Mùa Thu Màu Hạt Dẻ - Trúc Quân

Bỗng dưng Phượng nhớ giọng anh ấm như nốt nhạc trầm, thì thầm nói lời yêu rồi thái độ hơi diễu cợt khi cúi xuống hôn cô. Lúc đó mọi cái diễn ra với Nhã dễ dàng tự nhiên quá, sao bây giờ anh lại khó hiểu như vậy? Cô chợt hốt hoảng nhận ra khoảng không mơ hồ giữa hai người khi nghe Nhã khẽ khàng: “Yêu một người không đơn giản chút nào hết”.

Hình như đọc được những xao động trong mắt cô, nên Nhã liền trấn an:

- Anh nói không đúng sao? Em yêu anh và em lo lắng, ghen tuông, giận dỗi, nhớ nhung đủ thứ. Đó là chưa kể những biến cố bất chợt từ bên ngoài. Rõ là yêu rất phức tạp, chớ không như em nghĩ đâu.

Thấy Phượng có vẻ trầm tư, Nhã nói tiếp:

- Bỏ chuyện đó đi! Anh muốn nghe em kể tiếp về Nhật Linh, Nhật Trung rồi Nhật gì gì nữa của nhà em. Xa cách bảy tám năm, các cô các cậu lớn hết, mỗi người một tánh ý, anh làm sao biết được ai như thế nào mà chiều.

Nghe Nhã nhắc, Phượng tươi ngay nét mặt, cô bắt đầu kể lể:

- Trong nhà em chị Uyên và anh Trung giống nhau về bề ngoài lẫn tính tình. Hai người vừa đẹp vừa hoạt bát nên nói nhiều ơi là nhiều.

Phượng cười tủm tỉm:

- Bởi vậy chị Uyên với anh Trung sáp lại là có “cự”. Chuyện gì cũng ồn ào nhà cửa được hết. Anh Trung là vừa móc lò, chị Uyên lại hay… hò để ông Trung chọc, thế là sinh chuyện.

Nhã cũng cười theo:

- Những lúc như vậy, em về phe ai?

- Em hả! Em làm sứ giả thiện chí, giảng hòa. Ở giữa lúc nào cũng có lời phải không anh?

Nhã gật đầu, anh nhìn vẻ nhí nhảnh hồn nhiên của Phượng bằng đôi mắt xa vời. Cô lại ríu rít:

- Còn chị Linh với anh Minh thì xời ơi! Chán! Hà tiện lời nói dễ sợ luôn, hai người chỉ nghe chớ chẳng khi nào cho ra ý kiến ý ruội gì hết. Giống tánh nhau y chang luôn.

Che miệng cười khúc khích, Phượng nói nho nhỏ:

- Anh Trung đặt cho anh với chị biệt hiệu là “Linh hồn tượng đá” ý muốn bảo rằng hai người lạnh lùng khép kín như những pho tượng, nhưng tượng này có linh hồn. Gặp em là em tự ái rồi. Ai ngờ anh, chị tỉnh bơ, đúng là như đá… thật!

Vẫn nhìn không rời cô, anh hỏi:

- Còn em, em có biết mình giống ai không?

Ngơ ngác nhìn Nhã, Phượng lắc đầu:

- Không! Em không giống ai hết!

Giọng Nhã bâng khuâng xúc động:

- Có đó! Em rất giống Nhật Thu! Thu hạt dẻ ngày xưa. Lúc anh mới biết Nhật Vi chắc Thu trạc bằng tuổi em bây giờ.

Nhật Phượng ngạc nhiên:

- Anh nhớ hay thiệt! Em tưởng anh quên khuấy chị Thu của em rồi chớ? Ai ngờ anh nhớ cả biệt hiệu của chị.

Nhã vuốt nhè nhẹ tóc Phượng:

- Em giống Thu lắm! Nhất là mái tóc mềm nâu nâu như màu hạt dẻ không lẫn với bầt kỳ ai trong nhà em hết.

Nhật Phượng chớp mắt:

- Giống chị Thu khổ thấy mồ! Em hổng chịu giống chỉ đâu. Hồng nhan đa truân.

- Mỗi người mỗi khác, đâu phải giống nhau là sẽ y như nhau. Chị em song sanh mà còn mỗi người một phận huống chi em với Nhật Thu.

Chống tay dưới cằm giọng Phượng xa xôi:

- Em nghe anh Vi kể chị Thu hồi con gái có lắm cây si, trong những cây si cổ thụ đó bạn anh không phải là ít. Anh Vi lớn hơn chị Thu một tuổi, nhưng lúc ba mẹ em làm khai sinh cho anh Vi thì khai nhỏ đi chừng bốn năm tuổi gì lận, cho nên anh lại học sau chị Thu, cho nên bạn anh toàn nhỏ hơn anh bốn năm tuổi lận.

Nghiêng đầu lém lỉnh nhìn Nhã, cô nói:

- Anh cũng vậy chớ gì. Năm nay anh ba mươi tuổi, bằng tuổi chị Linh em. Nghĩa là nhỏ hơn chị Thu ba tuổi.

Ngượng ngập ngó ra chỗ Hoài Tú đang chơi, Nhã hơi gắt:

- Em so sánh như vậy để làm gì?

- Tại em vừa nhớ ra chị Thu và em cùng cầm tinh một con. Chị lớn hơn em đúng một con giáp đó! Rốt cục anh thật sự có thể làm em của anh Vi và chị Thu rồi, còn từ chị Linh trở xuống thì… chà! … Muốn xưng em, anh phải nhớ chuyển hệ à nhe!

Nhã lặng im nghe tiếng Nhật Phượng cười thật vô tự Cô đâu ngờ vừa rồi cô đã khơi dậy từ lòng Nhã một nổi đau không dứt. Anh lầm lì nói:

- Anh là bạn của Nhật Vi, những ai là em của Vi đều là em của anh.

Phượng nheo nheo mắt:

- Nhưng anh là người yêu của em. Em thì bé nhất nhà. Vậy anh tính sao nào?

- Đừng gài anh vào thế bí bé à! Em lại giống Nhật Thu ở tật… lớn lối này nữa rồi. Hồi đó Thu hay ăn hiếp đám bạn của Nhật Vi.

- Thế anh có… bị ăn hiếp không?

- Sao lại không? Vừa bị ăn hiếp lại vừa bị cho ăn bánh vẽ.

Nhật Phượng lách chách:

- Nhưng anh không phải là một trong nhiều cây si của chị Thu chớ.

Lửng lơ nửa đùa, nửa thật Nhã đáp:

- Phải hay không cũng là chuyện ngày xưa. Em thấy đó, ai cũng có một thời: Rừng cây si hồi nào của Nhật Thu bây giờ đâu hết rồi? Tất cả còn là kỷ niệm. Người ta có thể buồn, vui, bàng hoàng, đau đớn và cũng có thể hận thù khi nhớ về kỷ niệm.

- Hận thù à? Anh nói gì nghe ớn quá!

Nhã gượng gạo:

- Ôi! Đó chỉ là một cách nói không được khéo lắm của anh, vì anh nghĩ có những người càng yêu chừng nào họ càng hận thù chừng ấy khi biết mình bị phụ bạc hay dối lừa trong tình yêu.

Phượng bỗng thở dài:

- Nói tới chị Thu, tự nhiên em buồn. Chị ấy đa tình, lãng mạn nên không hạnh phúc. Chị đã chọn cho mình một tình yêu phù du với một anh chàng nghệ sĩ và chối bỏ thật phủ phàng tình cảm của những người khác. Với chị Thu, không người đàn ông nào bằng anh An. Dù đã li dị rồi nhưng chị vẫn còn khổ. Bây giờ chị ấy làm ở du lịch, quen biết bao nhiêu người rốt cuộc có ai là của riêng chị đâu.

Nhã ngần ngừ hỏi:

- An bây giờ làm gì?

- Anh hát ở các vũ trường, các tụ điểm ca nhạc ở thành phố.

Cười bằng giọng mũi đầy mai mĩa, Nhã nói:

- Nghệ sĩ tài năng mà chạy “sô” cho các tụ điểm, nghĩ cũng đáng buồn.

Phượng nhíu mày nghĩ ngợi:

- Anh An đâu phải là bạn của anh Vi, sao anh biết ảnh?

- Hoàng An nổi tiếng trong đám văn nghệ học sinh của trường anh. Ai mà không biết! Hồi anh mới học lớp chín, Hoàng An đã học lớp mười hai. Anh ta nổi tiếng với bài hát tự biên là “Thu Khúc…”

Gật đầu, Phượng nói như khoe:

- Bài đó anh viết cho chị Thu em chớ đâu.

Nhã mơ màng:

- Phải công nhận lúc ấy bọn con trai tụi anh mê bài “Thu khúc” và nể Hoàng An hết biết!

Nghiêng nghiêng đầu Phượng khe khẻ hát:

“Thu về phải không em

Lá vàng rơi đầy ngõ

Em về phải không Thu

Hàng cây im dừng gió

Khúc thu ca ngày đó

Chỉ còn trong chiêm bao

Em đi về phương nao

Đàn lên cũng sướt mướt

Thu là chiều của năm

Chiều là thu của ngày”

Em là Thu của ai

Để lòng tôi như lá

Chao nghiêng giữa vườn đời

Cuối chiều thu mây bay…”

Im lặng một lúc, Phượng mới tiếc nuối:

- Anh An nổi tiếng duy nhất với bản nhạc này. Phải nói hồi đó anh si chị Thu như điếu. Chị là nguồn cảm hứng của anh mà! Tiếc rằng anh An đào hoa và đam mê quá, khổ vợ khổ con. Li dị rồi mỗi người cũng cô đơn một mình, anh cặp cô này, cô kia cho đỡ buồn, chớ có bà vợ nào đâu?

Giọng Nhã đanh lại:

- Đúng là Nhật Thu nhẫn tâm từ chối tình yêu của người khác để chuốc khổ vào thân. Rồi cô ấy còn ân hận hơn nữa, khi có dịp gặp lại người xưa ngày xưa cô đã rẻ rúng và xem như trò đùa.

- Anh nói vậy là sao chứ?

- Có sao đâu! Càng về già người ta càng hay nhớ về những ngày mình còn dang dở. Nhật Thu hay anh hoặc em rồi cũng vậy. Nếu cuộc sống cho chúng ta nhiều thành công và hạnh phúc thì khi nhìn lại chặng đường đã qua mình sẽ hãnh diện. Còn ngược lại, quá khứ luôn là nổi ám ảnh khủng khiếp nếu như ta đã từng làm nhiều điều không phải với nó.

Nhìn Nhã như nhìn người lạ, Nhật Phượng cố suy nghĩ xem anh muốn hàm ý gì khi nói nhiều cái xa vời khó hiểu thế. Nhưng cô nghĩ mãi không ra. Vừa lúc đó có tiếng Hoài Tú reo ầm:

- Cậu Thiên! Cậu Thiên!

Bất giác Phượng chớp mắt liên tục, cô nghe tiếng Nhã gầm gừ khó chịu:

- Hổm rày nó hay ghé vào những lúc có em lắm phải không?

- Em có để ý đâu mà biết!

Dường như không bằng lòng câu trả lời né tránh của Phượng, Nhã càu nhàu:

- Vậy mà anh biết. Liệu chừng đó! Nó ghé vì em, chớ không phải tự nhiên tới thăm Hoài Tú đâu.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui