Mồng sáu tết, khối 12 nhập học.
Học kì mới, thứ tự mới, chỗ ngồi cũng được xếp lại dựa trên điểm thi cuối kì của kì một.
Bạn cùng bàn của Thịnh Hạ tên Lý Thi Ý, nguyên là bạn cùng bàn với Chu Huyên Huyên. Điểm của họ đều ở mức trung bình trong lớp.
Điểm số của Chu Huyên Huyên không có thay đổi nhiều, vì vậy ngồi đằng trước Thịnh Hạ.
Những bạn xung quanh, chỉ có Tề Tu Lỗi ngồi bên trái là tạm coi như thân thiết.
Trương Chú vẫn ngồi bàn cuối cùng ở dãy bàn đơn.
Tuy rằng điểm số giảm sút, cậu vẫn là hạng nhất của A6.
Khi chỗ ngồi tách ra, Tân Tiểu Hòa ôm Thịnh Hạ vờ khóc hu hu, chờ các bạn đã dọn chỗ gần xong mới bịn rịn dọn đi.
Nhưng ai kia bên phải cô thì chỉ hỏi đúng một câu: “Còn thứ gì ở chỗ mình không?”
Sau đó bưng bàn mình đi luôn.
Dọn xong thì quành về bê bàn hộ cô, bê bàn xong bê tới hộp đựng sách.
Sau đó hỏi: “Còn gì cần dọn nữa không?”
Thịnh Hạ: “Hết rồi.”
Quá trình dường như không có gì đổi khác.
Nhưng Thịnh Hạ cảm thấy, đã không như xưa.
Thậm chí cậu không nhìn thẳng vào mắt cô một lần nào.
Rất khác lạ.
Rốt cuộc hôm qua cậu đã gặp chuyện gì?
Vì gia đình có việc nên cậu không vui ư?
Chỗ ngồi giờ cách hơn nửa lớp, cậu không tới tìm cô, cô cũng không biết có nên hỏi không.
Mỗi khi ra chơi, cậu không bò ra bàn nằm ngủ thì cũng đang làm đề.
Giờ nghỉ giải lao cuối cùng của buổi sáng, Thịnh Hạ mượn cớ đi lấy nước đi vòng qua cửa sau, thấy cậu đang lướt điện thoại, có vẻ rảnh rỗi. Đang định gợi chuyện, chữ “Chú” chưa kịp thốt ra hết cậu đã bò ra bàn nằm ngủ.
Thành ra cô không tiện quấy rầy.
Đến trưa, Thịnh Hạ chưa thu dọn xong đã thấy Trương Chú đi ra khỏi lớp, không đợi cả Hầu Tuấn Kỳ.
Hầu Tuấn Kỳ gọi với theo sau lưng, “Chú, chờ mình với chứ?” Sau đó ngoảnh lại gọi Thịnh Hạ: “Tiểu Thịnh Hạ mau lên đi!”
Thịnh Hạ tăng tốc, đuổi theo Hầu Tuấn Kỳ.
Nhưng họ vẫn bị Trương Chú bỏ rất xa.
Khi vào quán, Trương Chú đã đang ngồi ăn.
Thịnh Hạ và Hầu Tuấn Kỳ ngồi xuống vị trí như thường lệ vẫn ngồi.
Cả quá trình không ai nói lời nào.
“Chú, cậu ốm à?” Hầu Tuấn Kỳ hỏi.
Trương Chú: “Cậu rủa mình?”
Hầu Tuấn Kỳ: …
Thịnh Hạ cúi đầu ăn cơm, không chen lời.
Cảm thấy cách cậu nói chuyện với Hầu Tuấn Kỳ vẫn hệt vậy.
Nếu vậy, tức chỉ với cô là khác.
Trực giác này, từ sau đó mỗi một ngày lại được tiến một bước chứng thực.
Hình như cậu rất mệt, những khi ra chơi chỉ toàn thấy nằm ngủ, buổi sáng cũng trở về thói quen đi học sát giờ khi trước, tối thì chỉ hết hai tiết tự học là về, điều này khá lạ.
Những việc khác hình như vẫn vậy, các bạn hỏi bài cậu vẫn chỉ, bọn con trai túm tụm buôn chuyện, cậu cũng chốc chốc lại thốt ra những câu đâm thọc. Nói cậu không vui, hình như cũng không phải.
Vì vậy đến cả Hầu Tuấn Kỳ cũng không nhận ra điều gì.
Ba người họ vẫn cùng nhau ăn cơm, Trương Chú vẫn rất quan tâm Thịnh Hạ. Cặp cô nặng, cậu sẽ xách cho cô, quên lấy canh, cậu sẽ lấy cho cô.
Cả khi nói chuyện cũng dường như giống hệt khi trước.
Hẳn vì vốn dĩ Thịnh Hạ đã không nói nhiều, nên thường đối thoại giữa họ chỉ có một hỏi một trả lời.
Đôi khi chính Thịnh Hạ cũng thấy nghi hoặc. Phải chăng do cô đã nghĩ nhiều?
Nhưng khung trò chuyện QQ ắng lặng cho cô biết, tất cả đã thay đổi.
Sau khi nộp bản thảo, buổi tối cô không cần cầm bút tới rạng sáng, thường 12 giờ đêm đã lên giường đi ngủ.
Lăn qua lăn lại trằn trọc một hồi, cô mở mắt cam chịu, đờ đẫn nhìn trần nhà, đầu óc mụ mị đi. Trần nhà giờ tựa tấm màn sân khấu, chiếu trên đó là vô vàn hình ảnh có cậu.
Tất cả vẫn như thế, rồi lại tựa chẳng có gì như xưa.
Trông đôi mắt cậu không còn ánh sáng, trong lời cậu nói không còn sự thân mật, hơn thế đó chỉ là khi đối diện với cô.
Cuối cùng cô đã dám chắc, rằng cậu, đang xa rời cô.
Trong điện thoại, tin nhắn QQ mới nhất là nói chuyện với Đào Chi Chi.
Cuộc “hò hẹn” hôm đó, Đào Chi Chi gần như theo sát toàn bộ “livestream”, đến nỗi cuối cùng còn khó chấp nhận hơn cả Thịnh Hạ.
“Cái gì? Cậu ta không tới?”
“Không phải chứ, cuộc hẹn đầu tiên đó!”
“Là chính cậu ta đòi hẹn mà!”
“Cậu ta không nói là việc gì à?”
“Có phải ở nhà có việc đột xuất không?”
Những câu hỏi này, Thịnh Hạ không trả lời được. Chính cô cũng muốn biết.
Đã nhiều ngày trôi qua nhưng cậu không hề có ý định nói rõ, chắc là không muốn nhắc nữa rồi.
Nghĩ cho kĩ thì, họ cũng không thật sự hiểu rõ về đối phương. Thậm chí cô không đoán nổi có khả năng cậu sẽ gặp những việc thế nào.
Những người quen chung, trừ bạn học chỉ còn Trương Tô Cẩn.
Nhưng độ này Trương Tô Cẩn có vẻ rất vui, không giống như gia đình đang gặp chuyện.
“Không sao, cậu ăn mặc xinh đẹp thế tới nơi hẹn, không nhìn thấy là tổn thất của cậu ta!”
“Hạ Hạ đừng buồn, cuối tuần mình đi chửi cậu ta với cậu!”
Đây là hai tin nhắn cuối cùng của Đào Chi Chi.
Buồn ư?
Đương nhiên rồi.
Hôm đó trên đường đi, cô đã cất công mang tận hai cái nón bảo hiểm, còn đang nghĩ lần này nếu cậu chở đi, cô có nên ôm eo cậu không, và như thế có phải mạnh dạn quá không. Nghĩ thôi đã thấy đôi má nóng rần rật rồi.
Còn trên đường về, cô nhìn cái nón bảo hiểm không được sử dụng, hốc mắt bỗng nóng ran.
Đỏ mặt tới nơi, đỏ mắt ra về.
Nghi hoặc, tủi thân, tiếc nuối.
Tất nhiên cô có buồn.
Buồn đến nỗi chẳng muốn hẹn hò gì nữa.
Thịnh Hạ lại vào bảng tin QQ như một hành động trong vô thức, kéo lên đầu trang, lại chán nản lướt xuống. Bỗng nhớ hôm tỏ tình, cậu nói tìm ra ngày sinh của cô nhờ những lời nhắn của bạn bè trên trang, cô bấm vào trang cá nhân của cậu.
Tin gần nhất đã từ một năm trước, nội dung vô thưởng vô phạt, toàn những bài kiểu “dìm hàng”.
Khi thoát ra bấm vào mục thông báo.
Tiện tay lướt xuống, gần như toàn là like và bình luận của cậu.
Một người lướt hết trang cá nhân của cô, like và bình luận vào từng bài đăng của cô, bây giờ lại không còn lấy chỉ một câu nói.
Khoang mũi cay cay, cô cứ thế đờ đẫn nhìn những dòng bình luận cũ.
Bỗng Thịnh Hạ ngồi bật dậy.
Lướt đến cuối rồi kéo lên xem từng bài, đọc ngược lại.
[Mình váng đầu.]
[Thích mùa xuân à? Nam Lý không có mùa xuân, cảm ơn.]
[Cậu cũng vui vẻ tới trường, về nhà lành lặn.]
[Rồi cậu không coi lôi công điện mẫu ra gì đúng không?]
[Cậu theo phong cách này?]
[Đã rõ thưa đại văn hào.]
[Biết nghe lời đồn là chân lý.]
[Hay đó.]
[Chưa mà?]
Mình, thích, cậu, rồi, cậu, đã, biết, hay, chưa?
Thịnh Hạ đọc lại một lần, không thể tin nổi.
Là như thế ư, cả thứ tự đăng cũng không lệch chút nào, sao có thể là trùng hợp?
Khi đó cô đã cảm thấy là trừ mấy bình luận đầu tạm coi như có liên quan tới nội dung cô đăng, thì những bình luận sau toàn là nói bậy.
Cô không để ý nhiều.
Khi đó, là khi nào?
Là tối hôm từ công viên ven sông về.
Chẳng lẽ cậu đã thích cô từ tận khi đó?
Thịnh Hạ ngả lưng nằm lại, điện thoại bị quẳng sang một bên, ngẩng nhìn trần nhà đờ đẫn.
Nếu đúng là thế, vậy thì tại sao?
Cậu thích cô, cô đã biết. Thế thì thế nào?
Cái thích của cậu, cô không hiểu nổi.
Có lẽ, có phải cô có tư cách để hỏi cho ra nhẽ?
Thịnh Hạ không dám chắc, nhưng trong lòng có một giọng nói đang gào hét, đang thúc giục. Bản dịch bạn đang đọc chỉ đăng tại địa chỉ duonglam. design. blog và nick wattp3d namonade của người dịch. Người dịch không chịu trách nhiệm về sai sót bản dịch khi đăng ở các nơi khác.
Cô lại cầm điện thoại lên, đăng một dòng trạng thái, chỉ “Tống Giang” thấy được.
–
[Thời tiết ấm lên lại rét, càng khó ngủ yên.]
2 giờ sáng, Trương Chú thấy bài đăng của Thịnh Hạ.
Đèn bàn hãy còn sáng, cậu chỉ vừa kết thúc giờ học hôm nay.
Thời tiết nóng lạnh đột ngột, cô không ngủ được ư?
Nếu cậu không nhớ lầm, thì bài từ này, phía trên có câu: Lần lần, giở giở; Lạnh lạnh lùng lùng; Cảm cảm thương thương nhớ nhớ(*).
(*) Trích bài “Thanh thanh mạn”, bản dịch của Nguyễn Xuân Tảo.
Câu này dùng cho cậu hình như còn hợp hơn.
Vặn bẻ phần cổ và vai gáy tê mỏi, Trương Chú đứng dậy nhìn đồng hồ, do dự thoáng giây, sau vẫn gõ cửa phòng Trương Tô Cẩn.
“Chị, dậy đi.”
“Chị?”
“Chị!”
Trương Tô Cẩn mở cửa, sắc mặt cau có. Có ai đêm hôm khuya khoắt bị dựng dậy mà vui cho nổi?
Nhưng một giây sau, chị đã tỉnh như sáo.
Trương Chú đứng trước cửa, cái dáng cao cao trầm giọng nói: “Chị, em yêu rồi.”
Trương Tô Cẩn im lặng nhìn em trai, đôi mắt chớp chớp. Chị mở cửa phòng, đi ra sô pha trong phòng khách ngồi xuống.
“Rót cho chị cốc nước.”
Trương Chú “dạ” một tiếng, đi rót nước, tiện thể lấy cả cô ca cho mình, một tay khui nắp, cầm lon nước đổ vào họng.
Trương Tô Cẩn im lặng nhìn thiếu niên dáng người cao ráo, hầu kết nổi lên ở cách ngay mấy mét, bỗng mắt cay cay không rõ duyên cớ.
Đứa trẻ níu chân chị không chịu buông thuở bé giờ đã lớn rồi, trưởng thành rồi.
“Đây.” Trương Chú đặt cốc nước lên bàn trà trước mặt chị, bản thân thì lơ đễnh dựa vào tủ ti vi, “Chị nói khi nào yêu đương nhất định phải cho chị biết.”
Trương Tô Cẩn rủa thầm: … Nhưng cũng không cứ phải nói ngay trong đêm.
“Với Thịnh Hạ à?” Trương Tô Cẩn hỏi thẳng.
Một thoáng lặng im, Trương Chú đáp: “Không phải với, chỉ mình em thôi.”
Trương Tô Cẩn: “Là sao, em đơn phương?”
Trương Chú cúi đầu: “Không thể yêu nhau được. Cậu ấy sắp đi du học rồi.”
Cậu kể rõ sự việc từ khi tỏ tình, bỏ qua cuộc đối thoại với Lư Hựu Trạch và cuộc hẹn kết thúc không lý do.
Trương Tô Cẩn hỏi: “Em nghĩ thế nào?”
“Em không biết.” Trương Chú dốc thêm một ngụm cô ca, để mặc hơi ga nổ ra kích thích giác quan, “Nếu ở giai đoạn khác, như lớp 10, 11, thậm chí khi mới vào lớp 12, có lẽ em sẽ có cách, nhưng bây giờ em chẳng có cách gì cả.”
Bất lực, mất phương hướng.
Trương Tô Cẩn: “Em hỏi bạn chưa?”
“Dạ?”
“Hỏi bạn, xem bạn nghĩ thế nào.”
Trương Chú lắc đầu.
“Khác biệt lớn nhất giữa con trai và con gái khi đối mặt vấn đề, là ở chỗ con trai chỉ muốn giải quyết vấn đề, còn con gái thì quan tâm hơn cả tới cảm xúc và thái độ.” Trương Tô Cẩn nói, “Em đừng tự quyết định cho bạn, mà phải cho bạn lựa chọn, phải trao đổi trò chuyện, mới biết làm thế nào là tốt cho bạn. Điều mà em cho là không ích kỉ, có lẽ không phải điều bạn muốn.”
Trương Chú: “Quan tâm tới cảm xúc chứ không giải quyết vấn đề, không phải có nghĩa là có thể sẽ không lý trí? Nếu tiếp tục như vậy, làm lỡ việc học và tương lai của cậu ấy thì phải làm sao?”
Trương Tô Cẩn gật gù: “Có lẽ thế, nhưng dù kết thúc cũng nên có một lời từ biệt rõ ràng.”
Trương Chú im lặng, không biết đang nghĩ gì. Đôi mắt cậu nhìn vào vô định.
Trương Tô Cẩn tiếp: “Sở dĩ chị bảo em phải cho chị biết là vì muốn nhắc nhở em, phải bảo vệ con gái kể cả về mặt thân thể hay tâm lý. Không phải nói con gái yếu đuối dễ vỡ, mà vì con gái nếu tổn thương thì thời gian vết thương lành lại sẽ dài hơn con trai rất nhiều, thậm chí ở một số người còn là khúc mắc cả đời không thể vượt qua. Người càng đơn giản thì càng như thế. Em không tới nơi hẹn đã là sai trước, có lẽ bạn ấy sẽ không còn muốn hẹn hò với em nữa.”
Một tiếng thở dài từ miệng Trương Chú thoát ra.
“Em biết rồi.” Cậu uống một hơi hết chỗ cô ca còn dư, hai tay vặn về hai hướng, lon nước ngọt bị bẻ cong, móp méo.
Cậu ném ra xa, lon nước ngọt bay một đường parabol rơi thẳng vào thùng rác.
“Chị ngủ đi.”
Trương Tô Cẩn không nói nhiều. Đối với Trương Chú, chỉ một hai câu đã là đủ.
Chị đứng dậy, định về phòng, bỗng sau lưng vang tiếng nói bất lực và sa sút của thiếu niên –
“Chị, em thực sự thích cậu ấy, thích nhiều lắm, tới nỗi cứ nghĩ tới là lại thấy nhói lòng.”
–
Hôm sau, mở mắt dậy là Thịnh Hạ vào xem QQ ngay như một phản xạ. Trừ tin nhắn từ hệ thống thì chẳng còn gì hết.
Cũng không có thông báo like hay bình luận.
Thậm chí không có cả lịch sử người xem.
Cậu chưa nhìn thấy ư?
Chắc là, cậu đã ngủ sớm rồi? Dạo này ngày nào cậu cũng về nhà rất sớm.
Nhớ hôm nào còn cùng nhau làm đề, giờ chỉ mới nửa tháng đã thấy như cách biệt một đời.
Trương Chú vẫn ngủ từ sáng tới tận trưa, đương nhiên chỉ là trong lúc nghỉ giữa giờ.
Khi ăn cơm trưa, Thịnh Hạ để ý thấy cậu không xem điện thoại.
Nhớ tới bài đăng của mình, cô vẫn thấy hơi xấu hổ. Nếu cậu chưa thấy, thì thôi tối về cô xóa nó đi vậy.
Đang bần thần thì nghe có người gọi: “Thịnh Hạ, em ra đây một lát.”
Là Phó Tiệp gọi. Cả Vương Duy cũng có mặt.
Thịnh Hạ chưa đứng dậy đã thấy Trương Chú đột ngột tỉnh giấc. Như nghe thấy hiệu lệnh, cậu ngẩng phắt đầu lên, hết nhìn Thịnh Hạ lại nhìn về nguồn phát ra âm thanh ở phía ngoài cửa sổ.
Trong đôi mắt có cái mơ màng chưa kịp tỉnh giấc.
Chỉ như một hành động trong vô thức.
Phó Tiệp cười nói: “Trương Chú, dậy rồi à? Ngủ thêm tí nữa chứ? Ai gọi em đâu, dậy làm gì?”
Cả lớp cười vang.
“Ngủ ngủ ngủ, chỉ biết có ngủ, chuông reo cũng không gọi em dậy được. Không nhìn lịch đếm ngược xem còn bao nhiêu ngày! Hạng nhất của em có thể ngủ mà giành lại được à?” Vương già cằn nhằn mãi không thôi.
Làm Thịnh Hạ không biết lúc này mình có nên đi ra hay không.
Vương Duy quả là dốc hết ruột gan cho Trương Chú.
Không biết là ai bỗng hét ầm lên: “Gọi Thịnh Hạ là cậu ấy dậy luôn chứ sao! Tên Thịnh Hạ chính là tiếng chuông đó!”
Lại một trận cười nghiêng ngả.
Mặt Thịnh Hạ thoắt chốc đỏ hồng.
Bình thường các bạn ghẹo vui với nhau thì cũng thôi, nhưng trước mặt thầy cô, sao có thể…
Trương Chú tu một hơi hết hơn nửa chai nước như để cho tỉnh táo, sau đó gằn giọng: “Nói linh tinh gì đấy?”
Giọng điệu bực trách thấy rõ.
Bạn kia ngơ ngác, Thịnh Hạ cũng ngỡ ngàng.
Hình như đây là lần đầu tiên cậu phản ứng lại lời trêu ghẹo của các bạn.
Và như, có vẻ muốn gạt bỏ quan hệ.
Vương Duy nạt bạn vừa la lên kia: “Lo mà học bài đi!”
Sau đó dịu giọng nói: “Thịnh Hạ ra đây.”
–
“Thịnh Hạ, tin này cô phải nói cho em trước tiên.” Phó Tiệp nghiêm mặt nặng nề, “Bản thảo của em không qua từ vòng đầu tiên, biên tập nói xét riêng chất lượng từng bài thì không có vấn đề lớn, nhưng để ghép thành tuyển tập thì không có chủ đề, quá rời rạc, việc này cũng do khi trước đã không có kế hoạch chuẩn bị kĩ lưỡng.”
Thực ra cũng do Thịnh Hạ muốn tận dụng bài viết sẵn để đẩy nhanh tốc độ. Cô từng nghĩ tới việc tuyển tập thì phải thống nhất hơn, nhưng những bài viết khi trước đa số chỉ là hứng khởi nhất thời, thành thử không có chủ đề thống nhất, về sau thì vì không nỡ bỏ bản thảo mấy chục nghìn chữ đã viết.
Tim Thịnh Hạ trĩu xuống, “Chủ đề thì, là thời kì sáng tác thơ hoặc thể thơ thống nhất ạ?”
Phó Tiệp gật đầu: “Đại khái thế.”
“Gửi cho những nhà xuất bản khác xem thử thì sao?”
“Chắc cũng giống vậy.” Bản dịch bạn đang đọc chỉ đăng tại địa chỉ duonglam. design. blog và nick wattp3d namonade của người dịch. Người dịch không chịu trách nhiệm về sai sót bản dịch khi đăng ở các nơi khác.
Thịnh Hạ chưa chịu từ bỏ: “Thế để em viết lại?”
“Khó lắm.” Phó Tiệp phân tích, “Cô đã xem kĩ, có nhiều nhất là tám bài sáng tác cùng thời kì, nhưng loại hình thơ khác biệt quá nhiều. Còn nếu chỉ xét loại hình thơ, thì phái hào phóng có sáu bài, phái uyển ước nhiều nhất có mười bài, số khác phần đa là những bài khó phân loại, hơn nữa còn rất tiểu chúng.”
Nếu nhiều nhất chỉ có mười bài cùng loại hình thơ, tức là chỉ có hai mươi đến ba mươi nghìn chữ. Viết lại, đã không còn kịp nữa.
Khoảng thời gian cuối học kì trước hôm nào cô cũng chong đèn tới sáng, một ngày chỉ ngủ bốn tiếng đồng hồ, bút viết không nghỉ, giờ tất cả chỉ là công dã tràng.
Sét giữa trời quang.
Khi cụm từ này xảy ra trong thực tế, người ta chỉ biết sững sờ.
Đòn đánh mạnh nhất chưa bao giờ là không có hi vọng, mà là tận mắt nhìn hi vọng bị đánh tan.
Vương Duy nhìn đôi môi cô trò phút chốc chuyển sang tái nhợt, không biết có nên nói tiếp nữa hay không.
“Thịnh Hạ…” Nhưng rồi thầy vẫn lên tiếng, “Chủ nhiệm Lý gọi điện hỏi bảng điểm của em. Điểm ở Nhị Trung của em chưa được chuyển sang, khi nào rỗi thì gửi thầy xem.”
Tai Thịnh Hạ kêu ù ù, không nghe rõ nổi nữa.
Nhưng cô biết, là Vương Duy và Phó Tiệp tới không chỉ vì một chuyện duy nhất.
Phó Tiệp huých cùi chỏ vào Vương Duy, dùng ánh mắt cảnh cáo thầy không được nói tiếp.
“Thịnh Hạ?” Phó Tiệp hỏi.
“Dạ, cô ạ.”
Phó Tiệp an ủi: “Con đường này không đi được thì dồn hết sức vào kì thi đại học. Em tiến bộ rất nhiều, cố giữ phong độ, gắng học hơn nữa thì vẫn có thể thi đậu trường rất tốt.”
Thịnh Hạ nói nhỏ: “Vâng, em biết rồi, cảm ơn cô ạ.”
Cô không biết mình đã về chỗ như thế nào, chỉ khi ngồi xuống rồi mới nhận ra đây là lần đầu tiên khi đi qua cửa sau cô không để ý cậu đang làm gì trong suốt mấy ngày nay.
Cô không để ý tới việc đó được nữa.
Ngày mai là khối 10, 11 cũng chính thức nhập học, giờ đang chuẩn bị vào tiết tự học tối. Hai tòa giảng đường bên cạnh ồn ã reo vang như nồi nước sôi, khối 12 nghe mà chỉ biết lắc đầu, cảm thán mấy câu, sau lại liếc cuốn lịch đếm ngược, tiếp tục cắm cúi luyện đề.
Đến cuối cùng, đa số mọi người vẫn sẽ đi lên con đường thi đại học.
Dựa vào đâu mà cô cho rằng mình có thể bắc một cái thang lên trời?
Năng lực chỉ tới đây, không còn lựa chọn khác.
Thịnh Hạ lấy điện thoại vào QQ. Trong khung trò chuyện, giáo viên ở trung tâm du học đã gửi thời khóa biểu mới cho cô.
Lớp ôn thi SAT cũng bắt đầu được xếp lịch.
Cô vẫn không trả lời, bấm vào trang cá nhân của mình, xóa bài đăng mới nhất đi.
“Thanh thanh mạn” ấy à, nó là một bài thơ oán than của thiếu nữ chốn khuê phòng.
Là lời oán than đã định sẵn không nhận được câu hồi đáp.
Thịnh Hạ nhét vào miệng một viên sô cô la, chuẩn bị tập trung học bài.
Bất cứ khi nào, chìm sâu trong nỗi buồn cũng không mang lại ích lợi.
Tiện tay ném vỏ kẹo sô cô la vào túi rác mới nhận ra túi đã rất đầy, chèn vào túi rác của bạn cùng bạn Lý Thi Ý. Lý Thi Ý nhìn Thịnh Hạ, thái độ không vui lắm.
Thịnh Hạ nói một tiếng “xin lỗi” rồi xách túi đi vứt.
Lúc trước khi ngồi cùng bàn với Trương Chú, túi rác của cô luôn chiếm dụng móc treo của cậu, liệu trong lòng cậu có thấy bực không? Rồi đồ đạc của cô cũng luôn bay tứ tung…
Đôi khi đến cả Tân Tiểu Hòa cũng thấy câm nín.
Nhưng cậu thì hình như chưa từng đả động một lời.
Thoạt trông cậu có vẻ khó gần, thực tế là người rất bao dung.
Thịnh Hạ ném túi rác vào thùng rác lớn, lắc lắc cái đầu nặng trịch – sao lại nghĩ tới cậu nữa rồi?
Đi vứt rác thôi mà cũng nghĩ tới cậu cho được.
Thịnh Hạ mới định quay lưng, cả thế giới bỗng chìm trong bóng tối, cùng với đó những tiếng la hét và tiếng trách móc nối nhau vang lên –
Cúp điện ư?
Trung học phụ thuộc giàu nứt đố đổ vách mà cũng cúp điện?
“Móa! Khối 10, 11 đi đâu cũng bật đèn, lại quá tải cầu chì rồi?”
“Thợ điện có làm ăn được không vậy, năm nào cũng diễn lại vở này, kì nghỉ không kiểm tra hả?”
“Hình như không phải, mình vào nhóm ở nhà, hình như nhà mình cũng bị cúp điện.”
“Cúp cả khu à?”
“Được, nghỉ thôi cả nhà!”
“À há, để xem ai dám lén lút học tập!”
“Đi mua nến đi mua nến!”
Thịnh Hạ không dám có một cử động nhỏ, vì cô đang đứng ở phòng chứa rác, cũng tức lối hành lang nhỏ phía mặt bắc, phía sau là hàng cây long não kêu xào xạc trong đêm tối.
Nhìn đâu cũng chỉ một màu đen đặc.
Cô biết mình nên lập tức trở vào lớp tuy thế bước chân không chịu cử động lấy cho nhờ. Cô có bệnh quáng gà nhẹ, bây giờ vẫn chưa thể quen với bóng tối, không phân biệt được phương hướng.
Một cơn gió lạnh thổi qua sống lưng.
Một vài sự vật tâm linh kì dị lại hiện ra xâm chiếm tâm trí…
Người buốt lạnh.
Bỗng một cơn gió thổi qua, một vật lớn ép sát, tay cô bị siết chặt, toàn thân căng cứng, vô thức há miệng hét lên – a!
Song so với tiếng bàn tán xì xầm trong lớp thì vẫn nhỏ bé không nghe thấy.
Lập tức cô nghe một giọng nói quen thuộc vang lên: “Đừng sợ.”
Chưa kịp hiểu ra là chuyện gì, cô đã bị dắt đi về trước, ra khỏi hành lang heo hút đi về hướng tòa giảng đường, thẳng tới lối đi thông tòa.
Trong đêm tối đen, cô gần như không nhìn thấy bất cứ thứ gì.
Nhưng độ ấm từ bàn tay siết chặt truyền sang vẫn khiến máu trong người cô sôi trào.
Từ lớp học sau lưng vang lên tiếng Hầu Tuấn Kỳ: “Đi mua nến đi Chú, ớ? Chú đâu? Chú! Đi đâu rồi?”
Một lúc sau thì nghe cả tiếng Vương Duy, hình như thầy đang gào lên: “Cúp điện cả khu rồi, chờ nhà trường bật máy phát điện thì ít là nửa tiếng, lâu khoảng một giờ, các em chờ đi! Đừng ồn nữa!”
Không ồn nữa.
Họ đi mỗi lúc một xa, tiếng nói phía sau nhỏ dần không nghe rõ.
Đi đến tận sân vận động, khi xuống cầu thang, cậu đi trước nắm tay cô dẫn cô đi, ngoảnh lại hỏi: “Nhìn thấy không?”
Đã quen với bóng tối nên cô có thể nhìn thấy những đường nét lờ mờ: “Ừm, thấy hơi hơi.”
Tới đường chạy, cậu nói: “Đi bộ một lát đi.”
Bàn tay được nới lỏng. Cô đi sát theo cậu. Không ai lên tiếng nói một lời, yên tĩnh đến độ nghe thấy cả tiếng hít thở. Vạch phân cách làn chạy màu trắng hiện lên rõ nét lạ thường trong bóng đêm. Cô men theo đường kẻ ấy bước từng bước chậm rãi.
Hình như cậu nhận ra, bước chân chậm lại.
Tản bộ.
Đã có ai nói rằng, tình tứ hơn cả nắm tay và hôn môi, là tản bộ.
Màu trời bình thường như bao ngày, không có ánh trăng soi, tuy thế Thịnh Hạ bỗng nhớ tới một câu nói – Đêm nay trăng thật đẹp