Một Màu Xuân FULL


Sau khi vào đông, cảnh trí của trang Lưu Vân đẹp đẽ muôn ngần.

Mai đỏ mai trắng xen nhau nở rộ, sắc sương bàng bạc trên suối nước như gương.
Bồ câu đưa thư vỗ cánh phành phạch, hạ xuống xương thú trong vườn Phong Hòa.

Mục Diễn Phong không ở đây, Giang Lam Sinh xoay quạt lông trắng mấy vòng giữa mười ngón tay, ngón trỏ ngón cái tay trái để trong miệng, huýt một tiếng vang dội.
Bồ câu đưa thư đập cánh hạ xuống, dừng ở cổ tay Giang Lam Sinh, lông trắng bay xuống.
Lão gia tiểu thư phái Thiên Thủy ở kinh thành đều nghiện chim.

Chẳng bao lâu sau, một lớn một nhỏ thả chim đi dạo nơi ngoại ô kinh thành như thể trăm sao vây trăng, là phong cảnh mà người kinh thành thường hăng say nhắc đến.
Tiểu Nam Sương học theo Nam Cửu Dương, kẹp ngón trỏ ngón cái trong miệng huýt sáo, tiếng cười lảnh lót vang tận mây xanh, quanh mình chim vỗ cánh bay.

Chúng vỗ cánh theo nhịp điệu, vọt thẳng lên mây, cảnh tượng hùng vĩ, ngay cả rừng cây nhỏ cách đó hai dặm cũng phải chấn động rơi đầy lá cây.
Lúc ấy, Nam Cửu Dương sẽ khoanh tay, thảnh thơi nhìn Nam Sương cười, nói mấy chuyện không đâu, không màng danh lợi như một áng mây duy nhất giữa trời quang đang trôi không biết bờ bến.
Hoa đào Nam chỉ thích con sáo nhỏ của mình, vì nó biết nói; Nam Cửu Dương thì mê đắm con bồ câu đưa thư màu trắng, vì nó biết truyền tin.
Nam Sương ngẩng đầu lên, trời vào đông quang như một khối ngọc Hòa Điền lạnh như băng, từng vầng sáng chói mắt cũng hơi giá rét.
Nàng mới ở trong sân, thoáng nghe thấy tiếng vỗ cánh của con bồ câu ấy nhưng khi ngẩng đầu nhìn thì trong vạn dặm trời quang, chỉ có một vầng mặt trời mùa đông sáng chói.
Trong vườn Thấm Huân có một hồ nước nhỏ, tên là “Âm Nguyệt”, ý là giấu minh châu.

Hồ nước nhỏ ấy được khơi từ hồ Nguyệt, ánh nước lành lạnh, một cây cầu đá dài hình vòm xây vắt ngang hồ, đầu kia của cầu là một cái đình lục giác nhỏ.
Hoa đào Nam lững thững qua cầu, bàn đá trong đình lục giác rất nhỏ, chỉ cỡ bàn cờ.

Nhưng trong một tấc vuông của nơi này, mẹ ruột nàng là Hoa Nguyệt lại có thể múa ra phong hoa tuyệt đại.
Nam Sương nhớ, lúc chín tuổi, nàng mở to mắt nhìn người mẹ bệnh hết phương cứu chữa múa “khúc Kinh Loan” trên bàn đá vì Nam Cửu Dương đến kiệt sức mà chết.
Kích thước cái bàn đá đó cũng chẳng khác cái trước mắt là bao.
Từ ngày đầu tiên vào vườn Thấm Huân, hoa đào Nam đã muốn hỏi Tiêu Mãn Y, nàng ấy nhảy khúc Kinh Loan có thể không lấy thảm trắng nhung làm giới hạn mà lấy bàn đá trước mắt được không.

Dù sao nhân gian ngút ngàn, chỉ có một nơi có thể học được kĩ thuật múa của “khúc Kinh Loan” chính là “Vũ Thiên Hạ” đệ nhất kinh thành mà thôi.
Mà mẹ hoa đào Nam là Hoa Nguyệt, đến tận năm trước khi qua đời, vẫn cố chấp ở lại Vũ Thiên Hạ.
Đưa chim đi dạo nơi tĩnh mịch là thói quen của cha con Nam Cửu Dương sau khi Hoa Nguyệt qua đời.

Ngoại ô kinh thành, gió thổi vạn dặm, chim hót hoa rơi, Nam Cửu Dương sẽ nói đôi ba câu về rất nhiều người và rất nhiều chuyện với Nam Sương, song chưa từng nhắc tới vợ cả của mình.
Vì vậy hoa đào Nam cũng không nhắc tới.

Cứ như trong sinh mệnh hai cha con nàng chưa bao giờ có người này.

Ăn ý đại trí giả ngu, cố làm ra vẻ yên bình, dù có đôi chút hoang vắng song chưa chắc đã không phải là lựa chọn sáng suốt.
Nam Sương tưởng là người sống cả đời nên không thẹn với lòng, nên tận hưởng lạc thú trước mắt, nếu có hối hận buồn bã thì nhớ lấy là được.

Cứ hay đào bới ra mà gặm nhấm, nghĩ mình lại xót cho thân mà rơi lệ tự thương hại thì tuyệt đối không nên.
Lúc thuộc nằm lòng liệt kê mấy người mình quý trọng, nàng lại rất đắc ý thêm mấy vị vào.

Trước có Hoa Nguyệt, Nam Cửu Dương, thầy Đào Thiển, thầy Vu Bất Cử phố đông, còn có Vu Hoàn Chi.
Bây giờ thì nhiều lắm, có Hoa Nguyệt, Nam Cửu Dương, Đào Thiển, Vu Bất Cử, Mục Diễn Phong, Tiêu Mãn Y, Giang Lam Sinh, vẫn có Vu Hoàn Chi.
Từ khi Đỗ Niên Niên đến trang Lưu Vân đã mười ngày có lẻ.

Hoa đào Nam vẫn chưa quen thân với nàng.
Mỗi ngày Mục Hương Hương và Tống Tiết đều gọi mọi người cùng dùng bữa tối, nhưng bữa tối vừa xong thì ai về phòng nấy.

Mười ngày qua, hoa đào Nam phát hiện, cùng lắm Mục Hương Hương và Tống Tiết chỉ lo toan chi phí ăn mặc của trang Lưu Vân.

Còn buôn bán từ nam chí bắc và qua lại với môn phái võ lâm ngoài trang, đệ tử nội môn tu tập võ nghệ đều qua tay Mục Diễn Phong và Vu Hoàn Chi.
Chắc chắn Vu Hoàn Chi làm việc này rất thành thạo.

Dẫu sao với cái tính Thái sơn có đổ trước mặt mà một cọng lông măng cũng chẳng động đậy của y luôn khiến người ta cảm thấy bất cứ chuyện gì cũng chỉ là trò vui đùa với y mà thôi.
Còn Mục Diễn Phong lại có tính dửng dưng, lúc làm việc, dù không đủ tỉ mỉ nhưng cũng rất mực thông minh, sấm rền gió cuốn.

Hắn thích nhất là đột kích võ nghệ của đệ tử trong trang, dùng chiêu kiếm pháp Thiên Nhất “Phù Không Lãm Nguyệt” cực kì cao minh.
Thiếu chủ Mục từng ghé đến vườn Thấm Huân mấy lần nhưng đều không phải tới tìm Nam Sương và Tiêu Mãn Y, mà là đến tìm Đỗ Niên Niên, nói muốn dẫn nàng ta du ngoạn trong trang.

Thi thoảng, ma đầu họ Vu cũng đi theo.
Mấy người du ngoạn trong trang không hề dẫn Nam Sương và Tiêu Mãn Y theo.
Tất nhiên hoa đào Nam biết Mục Diễn Phong lấy cớ du ngoạn trong trang, nhưng thật ra đang tìm cơ hội thăm dò lộ võ công của Đỗ Niên Niên nên chìm vào yên tĩnh tự tại.

Tiêu Mãn Y cũng biết động cơ của Mục Diễn Phong song vẫn rất bất mãn, muốn nghĩ cách lén lút đi theo, hành động bịt tai trộm chuông làm mọi người trong trang khịt mũi coi thường.
Giang Lam Sinh rảnh rỗi, thường xuyên đến vườn Thấm Huân hội họp, dò hỏi thực hư.

Ví dụ như Sương cảm thấy ở lại trang Lưu Vân lâu dài là việc tốt ư.

Lại ví dụ như Sương thấy thiếu chủ Mục và công tử Hoàn, ai giống anh cả hơn, vì sao.

Lại ví dụ như Sương, nếu có một ngày, một kẻ hoàng thân quốc thích võ nghệ cao cường, mặt đẹp như ngọc, thắt lưng giắt vạn quan cầu hôn cô, cô có bằng lòng không?
Hỏi hoa đào Nam hay lạc đề vốn không phải cử chỉ sáng suốt, vì vậy phần lớn thời điểm, Giang Lam Sinh đều bị Nam Sương cua vào khúc cong không sao ra được.

Chỉ một câu hỏi cuối cùng là hoa đào Nam nghiêm trang lắc đầu, nói: “Không bằng lòng”.
Giang Lam Sinh ngẩn ra, lại hỏi vì sao.

Còn Nam Sương đã thất thần, ánh mắt nàng rơi trên xà ngang chạm trổ chim muông hoa cỏ, thầm nghĩ chẳng biết công tử Hoàn đã khắc xong gỗ lê của đèn cung đình chưa.
Nghĩ đến đây thì chợt ngừng lại, đầu hoa đào Nam vụt lóe sáng kiến.

Nàng vỗ gáy theo thói quen, thuận miệng đáp Giang Lam Sinh một câu: “Đúng rồi! Tôi có thể đi hỏi công tử Hoàn chuyện đèn cung đình!”.

Vừa dứt lời, nàng đã xách váy, hí ha hí hửng, vui mừng rạo rực chạy ra ngoài vườn.
Cây quạt trong tay Giang Lam Sinh rơi xuống đất đánh cách một tiếng rồi gãy thành hai nữa như thần giao cách cảm, vài cơn gió thổi tới từ phía chân trời.
Từ vườn Thấm Huân đến trai Huy Vũ phải đi dọc theo hồ Nguyệt, xuyên qua sân tập võ trong rừng trúc nhỏ, qua cầu chín khúc là đến.
Nam Sương không giỏi phân biệt phương hướng nên vừa đi vừa hỏi, hỏi đến nỗi trên dưới trang Lưu Vân không ai không biết, không ai không hiểu nàng đang tìm công tử Hoàn.
Trong hiên Huy Vũ cũng có hồ nước cầu đá, dù vào đông cỏ cây khô héo vẫn dày đặc cây cỏ khô, khiến người ta có thể tưởng tượng ra, vào tiết xuân hè, nơi này xanh biếc dạt dào, tuoi tốt um tùm nhường nào.
Trong đình viện chỉ có mai trắng nở rộ, cảnh hoa rơi lả tả, hương thơm thoang thoảng.
Nhà chính phía bắc, trung gian là sảnh, bên phải là phòng sách, bên trái là phòng ngủ.

Phòng sách mở cửa sổ.

Đã quá trưa, nắng chiều lẳng lặng chiếu xéo vào nhà.

Trước bàn dài trong phòng, một người mặc áo trắng trầm lặng, tóc đen dây trắng đang ngồi.
Dường như bị cảnh yên tĩnh ấy cảm hoá, hoa đào Nam rón ra rón rén xách váy, dừng chân dưới cửa sổ thò đầu vào.
Ánh mặt trời nhợt nhạt ngày đông lờ mờ chiếu lên gò má Vu Hoàn Chi, y cụp mắt chăm chú, tay cầm gỗ lê, đang khắc gì đó.

Mi dài chớp chớp như điệp vỗ cánh.

Ánh mắt lấp lánh như bông tuyết vỡ tung.

Nhờ vẻ mặt hết sức chăm chú, đường nét hoàn mĩ lại thêm vẻ hớp hồn.
Nam Sương chỉ thấy tim bỗng đập mạnh, hô hấp không thông, đực người ra nhìn ngờ nghệch mãi đến khi Vu Hoàn Chi bình tĩnh như thường để gỗ lê xuống, dịch ghế ra sau rồi đi tới phía nàng.
Ma đầu họ Vu dở khóc dở cười nhìn hoa đào Nam kề đầu lên bệ cửa sổ.

Lúc bấy Nam Sương mới hoàn hồn, ngượng ngùng rụt đầu về sau, còn chưa thẳng người lên, Vu Hoàn Chi đã đóng cửa sổ đánh “cộp” một cái.

Hoa đào Nam sợ bắn lên, suýt nữa đụng phải mũi.
Nhìn cửa sổ khép lại thật chặt, nàng không khỏi hết sức nản lòng, đang định hậm hực bỏ đi, lại nghe “két” một tiếng, Vu Hoàn Chi đã mở cửa nhà chính ra.
Y đứng trong ánh sáng mỏng manh, thân như trăng sáng người như ngọc, khẽ cười với Nam Sương, nói: “Lần sau tới tìm tôi, nhớ vào thẳng cửa”.
Hoa đào Nam xách váy đến gần, lại cười hì hì với y, nom như có động cơ xấu xa.
Vu Hoàn Chi dẫn Nam Sương vào thẳng phòng sách, vừa đi vừa hỏi: “Sao lại đến đây?”.
Nam Sương nhìn chằm chằm đôi vai rộng của y, vụng về nói: “Tôi tới hỏi xem khi nào làm xong đèn cung đình”.
Vu Hoàn Chi ngây ra, xoay người lại trước bàn dài, xếp mấy cuốn sách sang một chỗ rồi lấy một cái hộp đen từ tủ âm tường phía sau, đặt lên mặt bàn.

Lúc cụp mắt mở hộp, y tỏ vẻ thờ ơ hỏi một câu: “Chỉ là cờ hiệu[1] đúng không?”.
Nam Sương không hiểu, nàng ghé mặt lên trên hộp đen, không chú ý mặt Vu Hoàn Chi gần trong gang tấc, đang lẳng lặng nhìn nàng.
Trong hộp đen xếp mười một khúc gỗ lê, cộng thêm một khúc trên bàn, tám dài ba ngắn đã được sơn, khúc ngắn đều khắc hoa văn hoa đào, hình hoa đào liền đế, trừ cành khô ra thì chẳng khác nào dấu dưới xương quai xanh của Nam Sương.
Hoa đào Nam thán phục “oa oa” liên miên, giơ khúc gỗ lê ngắn, hỏi Vu Hoàn Chi: “Trước đó anh đã làm cái này rồi à?”.
Ánh mắt Vu Hoàn Chi khẽ đậu trên bàn tay trắng nõn như ngọc đang nắm gỗ lê: “Về lật sách rồi học theo thôi”.
Nam Sương đặt gỗ lê lên bàn, giơ ngón tay cái với y: “Thông minh!”.

Sau đó lại nhặt khúc gỗ kia lên như lấy được báu vật, mở cửa sổ ra xem dưới ánh mặt trời một lúc lâu sau mới nói: “Giống dấu của tôi thật, vừa tao nhã vừa phóng khoáng”.
Vu Hoàn Chi ngẩn người, không biết nàng đang tự khen hay đang khen mình, mãi y mới hỏi: “Cô muốn vẽ gì trên thân đèn?”.
Nam Sương xoay người lại, khoanh tay chống cằm nghĩ một chốc.

Nàng bỗng cười, búng tay trên không trung: “Muốn vẽ hoa hồng hoa cúc, cành nhỏ lá xanh, chim khách chim sẻ, hồ điệp chuồn chuồn, cái nào hoan hỉ thì vẽ cái nấy”.
Vu Hoàn Chi cười cau mày, cúi đầu lấy tơ lụa ra, đặt lên mặt bàn rồi hất ra, quan sát một lát đoạn nhẹ nhàng nói: “Cũng tốt, dung tục mới là phong nhã”.
Nam Sương nghe lời ấy thì chép miệng, nói vô cùng đắc ý: “Cha ta thường nói, Hoa Đào Nhỏ nhà ông chính là một người dung tục phong nhã”.
Vu Hoàn Chi ngước mắt nhìn, hôm ấy Nam Sương vận một bộ váy xanh nhạt, nụ cười xán lạn, tựa như đào hồng với lá xanh đón gió xuân, quả thực dung tục phong nhã.
Y lẳng lặng vẫy tay với Nam Sương, nói: “Sương, qua đây”.
Nam Sương nghe xưng hô này, thoạt tiên chợt ngẩn ra rồi vui vẻ khó hiểu, hí ha hí hửng tới bên y, cười đùa: “Xin cứ dặn dò”.
Ánh mắt Vu Hoàn Chi dịu dàng, y vịn vai Nam Sương, hơi cúi người, khẽ khàng dán lên trán nàng.

Tư thế ấy như thể rất sợ làm hư hại, làm vỡ một vật quý báu vậy.
Chốc lát sau, y lại quay lưng đi, dời mấy cuốn sách ở nóc tủ âm tường đi, lấy ra một cái hộp gỗ khác.

Nam Sương tỏ vẻ tò mò, lúc Vu Hoàn Chi mở hộp gỗ ra thì hết sức kinh ngạc.[1] Ý là lấy cớ, mượn danh nghĩa..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui