Chương 01
Bước vào hội trường của Công ty, Thạch thấy không khí có vẻ khác lạ so với những lần hội họp trước. Khoảng ba mươi người đều ngồi im lặng, không cười đùa hay trò chuyện riêng tư trong khi chờ giám đốc đến. Thạch hỏi người bạn ngồi bên cạnh:
- Họp chuyện gì vậy anh?
Người bạn lắc đầu:
- Nghe đâu có chuyện rất nghiêm trọng.
Rồi giám đốc bước vào phòng họp. Có lẽ trời quá nóng nên ông không mặc veston như thường ngày nhưng vẫn đeo cà-vạt chỉnh tề.
Giám đốc đứng nhìn mọi người rồi ông nói thẳng vào vấn đề:
- Hôm nay tôi rất buồn khi phải thông báo với các anh chị một tin không vui. Công ty liên doanh với chúng ta ở Hàn Quốc bị phá sản, do đó Công ty trách nhiệm hữu hạn của chúng ta buộc phải giải thể. Trước khi chia tay, chúng tôi cố gắng trả lương cho các anh chị hết tháng này. Tất cả những gì các anh chị mượn ở Công ty xin trả lại cho Công ty, để chúng tôi tổ chức thanh lý. Hẹn trong một tương lai gần, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở một Công ty liên doanh khác.
Nói xong giám đốc vội vã bước ra ngoài phòng họp. Ông sợ phải nhìn những đôi mắt đỏ hoe của các nhân viên nữ.
Thạch bần thần đứng dậy. Tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế, Thạch phải mất một năm đi tìm việc làm ở nhiều nơi, cuối cùng mới được nhận vào làm ở Công ty này. Tưởng công việc sẽ ổn định lâu dài, không ngờ chỉ mới hai năm Công ty đã phải giải thể. Hai mươi bảy tuổi lại bị thất nghiệp.
Thạch uể oải bước đến phòng tài vụ lãnh tháng lương cuối cùng và gởi trả lại chiếc điện thoại di động của Công ty. Không muốn trò chuyện với ai, anh lấy xe và chạy len lỏi giữa đường phố đông đúc xe cộ…
Quán cà phê Trúc Đào, phía trước có cây trúc đào lớn với những chùm hoa đỏ hồng. Thạch thường đến đây uống cà phê vì anh thích nhìn hoa và nghe ca khúc Trúc Đào phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên.
Anh cũng muốn gặp cô thu ngân có chiếc răng khểnh của quán. Quế Lan vừa tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ và Tin học. Chưa tìm được việc làm thích hợp, cô ra ngồi quầy thu ngân cho chị là chủ quán cà phê Trúc Đào. Quế Lan quen Thạch hơn một năm, biết sở thích của anh nên khi thấy Thạch dẫn xe vào quán, cô cho máy chạy đĩa nhạc mà anh thích: “Chiều xưa có ngọn trúc đào. Mùa thu lá rụng bay vào sân em…”.
Mười giờ sáng, quán vắng khách. Thạch kéo ghế ngồi ở bàn có cái gạt tàn thuốc bằng gốm hình con cua. Anh đốt một điếu thuốc và thả những hơi khói dài. Quế Lan đến đứng trước bàn:
- Sáng nay anh nghỉ việc?
Thạch buồn bã nói:
- Anh nghỉ việc luôn rồi.
Tưởng Thạch nói đùa, Quế Lan cười.
- Mới ngủ dậy hả? Vậy anh uống cà phê đá cho tỉnh người.
- Không. Cho anh ly cà phê đen không đường.
- Anh bị đau bụng?
- Không. Anh đang tập làm quen với chất đắng!
Quế Lan đi vào quầy lấy một tách cà phê đem ra để trên bàn. Thạch cầm lấy chiếc muỗng, khuấy tách cà phê. Quế Lan cười:
- Cà phê không đường mà.
Thạch thảy chiếc muỗng xuống bàn:
- Người ta khó mà bỏ được một thói quen.
Anh bưng tách cà phê, uống một ngụm và nhăn mặt.
- Bây giờ anh nói chuyện nghiêm túc. Công ty của anh vừa bị giải thể và anh đang bị thất nghiệp. Mọi dự tính của chúng ta đành phải hủy bỏ.
