Mùa Hè Mang Tên Em


Thịnh Hạ nuốt một ngụm nước bọt, nhìn vào ánh mắt thoáng ngạc nhiên của cậu, do dự một lúc rồi nói: “Mình, mình muốn lấy lại bài làm văn.”
Trương Chú bật cười, nhìn gương mặt trắng trẻo của cô ửng lên, chợt rất muốn thò tay ra bẻo.
Các bạn: … Hầy, cứ tưởng có chuyện gì.
Trương Chú lật tìm bài làm văn của cô đưa trả, “Lấy bài thi của mình lại thì có gì phải xin lỗi?”
Thịnh Hạ lẩn tránh cái nhìn ngờ vực của cậu.

Cô cũng không muốn như vậy, nhưng cô thực sự rất muốn nói một câu xin lỗi vì sự lỗ mãng và thiển cận của mình.
Cô chỉ có thể tự an ủi mình như thế.

Rằng cô đã xin lỗi, và cậu cũng đã nhận lời.
“Thầy Vương nói phải giúp đỡ lẫn nhau, nếu cậu còn cần, mình sẽ về soạn lại rồi đưa cậu.” Cô nhận lại bài thi, nhỏ giọng tiếp.
“Thầy Vương?” Trương Chú lặp lại danh xưng này một lần, lại cười lên, “Suýt nữa không nghĩ ra là ai.”
Cả A6, khi nói chuyện riêng không ai gọi Vương Duy bằng danh xưng đúng đắn.
Thịnh Hạ không nói gì, bắt đầu thu dọn vở viết văn.
Cậu có thể đừng cười như thế được không? Tiếng nào tiếng nấy đều lộ rõ cái ngang tàng, mỗi một âm tiết bật qua khoang mũi lại kéo theo tiếng hậm hừ từ cổ họng, rất ngắn, rất nhẹ, cọ qua cõi lòng rung rinh.
Hết tiết tự học, Thịnh Hạ ghé cửa hàng văn phòng phẩm ở cửa bắc mua một cuốn vở chữa lỗi sai của Trương Chú.

Một cuốn 50 tệ, Vương Duy nói hầu như cả khối 11 ai cũng có một cuốn.

Từ đó tính ra, mấy trăm tệ chủ tiệm trả cho Trương Chú còn là ít.

Truyệ????‎ hay‎ luô????‎ có‎ tại‎ ⩶‎ T????‎ ÙMT????????YỆ????﹒????????‎ ⩶
Về đến nhà, Vương Liên Hoa đang ngồi đợi trong phòng khách như thường lệ, còn làm sẵn một bát canh trứng làm bữa khuya cho cô.
“Mẹ, có thành tích thi tháng rồi.” Thịnh Hạ bưng bát nói.
Vương Liên Hoa gật đầu, “Mẹ coi trên hệ thống của trường rồi.”
Thịnh Hạ không đọc ra cảm xúc gì từ nét mặt mẹ, chỉ “ừ” một tiếng.
Ăn xong bữa khuya, Thịnh Hạ nói: “Con đi học đây.”
“Hạ Hạ.” Vương Liên Hoa gọi cô lại.
Thịnh Hạ ngồi về chỗ, chờ nghe phản ứng của mẹ.
Vương Liên Hoa thở một hơi dài, “Chương trình học trên lớp thì mẹ không giúp được, con thấy, có cần tìm một trung tâm đi học theem không?”
Trước đây Vương Liên Hoa chưa bao giờ hỏi ý cô những chuyện như vậy mà luôn tự ý quyết định.

Có lẽ vì đã nhìn thấy sự cố gắng của cô dạo gần đây, biết vấn đề không do thái độ mà nằm ở năng lực, có nói nhiều hơn cũng chỉ được đến thế.
Cái nhìn chán nản của mẹ khiến cõi lòng Thịnh Hạ nhoi nhói, cố hít ngược trở vào, “Mẹ, con cảm thấy bây giờ thời gian không đủ dùng, nếu đi học thêm, có phải thời gian sẽ…”
“Thế con có cách nào, có biện pháp nào không?” Vương Liên Hoa nói, “Nếu giờ không tranh thủ, lúc sau việc học sẽ còn bị động hơn.”
Thịnh Hạ nghèn nghẹn ở họng, “Con lấy được vở chữa lỗi sai của bạn đứng nhất rồi, con sẽ cố gắng học.”
“Có tác dụng không?” Vương Liên Hoa sốt ruột hỏi.
“Con cũng không biết.” Thịnh Hạ chỉ cảm thấy bất lực.

Cô không thể nói chắc chắn về một điều chưa biết.
Vương Liên Hoa lo lắng không nguôi, dù vậy vẫn không tiện nói nhiều, cuối cùng quyết định: “Vậy thì để xem lần kiểm tra tiếp theo thế nào.

Nếu vẫn không được, thì phải mau đi học thêm, không còn nhiều thời gian nữa.”
“Vâng.”
“Con ngoan.”
“Mẹ, con đi học đây.”
“Ừ, đi đi, đừng thức khuya quá.”
“Dạ.”
Đêm nay Thịnh Hạ thức đến hai giờ đêm chưa ngủ, đọc đi đọc lại vở chữa lỗi sai của Trương Chú.

Sau thi tháng là kì nghỉ kết hợp trung thu và quốc khánh.

Trung học phụ thuộc vẫn kế hoạch cũ: Tổ chức “tự học” tập trung, ai thích thì tới.
Tất nhiên là Thịnh Hạ tới đều đặn mỗi ngày, Thịnh Minh Phong muốn chở con gái ra ngoài ăn cơm cũng bị cô từ chối.
Vương Liên Hoa nói, thời gian của cô không còn nhiều.
Chữ số đỏ chói trên cuốn lịch đếm ngược cũng nhắc nhở cô như thế.
Cơm trưa trong kì nghỉ, quán ăn tặng thêm bánh trung thu cho thực khách.

Người ăn trong quán không nhiều, các thực khách cùng nhau cảm ơn chị chủ, không khí hệt một buổi đoàn viên.
Thịnh Hạ ngồi giữa Trương Chú và Hầu Tuấn Kỳ, im lặng ăn cơm.
Cô đã quen với kiểu sắp xếp chỗ ngồi này, nên không còn cố gắng ăn thật nhanh như lúc trước.

Hầu Tuấn Kỳ biết cô không thích nói chuyện trong lúc ăn nên cũng không cố ý kéo cô vào câu chuyện nữa.
Thường thì cô chỉ ngồi nghe hai cậu nói chuyện.
“Chú, tí ra tạp hóa không?” Hầu Tuấn Kỳ hỏi.
Trương Chú: “Không đi.”
Hầu Tuấn Kỳ: “Thèm nước ngọt quá, đã có bánh trung thu rồi, ăn không khô khan lắm.”
Trương Chú: “Há, uống canh không được à?”
“Không phải chứ Chú, lần trước cậu bảo cai nước ngọt với đồ ăn vặt là nói thật đấy hả? Mình không tin, cái tật nghiện kẹo của cậu…”
“Thật.” Trương Chú từ tốn đáp.
Hầu Tuấn Kỳ cảm thấy việc này không cần thiết, “Nhưng cũng đâu tiết kiệm được mấy đồng?”
Trương Chú: “Được đồng nào hay đồng đấy.”
Hầu Tuấn Kỳ liếc nhanh qua Trương Tô Cẩn, thấy chị không ở gần, hạ giọng kề sát vào Trương Chú, “Cậu định mua sợi dây chuyền đó thật? Móa, đắt lắm đấy!”
Trương Chú liếc cậu chàng một cái, không trả lời, tập trung ăn cơm.
Hầu Tuấn Kỳ lại liếc sang Thịnh Hạ, hình như bấy mới nhận ra là đang có người ngoài, bèn ra dấu kéo khóa miệng rồi im thít.
Thịnh Hạ thấy hơi khó xử.
Tại sao không thể cứ coi như cô không tồn tại? Thì thà thì thầm nói được nửa rồi mới nhớ phải đề phòng cô, thế ổn thật chứ?
Dù vậy, cô tìm lại hình ảnh cậu ngậm kẹo mỗi buổi tự học, hình như cậu thật sự thích ăn kẹo.

Nước ngọt còn hơn thế.

Trên bàn cậu lúc nào cũng có nước ngọt, gần như mỗi ngày một lon, chứ không thích uống nước thường.
Còn gần đây, thì hình như chỉ có nước lọc.
Để mua dây chuyền cho cô gái mình thầm thích nên mới phải cai ăn vặt, cai nước ngọt dành tiền? Quả thật không dễ dàng.
Nhớ lại hiểu lầm lúc trước của mình, Thịnh Hạ đã nghĩ ra cách bù đắp.

Mấy ngày liền, lúc nào trong ngăn bàn Trương Chú cũng để sẵn kẹo mút và nước ngọt.
Kẹo là kẹo Fumiya bình thường cậu chẳng dám bỏ tiền mua, nước ngọt thì đủ hiệu đủ vị, cũng toàn những loại bình thường cậu thích.

Đều đặn mỗi ngày một gói kẹo và một lon nước ngọt.
Thoạt đầu Trương Chú tưởng là Hầu Tuấn Kỳ mua cho nên không nghĩ nhiều.

Nhưng lâu dần cậu bắt đầu cảm thấy có gì đó sai sai, bèn hỏi Hầu Tuấn Kỳ: “Cậu thấy tội mình à?”
Hầu Tuấn Kỳ chẳng hiểu gì, “Gì cơ?”
Trương Chú lôi kẹo mút và nước ngọt trong ngăn bàn ra, “Hôm nay cho đồ ăn?”
Hầu Tuấn Kỳ càng ngơ ngác: “Hả?”
Với tính Hầu Tuấn Kỳ, nếu nói dối Trương Chú có thể nhận ra ngay, nhưng không phải cậu chàng thật?
“Không biết ai để, mình ăn mấy hôm rồi.” Trương Chú nói.
Hầu Tuấn Kỳ ồ lên: “Móa, người yêu thầm cậu đó, huynh đệ!”
Trương Chú nghĩ một lúc, quả là chỉ có cách giải thích này.

Cậu gật đầu: “Rắc rối.”
Thịnh Hạ không nghe thấy cuộc đối thoại này.

Bấy giờ cô đã đi lấy nước, khi trở về, Tân Tiểu Hòa níu tay cô ra chiều úp mở: “Ôi, Trương Chú lại có người theo đuổi rồi.”
Thịnh Hạ không hứng thú với chuyện này lắm, dù vậy vẫn tiếp lời: “Vậy à?”
“Đúng! Còn ngốc nữa, ngày ngày mua đồ ăn cho Trương Chú nhưng Trương Chú thì chẳng biết cậu ta là ai, còn suýt tưởng là của Hầu Tuấn Kỳ cho ha ha ha ha ha ha!”
Thịnh Hạ: …
Ặc, chuyện này…
Ngày nào cô cũng mua đồ sẵn bỏ trong cặp, rồi lén để vào ngăn bàn cậu lúc mọi người đi ăn cơm, cô cũng có dễ gì?
Còn bị chê là ngốc.
Nhưng vậy cũng tốt, vì như vậy có phải cậu sẽ thấy dễ chịu hơn? Được yêu thích là một việc hạnh phúc biết mấy, cũng coi như cậu đã nhận lòng xin lỗi của cô.
Chỉ là mấy ngày sau đó, cô phát hiện Trương Chú không ăn những thứ cô lén cho cậu mà chất đầy lên bệ cửa sổ, chả biết là định làm gì.
Có phải cậu ăn ngấy rồi không?
Nhưng Thịnh Hạ cũng không nhớ cậu thích ăn gì, vì lúc trước chưa từng để ý quan sát.

Hay là thử đổi sang thứ cô thích xem?
Mà cô cũng không định tặng cậu mãi, chỉ dự tính đến cuối tháng là thôi.

Tính ra chỗ ấy cũng đáng giá mấy trăm tệ, có lẽ đã đủ bồi thường tổn thất tinh thần cho cậu rồi chăng?

Mùa hè ở Nam Lý nóng nực kéo dài, sang tháng Chín vẫn không một cơn gió mát mà giống hệt giữa hè.
Hội thao của trường đã sắp tới.

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi cuối tháng Mười, đầu tháng Mười một hàng năm, nhà trường lại tổ chức hội thao kéo dài ba ngày.

Khối 12 không tham gia các mục thi đấu truyền thống, nhưng phải tham gia nghi thức khai mạc và trò chơi vận động tập thể nửa ngày cuối cùng.
“Chơi trò chơi vui lắm, có các trò như buộc chân chạy, chui bánh xe, tới lúc đó cậu khắc biết!” Tân Tiểu Hòa hào hứng giới thiệu.
Đây là lần đầu Thịnh Hạ biết tới điều này.
Trung học phụ thuộc không chỉ học giỏi mà chơi cũng giỏi.
“Ầy, Hạ Hạ,” Tân Tiểu Hòa ra chiều úp mở, “Mình nghe nói các thầy cô định cho cậu làm “mỹ nữ cầm biển” của lớp mình đó?”
Mỹ nữ cầm biển.

Tuy rằng chưa từng nghe về danh xưng này, nhưng dựa trên nghĩa từ, Thịnh Hạ đoán là người cẩm biển tên của mỗi lớp trong nghi thức khai mạc.
“Hả?” Thịnh Hạ khá ngạc nhiên, để một học sinh mới chuyển tới như cô ra cầm biển có ổn không?
“Chu Huyên Huyên nói vậy đó,” Tân Tiểu Hòa rỉ nhỏ vào tai, “Người cầm biển năm ngoái lớp mình là cậu ấy, vì cậu ấy là lớp phó văn nghệ, lớp mình thì không có lựa chọn nào nổi bật nên cứ thế chọn cậu ấy thôi.

Hôm qua phòng bọn mình hỏi cậu ấy là năm nay cầm biển mặc lễ phục gì, cô ấy có vẻ không vui lắm, nói năm nay không làm nữa, Vương già nhắm cậu cho vị trí này rồi.”
Ra vậy.
Hồi ở Nhị Trung Thịnh Hạ cũng là người cầm biển, tuy thế không hiểu sao cứ cảm thấy cầm biển ở đây hơi khác, “Còn phải mặc lễ phục á?”
“Đương nhiên rồi! Nếu không sao gọi là mỹ nữ được! Đây không phải ganh đua cá nhân mà là vinh dự của cả lớp đó, ok? Có một mỹ nữ là cả lớp thơm lây! Cậu biết năm ngoái trông mặt bọn A4 vênh tận trời ấy!” Tân Tiểu Hòa hưng phấn lạ thường, “Năm nay lớp mình nở mặt rồi!”
A4, lớp của Trần Mộng Dao.
Chơi với Tân Tiểu Hòa lâu, Thịnh Hạ có thể đoán biết rất nhiều điều từ giọng điệu và cái cách bạn nói.
Ví dụ, khả năng cao bạn không thích Chu Huyên Huyên cùng phòng.
Ví dụ nữa, bạn rất mong đợi cô thành người cầm biển.
Bởi vậy, Thịnh Hạ đành nuốt câu “không làm có được không” trở vào.
Dẫu gì cũng mới là phỏng đoán, chứ chưa có thầy cô nào bảo cô vậy.
Trước kia mỗi lần hội thao đều sẽ thiết kế và in áo lớp.

Áo lớp đa số là áo phông, chọn màu thống nhất, tự thiết kế vẽ hình rồi lên các trang thương mại đặt in là xong.

Thịnh Hạ chỉ không ngờ áo lớp của A6 là do Trương Chú thiết kế.
“Áo năm ngoái cũng do cậu ta thiết kế.

Cậu ta vẽ đẹp lắm.” Tân Tiểu Hòa nói vậy.
Thịnh Hạ thở dài, muốn hỏi ông trời rốt cuộc có đóng của cậu cánh cửa sổ nào không, hay đã quên mà mở toang hết rồi?

Sau bữa cơm trưa, Trương Chú định về lớp vẽ hình áo lớp.
Hầu Tuấn Kỳ hỏi: “Không ngủ trưa à?”
“Ngủ gì mà ngủ, Vương già giục như cháy nhà, phiền.”
Vừa đặt chân vào cửa bắc, cả hai đã thấy Thịnh Hạ chạy xe ra khỏi cổng trường.
Hầu Tuấn Kỳ nói: “Mình cứ thấy lạ sao độ này ăn trưa không gặp tiểu Thịnh Hạ, hóa ra là còn ở trong lớp học tới tận giờ, chịu khó thật.

Nhưng hình như lần trước cậu ấy thi không tốt thật?”
Trương Chú cười xòa, “Cậu còn tâm trạng lo cho người khác à, bản thân hạng mấy đếm ngược không tự biết?”
Hầu Tuấn Kỳ xua tay, “Hầy, mình thì chỉ thế thôi, đâu phải cậu không biết.

Đằng nào mình cũng ra nước ngoài, có mỗi tiếng anh thôi mà đã đủ chết lên chết xuống.

Đấy còn là ngại đội sổ toàn trường, làm mất mặt cậu mới cố học đó.”
Trương Chú: “Mình thì liên quan gì, cậu thích học không thì tùy, đừng làm mất mặt người trong nước là được.”
“Cậu đây đúng là lòng có nước có nhà, mắt nhìn khắp thế giới.” Hầu Tuấn Kỳ mỉa.
Về đến lớp, Hầu Tuấn Kỳ ngồi chỗ Thịnh Hạ vừa chơi game vừa chờ Trương Chú vẽ.

Bỗng nghĩ tới điều gì, cậu chàng nói, “Ôi, Chú, nghe nói năm nay tiểu Thịnh Hạ cầm biển lớp mình đó.

Cậu ấy cầm biển, cậu vẽ tranh, hai cậu song kiếm hợp bích, cân hết mọi việc rồi?”
Trương Chú giữ ghế cậu chàng, “Lúc có người thì bớt nói bậy, cậu ta dễ ngại thế nào cậu không thấy à?”
Hầu Tuấn Kỳ nghiêm mặt, “Không không, mình thề không làm vậy.” Chốc sau, hình như vỡ ra điều gì mà kệ cả cuộc game đến hồi cam go, đứng bật người dậy, “Chú, cậu không thích Thịnh Hạ đấy chứ?”
Lúc trước cậu chàng bàn tán Trần Mộng Dao nhưng Chú nào từng nhắc “nhẹ” như thế.

Lại nghĩ, con người Trương Chú tuy nhìn như chẳng để tâm chuyện gì, thực chất thì đều rõ mười mươi.

Cũng chính vì Trần Mộng Dao thích có tai tiếng với cậu, thế nên cậu không buồn bác bỏ nó.
Hầu Tuấn Kỳ đứng dậy, hông to làm bàn Thịnh Hạ rung lên, mấy cuốn vở rơi ra khỏi ngăn bàn.
Hầu Tuấn Kỳ đang định cúi xuống nhặt thì bỗng bị Trương Chú nắm cánh tay kéo sang một bên, mắt nhìn chằm chặp mấy cuốn vở.

Chốc sau, cậu cúi xuống nhặt vở lên.
Trương Chú lật giở cuốn vở phô tô cậu rất quen, một vài hình ảnh vụt lướt qua đôi mắt:
Lúc ăn cơm Hầu Tuấn Kỳ nhắc chuyện cậu đang cai ăn vặt;
Độ này cô không đi ăn trưa đúng giờ mà luôn ở lại trong lớp rất lâu;
Đến chiều kiểu gì trong ngăn bàn cậu cũng “biến ra” đồ ăn vặt và nước ngọt;
Tối ấy sau khi nói chuyện với Vương già, cô chìm trong bàng hoàng lo nghĩ;
Sau đó Vương già gọi cậu ra, hỏi cậu soạn vở chữa lỗi sai như thế nào;
Khi về lớp nghe cô nói câu “xin lỗi” thật đường đột…
Ráp những dữ kiện này lại, cậu đã hiểu ra cớ sự.

Phỏng chừng đã được Vương già cho biết thứ cậu bán không phải ấn phẩm đồi trụy? Còn lẳng lặng đi mua một cuốn để kiểm chứng.

Chà, đúng là cẩn thận.

Giờ thì chột dạ rồi? Áy náy rồi?
Bỗng cậu nở nụ cười.
Cậu liếc trông chỗ kẹo và nước ngọt bày trên bệ cửa sổ.

Vốn tưởng là bạn lớp khác tặng nên không xé bao, để ra đó nhắc nhở cô bạn yêu thầm kia, rằng tấm lòng của cô nàng, cậu không hứng thú.
Không ngờ là kiệt tác của cô bồ tát này.
Giỏi thật, cũng rất giống cái điệu lén la lén lút của cô.
Hầu Tuấn Kỳ trông mà chẳng hiểu gì, “Sao vậy, Chú?”
Trương Chú cất cuốn vở của Thịnh Hạ về chỗ cũ, ngồi xuống chỗ mình, cúi xuống nhìn vào ngăn bàn.

Quả nhiên trong ngăn bàn đã có đồ ăn vặt và nước uống.
Lần này không phải kẹo mút và nước ngọt.
Là một dây kẹo QQ và một lốc sữa Vượng Tử.
Hầu Tuấn Kỳ phì cười: “A ha ha ha cô nàng này muốn cậu ngọt chết luôn hả?”
Trương Chú cũng cười, xé một gói kẹo, nhón một viên thảy vào miệng, “Cách chết không tệ.”
Chết vì ngọt.

Thứ Hai đổi chỗ ngồi, Trương Chú lại đảo về hàng ngoài cùng của tổ một.

Sau đó, Thịnh Hạ nhìn thấy cậu cẩn thận dọn hết mớ đồ ăn vặt và nước ngọt trên bệ cửa sổ vào ngăn bàn, tiếp đó bê cả đồ cả bàn đi.
Cô cứ tưởng cậu sẽ vứt chúng luôn trên bệ cửa sổ.
Vậy thì khi cô chuyển tới sát cửa sổ, ngày ngày nhìn mớ đồ mình tặng sẽ xấu hổ không thở nổi.
Hơn nữa cô cũng đã thấy cậu ăn kẹo QQ và uống sữa Vượng Tử mình tặng.
Xem chừng là do lúc trước ăn kẹo mút nhiều đã ngấy, và cậu cũng khá thích những món cô thích đấy nhỉ.
Vậy thì tốt, không đến nỗi lãng phí.
Suốt ngày hôm nay cả lớp bàn tán chuyện mỹ nữ cầm biển, Thịnh Hạ nghe thấy hết, đang nghĩ đợi khi Vương Duy hỏi thì phải từ chối sao cho hợp lý.
Nhưng đến chiều họp lớp, Vương Duy chỉ thông báo: “Cả lớp đều biết đã sắp tới hội thao của trường, lớp ta chỉ cần có tham gia là được.

Hầu Tuấn Kỳ, lên danh sách các trò chơi tập thể phối hợp, đăng ký danh sách tham gia sớm.

Ngoài ra, người cầm biển của lớp ta năm nay sẽ là bạn Thịnh Hạ, có ai ý kiến gì không?”
“Không có!”
“Tốt!”
“Rất tốt rất tốt ạ!”
“Ủng hộ cả hai tay hai chân!”
Tiếng vỗ tay và tiếng hò hét nối tiếp nhau liên tục.
Thịnh Hạ: …?
Chẳng lẽ trước giờ chưa từng có ai từ chối ư? Tại sao lại đốt mất giai đoạn hỏi ý kiến của người trong cuộc vậy?
Không phải Thịnh Hạ khác người.

Cô từng cầm biển cho lớp, khắc phục áp lực tâm lý khi bị nhiều người nhìn vào chỉ là chuyện nhỏ, rắc rối hơn cả là cầm biển tuy nhìn đơn giản, thực chất còn cần phải phối hợp sắp xếp đội hình, cầm biển thời gian dài, cánh tay sẽ ê mỏi tới tận mấy hôm sau.
Vả lại, ngay sau khi hội thao kết thúc chính là kì thi tháng lần thứ hai.
Đứa ngốc cô đây giờ không muốn tốn tâm trí vào bất cứ chuyện gì không phải học tập.
Cô đã bận lắm rồi.
Nhưng tình thế này, cô đã không có quyền từ chối.
Đành phải chấp nhận.
“Thịnh Hạ,” trên bục giảng, Vương Duy gọi bảo, “Có rỗi thì đi xem thử lễ phục, không biết đi xem ở đâu thì hỏi cô Phó, dự chi năm trăm, tìm được thì báo giá cho thầy.”
“Có mỗi năm trăm, keo thế!”
“Đúng đó, lễ phục lớp khác đẹp cực luôn, nhìn là biết giá cao ngất!”
Có người hóng chuyện không ngại chuyện to, hét lớn.
Vương Duy ném cho một cục phấn, “Ngân sách chung cả trường đều là năm trăm, phần vượt quá chỉ có thể tự trả.

Tôi mà keo, đừng có bịa đặt!”
Cả lớp phá lên cười.

Quả thật, có thiếu nữ nào không muốn xuất hiện thật lộng lẫy đâu? Năm ngoái những chuyện ganh đua nhan sắc, tự bỏ tiền đã có nhiều.
Thịnh Hạ gật đầu trước bao con mắt chằm chặp.
Rốt thì cũng chỉ phải tập hai ngày, tổng thể tương đối dễ, mà thành tích học tập cũng không thể tốt lên chỉ vì không tham gia hoạt động được.

Nếu thật có ảnh hưởng tới việc học cũng chỉ do bản thân không đủ năng lực.

Việc nên tới thì không ngăn được, Thịnh Hạ chỉ tự cảnh tỉnh bản thân đừng lo nghĩ quá.
Trước giờ tự học tối, mấy nữ sinh vây quanh bàn Thịnh Hạ líu ra líu ríu.
“Năm trăm thì mua được gì đâu, đi thuê cũng không thuê được đồ tốt.”
“Phải đó, lễ phục hàng chuẩn giờ đắt lắm!”
“Lễ phục của Chu Huyên Huyên năm ngoái bao nhiêu ấy nhỉ?”
“Tiền túi thêm một nghìn, mà chỉ thuê thôi.”
“Mình nghĩ lễ phục dạng váy tuyn sẽ rất hợp với Hạ Hạ.”
“Mình thì thấy sườn xám cũng rất tuyệt, lại ít người mặc.”
“Đánh bại Trần Mộng Dao! Xông lên!”
“Nói bé thôi, Chu Huyên Huyên hầm hầm suốt mấy hôm nay rồi.”
“Hả, kệ cậu ta, năm ngoái xin chụp cùng cậu ta mấy tấm mà cứ nhăn nhó khó chịu, mãi mới chịu chụp một tấm thì cũng chẳng thấy đăng ảnh với ai trong lớp lên, chỉ đăng mỗi ảnh chụp cùng Trần Mộng Dao, cái vẻ mặt vinh dự đấy thật không hiểu nổi.

Bình thường cậu ta chơi với Trần Mộng Dao nên lúc nào mặt cũng vênh tận trời, mình chả ngứa mắt lâu rồi.”
“Cậu không sợ cậu ấy nghe à?”
“Sợ cái gì, mình thấy năm nay Trần Mộng Dao cũng chỉ có thế thôi, để Thịnh Hạ làm cậu ta lác mắt.”
“Nói chứ, cái danh hoa khôi của Trần Mộng Dao do ai phong vậy?”
“Không biết nữa, mọi người bảo thì biết vậy thôi.”
“Học sinh năng khiếu mà, hay xuất hiện trước đám đông nên được chú ý chăng?”
“Tin đồn với Trương Chú, Lư Hựu Trạch cũng là từ khóa gây chú ý nhỉ?”
“Ai mà biết.”
Thịnh Hạ bỗng thấy khó thở như ở giữa vòng xoay bát quái.
Nói thì không phải, không nói cũng không phải, chỉ biết cứng đơ ngồi nghe các bạn dìm người khác nâng mình lên, cảm thấy rất bứt rứt.
Cuối cùng chuông vào tiết đã cứu cô.

Mọi người tản đi, Thịnh Hạ không giấu được vẻ mệt mỏi.

Cô còn chưa biết nên kể chuyện này với Vương Liên Hoa thế nào.

Chắc chắn mẹ sẽ sợ cô tham gia hoạt động mà phân tâm học tập.
Lo thật.
Đang định đưa tâm trí quay về bài học, cô bỗng nghe Lư Hựu Trạch bàn sau gọi “Thịnh Hạ”.
Cô quay xuống: “Ừ?”
Lư Hựu Trạch: “Cậu ở khu Phỉ Thúy Lan Đình đúng không?”
Thịnh Hạ: “Ừm.”
“Hình như buổi trưa mình thấy cậu,” Lư Hựu Trạch nói, “Cậu đi chiếc xe điện màu trắng?”
Thịnh Hạ gật đầu, “Ừm.”
“Thế đúng là cậu rồi, không ngờ bọn mình là hàng xóm.

Cậu ở khu B à?”
Thịnh Hạ: “Ừ, trùng hợp vậy á?”
Lư Hựu Trạch nhoẻn cười, “Mình ở khu A, lúc đi qua ngã rẽ vào khu B thì thấy cậu.

Cậu ở đó từ cấp hai đúng không?”
“Ừ.”
“Mình cũng vậy, không ngờ lại chưa gặp mặt bao giờ.”
Rốt thì cũng là khu quanh Bát Trung, nhà gần nhau là bình thường.
Khu B là nhà liền kề, khu A là biệt thự, hai khu tuy chỉ cách một bức tường nhưng lối vào và gara thì nằm trên hai con đường khác nhau, ở mấy năm không biết mặt nhau là bình thường.
“Hay thật.” Thịnh Hạ nói.
Lư Hựu Trạch cũng gật gù, “Nhà gần vậy mà sao vẫn ăn ngoài?”
Thịnh Hạ nói: “Nhà mình không nấu.”
“Ra vậy.”
Cuộc nói chuyện kết thúc ở đây.
Thịnh Hạ không ngờ là đến hôm sau, chủ đề tiếp tục được nối dài.

Lư Hựu Trạch hỏi: “Thịnh Hạ, bố cậu là Thịnh Minh Phong hả?”
Thịnh Hạ sững người, không kịp trả lời ngay.
Lư Hựu Trạch thoáng ngần ngại, “Mình thấy rất trùng hợp nên tối qua về nhà có thuận miệng nhắc, không ngờ bố mình biết cậu.

Tên cậu khá đặc biệt, bố cậu với bố mình cũng có quen biết sơ, nói lúc trước khi nhà cậu mua nhà, bố mình còn giảm giá cho một ít.”
“Vậy à?” Thịnh Hạ không giỏi nói những chủ đề kiểu này.

Việc trong nhà trước giờ cô chưa từng hỏi, cũng không biết quá rõ.
Nói vậy nghĩa là, bố Lư Hựu Trạch là nhà thầu xây dựng Phỉ Thúy Lan Đình ư?
Nhà cậu từng giảm giá cho nhà cô, có phải cô nên nói một tiếng cảm ơn?
Chủ đề đi theo hướng hơi kì lạ, Thịnh Hạ lựa chọn im lặng là vàng.
“Cậu ở gần vậy, sao giờ tự học tối chỉ học hai tiết đã về nhà?” Lư Hựu Trạch hỏi.
Thịnh Hạ thật thà đáp: “Sợ tối.” Thực ra thì có đèn đường, không tối, chỉ là đêm khuya người xe thưa thớt, vắng tanh vắng lạnh.
“Mình thì đến hết tiết ba mới về, nếu cậu sợ tối, có thể về chung với mình.”
“Thật hả?” Thịnh Hạ mừng khôn kể xiết, cô đã luôn muốn học thêm một tiết từ lâu.
Lư Hựu Trạch gật đầu: “Đằng nào mình về một mình cũng chán.

Chỉ là mình đi xe đạp, không nhanh bằng xe điện của cậu.”
Thịnh Hạ: “Mình chạy xe không nhanh đâu.”
“Được, thế sau này mình về chung.”
“Ừm!” Thịnh Hạ tiếp, “Vậy tối về mình sẽ dặn mẹ.”
Thế thì có phải chuyện cầm biển cũng sẽ dễ mở lời hơn?

Tối đến về nhà, Thịnh Hạ nghe Vương Liên Hoa đang nói chuyện với chủ nhiệm lớp của Ngô Thu Tuyền qua điện thoại, cô không tiện quấy rầy nên đành thôi.
Cứ thế để đến tận cuối tuần.
Trưa Chủ nhật, Thịnh Hạ về nhà ăn cơm, Ngô Thu Tuyền cũng có nhà, không khí trên bàn ăn không lấy gì làm vui vẻ.

Thịnh Hạ không hỏi nhiều, ngần ngừ một lúc rồi vẫn nhắc chuyện muốn học hết ba tiết tự học tối với Vương Liên Hoa.
Tất nhiên là Vương Liên Hoa đồng ý, dù vậy vẫn còn đôi chút băn khoăn, hỏi xa hỏi gần: “Bạn nam về cùng con, chỉ là bạn thôi đúng không?”
“Dạ.”
“Thật chứ?”
Thịnh Hạ ngẩng lên, “Dạ, tên Lư Hựu Trạch, không biết mẹ còn nhớ không, cậu ấy có học cùng con hồi cấp hai.”
Vương Liên Hoa à lên, “Nhớ, là bạn lúc nào cũng là người phát biểu trong buổi họp phụ huynh, thành tích tốt mà cũng rất lễ phép.

Bố thằng bé là chủ tịch tập đoàn Quân Lan, có chút quen biết với bố con.”
Thịnh Hạ gật đầu: “Ừm, là cậu ấy.”
Vương Liên Hoa luôn thiên vị những bạn học giỏi, Thịnh Hạ đã biết điều này.
“Đúng là nhà họ ở ngay gần đây,” Vương Liên Hoa dặn, “Nhưng cũng đừng thân thiết quá, lên 12 rồi, phải đặt việc học lên hết.”
“Mẹ, con biết rồi.”
“Có con là mẹ yên tâm nhất.

Con nói biết, vậy chắc chắn là đã hiểu.” Vương Liên Hoa thở dài, “Không như ai kia, chỉ biết làm người ta lo.”
Ngô Thu Tuyền đặt mạnh cái bát, “Mẹ muốn mắng thì cứ việc, không cần bóng gió ám chỉ như thế!”
“Con còn cãi à, nhìn lại mình xem có giống con gái không, tuổi còn nhỏ đã học cái trò đánh nhau? Con tự mà nhìn mình đi, tóc thì nhuộm, mắt thì đeo len xanh lè xanh lét, con là người Mỹ đúng không? Tai thì kiểu gì kia, có tự đếm xem mấy lỗ rồi không?” Vốn dĩ Vương Liên Hoa chưa nguôi cơn tức, giờ lửa giận đã bốc cao ba trượng.
Vì thân phận của Thịnh Minh Phong không được phép đẻ từ hai con, nên cả Ngô Thu Tuyền và Trịnh Đông Ninh đều không có tên trong hộ khẩu nhà họ.
Tên Ngô Thu Tuyền ở hộ khẩu nhà một người bạn tốt của Thịnh Minh Phong.

Người đó họ Ngô, hộ khẩu ở thành phố Đông Châu.

Về mặt pháp luật thì Ngô Thu Tuyền là con của người đó, do đó phải học lớp 9 ở Đông Châu rồi tham gia kì thi vào lớp 10 ở đó.
Trước khi khai giảng con bé còn rất hào hứng mong chờ, những tưởng cuộc sống không có tiếng càu nhàu của mẹ sẽ vô vàn thích thú, ngờ đâu mới đi được một tuần đã bắt đầu sinh sự, mâu thuẫn với bạn cùng phòng, gây sự đánh nhau, độ này còn nhuộm tóc, xỏ lỗ tai.

Hôm thứ Sáu Vương Liên Hoa được chủ nhiệm lớp mời lên nói chuyện, tiện thể dắt con gái về, đến chiều vẫn phải đưa về trường.
Ngô Thu Tuyền đứng bật dậy, “Tóm lại là con không muốn đi học ở Đông Châu.

Đều là con của bố, tại sao con phải đi học ở Đông Châu, tại sao chị lại được học ở trung học phụ thuộc đại học Nam Lý? Đừng tưởng con không biết, thành tích của chị cũng có tốt đâu? Chị cũng chỉ thi được vào Nhị Trung thôi, là bố đi cửa sau cho chị vào đó! Nhưng tại sao đến lượt con thì lại khác? Tại sao chứ?”
“Đừng có nói bậy.” Vương Liên Hoa gõ vào thành bát, “Chị con thi không tốt nên vào Nhị Trung, sau này thành tích tốt lên nên mới xin chuyển trường được.

Những lời ban nãy, tốt nhất con nên nuốt vào đi, để ai nghe thấy sẽ thành chuyện lớn đấy!”
Ngô Thu Tuyền bật cười, “Dù sao cũng chỉ có mình Thịnh Hạ họ Thịnh, con và Ninh Ninh có là cái đinh gì đâu!”
Dứt lời đứng dậy bỏ đi, sập cửa ầm ầm.
Thịnh Hạ không nuốt nổi bát cơm, nhai trong miệng mà thấy như nhai rơm rạ.
Vương Liên Hoa hét lớn với cánh cửa đóng chặt: “Cứ sập cửa đi, sập mạnh vào, làm hỏng cửa rồi có khi bố sẽ chịu đến ngó một cái đấy!”
“Không mượn ông ta nhìn! Có loại bố đó để làm gì chứ! Sao lúc sinh con ra ông ta không bóp chết con luôn đi!” Ngô Thu Tuyền gân cổ gào lên, giọng lạc cả đi như sắp òa khóc.
Vương Liên Hoa không nói nữa, chỉ cúi đầu và cơm thật nhanh, nhưng chỉ nuốt từng ngụm toàn cơm không chứ thức ăn trên bàn thì không hề động đũa.
Thịnh Hạ thấy có giọt nước trượt qua nếp nhăn nơi khóe mắt của mẹ, đổ cả vào bát cơm trắng tinh rồi bị nuốt hết xuống bụng.
Đông Ninh sợ quá, bưng bát cơm rưng rưng nhìn Thịnh Hạ.
Thịnh Hạ thấy như có luồng khí áp vô hình đè nặng cuống họng.

Cô cố sức nuốt vào, xoa đầu Trịnh Đông Ninh, “Ninh Ninh ngoan, ăn hết cơm đi.”
“Chị.” Trịnh Đông Ninh bỗng gọi.
Khoảnh khắc ấy cảm xúc Thịnh Hạ đang cố kìm nén cơ hồ mất khống chế.

Trịnh Đông Ninh mắc chứng tự kỷ, đã rất lâu Thịnh Hạ không được nghe con bé gọi chị rồi.

Chẳng biết có phải tình cảnh trước mắt đã kích thích Đông Ninh không, nhưng trẻ con thì chắc chắn rất sợ.
Thịnh Hạ vỗ về đôi má của em gái, “Sao vậy?”
Trịnh Đông Ninh chỉ chớp mắt nhìn cô.
Ăn cơm xong, Vương Liên Hoa ngồi trên sô pha xem ti vi.

Ti vi đang phát chương trình mua sắm nhạt nhẽo, hẳn nhiên là mẹ chỉ để đó chứ không xem.
Trịnh Đông Ninh ngồi vẽ tranh bên bàn trà, hình như đang vẽ cá heo.
Căn phòng rất yên tĩnh, thoạt trông yên ổn tường hòa.

Nhưng nào ai hay ẩn sau đó là một mớ bòng bong rối nùi.
Thịnh Hạ rửa sạch bát đũa, xong ra gõ cửa phòng Ngô Thu Tuyền.

Không có tiếng đáp lại.

Thịnh Hạ vặn tay cầm, cửa hé ra, không khóa.
Ngô Thu Tuyền vẫn như thế, chẳng qua đang đợi được dỗ thôi.
Thịnh Hạ đẩy cửa đi vào, nhẹ nhàng khép cửa lại, quả nhiên thấy người đang trùm chăn trên giường thoáng cử động.
Trong phòng không bật điều hòa.

Thịnh Hạ tới đầu giường tìm điều khiển bật chế độ quạt gió.

Mới ngồi xuống mé giường, nhẹ tay lật một góc chăn ra, cái chăn đã bị người bên trong giữ chặt, không thể mở được.
Thịnh Hạ dịu giọng: “Tuyền, là chị.”
Vẫn bất động.
“Em không nóng hả?”
Cái chăn di động nhẹ.

Thịnh Hạ kéo chăn ra, hé mở đôi mắt đỏ quạch bên dưới.
“Chị, em xin lỗi…” Ngô Thu Tuyền nói, giọng bắt đầu nghèn nghẹn.
Cổ họng Thịnh Hạ nghẹt cứng, có những câu không thốt nổi thành lời.

Cô lắc đầu, mất một lúc mới tìm lại được giọng nói, “Tuyền, mẹ cũng hết cách mới phải làm vậy.

Mẹ cũng rất buồn.”
Trong cái nhà này, không một ai sống khổ sở hơn Vương Liên Hoa.
Lấy chồng xa, nhà chồng gia cảnh kém, mẹ chồng trọng nam khinh nữ, bất chấp chồng là quan chức nhà nước vẫn đẻ liền ba đứa, tiếc thay chỉ toàn là con gái.

Chồng thăng quan tiến chức, nhà ngoại lại sa sút, làm mẹ mất đi cả tư cách làm trái.
Không hòa nhập được với nhà chồng, cũng không thể về được nhà ngoại, một cuộc hôn nhân đổ vỡ, ba đứa con gái chưa trưởng thành…
Người phụ nữ kiêu hãnh rạng rỡ năm nào, tới giờ thậm chí khóc cũng là điều xa xỉ.

Cuộc sống khổ nhọc biết mấy có lẽ chỉ mình mẹ tự hiểu, còn người khác, dù là Thịnh Hạ cũng không thể đồng cảm như người cùng cảnh.
Một nguyên nhân rất lớn mà Vương Liên Hoa không thể bảo được Ngô Thu Tuyền, là vì tính Ngô Thu Tuyền giống hệt mẹ thời trẻ, cũng thẳng thắn chỉ theo ý mình, không biết nhượng bộ.

Mẹ luôn mắng Ngô Thu Tuyền, và cũng từ Ngô Thu Tuyền, mẹ trộm nhìn và nhớ về chính mình của quá vãng.
Ngô Thu Tuyền vừa khóc vừa gật đầu, “Em biết, em biết hết, nhưng em không nhịn được.

Em xin lỗi, chị, em không cố ý…”
“Vậy thì ngủ một giấc đi, ngủ dậy rồi xin lỗi mẹ, nhé?” Nhận thấy em gái vẫn lưỡng lự, Thịnh Hạ chuyển chủ đề, “Khuyên tai của em đẹp lắm.”
Ngô Thu Tuyền sờ dái tai, nghẹn ngào hỏi: “Thật ạ?”
“Thật mà,” Thịnh Hạ nắm tay em kéo lại, “Tuyền, em biết không, chị vẫn thường ngưỡng mộ em, vì em có chính kiến riêng, có hoạch định riêng của em.

Em chỉ thuộc về chính em thôi.

Em có phiên bản của riêng mình, trong tương lai cũng sẽ có cuộc sống chỉ của riêng em, bởi vì em không mang họ Thịnh…”
“Chị, em không hiểu…”
“Rồi em sẽ hiểu.” Thịnh Hạ nặn ra một nụ cười, “Chị nghe nói Đông Châu rất sầm uất, rất hiện đại.

Thực ra Tuyền rất hợp với Đông Châu, nếu học cấp ba, đại học, rồi làm việc ở đó chắc là cũng rất tốt? Dù sao ở đó cũng gần, cuối tuần có thể về được.”
“Nhưng em chẳng quen biết ai hết…”
Thịnh Hạ nói: “Con người ta luôn phải làm quen với những người mới.

Được quen biết rất nhiều những người khác nhau cũng là một điều hạnh phúc mà.

Em mới 14 tuổi mà đã từng chiêm ngưỡng phong cảnh của không chỉ một thành phố, từng nếm trải cuộc sống ở không chỉ một nơi, ngầu biết mấy chứ?”
“Hình như cũng đúng.”
“Sao lại đánh nhau vậy? Ai bắt nạt em à?”
“Không ạ.

Là một con bé rất ngông, nó là fan của đối thủ của idol em, nó rủa idol em sụp đổ hình tượng.”
“Đáng ghét thế á?” Thịnh Hạ cùng chung mối thù, “Vậy em trù idol nó trốn thuế ngủ với fan bị bắt vào tù!”
“Òa, rủa còn ác hơn nó nữa.”
“Chứ sao, không cần đánh nhau cũng làm nó tức chết.”
“Cho nó tức chết!”
Hai chị em nằm trên cùng một chiếc giường, nói chuyện đến khi từ từ ngủ mất.
Đồng hồ sinh học của Thịnh Hạ rất chính xác, vừa qua giờ nghỉ trưa là tỉnh giấc ngay.

Cô rón rén đi ra khỏi phòng.

Vương Liên Hoa không còn trong phòng khách, có lẽ đã dẫn Ninh Ninh đi gặp bác sĩ tâm lý rồi.
Thịnh Hạ về phòng làm bài nhưng không tài nào tập trung nổi.

Nghĩ một lúc, cô thu dọn cặp sách lên trường.
Trước khi đi cô gọi điện cho Vương Liên Hoa bảo việc của Tuyền đã xong, chiều về đưa con bé đi Đông Châu là được.
Vương Liên Hoa thở phào, “Con ngoan, con vất vả rồi.”
“Mẹ, mẹ nói gì vậy?”
“Thế tối con ăn gì?” Vương Liên Hoa hỏi, “Mẹ đi Đông Châu cả đi cả về cũng mất ba bốn tiếng, không về kịp bữa tối.”
Chủ nhật quán cô vẫn thường ăn không nấu cơm.
“Không sao ạ, quanh trường có rất nhiều quán ăn.”
“Thế chọn chỗ nào sạch sẽ nhé.”
“Dạ.”
Mặt trời ba giờ chiều chói chang lóa mắt, đốt sống lưng nóng ran.

Thịnh Hạ cưỡi con xe điện, nhưng không đến thẳng trường mà chạy lòng vòng không mục đích.
Cơn gió khô nóng thổi rát da mặt, thổi tan những suy tư và thổi khô cả nước mắt.
Nhưng nước mắt vẫn mỗi lúc một chảy tràn, khi tầm nhìn bắt đầu mờ hơi nước, Thịnh Hạ dừng phanh dưới một tán cây, gục lên đầu xe òa khóc.
Vương quốc nước mắt sao quá đỗi bí ẩn.
Chỉ một giọt nước thôi, nhưng những điều ẩn giấu bên trong thì đủ sức nhấn chìm con người ta trong khoảnh khắc.
Đó là lý do cô luôn giấu nó đi, rồi từ từ giải phóng nó ở nơi không ai biết.
Vì cô không thể để ai đó cùng lúc bị nhấn chìm.
Nên cô chỉ luôn khóc một mình.
Tác giả có lời:
Mềm mỏng không có nghĩa yếu đuối, dịu dàng là một thứ sức mạnh.
Thất vọng với thế giới, không nhất thiết sẽ thể hiện qua lớp gai dựng lên.
Trái lại, có thể là sự thuận theo cam chịu.
E dè cẩn thận, run rẩy sợ hãi, chỉ vì tiềm thức đang tự vệ.
“Vương quốc nước mắt thật quá đỗi bí ẩn” – “Hoàng tử bé”.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui