Trấn Vân Thượng gần núi Linh Nham, cách sơn trang Lưu Vân không xa.
Phía tây Tô châu lắm dãy núi, ít thôn xóm.
Trấn Vân Thượng ở giữa hai ngọn núi, vốn là chốn hẻo lánh nhưng nó kề sơn trang Lưu Vân, gần quan được ban lộc, lại là thôn trấn duy nhất của vùng này nên có nhiều người trong võ lâm và thương nhân quan viên qua lại.
Mười dặm đường trường, nhà cửa chạy dài, ngựa xe như nước, có thể so bì với thành Tô châu.
Nam Sương và Tiêu Mãn Y ra roi đánh ngựa, hai mươi dặm đường núi mà chỉ chạy hết một canh giờ.
Gần giờ Tuất, trời đã sắp tối.
Đầu đường cuối ngõ thắp đèn lồ||g lên như sao sáng đầy trời.
So với hoa đào Nam hiếu kì, dọc đường hết nhìn đông lại ngó tây thì Tiêu Mãn Y điềm tĩnh hơn nhiều.
Trấn Vân Thượng không lớn, mới xuyên qua hai cái ngõ nhỏ đã thấy một chỗ gác thắm mái cong, trên ban công đèn đuốc có treo một tấm biển – lầu Thanh Thanh.
Lầu Thanh Thanh vốn là một nhà hát chẳng mấy tiếng tăm.
Mấy năm trước, sau khi diễn viên chính Hoa Nguyệt qua đời thì “Vũ Thiên Hạ” tiếng tăm lẫy lừng cũng sụp đổ, vài vũ sinh vũ cơ tứ tán lưu vong.
Lầu chủ của lầu Thanh Thanh đã nhân cơ hội này mời chào nhân tài, thu nhận ba vũ cơ của Vũ Thiên Hạ, còn dạy nghệ thuật hát hí khúc.
Từ đó, lầu Thanh Thanh tiếng tăm vang dội, thành một nhà hát khó cầu.
Quy củ của lầu này rất kì lạ, không nhận khách nữ đơn độc.
Nếu khách nữ muốn đến xem kịch mà không có chồng có cha dẫn theo thì không vào được.
Hoa đào Nam và Tiêu Mãn Y hoá trang hồi lâu, lúc này đã ăn vận như công tử trần tục.
Hai người ước tính thời gian, còn một canh giờ nữa mới bắt đầu diễn kịch, bèn quyết định đi tìm nhà trọ lấp đầy cái bụng.
Mới vừa quẹo vào một ngã rẽ, Tiêu Mãn Y đã nghe thấy có người phía sau đang gọi mình, xoay người lại, người trong ngõ thưa thớt, hối hả, chẳng quen biết ai.
Hoa đào Nam thấy tình cảnh ấy cũng rất buồn rầu, bất giác nghĩ đến chuyện ma trong sách cổ thì rùng mình, nắm tay áo Tiêu Mãn Y nói: “Đi thôi đi thôi”.
Tiêu Mãn Y gật đầu, lại nghi ngờ liếc nhìn vào trong ngõ.
Nào ngờ vừa đi hai bước, giọng nói khi nãy lại cất cao hơn, gọi: “Tiêu Mãn Y!”.
Lần này Hoa đào Nam đã nghe rõ, kẻ gọi y nhân Tiêu là một người đàn ông mà giọng nói lảnh lót như tỳ bà, nghe hay cực kì.
Hai người quay đầu nhìn lại, chỉ thấy một người áo trắng phấp phới bay xuống từ trên mái hiên.
Phía sau người nọ là vầng trăng sáng vằng vạc, ngõ nhỏ hun hút, lúc rơi xuống đất lại chẳng một tiếng động, mái tóc đen chưa buộc rủ xuống hai bên mặt, giống hệt một hồn ma.
Nam Sương và Tiêu Mãn Y thộn ra tại chỗ, người nọ cũng đứng cách đó không xa.
Bóng đêm quá mờ ảo, khuôn mặt hắn ta mờ nhạt, chỉ thoáng thấy khóe môi nở nụ cười, lộ ra hàm răng trắng bóc.
Diệp Nho thấy dáng vẻ ấy của Tiêu Mãn Y thì cho là nàng nhận ra mình, vì quá kích động mới ngây ra.
Nào ngờ trong khoảnh khắc, công tử văn nhã bên cạnh y nhân Tiêu bỗng run bắn, đột nhiên nhảy lên.
Cái nhảy này dường như đã gọi hồn y nhân Tiêu quay lại, khiến nàng ấy cũng nhảy theo.
Hoa đào Nam và Tiêu Mãn Y cô hát xong thì tôi lên sân khấu, nhảy một chặp hơn mười lần, vừa nhảy vừa hít không khí, vừa nhảy vừa nói chuyện.
Tiếc rằng đầu lưỡi hai người xoắn lại, mãi mà chỉ rặn ra vài âm tiết: “Ma trắng”, “đào đường đi”, “diễn đi”…
Diệp Nho thấy thế vô cùng buồn bực, toan đến gần chào hỏi đàng hoàng.
Nhưng hắn ta mới bước một bước, Tiêu Mãn Y đã thét chói tai.
Diệp Nho bị tiếng hét này làm giật mình lùi lại nửa bước, hoa đào Nam thấy thế thì tận dụng thời cơ, khẽ cắn môi dường như đã hạ quyết tâm.
Nàng bỗng nhiên nắm lấy cổ tay Tiêu Mãn Y, đầu ngón chân xoay tròn tại chỗ, hất bụi bặm lên thành hình xoắn ốc rồi lập tức chạy như bay.
Tiêu Mãn Y chỉ cảm thấy cơ thể chợt bị kéo đi, bên tai vọt tới từng tiếng gió thổi, cảnh vật trước mắt nhanh chóng xẹt qua, ngay cả nhìn cũng không thấy rõ.
Phúc tới thì ít, họa cứ dồn dập.
Hoa đào Nam mới kéo Tiêu Mãn Y chạy được mười trượng đã nghe phía trước có tiếng ngói vỡ vụn, trên đầu tường hiện lên ba bóng người.
Nàng ngây ra tại chỗ, lát sau than thở: “Buồn thay”.
Còn Tiêu Mãn Y cũng nghẹn họng nhìn nàng trân trân, vứt cả “con ma lấy mạng” khỏi đầu, chỉ hỏi: “Cô dùng khinh công gì đấy?” Nàng ấy quay đầu lại nhìn “oan hồn” kia, giơ tay lên khoa tay múa chân: “Mà có thể chạy mười trượng trong nháy mắt như thế?”.
Nam Sương tránh né câu hỏi của nàng ấy, chợt lóe lên ý tưởng: Đi về phía trước là địch ở trong tối, ta ở ngoài sáng; lui về phía sau là địch ở ngoài sáng, ta cũng ở ngoài sáng.
Trong lúc lựa chọn, hiển nhiên cứng chọi cứng với con ma kia dễ dàng hơn.
Nàng bèn cười hì hì với Tiêu Mãn Y, chỉ vào con ma đang đến gần hai người rồi lại ngừng cười, than một câu: “Buồn thay”.
Diệp Nho đứng yên tại chỗ, giơ tay lên dùng một sợi dây buộc mái tóc đen ở sau gáy lên, tươi cười nhìn về phía Tiêu Mãn Y: “Y, không nhớ tôi à?”.
Y nhân Tiêu nghe nói thế, trên mặt chợt hiện ra nụ cười, nàng ấy bước lên trước hai bước, thử gọi: “Diệp?”.
Đầu kia lại truyền tới tiếng nói dễ nghe: “Thì ra cô còn nhớ”.
Diệp Nho cực kì hiền hoà, thấy Tiêu Mãn Y nhận ra mình thì tiến lên trước, khom người vái Nam Sương trước và gọi: “Cô nương”.
Đoạn ngoảnh lại nói với Tiêu Mãn Y: “Trước kia nếu gặp cô, tôi nhất định phải nhảy lên mái hiên, đợi lúc cô nhìn chung quanh tưởng là không có ai thì nhảy xuống dọa cô.
Khi đó cô còn nói đã quen với trò vớ vẩn này, chẳng ngờ nhiều năm không gặp, cô lại bị tôi dọa”.
Diệp Nho là người gần gũi với y nhân Tiêu nhất khi còn ở “Vũ Thiên Hạ”.
Mặc dù hắn ta lớn hơn Tiêu Mãn Y một tuổi, song vì vào học muộn hơn nên cũng tính là sư đệ của nàng ấy.
Năm tháng trôi qua, chia li rồi gặp lại.
Mặc dù Tiêu Mãn Y không phải người hay xúc động mà cũng phải thổn thức vài câu, biểu đạt tình cảm khi xa cách: “Sau chia cách, nhớ gặp nhau, hoa lạt tàn hồng cây hạnh nhỏ[1].
Ôi! Qua nghe tiếng mưa gió, chẳng biết rụng bao hoa[2]“.
Quả nhiên là nàng ấy thích Mục Diễn Phong, ngay cả nền tảng thơ văn cũng bị bóp méo theo.
Diệp Nho nghe thế thì sửng sốt.
Ở phương diện này, Hoa Đào Nhỏ Nam là rắn chuột một ổ với Mục Diễn Phong, tất nhiên nàng sẽ vui mừng khen hay: “Diệu thay diệu thay”.
Diệp Nho thấy thế chỉ đành gật đầu, chắp tay nói: “Thật… diệu…”.
Gặp bạn cũ nơi đất khách là chuyện vui của đời người, huống hồ tính Diệp Nho ôn hòa, phóng khoáng khéo léo, lại chân thành khôi hài khiến hoa đào Nam và y nhân Tiêu rất thích.
Ba người kết bạn, lại tính kịch trong lầu Thanh Thanh chưa bắt đầu diễn, bèn cùng nhau đến một quán cạnh lầu tìm chút thức ăn.
Mấy người nói chuyện rất vui.
Qua lời nói, Tiêu Mãn Y và Nam Sương mới biết, sau khi rời khỏi “Vũ Thiên Hạ” Diệp Nho liền tới lầu Thanh Thanh này mưu sinh.
Không phải độc nhất vô nhị, đêm nay đến vở diễn “ghi chép về chiếc thoa tím[3]“, còn nhân vật chính là “Hoắc Tiểu Ngọc” mà Diệp Nho xướng.
Diệp Nho trắng nõn nà, ngũ quan thanh tú dịu dàng nên tất nhiên mặc trang phục diễn giả làm nữ sẽ rất đẹp.
Mà vừa rồi, Diệp Nho liếc mắt đã nhận ra Nam Sương nữ giả nam trang, gọi nàng là cô nương vì hắn ta là đào kép nên nhìn rõ mồn một phương diện này.
Ban đêm đèn hoa đầy đường.
Mấy người ăn xong thì cùng đi tới “lầu Thanh Thanh”.
Lầu này tuy nổi danh, nhưng sân tuồng không được cao rộng như kinh thành, Tô châu, vẻn vẹn hai tầng, không cách gian, toàn dựa vào kĩ thuật diễn tinh diệu của đào kép mà được tiếng thơm.
Lúc này, trong vườn đã huyên náo tiếng người, tiểu nhị chạy khắp nơi rót trà cho khách xem.
Trên sân khấu bày bình phong Hái Sen rộng lớn.
Tiếng đàn sáo thấp thoáng sau tấm bình phong, xuyên qua khe hở ồn ào náo động, chảy vào tai người.
Diệp Nho dẫn Tiêu Mãn Y và Nam Sương đi vào cửa nhỏ, dặn tiểu nhị tìm chỗ yên tĩnh cho hai người ngồi, nói “xin lỗi” rồi hối hả ra phía sau thay quần áo.
Mỗi ngày trước khi kịch mở màn, sau sân đều lộn xộn ngổn ngang, đám đào kép vội vàng hoá trang thay quần áo, nhạc công cũng vội vàng gảy dây thử âm thanh.
Phòng thay trang phục diễn ở chái tây, Diệp Nho đi ra sau sân thì nhìn sang bên phải rồi rẽ vào, theo hành lang đi vòng đến một gian phòng ở lầu hai.
Trong phòng đốt hương làm người ta bí bách gay mũi.
Trước giường là từng tầng mành sa tung bay, thấp thoáng bóng người ngồi trong đó, tư thế xinh đẹp vô cùng, sơn móng tay trên ngón ngọc đỏ như đỗ quyên.
Diệp Nho cúi người hành lễ trước giường, gọi: “Chủ lầu”.
Chủ lầu là một cô gái, giọng nói trầm thấp, có sức hấp dẫn khiến người ta nhập ma.
Chỉ nghe nàng ta khẽ cười một tiếng, nói: “Hai con nhóc ngu ngốc ấy tới thật rồi à?”.
“Vâng thưa chủ lầu”.
Diệp Nho đáp.
Nói xong, hắn ta lại lưỡng lự một lát: “Chỉ là vừa rồi trong ngõ hẻm, hình như tôi trông thấy một người”.
“Ồ? Ai thế?”
Diệp Nho ngừng một lát, ngước mắt nhìn cái mành tung bay, âm thanh không chút gợn sóng: “Sư Nhai ạ”.
Mãi mà sau mành chẳng có động tĩnh, tay cô gái nhón lất một cây nhang dưới gối ngọc, đưa tới lư.
Mùi hương trong phòng càng ngột ngạt.
Diệp Nho lại khom người thi lễ, nói: “Chủ lầu, bây giờ đã dò ra Vương Thất, Vương Cửu ở trang Lưu Vân.
Lần này, hai người Vu, Mục gióng trống khua chiêng trói họ về trang chính là muốn dụ địch thâm nhập, tìm chủ mưu phía sau.
Thuộc hạ cho rằng, nếu hôm nay có thể dùng kế lừa gạt Y Nhân Hai Mặt và Hoa Đào Nước Nam rồi thì tôi có thể trà trộn vào trang Lưu Vân.
Như thế, chủ lầu không phải lộ mặt, chỉ cần đợi thuộc hạ thăm dò hư thực là được”.
Rất lâu sau, vài tiếng cười truyền ra từ trong mành, cô gái kia vừa cười vừa than thở: “Đâu phải yêu phong trần, mà lỡ duyên tiền kiếp”.
Nàng ta khoác áo lên, thong thả nói với người ngoài mành: “Vở kịch nên bắt đầu rồi”.
Sau khi tiểu nhị thắp nến ở khắp các bàn, ánh nến của lầu Thanh Thanh chợt tắt.
Phút chốc cả căn lầu lặng ngắt như tờ.
Cách ánh sáng chập chờn, Tiêu Mãn Y nhìn thấy vẻ mặt chờ mong của hoa đào Nam, ánh mắt thì nhìn chằm chằm sân khấu phía trước.
Nàng ấy cũng rất chờ mong.
Diệp Nho cũng coi như là người lớn lên cùng nàng ấy.
Sau khi trưởng thành, con người ta mới biết, người hiểu mình xót mình càng ngày càng ít, còn những tri kỉ trong lòng đã lắng đọng theo thời gian, dù cho chia cách nhiều năm cũng không giống người thường được.
Suy nghĩ lúc này của Tiêu Mãn Y rất đơn thuần, nàng ấy muốn thấy sau khi trở thành đào kép, kĩ thuật múa của Diệp Nho thế nào.
Chuyện cũ xa xăm như khói, mây khói chẳng tan.
Trong kí ức của y nhân Tiêu, mỗi vũ cơ trong “Vũ Thiên Hạ” đều mang tuyệt kĩ, đều có thể múa những khúc nổi tiếng như “bài ca lụa đỏ”, “áo bay” với phong thái đẹp đẽ.
Nhưng “khúc Kinh Loan” nổi tiếng thì đời đời kiếp kiếp chỉ có thể có một truyền nhân.
Người học được “khúc Kinh Loan” dù dốc hết cả đời cũng phải tìm được một vũ cơ có năng khiếu cực tốt để truyền lại tài múa kinh thế hãi tục này.
Cho tới khi “Vũ Thiên Hạ” tứ tán, các vũ sinh vũ cơ tốp năm tốp ba đến quán múa nhà hát, chỉ một mình Tiêu Mãn Y là múa một khúc ở câu lan theo định kì, kiếm đủ lộ phí, lưu lạc khắp gầm trời tìm kiếm truyền nhân.
May thay gặp được Mục Diễn Phong, may thay mình thích chàng, may thay sau khi lang bạt kì hồ, nhân vì sự yêu thích trong lòng mà có chốn quay về, dù chàng không hề thích mình.
Trước Tiêu Mãn Y, truyền nhân của khúc Kinh Loan là Hoa Nguyệt.
Hoa Nguyệt từng nói với y nhân Tiêu: “Khúc Kinh Loan là một khúc múa rất cần tư chất, thiên hạ này hiếm người có đủ tư chất ấy.
Cho nên kẻ múa Kinh Loan như chúng ta dù phải lang bạt kì hồ đến tận lúc cuối đời cũng phải tìm được người này.
Bằng không kĩ thuật múa kinh thế hãi tục như vậy sẽ không thể lưu truyền tiếp nữa”.
Hoa Nguyệt là người thật thà, có lúc ngốc nghếch, rất ít khi nói năng nghiêm túc như thế.
Sau khi bà nói xong lại than liền vài tiếng, sau đó cười hì hì bảo: “Một đời một kiếp với một người nhớ nhung trong lòng, dù cho không thể bên nhau trọn đời”.
Tiếng đàn văng vẳng, phá tầng không trăng giật mình.
Bình phong trên sân khấu dần được kéo ra, một màn kí về chiếc thoa tím, một cành liễu nơi cầu Bá giang.[1] Câu đầu bài từ Điệp luyến hoa – Tình xuân của Tô Thức.
[2] Hai câu cuối bài Buổi sáng mùa xuân của Mạnh Hạo Nhiên.
[3] Mọi người có thể xem phim Tử Thoa kì duyên để biết thêm về nội dung vở kich..