Mùa thu của cây dương


1.
“Sao thế, giọng con nghe như không khỏe. Đã ăn tối chưa? À khoan, đợi đã, có chuyện này hệ trọng lắm. Khi nãy cô Sasaki gọi điện tới…Ừ, đúng rồi, là cô Sasaki đó. Ở trang viên Cây Dương ấy.”
Nghe mẹ nói thế qua điện thoại, tôi vừa thoáng nghĩ bao năm rồi mình chẳng có lúc nào thong thả để nhớ đến những ngày sống cùng bà cụ, thì sực hiểu ra ngay: “Ôi, bà cụ mất rồi!”
Bà cụ là chủ khi căn hộ cho thuê nơi mẹ con sống trong ba năm. Bố mất năm tôi lên sáu, sau đó ít lâu, mẹ dọn khỏi ngôi nhà chúng tôi đang ở và tới khu căn hộ cho thuê của bà cụ, “Trang viên Cây Dương.” Cô Sasaki, người vừa liên lạc với mẹ, cũng sống ở đó.
“Buổi sáng, cô Sasaki gọi bà dậy nhưng không thấy bà trả lời, có vẻ như bà đi trong lúc ngủ.”
“Sáng hôm nào cơ?”
“Sáng nay.”
Tôi hít một hơi thật khẽ. Nếu là sáng nay thì dù bà có xuất hiện trong mơ để chào từ biệt, tôi cũng chẳng thể biết được vì đang ngủ mê mệt. Tôi bị lệ thuộc thuốc ngủ, phải uống thuốc mới ngủ ngon, thi thoảng, không rõ là cách bao lâu, tôi lại gặp ác mộng khủng khiếp. Trong giấc mơ đêm qua, tôi thấy mình là xác con cá to kinh dị bị ném xuống một nền bê tông mênh mông. Trong những cơn ác mộng tôi thường gặp, tình tiết đó rất hay xuất hiện.
“Bà bao nhiêu tuổi rồi mẹ nhỉ?”
“Chín tám, vậy là bà đã ra đi thanh thản.”
Thế thì hồi chúng tôi sống ở đó, bà cụ cũng phải tám mươi rồi. Thế mà bà vẫn nói với tôi, khi ấy mới bảy tuổi, rằng: “Bà sẽ cố gắng sống đến ngày cháu trưởng thành.” Ở cái tuổi tám mươi, nói được như vậy đòi hỏi một quyết tâm thực sự, và bà cụ đã thực hiện lời hứa một cách thật xuất sắc.
“À còn nữa, bà có để lại một số thư, cô Sasaki gọi điện vì việc đó.”
“Để lại gì kia?”
“Những - lá - thư,” mẹ hơi hạ giọng, chậm rãi nhắc lại.
“Cô Sasaki nói vậy?”
“Ừ,” mẹ đáp nhưng không nói thêm gì về những lá thư nữa. “Có nên gửi hoa không nhỉ…”
Mẹ tái hôn và chúng tôi rời trang viên Cây Dương khi tôi lên mười. Từ đó trở đi, cả mẹ và tôi đều không gặp lại bà, nhưng dĩ nhiên, chúng tôi vẫn thư từ qua lại với nhau, đôi khi còn gửi cả ảnh. Có điều, “những lá thư” mà cô Sasaki nói đến chắc không phải mớ thư đó. Mà là những lá thư tôi viết hồi bảy tuổi rồi gửi bà cất, chúng được cất trong ngăn tủ quần áo màu đen. Vậy ra bà để giữ chúng trong suốt ngần ấy năm
“Hoa, mẹ gửi hoa đi.”
“Sao?”
“Con sẽ tới đó. Nếu đi máy bay thì nhanh thôi.”
“Thế còn bệnh viện, sẽ không sao chứ?”
Từ ngày tôi bỏ bệnh viện nơi mình làm y tá, thấm thoát đã gần tháng trời. Việc này tôi không hề cho mẹ biết.
“Mẹ không phải lo chuyện đó.”
“Mẹ có lo lắng gì đâu,” mẹ yên lặng trong giây lát. “Dù là chuyện gì thì con cũng tự quyết định hết mà.”
“Vâng.”
“Thế nhé, gửi lời hỏi thăm hộ mẹ tới cô Sasaki.”
“Vâng, con nhớ rồi.”
Tôi cúp máy rồi ngồi ngây ra một lúc. Thôi, thế là đã xa nhau mãi rồi. Cả bà cụ, cả trang viên Cây Dương, cả khu vườn có cây dương ấy và tất cả những điều tôi từng cho là “tốt đẹp” dù không thực sự hiểu. Ba năm ngắn ngủi sống ở trang viên Cây Dương, giờ đây tôi chỉ có thể nhớ đến như nhớ một câu chuyện trong giấc mơ mà thôi.
Tôi bỏ và túi du lịch quần áo lót để thay, đồ vệ sinh cá nhân và cả túi giấy đựng thuốc rồi kéo roẹt phéc mơ tuya. Đi có một, hai ngày mà mang cả đống thuốc ngủ theo thế này, đúng là ngớ ngẩn, tôi lẩm bẩm. Nhưng thực tâm có lẽ tôi không cho điều đó là ngớ ngẩn chút nào. Chẳng phải lúc nào mày cũng chăm chăm nghĩ tới những viên thuốc ấy hay sao, một giọng nói khác vang lên trong tôi. Tôi lắc đầu. Không biết tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì, nhưng tôi biết, ít ra thì đêm nay, tôi sẽ không mơ thấy mình thành xác cá nữa. Ngày mai, tôi sẽ lên máy bay đến tiễn biệt bà cụ. Cũng chỉ có ngần ấy việc phải làm thôi.
Tôi trèo lên giường, lặng lẽ nhắm mắt. Tiếng lá cây dương xào xạc bên tai, như rủ rê tôi: “Cùng trò chuyện nào, cùng nói chuyện nào.” Âm thanh dễ chịu và khô hanh của mùa thu, tôi nhận ra ngay đó không phải âm thanh từ ngoài kia vọng vào.
2.
Sau vài ngày cuộc sống đảo lộn vì bố ra đi đột ngột do tai nạn giao thông, mẹ lại trở về chăm lo việc nhà như trước. Nhưng ít lâu sau, một hôm mẹ bất ngờ chìm vào giấc ngủ. Mẹ ngủ suốt. Khoảng bao lâu nhỉ? Một tuần, à không đến, đó là do tôi cảm giác lâu vậy thôi chứ thực ra có lẽ chỉ khoảng ba, bốn ngày. Tôi vẫn nhớ khi kỳ nghỉ hè bắt đầu, mẹ còn đang ngủ, và tôi - mới lớp Một tiểu học - phải ăn cá hồi đóng hộp những khi thấy đói. Thật kỳ lạ là tủ bếp nhà tôi lại chỉ toàn cá hồi đóng hộp. Những con cá hồi vẽ trên nhãn hộp có ánh mắt lạnh lùng vô cảm, và hiển nhiên chúng không phải đối tượng để trò chuyện. Từ sau lần đó, tôi không bao giờ dám ăn cá hồi đóng hộp nữa. Cả bây giờ cũng vậy, mỗi lần nhìn thấy những hộp cá hồi chất cao trong cửa hàng thực phẩm, gan bàn chân tôi chợt lạnh ngắt.
Khi tôi đã ăn hết chỗ cá hồi đóng hộp dễ bằng lượng người ta ăn trong cả đời, thì cũng bất ngờ như khi chìm vào giấc ngủ, mẹ đột nhiên tỉnh dậy. Lần này, mẹ dẫn tôi đi theo, hai chúng tôi lên tàu điện. Không định trước sẽ đi đâu. Chỉ là bước lên một chuyến tàu, chẳng cần biết nó sẽ đi đâu, rồi xuống ở một ga bất kỳ. Dưới nắng hè thiêu đốt, hai mẹ con tôi lang thang vẩn vơ khắp những đường phố xa lạ. Chúng tôi ăn mì lạnh ở một cửa hàng vừa tiền, rồi lại lên tàu điện.
Suốt quãng thời gian đó, tôi và mẹ hầu như im lặng, không nói gì với nhau. Tôi hiểu, sâu tận đáy lòng, mẹ không muốn nhắc đến bố. Phần tôi, khi nghe tin bố mất, tôi đã vô cùng đau khổ. Nhìn bố nằm trong quan tài, đầu quấn băng, tôi bật khóc lên thành tiếng. Nhưng giờ tôi cảm thấy tựa như có một lớp màng bao bọc lấy tim mình, tôi không nhớ được mấy những điều về bố khi ông còn khỏe mạnh. Có lẽ bởi nỗi thương tiếc dữ dội mà mẹ vẫn ôm trong lòng dần dần chuyển thành căm giận và thái độ cự tuyệt dành cho thế giới xung quanh đã truyền sang tôi.
Buổi tối, trở về nhà khi toàn thân đã mệt bã, hai mẹ con cùng nhào xuống đống chăn nệm vẫn còn trải nguyên từ sáng và ngủ li bì. Không có ký ức vui nào trong chuỗi ngày lang thang ấy, nhưng chỉ cần được lặp đi lặp lại hành trình này mỗi ngày, ít nhất cũng có điều gì đó còn lại trong lòng mẹ. Một đứa bé sáu tuổi như tôi chỉ nghĩ được đến vậy. Hơn nữa, so với chuyện chỉ có mỗi món cá hồi đóng hộp để ăn, đi lang thang tất nhiên sướng hơn gấp cả trăm
Nhưng rồi như một điều bất ngờ thú vị, chúng tôi chợt phát hiện ra trang viên Cây Dương trong một chuyến lang thang bằng tàu điện.
Hôm ấy, hai mẹ con tôi lên một chuyến tàu vắng ngắt ra ngoại ô, đó là một hành trình thật dài. Chúng tôi chọn ga tới một cách ngẫu nhiên. Ở đó, khi xuống tàu, từ sân ga có thể nhìn thấy vùng bờ sông bên dưới. Nhăn nhó trong ánh nắng chói chăng hắt lên từ những tấm bê tông, chúng tôi rảo bước về phía đầu sân ga. Cả dòng sông, bãi cỏ đến cây cầu và mặt đất đầy bụi bặm cùng phơi mình dưới cái nắng như đổ lửa. Sông cạn, dòng nước trôi lờ lững, còn bầu trời thì bao la dị thường. Tôi hít vào một hơi thật đầy, bất chợt muốn thốt lên điều gì đó, kiểu như “Làm sao bây giờ?”
“Mẹ con mình ra cửa soát vé nhé?”
Tôi hồi bắt đầu lang thang trên những chuyến tàu điện thế này, chưa bao giờ mẹ hỏi ý tôi. “Lên đây nhé!” hay “Xuống đây nhé!” cũng không. Vì vậy tôi tỏ ra ngạc nhiên.
“Con không muốn à?” mẹ hỏi.
Tôi lắc đầu ngay, “Không phải đâu ạ.”
Tôi chợt nghĩ mình cần phải ngoan, không được phép trái lời, liền chăm chăm nhìn thẳng về phía trước và rảo bước bên cạnh mẹ đang hối hả đi.
*
* *
Ra khỏi khu phố mua sắm trước nhà ga sẽ thấy một trạm cứu hỏa. Gần trạm cứu hỏa là một dòng sông bẩn như mương thoát nước. Chúng tôi cứ thế men theo dòng nước, qua một khu dân cư không có gì đặc biệt, không biết sẽ đi tới đâu. Tôi nghĩ lúc đó tầm hai giờ. Lối đi dọc bờ sông không một bóng râm, mặt trời thiêu đốt hết tất thảy bằng cái nóng khủng khiếp chặn đứng cả âm thanh, khiến cho không còn nghe nổi tiếng ve kêu, không thấy một bóng người cũng như bóng chim bay, còn bi đông nước của tôi thì khô rốc. Tôi chẳng hiểu mình đã bị tụt lại phía sau từ lúc nào, chỉ biết cố lê chân và chằm chằm nhìn theo lưng mẹ.
“Ta tới đó nhé!”
Đột nhiên, mẹ đứng lại và gọi, đúng vào lúc trí óc tôi gần như ngừng hoạt động, tuy hai chân còn chưa dừng hẳn, cái trán dô dính bết những sợi tóc đẫm mồ hôi va nhẹ vào bên hông mềm mại của mẹ. Tôi từ từ ngẩng đầu lên, ngơ ngác nhìn theo hướng mẹ chỉ.
“Con nhìn kìa, cái cây đó. To quá nhỉ!”
“Vâng ạ.”
Từ giữa các mái nhà của khu dân cư sừng sững vươn lên một cái cây cao, còn cao hơn cả cột điện. Không thấy có gió thổi, nhưng ở trên vòm lá vẫn lay động, chỉ nhìn thôi cũng đủ khiến người ráo mồ hôi.
“Mẹ con mình tới xem cái cây đó nhé!”
“Vâng,” tôi gật đầu.
“Chiaki, người con đầm đìa mồ hôi kìa. Bi đông nước của con đâu?”
“Con uống hết mất rồi. Nhưng không sao đâu.”
Ý nghĩ phải cố gắng khiến tôi ráng sức bước lên vượt trước mẹ. Cứ thế, hai mẹ con xuôi theo một quãng bờ sông, rồi rẽ ra xa dần cho đến khi dòng nước lùi hẳn lại phía sau lưng thì bước vào một con đường, đủ rộng cho ô tô chạy và thấy ngay khu vườn có cái cây lớn.
Khu vườn còn xa mới được gọi là cỏ rả sạch sẽ và đẹp đẽ tươm tất, dẫu chẳng đến mức bị bỏ bẵng không ai chăm lo và cũng không phải kiểu được trang hoàng cầu kỳ, hiển nhiên nó không phải một nơi bỏ hoang. Dễ nhận ra, khu vườn phát triển được thế này là nhờ người chăm sóc, gieo hạt suốt một thời gian dài, nhưng có vẻ người chủ thấy thế là đủ rồi, không có ý định tỉa tót thêm làm gì. Cây phong tươi tốt lá xanh, khóm trúc đào nở bung những đóa hoa đỏ, vươn cành chạm sang tận mái kho chứa đồ của nhà bên, cây nguyệt quế Nhật lá bóng láng, hoa tú cầu duyên dáng xù lên. Những bông hoa ly màu hồng cam lấp ló đây đó, không ra hàng lối nào, một chiếc lò than màu xanh có nhiều mãn nguyện đang ngồi phệt dưới nền đất. Còn chính giữa khu vườn là cái cây lớn đứng sừng sững, tán lá thi thoảng lại lay động nhè nhẹ theo cơn gió nhẹ trên cao. Ngước mắt nhìn lên, tôi chợt muốn được ngả vào đó mà ngủ một giấc ngon lành.
“Chiaki, Chiaki!”
Mẹ vẫy tay gọi tôi. “Mẹ biết đó là cây gì rồi.”
“Cây gì hả mẹ?”
“Cây dương
“Con nhìn kìa,” mẹ chỉ. “Khu căn hộ cho thuê Cây Dương” - đó là tấm biển tên bằng gốm trắng gắn trên trụ cổng là những khối bê tông vuông chồng lên nhau. Cái tên ấy nghe thực kỳ cục đối với tôi. “Khu căn hộ cho thuê Cây Dương, khu căn hộ cho thuê Cây Dương.”
“Không phải nhà ở bình thường. Tầng hai là để cho thuê.”
Mẹ lẩm bẩm như đang nói một mình.
Hướng Bắc ngôi nhà trông ra con đường chạy dọc bờ sông và có một cầu thang ngoài. Trên lối đi tầng hai có ba cửa ra vào, hai trong số đó có máy giặt kê đối diện cửa. Một khu căn hộ bằng gỗ và khó có thể gọi là khang trang.
“Chiaki này, mẹ con mình mà sống ở đây thì sao nhỉ?”
Đó là câu hỏi thứ hai trong ngày, đường đột đến nỗi dù mẹ rất mong đợi câu trả lời, lưỡi tôi cứ đơ ra, chẳng nói được gì. Nhìn về phía mẹ đang nhìn, tôi thấy trên cánh cổng sắt hé mở có một tấm biển bằng bìa các tông buông xuống.
“Còn phòng trống, vì thế…”
“Phòng trống ạ?”
“Ý nó là mẹ con ta có thể chuyển đến đây được đấy.”
Chuyển nhà tới đây, có vẻ là một ý khá hay. Tôi đã lờ mờ nhận ra rằng trước sau gì chúng tôi cũng sẽ phải rời khỏi ngôi nhà đang sống, và tôi cũng đã kịp thấy thích khu vườn này rồi.
“Vâng, nếu mẹ muốn thế.”
“Thế Chiaki thì sao?”
“Con nghĩ là được ạ.”
Mẹ nhìn tôi một lát, rồi không do dự nữa, mẹ bước thẳng vào trong.
*
* *
Căn phòng được bố trí kiểu căn hộ cho thuê thông thường. Từ hướng Bắc, bước vào cửa sẽ gặp ngay khu phụ, rồi một phòng nhỏ rộng khoảng bốn chiếu rưỡi ngăn bằng vá gỗ, kế đó trông về hướng Nam là một phòng trải sáu tấm chiếu bạc phếch vì nắng. Chỉ mang theo những hành lý phù hợp nhất, hai mẹ con tôi chuyển đến căn hộ đó. Mẹ vứt bỏ không thương tiếc những thứ không mấy cần thiết. Sau khi đã quyết định được chỗ ở mới, mẹ mau chóng dọn khỏi nhà cũ, tất cả mọi việc được tiến hành chóng vánh đến mức khó có thể hình dung nổi nếu đã quen với tính điềm đạm thường ngày của mẹ.
Chỉ có ba căn hộ cho thuê và đều nằm trên tầng hai. Từ hướng Tây, phía có cánh cổng, phòng đầu tiên của một phụ nữ độc thân tên là Sasaki, cô làm việc cho một công ty may mặc; chính giữa là phòng của bác tài xế taxi Nishioka, hẳn nhiên là bác sống một mình; còn chúng tôi trở thành chủ nhân của căn phòng nằm trong góc, sẽ thấy ngay khi leo lên hết cầu thang.
Bà cụ chủ nhà sống một mình dưới tầng một. Nghe nói sau khi người chồng, vốn là giảng viên văn học Trung Quốc tại trường đại học, qua đời, bà sửa sang lại ngôi nhà và biến nó thành khu căn hộ cho thuê từ đó. Còn chuyện này thì mãi về sau tôi mới biết, người ta bảo rằng cái tên dài dòng “Khu căn hộ cho thuê Cây Dương” là do nhân viên văn phòng bất động sản, nơi giúp tìm kiếm những người khách trọ đầu tiên, đặt cho; nghe nói ban đầu bà cụ muốn đặt tên khu nhà là “Trang viên Cây Dương” nhưng rồi bị thuyết phục bởi lý do “Khu căn hộ cho thuê” - mà sau này được chọn - nghe hiện đại hơn nhiều. Khi chúng tôi chuyển tới, chủ nhà, hàng xóm, thậm chí là cả nhân viên bưu điện, tất cả mọi người đều gọi nơi này là trang viên Cây Dương như một lẽ dĩ nhiên vậy.
Bà cụ là một người khó tính, chẳng dễ gần chút nào. Thực lòng mà nói, dù sợ nhưng tôi vẫn có chút cảm giác thích thú đối với bà cụ, như kiểu ta tò mò muốn nhìn những thứ đáng sợ vậy, nhưng quả thực giữa “đáng sợ” và “muốn nhìn” có một sự mất cân bằng ghê gớm. Nói gì thì nói, bà cụ cũng thật đáng sợ.
Cái trán dô chi chít nếp nhăn hằn sâu của bà rộng và lồi hẳn ra. Răng hàm trên chẳng còn chiếc nào, răng hàm dưới chỉ còn ba cái, có lẽ vì thế mà cằm bà nhô ra, phần giữa khuôn mặt lại lõm vào thành hình vòng cung. Khuôn mặt gãy hõm cả vào kiểu ấy phải nói là giống hệt thủy thủ Popeye(1). Ở đáy lòng chảo giữa cằm và trán, hai con mắt đung đưa sắc lẻm tiết lộ lai lịch của bà: bà chính là Popeye một ngày nọ uống phải thứ thuốc đáng ngờ nào đó và biến thành người xấu.
1. Một nhân vật hoạt hình nổi tiếng, chàng thủy thủ yếu đuối Popeye thường bị nhân vật Bluto bắt nạt. Anh trở nên khỏe mạnh phi thường nhờ ăn rau chân vịt và đánh bại Bluto trước sự ngưỡng mộ của cô bạn gái Olive.
Cả đồ vật trong nhà bà cụ cũng quá đáng sợ đối với một đứa trẻ. Có lẽ bà khó chịu với ánh nắng lọt vào phòng nên chỉ mở duy nhất một tấm cửa chớp. Hôm đầu tiên đi hai mẹ con tôi lần bước tới theo lời mời gọi của cây dương kia đến đây, từ hành lang tôi đã lén nhìn vào căn phòng âm u, thấy những bước tường bị chôn vùi hoàn toàn sau đống sách và một con rồng đá trang trí trừng trừng nhìn mình. Một lá bùa màu đỏ sống động như trong mơ - nó viết gì nhỉ, là thần chú chăng, cái dãy chữ Hán rắc rối đó - dán hành lang chỗ sát trần nhà.
Tuy nhiên, lý do chính khiến tôi hãi bà cụ lại là ở một điều thực tế hơn nhiều. Ngay từ ban đầu, bà đã nói không muốn nhận cho trẻ con vào khu nhà này. Mẹ phải nài nỉ mãi, rốt cuộc tôi cũng được phép ở lại, nhưng vẫn cứ sợ nơm nớp lỡ làm gì không vừa ý bà cụ thì sẽ bị đuổi phắt khỏi đây. Tuy chỉ là một căn hộ cho thuê, nhưng với tôi khi ấy đó là nơi chốn ổn định mà khó khăn lắm tôi mới có được sau chuỗi ngày dài chỉ biết đến cá hồi đóng hộp và tàu điện.
Ngày ngày, mẹ ra ngoài tìm việc. Tôi một mình ngắm cây dương qua cửa sổ và lặng lẽ đi qua những ngày cuối cùng của mùa hè năm đó. Cả thế giới của tôi chỉ loanh quanh với tán lá dương rung rinh không dứt, lũ chim bay tới đậu trên cây và những bóng lá chen lá biến đổi theo bước đi của ông mặt trời. Cả khi ăn hai nắm cơm mẹ chuẩn bị sẵn cho tôi để ăn trưa, tôi cũng hướng về cái cây ấy. Chiều xuống, bà cụ để hương trừ muỗi dưới chân, phủ khăn mặt lên đầu và bắt đầu nhổ cỏ, tôi cũng hơi ló người qua cửa sổ, không phải để nhìn bà mà là để thấy cái cây. Tôi cứ hướng đến cái cây vì muốn chuyện trò với nó, hay do chán nản, buồn bã nhỉ? Tôi chẳng còn nhớ chút nào về những cảm xúc ấy nữa. Tính ra thì sau này, chưa có mùa hè nào của tôi tĩnh lặng như mùa hè năm đó. Ngay cả bây giờ, hình ảnh mùa hè trong tôi vẫn là những bóng râm thẫm dần bởi sự chói chang của ánh nắng và khoảng tĩnh lặng gói ghém bên trong bóng râm ấy.
*
* *
Thế rồi những ngày yên ả đó cũng kết thúc khi tháng Chín về. Tôi bắt đầu đi học.
Tôi được chuyển từ trường tiểu học nữ sinh tư thục đang học sang một trường tiểu học công lập gần trang viên Cây Dương. Dĩ nhiên cũng là vì vấn đề khoảng cách, nhưng tôi nghĩ, với một người vừa được nhận vào làm ở nơi tổ chức lễ cưới sau những ngày dài chạy đôn chạy đáo tìm việc như mẹ thì học phí hàng tháng của trường tư thục hẳn là một gánh nặng. Lương thẩm phán của bố ngày trước cũng thuộc loại khá nhưng cũng không đủ để có cái gì đó gọi là tài sản để lại. Tôi vẫn là học sinh lớp Một, bố mất khi tôi còn đang dở dang học kỳ thứ nhất, sau đó thậm chí tôi còn không đến trường, vì vậy cũng chẳng có cảm giác lưu luyến gì với trường cũ cả nên tôi thấy hơi ngạc nhiên lúc nghe mẹ nói “xin lỗi” như thế mẹ đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng như vậy.
Thế nhưng đến khi đi học thực sự, trường học lại trở thành một vấn đề nhức nhối đối với tôi. Từ bọn bạn cùng lớp cứ hò hét xông vào nhau tới các giáo viên gào thét trong bộ quần áo thể thao, tất cả đều rất khác so với trường cũ chỉ toàn con gái, làm sao tôi có thể kết bạn được trong một ngôi trường nhộn nhạo như thế này, song đó không phải là điều duy nhất khiến tôi khổ sở.
Từ sau khi trở lại trường học, biết bao suy nghĩ lại ùa đến bủa vây tôi. Bố đã đi đâu nhỉ? Bỗng nhiên một ngày bố đi đâu mất? Thế là thế nào. Sao đột nhiên lại không còn bố nữa? Liệu có phải bố sẩy chân rơi xuống lỗ cống đang mở nắp rồi biến mất giống như nhân vật siêu hậu đậu trong truyện tranh hay không?…
Đương nhiên, tôi cũng có mặt trong lễ tang, cũng sợ hãi khi thấy trên khuôn mặt bố trong quan tài có gì đó rất khác so với khi còn sống. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi hiểu cái chết của bố. Bố của tôi, phải chăng ông đã đi đâu mất rồi?
Trong suốt mùa hè, kể cả khi có cả hai mẹ con lẫn khi chỉ có một mình, tôi chẳng mảy may suy nghĩ về điều đó. Có lẽ vì tôi không chủ tâm suy nghĩ, và cũng chưa đến lúc có thể suy nghĩ về chuyện như thế. Nhưng khi ra ngoài, tôi luôn bị xâm chiếm bởi cảm giác thế giới này nhan nhản những lỗ cống há miệng ở khắp mọi nơi, một thế giới mà dẫu chỉ sơ ý một chút thôi cũng không thể được. Cả mẹ, cả tôi, một lúc nào đó cũng sẽ rơi xuống cái hố đen ngòm ấy, không cách nào trở về, giống như bố. Bạn bè, thầy cô ở trường đều rất tươi vui, hào hứng và đầy sức sống, tôi không nghĩ có ai trong số họ biết về những hố đen đang ám ảnh tôi, và tôi thấy cô đơn vô cùng.
Tôi không tiết lộ với bất cứ ai về nỗi sợ của mình. Dĩ nhiên, kể cả mẹ. Ngay cả một đứa trẻ như tôi cũng nhận ra rằng mẹ vẫn không muốn nói chuyện về bố, vẫn nhất định không chấp nhận sự thật bố đã mất rồi. Chẳng bao lâu sau, tôi bắt đầu thấy khó chịu và tức giận cái thái độ cự tuyệt bướng bỉnh ấy, thậm chí tôi còn trách móc mẹ nữa. Nhưng hồi ấy, tôi cũng chỉ nghĩ được rằng không được nhắc đến bố, dù sao thì mẹ trước mắt tôi đã đủ khổ sở rồi, vả lại chắc mẹ cũng gặp nhiều khó khăn ở chỗ làm mới. Rời trường nữ thục, mẹ kết hôn ngay với bố, hơn mẹ những 12 tuổi, và suốt một thời gian dài cho tới khi sinh tôi, mẹ chỉ ở nhà nên gần như chẳng có chút kinh nghiệm làm việc nào. Mẹ, người luôn điềm tĩnh trước mọi chuyện, giờ luôn phải thức khuya ghi chép với đôi mắt mệt mỏi kiệt cùng, thế nên dù thế nào tôi cũng không thể làm mẹ lo lắng.
“Trường học vui không con? Con có bạn rồi chứ?”
“Vâng. Tuyệt mẹ à!”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui