Mùi Hương Trầm


Tôi hiểu tâm trạng của nhiều người Tây Tạng khi họ không muốn rời miền cao nguyên của họ để xuống đồng bằng. Và tôi cũng thể hiểu tại sao bà Alexandra David-Néel lúc tuổi đã 75 mà vẫn còn đi Tây Tạng lần thứ ba. Vì lẽ gì mà xứ Tây Tạng quyến rũ con người đến thế?
Xe chạy dọc theo Yarlung Tsangpo, từ Shigatse về lại Lhasa. Đây là con đường mới, được gọi là "new road", tôi đang từ giã hướng tây để trở lại phương đông. Tôi ngoái nhìn lại lần cuối hướng tây, nơi Ngân sơn đang ngự trị, nơi vương quốc Guge đang chờ tôi.
Tôi đã biết đoạn sông Tsangpo miền đông nam Lhasa, nơi mà các nhà vua Tây Tạng đã một thời xây dựng. Giờ đây tôi sẽ chạy khoảng trên 350km theo Tsangpo và xem con sông này sẽ biến dạng thế nào trên cao nguyên trùng điệp những đá này. Tôi sẽ không thể đi hết mấy ngàn cây số dọc Tsangpo được vì con sông này hiểm trở thế nào ta đã biết, nhưng cũng vì Tây Tạng đất rộng người thưa, người đi trên đường còn không có, làm gì có thuyền đi trên sông. Thật vậy, tôi không thấy một bóng thuyền nào cả trên con sông này, kể cả trong những đoạn sông hết sức hiền hòa.
Tôi nhớ đến Trường Giang của Trung Quốc và chợt thấy mình so sánh sai lầm. Người Trung Quốc đông đến mức họ phải sống trên sông hồ, còn tại Tây Tạng, thiên nhiên quá hào phóng, đất đai quá bát ngát, con người lẫn dê cừu chỉ là một chấm nhỏ trong cảnh quan vô tận. Đó là chưa kể thung lũng Yarlung Tsangpo tương đối đông dân, còn những nơi khác như miền bắc, miền đông Tây Tạng thì sự tĩnh lặng là âm thanh ngự trị thế giới. Cảnh quan vô tận, màu sắc rực rỡ trong một sự tĩnh lặng đến nao lòng, không có nơi nào trên thế giới ta có thể tìm thấy sự tương tự. Đó phải là ấn tượng ai ai cũng có khi đến Tây Tạng.
Có người dừng lại ở những ấn tượng đó và vội tìm những cảm giác quen thuộc để tâm tư bớt hoảng sợ vì sự xa lạ. Nhưng cũng có người sớm thấy rằng cảnh quan thiên nhiên bao la đó không làm ta lo sợ hay bơ vơ mà dường như trời đất đến gần với ta hơn, thân tình hơn. Đi thêm một bước, cảnh quan, màu sắc và sự tĩnh lặng, đó là con đường dẫn ta đến một cánh cửa. Con đường đó không hề giản đơn và ngắn ngủi, nó có thể rất dài và vì ta chưa đến nơi để mở cửa nên không mấy ai biết nó dài bao nhiêu.
Đó là cánh cửa của tâm linh, của ý thức được nâng lên và mở rộng. Tôi đoán như thế thôi vì mình chưa hề đi được xa. Thế nhưng tôi biết, thiên nhiên rộng mở làm ý thức ta lan tỏa. Màu sắc rực rỡ và thuần tịnh cho ta sớm biết, màu sắc chính là những "mẫu hình nguyên thủy", những cánh cửa trực tiếp dẫn vào sự chứng nghiệm. Sự tĩnh lặng đang ngự trị chỉ kéo ta về với nhận thức rằng tất cả âm thanh đều là sự nhảy múa vô thường trên nền tảng bất di bất dịch này.
Thế nên cảnh quan thiên nhiên tuyệt diệu của Tây Tạng không chỉ làm hứng khởi tầm nghe nhìn của chúng ta vốn thường bị mây mù, khói đục và tiếng ồn che phủ. Nó tích cực hơn, nó dẫn đường mở lối cho nhận thức và ý niệm về cái miên viễn đang hiện hình trước mắt ta. Tâm ta biết rằng cái miên viễn không phải đi tìm đâu xa, nó nằm ngay trước mắt, nó hiện diện ngay trong lòng, chỉ mắt vướng bụi nên không thấy nó, chỉ lòng chưa tỉnh nên không nhận ra nó. Nhưng cái miên viễn cũng không phải trần trụi sờ sờ ra đó để ai cũng có thể ngắm nghía mà muốn tới với nó phải đi hết đoạn đường phi hữu phi không, phải tự tay mở cánh cửa vô môn, phải nghe được thứ tiếng không lời, phải vào chốn ẩn mật chỉ dành cho những người biết dâng hết tâm ý, biết buông rơi chính mình. Cảnh quan Tây Tạng là bước khởi đầu, không phải là đoạn kết thúc.
Con đường gọi là "new road" này nhìn trên bản đồ tưởng như xa lộ nhưng thực ra chỉ là một con đường nhỏ chạy dọc theo thung lũng Yarlung. Xe chạy khi gần khi xa mặt sông. Có khi xe phải lội nước vì có một con suối nào do băng tan sinh ra, chảy từ sườn Hy-mã ngang nhiên băng qua đường lộ để xuống sông Yarlung Tsangpo. Có đoạn thung lũng hẹp lại, đường phải chạy trên sườn núi, dưới là sông. Và cũng có khi đường chạy trên núi cao và dưới kia là hẻm núi, sông Yarlung Tsangpo bây giờ nằm xa tít phía dưới như một giải lụa màu ngọc thạch. Dưới kia chính là những "hiệp", chúng đẹp hơn, sâu hơn, hiểm yếu hơn cả Trường Giang tam hiệp mà tôi từng biết.
Thế nhưng tại sao những hẻm núi này không hề nổi tiếng? Có lẽ vì con người ít tới đây quá, so gì được với dân Trung Quốc ở Trường Giang. Những "hiệp" này thật ra là rất đẹp nhưng cảnh quan ở Tây Tạng ở đâu cũng vô song, đó là lý do chúng không nổi tiếng. Nhưng tại sao chúng phải nổi tiếng, cảnh quan thiên nhiên đâu phải để con người thừa nhận và khen tặng. Thiên nhiên quá cao quí và con người bé nhỏ biết bao.
Xe dừng ở một thị trấn nhỏ tên là Tadruka, chúng tôi xuống ăn trưa. Tadruka làm tôi nhớ những thị trấn trên quốc lộ số 1 của Việt Nam, nó là chỗ ăn uống dọc đường cho lữ khách. Thị trấn nằm bên sông Yarlung Tsangpo, phía trên là đường xe chạy, phía dưới là bến phà qua bên bờ bắc của sông. Chủ quán rõ là một phụ nữ trẻ người Hán, chị có nước da sáng trắng khác hẳn người Tây Tạng. Chị mừng quýnh khi thấy khách vô cả loạt và thú thật với chúng tôi là phải chạy đi mua thức ăn. Chúng tôi có thì giờ, người hướng dẫn đoàn nói. Chồng chị là một người Tây Tạng, anh lo làm bếp.
Chúng tôi tự nhiên vào bếp xem anh nấu nướng. Anh là người Tây Tạng nhưng lại nấu theo kiểu Trung Quốc, chắc học cách làm bếp của vợ. Chỉ với một cái nồi đáy tròn mà anh diệt gọn tất cả các món, chay mặn đều có, rau thịt không thiếu. Từ chiếc nồi đó mà anh đem thức ăn bốc khói ngùn ngụt thẳng lên bàn, trưa hôm đó chúng tôi có một bữa ăn ngon lành hiếm có. Những người dân giã chân chất biết bao, người dân Hán hay Tạng có bao giờ chống nhau, họ là những hình ảnh đẹp của con người sống thân ái và hạnh phúc. Ở đâu cũng thế, thời nào cũng thế, những xung đột giữa các quốc gia, giữa các bộ tộc, giữa các giáo phái đều do tham vọng quyền lực của những người lãnh đạo.
Từ tiệm ăn này mà nhìn qua sông tôi lại thấy thăm thẳm những cao nguyên và núi đá, không có một bóng người, dưới sông không thấy ai qua phà. Mặc dù tiệm ăn ồn ào tiếng cười nói nhưng sự tĩnh lặng vẫn trùm khắp, hầu như tiếng ồn vội tắt ngay trong không gian bao la này.
Không gian bao la và tĩnh lặng nhưng không hề là sự chết vì màu sắc nơi đây quá sống động. Những màu sắc rực rỡ này làm ta nghĩ đến màu các vị Phật trong dạng Báo thân. Tôi chợt nhớ tại Tây Tạng, màu sắc là phương tiện để tạo linh ảnh, là cách để đi vào những tầng tâm thức ẩn mật. Sắc đỏ là tượng trưng lòng từ bi. Sắc lục tượng trưng cho sự an lạc, lòng vô úy, sự xả bỏ. Sắc vàng là màu của ánh mặt trời, là sự tăng trưởng, lớn mạnh, sự già dặn sung mãn. Sắc xanh là màu của tri kiến, của đại trí, của không gian mênh mông. Những màu sắc thuần tịnh này hầu như nhấc ta khỏi thế giới của Ứng thân để đi vào Báo thân.
Vì những lẽ đó mà Phật giáo Tây Tạng hay vận dụng phép tạo linh ảnh. Đối với người Tây Tạng, việc vận dụng linh ảnh để biết trước những chuyện xảy ra trong tương lai, để biết chuyện cách xa vạn dặm xem ra bình thường, họ không cho đó là cái gì huyền bí. Cảnh quan và màu sắc trên cao nguyên này hầu như nằm giữa dạng Ứng thân và Báo thân, con người sống trên đây hầu như thường xuyên qua lại giữa những tầng tâm thức.
Cái miên viễn tuyệt diệu mà người thường như tôi cảm thấy tại Tây Tạng phải chăng là mùi vị đầu của một cái mà ta nói chữ là "Pháp thân"? Tôi thì không bao giờ nghĩ mình sẽ chứng được cái đó, thật ra tôi cũng chưa bao giờ muốn. Thế nhưng nếu người-đồng-bằng tại Trung Quốc hay Việt Nam hình dung về Pháp thân một cách hết sức xa xôi và trừu tượng thì xem ra Phật Giáo Tây Tạng nói về nó một cách khá cụ thể. Họ xem Pháp thân là một điều có thể thực chứng được, có thể "thấy" được nó, miễn là tu học đúng cách, miễn là có thầy hướng dẫn.
Báo thân và Pháp thân là những điều quá xa vời đối với Phật tử thông thường. Nhưng tại Tây Tạng, nhiều người cho rằng các đạo sư có trình độ có thể truyền linh ảnh cho những ai muốn thấy Báo thân. Còn con người thì trong một đời làm người có thể chứng Pháp thân. Đó là lý do tại sao Phật Giáo Tây Tạng có nhiều phép tu huyền bí, có khi xa lạ đối với chúng ta.
Liệu bà Alexandra David-Néel trở lại Tây Tạng lúc tuổi đã cao để chứng thực điều gì hay không thì tôi không biết. Nhưng cảm nhận của tôi tại cao nguyên Tây Tạng là hết sức rõ. Đó là một miền đất có một không hai trên địa cầu, nơi đó con người có đầy đủ những yếu tố để sống một đời sống viễn ly, để nhìn vào bên trong, để mở rộng những biên giới của ý thức và để vươn lên một mức độ tâm linh cao hơn. Liệu những yếu tố đó chỉ do những tính chất địa lý vô song của Tây Tạng sinh ra hay vì phần đất này nằm trong vòng ảnh hưởng tâm linh vĩ đại của những ngọn núi ẩn mật, của những dòng sông thiêng liêng, của những vị giác ngộ đã sống nơi đây, của những con người đang thiền định đâu đó trong khe núi vách rừng, điều đó tôi không rõ.
Xe đã rời sông Yarlung Tsangpo để ngược về phía bắc hướng về Lhasa. Tôi sắp rời Tây Tạng để trở về đồng bằng. Nơi đó sẽ có một bầu khí quyển dễ thở hơn cho tôi nhưng phố phường chật hẹp, mây mù và tiếng huyên náo của cuộc đời sẽ chờ đón tôi.
GIÃ TỪ TÂY TẠNG
Rồi cũng có ngày tôi rời Lhasa, lên máy bay về lại Tứ Xuyên. Tôi nhớ G.Tucci, nhà Phật học và Tây Tạng học người YÙ. Ông viết: "Từ Lhasa ra đi không giống như từ giã một thành phố nào đó. Dễ trở lại một nơi nào bất kỳ, nhưng Lhasa là không thể đạt tới, hầu như nó nằm ngoài thế giới này. Từ đó ra đi cũng như tan một giấc mơ mà không biết rằng nó có trở lại không".
Lhasa ngày nay còn mong manh hơn thế vì nó đang chết dần chết mòn. Những bước chân rầm rập của lính tráng đang chôn vùi một nền văn minh độc đáo. Và không phải chỉ Lhasa thôi, Shigatse, Gyantse cũng đang thay đổi, những đô thị khác mà tôi chưa tới được hẳn cũng dần dần mất đi gia tài văn hóa của mình. Toàn cả nước Tây Tạng đang từng ngày đáng mất quá khứ của mình, đang trở thành một "khu tự trị" vô danh.
Ngắm nhìn điện Potala lần cuối, tôi nhớ lại một lời tiên tri. Lời đó nói rằng vị Đạt-lai lạt-ma thứ 14 hiện nay là vị cuối cùng, sẽ không còn vị tái sinh nữa. Đạt-lai là rường cột tinh thần của dân Tây Tạng mà nếu vị hiện nay đã trên 65, không còn vị nào tái sinh nữa thì số phận Tây Tạng coi như an bài. Mà cũng đúng thay, làm sao có ai lật ngược được tình thế của dân tộc Tây Tạng.
Ngày nay Trung Quốc đang ngự trị Tây Tạng, họ ra sức xây dựng miền cao nguyên lạnh lẽo này để dễ đồng hóa. Công bằng mà nói, người Trung Quốc xây đường sá rất giỏi. Tại Trung Quốc, những nơi hẻo lánh và hầu như chỉ có khách Phật tử hành hương như Ngũ Đài sơn, Cửu Hoa sơn đều được xây dựng cầu đường hết sức nghiêm túc. Tôi tới đảnh lễ được những nơi đó là cũng nhờ họ và không quên, xây đường đắp cầu cũng là một công đức lớn, theo quan điểm đạo Phật. Tại Tây Tạng, Trung Quốc xây dựng nhiều công trình hạ tầng như đường xá, bệnh viện, trường học..., đó là điều tôi không thể không nhắc tới.
Điều khách quan hiện nay là Tây Tạng đã đi qua một hướng mới, người dân không thể trở lại đời sống cũ. Tôi từng thấy tu sĩ Tây Tạng mang cả điện thoại di động thì làm sao quay lại bánh xe lịch sử, nếu có ai muốn. Tôi nghĩ rằng nếu Đạt-lai có trở lại Tây Tạng thì ông cũng không hề muốn dân mình sống một cuộc sống lạc hậu. Và nếu ông trở về thì liệu ông và những người Tây Tạng theo ông có đủ trình độ chính trị và kinh tế để đưa một dân tộc đi lên?
Tôi không muốn lạc lối vào những giả định vô bổ và cũng chẳng có "giải pháp" nào cho dân Tây Tạng. Tâm tư của tôi có lẽ cũng giống như những người đã đi Tây Tạng, đó là tiếc thương một nền văn minh thật sự độc đáo đang suy tàn. Hơn nữa đối với tôi, đó không phải là một nền văn minh bất kỳ mà nó là kim cương thừa Phật giáo, nó là bước phát triển tiếp của đạo Phật, sau tiểu thừa Ấn Độ và đại thừa Trung Quốc. Và nếu đại thừa Trung Quốc thu liễm trong mình cả tiểu thừa Ấn Độ thì kim cương thừa Tây Tạng dung chứa cả tiểu thừa lẫn đại thừa. Phật Giáo Tây Tạng nói có lý rằng, tiểu thừa, đại thừa hay kim cương thừa đều là từng bước phát triển ỗi cá thể. Phật giáo Tây Tạng là hiện thân đích thực của Kinh Pháp Hoa mà Phật thuyết tại đỉnh Linh Thứu, tất cả các "thừa" đều là phương tiện, là "lấy lá giả vàng" để dẫn độ chúng sinh.
Vì thế mà nền văn minh Tây Tạng chết đi thì đối với tôi là Phật giáo đang suy tàn trên toàn thế giới. Tại Ấn Độ như đã nói, Phật giáo đã diệt vong từ thế kỷ thứ 11, 12. Tại Trung Quốc thời hoàng kim của Thiền Tông cũng bùng lên và tắt lụi cách đây đã nhiều thế kỷ. Và tại Tây Tạng, có lẽ tôi đồng ý với Sangharakshita [24], ông cho rằng đạo Phật sẽ diệt vong trong vài thế hệ nữa.
[24] - Sách đã dẫn
Nhưng, đức Thế Tôn cũng chẳng đã nói, giáo pháp của Ngài cũng sẽ diệt vong như mọi chuyện trên đời. Cái gì có sinh, cái đó có diệt, đó là quy luật. Còn cái vô sinh, cái miên viễn mà trên cao nguyên này mà có lẽ tôi đã nếm chút mùi vị thì đâu cần còn đạo Phật mới có nó. Nó đâu cần tên gọi, ta có gọi nó là Pháp thân, Phật tính hay Thượng đế, Đại ngã hay bất cứ từ gì khác cũng được.
Đạo Phật có thể diệt vong nhưng triết lý nhận thức và hành động của nó vẫn tồn tại, có thể dưới một tên gọi khác, nó "được khám phá lại một cách mới mẻ" [25]. Nhận thức luận của nó vẫn tồn tại vì triết lý Tính Không của nó là ưu việt để nói về cái miên viễn đó, không có nhận thức nào hơn. Triết lý hành động của nó cũng còn tồn tại vì Bồ-tát đạo của Phật giáo là con đường không thể không đi cho những ai có lương tâm. Vì thế nếu trong tương lai xa, nếu Phật giáo có diệt vong thực, ta sẽ không ngạc nhiên nếu triết lý nhận thức và hành động đó vẫn còn lưu truyền, dù người đi trình bày cho nó không hề biết mình là Phật tử, không hề biết có một nhân vật lịch sử tên gọi là Thích-ca mâu-ni.
[25] - Schumann trích lời đức Phật. Xem chương "Từ Linh sơn nhớ về Yên Tử" trong phần hai
Ngày đó, người giảng pháp Phật không hề mặc áo tu sĩ mà có thể là một nhà vật lý học hay sinh vật học. Ngày đó người ta sẽ nói về "sắc" và minh họa nó bằng những hạt cơ bản trong ngành vật lý hay bằng nhiễm sắc thể và Genom trong ngành sinh vật. Cũng trong những ngày đó người ta sẽ thấy "không" một cách gần gũi cụ thể như người Tây Tạng thấy Pháp thân và cũng có thể họ sẽ nói "sắc chính là không, không chính là sắc" [26].
[26] - Lời trong Bát-nhã ba-la-mật-đa Tâm Kinh
Lời kinh của Đức Thích-ca đã làm tôi bớt băn khoăn với tương lai đạo Phật và Tây Tạng. Đó phải là lý do mà Di-lặc có cái nhìn bí ẩn và hóm hỉnh về những gì xảy ra dưới chân Ngài. Và tôi nhớ lại, tại Bonn, Đạt-lai thứ 14 cũng cho thấy một đầu óc hài hước tinh tế. Tất cả các vị đạo sư xưa nay đều nhìn cuộc đời với cặp mắt xanh biếc của Di-lặc, bí ẩn và hóm hỉnh và hầu như nói, những gì ta đang có rồi cũng sẽ mất nhưng những gì quí nhất thì vô thủy vô chung không bao giờ rời ta.
Máy bay lướt về hướng đông, sau lưng tôi là Lhasa, là Ngân sơn, là Yarlung Tsangpo, ngày càng xa. Tôi đang rời xa man-đa-la Ngân sơn mà tôi chưa được tới, đang xa man-đa-la Kumbum mà tôi đã từng lên tận đỉnh Pháp thân. Có hề gì, ở đâu cũng có "nó" nếu ta biết nhận thức, đó là bài học tôi mang về từ Tây Tạng.
Trước mặt tôi là Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên. Tại nơi đó có một đỉnh núi mà tôi đã tới chiêm bái, đó là Nga Mi sơn, trú xứ của bồ-tát Phổ Hiền. Tôi bất giác cảm tạ hành nguyện bao la của Phổ Hiền, sẵn sàng cho bất cứ ai thực hiện nguyện ước của mình. Có thể nhờ Phổ Hiền mà tôi đã đi được Tây Tạng.
Máy bay hạ cánh ở Thành Đô, tôi thở một hơi dài nhẹ nhõm. Tiếng ồn ào tràn ngập sân bay và vô số con người xuôi ngược trên đường. Tôi nhanh chóng về khách sạn. Trong gương soi mặt, môi tôi đã bớt tím. Từ trong chiếc va-li rơi ra chai dầu gội đầu, bây giờ nó đã xẹp lép vì áp lực không khí nơi đây quá cao.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui