách, cùng với đó là tiếng nói chói tai của bà:
-Nhà họ Trịnh chúng ta sao mà đen đủi đến vậy, bị một kẻ chẳng ra gì khiến cho tuyệt tự tuyệt tôn. Ở quê tao mà lỡ sinh con gái đầu lòng là người ta ném hết vào rừng cho sói nó ăn rồi!.
Trịnh Đại Vĩ và Tần Tuyết Liên đều là nhân viên công chức nhà nước, theo quy định là không được phép sinh con thứ hai. Vì vậy con dâu và cháu gái đương nhiên trở thành cái gai trong mắt bà Trịnh.
Tuyết Liên mệt mỏi dựa vào thành giường, nhìn vào khuôn mặt non nớt đang chìm trong giấc ngủ của Khả Nhi. Nước mắt của cô lại thi nhau tuôi rơi. Đứa trẻ chưa đầy tháng còn chưa biết xung quanh mình đang xảy ra chuyện gì, vẫn say sưa chìm trong giấc ngủ. Bà ngoại của Khả Nhi là một bà lão nông dân hiền lành, chất phác. Điều duy nhất bà có thể làm lúc này là lặng lẽ lau nước mắt cho con gái.
Chưa đầy tháng, bà Trịnh đã hoạnh họe ép bà ngoại của Khả Nhi phải về quê. Chẳng những không chăm lo cho con dâu và cháu nội của mình, bà Trịnh còn suốt ngày hoạnh họe, mắng nhiếc Tuyết Liên. Tuyết Liên khổ sở vô cùng, đến cơm cũng không được ăn no. Mẹ đói đương nhiên lấy đâu ra sữa cho con bú, thế nên Khả Nhi khóc oe oe suốt ngày vì khát sữa.
Không chỉ có vậy, Tuyết Liên chưa ở cữ được hết tháng đã phải xuống giường làm việc nhà, phục vụ mẹ chồng và chồng mệt đến tối tăm mặt mũi, thế mà còn phải chịu đựng sự lạnh nhạt và mỉa mai của hai mẹ con họ. Đúng lúc ấy thì Tuyết Liên mắc bệnh. Thế là từ đó về sau, cứ mỗi lần thay gió trở trời là Tuyết Liên lại đau nhức toàn thân. Hết thời gian nghỉ đẻ, Tuyết Liên không thể không tiếp tục đi làm. Sau khi cho con bú và thay tã cho nó xong, Tuyết Liên rụt rè nói với mẹ chồng:
-Mẹ ơi, mẹ giúp con chăm sóc cho Khả Nhi một lúc nhé! Hết giờ làm con sẽ lập tức về nhà!
Mẹ chồng lạnh nhạt “Ừ” một tiếng.
Tuyết Liên vẫn cảm thấy có chút không yên tâm, muốn trao đổi với mẹ cách chăm sóc đứa trẻ thì mẹ chồng đã bực mình gắt:
-Thôi đủ rồi, chẳng qua chỉ là chăm sóc một đứa trẻ con thôi mà. Đại Vĩ do một tay tao chăm sóc từ nhỏ đến lớn, chẳng lẽ lại không biết chăm trẻ bằng mày?
Tuyết Liên thấy mẹ chồng nói vậy liền im bặt không dám lên tiếng nữa. Cô đi làm mà lòng dạ cứ thấp thỏm. Chắc là do giữa mẹ và con luôn có thần giao cách cảm, thế nên lúc đi làm Tuyết Liên luôn cảm thấy nóng ruột. Trưa hôm ấy, cô xin y tá trưởng cho nghỉ buổi chiều rồi tất tưởi chạy về nhà. Trong phòng yên ắng đến lạ thường. Bình sữa bột cô chuẩn bị cho Khả Nhi trước khi đi làm vẫn nằm yên ở trên bàn chưa ai pha. Nói một cách khác, suốt cả sáng nay Khả Nhi vẫn chưa được bú sữa. Tuyết Liên xộc thẳng vào phòng ngủ, thấy con gái đang nằm trên giường, miệng bị dán băng dính kín mít. Khuôn mặt non nớt tím tái vì ngạt thở. Tuyết Liên hoảng hốt gỡ miếng băng dính ra khỏi miệng con gái nhưng đứa trẻ lúc này khóc không thành tiếng được nữa. Hai tay của Tuyết Liên như run lên. Cô ép bản thân mình phải thật bình tĩnh để thực hiện cấp cứu cho con. Một lúc sau, Khả Nhi cuối cùng cũng khóc được ra tiếng. Tuyết Liên thở phào nhẹ nhõm, hai chân mềm nhũn ngồi bệt xuống đất, hai tay ôm chặt lấy đứa con tội nghiệp của mình. Nỗi đau đớn bị dồn nén ở trong lòng bật ra thành tiếng khóc.
-Khóc cái gì mà khóc, ồn quá đi mất!-mẹ chồng của Tuyết Liên hùng hổ xộc vào phòng ngủ.
-Tại sao mẹ lại làm như vậy?-Tuyết Liên giơ miếng băng dính lên hỏi.
Bà Trịnh khinh khỉnh đáp:
-Hừ, cái con ranh này khóc luôn mồm, ồn ào chẳng để cho ai ngủ cả!
Tuyết Liên phẫn nộ quát:
-Bà nỡ làm như vậy với một đứa bé chưa đầy một trăm ngày, bà có phải là con người không vậy?
Bà Trịnh đứng ngây ra vì bất ngờ. Cô con dâu ngoan ngoãn, hiền lành thường ngày hôm nay bỗng nhiên dám chống đối lại bà. Hơn nữa đây là lần đầu tiên bà Trịnh thấy con dâu mình tức giận đến thế. Đúng lúc ấy thì Trịnh Đại Vĩ đẩy cửa bước vào, nhìn thấy cảnh tượng trước mặt liền thuận miệng hỏi một câu:
-Có chuyện gì thế?
Vừa nhìn thấy con trai về, bà Trịnh liền tỏ vẻ ấm ức, ngồi bệt xuống đất vừa vỗ đùi vừa gào khóc:
-Ông trời ơi, tôi đã tạo ra nghiệp chướng gì thế? Suốt nửa đời người ở góa nuôi con, khó khăn lắm mới nuôi con khôn lớn. Thế mà bây giờ tôi còn phải đi làm kẻ hầu người hạ cho chúng nó. Chẳng may hầu hạ không tốt là nó mắng, nó chửi. Tôi sống trên đời này còn có ý nghĩa gì cơ chứ? Bố Đại Vĩ ơi, ông đợi tôi với, tôi đi tìm ông đây!-nói dứt lời bà Trịnh liền lao ra cửa.
Trịnh Đại Vĩ vội vàng kéo mẹ lại rồi vung tay tát mạnh vào mặt Tuyết Liên. Cái tát như trời giáng khiến cho mặt Tuyết Liên như lệch hẳn về một bên, trên má còn hằn đủ vết năm ngón tay của Trịnh Đại Vĩ.
Tuyết Liên vẫn ôm chặt lấy đứa bé, từ từ ngoảnh mặt lại, nhìn thấy mẹ chồng đang cười đắc chí ở sau lưng Trịnh Đại Vĩ. Cô giơ miếng băng dính vẫn đang cầm trong lòng bàn tay lên trước mặt Trịnh Đại Vĩ rồi hỏi:
-Anh có biết mẹ anh vừa làm cái gì không? Bà ấy dùng băng dính để dán miệng của Khả Nhi lại. Nếu như tôi không về sớm thì Khả Nhi đã chết từ lâu rồi!
Trịnh Đại Vĩ bực mình gắt:
-Chết thì càng tốt! Nó chết rồi tôi có thể sinh một đứa con trai!
Tuyết Liên mặt trắng bệch ra vì kinh ngạc. Cô lạnh lùng nhìn vào người đang đứng trước mặt mình hiện giờ. Anh ta chẳng khác gì một người xa lạ! Đây chính là người đàn ông dịu dàng và tình cảm lúc còn theo đuổi cô sao? Đây là người chồng biết quan tâm chăm sóc vợ lúc hai người mới cưới sao?
Trong những năm 80 của thế kỉ 20, li hôn chẳng phải là một chuyện vẻ vang gì, đặc biệt là ở một huyện nhỏ như thế này, đâu đâu cũng có người quen, ai ai cũng có cái nhìn không tốt, không tán đồng đối với việc li hôn. Trịnh Đại Vĩ không nhắc tới chuyện li hôn là vì anh ta sợ mất mặt với mọi người và ảnh hưởng tới tiền đồ của mình. Tuyết Liên cũng không hề đả động tới việc li hôn, bởi tư tưởng bảo thủ trong cách giáo dục truyền thống đã ăn sâu vào trong tận xương tủy của cô. Bà ngoại của Khả Nhi khuyên con gái:
-Cả ngàn chiếc giày chỉ có chiếc đầu tiên là tốt nhất. Đàn bà li hôn rồi khó mà tìm được người khác! Mà cho dù có tìm được thì bố dượng liệu có thể đối xử tốt với Khả Nhi không? Trước đây Đại Vĩ đối xử với con rất tốt, bây giờ chẳng qua chỉ là nhất thời hồ đồ, thôi thì con cứ cố gắng nhịn nhục vậy! Đợi một thời gian nữa nó sẽ tỉnh ngộ thôi! Con cứ để Khả Nhi ở đây với mẹ, bao giờ nó đến tuổi đi học thì con đón nó về cũng không muộn!
Thế là đứa bé chưa đầy một trăm ngày đã bị gửi về quê cho bà ngoại chăm. Cứ đến kì nghỉ là Tuyết Liên lại đạp xe về quê thăm con gái. Bởi vì được ông bà ngoại thương yêu, bà con lối xóm lại hiền lành, chất phác nên Khả Nhi đã được sống những ngày tháng ấu thơ rất vui vẻ. Mãi cho đến sáu tuổi mà Khả Nhi vẫn chưa biết mặt bố và bà nội. Vì thế trong suy nghĩ của Khả Nhi hoàn toàn không có hai từ này. Cô bé chỉ biết đến ông bà ngoại và mẹ mà thôi.
Cho dù là xét về mức độ giáo dục hay là môi trường học tập, các trường tiểu học ở quê không thể nào sánh bằng các trường tiểu học ở trong huyện. Sau khi Khả Nhi tròn sáu tuổi, Tuyết Liên liền đón con về ở với mình và cho con đi học ở trường tiểu học trong huyện. Khả Nhi vốn đang quen sống trong tình yêu thương của ông bà ngoại, lúc nào cũng có thể ra ngoài đồng ruộng chạy nhảy, nô đùa nay bị dẫn đến một môi trường lạ lẫm, Khả Nhi lúc nào cũng cảm thấy không thoải mái. Hơn nữa lại phải đối mặt với hai người lạnh như băng đá trong căn nhà ấy, một người lúc nào cũng nhìn cô bé bằng ánh mắt khinh bỉ và căm thù, một người lúc nào cũng thờ ơ như không có sự tồn tại của cô bé khiến cho Khả Nhi không thể thích ứng với một môi trường sống quá sức lạnh lẽo, không có chút tình người này. Thế nên lúc nào có thể tránh không phải về nhà là Khả Nhi cảm thấy vui mừng lắm.
Các bạn học sinh cùng lớp ai ai cũng mong chờ đến ngày thứ sáu, nhưng Khả Nhi lại cảm thấy sợ hãi ngày thứ sáu. Một buổi chiều thứ sáu nọ, Tuyết Liên lại một lần nữa phải lôi Khả Nhi đang nhảy nhót trên sân vận động về nhà. Căn nhà vẫn lạnh lẽo và u ám y như vậy, Trịnh Đại Vĩ đang ngồi xem báo, nghe thấy vợ và con gái về nhà cũng chẳng thèm ngẩng đầu nhìn lấy một cái. Bà Trịnh đang ngồi ôm cái đài nghe tin tức, thấy Tuyết Liên và Khả Nhi vừa vào đến cửa đã liếc xéo một cái rồi bóng gió:
-Cuối cùng cũng chịu về rồi à, tao còn tưởng mày định để cho mẹ con tao chết đói cơ đấy!
Tuyết Liên đã quen với việc nhịn nhục, không kịp uống cốc nước đã vội vàng xuống bếp nấu nướng. Nhưng Khả Nhi tỏ ra vô cùng bất bình nói:
-Mẹ đi làm cả ngày vất vả, các người đều ngồi chơi sao không tự xuống bếp mà nấu cơm?
Bà Trịnh trợn mắt quát:
-Con mất dạy, người lớn đang nói ai cho mày nói chen vào? Bà già quê mùa đó đã dạy mày thành đứa mất dạy như thế đấy hả?
Khả Nhi chẳng chút e sợ, quát lại:
-Ai cho bà mắng bà ngoại của cháu!
-Tao cứ mắng đấy, đồ nhà quê, đồ ngu dốt…Mày làm gì được tao nào?
Bà ngoại là người thân yêu nhất của Khả Nhi, vì thế Khả Nhi không thể chịu được có người mắng chửi bà ngoại của mình nên bực mình quát trả:
-Bà là đồ yêu quái độc ác!
-Con nghe đi, nghe thấy chưa?-bà Trịnh tức đến tím tái mặt mày, quay sang gào lên với con trai:
-Bây giờ ngay cả con ranh này cũng dám mắng mẹ rồi, cái nhà này thật chẳng còn chút phép tắc nào hết!
Trịnh Đại Vĩ sa sầm mặt mày, với tay lấy cây roi mây rồi quát Khả Nhi:
-Quỳ xuống!
Khả Nhi đứng yên tại chỗ, đôi mắt bướng bỉnh nhìn Trịnh Đại Vĩ.
Cái roi mây vun vút vụt xuống người Khả Nhi bé bỏng. Tuyết Liên nghe thấy chồng đang đánh con liền vội vàng từ dưới bếp chạy lên, ôm chặt lấy Khả Nhi vào lòng, lấy thân mình che chắn cho con gái khỏi những cái roi mây đang quật xuống túi bụi. Thế nhưng bàn tay của Trịnh Đại Vĩ vẫn không ngừng vung lên, trận đòn roi mây trút hết lên người Tuyết Liên. Cô cắn chặt răng không kêu lên một tiếng.
Bà Trịnh đứng ở bên cạnh thấy vậy liền hoa chân múa tay, ra sức cổ vũ con trai:
-Đánh đi, đánh mạnh vào! Để xem cái con nhãi ranh ấy có còn dám cãi lại nữa không!
-Mẹ ơi, mẹ…-Khả Nhi vừa khóc vừa giãy giụa thoát khỏi vòng tay của mẹ rồi lao đến ôm chặt lấy cánh tay kia của Trịnh Đại Vĩ và cắn thật mạnh.
Trịnh Đại Vĩ đau đớn ném cái roi xuống đất rồi giáng một bạt tai xuống mặt Khả Nhi, không chỉ có vậy, anh ta còn giơ chân lên đạp cho Khả Nhi một cái bay ra xa. Khả Nhi yếu ớt bị đá va vào tường và ngã lăn ra đất.
Khả Nhi nghe thấy tiếng kêu thất thanh của mẹ:
-Khả Nhi…- rồi từ từ mất đi tri giác.
Tỉnh lại ở trong bệnh viện, Khả Nhi thấy toàn thân mình bị băng bó bất động. Bác sĩ kiểm tra tỉ mỉ vết thương trên người Khả Nhi rồi nói:
-Đứa bé bị thương không nhẹ đâu, không để lại di chứng gì đã là may mắn lắm rồi!
Tuyết Liên cúi xuống nhìn con gái xót xa, đôi mắt của cô đã sưng đỏ vì khóc quá nhiều. Khả Nhi cố gắng đưa bàn tay bé nhỏ của mình lên lau nước mắt cho mẹ:
-Mẹ ơi, chúng ta về nhà đi! Con nhớ ông bà ngoại lắm!
-Khả Nhi…Khả Nhi của mẹ…-Tuyết Liên khóc không thành tiếng.
-Khoai lang ông ngoại nướng vừa ngọt vừa thơm. Bà ngoại còn nuôi bao nhiêu là thỏ, ngày nào con cũng cho chúng nó ăn cà rốt đấy mẹ ạ! Lâu lắm rồi không được nhìn thấy chúng. Con chó nhà anh Hắc sắp đẻ rồi mẹ ạ, anh Hắc bảo sẽ chọn một con xinh nhất cho con…-giọng nói của Khả Nhi ngày càng nhỏ đi. Cơ thể vừa làm phẫu thuật nên còn rất yếu ớt. Mi mắt của Khả Nhi từ từ khép lại, hai giọt nước mắt khẽ lăn ra từ khóe mắt của cô bé. Khả Nhi từ từ chìm sâu vào giấc ngủ.
Bác sĩ Triệu Vĩnh Niên phụ trách chữa bệnh cho Khả Nhi chính là bố của Triệu Tương Vũ, bạn học cùng lớp của Khả Nhi. Lần trước ở trường có cậu học sinh nam bày trò nhét con sâu róm vào trong túi áo của Triệu Tương Vũ làm cho cô bé khóc thét lên vì sợ nhưng lại không dám thò tay vào lấy con sâu róm đó ra. Khả Nhi từ nhỏ đã sống ở nông thôn, suốt ngày chơi đùa với bạn bè trên đồng ruộng nên không hề sợ hãi mấy con côn trùng này. Thế là Khả Nhi liền thò tay vào túi của Triệu Tương Vũ lấy con sâu róm đó ra và ném vào mặt cậu bạn trai đùa ác kia. Kể từ đó, Triệu Tương Vũ đã trở thành bạn thân kiêm “kẻ sùng bái chân thành” của Khả Nhi.
Trong thời gian Khả Nhi nằm viện, Triệu Tương Vũ thường xuyên đến bệnh viện chơi với Khả Nhi sau giờ tan học, còn mang cả vở ghi chép về cho Khả Nhi xem. Có một lần, Triệu Tương Vũ hỏi Khả Nhi:
-Người đánh bạn chắc là bố dượng của bạn phải không, thế nên mới tàn nhẫn như vậy?
-Bố dượng á?-Khả Nhi không hiểu được ý nghĩa của từ này.
-Đúng thế!-Triệu Tương Vũ gật gật đầu-Bố mẹ đẻ thường đối xử với con mình rất tốt, chỉ có bố dượng, mẹ kế là độc ác thôi. Cô bé lọ lem và nàng Bạch tuyết chẳng phải đều bị mẹ kế bắt nạt hay sao?
Khả Nhi chỉ được nghe câu chuyện về Ngưu Lang Chức Nữ mà các cụ già ở quê thường kể, thế nên chẳng biết cô bé lọ lem và nàng Bạch Tuyết là ai cả. Triệu Tương Vũ liền kể cho Khả Nhi nghe những câu chuyện cổ tích thú vị của phương tây. Kết cục của mọi câu chuyện cổ tích đều là cô gái được gả cho chàng hoàng tử đẹp trai còn kẻ độc ác sẽ bị trừng trị.
-Hóa ra lấy hoàng tử là có thể trừng phạt kẻ ác à?- Khả Nhi mừng rỡ reo lên: -A, thế thì hay quá, sau này tớ lớn tớ sẽ lấy hoàng tử!
Thực ra Khả Nhi hoàn toàn không biết hoàng tử là ai, càng không hiểu lấy hoàng tử là như thế nào, chỉ cảm thấy làm như vậy có thể trừng trị kẻ ác nên tưởng rằng đấy là một chuyện đáng vui mừng. Chính vì vậy, lí tưởng và nguyện vọng lớn lao nhất của Khả Nhi lúc còn nhỏ chính là lớn lên sẽ lấy hoàng tử.