Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ

Bến phà cũng không xa lắm, cô hỏi đường rồi, đi khoảng mười mấy phút là đến.

Không nhìn thấy phà đâu, chỉ thấy mỗi tấm bảng hiệu dựng bên cạnh, bên trên viết thời gian của các chuyến phà. Chuyến tiếp theo đi từ nơi này là mười lăm phút sau.

Trình Nặc ngồi chờ ở bờ sông, gió rất lớn, thổi phồng áo khoác của cô như muốn bay lên.

Lờ mờ có thể trống thấy cù lao Hà Diệp ở bờ bên kia, nghe mấy nhân viên nói, sỡ dĩ cù lao có cái tên Hà Diệp là vì địa hình của nó trông giống lá sen*. Một lá sen bập bềnh giữa sông, trải qua bao tang thương dời đổi, vẫn luôn  lưu lại ở nơi ấy.

(*Âm hán việt của lá sen là hà diệp.)

Trên mặt sông từ từ xuất hiện một chấm đen, càng lúc càng lớn, đến khi lại gần thì mới nhìn rõ, là một chiếc phà có hơi cũ.

Đợi đến khi lại gần bờ, Trình Nặc mới phát hiện trên phà không hề có khách, trống không. Cô lên phà, cầm tiền lẻ trong tay đi một vòng, nhưng lại không tìm được chỗ bán vé.

“Miễn phí, không cần mua vé.”

Một giọng nói vang lên từ trên đỉnh đầu, Trình Nặc ngẩng đầu nhìn, bên trên là buồng lái, vì do góc độ nên cô không thấy người.

Phà đợi tại chỗ khoảng mười lăm phút, ngoài Trình Nặc ra thì không có hành khách thứ hai. Lúc khởi hành thì có hơi chóng mặt. Trình Nặc siết chặt lan can, gió thổi rối tóc, cô lấy dây buộc tóc trong túi xách ra, cột kiểu đuôi ngựa.

Cù lao Hà Diệp càng lúc càng gần, từ xa nhìn lại, cỏ xanh trên bờ um tùm. Nhìn xa hơn là những căn nhà thấp thoáng sau bụi cây khô, mặt trời dịu nhẹ, cây cối đìu hiu, chim bay theo đàn bay ngang qua.

Xuống phà, Trình Nặc lên bờ đi mấy bước rồi quay đầu lại nhìn, cuối cùng cũng thấy bóng dáng ở buồng lái, có thể nhận ra vóc dáng người nọ rất cao to, mặc quần áo màu đen, xoay lưng về phía cô, mặt hướng Trường Giang.

Trình Nặc tính cám ơn nhưng cuối cùng lại thôi. Cách xa quá, có nói chưa chắc anh ta đã nghe thấy.

Bước lên thềm là con đường lát xi măng rộng tầm hai mét. Trình Nặc đi dọc theo con đường, đối diện là đền thờ theo phong cách cổ xưa, trên đền viết bốn chữ to “Cù lao Hà Diệp”. Thể chữ đã bong tróc khó nhận ra.

Cô tiếp tục đi sâu vào trong, con đường xi măng dưới chân đã biến thành những phiến đá xanh nối đuôi nhau. Giữa khe hở các phiến đá có cỏ dại sinh sôi. Nhà rất nhiều, đều theo kiến trúc Huy Châu, có điều phần lớn đã xập xệ.

Con đường chính được lát đá rất lớn, hai bên đường là cảnh những vách đá sụt lở, nếu nhìn kỹ vẫn có thể thấy được sắc màu vốn có của chúng. Nhà có người ở phần lớn đều đã được tu sửa. Trình Nặc phát hiện ra, đa số cư dân ở đây toàn là người già và trẻ con. Hình như người trẻ tuổi đều đã chuyển đi cả rồi, dù sao thì, nơi này cũng sa sút đến vậy mà.

Trên đảo rất yên tĩnh, như một góc xó xỉnh đã bị thượng đế lãng quên. Trình Nặc đi một vòng, lại không nhìn thấy căn nhà trong tấm hình kia đâu. Cô ngồi xuống thềm đá trước một căn nhà trống nghỉ ngơi, nhìn mấy người già tụ tập nói chuyện ở đối diện.

Tuổi bọn họ đều đã lớn, lúc nói đùa, nếp nhăn trên mặt dính cả vào nhau, để lộ lợi không răng. Như cù lao nằm giữa lòng sông này, nơi nơi đều đượm màu bi thương của lịch sử.

Nghỉ ngơi đã đủ, Trình Nặc lại chuẩn bị đi tiếp, cô vẫn muốn tận mắt trông thấy căn nhà kia. Nhưng Trình Nặc đã đi mấy vòng rồi mà vẫn chưa tìm được. Cô hơi thất vọng, tính đi về lại, nhưng còn chưa ra đến bến thì đã nghe thấy tiếng cười đùa ầm ĩ ở sau lưng, ngoái đầu nhìn lại, lại là mấy người gặp hôm qua ở khách sạn.

Cô bước đến, hỏi cô gái ngày hôm qua, “Em tìm được căn nhà trong tấm hình đó rồi à?”

Cô gái giật mình, rồi ngẫm nghĩ hỏi: “Chị là người ở khách sạn kia hả?”

Trình Nặc đáp phải.

Cô gái cười nói, “Thì ra chị cũng thấy tấm hình kia à, tiếc quá, bọn em vẫn chưa tìm được. Tấm hình kia được chụp một năm trước, nói không chừng căn nhà kia đã sập rồi.”

Trình Nặc ồ một tiếng, không che giấu được thất vọng.

Cô đi theo sau đoàn học sinh tới bến. Lần này không cần đợi nữa, phà đã neo đậu ở đó rồi.

Lúc sắp lên phà, cô ngoái đầu nhìn những căn nhà cũ xưa kia, nhìn những người già cố thủ nơi đây. Chợt có một con mèo trắng xuất hiện trong tầm mắt.

Là con mèo trong tấm hình đó! Không biết vì sao nhưng Trình Nặc có thể chắc chắn.

Cô quay người đi tới con mèo. Kỳ lạ là, mèo trắng như đặc biệt đến đón tiếp Trình Nặc vậy. Cô đi về trước, mèo cũng tiến bước, đi được mấy bước thì dừng lại, quay đầu nhìn Trình Nặc. Đợi Trình Nặc đi theo, nó lại tiếp tục bước đi.

Sau lưng vang lên tiếng còi khởi hành, cô gái kia gọi Trình Nặc, “Phà sắp chạy rồi!”

Trình Nặc khoát tay với bọn họ, “Các em về trước đi, chị đi chuyến sau.”

Cô đi theo con mèo trắng quay về lại đường phố. Mấy con đường này, rõ ràng vừa nãy cô đã đi qua rồi, nhưng khi đi theo con mèo rẽ trái quẹo phải, chợt trước mắt xuất hiện phong cảnh xa lạ.

Từng khóm từng khóm hồng, bò đầy cửa sổ chạm rỗng ở tường viện cổ xưa. Tường viện không nguyên vẹn, ở giữa có lỗ hổng. Con mèo trắng chui vào lỗ đó.

Trình Nặc đi theo, thấy ở giữa sân có một bà lão tóc bạc đang ngồi trên ghế mây. Chú mèo dựa vào bên chân bà lão, meo meo hai tiếng.

Sau lưng bà lão là một căn nhà cũ toàn vẹn. Tường trắng ngói đen, mái cong đầu ngựa, cửa sổ bằng gỗ hoa mở một nửa, rêu xanh dưới góc tường lan rộng, mấy phiến đá xanh bóng loáng nối nhau lát thành đường.

Là căn nhà trong hình đây mà, cô đã tìm được rồi.

Trình Nặc đứng ngoài sân rất lâu, rốt cuộc bà lão đã nhìn thấy cô, cười cười vẫy tay với cô, “Lại đây, vào đi.”

Trình Nặc đi vòng qua sân tường, bước qua chỗ cửa không có cổng mà đi vào. Mặt đất dưới chân là gạch xanh lát nên. Giữa kẻ hở có cỏ dại sinh tồn. Căn nhà cũ đứng sừng sững dưới ánh nắng, mặt tường đã ngả vàng, mái cong đầu ngựa vẫn ngạo nghễ, trong lúc hoảng hốt, Trình Nặc có cảm giác như đã chuyển kiếp, quay về một trăm năm trước.

“Đến chơi phải không?” Bà lão hỏi, giọng địa phương đặc sệt.

Bà đã già không còn răng, hai tay buông thõng, nếp nhăn trên mặt cũng giống căn nhà cũ sau lưng bà, hiện đầy gió sương của năm tháng.

Trình Nặc gật đầu. Bà lão lại chỉ ra sau lưng, “Vào đi nào, vào xem đi.”

Có lẽ có rất nhiều người đến đây tìm giống Trình Nặc nên bà lão đã quá quen. Trình Nặc nói cám ơn, bước lên ngưỡng cửa tạc từ đá hoa sương.

Một luồng không khí mát lạnh ùa đến. Nhà rất cao, trông có phần trống trải. Đối xứng với vị trí trung tâm phòng khách là nóc nhà, được lắp thủy tinh mờ rất lớn để xuyên sáng. Chùm nắng hắt qua từ nơi đó, rơi xuống gạch xanh trên mặt đất. Bàn vuông bốn góc, ở hai bên là ghế gỗ được chạm trổ. Ở vị trí góc tường gần cửa sổ còn có một chiếc ghế đẩu bằng gỗ cao tầm nửa người. Đều là đồ cũ, còn vương dấu ấn của thời gian.

Hai bên gian nhà chính là và vách ngăn làm bằng gỗ, treo bên trên một bức tranh. Trình Nặc lại gần nhìn, là ảnh đen trắng rất khó nhìn. Bên rìa đã mốc, lắng đọng dấu vết của năm tháng.

Đây là tấm ảnh của một cô gái trẻ tuổi. Người trong hình mặc sườn xám, tóc vén ra sau, đứng bên cạnh chậu hoa lan, ôm trong ngực một chú mèo trắng, nở nụ cười nhìn thẳng vào ống kính.

“Có phải đẹp lắm không?”

Không biết bà lão đi vào từ lúc nào, chống gậy, cười híp mắt đứng sau lưng Trình Nặc.

Trình Nặc gật đầu, hỏi: “Là bà hồi còn trẻ ạ?”

Bà lão đáp phải, bà nhìn ảnh, tựa như đang nhớ lại, “Chụp lúc bà mới kết hôn đấy, đã được tám mươi năm rồi.” Lại chỉ vào con mèo trắng trong ảnh, rồi lại chỉ con mèo trắng đang nằm phơi nắng ở ngoài sân, “Đây là tổ tông của nó đấy.”

Nom bà lão có vẻ đã ngoài tám mươi, nhưng ăn nói rất rõ ràng. Trình Nặc trò chuyện cùng bà.

“Bà ở đây ạ?”

“Ở bên kia bờ sông, già cả rồi, con cháu không cho bà ở đây. Chỉ có thể thỉnh thoảng tới nhìn thôi.”

Trình Nặc lại hỏi: “Bà cao tuổi rồi phải không ạ?”

Bà lão cười, chống gậy vào tường, lưng còng xuống, giơ hai tay lên ra dấu con số chín, rồi lại trở tay một lần.

“Chín mươi chín?”

Trình Nặc kinh ngạc. Đây là lần đầu tiên cô gặp một người cao tuổi đến thế ở trong đời.

“Là mèo trắng, dẫn cô tới à?”

Trình Nặc dạ. Bà lão rất hài lòng, hỏi lại: “Có thích chỗ này không?”

Thấy Trình Nặc gật đầu, bà phấn khởi nói: “Ở lại đây đi, căn nhà này, bán cho cô đó.”

Trình Nặc a một tiếng, vội nói: “À không, cháu không đến để mua nhà.”

“Mua đi.” Bà lão khuyên cô, “Bán rẻ cho cô đấy, không mất nhiều tiền đâu.”

Trình Nặc dở khóc dở cười, nếu không phải vì tuổi của bà lão lớn quá, thì cô thật sự cho rằng mình đã gặp phải môi giới nhà đất rồi.

Đúng là cô rất thích căn nhà này, nhưng cô chưa từng nghĩ đến việc mua nó.

“Bà ơi, phải về rồi ạ.”

Đột nhiên trong sân có tiếng gọi. Trình Nặc đỡ bà lão đi ra ngoài, trông thấy một người đàn ông trung niên tầm bốn mươi năm mươi tuổi.

Bà lão nói: “Đây là cháu bà.”

Cháu trai của bà lão thấy Trình Nặc thì có phần bất ngờ, nhưng cũng không nói gì, đi tới đỡ bà lão, “Đi thôi ạ, nếu không đi sẽ không kịp chuyến phà mất.”

Nhưng bà lão vẫn còn muốn bán nhà, không muốn đi, cứ kéo tay Trình Nặc nói, “Mua đi, nhà này tốt lắm. Thật sự không mất nhiều tiền đâu.”

Cháu trai bà nhíu mày, “Bà à, sao bà lại muốn bán nhà cho cô ấy.”

Bà lão giải thích, “Mèo trắng dẫn cô ấy đến đấy, bán cho cô ấy, bán nhà cho cô ấy.”

Trình Nặc đứng cạnh mà đầu óc mù mịt, người cháu trai giải thích với cô: “Cô gái đừng có nghi ngờ, bà tôi lớn tuổi rồi, sợ nhà không có người ở sẽ đổ nát, nên thấy người tới thì lại muốn bán nhà cho người ta. Nhưng nhà này cũ lắm rồi, có ai muốn đâu.”

Trình Nặc lắc đầu, nói không sao.

Người đàn ông khóa cửa, đỡ bà lão đi ra ngoài.Bà lão không muốn, ấm ức ngoái đầu lại chẳng khác gì đứa bé, nhìn Trình Nặc, bĩu môi nói, “Mua đi, bán rẻ cho cô thật đấy.”

Bất chợt Trình Nặc nhớ đến bà nội, cô và bà sống với nhau được sáu năm. Bà nội là một bà lão kiên cường, không đến ở với người con trai nào mà một mình sống tại nông thôn, nuôi heo trồng rau, tự cung tự cấp. Lúc Trình Nặc mới bị đưa đến nông thôn, bà nội vốn không muốn giữ cô lại, đuổi cô đi, nhưng người đưa cô tới đã rời đi rồi. Trình Nặc cũng rất cứng, tự mình đi đến cửa thôn, nhưng lại không nhớ được lúc tới là đi bên trái hay bên phải. Thế là cô ngồi trên đá ở đầu đường, tận đến khi trời tối.

Cho tới khi trên đường không còn ai qua lại, tới khi không còn thấy rõ bóng người, bà nội cầm đèn pin tìm đến. Bà cũng không lên tiếng, dắt cô đi về nhà.

Từ trong thôn đến trường học ở trên trấn, Trình Nặc phải đi hơn nửa tiếng. Đến mùa đông, khi trời còn chưa sáng thì cô đã phải dậy, chạy vội đến trường. Nhưng bà nội còn dậy sớm hơn cả cô, nấu xong đồ ăn sáng, để trong nồi nóng hổi. Có khi là một bát mì, có khi lại là đồ ăn dư lại của tối hôm trước. Nhưng dù là gì thì vẫn luôn nóng hổi.

Trình Nặc ở nông thôn sáu năm, cái nhà đó chưa từng cho cô tiền sinh sống lần nào. Mọi thứ cô tiêu xài đều là tiền bà nội bán rau kiếm được. Suốt sáu năm học tiểu học, cô chỉ có mỗi một chiếc cặp sách, chỗ nào bị rách là lại khâu chắp vá. Lúc lên cấp hai, cô muốn mua cái mới. Bà nội không nói mua, mà cũng không nói không mua. Cuối tuần Trình Nặc theo bà lên trấn bán rau, bán đến tận trưa mà vẫn chưa hết. Cô nhớ lúc ấy bà nội cũng như thế, nói với những người đi ngang qua: “Mua đi, là rau nhà trồng đấy, rẻ lắm, mua một ít đi.”

Ngày hôm đó, bán đến tận chiều mới hết rau. Rồi bà nội dùng tiền bán rau, mua cặp mới cho cô.

Trình Nặc đứng nguyên tại chỗ, nhìn bà lão được cháu trai đỡ, dù đã đi xa nhưng vẫn ngoái đầu lại nhìn cô. Trong mắt mang đầy mong đợi.

Đột nhiên đầu cô nóng lên, hô to với bọn họ: “Tôi mua! Tôi mua nhà này!”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui