Chương 04
Chiếc quạt trần ở văn phòng đã chạy hết tốc độ, những cửa sổ đã được mở toang, Thạch vẫn thấy nóng nực. Anh cố đánh cho nhanh một hợp đồng giao hàng ở chiếc máy vi tính đã quá cũ để có thể đi xuống phân xưởng đón các ngọn gió biển thổi vào. Chị Yến ngồi ở bàn thủ quỹ đối diện gọi:
- Thạch qua đây ký sổ lãnh lương.
Thạch ngẩng đầu ngạc nhiên:
- Hết một tháng rồi sao chị?
Chị Yến cười:
- Hết một tháng rồi. Bộ Thạch thấy thời gian ở đây qua mau lắm sao?
Thạch gật đầu:
- Có lẽ tại công việc ở đây mới lạ đã cuốn hút em, khiến em quên đi ngày tháng.
- Vậy em có thể “mọc rễ” ở đây được rồi. Ngay tháng đầu, giám đốc đã trả lương cho em tám trăm ngàn đồng, chứng tỏ ổng biết em thích hợp với công việc của hãng.
Thạch bước đến bàn chị Yến, ký vào sổ lương, lãnh tiền.
- Cảm ơn chị. Công việc ở đây, em có thể thích hợp được nhưng thời tiết quá nóng, không biết em có chịu nổi không.
- Thời tiết nóng thì tắm biển cho mát, còn vẫn nóng thì nhờ con nhỏ Trân quạt cho mát.
- Nhỏ Trân nào chị?
Chị Yến bật cười:
- Đừng giấu chị. Xứ này nhỏ lắm, có chuyện gì người ta biết ngay. Con gái xứ biển trưởng thành sớm. Con nhỏ Trân đã mười tám tuổi, em cưới nó rồi “mọc rễ” luôn ở đây cũng được. Có điều con nhỏ đó “lanh” lắm, không biết em trị nổi nó không. Thôi, chị xuống phân xưởng phát lương cho công nhân.
Buổi sáng chủ nhật, trời đứng gió. Mặt biển phẳng lặng và những cây dương ở xóm chài cũng đứng im, không phát ra những tiếng kêu vi vu. Trong nhà chú Sáu, Thạch và Trân ngồi ở chiếc bàn kê sát của sổ. Trên bàn có mấy cuốn sách, vở. Trân nhìn Thạch hỏi:
- Bây giờ ông muốn em gọi là ông, là anh Hai hay là thầy?
Thạch bật cười:
- Em thích gọi tôi là gì cũng được.
- Ông không thể tự quyết định được à?
- Tôi tự quyết định được chứ. Bây giờ tôi quyết định làm theo quyết định của em.
Trân cười:
- Ông khôn ghê! Vậy em quyết định: Khi ông dạy học, em gọi ông là thầy. Ở ngoài đường, em gọi ông là anh Hai. Ở nhà lều, em gọi ông là ông vì ở đó chúng ta giao dịch với nhau qua việc mua bán cá như những người xa lạ. Ông đồng ý không?
Thạch lắc đầu:
- Rắc rối quá! Thôi chúng ta bắt đầu học. Em thấy em học yếu nhất môn nào để tôi dạy kèm cho em?
Trân nhíu mày suy nghĩ rồi trả lời:
- Môn văn.
- Trời đất, đấy là môn tôi yếu nhất. Tôi chỉ có thể dạy kèm cho em các môn toán, lý, hóa và Anh văn.
- Vậy thầy dạy Anh văn cho em.
- Sao em chọn học Anh văn trước?
- Vì tiếng Anh nói I, You không ”rắc rối” như khi nói tiếng Việt.
Thạch mở cuốn sách Tiếng Anh lớp 11, chỉ bài học đầu tiên cho Trân tập đọc. Nghe em phát âm sai những chữ This, That… Thạch lắc đầu. Anh để đầu lưỡi giữa hai hàm răng phát âm This, That. Trân bắt chước, lè lưỡi ra và cắn vào lưỡi khiến em bịt miệng xuýt xoa. Thạch bật cười, rót cho em một ly nước và nói:
- Thôi hôm nay tạm ngưng học Anh văn, để cho cái lưỡi của em lành lặn. Tôi sẽ dạy em môn toán.
Hai người đang cắm cúi giải một bài toán. Đồng hồ treo tường gõ mười hai tiếng. Trân reo lên:
- Hết giờ học rồi. Thầy đợi em dọn cơm mời thầy ăn luôn.
Thạch xua tay:
- Thôi khỏi. Tôi mới lãnh lương hôm qua. Tôi sẽ đãi em đi ăn bánh xèo, bánh căng.
Trân vỗ tay:
- Hoan hô thầy!
Hai người bước ra khỏi nhà. Nắng lỗ chỗ trên mặt cát vì vướng những tàng dương xanh trên cao. Buổi trưa, xóm chài im vắng vì những người đi đánh cá chưa về bến. Một vài ông già, bà già mắc võng giữa hai gốc dương tìm giấc ngủ trưa.
Trân dẫn Thạch đi ra đầu xóm rồi ghé vào một quán lợp lá dừa sơ sài. Một người đàn bà đang ngồi khuấy nồi bột trắng, bên cạnh là hai lò lửa có đặt hai khuôn đổ bánh căng. Trân nói:
- Dì Bảy cho con một đĩa bánh căng.
Người đàn bà múc bột đổ vào hai khuôn rồi đậy nắp khuôn lại chờ bánh chín. Bánh căng là món ăn bình dân ở nơi đây, người ta có thể ăn bất cứ lúc nào trong ngày. Dì Bảy múc hai chén nước chấm đưa Trân. Em lấy đũa giằm nát những con cá nhỏ trong chén, gắp xương cá quăng đi rồi đưa chén nước chấm cho Thạch. Dì Bảy đặt đĩa bánh căng nóng hổi xuống chiếc bàn thấp. Trân gắp một cặp bánh căng bỏ vào chén nước chấm của Thạch.
- Anh Hai ăn đi.
Thạch thích thú ăn luôn một hơi ba cặp bánh căng rồi buông đũa.
- Anh Hai ăn thêm đi.
Thạch xoa bụng:
- Tôi no căng bụng rồi.
Trân gắp thêm một cặp bánh căng vào chén của Thạch:
- Anh Hai ăn bánh căng mà căng bụng thì đúng là bánh căng thật. Không phải bánh dỏm như mấy nơi khác bán. Anh Hai ăn nữa đi!
Thạch cầm chén lên, cố ăn. Dì bảy chăm chú nhìn Thạch rồi quay qua hỏi Trân:
- Nè con, dì biết anh Hai của con mà. Đâu phải là cậu này.
Trân vừa ăn vừa trả lời:
- Anh đó thành anh Ba rồi vì ảnh sanh sau anh này hai ngày.
- Con nói chi lạ, dì không hiểu?
- Con cũng đâu có hiểu tại sao anh Hai này lại sanh trước anh Ba con hai ngày?
Thạch ôm bụng cười và Trân cũng cười theo. Dì Bảy ngơ ngác nhìn họ…
Bên trong một ngôi nhà thờ cổ, cha Tâm đang đàn cây đàn Organ cũ kỹ, tập cho ca đoàn của nhà thờ hát một bản thánh ca, chuẩn bị cho ngày lễ thánh. Trân mặc áo dài trắng, cổ đeo sợi dây chuyền có cây thánh giá. Em đứng ở hàng đầu của ca đoàn, cùng các bạn cất cao giọng hát theo tiếng đàn của cha Tâm.
- Nào chúng ta hát lại một lần nữa trước khi ra về.
Cha Tâm dạo đàn. Tiếng hát bay cao lên vòm nhà thờ rồi lan ra ngoài những khung cửa mở.
Thạch đang đi dạo bên ngoài nhà thờ. Tiếng đàn, tiếng hát đã lôi cuốn anh bước vào nhà thờ. Anh ngồi xuống một chiếc ghế trống, lắng nghe bài thánh ca một cách say mê rồi anh cúi đầu xuống thành ghế trước. Thạch nhớ lại đêm Noel ở một làng chài miền Trung mà anh đã dự. Nơi đó người dân còn nghèo khổ. Nhà thờ được lợp tôn, gác chuông dựng trên những thân tre cao. Các con chiên phải quỳ gối đọc kinh ngoài sân trên cát ướt. Tiếng kinh cầu lẫn trong tiếng gió, tiếng sóng và sương lạnh, đã khiến Thạch thầm hiểu tại sao người ta cần phải có đức tin để sống và vươn lên. Vậy mà anh…
Một cái vỗ vai làm Thạch giật mình, ngẩng đầu lên. Cha Tâm đứng trước anh mỉm cười:
- Con đang cầu nguyện?
Thạch lúng túng:
- Dạ không. Con xin lỗi cha.
- Con không phải là người dân ở đây?
- Dạ phải. Con mới ở Sài Gòn ra đây làm việc.
- Con cũng không phải là tín đồ Thiên chúa giáo?
- Dạ phải.
- Vậy con vào đây có ý nguyện gì?
- Con đi ngang qua nhà thờ. Chính bài thánh ca đã lôi cuốn con vào đây. Âm nhạc rất thanh thoát khiến con muốn tin tưởng vào một điều gì đó.
- Con đang thiếu đức tin?
- Dạ phải.
- Vậy con muốn bắt đầu bằng âm nhạc?
- Thời sinh viên con cũng chơi đàn Organ cho ban nhạc trường Đại học Kinh tế.
- Con hãy bắt đầu bằng âm nhạc ca ngợi Thiên chúa rồi con sẽ được gần Chúa. Cha cũng bận nhiều việc. Nếu có thể, mỗi chiều chủ nhật, con đến đây phụ cha đàn Organ cho các em trong ca đoàn tập hát.
- Con chưa đàn thánh ca bao giờ.
- Con cứ đàn thử đi. Có lòng tin sẽ làm được mọi chuyện.
- Con xin cảm ơn cha.
Thạch bước đến cây đàn Organ. Anh bắt đầu đàn bản ”Đêm thánh vô cùng”. Cha Tâm lắng nghe rồi mỉm cười…
Bước ra khỏi nhà thờ, Thạch đi thẳng xuống bãi biển. Vượt qua hàng cây xương rồng đang nở những bông hoa đỏ ối, Thạch thấy biển xanh thẳm đến tận chân trời. Anh ngồi xuống bãi cát, suy nghĩ lời cha Tâm nói: “Có lòng tin thì sẽ làm được mọi chuyện”. Nhưng anh biết tin vào cái gì bây giờ?
Trân đã về nhà thay áo dài, mặc áo bà ba màu tím than để đi xuống bến cá. Tình cờ thấy Thạch ngồi một mình trên bãi biển, em đến đứng sau lưng Thạch:
- Hù!
Thạch giật mình đứng dậy.
- Em làm tôi sợ mất hồn!
- Anh Hai nhát gan quá vậy?
Thạch cười bào chữa:
- Tại tôi bị đau gan.
- Hồi nãy anh Hai đàn ở trong nhà thờ phải không?
- Sao em biết?
- Tiếng đàn của cha Tâm em nghe đã quá quen vì em ở trong ca đoàn mà. Còn tiếng đàn của anh Hai nghe lạ lắm!
- Lạ ở chỗ nào?
Trân nhíu mày suy nghĩ rồi nói:
- Tiếng đàn của anh Hai không thanh thoát, trôi chảy như tiếng đàn của cha Tâm. Nó cứ ngập ngừng sao sao ấy.
- Em nhận xét đúng. Tiếng đàn của tôi còn ngập ngừng vì thiếu đức tin.
- Anh Hai không tin vào Chúa?
Thạch cúi xuống lượm một vỏ ốc trên cát rồi ném mạnh vào một con sóng lớn đang ùa vào bờ. Ào, con sóng rút đi mất hút…
Thạch nói:
- Em thấy con sóng to lớn đó chứ? Nó gầm gào dữ dội ùa vào bờ rồi im lặng mất hút. Tôi nhớ đến câu “Sinh tử thị ba”. Sống chết như một đợt sóng. Nó khiến tôi không tin điều gì có thật trên đời này. Tất cả chỉ là ảo!
- Vậy anh Hai cũng không có thật ở đời này?
- Đúng vậy.
- Vậy ai đang đứng bên em?
- Một người tạm là tôi.
- Vậy ai đứng bên anh Hai?
- Một người tạm là Trân.
- Cái gì cũng tạm, vậy cái ”tạm là” phải có thật chứ?
- Đúng vậy. Nó có thật một cách ”tạm là”.
Trân lắc đầu, gió thổi mái tóc em bay phủ kín khuôn mặt. Em vuốt mái tóc ra sau và nói:
- Anh Hai nói khó hiểu quá.
Thạch cười:
- Chính em đã làm cho những câu trả lời của tôi trở thành khó hiểu.
Trân trợn mắt:
- Lỗi tại em?
- Tại tôi nữa, vì tôi đã cố gắng giải thích một cách vô ích những điều không có thật.
- Dù sao, em vẫn tin phải có một điều gì đó có thật trên đời này.
- Theo em, điều đó là gì?
Trân cúi đầu, di di đôi dép quai vàng rực trên cát.
- Điều đó là điều… sau này anh Hai sẽ hiểu.
Nhìn đôi dép quai vàng rực của Trâm ánh lên trong buổi chiều tà, tự nhiên Thạch thấy bụng đau nhói và miệng ứa ra chất nước đắng. Bệnh đau gan của Thạch vẫn thường xảy ra bất chợt như vậy. Mặc dù anh đã đi bệnh viện chữa trị nhưng vì không bỏ được rượu bia, cà phê, thuốc lá nên cơn bệnh vẫn âm ỉ. Về đây anh lại ăn toàn đồ biển nên cơn bệnh dễ bộc phát.
Thạch cúi xuống giật đôi dép ở chân Trân ném ra biển rồi anh ngã gục xuống cát. Trân hốt hoảng lay vai Thạch và la lên:
- Anh Hai, anh Hai sao vậy?
Cơn đau chợt đến rồi chợt đi khiến Thạch tỉnh dần. Anh nghe loáng thoáng tiếng khóc thút thít của Trân nên cố chống tay ngồi dậy trên cát.
- Anh Hai có mệt không, để em nhờ người ta dìu anh Hai về?
Thạch xua tay rồi lấy một điếu thuốc châm lửa hút.
- Tôi khoẻ rồi.
- Anh Hai bị trúng gió hả?
- Không, tôi bị bệnh đau gan hành.
- Vậy “đồng bệnh tương lân” rồi!
- Đừng nói xạo. Trái tim tôi rất tốt, nó đâu bị trục trặc như trái tim em.
- Nhưng anh Hai có lá gan bị trục trặc. Tất cả những người có bệnh đều “tương lân”, bất kể bệnh gì.
Thạch phì cười vì lý luận của Trân. Anh đứng dậy nói:
- Trời sắp tối rồi, chúng ta đi về chợ, tôi sẽ mua đôi dép khác đền cho em.
- Tại sao anh Hai quăng đôi dép của em xuống biển vậy?
- Khi cơn đau nổi lên, tôi rất dị ứng với màu vàng. Càng nhìn màu đó tôi càng thấy đau thêm.
Về đến chợ, Thạch ghé vào một quán bán hàng tạp hóa. Có một đống dép ở góc nhà và anh dễ dàng tìm thấy một đôi dép có quai màu vàng rực giống như đôi dép trước của Trân. Thạch đưa đôi dép cho Trân đi thử có vừa không, em nói:
- Sao anh Hai chọn đôi dép quai màu vàng?
- Đấy không phải là màu em ưa thích sao?
- Trước kia cơ, còn bây giờ em thích đôi dép quai màu nâu giống anh Hai.
- Đừng bắt trước người khác, xấu lắm.
Mặc cho Thạch chê, Trân vẫn lựa đôi dép quai màu nâu rồi mang vào chân, bước đi…
Chương 05
Một chiếc xe tải từ Đà Lạt xuống, đậu trước nhà lều. Người chủ vườn rau xuống đây mua xác mắm về chăm bón cho rau xanh. Rau được bón bằng phân xác mắm sẽ tươi tốt hơn bón phân hóa học và đất trồng rau cũng không bị hư hại.
Trong nhà lều, những thùng lớn muối cá đã rút hết nước mắm, chỉ còn lại những xác cá mủn ra như bùn, người ta gọi đấy là ”xác mắm”. Một người thợ nhảy vào thùng gỗ lớn, dùng xẻng xúc xác mắm vào những chiếc giỏ, cho người đứng bên trên thùng kéo lên. Sau khi xúc hết xác mắm, thùng sẽ được rửa sạch và người ta đổ vào lớp cá mới để tiếp tục sản xuất nước mắm.
Thạch đứng cân những giỏ xác mắm rồi thợ vác giỏ xác mắm đổ lên xe tải. Mặc dù Thạch đã được chú Sáu dặn bôi thật nhiều dầu Nhị thiên đường vào mũi và đeo khẩu trang, nhưng anh vẫn phải ngưng cân xác mắm để vào nhà vệ sinh ói mửa. Mùi xác mắm hôi kinh khủng! Thạch không hiểu tại sao từ cái mùi thum thủm muốn ói đó, lại cho ra những giọt nước mắm thơm ngon?
Thạch hoa mắt khi bước ra khỏi nhà vệ sinh. Chú Sáu đến đỡ Thạch.
- Cậu nghỉ đi, để tôi cân xác mắm thay cậu.
Thạch châm thuốc hút những hơi dài để đánh bạt mùi hôi xác mắm. Anh nói:
- Chú cứ để cháu làm cho quen. Cháu không muốn mùi xác mắm làm cháu phải nghỉ việc như anh thư ký trước đây.
Thạch dập tàn thuốc lá, bôi dầu Nhị thiên đường cay xè lỗ mũi, đeo khẩu trang và tiếp tục cân các giỏ xác mắm.
Buổi chiều khi xe tải chở đầy xác mắm chạy về Đà Lạt, Thạch mệt mỏi nằm vật xuống giường. Công việc không nặng nhọc nhưng anh đã ói ba lần khiến chân tay bủn rủn và ngủ thiếp đi.
Khi Thạch tỉnh dậy, những ngọn đèn điện trong nhà lều đã bật sáng. Anh ngạc nhiên thấy Trân ngồi ở bàn ăn.
- Anh Hai ngủ dậy rồi. Anh đi rửa mặt rồi ra ăn cháo cho khỏe.
Rửa mặt xong Thạch đến ngồi ở bàn ăn.
- Chú Sáu đâu rồi em?
Trân đang múc cháo trong nồi ra tô, trả lời:
- Ba em về nhà có chút việc. Ba nói em nấu cháo cho anh Hai. Em phải đi chợ tìm mua cá rựa nấu tô cháo đặc biệt cho anh Hai.
Trân đặt tô cháo bốc khói trước mắt Thạch, em rắc thật nhiều tiêu vào tô cháo.
- Anh Hai ăn cháo nóng để người đổ mồ hôi cho khỏe.
- Em cũng ăn với tôi cho vui.
Trân cười:
- Em đâu có bệnh mà ăn cháo!
- Vậy em không muốn “tương lân” với tôi à?
- Được rồi, em sẽ “tương lân”.
Trân múc cháo vào một chén nhỏ và ngồi ăn đối diện với Thạch. Anh húp một muỗng cháo, tiêu cay sè làm anh xuýt xoa. Cháo cá rựa thật ngon, anh nhanh chóng ăn hết tô cháo đầy và cảm thấy khỏe người. Uống một ngụm trà nóng, anh nói:
- Cảm ơn em rất nhiều.
- Vì chuyện gì vậy anh Hai?
- Vì hai lần tôi bị bệnh đều nhờ em chăm sóc.
- Em cũng cảm ơn anh Hai rất nhiều.
- Vì chuyện gì?
- Vì nhờ có anh Hai bệnh, em mới thấy mình còn khoẻ hơn đàn ông con trai.
Thạch bật cười. Trân hỏi:
- Anh Hai sợ mùi xác mắm chưa?
- Cũng hơi sợ, mùi xác mắm đã quật ngã tôi chiều nay.
- Anh Hai sẽ không bỏ đi như ông thư ký trước chứ?
- Tôi đâu chịu thua dễ dàng như vậy? Nếu mùi xác mắm có quật ngã tôi lần nữa thì tôi lại được ăn cháo cá rựa và tiếp tục chiến đấu.
- Hoan hô tinh thần dũng cảm của anh Hai!
- Để trả công nấu cháo, em muốn tôi làm điều gì cho em?
- Em muốn anh dạy em chơi đàn Organ.
- Để làm gì?
- Âm nhạc sẽ cứu chữa trái tim đau yếu của em.
Ở góc nhà lều, Thạch loay hoay cắt dán những thùng carton dùng để đựng các chai nước mắm. Rồi anh dán giấy màu và sơn vẽ để tạo thành một cây đàn Organ. Chú Sáu tò mò nhìn Thạch làm việc rồi hỏi:
- Cậu làm cái gì vậy?
- Dạ, một cây đàn.
Chú Sáu trợn mắt:
- Một cây đàn bằng giấy! Cậu làm đàn để cúng cô hồn à?
- Dạ không. Cháu làm để tặng một người.
- Nó có kêu thành tiếng không?
- Dạ có chứ. Nhưng người ta phải chơi đàn bằng cái đầu và nghe nó bằng trái tim.
Chú Sáu nhíu mày:
- Cái đầu, trái tim? Cậu nói sao nghe giống con Trân quá.
Thạch cười:
- Thì cháu làm cây đàn này tặng cho em Trân mà.
- Sao cậu lại tặng nó một cây đàn bằng giấy?
- Trân muốn học chơi đàn Organ. Cháu chưa có tiền mua một cây đàn thật, cháu dạy Trân chơi trên đàn giấy cho quen tay. Khi nào có đàn Organ thật, Trân sẽ chơi dễ dàng hơn.
Chú Sáu lắc đầu:
- Cậu nuông chiều nó quá rồi nó sẽ khổ.
Thạch ngạc nhiên:
Sao vậy chú?
Khi cậu rời khỏi đây, tôi và anh nó không thể nuông chiều nó như cậu và nó sẽ cảm thấy đau khổ.
Thạch cười, chỉ tấm lịch treo ở tủ.
- Chú đừng lo. Cháu đã sống ở đây hơn hai tháng rồi. Cháu sẽ vượt qua thời hạn ba tháng hè của anh thư ký trước. Vượt qua thời hạn đó cháu sẽ sống ở đây luôn.
Phía trước xóm chài là biển. Phía sau xóm chài là những đồi cát trắng xoá chạy dài đến rặng núi ở phía xa. Thạch vác một túi vải trên vai cùng với Trân leo lên những đồi cát. Nghe tiếng động, những con dông đang đi tìm mồi vội bỏ chạy và chui vào miệng hang, mất hút. Những bông cỏ lông chông hình cầu gai bị gió thổi lăn đi như những người đi cà khêu. Leo đến đỉnh một đồi cát, Thạch để túi vải xuống. Trân hỏi:
- Hôm hay là sinh nhật của em, anh Hai định đi bắt con dông đãi em món dông nướng hả?
Thạch lắc đầu:
- Không phải đâu.
- Vậy anh Hai vác bao củi theo làm chi?
- Rồi em sẽ biết. Bây giờ em đi xuống triền đồi, hái đúng mười tám bông cỏ lông chông đem lên đây cho tôi làm phép. Một món quà đặc biệt cho em sẽ hiện ra.
- Anh Hai không được nói xạo nghe.
- Bảo đảm thật mà.
Đợi Trân đi xuống triền đồi khuất bóng, Thạch mở túi vải lấy cây đàn Organ bằng giấy ra lắp ráp rồi đặt lên trên bốn cây gỗ bắt chéo giả làm chân đàn. Thạch lấy một tấm vải xanh thẫm phủ kín cây đàn. Một lúc sau, Trân ôm bó bông cỏ lông chông đi lên. Thạch cắm mười tám bông cỏ lông chông chung quanh cây đàn.
- Bây giờ em hãy nhắm mắt lại và nói to ước muốn của em. Nhớ, khi nào tôi nói mở mắt ra em mới được mở mắt, nếu em không làm đúng như vậy, phép lạ sẽ mất linh.
Trân nhắm mắt và nói to:
- Em ước muốn có một cây đàn.
Thạch đọc thần chú:
- Úm ba la, úm ba la, úm ba la…
Anh cuốn tấm vải xanh che cây đàn và nói:
- Em mở mắt ra.
Trân mở mắt và hét lên:
- Ôi! Cây đàn đẹp quá!
Em chạy đến vuốt ve cây đàn.
- Nó có “kêu” được không, anh Hai?
- Được chứ. Em đừng nghe nó bằng đôi tai mà hãy nghe nó bằng trái tim. Nào em hãy bịt đôi tai lại.
Trân bịt tai. Thạch đưa tay dạo trên phím đàn rồi hát:
- Happy birthday to you, Happy birthday to you...…
Trân vẫn bịt đôi tai và hát theo:
- Happy birthday to you, Happy birthday to you...
Trân vỗ tay:
- Tuyệt vời! Anh Hai dạy em đàn nghe.
- Dễ thôi (Thạch cầm tay Trân, ấn lên những phím đàn). Đây là nốt Đô, đây là nốt Mi…
Khuôn mặt Trân rạng rỡ niềm vui. Mỗi khi em bấm tay vào phím đàn nào, Thạch lại xướng âm nốt nhạc đó…
Chợt, một cơn trốt ùa đến, xoáy cát ở triền đồi cuộn lên rồi di chuyển lên đỉnh đồi. Thạch hốt hoảng lấy tấm vải xanh trùm lên đầu anh và Trân để tránh cát bay vào mắt. Cơn trốt cuốn những bông cỏ lông chông và cây đàn giấy bay lên cao rồi xé rách cây đàn thành nhiều mảnh bay tơi tả…
Cơn trốt qua đi, Thạch gỡ tấm vải xanh trùm đầu hai người. Anh phủi những hạt cát dính vào quần áo. Trân đứng sững nhìn cây đàn vỡ tung thành nhiều mảnh nằm ở triền đồi, nước mắt em ứa ra.
Thạch quay lại, nhìn vào mắt Trân.
- Cát bay vào mắt em à?
Trân vẫn nhìn chăm chăm những mảnh vỡ của cây đàn, khiến Thạch cũng nhìn theo. Trân nói:
- Sao những cái gì đẹp đều mong manh và dễ mất vậy anh Hai?
Thạch vỗ vai Trân, an ủi:
- Thôi đừng khóc nữa. Tôi sẽ làm tặng em một cây đàn khác bằng sắt phế thải. Nó xấu xí, nặng nề nên chắc sẽ không… dễ mất.