Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ

Trình Nặc không có nhiều tiền lắm, có thể nói là nghèo.

Tốt nghiệp rồi kết hôn, công việc bốn năm chỉ là một biên tập nhỏ nhoi bình thường, tiền lương chỉ chừng năm sáu ngàn. Tiền lương của Lâm Dĩ An cao hơn cô. Hai người cộng lại, mỗi tháng cũng gần hai mươi ngàn. Nhưng sống trong thành phố lại tiêu xài quá nhiều. Cũng may từ nhỏ Trình Nặc đã quen tiết kiệm, bất kể thế nào mỗi tháng đều cất năm ngàn. Qua bốn năm, đã cất được hai trăm ngàn.

Số tiền này vốn định dùng mua xe. Lúc ly hôn Lâm Dĩ An đã cho cô cả, đấy là toàn bộ gia sản của cô.

Nói muốn mua căn nhà kia là do đầu cô nóng lên nhất thời kích động nên mới thế, lúc nói ra rồi mới hối hận. Nhưng khi bà lão run run lấy ra một tờ giấy khế ước mua bán nhà – đã ngả vàng có thể xếp vào hàng đồ cổ – giao cho cô, đột nhiên cô cảm ngộ ra, căn nhà kia, sắp thuộc về cô rồi. Đất tư nhân, thuộc về một mình cô, có thể để cô gọi là căn nhà của gia đình.

Nhà ở cù lao Hà Diệp không có giấy bất động sản, không cần sang tên nhà, ngay cả tờ khế ước mua bán này thật ra cũng dư thừa. Bên trên có con dấu, là của chính phủ dân quốc đẫ mất hiệu lực từ lâu. Cả quá trình mua bán chỉ đơn giản là viết thỏa thuận mua nhà, hai bên ký tên đồng ý, rồi đến thôn đóng con dấu, Trình Nặc làm chủ nhà chỉ mất có hai tiếng,

Còn về phần giá cả, cũng đúng như lời bà lão nói, rẻ, rất là rẻ. Một ngôi nhà to như thế, kể cả đồ vật bên trong cùng khoảnh đất trống xung quanh nhà, mà chỉ bán có năm mươi ngàn.

Nếu đặt trong thành phố thì năm mươi ngàn còn chẳng đủ mua một gian bếp.

Lúc Trình Nặc về lại khách sạn thì trời đã tối. Cô nhìn tờ giấy khế ước mua bán nhà mà ngẩn người, cứ như là đang mơ.

Chỉ như vậy, chỉ đơn giản như vậy, đã mua cho mình một căn nhà rồi?

Không thể nói trong lòng có cảm tưởng gì, tại một cù lao xập xệ ở giữa sông, mua một căn nhà như thế, có lẽ trong thời gian ngắn cũng không có thu nhập gì. Lý trí nói, làm vậy là không sáng suốt.

Nhưng Trình Nặc lại có phần mong đợi, cô có thể đi tới nơi này, có thể nhìn thấy ngôi nhà kia, tất cả đều như vận mệnh an bài. Có lẽ, cô thật sự có phần giống những người nhà ở cù lao Hà Diệp, có thể dành quãng đời cuối cùng ở đây.

Ngày hôm sau, Trình Nặc trả phòng, kéo vali, lại lần nữa lên phà.

Có thể do nguyên nhân cuối tuần mà hôm nay có rất nhiều người ở trên phà. Tụ ba tụ năm, không giống cư dân trên cù lao, có lẽ là đến du ngoạn.

Trình Nặc tìm một chỗ đứng yên, ngẩng đầu lên nhìn, vừa hay trông thấy buồng lái. Vì hôm nay đông đúc nên người trên buồng lái thò đầu ra, nói vọng xuống bên dưới: “Con nít vào trong đứng đi, đừng để rơi xuống sông.”

Giọng rất lớn, không giống của người hôm qua, mà trông dáng vẻ cũng mập hơn nhiều.

Có lẽ là đổi ca rồi. Trình Nặc không nghĩ nhiều lắm, đưa mắt nhìn ra mặt sông.

Lên bờ, hôm qua có đi thế nào cũng không tìm được nhà, nhưng hôm nay đi một lần lại đi tìm được.