Quế Lan xoay xoay chiếc muỗng trên mặt bàn:
- Em yêu anh, chứ đâu phải yêu công việc của anh?
Thạch lắc đầu:
- Em không hiểu tình trạng của một thanh niên mất việc. Hắn cảm thấy hụt hẫng và đứng không vững. Anh không muốn níu em cùng ngã với anh.
Quế Lan cắn môi rồi nói:
- Vậy anh muốn chuyện tình của chúng ta chấm dứt từ đây?
Anh muốn nói với em lời của giám đốc anh mới nói sáng nay. Hẹn trong một tương lai gần, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở một chuyện tình khác. Em cũng đừng gọi điện thoại di động của anh vì anh đã trả lại máy cho Công ty.
Thạch uống cạn ly cà phê đen rồi đứng dậy, dắt xe ra khỏi quán.
Quán Trống Đồng buổi chiều đông nghẹt khách. Thạch ngồi với Tuấn - một người bạn thân - ở chiếc bàn ngoài sân để hóng những ngọn gió hiếm hoi. Trên mặt bàn, những đĩa thức ăn còn đầy, dưới chân bàn xếp đầy những vỏ chai bia. Thạch uống cạn một ly bia rồi thở dài. Tuấn vỗ vai Thạch:
- Mày đừng nản. Với khả năng của mày, rồi cũng sẽ tìm được một việc làm khác.
Thạch lắc đầu:
- Nửa tháng nay tao đã chạy khắp nơi để tìm việc làm nhưng nơi đâu người ta cũng trả lời đã đủ người. Tao không thể chịu đựng được tình trạng thất nghiệp. Tao đã có thói quen làm việc rồi, ngồi không thấy tay chân mình thừa thãi không chịu được. Bây giờ tao muốn làm bất cứ việc gì, lương ít cũng được. Mày có thể giới thiệu cho tao một việc làm không?
Tuấn suy nghĩ rồi nói:
- Lương ít nhưng mày có chịu đi xa không?
Thạch gật đầu.
- Có việc làm ở các huyện ngoại thành, tao cũng sẵn sàng đi làm.
- Không phải ở các huyện ngoại thành Sài Gòn mà ở tuốt Phan Rí.
Thạch ngạc nhiên, hỏi lại:
- Phan Rí nằm ở nơi đâu?
- Một cửa biển ở tỉnh Bình Thuận, cách Phan Thiết khoảng bảy mươi cây số.
- Tao sẽ làm gì ở đó?
- Bác tao làm giám đốc một hãng nước mắm ở ngoài đó. Ông đang cần một thư ký lo việc tiếp thị và xuất khẩu hàng.
- Nhưng tao đâu có rành về nước mắm.
Tuấn bật cười:
- Nước mắm mày ăn hàng ngày mà không rành à?
Chương 02
Khoảng bốn giờ chiều. Một chiếc xe đò chạy trên quốc lộ 1, đến một ngã ba, xe dừng lại. Một cơn trốt ùa đến thổi cát bụi và khói xe bay mù trời khiến không còn nhìn thấy chiếc xe. Người lơ xe kêu lớn: “Đến Phan Rí rồi, xuống đi anh Hai!”. Tiếng cửa xe đóng lại rồi xe chạy vụt đi. Cơn trốt lắng xuống. Thạch tay cầm túi xách, tay cầm khăn lau bụi bám đầy mặt.
Trời nắng gắt. Thạch đi vào một con đường nhỏ, hai bên đường là những hàng cây keo lá bám đầy bụi. Thạch đưa mắt tìm người hỏi thăm đường. Những người lái xe Honda phóng vụt qua. Một cô gái mặc áo tím than từ trong hẻm bước ra. Thạch vội chạy đến hỏi thăm:
- Em có thể chỉ cho tôi biết đường đến hãng sản xuất nước mắm Hương Biển.
Cô gái mở đôi mắt tròn xoe nhìn Thạch từ đầu đến chân rồi hỏi lại:
- Ông đến đó mua nước mắm à?
- Không. Tôi đến đó xin việc làm.
- Em cũng về cùng đường đó. Vậy, ông cứ đi theo em.
Thạch nói cám ơn và bước đi song song cùng cô gái. Em dừng lại và lắc đầu.
- Ông hãy đi sau em vài bước. Đi bên em người ta sẽ đồn um lên ngay.
- Đồn chuyện gì?
- Đồn em có …bồ!
- Trời đất! Bộ ở đây người ta thích bàn chuyện của người khác lắm sao?
- Vâng, chỗ nhỏ bé mà. Mong ông cảm phiền.
Thạch lắc đầu, đứng lại đợi cô bé đi trước vài bước rồi anh lủi thủi bước theo sau.
Đến một con hẻm vắng, hai bên là những dãy tường trét xi măng mà không quét vôi, Thạch vội bước lên đi song đôi cùng cô gái và nói:
- Đi một mình lủi thủi phía sau, tôi thấy tủi thân quá!
Cô gái trợn mắt hỏi:
- Sao vậy?
- Tôi có cảm tưởng người ở đây đã hắt hủi tôi.
- Vậy ông còn đến đây làm gì?
- Tại tôi đang thất nghiệp và hãng nước mắm Hương Biển đã nhận tôi làm thư ký.
Cô gái lắc đầu, cười:
- Sợ ông không chịu nổi đâu.
- Làm thư ký có gì nặng nhọc mà không chịu nổi?
- Không. Em muốn nói mùi nước mắm kìa.
- Đó là mùi đặc biệt của quê hương. Người Việt Nam ở nước ngoài còn nhớ đến nó. Sao em nói tôi không chịu nổi?
- Rồi ông sẽ biết mà.
Hai người đi đến bờ sông đậu đầy ghe chài. Cô gái chỉ một ngôi nhà lớn có tường bao quanh, trước cổng có tấm bảng: “Hãng nước mắm Hương Biển”.
- Đây là nơi ông muốn đến. Em chúc ông may mắn.
Từ khi thất nghiệp, lần đầu tiên Thạch nghe có người chúc mình may mắn nên anh cảm động nói:
- Cảm ơn em. Em có thể cho tôi biết tên?
- Nếu ông làm việc ở hãng nước mắm này ông sẽ biết tên em. Vì em cũng thường đến đây giao cá. Thôi, chào ông!
Thạch đứng nhìn cô gái đi khuất vào đám đông trên bờ sông rồi anh đẩy cổng hãng nước mắm, bước vào. Một phụ nữ mặc áo hoa màu vàng nhạt đang ngồi xem sổ sách. Thạch hỏi thăm văn phòng ông giám đốc. Chị chỉ cánh cửa gỗ màu nâu sậm đóng kín. Thạch đến gõ cửa.
- Vào đi.
Thạch mở cửa bước vào. Một người đàn ông tóc bạc khoảng sáu mươi tuổi, đeo kính trắng đang ngồi ở bàn làm việc.
- Thưa bác, cháu là Thạch. Anh Tuấn đã giới thiệu cháu ra đây!
Thạch để đơn xin việc cùng văn bằng lên bàn. Ông giám đốc đọc qua giấy tờ rồi nói:
- Tôi cũng đã nhận được điện thoại của cháu Tuấn giới thiệu cậu. Làm thư ký ở đây không phải chỉ ngồi ở văn phòng mà cậu còn phải đi các nơi giao nhận hàng. Cậu đồng ý làm công việc nặng nhọc như vậy không?
- Dạ, cháu đồng ý.
- Vậy cậu bắt đầu làm việc từ sáng mai. Cậu đã có chỗ trọ chưa?
- Dạ chưa. Cháu mới đến đây chiều nay.
- Được rồi, tôi sẽ nói chú Sáu lo cho cậu một chỗ ở tạm ngay trong nhà lều. Nếu sau đó cậu thấy bất tiện thì có thể thuê chỗ ở khác.
- Dạ cảm ơn bác.
Ông giám đốc bấm nút chiếc chuông điện đặt trên bàn. Lúc sau, một người đàn ông tóc hoa râm, mặc quần áo bà ba đen, bước vào. Ông giám đốc nói:
- Chú Sáu thu xếp chỗ ở cho cậu Thạch ở nhà lều. Có thể lấy chỗ của anh thư ký đã ở trước.
- Dạ ông để tôi thu xếp. Mời cậu đi theo tôi.
Thạch cúi chào ông giám đốc rồi xách túi đi theo chú Sáu. Phía sau toà nhà của ông giám đốc là khu nhà lều, rộng mênh mông. Những thùng gỗ làm nước mắm được xếp thành hàng dài, có lối đi ở giữa. Đến một góc nhà lều, chú Sáu chỉ một chiếc giường nhỏ và một cái tủ gỗ.
- Cậu ở tạm chỗ này. Đây là chỗ ở của người thư ký trước, cậu ta làm được ba tháng thì xin nghỉ việc.
Thạch để túi xách lên giường, móc túi lấy gói thuốc mời chú Sáu một điếu và hỏi:
- Sao anh ta nghỉ việc vậy chú?
Chú Sáu hút một hơi thuốc rồi nói:
- Cậu ta chịu không nổi mùi nước mắm.
Thạch cười:
- Tưởng gì khó khăn chứ mùi nước mắm cháu dư sức chịu được mà. Cháu sẽ dễ dàng vượt qua ba tháng ở đây của anh ấy.
- Cậu đừng nói trước. Đến ngày lấy ”xác mắm” cậu mới hiểu mùi nước mắm như thế nào. Cậu định ăn cơm ở đây hay ngoài quán?
- Chú cho cháu ăn cơm luôn ở đây cho tiện. Cháu sẽ đóng góp tiền nhờ chú nấu cơm.
- Vậy sẵn bữa, mời cậu ăn cơm luôn.
Chú Sáu dọn cơm lên một chiếc bàn gỗ. Một tô canh cá, một đĩa mực xào và một đĩa rau lang luộc.
- Mời cậu. Tôi ăn sơ sài, sợ cậu ăn không được.
Thạch ngồi vào bàn, bới cơm vào chén cho chú Sáu và cho anh.
- Cháu đang thất nghiệp mà. Có miếng ăn là quý rồi, còn đòi hỏi chi nữa. Chú cũng ở nơi xa đến đây làm việc sao?
Chú Sáu vừa ăn cơm vừa trò chuyện:
- Nhà tôi ở xóm chài gần biển. Thỉnh thoảng, tôi mới ghé về nhà. Tôi thường trực ở nơi đây để coi mấy thùng nước mắm. Cậu bao nhiêu tuổi rồi?
- Da, cháu hăm bảy.
- Vậy bằng tuổi thằng con trai đầu của tôi. Nó đã có vợ và hai con. Còn cậu được mấy đứa rồi?
Thạch bật cười:
- Cháu còn độc thân. Cháu sống với mẹ và cô em gái còn đi học ở Sài Gòn.
- Sài Gòn to lớn, đông vui lắm. Ở đây nhỏ xíu, buồn hiu nên lớp trẻ đều bỏ đi, đến thành phố lớn tìm việc làm. Rồi cậu cũng buồn chán xứ này mà bỏ đi ngay.
Thạch đứng dậy, đến bên tờ lịch năm có in hình những cao ốc ở Sài Gòn, dán bên hông tủ gỗ. Anh lấy viết vòng mấy con số.
- Cháu đến đây ngày ba tháng tư, đến ngày ba tháng bảy là tròn ba tháng. Chú sẽ thấy cháu sống qua mùa hè ở đây và sẽ còn sống dài dài ở đây…
Chương 03
Buổi sáng, Thạch lên văn phòng. Ông giám đốc giới thiệu anh với các nhân viên:
- Đây là cậu Thạch, thư ký mới của tôi. Đây là anh Đông lo khâu kỹ thuật. Đây là cô Loan, kế toán. Đây là chị Yến, thủ quỷ. Sáng nay, anh Đông hãy dẫn cậu Thạch đi thăm các phân xưởng để cậu ấy hiểu quy trình sản xuất nước mắm.
Đông chở Thạch bằng xe Honda đến bến cá. Các ghe sơn màu xanh, đỏ đậu san sát ở bến sông. Đông giải thích:
- Các ghe đánh cá ở biển về đậu nơi đây. Họ lựa loại cá lớn đem bán riêng, còn loại cá cơm, cá nục họ đem bán cho các nhà lều làm nước mắm. Nhà lều thì anh biết rồi, bây giờ tôi chở anh đi xem các phân xưởng pha chế nước mắm rồi vào chai.
Qua sự chỉ dẫn của Đông, Thạch mới hiểu: nước mắm nguyên chất từ nhà lều chở đến các phân xưởng được pha chế với công thức riêng, cho hợp với khẩu vị của người dân ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Nước mắm được vào chai một lít hay vào các can nhựa từ năm đến mười lít. Sau đó, xe tải sẽ chuyên chở nước mắm đi giao cho các đại lý ở các tỉnh.
Buổi chiều. Thạch ở nhà lều, phụ với chú Sáu nhận cá. Những người gánh cá từ bến vào bán. Họ đổ cá vào chiếc sọt lớn để trên cân bàn. Thạch ghi số lượng cá, viết hóa đơn cho họ lên tính tiền ở văn phòng. Sau đó những sọt cá được người vận chuyển đổ vào các thùng làm nước mắm theo chú Sáu hướng dẫn.
- Chào ông!
Thạch ngạc nhiên nhận ra cô gái anh đã gặp hôm mới đến đây.
- Ủa, em đến nhà lều làm gì?
- Em đi giao cá. Ghe anh Hai em mới đánh cá về, em thuê người gánh cá đến đây bán. Ông nhớ cân nới tay nghe!
Chú Sáu từ trong đi ra hỏi:
- Chị Hai đâu mà con đi giao cá vậy?.
Cô gái nói:
- Chị Hai bận ở nhà làm đám giỗ má. Chiều nay mời ba về.
- Chà, lu bu quá, ba cũng quên ngày giỗ của bả.
Thạch trố mắt nhìn hai người. Chú Sáu giới thiệu:
- Đây là Trân, con gái tôi. Còn đây là cậu Thạch…
Trân xua tay:
- Ba khỏi phải giới thiệu. Con biết ông ấy từ khi mới đặt chân đến xứ này.
- Con gọi cậu Thạch bằng anh được rồi. Cậu ấy cùng tuổi với anh Hai con.
- Nhưng ông ấy là người xa lạ, đâu có thân thiết mà con gọi bằng anh.
Thạch cười:
- Được rồi chú Sáu. Cô ấy muốn gọi cháu là gì cũng được.
Rồi anh quay qua nói với Trân:
- Cần phải có thời gian người ta mới thân thiết với nhau. Và cũng cần phải có thời gian người ta mới ”trẻ hóa” từ ông xuống anh, phải không?
Chú Sáu lắc đầu:
- Chẳng hiểu tụi trẻ ngày nay xưng hô với nhau như thế nào nữa?
Trân lấy tay bịt miệng cười khục khục. Thạch nhìn lên bàn cân cá: “38 kg 900”. Anh nới tay ghi tròn 39 kg vì nụ cười ”khục khục” của cô gái nặng 100 gram.
Xóm chài ở sát biển. Những ngôi nhà lợp tôn đã bị xỉn màu vì hơi muối. Chung quanh nhà là những cây dương tàng lá luôn luôn xanh và cho bóng mát. Một vài chiếc ghe đánh cá neo ngoài biển và người ta đi ghe thúng vào bờ.
Ngồi trong nhà chú Sáu, Thạch vẫn nghe được tiếng sóng biển ầm ì. Chú Sáu đang đứng trước tấm ảnh vợ. Tấm ảnh thờ đen trắng, hình một người đàn bà búi tóc, có đôi mắt giống hệt Trân.
Mâm cơm giỗ được bày ra bàn. Có chú Sáu, Hải - con trai của chú Sáu và Thạch.
Hải rót rượu vào ba chiếc ly nhỏ. Thạch nói:
- Anh mời chị và bé Trân lên ăn cơm luôn.
Hải mặc chiếc áo thun đỏ làm nổi bật nước da đen sạm. Anh nói:
- Bà xã tui bận coi một con nhỏ đang nằm nôi và một thằng nhỏ ba tuổi, nó “quậy” lắm. Còn con Trân nó ”quậy” còn hơn thằng nhỏ nữa.
Chú Sáu cười:
- Vợ con bận thì thôi. Con gọi con Trân lên ăn cho vui.
Hải đứng dậy đi xuống nhà dưới, lúc sau anh cùng Trân đi lên. Trân liếc nhìn Thạch nói:
- Nhà có khách, em ngại lắm!
Hải kéo Trân ngồi xuống ghế:
- Mày không ngại chắc mâm cơm này sẽ mất giá trị trong năm phút.
- Anh nói em tham ăn lắm hả?
- Mày không tham ăn, mày chỉ chọn đồ ăn ngon thôi. Vậy chỉ cần năm phút mày làm mất giá trị mâm cơm rồi.
Trân quay qua nhéo Hải:
- May cho anh là nhà có khách.
Chú Sáu cười, cầm ly rượu lên.
- Mời cậu Thạch một ly.
Thạch cụng ly với chú Sáu và cụng ly với Hải. Ba người uống cạn ly. Hải gắp một miếng thịt gà ăn rồi hỏi Thạch:
- Anh thứ mấy để dễ gọi?
- Tôi cũng là con đầu như anh.
- Cha! Vậy cũng là anh Hai nữa. Anh sinh ngày mấy, tháng mấy, năm mấy để dễ tính?
- Tôi sanh ngày 10, tháng 5, năm 1975.
- Cha! Tôi sanh cùng năm, cùng tháng với anh, còn ngày thì là 12. Vậy tôi thua anh đúng hai ngày.
Trân gắp miếng gan gà, chấm muối tiêu chanh, bỏ vào miệng rồi nói với chú Sáu:
- Sanh trước một giờ cũng đủ làm anh rồi phải không ba?
Chú Sáu gật đầu:
- Ừa!
Hải cú đầu Trân:
- Chưa chi mày đã ”đá phản” vô lưới nhà.
Trân vừa xoa đầu vừa hỏi chú Sáu:
- Vậy con gọi ông đây (chỉ Thạch) là anh Hai, còn anh Hai (chỉ Hải) là anh Ba, phải không ba?
Chú Sáu cười:
- Ừa!
Trân cầm ly cụng ly rượu của Thạch:
- Em út xin ra mắt anh Hai.
Hai người uống cạn ly. Hải trợn mắt nhìn Trân:
- Trời! Ly trà đá mà nó dám uống cạn hết trăm phần trăm.
Chú Sáu bật cười rồi hối thúc:
- Thôi, ăn cơm đi. Ba và cậu Thạch còn phải về nhà lều nhận đợt giao cá buổi tối.
Thạch và chú Sáu đi dọc bờ biển về phía nhà lều. Đêm trăng mờ mờ. Biển đen thẫm lấp lánh những ngọn sóng bạc. Những chú còng bỏ chạy tán loạn khi bước chân của hai người đến gần chúng. Gió thổi mạnh khiến tóc của Thạch thổi ngược về phía sau. Anh đi gần chú Sáu, hỏi:
- Thím mất lâu chưa chú?
Chú Sáu quăng điếu thuốc xuống cát, gió thổi tàn lửa bay lả tả rồi tắt ngóm.
- Mười tám năm rồi, bả mất khi vừa sanh con Trân. Bác sĩ phải mổ bà mới cứu được con bé. Bả bị bệnh tim và con Trân cũng bị bệnh đó. Năm rồi nó đang học lớp mười hai, phải vào bệnh viện chữa bệnh tim nửa tháng rồi về nhà nằm dưỡng bệnh hai tháng nên phải bỏ dở năm học. Tôi không muốn nó đi học nữa, suy nghĩ nhiều chỉ làm mệt tim. Nhưng con nhỏ đó tánh “chướng” lắm. Nó nhất quyết đòi đi học lại vào tháng tám tới.
- Trân không thể làm việc nặng nhọc. Vậy em phải học thêm có bằng cấp, mai sau mới tìm được việc làm nhẹ nhàng.
Chú Sáu lắc đầu:
- Tôi nói nó ở nhà giúp vợ thằng Hải bán cá cũng đủ sống. Bán cá đâu có cần học cho cao. Nó nói: Vậy ba thấy không cần cái đầu thì con để cái đầu làm chi cho nặng cổ. Rồi nó đập đầu vào tường, máu chảy tùm lum. Tôi phải chở nó vô bệnh viện khâu mấy mũi trên đầu… Con nhỏ tánh “chướng” ghê lắm! Nó không chịu thua bạn bè. Nghỉ học một năm rồi, đi học lại không biết nó có theo kịp người ta?
Thạch khum tay che gió châm một điếu thuốc rồi nói:
- Nếu chú đồng ý, cháu sẽ dạy kèm cho Trân. Cháu sẽ ôn luyện bài vở để em có thể theo kịp các bạn.
Chú Sáu nắm tay Thạch lắc lắc:
- Vậy thì hay quá! Cám ơn cậu nhiều. Nó đã đau buồn vì thiếu mẹ nên tôi muốn làm mọi chuyện cho nó được vui.