Tôi ngồi ở đó hồi lâu, mãi đến khi từng cơn gió rít tới lạnh toát mới giật mình cuống cuồng leo lên xe chạy tới trường đón con.
Tới trường thấy cổng đóng im lìm, nhìn vào trong thấy phòng nào cũng đóng cửa, tôi hoảng hốt lấy điện thoại định gọi cho cô giáo mới thấy trong máy mình có tận mấy cuộc gọi nhỡ và cả tin nhắn, tôi lướt thấy cái Tâm nhắn cho tôi:
-Chị ở đâu mà em gọi mãi không được? Em đón Gạo rồi nhé.
Lúc này tôi mới thở phào một cái, đúng là không có cái ngu nào giống cái ngu này.
Gió rít càng lúc càng mạnh, mây đen kéo từng đám tới, gần tới nhà rồi nên tôi làm liều không mang áo mưa cuối cùng bị ướt như chuột lột.
Cái Tâm cầm dù bế Gạo chạy sang, nó nhìn bộ dạng thảm hại của tôi cằn nhằn:
-Chị đi đâu mà con cũng không đón thế? Không đón mà cũng không gọi cho em.
-Chị đi có việc tí, cứ nghĩ về kịp giờ đón con, thôi mày bế hộ chị để chị thay đồ đã nhé.
-Thế chị không nhận được thông báo khẩn cấp của nhà trường à?
Tôi ngẩn ra nhìn nó:
-Thông báo gì?
-Ớ, thông báo phụ huynh tới trường đón các con về sớm tránh bão, chị không đọc à?
Lúc này tôi mới ngớ người, Tâm hay lèm bèm tôi dùng điện thoại chỉ để cho có với người ta thế thôi chứ không bao giờ để ý tới, cũng không chịu cập nhật thông tin gì cả, như lúc này đây, đài báo bão suốt từ hôm qua tới nay mà tôi cũng không biết.
-Thế cửa nẻo chị cột lại cẩn thận hết chưa?
-Rồi.
Thôi em để Gạo xuống tự chơi đi, lo về bên nhà đi kẻo để mình mẹ lỡ có chuyện gì.
Nó ngúng nguẩy:
-Em thấy từ mai chị nói với cô giáo đổi cho số điện thoại em vào group lớp thằng Gạo đi để có tin gì em xem rồi báo lại chị cũng được.
Tôi lau vội mấy giọt nước mưa trên mặt rồi cười với nó:
-Ừ, có khi chị lên xã hỏi xem có được để thêm tên mẹ nuôi trong giấy khai sinh không, chị thêm tên em vô luôn.
-Thật không chị? Thế từ giờ em tập cho nó gọi em là mẹ nuôi nhé.
-Nhớ nhé, “nuôi” nhé.
Nó đang bê mấy bao vải vụn vào, nghe tôi nói thế liền ngừng tay vỗ vỗ ngực tự mãn:
– Cứ khinh nhau, dăm ba hộp sữa nhằm nhò gì.
-Nói thế chứ em lo về dọn bên nhà trước đi, trời này chắc mưa to đấy.
-Em dọn hết rồi, năm nay mãi tới giờ này mà còn bão chị nhỉ? Phải chi giờ này có anh Nguyên ở đây.
Câu cuối cùng nó chỉ lẩm bẩm trong miệng, hình như chỉ là đang tự nói với chính mình.
Năm ngoái mùa này Nguyên chạy về đây suốt, nhà tôi neo người, nhà Tâm cũng neo người thành ra Nguyên trở thành người đàn ông của cả hai gia đình, tình cảm đơn phương của Tâm giành cho Nguyên cũng nhen nhóm từ những cảm kích ngày đó.
Tôi đặt Gạo lên chiếc giường đã được rào xung kỹ xung quanh rồi chạy đi cột lại mấy cái liếp cửa, lúc đó không chỉ gió to mà mưa cũng bắt đầu xối xuống như trút.
Bên ngoài trời tối đen như mực, điện thì cúp từ chiều nên tôi chỉ thắp được mấy cây nến leo lét trong nhà, Gạo sợ sấm, sợ chớp, sợ tối nên khóc khan cả cổ, tôi cũng sợ, tôi cũng muốn được leo lên giường ôm lấy Gạo cho con bớt khóc nhưng nếu cứ mưa kiểu này một lúc nữa kiểu gì chẳng ngập.
Nhà này xây từ trước khi làm đường nên bây giờ mặt đường còn cao hơn nền nhà cả gang tay, chỉ cần nước trên đường không thoát kịp, đọng lại một chút là sẽ tràn vào nhà ngay, từ hồi ở đây tới giờ tôi phải lội nước dọn nhà không biết bao nhiêu là lần rồi.
Tôi một tay quắp lấy Gạo bên hông, tay kia cố đưa được mấy đồ nhẹ nhẹ gác lên bàn trước, chốc chốc lại thả Gạo xuống để vần những thứ nặng hơn, tôi cứ vứt chỏng chơ hết lên trên bàn, trên ghế, cả trên giường cũng ngổn ngang đồ.
Nước lúc này bắt đầu tràn vào nhà, gió đập ầm ầm vào từng cánh cửa, rít qua từng khe nhỏ thổi tắt cả mấy ngọn nến leo lét trong đêm, Gạo càng lúc càng khóc to hơn.
Một lúc sau thì trời có vẻ lặng gió, mưa cũng thưa hạt dần, tôi thở phào một cái, Gạo nằm bên cạnh đã vùi vào đống quần áo chưa kịp gấp gọn ngủ ngon lành.
Mãi tới lúc này tôi mới biết ba mình gọi điện tới, giọng ba lo lắng:
-Con ơi, trên đó sao rồi con, con có kịp dọn đồ không vậy?
Phải lâu lắm rồi, lâu lắm rồi tôi mới được nghe giọng nói hối hả lo lắng và cả dịu dàng của ba, lướt nhìn nền nhà bì bõm nước tôi bật khóc ngon lành:
-Không sao ba ạ, con dọn hết đồ lên cao cả rồi mà ở đây thấy mưa cũng ngớt rồi.
-Hồi chiều ba định chạy lên nhưng lo dọn ở nhà xong thì mưa to quá nên mẹ mày không dám để cho ba đi.
Thế máy giặt với tủ lạnh thì làm sao?
-Dạ máy giặt với tủ lạnh có kệ kê hết rồi ba ạ, tí nữa chắc nước rút nên không sao đâu ba.
-Thôi con xem xung quanh đó có ai không nhờ người ta bê đồ lên gác cho chứ trời tự nhiên quang thế này lát nữa kiểu gì cũng mưa gió to trở lại đó con ạ.
Mấy người lớn tuổi thường có kinh nghiệm nhìn trời để dự báo thời tiết, ba tôi nói khi đang gió to mà đột nhiên ngừng lại thì kiểu gì đợt gió sau cũng sẽ mạnh hơn, đúng như thế thật, gió vừa ngừng được một lát lại quật to hơn, cánh cửa trước nhà tôi có vẻ rung lắc hơi mạnh, tôi nghe được cả tiếng răng rắc của chiếc bản lề cũ kỹ va vào nhau.
Tôi liếc nhìn cái tủ ti vi, nếu cánh cửa mà đổ xuống thì kiểu gì cũng đập vào cái tivi nên không nghĩ nhiều vội lao tới đưa tay định đỡ lấy nhưng chỉ nửa giây sau thì cánh cửa đã rung một cái mạnh rồi đổ ập xuống.
Lúc ấy tôi hoảng quá, biết có chạy cũng không kịp nên vội đưa tay ôm lấy đầu rồi ngồi sụp xuống đất, lát sau tôi nghe thấy rõ ràng có tiếng “rắc” mạnh sau đó một luồng gió lạnh buốt từ bên ngoài thổi thốc vào nhưng rõ ràng là không có cái gì chạm vào cơ thể, nhìn xung quanh cũng không thấy cửa đổ ở đâu cả.
Đang lúc dáo dác nhìn xung quanh thì tôi nghe thấy tiếng hỏi gấp gáp:
-Em có sao không?
Tôi ngẩng đầu lên theo phản xạ thấy một người đàn ông cao lớn đang đứng phía trên tôi, đầu hơi cúi xuống như dùng toàn bộ cơ thể để che cho tôi, tôi cố nheo mắt nhìn kỹ lại, là Thành, anh xuất hiện giữa đêm mưa gió khiến tôi ngạc nhiên tột độ, cũng hoảng hốt tột độ:
-Anh!
Tôi vừa hét to vừa cố gắng chui ra, cánh cửa lúc này đang nằm gọn gàng trên lưng anh, đúng theo hướng tôi vừa ngồi, nếu không có anh thì có lẽ tôi đã lãnh đủ rồi.
Giọng anh vẫn bình tĩnh:
-Em đứng yên đi.
Thành vừa nói vừa cẩn thận xoay người đặt cánh cửa xuống đất rồi hỏi lại tôi lần nữa:
-Em có sao không?
-Em không sao.
Anh đưa cánh tay rắn rỏi kéo tôi vào lòng, vòng tay đó đã ôm tôi thật chặt, thật lâu, thật vững chãi và bình yên kể cả trong giông bão, trong lồng ngực ấm áp đó từng nhịp tim quen thuộc trở về bên tôi, cảm giác thân thuộc như chỉ mới ngày hôm qua.
Môi anh dừng lại trên tóc tôi rồi cất giọng ấm áp:
-Em lên giường với con đi, để anh dọn nốt mấy đồ này cho.
Nói rồi anh lách người đi qua tôi, tay cầm hộp quẹt mò mẫm đi tới chân giường, vì lúc đó tối quá nên tôi đã không biết rằng ánh mắt anh cũng đã dừng lại thật lâu trên người Gạo, ánh mắt của hạnh phúc, cũng là của những thổn thức anh đã nén trong lòng bấy lâu, một lát sau anh đi ra ngoài rồi cầm theo cái đèn pin vào, là loại đèn sạc bằng điện, thật ra tôi cũng có một cái nhưng lâu ngày không dùng tới nên quên sạc, lúc nãy chỉ dùng được một lát là hết điện mất.
-Trời này chắc còn mưa lâu, để anh bê nốt mấy đồ này kê lên cao cho an tâm.
Anh nói rồi dùng mấy viên ghạch kê hết mấy cái tủ và máy giặt của tôi lên cao, lúc này trong nhà sáng hơn tôi mới nhìn kỹ, cả người anh ướt đẫm, chẳng biết do mưa hay là mồ hôi, trên lưng áo chỗ lúc nãy bị cánh cửa đè trúng bị kéo một vệt bùn dài.
Gió đập mạnh vào cánh cửa còn lại, tiếng động làm cho cu Gạo giật mình khóc thét lên, tôi lật đật leo lên giường cúi xuống ôm lấy Gạo rồi lẩm nhẩm vài câu hát ru quen thuộc để giấu đi mớ tâm trạng hỗn độn trong lòng, hôm nay anh đã ở đây, giữa lúc mẹ con tôi cần anh nhất.
Tôi nhận ra rằng, đến cuối cùng dù cố gắng thế nào mình cũng không đủ mạnh mẽ để che chở cho con qua bão giông, tôi cũng nhận ra rằng, thì ra hai năm qua chưa giây phút nào tôi quên anh cả, những ký ức về anh ngủ quên tận đáy con tim bởi những bộn bề của cuộc sống.
Giây phút đó thật sự tôi rất muốn mở lời với anh, kể cả anh có gia đình rồi thì con tôi cũng cần có một người ba thế nhưng lại sợ mình lặp lại sai lầm thêm lần nữa.
Mâu thuẫn trong lòng cứ càng lúc càng lớn, tâm can giằng xé như gió bão ngoài kia dội vào.
Huống hồ hai năm qua có thể anh chưa từng rời xa mẹ con tôi, anh vẫn ở đâu đó rất gần chúng tôi, anh biết về sự tồn tại của Gạo nhưng lại luôn im lặng.
Thành kê xong mấy đồ đạc rồi quay lại hỏi tôi:
-Bản lề của cánh cửa dùng lâu bị hư rồi, em có cái nào có thể dùng tạm được không?
Tôi giật mình lúng túng:
-Không ạ.
-Thế để mai sáng anh đi mua cái mới về thay, giờ đành để tạm như thế cái đã, cổng em khóa chắc chưa?
-Em khóa cổng rồi, chắc là chắc rồi đó.
Thành cười nói:
-Chắc chưa? Để anh ra xem xem, không khéo nó cũng đang lúc lắc bên ngoài đó.
Anh bước ra ngoài kiểm tra lại cổng rồi ngó đầu vào nói với tôi:
-Hai mẹ con ngủ tí đi, trời gần sáng rồi.
Tôi liếc nhìn xung quanh nhà mình, chỗ ướt nhiều hơn chỗ khô, nơi khô ráo nhất có lẽ là nửa phần giường mà Gạo đang nằm nên dù có muốn cũng không dám giữ chân anh lại.
Lúc này đã quá nửa đêm, tôi trở mình mấy lần vẫn không tài nào chợp mắt nổi, ngoài kia mưa vẫn rơi ra rích từng cơn, ngay bậc thềm có bóng người cô độc đang ngồi tựa lưng vào thành cửa.
Cả đêm Gạo ngủ không ngon giấc, trời thì mưa nhưng vì không có quạt nên vẫn nóng hầm hập, tôi loay hoay quạt cho con, mãi tới khi nghe tiếng gà gáy tôi mới giật mình mở mắt vội lật đật chạy ra ngoài sân xem, lúc này trời đã tạnh hẳn, nước cũng bắt đầu rút.
Anh đã đi từ lúc nào, nơi bậc thềm hồi tối chỉ còn vương lại vài tàn thuốc ít ỏi, tôi lao ra cổng nhìn về phía quán tạp hóa, cái cảm giác mơ hồ về người đàn ông hay đậu xe chỗ đó mà Tâm nói hiển hiện rõ hơn, cũng nặng nề hơn bao giờ hết.
Sau một đêm mà mấy góc vườn tả tơi rũ rượi, bùn đất dưới chân dâng lên gần mắt cá chân, lá cây, cành cây tan tác gãy từng đoạn.
Tôi nhìn khung cảnh tan hoang trước mắt rồi thở dài xắn tay áo bắt đầu dọn.
Đang lui cui làm thì cái Tâm từ đâu leo hàng rào nhảy phóc vào nhà tôi, hai chân bùn dính tới quá mắt cá, nó nhanh nhảu:
-Chị, lúc đêm nhà chị ngập cao không?
Tôi giật bắn mình đưa cây chổi đánh vào chân nó:
-Mày ở đâu như ma quỉ xuất hiện bất thình lình vậy?
-Em đi ra phía suối xem, bên đó bị bể cống chị ạ, hèn gì mà mưa không đến nỗi to nhưng nước ở đâu mà ngập lắm thế.
-Mày nhiều chuyện thế, không lo dọn dẹp đi mà lo hóng hớt.
-Đâu, nhà em nước có vô nhà đâu chỉ mấp mé ngoài sân thôi, lúc sáng em xịt rồi.
Nó nhón nhón chân nhìn vào nhà rồi quay sang hỏi tôi:
-Đúng rồi, lúc sáng em thấy có người đi từ nhà chị ra.
Ai thế chị?
Tôi chưa kịp trả lời thì nó đã trợn mắt chỉ chỉ:
-Kìa, kìa, cái người kia kìa chị.
Tôi nhìn theo hướng tay nó chỉ thấy Thành đang lững thững đi tới, trên tay xách theo cái hộp nhỏ đựng dụng cụ, hình như anh mới mua gần đây.
Anh đẩy cửa bước vào gật đầu chào Tâm rồi thản nhiên lại đục đục đẽo đẽo, chỉ một nhoáng thì cánh cửa đã được dựng lên nguyên vẹn, Thành phủi phủi tay nhìn tôi:
-Anh thay bản lề rồi, nhưng cửa này cũng cũ đến ngày thay rồi.
Tôi bối rối nói:
-Cảm ơn anh.
Anh đưa tay khẽ nắm lấy đôi vai mỏng manh của tôi, ánh mắt sâu thăm thẳm ấm áp nhìn tôi, giây phút đó gió mưa hình như cũng không còn lạnh nữa, anh mỉm cười nói:
-Hai mẹ con đợi anh nhé.
Mãi tới khi anh rời đi rồi tôi vẫn chưa định hình được chuyện gì đang xảy ra, tôi không biết rốt cuộc sau những ngày sóng gió đó anh và Trang còn ở bên nhau nữa hay không, không biết vì sao đã hơn một năm rồi anh cứ âm thầm ở bên mẹ con tôi mà không nói một lời nào? Giờ phút này anh lại dặn tôi đợi anh, đợi để làm gì?
Cứ mãi thảng thốt mà không biết cái Tâm đã đứng bên cạnh từ lúc nào, nó đập đập vào vai tôi:
-Bố thằng Gạo hở chị?
Thấy tôi không trả lời nó nói tiếp:
-Em hỏi thế thôi chứ nhìn mặt là em biết rồi, người này cứ lâu lâu lại thấy đứng đằng kia hút thuốc kìa.
Thôi để em vào xem thằng chó con dậy chưa rồi em bế về bên nhà cho ăn sáng cho, chị lo dọn dẹp đi.
Anh đi rồi, Tâm cũng bế Gạo đi rồi.
Tôi lúi cúi quét nốt mấy nhành cây nhỏ vương trên sân, xong xuôi vừa bước vào nhà thì thấy cô Lâm gọi điện, giọng cô lo lắng:
-Nghi ơi, cô xem dự báo thời tiết thấy chỗ cháu bão vào, thế có sao không cháu?
-Không sao đâu cô ạ, chỗ cháu ở gần biển nên bão suốt ấy mà, hơn nữa lúc tối gió nhẹ thôi giờ lặng rồi.
-Thế thì may quá, cô cứ lo từ tối giờ.
Cô Lâm ngập ngừng một lát rồi hỏi tiếp:
-Mà Nghi này?
-Dạ?
-Cháu sinh con sao không nói với cô ? Cũng không nói gì với thằng Thành cả phải không ?
Tôi cười buồn :
-Tại cháu không muốn ảnh hưởng tới anh ấy nữa cô ạ, cháu muốn anh ấy được sống yên ổn bên gia đình mới của mình mà không bị cháu cản trở như trước nữa.
Cô Lâm nghe tôi nói thế thì ngạc nhiên tột độ, cô nói :
-Thằng Thành cưới vợ mới hồi nào ? Nó trải qua bao nhiêu biến cố, có đợt người gầy rộc đi, cô thương quá định gọi cho cháu nhưng nó không cho, nó nói không muốn làm cháu khổ thêm.
Giây phút đó tôi chừng như mình không thở nỗi, có một thứ xúc cảm nào đó trào dâng trong lòng nhưng hình như không hẳn là đau đớn, đó là thứ xúc cảm hỗn độn giữa hạnh phúc và chua xót cho anh.
Thấy tôi im lặng cô nói tiếp :
-Cô cũng không biết gì về mấy cái kinh doanh kia nhưng đợt đó thấy nó cũng phải đi ra đi vào làm việc với bên công an suốt.
Tôi cúp máy với tay lấy cái áo khoác vội rồi gọi sang dặn Tâm trông em.
Tôi chạy thẳng một mạch tới cửa hàng của anh Hoàng, chỉ có anh Hoàng mới có thể giải đáp những thắc mắc ngày một lớn trong lòng tôi.
Vừa thấy tôi bước vào anh Hoàng đứng dậy kéo ghế cho tôi rồi cười :
-Thế lúc tối nước vào nhà có nhiều không ?
Tôi không trả lời anh, trái tim trong lồng ngực vẫn đập thình thịch liên hồi.
Anh kiên trì hỏi tiếp :
-Thằng bạn anh nó về rồi à ?
Tôi bước mấy bước lại gần anh run rẩy hỏi :
-Sao mấy năm qua anh dấu em?
Anh Hoàng rót cho tôi ly nước rồi thản nhiên nói :
-Nó bắt anh dấu.
Nó nói em khổ đủ rồi, không muốn em khổ thêm nữa.
Rồi anh Hoàng chậm rãi kể :
-Hồi bố nó còn điều hành công ty đã có một vài lần sai phạm, vài lần kinh doanh không trong sạch, thật ra những lần đó thì cả bố của Trang cũng là đồng phạm vì đợt đó hai nhà hợp tác với nhau thường xuyên.
Chỉ là một phần do bố chồng em không đề phòng, một phần là do nhà Trang có quan hệ với quan chức cấp cao nên nếu vào cuộc điều tra mà nói thì mọi chứng cứ đều bất lợi cho bố chồng em.
Trang yêu thằng Thành từ hồi còn sinh viên, theo đuổi mãi không được nên quay sang đe dọa, mà thằng Thành thì sợ bố nó vào tù nên cứ phải lấp lửng như thế chứ cũng không dám từ chối thẳng thừng.
Có đợt nghe nói Trang ra nước ngoài rồi, anh tưởng Trang bỏ cuộc rồi ấy chứ, sau đó thì nó cưới em, tại em không nhận ra anh chứ đợt đó bọn anh ngồi ở bàn bạn thân chú rể, có cả thằng Quân nữa.
Tôi cúi đầu cười :
-Vâng, thảo nào lần gặp lại anh Quân ở bệnh viện em cứ thấy quen quen.
-Quen là đúng rồi, lần khám thai đầu tiên của em cũng là thằng Thành gọi điện bắt thằng Quân sắp xếp cho em mà, nó sợ bạn đi cùng biết được em lại tủi thân.
Ba đứa anh chơi thân với nhau từ hồi học đại học, ngành học chẳng liên quan gì đến nhau cả thế mà có một lần tình cờ gặp nhau rồi dính với nhau tới tận bây giờ.
Anh ở ngoài này xa hơn nên ít gặp còn hai đứa nó thì gặp nhau suốt, đêm hôm nó chở em về rồi cứ đứng mãi ở đó có chịu về đâu, mẹ chồng em lo lắng mới kêu thằng Quân tới đó tìm, trùng hợp đúng lúc em cần về gấp nên thằng Thành kêu nó chở về luôn chứ vợ con nào ngoài này.
Viền mắt tôi cay cay, tôi hỏi tiếp:
-Sau đó sao nữa anh? Đợt em có nghe người quen nói anh ấy ổn rồi ? Đã ổn thật chưa anh ?
-Ồn rồi, sau khi em rời đi thì chồng em qua lại với Trang nhiều hơn, hình như còn giả vờ hứa hẹn gì đó, anh cũng không biết nó làm cách nào mà lấy được những chứng quan trọng khác đang ở trong tay bố Trang, rồi nó vận dụng hết mối quan hệ lật ngược được thế cờ kiện luôn bố Trang vào tù.
Anh Hoàng lặng một chút rồi chùng giọng xuống :
-Tuy bố chồng em không phải vào tù nhưng công ty nhà nó cũng lao đao một thời gian dài, cuối cùng để cứu công ty nó phải bán luôn căn nhà đang ở.
Rõ ràng hôm trước tới thăm bố chồng tôi vẫn thấy anh đứng trước cổng của căn nhà đó ?
Không đợi tôi thắc mắc anh Hoàng nói thêm :
-Người mua nhà cũng là người quen thôi nên mua xong nhưng vẫn để cho nhà chồng em ở lại.
Chưa vực dậy được bao lâu thì lại thêm chuyện của bố chồng em, đợt đó anh tưởng nó suy sụp luôn rồi chứ, thế nhưng nó nói vì mẹ con em, nó sẽ nỗ lực gấp mười lần.
Nó lao đầu vào làm lại từ đầu, khi nào nhớ mẹ con em quá thì chạy cả đêm ra chỉ để đứng ngoài nhìn vào một lát chứ nhất định không chịu gặp em, thằng này cứng đầu lắm, bọn anh khuyên mãi không nghe, nó nói trước đây chưa mang lại hạnh phúc cho em được thì bây giờ không muốn đặt lên vai em một ghánh nặng, sau này khi đã ổn hơn có lần anh hỏi nó sao vẫn chưa tới gặp em thì nó nói trong căn nhà đó có một thứ mà nó muốn cho em xem, thế nên chỉ khi nào lấy lại được căn nhà nó mới đường đường chính chính xuất hiện trước mặt em, anh cũng không biết đó là thứ gì.
Tôi ôm mặt khóc nức nở như một đứa trẻ, nước mắt của bao ngày tháng tủi hờn cứ thế tuôn ra.
Hóa ra hai năm qua anh đã trải qua nhiều biến cố hơn tôi tưởng, tôi có Gạo còn anh không có ai.
Tôi nghĩ anh cũng đã từng nhớ Gạo đến quay quắt nên mới cô độc đứng trước nhà tôi mỗi tối như thế, nhớ con đến thế nhưng sinh nhật con cũng chỉ lặng lẽ đứng ngoài nhìn, nghĩ thế tôi thương anh thắt ruột.
Khi tôi về tới nhà thì Gạo đang ngồi chơi giữa nhà, bên cạnh không phải Tâm mà là anh, là bố của Gạo.
Lòng tôi mềm ra, hình ảnh đó thật sự bình yên, hình ảnh đó cũng thật sự đã làm tan chảy từng lớp băng lạnh lẽo trong lòng tôi bấy lâu nay, giây phút này trái tim ấm lại, thể xác cũng ấm lại.
Anh đưa bàn tay to lớn ôm hai mẹ con tôi vào lòng, Gạo nhỏ xíu lọt thỏm giữa tôi và anh hệt như hình ba trái tim trên bánh kem ngày sinh nhật Gạo.
Ba người chúng tôi cứ ngồi bên nhau như thế, ấm áp yên bình, ngoài kia vài cơn gió thổi vào mơn man dịu mát.
Hồi lâu anh luồn tay xuống nắm lấy tay tôi, ngón tay mân mê cái nhẫn có mặt hình chiếc lá màu xanh ngày ấy một lát rồi nói :
-Mai anh chở hai mẹ con về xin phép ông bà ngoại rồi mình cùng về lại nhà mình nhé, bố và mẹ đang đợi.
Nhắc tới bố mẹ chồng tôi lại thoáng chạnh lòng :
-Mấy lần em cũng muốn đưa Gạo vào cho bố mẹ mừng nhưng em sợ anh ạ, em sợ bố mẹ không tha thứ cho em.
Thành cười :
-Bố mẹ biết hết rồi, đêm đó đã không có chuyện gì xảy ra cả.
Tôi vội ngẩng đầu lên hỏi anh :
-Nhưng, em với Nguyên…
-Là Trang thuê đấy.
Rồi anh thở dài :
-Em cũng đừng trách Nguyên làm gì, thật ra lý do cậu ấy làm thế cũng chỉ vì không chịu nổi khi thấy em phải sống khổ sở bên anh như vậy, là cậu ấy muốn tốt cho em.
Sau này biết rõ mọi chuyện rồi có lần mẹ nói không hiểu sao em có thể kiên cường đến thế.
Tôi bần thần hỏi anh:
-Sao anh biết?
-Ngay từ đầu anh đã đoán có chuyện gì đó mờ ám rồi nhưng lại nghĩ có lẽ để em đi sẽ tốt hơn cho em, giữ em ở lại anh toàn mang lại đau khổ cho em, thậm chí cũng không thể bảo vệ được em, sau đó có một lần cậu ta tới tìm anh.
Lúc đó tôi cũng không biết liệu mình có trách Nguyên không nữa, Nguyên đã có lỗi với tôi nhưng bao năm qua những thứ mà tôi nhận lại từ Nguyên lớn hơn bội phần.
Hơn nữa biết đâu nhờ có Nguyên tôi mới sớm rời đi như vậy, nhờ tôi sớm rời đi nên Trang mới dễ mất cảnh giác với anh như vậy.
Thấy tôi cứ ngồi im bất động không nói gì anh nhăn mặt nhìn tôi, giọng pha chút ghen tuông:
-Đừng nói mấy năm nay thấy cậu ta ở bên âm thầm chuộc lỗi rồi lại xao lòng rồi đấy nhé?
Tôi rúc vào ngực anh:
-Nếu thế thì giờ này anh tưởng mình còn được ngồi đây ôm em và con miễn phí thế này à ?
Anh thủng thẳng :
-Không chỉ ôm đâu, còn nhiều cái khác nữa.
Tôi sực nhớ lại lời anh Hoàng nên vội hỏi :
-Mà anh này, anh Hoàng nói với em ở nhà mình có một thứ anh muốn cho em xem, là cái gì thế ?
Anh nhìn tôi cười :
-Sau này ở nhà mình cái gì anh cũng muốn cho em xem cả.
Rồi anh nhắc lại :
-Bố mẹ đang đợi em và con, vườn cẩm tú cầu cũng đang đợi em.
Tôi ngạc nhiên ngước lên nhìn anh :
-Đừng nói thứ anh muốn cho em xem là vườn cẩm tú cầu ngày đó anh trồng nhé ?
-Ừ, năm nay hoa nở nhiều đẹp lắm.
Nghi này.
Anh cúi xuống kề vào môi tôi nói khẽ :
-Anh chưa từng trồng cẩm tú cầu cho ai khác cả !
Hôm đó có một người đàn ông vì câu chuyện tình yêu đến chết cũng không quên của nàng Li-a và chàng Erike mà trồng cẩm tú cầu cho tôi.
Hôm đó có một người đàn ông lặng lẽ trồng cẩm tú cầu đợi ngày tôi quay lại.