Mở cửa ra, cô tìm được cầu chì theo như lời cháu trái bà lão nói. Là cầu chì kiểu cũ, dây điện trần để hở cả ra, Trình Nặc tìm một cây gậy gỗ đẩy chốt lên. Rồi lại sờ soạng trên tường tìm dây bật công tắc đèn, bụp một tiếng, đèn sáng.

Bóng đèn sợi đốt rất tối. Trình Nặc nghĩ ngợi, lát nữa cần phải đi mua mấy bóng đèn mới, loại tiết kiệm năng lượng ấy. Cô nhớ ở gần bến có một tiệm bán đồ lặt vặt, chắc ở đó có bán.

Sau khi dọn xong hành lý, cô nhìn khắp nơi, tuần tra căn nhà của mình.

Hai bên căn nhà chính có bốn gian phòng, rất lớn, mỗi phòng khoảng hai đến ba mươi mét vuông. Hai gian phòng bên phải chứa đồ lặt vặt, một gian bên trái ở phía sau để trống. Còn căn phòng trước mặt có đặt một chiếc giường, là kiểu giường cổ xưa, được chạm trổ quét nước sơn, có điều màu sắc đã phai, còn lại có tủ quần áo, bàn, thậm chí còn cả bàn trang điểm – hình như được làm từ gỗ cây lê.

Cô lại đi đến cửa sau, sân sau rất lớn, còn có một căn nhà khác. Trình Nặc đi vào xem thì phát hiện đó là nhà bếp. Bếp đất được xây bên trong, ở một góc còn chất ít củi đốt. Dưới tường sân có một căn nhà nhỏ đã vỡ ngói, cháu trai bà lão có nói lúc mua nhà, ở đó là nhà vệ sinh.

Trình Nặc tiếp tục nhìn. Ở sân sau cũng có tường rào, hơn nữa tường vẫn còn nguyên vẹn, có hoa hồng trườn bò quấn lấy. Chỉ là trong sân đã hoang vu, cỏ dại mọc um tùm.

Cô phát hiện có một cái giếng ở bên ngoài cửa nhà bếp, miệng giếng được đậy bằng nắp sắt. Trình Nặc phải tốn rất nhiều sức mới mở được nắp giếng ra, cúi đầu vào nhìn, mặt nước yên ả soi bóng mặt cô.

Nhà cũ không có hệ thống cung cấp nước, có giếng này là coi như giải quyết được vấn đề dùng nước rồi.

Lại chuyển tới căn nhà bên phải, nơi đó cũng là một mảnh đất trống, xen lẫn cỏ hoang có mấy bụi cây ăn quả. Trình Nặc lại gần nhìn, là thạch lựu. Đang vào mùa kết quả nên trái lựu to bằng nắm đấm, lủng lẳng đầy cây.

Trình Nặc hái một quả xuống, bóc vỏ ra thử. Nhưng không ngọt như hay mua bên ngoài mà có vị chua. Vị cũng khá ngon.

Cô vừa ăn vừa đi quanh nhà một vòng, cuối cùng phát hiện tường nhà bên phải bị nứt mấy chỗ. Có cái nứt rất lớn, có cái chỉ bằng ngón tay.

Hôm qua mua nhà là do kích động chứ cô còn chưa nhìn kỹ. Lúc ký hợp đồng, có lẽ sợ cô đổi ý không mua nên người nhà của bà lão cũng không nhắc đến với cô.

Trình Nặc đứng bên chân tường ngẫm nghĩ, trên khế ước mua bán nhà có viết, căn nhà này được xây vào năm 1916, đã một trăm năm, trải qua biết bao lần chiến tranh khói lửa cùng gió sương năm tháng, nhưng nó lại không hề sụp đổ, chắc là, có lẽ, không phải sau khi cô vào ở, sẽ sụp đấy chứ?

Có điều nhất định phải tu sửa lại rồi, cô định dọn nhà xong xuôi hết đã rồi mới tìm công nhân tới, sửa lại một lần những nơi cần sửa chữa trong nhà. Dẫu sao thì cô cũng đã không còn chỗ khác để đi, có thể phải ở lại đây một thời gian dài, thậm chí là cả đời.

Đã xem xong căn nhà một vòng rồi, Trình Nặc quay trở lại vào nhà, lấy giấy bút ở trong vali ra, viết lại những vật dụng hằng ngày cần phải mua. Không hẳn có thể mua được tất cả mọi thứ trong cửa tiệm nhỏ trên cù lao, cô còn phải qua sông, đi đến trấn đối diện một chuyến.

Chăn gối, xoong nồi gáo chậu, củi gạo dầu muối, những thứ này đều là cấp bách nhất. Viết rồi lại viết, được chừng hai tờ giấy. Nhân lúc thời gian còn sớm, Trình Nặc khóa cửa rồi đi mua đồ.

Tới tiệm nhỏ trước, nhưng đợi cả buổi vẫn không thấy chủ tiệm đâu, lúc này cô mới phát hiện một tấm bảng dựng đứng ở bên cạnh, trên đó viết tự mua đồ. Cạnh tấm bảng là một hộp giấy, bên trong có rất nhiều loại tiền lẻ.

Trình Nặc líu cả lưỡi, nghĩ bụng chủ tiệm này hào phóng thật đấy, để cái hộp tiền toang hoác ra đó mà cũng không sợ trộm tìm đến, dù sao thì cũng đang cuối tuần, ở đây còn có không ít du khách.

Cô đưa mắt nhìn khắp nơi, đều là đồ dùng hằng ngày cơ bản, mấy thứ như dầu muối tương giấm, kem đánh răng xà phòng thơm bột giặt vân vân, đều có loại lớn loại nhỏ. Nhưng lại không ó chăn gối, bình nước nóng, nồi cơm điện các kiểu.

Cô quyết định đi trên trấn một chuyến đã, chưa mua đồ trong tiệm vội.

Lại ngồi phà đến trấn lần nữa, lấp đầy bụng mình rồi mới tìm mua những thứ ghi trên giấy. Tìm được rồi còn phải so giá hết quán này đến quán khác, cò kè mặc cả với chủ quán. Túi lớn túi nhỏ mua cả một đống, nhất là hai chiếc chăn, không khác gì một ngọn núi nhỏ cả, một mình cô xách không nổi.

Trình Nặc nhìn đống đồ kia, chợt nhớ lại trước khi cô và Lâm Dĩ An kết hôn, cũng hệt như thế, mua rất nhiều đồ dùng hằng ngày. Lúc đó bọn họ nào có tiền, không nỡ bắt taxi. Thế là mỗi người xách hai túi lớn, chen chúc lên xe bus. Đúng lúc gặp phải giờ cao điểm, trên xe bus toàn người là người, xách theo túi lớn như thế thì không thể xoay người được. Lâm Dĩ An sợ cô đứng không vững nên một tay xách hai túi, tay còn lại để đỡ cô. Bởi vì túi to chặn hành khách lên xuống xe nên cả dọc đường, Lâm Dĩ An toàn nói xin lỗi.

Có lẽ chủ quán nhận ra phiền não của cô nên đề nghị: “Gọi xe chở đi cô ơi.”

Trình Nặc sực tỉnh, ngớ người một lúc mới nói: “Nhưng tôi ở bên kia sông mà.”

Chủ quán bảo không sao, “Xe cũng chở được, có điều xe lên phà phải mua vé, tiền do cô trả.”

Trình Nặc gửi đồ ở chỗ chủ quán rồi đi tìm xe. Ở ven đường có rất nhiều xe van kiếm khách. Trình Nặc tìm trong số đó một chiếc, hỏi tài xế, qua sông thì mất bao nhiêu tiền.

Tài xế thấy Trình Nặc không phải là dân bản xứ thì đòi rất nhiều, chặng đường chỉ có mười mấy phút mà đòi một trăm đồng.

Trình Nặc mở ví tiền ra, cô đã tiêu gần hết tiền mặt mang theo rồi, chỉ còn lại một tờ năm mươi cùng mấy đồng xu lẻ.

“Không thể rẻ hơn được à? Chỉ lên bờ là đến rồi, không xa đâu.”

Tài xế khoát tay, “Đường bên kia không dễ đi, lấy một trăm là rẻ lắm rồi.”

Trình Nặc từ bỏ, tìm một chiếc khác, đột nhiên bên cạnh có đậu một chiếc xe ba bánh. Là loại xe ba bánh có thể chở hàng ở phía sau, lúc đề máy thì kêu brum brum.

“Tìm xe à?” Lái xe hỏi cô.

Trình Nặc nói phải, đầu tiên là nhìn xe rồi sau đó mới nhìn người. Người này khoảng hai mươi bảy hai mươi tám tuổi, dáng rất cao, để đầu đinh, mặc áo thun màu đen với quần jean, ống quần xắn đến tận bắp chân, còn dính chút bùn. Nước da ngăm đen, là kiểu đen do làm việc phơi nắng lâu ngày. Mặt góc cạnh rõ ràng, đeo kính râm không nhìn rõ mắt, sống mũi rất cao, cằm chẻ lún phún râu xanh.

Cô trông có phần quen mắt, nhưng lại không nhớ đã từng gặp ở đâu.

Lại nghe thấy anh ta hỏi: “Muốn chở đồ à? Ở đâu?”

Trình Nặc chỉ về phía quán, “Bên kia.”

“Lên xe.”

Trình Nặc a lên, hỏi anh ta: “Anh lấy bao nhiêu tiền thế? Tôi chỉ có năm mươi thôi.”

Người kia ngoái đầu lại, khóe môi nhếch lên như đang cười.

“Vậy thì lấy năm mươi.”

Xe ba bánh chạy đến bên ngoài quán, túi lớn túi nhỏ chất đầy một xe. Trình Nặc không có chỗ ngồi, người kia dịch mông qua, để trống chỗ ở chỗ tài xế.

Trình Nặc biết ý anh ta, vội ngồi lên. Có hơi chật, cô cố gắng ngồi xích ra bên kia, không đụng vào anh ta.

Xa ba bánh chạy rất chòng chành, tốc độ cũng không chậm. Chỉ mấy phút đã đến bến rồi, đúng lúc có phà gần lên đường, thế là xe chạy thẳng lên đấy. Vừa lên phà, Trình Nặc đã nhảy xuống xe.

Chỗ ngồi quá chật, trên người anh ta lại có mùi thuốc lá, mùi thuốc cứ xộc thẳng vào mũi cô. Lại khiến cô nhớ đến Lâm Dĩ An, người anh ta luôn rất dễ chịu sảng khoái, chỉ có mùi xà phòng.

Trình Nặc đi về phía buồng lái, nói: “Tôi đi mua vé.”

“Không cần mua vé.”

Trình Nặc quay đầu lại, cảm thấy câu này rất quen.

“Nhưng tôi nghe chủ quán nói, xe lên phà cần phải mua xé.”

Anh ta cũng xuống xe, đi tới bên lan can lôi thuốc lá ra. Dùng tay che gió thắp một điếu, lúc này mới nói với Trình Nặc: “Xe của tôi không cần mua.”

Trình Nặc ồ một tiếng, hiểu ra rồi, xe ba bánh thì không cần mua vé.

Cô nhìn mặt sông, không lên tiếng nữa.

“Cô mua ngôi nhà kia à?”

Đột nhiên người kia nói một câu không đầu không đuôi làm Trình Nặc đờ ra.

“Ngôi nhà của bà Bạch ấy, cô mua à?”

“À.” Trình Nặc trả lời: “Đúng thế.” Bà lão bán nhà cho cô họ Bạch.

“Sao anh biết?”

Anh ta cười khẽ, “Trên cái cù lao này tổng cộng chỉ có ba mươi bảy căn nhà. Mấy chuyện mua bán nhà thế này ấy, muốn không biết cũng khó.”

“Anh cũng ở đấy à?”

Anh ta gật đầu rồi không nói gì thêm.

Phà đã cập bờ, vừa lúc anh ta hút xong điếu thuốc. Hai người lại lên xe ba bánh, brum brum chạy xuống. Vì xe không lên nổi thềm ở bến nên phải vòng một đoạn đường ngắn.

Xe ba bánh chạy thẳng vào sân, Trình Nặc chuyển hết đồ xuống đặt lên đất. Lấy tờ năm mươi cuối cùng trong ví ra, trả tiền xe.

Anh ta vẫn nhìn động tác của cô, khựng một lúc rồi mới nhận tiền, tiếp hỏi Trình Nặc: “Hôm nay cô ở đây luôn rồi à?”

Trình Nặc nói phải.

“Không sợ?”

Trình Nặc ngẩn người, cô còn chưa nghĩ đến vấn đề này. Căn nhà này ở sát rìa thôn, trước sau không có nhà ai. Vì đang là ban ngày nên không cảm thấy, nhưng nếu trời tối, cả một ngôi nhà lớn như thế, mà chỉ có một mình cô…

Anh ta nhếch mép, nói: “Cẩn thận đấy, nhà cũ rồi, tới tối, hay có tiếng động lắm.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui