Chương 06
Quán Trúc Đào buổi tối. Những chùm hoa đỏ hồng của cây trúc đào ở cửa quán đã tàn, chỉ còn lại những tán lá xanh thẫm. Từ ngày Thạch bỏ đi, quán không bao giờ mở lại ca khúc Trúc Đào do Duy Quang hát, bởi đĩa nhạc đó Quế Lan đã ném vào thùng rác. Cô muốn dứt khoát chuyện tình cảm với Thạch. Cô đã cắt mái tóc dài đen mượt mà Thạch thường khen ngợi thành mái tóc tém và nhuộm thêm những lọn tóc vàng. Cô cũng muốn nhổ luôn chiếc răng khểnh mà Thạch thường say mê nhìn, may mà chị cô đã hết lời ngăn cản. Để quên đi một người, cách dễ nhất là tìm một người khác và Quế Lan đã gặp Hiệp, một bác sĩ đang đi thực tập. Anh thường đến quán uống nước tăng lực sau những buổi thực tập ở Viện Tim.
Đêm nay, họ ngồi ở chiếc bàn cũng có chiếc gạt tàn bằng gốm hình con cua. Nhưng không có tàn thuốc nào ở bụng con cua vì bác sĩ Hiệp hiểu quá rõ thuốc lá có hại cho sức khỏe. Hiệp rót lon “bò húc” vào ly đá. Quế Lan khuấy đường trong ly cam vắt, chiếc muỗng va chạm thành ly kêu lanh canh. Trời quá nóng dù từ chiếc loa đang phát ra một ca khúc của Trịnh Công Sơn: “Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang, từng ngón tay buồn em mang em mang...”.
Hiệp đẩy gọng kính cận lên sát mắt hỏi:
- Em thích nhạc Trịnh chứ?
Quế Lan lắc đầu.
- Không. Vì một người em ghét, hắn rất thích nhạc Trịnh.
Hiệp cười.
- Đâu phải ghét người là ghét cả đường đi lối về.
- Em vậy đó. Thậm chí em ghét tất cả những gã thanh niên hút thuốc chỉ vì hắn nghiện hút thuốc.
- Cũng may anh không hút thuốc. Nhưng hắn có ăn cơm không? Nếu có, anh sẽ đổi qua ăn bánh mì.
Quế Lan đấm vào vai Hiệp:
- Hắn thích ăn cơm với tép rang, nên em ghét những người ăn tép rang. Anh có thích ăn tép rang không?
- Không. Anh thích ăn tôm lăn bột chiên bơ.
Hiệp bật cười rồi lấy một ngón tay gõ gõ vào trán:
- Trời nóng quá, dễ làm người ta bị stress. Em hãy xin phép ba má cho em về quê anh chơi vài ngày. Coi như đi picnic thư giãn.
- Quê anh ở đâu?
- Ở một vùng biển. Biển nơi đó còn đẹp hơn Vũng Tàu, nước trong xanh vì rất ít người tắm. Chúng ta sẽ theo ghe đi câu mực. Mực tươi mới câu lên, luộc ăn rất ngọt.
Quế Lan cười:
- Cũng may hắn rất ghét ăn mực luộc.
Hiệp nhăn mặt:
- Hắn là ai mà em nhắc hoài vậy?
- Em đã “quên” hắn rồi nên đâu còn biết hắn là ai? Được rồi em sẽ xin phép ba má đi picnic. Nhưng em nói trước, ra đến quê anh mà em thấy chán, ngay hôm sau em sẽ đón xe đò về Sài Gòn một mình, không đợi anh đâu.
- Đồng ý. Rồi em sẽ thấy biển rất quyến rũ và người ta khó mà bỏ đi ngay.
Trên bàn làm việc của Thạch có một cây san hô màu hồng. Anh mới mua nó nhân chuyến đi giao hàng ngang qua bãi biển Cà Ná. Người ta bày bán san hô dọc hai bên quốc lộ I. Trong văn phòng làm việc không khí nóng hầm hập, hoa tươi cắm trong bình chỉ một ngày là héo rũ. Cành “hoa đá” đã giúp Thạch đỡ mỏi mắt mỗi khi đánh máy vi tính cả chồng hợp đồng giao hàng.
Chuông điện thoại reo. Chị Yến thủ quỹ bốc máy lên nghe rồi để máy xuống bàn, gọi:
- Thạch! Em có điện thoại từ Sài Gòn.
Thạch rời máy vì tính, đến cầm điện thoại:
- Alô, Thạch đây. A! Tuấn hả. Ông khỏe không? Tôi rất khỏe. Có lẽ nhờ gió biển và hương nước mắm.
Tiếng Tuấn:
- Nghe giọng ông, chắc ông đang có chuyện gì vui lắm.
- À, tại công việc ở đây rất vui.
- Vậy tôi báo cho ông một công việc còn vui hơn nữa.
- Việc gì vậy?
- Công ty tôi đang cần một nhân viên makerting có tay nghề. Tôi đã giới thiệu ông với sếp. Sếp OK với mức lương khởi đầu một trăm đô một tháng.
- Một trăm đô một tháng, gấp đôi lương tôi ở đây rồi!
- Nếu đồng ý thì về Sài Gòn nhận việc gấp. Chậm trễ sẽ mất chỗ, bởi người có khả năng như ông ở Sài Gòn đâu có thiếu.
- Ông nói sếp cho tôi ba ngày được không, để tôi suy nghĩ kỹ trước khi quyết định?
- Còn suy nghĩ gì nữa. Bộ ông chê công việc nhiều tiền à?
- Không phải vậy. Tại tôi đang cảm thấy hạnh phúc ở đây.
- Hạnh phúc vì đang yêu một người nào đó hay đang yêu… nước mắm?
- Có lẽ cả hai.
- Thôi tùy ông. Hạn cuối là chiều mai, ông điện thoại cho tôi biết quyết định. Chúc đầu óc ông vẫn còn tỉnh táo trong hạnh phúc. Bye!
- Cảm ơn.
Thạch thẫn thờ bỏ ống nghe xuống máy điện thoại. Chị Yến ngồi ở bàn đã nghe và hiểu loáng thoáng câu chuyện. Chị hỏi:
- Em sẽ trở về Sài Gòn làm việc?
Thạch vò đầu:
- Em chưa quyết định được chị ạ.
- Vì lý do gì?
Thạch cười:
- Có thể tại mùi hương nước mắm đã quyến rũ em.
Chị Yến thở dài:
- Chị chỉ muốn có dịp để quên đi mùi hương đó.
- Sao vậy chị?
- Còn phải hỏi nữa. Đi làm ai chẳng muốn có cơ hội để tiến thân. Còn ở đây chị cứ ngồi mãi một chỗ đến già rồi về hưu!
Hai người mải nói chuyện không chú ý một thanh niên đeo kính cận, tay xách hành lý bước vào. Cùng đi với anh có cô gái đội nón vải màu xanh lá cây, đeo kính đen, lưng mang ba lô màu xám tro.
Chị Yến vội vã chào:
- Ồ, cậu Hiệp! Cậu mới về.
Hiệp cười:
- Chào chị Yến. Ba tôi có ở nhà hay xuống phân xưởng?
- Ba cậu đang nghỉ ở trên lầu.
Hiệp nhìn Thạch, hỏi chị Yến:
- Đây là ai vậy chị?
- Đây là Thạch, ba cậu mới nhận vào làm thư ký cho hãng.
Hiệp bắt tay Thạch:
- Chào anh. Chúng ta sẽ còn nhiều dịp gặp nhau.
Thạch mỉm cười:
- Chào anh.
Hiệp nắm tay cô gái, giới thiệu với chị Yến:
- Đây là Quế Lan, bạn gái tôi ở Sài Gòn ra nghỉ hè.
Rồi Hiệp dẫn Quế Lan lên lầu. Bước chân lên cầu thang hình trôn ốc bằng gỗ, Quế Lan quay lại nhìn Thạch. Anh bối rối nhìn đi nơi khác. Thạch chợt nhớ ca khúc “Trúc Đào” với hai câu cuối: “Nhưng mà không hiểu vì sao. Gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười?”. Anh cũng không hiểu vì sao mình lại… không thể mỉm cười với Quế Lan?
Chị Yến hỏi:
- Em thấy cậu Hiệp như thế nào?
- Cũng dễ thân thiện.
- Con trai duy nhất của ông giám đốc đó. Cậu Hiệp học làm bác sĩ, chứ không thích nối nghiệp cha sản xuất nước mắm như bà chị tên Hồng.
- Hèn gì, những hóa đơn gởi nước mắm cho đại lý ở Sài Gòn, em đều thấy ghi tên Nguyễn Thị Bích Hồng.
Hiệp mặc quần cụt đến đầu gối, áo thun màu kem, dẫn Quế Lan mặc áo thun trắng, quần jeans xanh lửng, đi vào nhà lều. Anh chỉ cho Quế Lan biết sơ qua qui trình sản xuất nước mắm.
Chú Sáu đang hướng dẫn những người gánh cá, đổ cá vào các thùng gỗ muối cá. Trông thấy Hiệp, chú vội vã chạy đến.
- Chào cậu Hiệp, cậu mới về.
Hiệp cười bắt tay chú Sáu:
- Chào chú Sáu, chú khỏe không?
- Cám ơn cậu, tôi vẫn khỏe. Cậu về chơi bao lâu?
- Khoảng một tuần. Đây là Quế Lan, bạn cháu ở Sài Gòn ra chơi. Chú có thể nói cho cô ấy biết công việc sản xuất nước mắm. Chú rành việc này hơn cháu mà. À, chú lựa cho cháu một mớ cá nục tươi, hấp sẵn để đó. Tối nay cháu đãi Quế Lan ăn món cá nục hấp cuốn bánh tráng.
- Đang mùa cá nục, tôi sẽ hấp cho cậu những con cá nục béo nhất.
Hiệp quay qua nói với Quế Lan:
- Em đợi anh ở đây mười phút. Anh về nhà lấy xe Dream của ba, chở em đi coi hồ nuôi tôm của nhà anh.
Hiệp đi ra cửa trước ăn thông với vườn nhà ông giám đốc. Chú Sáu dẫn Quế Lan đi vòng quanh nhà lều, giảng giải:
- Người ta đổ cá và muối ở những thùng gỗ kia, muối cá một thời gian nước mắm sẽ nhỉ ra, theo những vòi nylon chảy vào các thùng chứa ở phía dưới. Nước mắm đợt đầu là nước mắm cốt, còn gọi là nước mắm nhĩ. Sau đó người ta pha nước mắm cốt với các đợt nước mắm lần hai, lần ba gọi là “nước giảo” để thành các loại nước mắm bán ngoài thị trường.
Chú Sáu chấm đầu ngón trỏ vào một thùng chứa nước mắm rồi đưa lên miệng nếm:
- Nước mắm nhĩ bổ lắm, ngon lắm! Cô nếm thử đi.
Quế Lan cười, lắc đầu:
- Cám ơn chú. Tối nay cháu sẽ nếm nước mắm nhĩ khi ăn cá nục hấp cuốn bánh tráng.
Đi đến cuối nhà lều, Quế Lan thấy Thạch đang đứng cân cá và ghi hóa đơn cho những người gánh cá đến bán. Cô nói với chú Sáu:
- Cháu biết vậy đủ rồi. Cháu muốn đến đằng kia xem những người gánh cá.
- Cô cứ tự nhiên.
Chú Sáu dẫn một người gánh cá đến đổ cá vào thùng gỗ ở phía xa. Quế Lan đi đến đứng phía sau lưng Thạch.
- Trái đất tròn phải không?
Thạch quay lại nhìn Quế Lan rồi vừa cân những giỏ cá nục, vừa trả lời:
- Đúng rồi. Tròn vo!
Quế Lan cười.
- Anh là nhà tiên tri xuất sắc! Anh còn nhớ hôm chia tay, anh đã nói: ”Hẹn trong một tương lai gần, chúng ta sẽ gặp lại nhau”? Không ngờ chúng ta lại gặp nhau ở nhà lều nước mắm này.
- Đấy không phải là câu nói của tôi mà là câu nói của ông giám đốc cũ.
- Bây giờ anh đã hết là người thất nghiệp. Anh còn cảm thấy hụt hẫng?
- Tôi đã đứng được bằng đôi chân của mình.
- Và anh đã bắt đầu một cuộc tình khác?
- Đến bây giờ thì chưa. Còn em đã bỏ bán cà phê và bắt đầu bán nước mắm?
Quế Lan bật cười:
- Đến bây giờ thì chưa. Nhưng trong tương lai thì… có thể.
Trân dẫn những người dân gánh mớ cá nục của em đến chỗ Thạch đang cân cá.
- Em đến giao cá cho ông.
Thạch hỏi Trân:
- Chị Hải bận việc à?
- Đứa con gái nhỏ của chị ấy bị sốt.
Quế Lan hỏi Thạch:
- Con nhỏ nào vậy?
Thạch nháy mắt với Trân:
- Một người xa lạ đến bán cá.
Vừa lúc đó, Hiệp lái xe Dream đậu ngoài cửa bên hông nhà lều, bóp còi và gọi Quế Lan. Cô rút chiếc kính đen gài ở cổ áo đeo lên mắt và đội chiếc nón vải màu xanh lá cây. Cô nói với Thạch:
- Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau.
- Đúng vậy. Quả đất tròn mà.
Quế Lan bước ra cửa, ngồi phía sau xe Dream. Hiệp rú ga, phóng xe đi. Trân nhìn theo rồi quay lại hỏi Thạch:
- Chị nào vậy ông?
- Con dâu tương lai của ông giám đốc.
- Hình như ông có quen chị ấy?
- Phải, khi ở Sài Gòn, tôi thường đến uống cà phê ở quán của cô ấy.
- Cà phê ở đó ngon không ông?
Thạch nhăn mặt lè lưỡi:
- Đắng lắm!
Hiệp chạy xe vào con đường hai bên mới trồng những hàng dương để giữ cát. Những hàng dương chỉ cao hơn đầu người nên mỗi khi gió thổi nghe rất rõ tiếng “u …u…”. Nhìn qua những gốc dương thấy biển ngoài kia xa thẳm trong ánh nắng chiều.
Hiệp dừng xe trước dãy hồ nuôi tôm ở trên một đồi cát cao, nằm cách bờ biển hơn trăm mét. Tiếng máy phát điện nổ bạch bạch. Người ta đang bơm nước biển vào hồ. Những giàn quạt ở mặt hồ đang quạt nước để tạo oxy cho tôm thở. Hiệp chỉ tay cho Quế Lan thấy:
- Bốn hồ nuôi tôm ở khu vực này là của gia đình anh. Mỗi hồ rộng ba sào. Vì không có người trông coi nên ba anh đã hùn với cậu Tám, em má anh. Người bỏ của, người bỏ công, lời chia đôi. Cậu Tám phải ăn ngủ luôn ở đây để đốc thúc nhân công làm việc. Lơ đễnh để tôm thiếu oxy, thiếu độ mặn trong nước là chúng chết ngay.
Quế Lan hỏi:
- Cơ ngơi của ba anh nhiều vậy, sao anh không về đây giúp ba mà làm việc ở Sài Gòn?
- Sau thời gian thực tập ở Viện Tim Sài Gòn, anh sẽ về đây làm việc ở bệnh viện thị trấn. Lúc đó, anh mới có thời gian giúp ba. Nhưng công việc bề bộn quá, anh cần phải có một người phụ tá. Em có thể làm phụ tá cho anh?
Quế Lan cười:
- Bỏ Sài Gòn ra đây làm việc, em đòi lương cao lắm nha!
- Anh trả lương cho em bằng cả cuộc đời của anh được không?
Một người đàn ông đội nón lá, từ ngôi nhà ván ở bên bờ hồ, bước lại phía hai người. Hiệp vội nói:
- Chào cậu Tám.
- Con mới về hả?
- Dạ. Đây là bạn gái của con ở Sài Gòn mới ra, con dẫn đi coi hồ tôm.
Quế Lan cúi chào người đàn ông. Ông dẫn hai người đến đứng trên bờ một hồ nuôi tôm. Ông cầm cái rớ nhỏ khoảng một mét vuông nhấn xuống hồ tôm rồi kéo lên. Khoảng chục con tôm sú bằng ngón tay trỏ đang nhảy trên mặt rớ.
- Khoảng hai mươi ngày nữa là xả hồ bán tôm được rồi.
Hiệp hỏi:
- Mùa rồi bán tôm khá không cậu?
- Lời được hơn trăm triệu tại vì giá tôm bị xuống. Con có lấy tôm về hấp cuốn bánh tráng ăn, để cậu xúc cho một mớ?
- Dạ thôi, để bữa khác. Tối nay con có ăn món cá nục hấp rồi.
Quế Lan đẩy cửa phía sau vườn nhà ông giám đốc, bước vào nhà lều. Đi giữa hai dãy thùng gỗ cao to, dưới ánh sáng đèn điện trắng nhợt nhạt, không một bóng người, không một tiếng động khiến cô hơi rợn người. Có ánh lửa đỏ rực ở một góc nhà lều. Chú Sáu đang cho thêm củi vào bếp lửa nấu một nồi nhôm to. Quế Lan bước đến.
- Chào chú. Anh Hiệp nói cháu xuống lấy mớ cá hấp anh ấy đã dặn chú để dành hồi chiều.
Chú Sáu chỉ nồi nhôm trên bếp lửa:
- Cô ngồi đợi một chút. Cá hấp sắp chín rồi. Tôi lựa toàn cá nục tươi, cuốn bánh tráng rau sống chấm với nước mắm nhĩ, ăn ngon hết ý. Ở Sài Gòn không có cá nục tươi như vậy đâu.
Quế Lan ngồi xuống ghế, đưa mắt nhìn quanh.
- Anh Thạch đi đâu rồi chú?
Chú Sáu ngạc nhiên hỏi:
- Cô biết cậu Thạch à?
- Dạ, cháu có biết anh ấy khi ở Sài Gòn. Ra đây anh ấy làm việc được không chú?
- Cậu Thạch làm việc siêng lắm. Ông giám đốc rất ưng ý. Cậu ấy mới theo xe tải đi giao hàng ở Đà Lạt, chắc một hai bữa mới về.
- Ở đây mỗi tối để đỡ buồn, anh Thạch thường đi uống cà phê hay đi nhậu vậy chú?
- Không có đâu. Buổi tối cậu ấy đi dạy kèm.
Quế Lan tròn mắt, hỏi:
- Anh Thạch mở lớp dạy kèm để kiếm thêm tiền?
Chú Sáu cười.
- Tiền bạc chi. Cậu ấy dạy kèm cho con gái tôi học lớp mười hai.
- Mỗi tối con gái chú tới đây học?
- Nó đến đây giao cá thì có, còn học thì ở nhà tôi.
Quế Lan ngẫm nghĩ rồi nói:
- Hình như cháu đã gặp con gái chú hồi chiều, có phải cô gái có cái sẹo nhỏ ở trán?
- Đúng, con Trân đó. Hồi chiều nay nó có đến đây giao cá.
Chú Sáu mở nồi nhôm. Hơi nước bốc lên trắng xóa. Chú lấy ra hai chiếc rổ tre có xếp đầy cá nục béo tròn. Chú cột dây hai rổ cá đưa cho Quế Lan, kèm theo một chai nước mắm nhỏ.
- Cô mang cá lên cho cậu Hiệp ăn nóng mới ngon. Nhớ chấm với nước mắm nhĩ đặc biệt này.
- Cám ơn chú!